Hiếu Thảo, bé gái không tay, không chân, vẫn vượt qua nghịch cảnh

 

“Ngoại đừng đem con cho người ta ngoại nha. Mai con có tay, con sẽ đi làm kiếm tiền nuôi ngoại”, cô bé không tay không chân Trần Thị Hiếu Thảo (ở H.Cù Lao Dung, Sóc Trăng) luôn lạc quan khiến ngoại bé rơi nước mắt.
Bé Thảo thích tự lập ngay từ nhỏ /// HOÀNG VÂN

 

“Đừng đem con cho người ta nha ngoại!”

Ai về trường Tiểu học An Thạnh 2B (xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung) hẳn sẽ ngạc nhiên khi chứng kiến hình ảnh bé Thảo không có tay, chân ngồi trong lớp học. Bé Thảo (9 tuổi) ngoài viết bài, vẽ tranh rất đẹp còn có thể tự sinh hoạt cá nhân mà không cần sự trợ giúp của người lớn.

Trò chuyện cùng phóng viên Thanh Niên, bà Lý Thị Cho (64 tuổi, người Khmer) bùi ngùi kể, năm 2008, con gái bà là chị Trần Thị Nhàn (28 tuổi) gặp và kết hôn với một người con trai quê ở Nha Trang tên Vũ. Năm 2010, chị Nhàn sinh bé Thảo. Khi mang thai cháu Thảo, từ tháng thứ 4 cho đến tháng thứ 8, vợ chồng chị Nhàn thường xuyên đi lên một cơ sở y tế ở TP Sóc Trăng khám thai, siêu âm. Những lần ấy, họ đều được người khám cho biết thai nhi phát triển bình thường.

Thế nhưng, đến khi trở dạ, chị Nhàn được gia đình đưa lên Bệnh viện đa khoa huyện Cù Lao Dung sinh thì các bác sĩ phát hiện cháu bé gái sinh ra không có tay, không có chân. Bà Cho nói: “Nhìn thấy cháu mình như vậy, tui chết đứng, không thể tin được”.

Bà Cho nói thêm: “Lúc đó, có người nói với tui đem bỏ đi chứ nuôi chi cho tội. Nhưng tui nghĩ, dù sao cháu tui cũng là một con người, mặc dù không được trọn hình hài nhưng bỏ đi thì tội nghiệp lắm. Vậy là tui quyết định mang cháu về nhà nuôi”.

Quanh năm chân lấm tay bùn, phải đi làm thuê làm mướn nhưng bà Cho và chồng bà là ông Trần Văn Nhỏ vẫn kiên trì chăm sóc đứa cháu ngoại bất hạnh của mình.

Cháu Thảo mới được 10 tháng tuổi thì bất hạnh lại giáng xuống gia đình nghèo khó này khi cha bé Thảo về thăm gia đình ở Nha Trang thì bất ngờ bị tai nạn qua đời. Vậy là, mọi khó khăn lại dồn vào đôi vai gầy của mẹ, tấm lưng còng của ông bà ngoại.Cũng do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không có đất đai sản xuất nên sau đó không lâu, chị Nhàn buộc lòng phải gửi cháu Thảo cho cha mẹ nuôi, còn chị lặn lội lên Bình Dương làm công nhân cho một cơ sở sản xuất với đồng lương ít ỏi, kiếm chút tiền gửi về nuôi con.

Ở nhà với ông bà ngoại, Thảo rất ngoan, rất nhanh nhẹn. Được 5 tháng tuổi, Thảo  mọc 8 cái răng nhưng mãi tới 2 tuổi mới biết nói. Bà Cho nói: “Con người ta khoảng hơn 1 năm là biết nói, còn cháu Thảo vẫn chưa cất tiếng được nên có lúc tui nghĩ chắc cháu không biết nói luôn. Đến khi cháu bước vào tuổi thứ 2, bất ngờ và mừng rơi nước mắt khi nghe cháu nói bi bô, gọi ông bà. Từ đó, cháu nói nhiều lắm, biết chào hỏi mỗi khi nhà có khách, biết chào tạm biệt khi khách ra về”.

Bà Lý Thị Cho kể tiếp: “Mỗi lần cháu bị bệnh, đưa đi bệnh viện, có người gợi ý tui đưa cháu vào trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật nhưng tui ở xa, không khi nào đi đâu thành ra không biết có trung tâm nào nhận nuôi những người như cháu hay không. Hơn nữa, cháu ở với mình từ nhỏ, bây giờ cho đi ở nơi khác, e là tui chịu không nổi. Có người gợi ý cho người quen của họ làm con nuôi thì tui thấy không ổn”.

Rồi bà Cho chia sẻ thêm, hễ mỗi lần nghe người lớn nói như vậy, chờ họ ra về, Thảo lại nói: “Ngoại ơi, ngoại đừng đem con cho người ta nha ngoại . Mai con có tay con sẽ đi làm kiếm tiền nuôi ngoại mà. Đừng cho người ta nha ngoại”. Nghe cháu nói bà Cho chảy nước mắt.

Cô bé ‘chim cánh cụt’ giàu nghị lực

Ông Trần Văn Nhỏ cho hay, lúc bé, mọi sinh hoạt của cháu Thảo đều do ông bà giúp. Lớn hơn một chút, Thảo rất thích tự lập, không muốn làm phiền người khác. Đặc biệt, mới vào mẫu giáo nhưng cháu Thảo rất thích học, thích viết chữ.

Nhìn Hiếu Thảo nghiêng đầu qua một bên, cây bút để sát vào gần cổ, đưa “cánh tay” giữ bút, viết thành chữ, mồ hôi chảy thành giọt trên gò má, tôi không thể cầm được nước mắt.

Bé Thảo không tay, không chân: 'Mai có tay, con sẽ kiếm tiền nuôi ngoại' - ảnh 6

Hỏi Thảo ai đưa đi học, bé trả lời thật nhanh: “Hồi học mẫu giáo, bà ngoại đưa con đi học rồi bà ngoại ngồi sau lưng con, khi nào hết giờ học ngoại đưa con về nhà luôn. Từ khi vào lớp 1 thì con ngồi học được một mình rồi”. Hóa ra, khi đó, đưa cháu vào lớp, cháu ngồi học còn bà Cho cũng ngồi ngay sau lưng cháu vì sợ cháu có thể ngã bất cứ lúc nào vì không có tay không có chân mà đỡ như những cháu bé khác.

Năm học 2016-2017, Thảo vào lớp 1 và được cô Lý Thị Thanh Thúy tình nguyện dạy cháu. Đến nay, Thảo đã vào lớp 3 của trường Tiểu học An Thạnh 2B. Nói về cô học trò đặc biệt của mình, cô Thanh Thúy cho biết: “Thảo tuy khuyết tật nhưng rất ham học và em tiếp thu bài khá nhanh, viết chữ khá đẹp, học lực luôn từ khá trở lên”.

Bé Thảo không tay, không chân: 'Mai có tay, con sẽ kiếm tiền nuôi ngoại' - ảnh 7
Bé Thảo không tay, không chân: 'Mai có tay, con sẽ kiếm tiền nuôi ngoại' - ảnh 8

Do Thảo không có tay để cầm bút nên em để bút kẹp vào cổ, dùng phần thịt nhô ra từ vai để viết hay vẽ. Khi làm toán thì bạn bày que tính trên bàn rồi Thảo theo hướng dẫn của cô dùng “tay” sử dụng que tính để làm bài như các bạn khác. Cứ như thế, chỉ hết khoảng nửa thời gian của học kỳ 1 năm học 2016-2017, Thảo đã viết được thành thạo.

Thầy Lê Hoàng Vinh (Hiệu trưởng trường Tiểu học An Thạnh 2B) nhận xét: “Khi nhận Thảo vào trường, chúng tôi rất lo vì không biết mình có cách nào giúp cháu học tốt được hay không. Thế nhưng, chúng tôi rất bất ngờ khi Thảo rất thích học, ham học và học rất nhanh. Thảo là người có nghị lực thật phi thường”.

Bé Thảo không tay, không chân: 'Mai có tay, con sẽ kiếm tiền nuôi ngoại' - ảnh 9
Bé Thảo không tay, không chân: 'Mai có tay, con sẽ kiếm tiền nuôi ngoại' - ảnh 10

Ngày cuối tuần, Thảo tự lấy sách vở ra đọc bài, rồi chép bài từ sách giáo khoa sang vở mà không cần sự trợ giúp của ai. Sau đó, em xuống và “đi” ra nhà sau một cách nhanh nhẹn. Khát nước, tự em lấy cốc, tự mở vòi nước cho vào cốc rồi bưng lên uống một cách ngon lành, không đổ một giọt ra ngoài.

Thảo còn “biểu diễn” cho tôi xem em kẹp chổi (loại chổi nhỏ do bà Ngoại làm riêng cho em) bằng vai và cằm rồi quét nhà một cách nhuần nhuyễn. Tới bữa ăn, tự Thảo lấy bát và muỗng rồi múc cơm, bằng vài động tác nhỏ, em đã đưa được muỗng cơm vào miệng mình ăn một cách ngon lành. Công việc vệ sinh cá nhân cũng tự Thảo lo được cho mình mà không nhờ sự hỗ trợ của ông bà như hồi nhỏ nữa.

Chưa bao giờ, cô bé “chim cánh cụt” hết lạc quan và hy vọng. Và ngay cả trong ước mơ của mình, em cũng nghĩ cho người khác. “Con ước mơ sau này làm bác sĩ để chữa bệnh cho ngoại và cứu người”, Thảo thỏ thẻ khi tôi hỏi về mơ ước của em.

Hoàng Vân – Báo Thanh Niên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *