Khoan nhân và hiền lành trước chất vấn (03.06.2023 – Thứ Bảy Tuần VIII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Hc 51,12-20, Mc 11,27-33

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 11,27-33)

27 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Đang khi Người đi đi lại lại trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi : 28 “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy ?” 29 Đức Giê-su đáp : “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 30 Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta ? Các ông trả lời cho tôi đi !” 31 Họ bàn với nhau : “Nếu mình nói : ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại : ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy ?’ 32 Nhưng chẳng lẽ mình nói : ‘Do người ta’ ?” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ. 33 Họ mới trả lời Đức Giê-su : “Chúng tôi không biết.” Đức Giê-su liền bảo họ : “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

Khoan nhân và hiền lành trước chất vấn (03.06.2023)

Ngày 03.06: Lễ Nhớ Thánh Ca-rô-lô Loan-ga và các bạn, tử đạo

“Ông lấy quyền nào mà làm các việc ấy ? Hay ai đã cho ông quyền đó để ông làm các việc ấy ?”.

Phần đông dân chúng Do Thái thấy công việc Đức Giêsu làm đều nhận biết sứ mệnh của Người. Nhưng các thượng tế, kỳ lão và biệt phái có quyền hành, xấu bụng, không muốn nhìn nhận thiên chức của Người… Đức Giêsu không muốn uổng phí thời gian tranh luận với họ; Người chỉ hỏi lại một lời về phép rửa và lời giảng của Gioan Tẩy Giả.

Trước lời chất vấn của các thượng tế, kỳ lão và biệt phái về quyền bính, Đức Giêsu thấy rõ lòng dạ xấu vì ác ý và sự cứng lòng tin của họ, nên Ngài đã đặt cho họ vấn nạn để tạo cơ hội cho họ tỏ thiện chí: đó là gợi cho họ nhớ lại nguồn gốc phép rửa của Gioan Tẩy Giả.

Cách cư xử của Đức Giêsu tỏ ra Ngài khoan nhân, và hiền lành, và Chúa cũng mong muốn mỗi người tin theo Chúa cũng hãy khoan nhân trong cách cư xử đối với kẻ ác đang gây tai hại cho con người chúng ta.

Những người lãnh đạo dân Do Thái trốn tránh trách nhiệm bằng cách không trả lời, nhưng việc Đức Giêsu không trả lời là vì Ngài thấy họ cố chấp, không muốn tin nên có nói thẳng ra họ cũng không tin.

Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can con người, nghĩa là chúng ta không thể trốn tránh trách nhiệm trước mặt Chúa, vì thế chúng ta phải tin tưởng vào Chúa để thành thực cởi mở với Chúa, khi đó chúng ta mới có tương quan tốt với Chúa để đón nhận hồng ân của Người.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn thành tâm bày tỏ lòng tin trong cuộc sống, và nhờ thế Giáo Hội sẽ đón nhận nhiều anh chị em trở về. Amen

Năng quyền thượng giới (29.05.2021)

Giới lãnh đạo tôn giáo – thượng tế, kinh sư và kỳ mục – quá bất ngờ, không kịp phản ứng khi hôm qua Đức Giê-su vào Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, và Người đã xua đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn những người đổi tiền và xô ghế những kẻ bán bồ câu ra khỏi Đền Thờ. Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho biết Chúa Giê-su và các môn đệ lại vào Đền Thờ nữa, không biết Người sẽ làm gì nữa đây ?

Giới lãnh đạo Do-thái giáo bèn đến gặp Đức Giê-su hỏi Người cho ra lẽ: Người đã dựa vào ai, lấy quyền gì mà xua đuổi, rồi lật bàn, đổ ghế những kẻ lâu nay buôn bán trong Đền Thờ ? Các thượng tế, các kinh sư, và các kỳ mục đến để bắt bẻ, gài bẫy Chúa.

Chúa Giê-su nhìn thấu tâm địa gian manh, giả mù sa mưa của bọn họ nên Ngài hỏi vặn lại: “Vậy, phép rửa của Gio-an là do Trời hay do người ta ? Các ông trả lời cho tôi đi !”

Giới lãnh đạo tôn giáo thừa biết phép rửa của Gio-an làm sao sánh được với các việc làm và những phép lạ của Chúa Giê-su mà họ đã từng tận mắt chứng kiến. Nhưng họ vì thành kiến, ích kỷ và cứng lòng không nhìn nhận sự thật cũng như không dám phủ nhận sư thật. Chúa Giê-su đã chất vấn ngược lại bọn họ, nhằm hỏi họ đã lấy quyền gì mà chống đối Ngài, và không chấp nhận sự thật ràng ràng như vậy ? Qua đó, Chúa Giê-su muốn những kẻ chất vấn Người đây, cần phải thay đổi đời sống tích cực, cần phải có lòng chân thành, cần phải có lương tâm ngay thẳng và tinh thần phục thiện thì mới thật sự lãnh nhận được cứu rỗi từ bởi Trời.

Lạy Chúa, xin loại khỏi lòng con những thành kiến hẹp hòi, ích kỷ để con có thể chấp nhận sự thật qua những lần gặp gỡ anh chị em con, và qua những công việc tông đồ bác ái chung với mọi người. Amen.

CÁT BIỂN

“không biết” (02.06.2018)

Chúng ta thường quan niệm rằng “kẻ không biết không có tội”, vì họ không ý thức được điều họ làm là sai. Tuy nhiên, nếu người đó biết rõ nhưng vì lợi ích cá nhân của mình mà giả vờ như không biết, kẻ đó càng đáng tội nhiều hơn. Các trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão trong bài Tin Mừng hôm nay chính là những người như vậy. Họ muốn chất vấn về quyền hạn của Chúa Giêsu là từ đâu mà có, nhưng lại chẳng muốn chấp nhận sự thật rằng Người là Con Thiên Chúa. Để rồi, họ tự dối mình và dối người khi thốt lên “Chúng tôi không biết”.

Có phải thực sự họ không biết hay không? Không hề. Họ không chỉ nhận biết được quyền năng của Chúa Giêsu mà còn nhận ra sự hiện diện của quyền năng ấy sẽ gây bất lợi cho mình. Chính vì thế, họ thà tự nhận mình là những kẻ không biết gì còn hơn là chấp nhận sự thật về quyền thế của Người. Lời nói đó tưởng chừng như vô thưởng vô phạt nhưng thực sự đã tố cáo lòng tin chai đá của những người có uy tín, những người đại diện cho tầng lớp trên trong xã hội Do Thái và sự nhỏ nhen, vị kỉ của họ.

Tuy nhiên, đừng vội xét đoán vì biết đâu được, chính chúng ta cũng là những người như họ. Đôi lúc chúng ta đặt cái tôi của mình quá cao, xem trọng lợi ích của mình một cách quá đáng để rồi im lặng trước bất công của xã hội, hay chọn cách như các luật sĩ, trưởng tế và kỳ lão trong đoạn Kinh Thánh trên – vờ như không biết những điều đó. Quả thật, khi mỗi người đều tự đề cao cái tôi của mình một cách thái quá, những giá trị chung của xã hội sẽ chẳng còn gì quan trọng.

Nhìn vào thực tế đất nước chúng ta, biết bao kẻ gian tà đã bị đồng tiền mê hoặc, cướp mất ruộng đất, nhà cửa hay vơ vét một cách vô tội vạ mà không cần quan tâm đến những người bị họ cướp. Họ không cần biết đến điều đó, chỉ cần vinh thân phì gia, họ sẵn sàng bất chấp tất cả. Hay những người hữu trách của đất nước cũng thế, họ “không thấy, không nghe, không nói” hay “không biết” những kẻ ngoại bang đang từng ngày đe dọa chủ quyền của đất nước. Không chỉ tầng lớp trên mà ngay cả những người bình thường cũng vậy, họ bàng quan, thờ ơ trước vất công của xã hội, nhân quyền chỉ còn là trò đùa của kẻ cầm quyền nhưng họ lại “không biết” vì họ không ý thức được nó ảnh hưởng rất lớn đến mình. Người ta chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài… Tất cả cũng là do con người cố tình “không biết”.

Là người Công giáo, chúng ta may mắn hơn vì được biết nhiều hơn người khác, đồng thời cũng được “ưu ái” hơn vì biết và dám nói. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là chúng ta hoàn hảo. Đôi lúc chúng ta vẫn yếu đuối, vẫn chối bỏ Chúa vì tội lỗi hay vì lợi ích cá nhân mình. Chính vì thế, chúng ta cần ý thức được sự thật quan trọng đến mức nào, để ta biết tôn trọng, đề cao nó và chia sẻ cho mọi người cùng nhận ra sự thật đó. Đồng thời, chúng ta phải biết lên án những điều trái với chân lí, trái với sự thật vì Thiên Chúa là Đấng Chân Thật.

Lạy Chúa, xã hội chúng con vẫn còn nhiều người im lặng trước bất công, đầu hàng trước sự dối trá, tội lỗi. Dù đã cố gắng hết sức để vượt qua nhưng chúng con vẫn chỉ là phận người yếu đuối, khó có thể thành công mà không có sự trợ giúp của Ngài. Vì thế, xin Ngài luôn ở bên, đồng hành và ban cho chúng con biết can đảm nói lên sự thật, dám lên án sự dối trá, bất công và đặc biệt, không bao giờ được nói “không biết” để phủ bỏ trách nhiệm của mình. Amen.

Petrus Sơn 

Quyền năng Thiên Chúa (28.05.2016)

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc chạm trán giữa các thượng tế, kinh sư và các kỳ mục của người Do Thái với Đức Giêsu trong sân đền thờ Giê-ru-sa-lem, khi Người cùng các môn đệ đến đây để chuẩn bị mừng lễ Vượt qua, một đại lễ của người Do Thái (x. Mt 21; Ga 12).

Giới lãnh đạo tinh thần trong dân Do Thái luôn soi mói những việc Đức Giêsu làm và không bỏ qua một cơ hội nào để có thể chất vấn Người; có một khoảng cách giữa họ và Đức Giêsu, đó là tính kiêu căng, tự phụ của một dân tộc từng được Thiên Chúa yêu thương coi như dân riêng của Chúa, họ luôn tự hào có lề luật Mô-sê, và họ đang lạm dụng lề luật để củng cố vai trò lãnh đạo của mình, nhằm mục đích tôn vinh phe nhóm và hưởng lợi từ những đóng góp của dân chúng; nhiều luật lệ chú trọng đến hình thức bên ngoài hơn tinh thần bên trong được họ thêm thắt vào, làm cho việc giữ luật trở nên gánh nặng cho dân, còn họ thì không hề chạm ngón tay.

Ngược lại, chủ trương của Đức Giêsu khác với những quan điểm của các thượng tế, kinh sư, và các kỳ mục Do Thái; Đức Giêsu chú trọng nhiều hơn đến đời sống thiêng liêng của mọi người, đó là: Tôn thờ Thiên Chúa và thực thi lề luật với sự chân thành và lòng yêu mến. Người giảng dạy sự thật và vạch trần những tập tục, truyền thống không phù hợp với lề luật và đang làm cho dân chúng xa lìa đường lối của Thiên Chúa; Người đối lập với họ và trở thành kẻ thù vì không về phe với họ, không đồng thuận với những quan điểm và hành động của họ. Lời giảng dạy khôn ngoan và đầy uy quyền của Đức Giêsu, cũng như những dấu kỳ, phép lạ Người đã làm cho dân, biểu tỏ quyền năng của Thiên Chúa nơi Đấng Mê-si-a, Đấng phải đến để giải cứu dân tộc It-ra-en mà các tổ phụ, các ngôn sứ đã loan báo và mọi người đang trông mong chờ đợi; nhưng họ cố chấp, cứng lòng và không tin.

Gặp gỡ Đức Giêsu và các môn đệ của người trong đền thờ, các thượng tế, kinh sư, và các kỳ mục Do Thái đến chất vấn Người: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy? “. Giới lãnh đạo Do Thái đưa ra câu hỏi với Đức Giêsu,  không phải với ý tốt lành để họ tôn vinh Người; nhưng ngược, lại họ muốn tìm ra một chứng cớ để có thể loại trừ Người. Thấu hiểu lòng dạ độc ác của các thượng tế, kinh sư, và các kỳ mục; Đức Giêsu đưa ra điều kiện theo kiểu “bánh ít cho đi, bánh qui cho lại”: “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta?”

Câu hỏi của Đức Giêsu đặt các thượng tế, kinh sư, và các kỳ mục vào tình thế khó xử; vì câu trả lời của họ sẽ vạch trần sự sai trái mà chính họ đang vướng mắc, đó là không tin lời rao giảng của ông Gio-an tiền hô mà sám hối, hoán cải; đang khi đó mọi người đều cho rằng Gio-an tẩy giả là ngôn sứ Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế ngự đến; còn họ thì không tin. Trả lời “do trời” hay “do người ta” đều bất lợi cho họ; vì thế họ nói: “chúng tôi không biết”.

Đức Giê-su liền bảo họ: “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

Thái độ của những người lãnh đạo Do Thái không những cứng lòng không tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ muôn dân đang trông đợi, mà họ còn cố chấp, ganh ghét, đố kỵ và tìm cách loại trừ Người. Nhưng sự khôn ngoan của Đức Giêsu đã làm cho họ bẽ mặt và nhận ra quyền năng ấy là do Thiên Chúa.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

Tin tưởng mạnh mẽ Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là Đấng Cứu Độ nhân loại; Người đã dùng quyền năng Thiên Chúa mà giảng dậy và ban ơn cứu độ; tôi phải đón nhận Tin Mừng Cứu Độ của Người và áp dụng trong cuộc sống đời thường với sự hăng say và lòng yêu mến chân thành.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin để con kiên vững trong đường lối của Chúa và nhờ quyền năng Lời Chúa, con biến đổi lối sống của mình như lòng Chúa mong ước.

SỐNG TIN MỪNG

Siêng năng đọc, suy niệm, cầu nguyện và sống Phúc Âm mỗi ngày.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *