Khi Tiến Sĩ Huynh Đoàn … sang Mỹ

 Vừa mới đi lễ về còn đang nhâm nhi ly cà phê buổi sáng thì nghe chuông điện thoại của vị “tiến sĩ” Chín Tào bên Mỹ gọi về reng… reng… reng, Ba Phải liền bắt máy:

– Alo… Xin chào Anh Tiến Sĩ, anh chị khỏe chứ? Mới sáng mà đã được Anh Tiến Sĩ từ bên Mỹ gọi điện về hỏi thăm, Ba Phải này có mà vui từ sáng tới chiều, đêm về vẫn vui trong giấc ngủ nữa ấy chứ!

Nghe Ba phải làm nguyên một dây dài, Chín Tào vội vàng lên tiếng:

– Dạ… em chào Anh Ba, chúc Anh Ba ngày mới thật nhiều niềm vui ạ! Có việc này em đang muốn thỉnh giáo Anh Ba, xin Anh Ba giúp em với!

Nghe hai chữ thỉnh giáo làm Ba Phải giật mình đánh thót vì có vị “tiến sĩ” cậy nhờ… Chả là khi còn ở Việt Nam, Chín Tào được mọi người vui phong cho làm “tiến sĩ” trong Huynh đoàn; bởi vì mỗi khi bàn đến chuyện gì, Chín Tào thường nghiên cứu trích dẫn nào là Luật Chúa, Luật Giáo Hội và Luật Sống, lắm khi còn trưng dẫn cả kho tàng ca dao tục ngữ, nên mọi người phong cho tước hiệu tiến sĩ là vậy. Bình tĩnh lại, Ba Phải nghĩ ngay là có chuyện gì ấm ức, bực bội làm Chín Tào đứng ngồi không yên nên sáng sớm mới điện thoại thế này đây, cái tính bộc chộp nhà quê chân chất của anh nhiều lúc cũng hay mất lòng mà cũng dễ thương thiệt!…

Ba Phải liền rào đón gạ chuyện:

Anh Tiến Sĩ nè, anh sao vậy, hình như anh đang có chuyện ấm ức buồn phiền gì hả, ở bên Mỹ mà cũng còn nhớ tới Ba Phải này thì thật là anh em mình duyên nợ có mà đến chết cũng chưa hết anh nhỉ?

Chín Tào liền bô bô cái miệng tỏ bày:

– Anh Ba à, từ khi sang Mỹ tới nay được mấy tháng rồi, tôi chưa bỏ lễ Chúa nhật nào hết anh à, mà… mà…

– Mà… mà anh Tiến Sĩ tính xưng tội với tôi hay sao đấy! Tôi có phải là linh mục đâu mà xưng, Ba Phải liền cắt lời.

Nghe vậy Chín Tào liền vội tiếp:

– Dạ không! Anh Ba à, ý tôi muốn nói là từ khi sang Mỹ tới nay được mấy tháng rồi, tôi chưa bỏ lễ Chúa nhật nào hết, mà không hiểu sao mỗi lần tôi lên rước lễ thì các thừa tác viên bên này chỉ xoa đầu tôi chứ không cho tôi rước lễ như bao người khác. Hôm nay ấm ức quá, nên lễ xong tôi vào hỏi Cha xứ về lý do sao tôi không được rước lễ mà chỉ được thừa tác xoa đầu chúc lành thôi là làm sao? Cha xứ là người bên Mỹ nên cũng chỉ biết tiếng việt lõm bõm thôi, ngài gật đầu và hỏi mấy vị thừa tác rồi trả lời tôi, các vị thừa tác nói là tại tôi khoanh tay đi trước Thánh Thể, thế nên các vị đó không cho rước lễ mà chỉ xoa đầu là vậy đó. Nghĩ cũng lạ mà cũng hay thật, ở Việt Nam từ ngày còn bé tôi đã được cha mẹ dạy cho mỗi khi đọc kinh thì phải khoanh tay, còn đi nhà thờ thì các anh chị giáo lý viên cũng căn dặn là mỗi khi vào nhà thờ là phải khoanh tay cho trang nghiêm sốt sắng. Thế mà, ở bên này lên rước lễ mà khoanh tay như vậy lại không được, đúng là bó tay chấm cơm (botay.com), nên gọi điện về chia sẻ với Anh Ba, xin Anh Ba cho zdài nhời nhận xét ạ!

Ba Phải nghe xong mà cứ rối lên:

– Ối giời ơi! Anh Tiến Sĩ ơi… từ bé đến giờ em mới nghe lần đầu nè, sao em biết được! Anh là Tiến Sĩ mà lại hỏi em là dân quê thế này thì em biết hỏi ai được bây giờ, hay là anh để em hỏi bà xã em coi xem cô ấy có biết tí gì không nha!

Chị Năm nghe chồng gọi vội vàng dưới nhà chạy lên, sau khi nghe chồng là Ba Phải kể sơ qua nội nung, chị liền vội vàng vào đề rất ư là chuyên nghiệp:

– Em chào Anh Chín, Anh Chín khỏe không? Anh chị qua bên ấy chắc có nhiều thay đổi chưa thích nghi vì đất có lề quê có thói nhỉ? Mỗi nơi có một tục lệ khác nhau Anh bảy heng…

Chín Tào cũng lịch sự chào lại:

– Ừ… Anh chào thím, cám ơn thím anh chị vẫn khỏe, anh chúc thím ngày mới thật vui thật hạnh phúc nha.

Chị Năm vui vẻ tiếp lời:

– Anh Chín à, nghe câu chuyện của anh, em chợt nhớ là cách đây mấy ngày trên phây-búc (facebook) trang mạng xã hội có đăng câu chuyện vợ chồng nhà kia đi ăn giỗ về dọc đường chẳng biết thế nào mà tự mình tông vào con lươn giữa đường. Thế mà mọi người đi qua cứ ung dung lái xe chạy thẳng, còn bà con bên đường thì cũng cứ “khoanh tay đứng nhìn” mãi cho tới khi có CSGT đến thì vợ chồng anh ta mới được đưa vào bệnh viện trong tình trạng rất nguy kịnh. Lý do mọi người “khoanh tay đứng nhìn” là vì đã có những trường hợp ra tay cứu người, nhưng khi người nhà của nạn nhân đến cứ tưởng người cứu là thủ phạm gây tai nạn nên lao vào đánh, xíu nữa thì người cứu bị mất mạng như chơi; còn mà đưa vào bệnh viện thì cũng phải nộp tiền làm thủ tục,… và chờ cho đến khi liên lạc được để người nhà đến, đôi khi cũng bị hiểu lầm như trên là chuyện bình thường.

Anh Chín à, em là phận đàn bà học thì ít mà cứ thích biết nhiều nên vào trang mạng tra bách khoa toàn thư thì ý nghĩa của “khoanh tay” như sau: “Khoanh tay đứng nhìn” có nghĩa là không làm gì, không muốn can dự vào sự việc, ai làm gì thì kệ họ, không liên quan tới mình.

Vẫn biết rằng, đất có lề quê có thói, phong tục ông bà dạy mình từ thuở nhỏ là đọc kinh hay đi lễ là phải khoanh tay, nhưng khoanh tay riết rồi thành thói quen chỉ có ở trong xóm nhỏ nhà mình thôi Anh Chín à. Còn ở bên đó em đoán chắc là mọi người lên rước lễ đều chắp tay trước ngực hay ít ra thì hai bàn tay cũng đan xen vào nhau trước bụng thật nghiêm trang để tỏ lòng mến yêu và cung kính Thánh Thể, sao anh không bắt chước mọi người bên đó như là đất có lề quê có thói của họ cứ coi như là nhập gia tùy tục vậy Anh Chín à,…

Sau khi nghe mấy lời của người đàn bà nhà quê bán rau ở chợ, vị Tiến Sĩ như bừng tỉnh, miệng liền thốt lên:

– Ừ nhỉ, tôi cám ơn thím nha! Sao tôi lại không nghĩ ra được heng… mọi người ở bên này đều chắp tay trước Thánh Thể Chúa để cung kính và thờ lạy, còn tôi một mình kiểu cứ khoanh tay theo thói quen. Giờ thì tôi hiểu rồi, tại sao trong thánh lễ có phần thì ngồi, có phần thì đứng và có phần thì quỳ, tất cả là đều có ý nghĩa riêng,… Cám ơn thím, tôi cúp máy nha.

Chị Năm cúp máy, Ba Phải nhìn vợ mặt tươi như hoa, liền nở một nụ cười và khen lấy khen để; còn Chị Năm thì cười hì hì nói tiếp theo: việc lớn trong nhà thì đàn bà chúng em không giỏi, chứ… tính nhẩm bán rau ngoài chợ thì cánh đàn ông các anh thua xa đấy… ông xã à!…

haiquanho