Vì Cha là Đấng hoàn thiện (24.02.2024 – Thứ Bảy Tuần I Mùa Chay)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Đnl 26,16-19, Mt 5,43-48

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 5,43-48)

43 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Lm. Giuse Trần Hưng Đạo, OP

Vì Cha là Đấng hoàn thiện (24.02.2024)

Là dân riêng của Thiên Chúa nên Israel phải là dân Thánh, vì thế, một trong những điều Thiên Chúa đòi hỏi dân ngay từ đầu là “các người phải trở nên thánh thiện vì Ta là Đấng thánh” (Lv 19,2). Sau này Chúa Giêsu cũng khuyên các môn đệ : “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).

Bài đọc 1 hôm nay trích từ sách Đệ nhị luật, là bài diễn từ của ông Mô-sê với dân Israel, lúc họ đang ở cánh đồng Mô-áp và chuẩn bị vượt sông Gio-đan để vào Ca-na-an. Ông Môsê hiểu dân mình nên ông lo sau này khi đã sống ổn định trên đất Canaan thì dân sẽ không còn trung thành với Chúa nữa. Vì thế ông Mô-sê đã nêu ra hai con đường để dân chọn : nếu họ chọn đi theo Chuá và tuân giữ các lề luật của Ngài thì họ sẽ dược sống, được Thiên Chúa yêu thương, bảo vệ, ban cho họ vinh quang, thanh danh và huy hoàng hơn mọi dân tộc. Ngược lại, nếu dân bỏ Chúa mà thờ các thần ngoại thì họ sẽ đi vào con đường chết.

Nỗi trăn trở của ông Mô-sê quả thực không thừa, bởi vì sau này khi đã vào Ca-na-an, đã xây dựng Israel thành một quốc gia rồi, thì dân Israel, từ vua xuống đến dân đều bỏ bê Thiên Chúa mà chạy theo những thói xấu và thờ lạy ngẫu tượng của dân ngoại. Thiên Chúa nhiều lần gửi đến những ngôn sứ để cảnh tỉnh họ nhưng họ chẳng đoái hoài. Khi bị Thiên Chúa sửa trị, họ trở lại van xin Thiên Chúa và được Ngài tha thứ, tiếp tục quan phòng, chăm sóc họ. Nhưng rồi lại chứng nào tật nấy, họ lại bỏ Chúa mà đi thờ ngẫu tượng, lại bị Chúa phạt, lại nài xin … cái vòng phản bội –  xin tha ấy cứ liên tục tái diễn nên Thiên Chúa đã để đất nước họ bị tiêu diệt, Đền Thờ, nơi họ luôn tin tưởng bất khả xâm phạm, bị phá hủy, dân bị lưu đày, bị phát tán …

Vấn đề mà ông Môsê nêu ra cho dân Israel xưa cũng là vấn đề muôn thuở của loài người, cách riêng của các Kitô hữu, đặc biết là trong mỗi mùa Chay : người Kitô hữu phải dứt khoát chọn một con đường duy nhất, là con đường theo Chúa.

Thiên Chúa không chấp nhận những ai cứ nhảy khập khiễng hai chân, vừa muốn theo Chúa mà cũng lại muốn thờ thần Baal như dân Israel xưa (x. 1 V 18,21). Người Kitô hữu không thể vừa theo Thiên Chúa vừa muốn có những lợi lộc thế gian, không thể thể cứ hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh để bị Thiên Chúa “mửa ra khỏi miệng” (Kh 3,15-16).

Để theo Chúa, để được gần Chúa thì người Kitô hữu phải trở nên tinh tuyền, vì Thiên Chúa là Đấng Thánh, là Đấng hoàn hảo như Chúa Giêsu đã dạy : “Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo”.

Muốn được như vậy thì chỉ có một cách : lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Và Lời quan trọng nhất phải tuân giữ là : Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực yêu người thân cận như chính mình. (Mc 12,30-31).

Thế giới thời Israel sơ khai đầy áp bức, bạo lực. Bộ luật của Mô sê là sự tiến bộ vượt trội so với các luật lệ trong vùng, vì nó có tính nhân văn và đem lại sự công bằng, như luật báo phục tương xứng Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân (Đnl 19,21), và chú trọng tình yêu thương cộng đồng : Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình.” (Lv 19,18).

Thiên Chúa là Tình yêu. Chúa Giêsu mang lửa yêu mến xuống thế gian, Người nâng luật lệ lên tầm cao của lòng yêu thương vô hạn, xóa bỏ hận thù. Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con, vì mọi người đều do Thiên Chúa tạo dựng và được Ngài yêu thương như nhau.

Vậy để đáp lại tình yêu của Chúa đã dành cho mình, để đẹp lòng Chúa, người Kitô hữu phải yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù, bởi họ cũng là con của Cha trên trời, là anh em của mình. Cha mẹ nào cũng rất vui khi thấy con cái yêu thương, hòa thuận, sống đùm bọc lẫn nhau.

Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã nêu tấm gương cầu xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ sát hại người. Rồi đến Phó tế Stêphanô, vị thánh tử đạo tiên khởi của Hội Thánh, cũng theo gương Thầy Giêsu mà xin Thiên Chúa tha tội cho kẻ đang ném đá giết mình. Thời hiện đại có tấm gương tha thứ và cầu nguyện cho kẻ thù của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Ngày 13/5/1981, tại công trường thánh Phêrô đông nghẹt người, các Kitô hữu đang chờ đợi được tiếp xúc với Đức Thánh cha Gioan Phaolô II. 17 giờ 19 phút, Ali Agca (Mehmet Ali Ağca), một thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ, đã bắn 4 phát đạn súng lục vào Đức Thánh Cha để ám sát ngài. A-li Ac-ca bị bắt ngay. Đức Thánh Cha được đưa đi cấp cứu.

Cả thế giới sửng sốt và kinh hoàng vì vụ ám sát. Tất cả các tín hữu đều cầu nguyện cho vị Giáo hoàng.

Bốn ngày sau, Chúa Nhật 17/5/1981, đông đảo Kitô hữu tập trung ở công trường Thánh Phêrô để đọc kinh Truyền Tin và chờ ngóng tin tức về Người Cha chung. Đức Gioan Phao lô II không thể xuất hiện ở cửa sổ phòng làm việc như mọi khi, mà tiếng nói của Ngài được truyền đi từ giường bệnh ở bệnh viện. Giọng Ngài yếu ớt, lời đầu tiên Ngài nói là “Tôi cầu nguyện cho người anh em, người đã tấn công tôi, người mà tôi chân thành tha thứ. Hiệp nhất với Chúa Kitô, Linh mục và Nạn nhân, tôi xin dâng những đau khổ của tôi cho Giáo hội và cho thế giới.”

Ali Agca bị kết án tù chung thân. Hai năm sau, ngày 27/12/1983, Đức Gioan Phaolô II đã đến nhà tù Rebibbia ở Roma, vào phòng giam của Ali Agca và ôm lấy anh thanh niên đã muốn sát hại ngài. Đức Thánh Cha đã xin chính quyền Ý ân xá cho Ali Agca. Ngài giữ liên lạc với gia đình Ali Agca và năm 1987 Ngài đi thăm mẹ của anh.

Sau khi được tha ở Ý, Ali Agca bị đưa trở về Thổ Nhĩ Kỳ để thụ án vì những vụ ám sát, cướp nhà băng anh thực hiện trước đó. Năm 2006 Ali Agca được ra tù. Anh xin sang sống tại Ba Lan vì nơi đây là quê hương của Đức Gioan Phaolô II. Năm 2014 Ali Agca đã đến viếng  mộ của Đức Gioan Phaolô II và đặt hoa hồng trắng trên ngôi mộ.

Ali Agca đã cải đạo sang Công giáo và mong muốn được trở thành một linh mục.

Câu chuyện về sát thủ Ali Agca cho người ta thấy chỉ có Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa mới có thể biến đổi những kẻ thù thành anh em của mình.

Vào đầu mùa Chay, Chúa đã nhắc nhở con : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”

Tối hôm qua, một chị trong giáo xứ bị tai biến và đã ra đi ở tuổi 45. Sáng nay lại nghe chín tiếng chuông báo tử. Con thầm đọc kinh cầu nguyện cho họ và cũng là cầu nguyện cho chính con : Thời kỳ đã mãn …

Lạy Chúa Giêsu, con vẫn chăm chỉ học hỏi Lời Chúa, nhưng cuộc sống của con đã chỉ ra rằng con còn đầy những ích kỷ, tham lam, vẫn mau mắn chạy theo những lợi lộc và thú vui trần gian. Chính những điều đó làm cho con vẫn có những va chạm, những xúc phạm đến những anh chị em chung quanh con,

Xin Chúa giúp con thực sự hoán cải, hoàn thiện bản thân để xứng đáng đến gần Chúa là Đấng hoàn thiện. Amen.

Jos. NM Tưởng

Yêu là cầu nguyện cho kẻ hại mình (04.03.2023)

Vì sứ mệnh của Ngôi Hai đến trần gian là làm kiện toàn Luật Môsê (x Mt 5,17). Cụ thể Luật Môsê dạy : “Hãy yêu thân nhân và ghét địch thù” (x Mt 5,43 = Lv 19,18). Ghét ở đây trong văn hóa của người Do Thái thời ấy phải hiểu là không được yêu bằng. Đức Giêsu đòi ai cũng phải sống hoàn hảo Luật Yêu người là yêu cả địch thù, nhưng phải ghét tội (x Mt 5,44). Mà không có tội nào chu du ngoài đường mà ta gặp để phải ghét nó, vì tội gắn liền với một người. Vậy yêu kẻ địch thù chỉ còn cách cầu nguyện xin Chúa ban ơn cho nó biết sám hối tội và chừa cải, nhờ được Chúa thanh tẩy, để được cứu độ. Trước lỗi lầm của người khác, ta phải nhớ mình là người lính canh có trách nhiệm sửa lỗi người anh em (x Ed 33,7-9). Mà “yêu hoa không có nghĩa là yêu cả con sâu nằm trong bông hoa mà ta phải tìm cách diệt con sâu đó, dù có phải làm rụng phấn hoa”.Thương giúp người như thế cần thiết và quan trọng hơn lúc ta biểu lộ cử chỉ thân thiện thì chưa chắc nó đã đón nhận, tệ hơn nó tưởng ta sai lầm muốn chuộc tội, khiến nó tự hào về đường lối gian ác của nó. Nhưng khi ta biết cầu nguyện cho đối phương nên Thánh (biết xa tránh tội lỗi), là ta được :

– Giống Đức Giêsu trên thập giá đã cầu nguyện cho kẻ giết Ngài : “Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng lầm không biết việc chúng làm” (Lc 23,34).

–  Có yêu thương kẻ làm hại ta như Đức Giêsu, thì mới được đồng danh với Ngài là “Con Đấng Tối Cao”, cùng là con của Đức Trinh Nữ Maria (x Lc 1,32 = Lc 6,35).

–  Ta xứng danh là con Cha trên trời, như Đức Giêsu dạy : “Anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,45-48 : Tin Mừng).

Vậy chỉ khi nào ta sống ba điểm giáo lý trên đây, thì mới có thể nói với mọi người : “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6,2b : Tung Hô Tin Mừng).

Phó tế Stêphanô biết cầu nguyện cho kẻ giết mình, nội dung lời cầu theo mẫu lời cầu của Đức Giêsu trên thập giá : “Lạy Chúa Giêsu xin đón nhận lấy hồn con. Lạy Chúa Giêsu xin đừng chấp tội họ” (Cv 7,60 = Lc 23,34). Hiệu quả lời cầu nguyện này đã biến “sói Saulo”, kẻ đã ôm áo cho người ta dễ bề ném đá Stêphano đến chết, trở thành Tông Đồ Phaolô xuất sắc nhất, làm vinh hiển Chúa không thua kém các Tông Đồ thượng đẳng (x 2 Cr 11,5). Nếu Stêphano còn sống, được tự do hoạt động với lòng nhiệt tình của ông, thì vẫn còn thua xa khi ông được về Trời tiếp tục cầu nguyện cho ông Phaolô thi hành sứ mệnh rao giảng đạt hiệu quả cao  như thế !

 Chính vì vậy mà trong Bài đọc, ba lần ông Môsê dùng từ “hôm nay” nói với dân : “Hôm nay, nếu anh em thi hành mọi Lời Chúa truyền dạy anh em, thì anh em sẽ là dân thuộc quyền sở hữu của Người, Người sẽ cho anh em vượt mọi dân tộc mà Người đã tạo dựng, xét về vinh dự, danh tiếng và vinh quang” (Dnl 26,16-19).

 Thật “hạnh phúc thay người noi theo Luật pháp Chúa Trời” (Tv 119/118,1 : Đáp ca).

Trong thực tế, tha thứ, làm ơn, cầu nguyện cho kẻ hại mình rất khó, nếu ta không biết cầu nguyện xin Chúa cho ta trái tim của Ngài (x Pl 2,5), và thành thật khiêm tốn nhớ đến tội lỗi của mình giống vua Đavid, sau khi ông phạm tội ngoại tình và giết tướng Uria để cướp vợ ông, nhưng khi vua được ngôn sứ Nathan trách khéo để cảnh cáo, từ đó về sau vua luôn tỏ ra khiêm tốn mỗi khi bị người khác làm khổ, vua lấy đó như ơn Chúa ban để có dịp đền tội, hầu được Chúa thương xót. Thực vậy, có lần tên Sim-Y chụp mũ vua Đavid cướp ngôi vua Saolê, nên hắn nặng lời nguyền rủa : “Tên khát máu”, và hắn còn lấy đá ném vua Đavid, cũng như tung bụi vào mặt ông, cận vệ vua thấy thế cất tiếng thưa : “Xin ngài để tôi lấy đầu nó”, nhưng vua cản và nói: “Nếu Thiên Chúa bảo nó : hãy nguyền rủa Đavid, thì ai dám nói : tại sao ngươi làm thế ?” (x 2Sm 16,5-14).

Để minh chứng việc tha thứ, yêu thương kẻ thù không phải dễ thi hành :

Trong dịp lễ thánh Giuse, quan thày của Đại Chủng Viện, có tổ chức thi đấu banh chuyền giữa hai đội : các cha Giáo và các thầy. Trên sân banh các thầy hay chơi xấu, trái lại đội các cha Giáo thì rất tuân thủ kỷ luật, vì vị thế là thầy dạy. Kết qủa, đội các thầy thắng. Sau trận đấu, một cha Giáo sư ấm ức vì bị thua, không phải do tài khéo của các thầy mà là do vài thầy chơi xấu! Để dằn cơn tức giận, cha Giáo vào Nhà nguyện quỳ trước tượng Chúa Giêsu Chịu Nạn xin được ơn biết tha thứ! Một thầy biết  mình đã làm cha Giáo buồn, nên cũng vào Nhà nguyện sám hối! Sau đó thầy rón rén đến đứng sau lưng cha Giáo thưa :

–  Con xin cha tha lỗi cho con, lúc ở sân banh con đã làm cha buồn!

Cha Giáo đứng phắt dậy, vừa lật tượng Chịu Nạn quay vào tường vừa nói :

– Con xin Chúa quay mặt đi một lát, để con…

Và ngài quay lại tát vào mặt thầy ấy một cái !?

Rồi cha Giáo lại lật tượng Chúa ra và quỳ :

–   Lạy Chúa, con nóng quá, xin Chúa tha lỗi cho con.

Thật là lúc bị nhục, bị khổ, ta mới hiểu được phần nào tâm tư thánh Phêrô khi ông đặt câu hỏi : “Thưa Thày, con tha thứ cho anh em 7 lần được chưa?” Và càng thấy khó có thể thực hiện được Lời dạy của Chúa Giêsu: “Không phải tha 7 lần mà là 70×7” (x Mt 18,21-22), trừ khi ta có lòng khiêm nhường nhận biết mình cũng là kẻ bất lương đang cần được Chúa tha thứ.

Chúa muốn chúng ta phải tạo ra môi trường sống đầy yêu thương,chính môi trường ấy ta mới được sống hạnh phúc,phát triển về mọi phương diện.Người ta đã chứng minh được chân lý này :

Một cô giáo dạy trẻ, vào buổi sáng kia tập họp các em tại phòng khách, cô hớn hở đầy tin tưởng nói :

–   Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu một bài học mới, đây là bài học rất thú vị, và cô muốn các con hãy ghi nhớ nó.

Vừa nói cô vừa mang hai chậu cây hoa hướng dương nhỏ xíu mới chỉ được hai chiếc lá. Cô nói :

–   Đây là hai cây hướng dương, trông chúng giống nhau không nào ?

Cả lớp gật đầu, và rất nghiêm túc.

–  Bây giờ cô trò mình sẽ có một cuộc thí nghiệm : chúng ta sẽ cung cấp cho cả hai cây lượng ánh sáng và nước như nhau, rồi đặt mỗi chậu cây ở hai cửa sổ phòng khách này. Mỗi ngày cô trò mình sẽ hát cho một trong hai chậu cây này nghe, và chúng ta sẽ nói những lời yêu thương, ngợi khen sự phát triển Chúa ban cho nó.

Một em giơ tay phát biểu :

–  Còn cây kia thì sao thưa cô ?

Cô giáo mỉm cười.

–  Chậu cây kia chúng ta không thèm ngó nó.

Một em khác thắc mắc hỏi :

–  Mình cũng không nghĩ tốt về nó nữa hả cô ?

–  Đúng thế. Chúng ta sẽ chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Hai tuần lễ kế tiếp, những đôi mắt ngây thơ của các em lúc nào cũng mở to, háo hức chờ đợi kết quả. Thỉnh thoảng một vài em trong lớp lén lút nhìn cây không được nghe những lời tốt đẹp của các em, nhưng không dám nhìn lâu vì sợ mất linh nghiệm. Quả thật, cây không được các em quan tâm chúc mừng mỗi ngày, trông thật yếu ớt, xem như nó chẳng lớn thêm được chút nào, trái với cây được các em ca hát quanh nó, dường như nó cảm nghiệm được tình cảm và sự quan tâm của cô và các trò: với những câu nói dịu dàng và những suy nghĩ tốt đẹp đầy yêu thương, nó đang vươn lên mạnh mẽ và căng tràn nhựa sống.

Và đúng hai tuần sau cô giáo đưa hai chậu cây xếp bên cạnh nhau, rồi đề nghị các em : “Chúng ta hãy chúc mừng cho cả hai cây, để không còn cây nào phải chịu cảnh cô đơn nữa”.

Đến tuần lễ thứ tư, hai cây lớn bắt kịp nhau, không còn sự khác biệt nào nữa.

Lúc ấy cô giáo nói với các em :

– Hai cây nó không biết suy nghĩ như chúng ta, nhưng khi chúng được yêu thương như nhau, thì chúng phát triển cũng giống nhau. Vậy trong các em chớ khi nào ghét bạn mình và đẩy bạn vào cảnh cô đơn, thì thật là tội nghiệp cho bạn đó không thể lớn lên trong vui vẻ như mọi em trong lớp được.

(Nội dung câu chuyện được trích trong tập “Chicken Soup For The Soul”)

THUỘC LÒNG

Chúa nói : “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim biết yêu thương” (Ed 36,26).

Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH

Yêu hoàn thiện … (12.03.2022)

Ngày 02/3/2022, Zelda Caldwell – Biên tập viên của mục Tin tức và Văn hóa tại Aleteia cho hay Đức Tổng Giám mục Ukraine – Sviatoslav Shevchuk qua thông điệp video của ngài đã kêu gọi người dân Ukraine như sau:

“Tôi chân thành cầu xin anh chị em: Chúng ta không chỉ cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine, mà chúng ta hãy cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta, cho sự hoán cải của họ, cho sự biến đổi của nước Nga, như Đức Mẹ Fatima đã yêu cầu chúng ta”.

Ngài hoan nghênh sự dũng cảm, anh hùng của những người dân bình dị đã dám chống trả quyết liệt sự ngông cuồng tàn ác của quân đội Nga, và nói:

“Đó là lý do tại sao tôi khuyến khích tất cả chúng ta: Chúng ta hãy học cách yêu thương trong thời điểm bi thảm này. Chúng ta không thể bị giam cầm bởi sự thù hận. Chúng ta đừng sử dụng ngôn ngữ của hận thù, cũng như từ ngữ của nó. Như sự khôn ngoan cổ xưa nói, kẻ ghét kẻ thù đã bị hắn khuất phục”.

Tin Mừng hôm nay (x.Mt. 5,43-48) đã được kêu gọi thiết thực, đã được đưa vào cuộc chiến ở Đông Âu:

Người dân Ukraine đang học cách yêu thương trong thời điểm bi thảm nhất hiện nay.

Họ được giải thoát khỏi sự thù hận bằng niềm tin cậy trông, phó thác, và sự an ủi.

Họ quyết tâm xây dựng hòa bình bằng đàm phán ôn hòa, bằng ngôn ngữ tình thương của tình người.

Họ yêu kẻ thù để khuất phục kẻ thù, và cải hóa sự dữ nơi kẻ thù.

Họ đang dần hoàn thiện chân lý sống qua cung cách yêu thương như Lời Chúa dạy.

Nhưng tại sao họ buộc phải yêu thương như vậy ? Thưa, bởi vì họ là con cái của Thiên Chúa và do đó phải noi gương trọn lành của Ngài, Ðấng đã cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người lành, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.

Lạy Chúa chí nhân, xin cho mỗi người chúng con biết yêu như Chúa yêu để mọi người nhận biết chúng con là Con của Cha. Amen.

CÁT BIỂN

Yêu kẻ thù … (27.02.2021)

Trong Thánh lễ an táng của Đức Hồng Y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận hồi năm 2002, thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã nhắc lại lời nói của ĐHY như sau: “Trong vực thẳm những đau khổ của tôi, tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi”. Và ĐGH cũng nhắc lại chúc thư tinh thần của ĐHY: “Tôi thanh thản ra đi, và tôi không giữ lòng oán hận nào đối với ai. Tôi dâng tất cả những đau khổ tôi đã trải qua cho Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Giuse”. Nhiều người trên thế giới rất ngưỡng mộ ĐHY, mặc dù ngài phải sống những năm tháng tù đày, đen tối sau Chính biến 1975 ở Việt Nam (13 năm tù giam, tại nhiều trại giam khác nhau, trong đó có 9 năm biệt lập, mà không một bản án, không một lần xét xử), nhưng Ngài luôn sống lạc quan, hy vọng, luôn yêu thương, bao dung, tha thứ, không trách móc hay oán hận bất cứ ai dù cho bản thân mình bị đối xử bất công, bị đày đọa, khổ nhục.

Có thể nói được rằng, ĐHY đã nên chứng nhân Tin Mừng như lệnh truyền của Chúa: Hãy yêu kẻ thù; hãy nên hoàn thiện như Cha trên Trời (x. Mt. 5,43-48)

Qua đó, cho thấy: Khi tuân giữ giới răn – Kính Chúa, yêu người – thì con người mới có thể vượt qua rào cản, mới đủ sức chống lại được tất cả những khó khăn thể lý và luân lý; mới xứng đáng là Ki-tô hữu; mới không hổ danh là con Cha trên Trời vậy !

Thật vậy, chỉ có tình yêu Ki-tô giáo mới thay đổi được lòng người, chứ không phải là sức mạnh bom đạn, hay là những lời đe dọa bức hiếp.

“Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời” là mệnh lệnh Chúa truyền cho tất cả những ai là con cái Thiên Chúa. Chính sự thánh thiện, hoàn mỹ phản ánh khuôn mặt đích thật của Chúa. Cũng vậy, một đời sống thánh thiện là cách thức tốt nhất để đoàn viên Đa Minh rao giảng Tin Mừng, và giới thiệu cho người khác nhận biết Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con nồng nàn tình yêu của Chúa để con vượt thắng tánh yêu ghét tự nhiên trong ngưới con ngõ hầu xứng đáng là một Ki-tô hữu thật sự. Amen.

CÁT BIỂN

Hoàn thiện như Cha trên trời… (07.03.2020)

Theo lẽ thường tình, hầu hết mọi người thường phản ứng theo cảm xúc tự nhiên: Thân tình với người thương mình; lạnh nhạt hoặc ghét cay ghét đắng kẻ làm mình phật lòng…

Thế nhưng, Chúa Giê-su thì dạy ta phải yêu thương kẻ thù, và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình. Qua Tin Mừng, Chúa mời gọi ta phải vượt thắng tình cảm tự nhiên; tập luyện ý chí để chiến thắng khuynh hướng bản năng và cảm xúc tự nhiên.

Mùa Chay là thời gian tập luyện chiến đấu thiêng liêng để chiến thắng những khuynh hướng xấu; và chiến thắng các sự dữ… Nói thì dễ nhưng khi thực hiện quả là không suông sẻ. Tuy nhiên, nếu biết cậy dựa vào ơn Chúa thì không có gì mà không thể làm được.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết sống yêu thương và bao dung như thánh tâm Chúa để con được nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

CÁT BIỂN

Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho họ (16.03.2019)

Trong cuộc sống hàng ngày, con người có khuynh hướng chốn chạy khỏi những phiền toái của môi trường sống xung quanh và làm cho mình trở nên thanh thản, nhẹ nhàng hết vướng bận. Không những thế, việc gạt đi những mối quan hệ không cần thiết, bất hoà xung khắc để tránh liên luỵ và hạn chế ít nhiều rắc rối cho bản thân, thậm trí cắt đứt quan hệ khi cần thiết, trống trả quyết liệt đối với người khác  … tất cả trở thành mối quan tâm hàng đầu của con người trong cuộc sống.

Tin Mừng Thánh Mát-thêu hôm nay thì lại khác hoàn toàn. Chẳng những không hận thù ghen ghét ai mà còn yêu thương lấy người không thích mình ghét mình thù hận mình.

Có người tự hỏi: Làm thế nào có thể “yêu kẻ thù” là người đã gây ra tai hoạ cho mình và cho người khác? Hơn nữa, yêu thương những người ruột thịt của mình đã khó, làm sao có thể “yêu kẻ thù” được? Điều này thật đúng khi đứng trên phương diện trần thế. Trong khi đó, lời dạy “yêu kẻ thù” trong tin mừng hôm nay được đặt trên phương diện đức tin. “Yêu kẻ thù” vừa là lời dạy của Đức Giê-su, vừa là cách thể hiện mình là môn đệ của Người, vừa là điều kiện để trở nên con cái của Cha trên trời, bằng cách hoạ lại tình thương của Người.

“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho họ”. Đây là giáo huấn độc đáo có một không hai trong nhân gian của Đức Giê-su về lòng nhân ái. “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho họ” là một nghĩa cử anh hùng, một nỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người. Đây là giới răn mới của Chúa Giê-su và trở thành điều trổi vượt hơn các tôn giáo khác. Vì thế, “Yêu thương kẻ thù” là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Chúa Cha trên trời: “Đấng làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương…”

Khi dạy “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho họ“, Đức Giê-su không có ý cổ võ hay khuyến khích sự nhu nhược, nhát đảm của con người trước mọi cảnh huống của cuộc đời nhưng là đề cao tinh thần khoan dung hiền từ quảng đại tha thứ.

“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho họ”. Đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Đức Giê-su. Nhưng Ngài đã làm gương khi xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ, đóng đinh mình trên thập giá. Trong giờ phút kẻ thù lầm Chúa đau khổ nhất Người vẫn thốt lên: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ lầm chẳng biết”. Chính hành vi cao cả này đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Đó cũng là nét cao quý nhất trong dung mạo Đấng Cứu Thế. Người đến để yêu thương và cứu chuộc con người. Người đến để tha thứ và đem lại cho con người cơ may hầu sám hối và canh tân để được cứu độ.

Như vậy, Đức Giê-su mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan. Chỉ có yêu thương mới có thể hoá giải mọi bất hoà. Giới răn của Đức Giê-su “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho họ” là một sự từ bỏ triệt để bạo lực. Ý tưởng ấy rất cao cả và rất khó nhưng nó tạo nên ý nghĩa và làm nên bản chất của người môn đệ của Giê-su.

Là những Kitô hữu, chúng ta đứng về phía bất bạo động. Tuy nhiên đó không phải là một chọn lựa cho sự nhu nhược hay thụ động leo thang, nhưng chọn lựa bất bạo động có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của chân lý, của công bằng và tình yêu hơn là sức mạnh của chiến tranh, vũ khí và hận thù…

Là những Kitô hữu đích thực, chúng ta cố gắng học theo lòng quảng đại của Thiên Chúa tình yêu, sẵn sàng tha thứ, không đòi trả thù và oán hận chống lại người khác, vì chính họ cũng là đền thờ và hình ảnh của Thiên Chúa.

Khi đến trần gian, Đức Giê-su đã mang ơn cứu độ từ trời xuống cho nhân loại, nhưng ơn cứu độ ấy lại được ban cách ưu tiên cho kẻ tội lỗi như Ngài đã nói: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, mà là kêu gọi người tội lỗi, vì người khỏe thì không cần đến thầy thuốc, người đau yếu mới cần”.

Như vậy, nếu các Kitô hữu không cố gắng bắt chước tình yêu không phân biệt của Thiên Chúa, họ sẽ không tốt hơn những người khác và có khi những người không phải là Công Giáo, người ta làm tốt hơn chúng ta.

Chính sự tha thứ sẽ giải phóng con người, còn nếu nuôi lòng hận thù báo oán thì con người sẽ chuốc lấy sự đau khổ: “Ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”. Đức Giê-su đã nói với Phêrô như vậy tại vườn Cây Dầu khi ông dùng gươm để bênh vực cho Thầy của mình và đã chém đứt tai người lính đến để bắt Đức Giê-su. Khi chúng ta ghét kẻ thù là chúng ta cho họ quyền áp đảo chúng ta.

Nói cách khác, viên đạn căm thù chỉ có thể làm thương tổn kẻ thù sau khi đã xuyên qua lương tâm chúng ta trước. Khi nuôi trong mình sự trả thù thì đồng nghĩa với việc ta đào thêm một hố sâu nữa để chôn chính ta. Người Hylạp cổ thường ví: “Người khôn ngoan thà chịu đựng sự ác hơn là làm điều ác”.

Chúng ta biết chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng hoàn thiện, tốt lành vô cùng, chúng ta không thể trọn hảo như Người được. Nhưng chúng ta phải nên trọn lành như ý Người muốn, theo mẫu gương thánh thiện của Người, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ: “Hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành”.

“Yêu kẻ thù” luôn luôn là một thách đố của người môn đệ Đức Giê-su. Thiết nghĩ, để có thể bắt đầu “thực hiện” lời dạy “yêu kẻ thù”, người môn đệ có thể “KHÔNG LÀM” một số điều sau đây:

–   Không nuôi hận thù trong lòng mình.

–   Không để sự thù ghét hướng dẫn hành động của mình.

–   Không lên án “kẻ thù” hay “kẻ ngược đãi mình” vì biết đâu chính mình là nguyên nhân sâu xa của sự thù ghét.

–   Không tìm cách trả thù, vì khi trả được mối thù này, chính mình lại tạo ra mối thù khác.

Không làm bốn điều trên đây là đã bước đầu sống lời Đức Giê-su dạy: “Yêu kẻ thù”. Khi “yêu thương kẻ thù” là dám tin tình yêu sẽ chiến thắng sự thù ghét. Trong thực tế cuộc sống, lòng mến và sự tha thứ là giải pháp tốt nhất để giải quyết hận thù và tranh chấp. Hơn nữa, lời Đức Giê-su dạy “yêu kẻ thù” không đặt trên bình diện trần thế mà đặt trên bình diện thần học và tâm linh: “Yêu kẻ thù” là một hành động biểu lộ đức tin. “Yêu kẻ thù” là cách xử sự của người môn đệ, là cách sống của con cái Cha trên trời. Chính Đức Giê-su đã chiến thắng sự thù ghét bằng tình yêu và Người mời gọi các môn đệ bước theo Người và sống như Người đã sống.

Dù khó khăn đến đâu đi nữa, lời dạy “yêu kẻ thù” của Đức Giê-su vẫn là đỉnh cao khát vọng của nhân loại: Mọi người biết sống yêu thương nhau và giải quyết các xung đột bằng con đường tôn trọng lẫn nhau, đối thoại với nhau để tìm ra những giải pháp tốt nhất cho đôi bên. Cách giải quyết này dựa trên khuôn mẫu tình yêu của Cha trên trời dành cho “kẻ xấu cũng như người tốt”, “người công chính cũng như kẻ bất chính”. Đây không phải là thứ tình yêu dung túng sự dữ, mà là tình yêu nhằm mục đích đem lại sự sống và ơn cứu độ cho nhân loại./.

Cuối cùng, yêu thương tha thứ phải được định hướng bởi sự thật. Không có sự thật thì tình thương trở thành mù quáng. Yêu hoa, không có nghĩa là yêu luôn cả những con sâu ẩn núp trong những cánh hoa. Đức bác ái Kitô Giáo đòi hỏi phải đấu tranh tích cực để khử trừ tội ác và cứu vớt con người, biến kẻ thù thành anh em, biến con người thành con Thiên Chúa. Đây là một lý tưởng cao đẹp, nhưng cũng phải phấn đấu hằng ngày.

 Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con hiểu và sống tinh thần yêu thương, tha thứ, làm ơn cho anh chị em, nhất là những người đang thù ghét chúng con bằng một tình yêu không giới hạn. A-men.

Khác người (24.02.2018)

Từ lâu, mô phỏng đã là một trong những tập tính của con người. Tập tính ấy giúp con người trở nên giống nhau và gần gũi nhau hơn. Thế nhưng, sẽ chẳng có gì đáng nói nếu con người chỉ biết mô phỏng những đặc tính tốt nơi người khác. Thậy vậy, người ta thường thích bắt chước một việc làm tiêu cực hơn tích cực vì chúng dễ dàng hơn. Tập tính ấy vô tình khiến thói xấu dễ dàng phát tán và khiến xã hội trở nên tồi tệ.

Quả thật, mô phỏng người khác là hành động phổ biến trong xã hội: Con cái trong gia đình bắt chước cha mẹ; người yêu, vợ chồng mô phỏng nhau; người có tí của cải lại “học làm sang”; giới trẻ thì muốn trở nên giống thần tượng của mình… Sự mô phỏng ấy vô tình khiến xã hội trở thành một khối tương đồng với nhau mà ai dám đi ngước lại với sự tương đồng ấy, họ sẽ bị loại trừ.

Ấy vậy mà, Chúa Giêsu lại muốn chúng ta trở nên khác người. Tuy nhiên, Người không bảo chúng ta đi ngược với những điều tốt người khác làm, Người muốn chúng ta phải tốt hơn họ là đằng khác. Người đời yêu người yêu mình, ghét người ghét mình và căm thù người thù địch mình. Chúa Giêsu không bắt chúng ta làm trái với điều đó, Người muốn chúng ta không chỉ yêu người yêu mình, mà còn phải yêu thêm những người ghét mình, thậm chí là những kẻ thù địch mình. Đó mới là người môn đệ của Chúa.

Thầy Giêsu là thế, Người lúc nào cũng đòi hỏi chúng ta phải khác người đời: yêu nhiều hơn, sống khó nghèo hơn, tha thứ nhiều hơn… Đi theo Chúa là chấp nhận chịu sự loại trừ của xã hội; đi theo Chúa là chấp nhận chịu sự khinh rẻ, miệt thị của kẻ khác; đi theo Chúa là chấp nhận bị người đời chê cười, chế giễu. Thế nhưng, đó là con đường đưa chúng ta vào nước Trời vinh phúc.

Là người Kitô hữu, chúng ta phải biết lắng nghe Lời Chúa và đưa vào thực tế cuộc sống. Theo Chúa không hề dễ dàng, đó là con đường rất khó đi mà trên con đường đó, chúng ta sẽ vấp phải sự dè bỉu của người đời vì chúng ta dám khác họ. Đi theo Chúa là tự đưa mình rời khỏi khối tương đồng của xã hội. Thế nhưng, chính sự khác người ấy sẽ giúp chúng ta trở nên con cái Chúa.

Lạy Chúa, Ngài luôn muốn chúng con phải khác người, phải hơn người đời. Theo Chúa quả thật chẳng phải dễ dàng, xin Ngài hãy thương nâng đỡ những tâm hòn yếu đuối của chúng con. Để từ đó, chúng con xứng đáng trở nên coi cái Chúa. Xin cho chúng con trở nên gương sáng cho anh chị em xung quanh noi theo, hầu có thể đem Tin Mừng của Ngài lan truyền đầy mặt đất. Amen.

Petrus Sơn

Dấu chỉ con cái Thiên Chúa (11.03.2017)

1. SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay trình bày giáo lý của Đức Giêsu về nét đặc trưng của người làm con cái Thiên Chúa; đó là tình thương và sự tha thứ.

Yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân đó là giới luật hàng đầu mà người Do Thái nào cũng luôn ghi nhớ và nỗ lực thực hành. Tuy nhiên, trong hành trình về đất hứa, trải qua bao biến cố hiểm nguy và những tình huống thực tiễn trong cuộc sống: khi va chạm, tiếp xúc với nhau trong giới hạn của một “con người” vốn có xu hướng hướng chiều về điều xấu (ích kỷ, tham lam),  cũng như ảnh hưởng bởi những bất công trong xã hội, và các dân tộc ngoại bang; Cha ông họ và các kinh sư, luật sĩ đã thêm thắt nhiều điều khiến lề luật Mô-sê trở nên nặng nề và sai lạc với tinh thần thuở ban đầu. Các tập tục, truyền thống được hình thành và dân chúng tuân giữ một cách máy móc, hình thức để rồi đi vào con đường lầm lạc mà không biết.

Đức Giêsu, Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa đến trần gian để chấn chỉnh những sai phạm đó và Người kiện toàn lề luật Mô-sê để hướng dẫn họ trở về con đường công chính thuở ban đầu. Đức Giêsu mạnh dạn tuyên bố với các môn đệ cũng như với đám đông dân chúng: “luật dậy rằng… còn Thầy, Thầy bảo anh em…”.

Theo giáo huấn của Người: Lề luật của Thiên Chúa thuở ban đầu không sai trái nhưng do con người thêm thắt, giải thích theo cảm tính nên có nhiều điều không phù hợp. Giờ đây Người chỉnh sửa cho hoàn hảo và nâng cao giá trị của hành vi tuân giữ; Người trưng dẫn: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”.

Theo luật Cựu ước, đó là cách cư xử công bằng: yêu thương mọi người nhưng những ai chống đối, không hợp, không phe nhóm với mình thì có thể  ghét bỏ, loại trừ. Nhưng với Đức Giêsu thì khác, Người dậy: “Anh em hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.

Đức Giêsu chỉnh đốn và nâng cao giá trị của hành vi yêu thương nhau, Người dạy phải yêu thương cả kẻ thù vì họ là một phần trong đời sống xã hội, dù có những bất đồng, khác biệt, đôi khi đối nghịch, nhưng họ vẫn là một nhân vị cần được tôn trọng và giúp đỡ; vì họ là đồng loại của mình và trước mặt Thiên Chúa, tất cả mọi người đều bình đẳng.

Đức Giêsu còn dạy “hãy cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Khi cầu nguyện với Thiên Chúa cho một ai đó, người “cầu nguyện” vẫn duy trì mối tương giao tốt lành với họ và ước muốn Thiên Chúa sẽ dùng quyền năng biến đổi và chúc phúc cho họ; thể hiện một tấm lòng quảng đại tha thứ, một nét đặc thù của tình yêu.

Theo giáo huấn của Đức Giêsu: Tiêu chí để con người vốn là loài thụ tạo yếu hèn, tội lỗi, có thể trở nên con cái của Thiên Chúa là Đấng thánh, thánh, thánh ngự trên trời; đó là mặc cho mình một đức ái trọn hảo mà thánh Phao-lô đã mô tả trong thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô: “Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13, 4-7).

Trong lịch sử Cứu Độ, cách thức Thiên Chúa đối xử với nhân loại khác hẳn với đường lối con người vạch ra cho nhau; Ngài thể hiện tình yêu của Ngài qua hành động quan phòng, hướng dẫn vạn vật và vũ trụ tiến đến chỗ hoàn hảo của chúng, mặc dù trong tiến trình phát triển cũng có những nguyên nhân ngoại tại làm thay đổi bản chất của một số thụ tạo. Nhưng Thiên  Chúa vẫn trung thành với đường lối của Ngài, Ngài yêu thương tất cả và chúc phúc cho tất cả không loại trừ đối tượng nào.

Như mặt trời mọc lên chiếu tỏa ánh sáng, sưởi ấm và đem lại sức sống cho muôn loài thế nào thì Thiên Chúa đối xử với các thụ tạo cũng như vậy, và đặc biệt đối với con người là loài thụ tạo thượng đẳng có đầy đủ lý trí, ý chí, sự khôn ngoan và tự do chọn lựa lối sống; đồng thời cũng là loài thụ tạo được dựng nên giống hình ảnh Ngài. Dù cho con người đã phản bội, bất trung với Ngài, Thiên Chúa vẫn tuôn đổ tình yêu xuống cho con người, Ngài ban phát ân huệ và chúc phúc cho mọi người như mưa trời tuôn đổ nguồn nước mang lại sự sống cho vạn vật và con người mà không phân biệt người tốt, kẻ xấu. Bản chất của  tình yêu là trao ban, chịu đựng và tha thứ; do đó càng yêu thương nhau, con người càng nên giống Thiên Chúa vì Ngài là tình yêu.

Tuy nhiên tình yêu phải vượt qua giới hạn của sự ích kỷ thường tình (yêu để được yêu lại, để được bù đắp theo kiểu hòn đất ném đi, hòn chì ném lại thì mới chỉ là cảm xúc công bình); cần vượt qua giới hạn “công bình” ấy để vươn tới đỉnh cao của yêu thương đó là biết hy sinh chấp nhận thua thiệt, trao ban hạnh phúc, đồng thời quảng đại thứ tha; đó là thứ tình yêu tuyệt vời Thiên Chúa đã thực hiện cho con người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một để những ai tin vào Người Con ấy sẽ được cứu thoát”. Còn Đức Giêsu Kitô định nghĩa: “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

Tình yêu thương quảng đại và tha thứ trở nên tính đặc trưng của người làm con Thiên Chúa.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi ý thức ơn gọi Kitô hữu (ơn gọi làm người có Chúa Kitô-thuộc về Chúa Kitô), để nỗ lực sống thánh giữa đời bằng các ý tưởng và hành vi: nghĩ tốt, nói tốt và làm tốt cho mọi người, kể cả với những người đang thù ghét, đố kỵ và bách hại tôi; để xứng danh con cái Thiên Chúa và thuộc trọn về Ngài.

2. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho con biết tận dụng những cơ hội thuận tiện để sống thánh giữa đời, sống ân sủng các bí tích và nỗ lực thực thi giới răn yêu thương theo khuôn mẫu tình yêu Chúa đã giáo huấn và trao ban. Đặc biệt trong Mùa Chay thánh này, xin tạo cho con một trái tim mới, trái tim đầy ắp yêu thương tha thứ như Chúa; thay thế cho sự hận thù, ghen ghét và đố kỵ.

3. SỐNG TIN MỪNG

Chân thành yêu thương cả những người đang thù ghét muốn loại trừ mình; tế nhị giúp đỡ họ nhận ra sự thật và cầu nguyện cho những người đang ngược đãi mình.

Nên hoàn thiện như Cha trên Trời

“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em… Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48).

Suy niệm: Lời giáo huấn của Chúa Giêsu nghe vừa quen vừa lạ, quen vì chúng ta đã từng nghe quá nhiều, nhưng lạ tai vì đòi hỏi thật thách thức tới mức con người không thể đạt thấu được: phải hoàn thiện tới mức “như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Quả thật yêu nhau đã là khó, yêu kẻ thù càng khó hơn, nhất nữa là yêu như Chúa yêu thì quả là quá khó! Thế nhưng tất cả giáo huấn của Chúa Giêsu lại gồm tóm trong điều đó. Yêu kẻ thù là dấu chỉ một người là con cái Chúa, vì Thiên Chúa đã yêu như thế. Nên hoàn thiện thì phải hoàn thiện như Chúa Cha trên trời vì Ngài là Đấng hoàn thiện.

Mời Bạn: Giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu dạy thực ra không phải là điều gì vượt quá sức, bởi vì chính Ngài đã thực hiện điều đó khi Ngài sinh ra làm người và chịu chết trên thập giá đền tội cho chúng ta. Cũng đã có nhiều người theo gương Chúa sống trọn giới răn yêu thương này: cha thánh Kônbê chết thay cho người bạn tù; cha thánh Đamiên, tông đồ cho người phong; đức cha Cassaigne, phục vụ người phong ở Di linh và biết bao giáo dân, tu sĩ tận hiến cuộc đời mình cho tha nhân. Bạn có cảm thấy khó khăn khi thực hành giới luật bác ái yêu thương của Chúa không? Ít nhất bạn cũng cảm nhận được nét đẹp của sự yêu thương vô vị lợi mà Chúa Giêsu dạy chúng ta chứ? Với Chúa bạn cũng có thể yêu được như Ngài.

Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái với ý chỉ cầu nguyện cho một người mà bạn không thích.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

Khuôn mặt của Chúa

“Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên Trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48).

Suy niệm: Chuyện kể rằng một khách bộ hành thấy một cậu bé vừa đói vừa lạnh run, đang ngồi ăn xin nơi lề đường, ông liền nghĩ: “Sao Chúa không làm gì để giúp cậu bé này nhỉ?” Tức thì ông ta nghe tiếng Chúa nói trong lòng: “Ta có làm rồi!” Người bộ hành thắc mắc: “Con có thấy Chúa làm gì đâu?” Và ông liền nghe tiếng Chúa nói: “Ta đã dựng nên con đó.” Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, không chỉ ở sự tự do và thánh thiện, mà còn ở khả năng yêu thương như Ngài. Mỗi người mang nơi mình khuôn mặt của Thiên Chúa và bổn phận của mỗi người chúng ta làm cho mình ngày càng nên hoàn thiện như chính khuôn mẫu đã dựng nên chúng ta là chính Thiên Chúa mang khuôn mặt của Tình Yêu.

Mời Bạn: Mùa Chay mời gọi bạn nhìn lại thân phận của mình là hình ảnh của Thiên Chúa, và nhìn đến đích đến của cuộc đời mình là trở nên hình ảnh hoàn hảo đó. Mùa Chay mời gọi bạn hoán cải, hy sinh và tập nhân đức để sống thánh thiện và yêu thương như Chúa.

Chia sẻ: Điều gì đang cản trở, làm bạn không thể hy sinh và sống yêu thương nhiều hơn, trong gia đình và trong nơi làm việc của bạn?

Sống Lời Chúa: “Hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”, là lời nhắc nhở ý thức về thân phận của tôi và là gương mẫu cho tôi sống trong mùa Chay này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm sức mạnh, để con có thể can đảm sống hoán cải và hy sinh, để con biết ngày càng nên hoàn thiện, biết sống tha thứ và yêu thương như Chúa. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *