Coi chừng bệnh thành tích (21.06.2023 – Thứ Tư Tuần XI Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 2 V 2,1.4.6-14 (năm chẵn), 2 Cr 9,6-11 (năm lẻ), Mt 6,1-6.16-18

Bài đọc 1 (năm lẻ): 2 Cr 9,6-11

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, tôi xin nói điều này : gieo ít thì gặt ít ; gieo nhiều thì gặt nhiều.  Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.  Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện,  theo như lời đã chép : Kẻ túng nghèo, Người rộng tay làm phúc ; đức công chính của Người tồn tại muôn đời.

Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào.  Anh em sẽ được sung túc mọi bề để làm mọi việc thiện cách rộng rãi. Những việc chúng ta làm sẽ khiến người ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 6,1-6.16-18)

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

5 “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả : chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em : chúng đã được phần thưởng rồi. 6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

16 “Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả : chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em : chúng đã được phần thưởng rồi. 17 Còn anh, khi ăn chay, phải rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18 để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”

Coi chừng bệnh thành tích (21.06.2023)

Anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy.” (Mt 6,1)

Suy niệm: Các tổ chức xã hội thích đặt ra những chỉ tiêu thi đua với những chế độ khen thưởng để thúc đẩy phát triển. Ý tưởng xem ra thật tốt đẹp nhưng thực tế kéo theo nhiều phản tác dụng. Những bản báo cáo thành tích ảo với những con số ma ngày càng xuất hiện đầy dẫy trong mọi lĩnh vực; đến cả các bé mới chập chững đến trường cũng bị lôi vào căn bệnh thành tích này. Đời sống thiêng liêng cũng không miễn nhiễm với căn bệnh này. Chẳng thế mà Chúa Giê-su đã cảnh báo chúng ta: “Anh em phải coi chừng!” Ngài căn dặn: khi ăn chay cầu nguyện, khi làm các việc lành phúc đức, đừng vì mục đích phô trương “cốt để cho người ta thấy”, trái lại hãy làm chỉ để Chúa Cha, “Đấng thấu suốt những gì kín đáo,” thấy và thưởng công mà thôi.

Mời BạnNếu như bạn tự hào rằng giáo xứ của bạn mở những cuộc lễ lớn, tổ chức linh đình rầm rộ, còn bạn thực hành sống đạo một cách tối thiểu như “xưng tội rước lễ một năm ít là một lần” – trong dịp lễ No-en chẳng hạn, thì hầu chắc bạn đang mắc chứng bệnh thành tích thiêng liêng rồi đấy. Chúa Giê-su dạy bạn phải trở nên ngọn đèn để trên đế và soi sáng cho cả nhà (x. Mt 5, 15), nhưng Ngài cũng nói Ngài coi trọng tấm lòng chứ không phải là lễ tế (x. Mt 9, 13). Nếu không có điều cốt lõi của đời sống Ki-tô hữu là mến Chúa yêu người thì tất cả sẽ mất hết ý nghĩa và giá trị.

Sống Lời Chúa: Khi làm việc thiện, hãy làm cách kín đáo và tế nhị nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để con sa vào cạm bẫy của lợi danh vì cạm bẫy đó sẽ làm con xa Chúa. Xin giúp con biết sống với một tấm lòng chân thành, yêu mến và quảng đại để phụng thờ Chúa và yêu thương anh chị em.

Nước Thiên Đàng đang ở đây (15.06.2022)

“Cha ngươi Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho Ngươi.” (Mt 6,4)

Ai yêu mến Chúa trên hết mọi sự, sẽ dám khước từ tất cả mọi sự thế gian chóng vánh này, để chỉ chọn một mình Chúa là nguồn hạnh phúc tuyệt đối cho đời mình….thì Chúa sẽ “ban thưởng” quà tặng quý giá cho người ấy là sự sống đời đời. Lời Chúa dạy chúng ta ăn chay, cầu nguyện, và làm việc bác ái vì lòng yêu mến Chúa, chứ không vì bất cứ một lý do gì khác. Thời nay, người ta ăn chay để giữ sức khoẻ, giữ dáng, giữ eo, giữ thân hình xinh đẹp.

Việc ấy tốt lành, vì quý trọng thân xác là quà tặng Chúa ban cho. Nhưng với Chúa Giê-su, thì ý nghĩa ăn chay là giảm bớt những đòi hỏi vật chất của mình, giảm chi, giảm hưởng thụ, để chia sẻ phần tiết kiệm cho người. Thế thì việc “nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng” cũng chỉ mới dừng lại ở việc yêu mình, chưa thực yêu Chúa, yêu người! Chúa muốn chúng ta sống trong tình thân với Chúa, luôn thuộc về Chúa, ấy là ý nghĩa của việc cầu nguyện. Và khi đã sống trong Chúa, thì không để nặng lòng với của cải vật chất thế gian nữa, ấy là lúc chúng ta đã ăn chay. Và khi nhìn nhận mọi sự thế gian là của Chúa ban, và chúng ta trao ban cho nhau, chia sẻ cho người, để người được sống vui hạnh phúc, thì ấy là lúc chúng ta làm việc bác ái, yêu người như Chúa đã yêu.

Nước Thiên Đàng đang ở đây! Hạnh phúc sự sống đời này và đời sau đang ở đây! Ngay trong nhà người yêu mến Chúa, thuộc về Chúa, nhìn nhận mọi sự trần gian chóng vánh nhưng là quà tặng để cho đi chứ không phải để nắm giữ… Nước Thiên Đàng  đang   ở  ngay  trong  nhà   người   mến   Chúa  yêu người!

Lạy Chúa, xin giúp các gia đình Công giáo chúng con, luôn biết “cầu nguyện, ăn chay,và làm việc bác ái” theo tinh thần của Chúa, để mái nhà trở nên mái ấm yêu thương, và là Thiên Đàng bình an hạnh phúc. Amen

BCT

Chân thành với Chúa, với nhau (16.06.2021)

“Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.

Chúa Giê-su lên án cách sống đạo giả hình, bởi vì kẻ giả hình không chỉ dối lừa con người, mà còn xúc phạm đến Thiên Chúa. Xúc phạm thứ nhất là: xem thường Thiên Chúa chẳng nhìn thấy, chẳng biết gì về mình. Xúc phạm thứ hai là: ăn cắp danh thánh Chúa mà đánh bóng vẻ bề ngoài cho mình. Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy sống chân  thành với Chúa và với mọi người. Chân thành với Chúa vì tin Chúa đang hiện diện trước mắt chúng ta, đang đồng hành với chúng ta, nhất là đang thấu suốt mọi bí ẩn của chúng ta, từ trong ý muốn thâm sâu thầm kín, đến mọi lời chúng ta nói, mọi việc chúng ta làm. Không gì có thể che giấu được Thiên Chúa.

Với Chúa mà không chân thành thì khó lòng mà chân thành với mọi người. Với Chúa mà còn sống dối thì tiếc gì mà không dối trá với loài người! Vì thế, kẻ sống dối, tự họ đánh mất giá trị của mình trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. Đáng tiếc   thay, con   người  vẫn  nghiêng   về phía  dối nhiều hơn về phía thật, nhất là trong một xã hội chủ trương toàn những điều dối trá, nói một đường làm một nẻo… Các gia đình chúng ta hãy nghe Lời Chúa hôm nay và chấm dứt ngay tình trạng giữ đạo dối, cầu nguyện dối, ăn chay dối, bố thí dối, yêu dối, hạnh phúc dối.

Đừng làm diễn viên đóng những thước phim đạo đức kiểu xã hội, nhưng hãy chân thành tin yêu Chúa. Vợ là vợ thật, chồng là chồng thật, vợ chồng đừng cùng công chiếu cuốn phim hạnh phúc dối lừa mọi người cho đến ngày đổ vỡ như đại gia Trung Nguyên, như Bill Gates. Ai sống chân thành yêu Chúa, yêu Người, Chúa sẽ ban ân sủng để họ được bình an thật, hạnh phúc thật tới đời sau!

Lạy Chúa xin cho tất cả các gia đình trong chúng con, luôn biết sống thật lòng yêu mến Chúa, yêu mến nhau, để được Chúa yêu thương ban phúc lành cả đời này và đời sau. Amen.

BCT

Đấng thấu suốt những gì kín đáo (17.06.2020)

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy các môn đệ cũng như chúng ta hôm nay những thái độ, tâm tình phải có khi ta làm việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay.

Chúa quan sát các người Pharisêu khi làm các việc ấy, họ làm một cách phô trương, khoe khoang tự đắc một hủ tục thấp hèn không đẹp lòng Chúa, Chúa ghét. Người đã khuyên các môn đệ: “Khi bố thí đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá cốt để người ta khen…”.

Khi ta bố thí mà càng phô trương, khoe khoang là ta càng đưa mình lên cao và hạ thấp, coi thường đối tượng bố thí là anh em mình. Ta tự coi mình là chúa tể của cải sản phẩm bố thí mà thực ra tất cả là bởi Chúa mà ta được đón nhận nhưng không. Chúa muốn ta làm việc bố một cách kín đáo để trở nên người con cái Chúa trưởng thành hơn mà như thánh Phao Lô đã dạy: “Anh em có sống là sống cho Chúa”. Sống cho Chúa chứ không phải cho người đời, để rồi nhận thức được mọi lời nói, mọi việc làm, mọi suy nghĩ trong tư tưởng, lòng yêu mến nơi tâm hồn ta đều được Chúa thấu suốt hết. Đành rằng nếu ta cứ thích phô trương, khoe khoang để cho “người ta khen” thì chắc cũng chưa nên tội, mà ta chưa xứng tầm hoàn hảo của người con mà Chúa muốn. Vậy thì như lời Chúa nói “ta đã được phần thưởng rồi”, chẳng còn công trạng gì trước mặt Chúa nữa.

Về việc cầu nguyện, Chúa muốn ta càng phải ý thức hơn nữa. Bởi vì đối tượng duy nhất để ta thân thưa là chính Thiên Chúa, Người thấu suốt mọi sự dù trong tâm hồn và có quyền năng làm được mọi sự cho ta. Nên việc cầu nguyện chẳng cần phải nhiều lời dài dòng mà Chúa Giêsu đã dạy ta cầu nguyện bằng một kinh lậy Cha. Không phải “cầu nguyện…ngoài các ngã ba, ngã tư cho người ta thấy”, mà “hãy vào phòng đóng kín cửa lại, và cầu nguyện cùng cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho anh”.

Cuối cùng Chúa dạy ta về cách ăn chay: “Chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả…hãy chải dầu thơm để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, đấng hiện diện nơi kín đáo… sẽ trả lại cho anh”. Đến đây quả là đã rõ ràng, điệp khúc “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” Chúa đã lặp lại 3 lần để dạy dỗ ta.

Một cuộc kiệu thánh thể ngoài trời hoành tráng. Hội kèn đồng, hội trống, ca đoàn họ thi nhau cử những thánh nhạc ầm vang làm át hết mọi tiếng âm thanh khác nhờ máy tăng âm bậc nhất. Đến lượt nhóm “nam nhạc” với mấy cây sáo cái nhị, họ cất lên bản nhạc “Con thờ lạy Chúa Giêsu”. Vì không có tăng âm nên cả vùng im bặt. Chỉ còn có tôi đứng gần và họ với Chúa nữa nghe được bài hát này. Thế mà tôi đã lạnh tóc gáy vì cảm mến và thầm xếp họ là lọaị nhất.

Lạy Chúa! Xin cho con hằng yêu mến, thực thi những điều Chúa dậy hôm nay. Để con không phải là những người phô trương, kiêu ngạo mà nên người khiêm tốn, yêu thương xúng người con Chúa yêu mến dạy dỗ. Amen.

 Gs. Ngọc Năng

Khi làm việc lành phúc đức chớ có phô trương (19.06.2019)

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy ta “Khi bố thí đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá”. Những việc đạo đức phô trương mà những người Pharisêu thường làm là điều Chúa ghét. Có lần Chúa đã nói với các tông đồ: “Nếu anh em không nên trọn lành hơn những người Pharisêu anh em sẽ không được vào Nước Thiên Chúa” (Mt 5,20). Vì sao Chúa ghét? Vì khi làm phúc bố thí cho người khác mà huyênh hoang tự đắc, ta đã tự cho mình là ông chủ giầu có ban phát. Còn người được bố thí  đã bị coi là những người nô lệ khốn cùng. Trong khi những cái họ có mà ban phát ấy cũng nhờ ơn trên ban mà có. Làm thế là ta đã loại trừ tình nghĩa anh em cùng một Cha thì theo lẽ thường ở đời ta phải âm thầm nâng đỡ. Chúa Giêsu có lần đã nói: “Anh em hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).

Chúa Giêsu bao lần làm ơn làm phúc, làm những sự lạ cho dân chúng mà chẳng thấy một tiếng Người nơi phố xá. Nhiều khi Chúa còn cấm các môn đệ tỏ cho người khác biết. Như Thiên Chúa từng ngày từng giờ, bao tài nguyên trên trời dưới đất không ngừng ban xuống cho nhân loại mà “Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh” (Tv 19). Người làm phúc càng kín đáo thì người được làm phúc càng dễ nhận ra mọi ơn lộc ở thế gian này đều bắt nguồn từ Thiên Chúa đã ban xuống cho con người và con người chia sẻ cho nhau. Như ông già Noel đã tặng quà cho thiếu nhi, các em sẽ chẳng phải cám ơn một người cụ thể nào mà lòng các em sẽ hướng lên trời cao mà soi tìm một vĩ nhân chưa gặp nào đó mà vui mừng cảm tạ.

Còn việc ăn chay, Chúa cũng muốn ta “đừng theo như bọn đạo đức giả chúng làm cho ra vẻ thiểu não để thiên hạ thấy là chúng ăn chay…”. Chúa cũng muốn ta kín đáo như khi làm phúc bố thí. Ta không được phép tự đắc về những công trạng nhỏ nhoi của mình. Vì thực ra nếu không có Chúa giúp sức ta chẳng làm gì được. Đúng như lời Chúa đã nói: “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga15,5). Mọi việc ta làm vì Chúa, vì lợi ích sâu xa mầu nhiệm của Chúa. Chứ không vì lợi ích hời hợt ăn miếng trả miếng hay vì lời khen ở đời. Ta cứ lo cứ làm còn kết quả mặc Chúa định liệu.

Nói đến việc bố thí tôi nhớ một dịp tết, có đôi vợ chồng trẻ Việt kiều giàu có về thăm quê. Họ muốn thăm và tặng quà cho một số người già lão ốm đau tàng tật gồm cả lương và giáo. Hai ông bà đã tới chào hỏi và mời mọi người đứng lên cùng đọc kinh Lạy Cha. Ông bà xin mọi người hãy tạ ơn Chúa cho ta được sống làm người cho dù người được thế này, người thế nọ. Một chút quà mà chúng cháu muốn gửi các ông bà đây là của Chúa  ban. Xin quý vị cầu nguyện nhiều cho chúng cháu, vì chẳng biết đâu đến ngày tận thế, chúng cháu có thể không được như quý vị. Đây thật là một tấm gương khiêm tốn và quảng đại.

Lạy Chúa, mọi sự trên trời dưới đất là của Chúa, cả những thứ con đang có cũng là của Chúa. Xin cho con biết sử dụng những của cải mà Chúa gửi đến cho con, như một phương tiện để con tiến về Quê Trời. Amen.

Gs. Ngọc Năng

“Hữu xạ tự nhiên hương” (20.06.2018)

Kể truyện:

Mỗi lần nhắc đến tên anh thì không thể không nhắc đến tên một người vẫn luôn đi với anh.

Anh tên Tâm. Anh Tâm là một người nghèo. Có lẽ vì thế mà anh luôn làm những công việc phục vụ âm thầm. Mỗi khi tổ chức tĩnh tâm hay hội họp, anh luôn tìm đến những công việc phục vụ: anh lau nhà quét sân; lau chùi tẩy rửa nhà tắm, nhà vệ sinh; anh phục giúp nhà bếp… những công việc anh làm chẳng ai để ý đến. Như một thói quen, anh cứ làm. Mỗi khi rảnh rỗi anh lại tìm đến với Chúa trong nhà nguyện. Anh không phải là người quan trọng, nên chả mấy người nhắc tên anh. Một hôm vắng anh, mọi người đều nhốn nháo vì nhà vệ sinh quá bẩn, không nước, không giấy; cá thịt không có muối… người ta mới nhắc đến tên anh.

Còn anh Danh. Anh là người lớn, anh lại giàu có nên anh phải có vai trò trịnh trọng bên trên. Anh cắt đặt người này, sắp xếp người kia… anh tổ chức những sự kiện lớn lao, nên mỗi khi vào tiệc liên hoan anh sẽ được ngồi trên, đến đâu anh cũng được trọng vọng. Anh luôn dùng tiền để làm từ thiện. Chỉ với một điều kiện: Người nhận phải biết ơn và cảm ơn anh. Đi đâu anh cũng được nhắc tên. Anh là người nổi tiếng.

Một lần, anh giúp đỡ một người nghèo lợp tôn mái nhà. Hôm đó anh gặp lại tha nhân và mắng thẳng vào mặt: Mày là thứ vô ơn. Vì anh ta không biết cảm ơn. Một lần khác, anh kêu gọi giúp đỡ một điểm truyền giáo được một số tiền lớn. Nhưng trong thánh lễ hôm đó, vị linh mục quản sở đã quên không cảm ơn anh. Từ đó, anh không còn thân thiện với linh mục ấy nữa. đi đến đâu anh cũng nhắc tên Cha ấy.

Suy niệm:

Làm bác ái từ thiện hay những việc đạo đức cũng có ma lực cuốn hút. Khi làm việc những việc đạo đức hay bác ái luôn có hai khuynh hướng:

Một là hăng say

Hai là thụ động

Một là sự hăng say làm việc. Hăng say cũng có hai chiều hướng: một là để giúp tha nhân một cách vô vị lợi; hai là tìm giúp tha nhân hầu mưu lợi công danh, sự nghiệp.

Khi đến với tha nhân, ta sẽ có tấm lòng cảm thông, chia sẻ và chạnh lòng yêu thương họ. Chúng ta cảm nhận được lời của Chúa Giê-su dạy: “Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương.” (Mt 9, 36)

Khi đến với tha nhân, ta gặp người này, rồi gặp người khác, mỗi người một hoàn cảnh đau khổ khác nhau: có người thì nghèo đói, có người thì bệnh tật từ thuở mới sinh, có người bị hành hạ, đọa đầy, bỏ rơi… tất cả những hoàn cảnh đó lôi cuốn ta mỗi ngày hăng say đến với tha nhân. Ngày ngày ta quên mình đi vận động, quyên góp giúp đỡ tha nhân. Vì tất cả những gì ta có đều do Thiên Chúa ban cho. Nên ta phải cho đi. Như Chúa Giê-su đã dạy: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không” (Mt 10,8b). Họ luôn âm thầm làm việc.

Cũng có những con người, những đoàn thể làm bác ái từ thiện để mưu cầu cho cái riêng của mình. Họ bị lôi cuốn vào việc bác ái để làm sáng danh mình, đem lại lợi ích quảng bá cá nhân, đoàn thể. Họ hăng say vì danh họ nổi như cồn.

Làm việc bác ái – đạo đức để tìm tiếng khen là một cám dỗ có thật. Họ bị cám dỗ vì những lợi ích cá nhân. Nhiều người đã lầm tưởng khi kêu gọi được nhiều người ủng hộ vào việc từ thiện của mình, để trở thành mình có cái quyền phân phát, coi trọng người này, nhìn rẻ người kia. Khi làm việc thì phô trương, khi mở miệng thì giương lời Chúa trên môi miệng như người rất đạo đức.

Còn những người luôn thờ ở với công việc bác ái. Họ sẽ luôn đưa ra rất nhiều lý do để từ chối. Họ là những người ích kỷ, hẹp hòi.

Cuối cùng, đến giờ chết, Chúa sẽ phán xét về những việc làm từ tâm yêu mến của mỗi người. Tất cả những việc làm của chúng ta không phát xuất từ lòng Yêu Mến Thiên Chúa và Yêu Tha Nhân thì đều vô ích trước mặt Đức Chúa Trời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su, xin cho lòng con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và luôn đem Lời Chúa ra thực hiện trong đời sống của mình một đẹp lòng Chúa, hầu làm sáng danh chúa và mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân. Amen./.

Gã Đầu Bạc

Đấng thấu suốt mọi sự (15.06.2016)

Cầu nguyện, ăn chay, làm việc bác ái là những thực hành cao quý trong đời sống của một người Kitô hữu. Ba hình thức này diễn tả mối tương quan mật thiết với Chúa và với mọi người anh em. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy rõ ràng để chúng con biết ý thức mà thực hành sao cho đúng ý Chúa: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy… Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen… Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo… Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay”.

Khi làm việc lành phúc đức người ta thích làm cho thiên hạ thấy mà khen, hiến dâng thì thích báo công sổ vàng. Nhưng Thầy Giêsu bảo làm như vậy là đã được thưởng công rồi. Thầy khuyên làm âm thầm lặng lẽ kín đáo, còn chúng con lại muốn được người khác nhìn thấy và biết đến cơ! Thầy dặn rằng: “Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”

Làm mọi việc trong đức tin và lòng yêu mến, chúng con nhận ra Người đang yêu thương và ở với chúng con. Người ban chính bản thân Người cho chúng con. Chính Người là phần thưởng cao quý gấp bội những thứ khen chê, những thành tích lập được bởi công khó chúng con.

Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy”.

Đức Giêsu khuyến cáo các môn đệ đừng cầu nguyện theo cung cách của những người “đạo đức giả”. Họ thích cầu nguyện chỗ đông người để phô trương phong cách đạo đức của mình. Nhưng trong lúc ấy, không biết họ có tâm tư gì với Thiên Chúa không? Có những người tay chắp gối quỳ, miệng đọc râm ran nhưng không ý thức mình đang nói với ai, đọc như cháo chảy xong không còn nhớ mình đã nói gì và Chúa muốn gì nữa.

“Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.” Ở đây Đức Giêsu muốn nói đến cách cầu nguyện riêng, “đóng cửa lại” nghĩa là đi vào cõi riêng tư với Chúa, trong tình thân mật Cha con. Nếu có tình yêu đậm đà thì dù nói ít nhưng hiểu nhau nhiều, đâu cần lải nhải dài dòng hết kinh này đến kinh kia? Cầu nguyện mật thiết có khi chỉ là diện đối diện, là giờ của con tim, không cần nặn óc bóp trán để trình bày, không nói gì mà mọi nỗi niềm được thông chia hết, tâm tư nghe ngọt ngào no thỏa.

Lạy Chúa! Trước mọi công việc chúng con làm, xin Chúa soi sáng để chúng con khám phá được đâu là giá trị đích thực để thực hành như Chúa dạy, chứ không chạy theo vẻ hào nhoáng bên ngoài. Xin cho chúng con luôn sống với Chúa và với anh em bằng tâm tình đơn sơ và với cả con tim chân thành, để chúng con luôn thấy hạnh phúc trong phần thưởng là chính Chúa giữa cuộc đời của chúng con.Amen.

Én Nhỏ

Chỉ dành cho Chúa mà thôi!

“…Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.” (Mt 6,4).

Suy niệm: Chúa Giê-su đặt mọi hành vi đạo đức vào một bối cảnh mới. Chúng không còn được coi như những phương thế giúp tô điểm cho sự hoàn thiện bản thân nữa. Dưới cái nhìn của Chúa Giê-su, mọi việc, đặc biệt những việc đạo đức, là những cách diễn tả lòng sùng mộ của người con hiếu thảo chỉ dành riêng cho Đấng là Thiên Chúa và là Cha của mình. Dĩ nhiên khi làm điều tốt, khi sống đạo đức, cứ sự thường, tôi sẽ được người đời đánh giá cao, được khen tặng. Nhưng vấn đề trọng tâm của người con cái Chúa từ nay không phải là ở chỗ người đời có nhận biết việc họ làm hay không. Điều mong mỏi duy nhất của họ là sau khi hoàn thành mọi việc, họ được nghe Chúa nói: “Đây là con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về con.”

Mời Bạn: Bạn có thuộc vào số những người con cái Chúa đó không nhỉ? Hỏi tức là đã trả lời. Câu trả lời của bạn không chỉ đơn thuần là “có”, nó phải bao hàm việc chuyển đổi tất cả động lực làm việc của bạn: làm mọi việc vì yêu Chúa và chỉ vì yêu Chúa mà thôi.

Chia sẻ: Tìm hiểu về cách phân định các động lực làm việc của mình.

Sống Lời Chúa: Trước hoặc sau mỗi việc làm, tập phân định động lực làm việc của mình: Tôi đang một làm việc với động lực nào, “để phô trương công đức trước mặt người đời”, hay “để Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo” trả công cho tôi?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết phụng sự Chúa hết lòng mà không chờ đợi một phần thưởng nào khác, ngoài việc nhận biết con đã làm theo thánh ý Chúa mà thôi. Amen.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *