Nguyện Danh Cha được cả sáng (14.05 – Lễ Kính Thánh Mát-thi-a, Tông đồ)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

14.05:  Lễ Kính Thánh Mát-thi-a, Tông đồ (1 -80)

Lời Chúa: Cv 1,15-17.20-26, Ga 15,9-17

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 15,9-17)

9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

12 “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

16 “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.” 

Nguyện Danh Cha được cả sáng (14.05.2022)

Ghi nhớ:

“Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy”. (Ga 14, 11).

Suy niệm:

Đức Hồng y Cardjin, vị sáng lập phong trào Thanh Lao Công đã tự thuật chuyện đời mình bước vào đời sống tu trì như sau: Cha tôi là một công nhân nghèo, người đã phải vất vả hy sinh quá nhiều để nuôi dưỡng những đứa con mà có lẽ người cũng rất hãnh diện. Khi lên 13 tuổi, một buổi tối nọ, khi các anh chị tôi đã lên giường ngủ rồi, tôi rón rén đi xuống nhà bếp, tôi lại gần cha tôi. Lúc đó người đang trầm ngâm với chiếc ống điếu. Còn mẹ tôi thì đang khâu giầy cho chúng tôi. Tôi rụt rè thưa với cha:

Thưa ba. Niên học tới, con còn có thể tiếp tục đến trường được không?.

Cha tôi trả lời:

Con ơi! Ở vào tuổi của con, ba đã phải đi làm rồi. Bây giờ thì như con thấy đó, ba đã có tuổi, sứ lực đã mòn.

Nghe cha nói thế, tôi lấy can đảm để nói lên ước muốn của mình:

Ba ơi, con nghe trong tâm hồn của con có tiếng Chúa gọi. Con muốn đi tu để trở thành linh mục.

Bình thường cha tôi là một người ít biểu lộ tình cảm. Nhưng hôm ấy, khi vừa nghe tôi nói muốn dâng mình cho Chúa trong đời sống linh mục thì nước mắt người từ từ lăn trên đôi gò má! Còn mẹ tôi ở cạnh đó thì run lên vì xúc động.

Cuối cùng, sau khi đã làm chủ được cảm xúc. Cha tôi mới thốt lên:

Ba mẹ đã hy sinh rất nhiều rồi, song để cho con được trở thành linh mục, ba mẹ sẽ tiếp tục hy sinh.

Thiên Chúa Cha là Đấng Thiêng liêng, vô hình. Vì thế, đối với con mắt của loài người trần gian thì không thể nhìn thấy Ngài một cách hiển thực được. Con người chỉ có thể nhìn thấy Thiên Chúa qua những công trình mà Ngài đã thực hiện; như trời đất, biển cả, trăng sao và muôn vật trong vũ trụ này. Tuy nhiên, qua mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể làm người, thì chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã giới thiệu để cho nhân loại biết Thiên Chúa Cha qua chính hình ảnh và những công việc cũng như những lời mặc khải của Ngài về Người Cha của mình. Ở đó, dung mạo của Chúa Cha  là sự thánh thiện, là  suối nguồn tình yêu thương, là Đấng toàn năng, trọn lành, là Đấng đầy lòng khoan dung và nhân hậu. Người là Chân –Thiện – Mỹ.

Vì thế, những ai muốn tìm chân lý, muốn nên trọn lành đều khát khao gặp được Ngài. Môn đệ Phi-lip-phê đã nói lên ước mơ ấy cùng Thầy Giê-su: “ Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện rồi”. Ông Phi-lip-phê đã thay mặt cho các môn đệ nói lên nguyện vọng chính đáng này và các ông đã được Đức Giê-su giải thích cho: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha”. Thật vậy. Chúa Cha và Chúa con là một như chính Đức Giê-su đã khẳng định: “ Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy”. Thầy và Cha Thầy là một”. Trình thuật tiếp theo đoạn Tin Mừng hôm nay là việc Đức Giê-su mặc khải về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Tam Vị Nhất Thể: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”. (Ga 24, 15-16)

Những  việc làm, những lời nói, những phép lạ mà Đức Giê-su đã thực hiện nơi trần gian đều do bởi thánh ý Thiên Chúa Cha. Như vậy nhân loại sẽ nhận diện được Chúa Cha qua Người Con yêu dấu của Ngài. Tóm lại; Trọn cuộc đời của Đức Giê-su là sự phản ảnh gương mặt thánh thiên, nhân từ của Thiên Chúa Cha.

Áp dụng tinh thần bài Tin Mừng hôm nay vào cuộc sống thường ngày của mỗi ky-tô hữu; là chính chúng ta phải sống thế nào để mọi người chung quanh nhận thấy Thiên Chúa qua đời sống của mình.

Cầu Nguyện:

Lạy Đức Chúa Cha là Đấng giầu lòng xót thương, nhân danh Con yêu dấu của Cha, xin cho chúng con luôn biết làm sáng Danh Cha , để vì đó Thánh Tử Giê-su cũng được vinh hiển, do đời sống yêu thương và phục vụ. Nhờ đó mọi người xung quanh sẽ nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa. Đấng hằng sống nhân hậu yêu thương và chăm sóc mọi người. Amen.

Sống Lời Chúa

Chúng con nguyện  cho Danh Cha được cả sáng.

Đaminh Trần Văn Chính.

Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy

Tin Mừng hôm nay, vẫn những lời tâm huyết của Chúa Giêsu dặn dò, dạy dỗ các tông đồ trước khi Người phải đi chịu chết.

Trước hết vì quá yêu thương, nhất là gần đến ngày phải chia lìa các ông, Chúa đã xác quyết và cam kết về tình yêu thương của Chúa đối với các tông đồ, để các ông yên vui trên đường đời trong sứ mạng mà Chúa đã trao phó, mặc dù tình thương yêu ấy đã được Chúa nói đến nhiều lần: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Chúa cũng nhắc các ông cứ yên tâm, tin tưởng mà tuân giữ các điều Chúa đã  dạy bảo. Nếu tuân giữ các điều Chúa dạy thì “Anh em sẽ được ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”.

Giữ các điều răn Chúa truyền dạy là các ông sẽ được hưởng tình thương của Chúa Giêsu, của Chúa Cha. Tình thương ấy đã làm cho niềm vui của các ông được nên “trọn vẹn”. Các ông còn được trở nên bạn hữu, được biết mọi việc nơi Chúa Cha. Nhất là được Chúa hứa hẹn cho sự nghiệp của các ông được sinh nhiều hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại… Anh em xin gì cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho.” Lời căn dặn cũng như lời tiên báo ấy đã ứng nghiệm nơi cuộc đời các ông. Phải xa rời Chúa bằng xương bằng thịt, các ông lại được sức mạnh của Chúa Thánh Thần đồng hành trong sứ mạng Chúa trao phó. Đã chẳng có sức mạnh nào khác cản trở được bước tiến của các ông đem Tin Mừng phục sinh của Chúa Kitô, người Thầy của mình đến với muôn dân. Đã chẳng có “niềm vui” nào lớn hơn là làm theo lời Chúa căn dặn cho dù phải hiến cả mạng sống mình.

Lời Chúa dạy các ông: là Yêu Thương, tất cả chỉ là Yêu Thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

– Vì yêu thương Thiên Chúa đã tạo thành muôn loài muôn vật, cho con người là tạo vật đặc biệt được làm chủ hoàn vũ “Bốn mùa Chúa đổ Hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 65,12).

– Vì yêu thương mà Tổ Tông khi sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đã không loại bỏ mà lại hứa ban Đấng Cứu Thế đến để chuộc tội nhân loại. Đã lập một dân riêng là dân tộc Do Thái mà dạy dỗ họ suốt mấy nghìn năm để họ quay về với đường lành mà đón nhận Chúa Cứu Thế. Mười giới luật mà Thiên Chúa dạy họ từ ngày ấy cũng tóm lại chỉ gốm hai điều là “Yêu mến Thiên Chúa Thiên Chúa và yêu thương tha nhân”. Giờ đây, Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu KiTô đã đến hai nghìn năm nay. Người đã bày tỏ tất cả bằng lời nói, việc làm để thể hiện, minh chứng tình yêu thương của Thiên Chúa Cha cho nhân loại. Đặc biệt Người đã dùng cái chết và phục sinh để yêu thương cứu chuộc nhân loại, cho họ được sống muôn đời với Đấng taọ thành.

Lời mời gọi của Chúa Giêsu xưa với các tông đồ “Anh em hãy yêu thương nhau” đã được các ông hết lòng tuân phục mà thực thi, làm nền tảng, là trọng tâm, là điều kiện tiên quyết cho ai muốn gia nhập Giáo Hội của Người. Các thánh Tông đồ đã  noi gương Thầy mình mà yêu thương hết lòng. Tông đồ Gioan được tận hưởng tình yêu Thầy mình, hãy nghe ông nài nỉ mọi người: “… Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước… Ai không yêu thương là không biết Thiên Chúa.” (1Ga 4,7-20).

Còn chúng ta hôm nay, những người đã được nhận hạt giống đức tin từ các tông đồ, đã nhận ra hết tình yêu thương của Chúa dành cho chúng ta chăng? Để mà vâng nghe, thực thi lời dạy “yêu thương nhau” của Người.

Thế giới hôm nay, dù còn nhiều người chưa nhận biết Chúa Kitô, nhưng qua các trang thông tin ngày càng có nhiều người nâng đỡ, chia sẻ vật chất, tinh thần, cho mọi người. Họ như thực thi lời dạy của Chúa: mọi người đều là anh em đang sống chung trên một ngôi nhà là trái đất. Trái lại lời dạy này của Chúa cũng phải không ngừng nhắc lại như một mệnh lệnh chân lý cho mọi người biết yêu thương và cùng bảo vệ trái đất này.

Lạy Chúa Giêsu! Chúa đã dạy con phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu mến mọi người là anh chị em con như chính mình con, đó là điều chính đáng phải đạo và đem lại hạnh phúc cho con ngay ở đời này và cả hạnh phúc muôn đời nữa. Xin giúp con hết lòng theo đuổi lý tưởng ấy. Amen.

Giuse Ngọc Năng

Sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa (14.05.2019)

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính lễ Thánh Matthia Tông Đồ. Ngài là môn đệ trước khi được bầu chọn làm Tông Đồ thay thế cho Giuđa. Sau khi thuộc về nhóm Mười Hai, Thánh nhân đã dùng chính cuộc đời của mình để đáp lại tiếng gọi yêu thương của Chúa. Thánh Matthia là vị Tông Đồ đã nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo, sẵn sàng hy sinh để làm chứng cho Chúa, chịu bách hại và tử đạo trong sứ vụ Loan Báo Tin Mừng của Chúa.

Chúa đến với con, Chúa gọi mời

Hãy đi theo Chúa. Hỡi con ơi!

Dang rộng đôi tay, Ngài che chở

Có Chúa: lòng con thấy rạng ngời

*

Chúa đến tìm con, Chúa ngỏ lời

Bước đi theo Chúa, quyết đi thôi!

Nắm chặt tay con, Ngài an ủi

Mạnh dạn lên nào! Chớ buông lơi

 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ: “Không phải các con chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn các con” (Ga 9,16). Thật vậy, trong ba năm khi đi rao giảng và cứu chữa nhiều người, chính Chúa Giêsu đã chọn các Tông Đồ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp để các ông cộng tác với Chúa trong sứ vụ mà Chúa Cha đã giao cho Ngài. Ngày nay, Chúa vẫn tiếp tục mời gọi mọi người chúng ta hãy làm việc tông đồ cho Chúa qua nhiều trung gian khác nhau, đặc biệt là Ngài mời gọi chúng ta qua trung gian Giáo Hội.

Chúa đến cùng con, sáng cuộc đời

Lòng con phấn khởi, gọi: Chúa ơi!

Thế là cất bước đi theo Chúa

Cảm thấy an vui, quá tuyệt vời

*

Chúa đến bên con đúng kịp thời

Khi mà con cảm thấy chơi vơi

Sóng gió cuộc đời đang ập đến

Có Chúa mọi sự cũng qua thôi

 

Mỗi người chúng ta đều được Chúa mời gọi làm tông đồ ở một môi trường nào đó (trong gia đình, nơi cộng đoàn, ngoài xã hội…). Dù trong bất cứ hoàn cảnh và nơi chốn nào, chúng ta hãy luôn cố gắng tận tâm trong công việc tông đồ, ngõ hầu mang lại kết quả tốt đẹp. Để có được những kết quả theo Thánh ý của Chúa, đòi hỏi người tông đồ phải nhiệt thành, tận tụy, có khi phải chấp nhận hy sinh cả tính mạng của mình để làm chứng cho Chúa thì cũng phải sẵn sàng.

Hôm nay đi giữa biển đời

Sóng yên, gió lặng , bầu trời trong xanh

Bão giông chẳng dám hoành hành

Gió mưa tan biến, an lành bình yên

*

Chúa luôn sánh bước kề bên

Dìu con bước tới, hướng lên Quê Trời

Con xin đoan hứa một lời

Trung thành theo Chúa cho đời phúc vinh

 

Lạy Chúa, xin giúp chúng con  biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, để chúng con luôn sẵn sàng và vững vàng trở nên những chứng nhân của Chúa, như Thánh Matthia Tông Đồ khi xưa. Nhờ đó, chúng con sẽ can đảm và mạnh dạn làm chứng tá Tin Mừng của Chúa cho mọi người. Amen.

HOÀI THANH

Kim Chỉ Nam cho người Kitô hữu (14.05.2018)

Ghi nhớ: 

Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 15,12)

Suy niệm:

Điều răn của Đức Giêsu nói với các môn đệ: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Đây là điều răn quan trọng nhất cho người Ki-tô hữu trong đời sống đức tin làm con Thiên Chúa, đồng thời đó là kim chỉ nam cho người Kitô hữu trên hành trình lữ hành nơi trần gian

Đức Giêsu đã yêu thương các môn đệ bằng một tình yêu huyền nhiệm nhất, “như  Chúa Cha đã yêu mến Chúa Giêsu, và như Chúa Cha, Đức Giêsu  cũng yêu mến các môn đệ. Đức Giêsu xin các môn đệ kiên trì đón nhận tình thương của Người: “anh em hãy ở lại trong tình thương của Người” nếu như các môn đệ biết ở lại trong tình thương của Người là biết kết hợp với nhau cành nho gắn liền cây nho. Vì thế các môn đệ được Chúa Giêsu mời gọi: “anh em hãy yêu thương nhau”. Đồng thời tình yêu thương đó phải noi gương tình yêu mến của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, như Chúa Giêsu hy sinh mạng sống mình vì nhân loại, Người đã chọn và sai đi các môn đệ đến với tha nhân

Thế giới ngày nay có quá nhiều khổ đau, biết bao đắng cay, nhiều hỗn loạn, con người dễ dàng thờ ơ, vô cảm với nhau, bỏ qua sự tội lỗi hay không hề tự vấn lương tâm của mình, không hề biết đứng lên bênh vực công lý và hòa bình. Qua đó, chúng ta nhận ra từ nguyên nhân sâu sa con người còn thiếu đi lòng thương yêu, sự hận thù, gian tham, sân si vẫn còn tồn tại trong cái tôi của con người, quên đi sự tha thứ mãi mãi. Như Chúa Giêsu luôn nhắn nhủ: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” tức là tha không giới hạn, không thù hận, tha không một điều kiện nào, sống trong sự quảng đại, nhân đức, và luôn ở trong tình thương của Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi mỗi người, sống là biết đem yêu thương vào nơi oán thù. Nhìn lại, bao gia đình, xã hội, ngay nơi giáo xứ chúng ta, sự thương yêu dần mất đi, thay vào đó sự ganh đua, hơn thua, hoặc dùng đồng tiền mua chuộc danh thế để đề cao bản thân mình, quên đi chính mình đang lỗi đức bác ái, thiếu đi tình yêu thương, tôn trọng tha nhân mà Thiên Chúa luôn mong muốn con người nối tiếp theo hành trình của Người. Thế nên, người Kitô hữu theo Chúa Giêsu, biết sẵn sàng tha thứ cho người khác, bằng sự yêu thương, với lòng nhân ái, hiền hậu. Đời sống trần gian của mỗi người luôn là hành trình đi tìm cõi phúc, kẻ thì đi tìm an vui tự tại hay lạc thú, nơi ta sống, nhưng có người tìm gieo vãi sự yêu thương bằng lời nói, việc làm để cầu mong ta gặt hái cõi vĩnh hằng mai sau.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống và thực thi lòng mến Chúa và yêu người, như kim chỉ nam cho mổi chúng ta trên bước đường tìm vế cõi phúc đời sau. Amen.

Định nghĩa tình yêu (14.05.2016)

 

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay trình bày về đặc tính của lòng yêu mến Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại qua Đức Giêsu và Ngài muốn tình yêu ấy được lan tỏa đến mọi người.

Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”.

Thật khó mà diễn tả một cách rõ ràng về hành động yêu mến của Chúa Cha đã dành cho Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, ta có thể nhận ra lòng yêu mến đó qua mặc khải đã được Thánh Kinh Cựu Ước ghi chép trong sách tiên tri I-sai-a: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân” (Is 42, 1); hay: “Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước” (Is 42, 6). Còn Thánh Kinh Tân Ước ghi chép lời giới thiệu của Chúa Cha về Đức Giêsu, khi Đức Giêsu chịu phép rửa của ông Gio-an tiền hô ở sông Gio-đan: “Đây là con yêu dấu của ta, ta hài lòng về Người”(Mt 3,17); và trong cuộc hiển dung ở núi Ta-bor, Chúa Cha giới thiệu với ba môn đệ thân tín của Đức Giêsu: “Đây là con yêu dấu của ta, ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời người” (Mt 17, 5).

Những mặc khải trên cho thấy Chúa Cha đã quan tâm, yêu mến trân trọng Đức Giêsu biết chừng nào và Ngài luôn gìn giữ bảo vệ Người. Khi giảng dạy cho các môn đệ về giới luật yêu thương, Đức Giêsu trở nên dung mạo sống động của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại và Người muốn mọi người khắc họa lại tình yêu ấy trong cuộc sống đời thường: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”.

Đức Giêsu yêu mến các môn đệ, yêu mến nhân loại

Được Chúa Cha sai đến trần gian để cụ thể hóa lòng yêu thương của Ngài, Ngôi Lời đã khiêm nhường hủy bỏ chính mình, mặc lấy xác phàm để ở giữa nhân loại, vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá để cứu chuộc và đem lại cho nhân loại thứ hạnh phúc vĩnh cửu. Tình yêu ấy không có gì có thể sánh ví; bởi vì Người đã cho đi mà không cần điều kiện, chỉ mong con người có được niềm vui và hạnh phúc đích thực nghĩa là thuộc về Thiên Chúa – cội nguồn của lòng yêu mến.

 “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, yêu thương nhau bằng thứ cảm xúc thuần khiết, không bị tính ích kỷ chi phối, không để dục tình thấp hèn lôi cuốn; nhưng yêu thương để đem lại hạnh phúc cho nhau, bằng sự yêu mến chân thành, tôn trọng và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Dĩ nhiên, có gì cho đi mà không mất mát, không phải tiêu hao; tình yêu đòi hỏi sự can đảm chấp nhận thiệt thòi để kiến tạo hạnh phúc cho cả hai bên, đó là hành vi của lòng yêu mến chân thành: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”

Đức Giêsu không những hy sinh tính mạng vì bạn hữu, mà còn hủy mình để ngang bằng với con người trong thân phận thấp hèn là loài thụ tạo; “yêu nhau vạn sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”, với chỗ lệch giữa ngôi vị Thiên Chúa và loài thụ tạo, Người đã hạ mình trở nên người phàm và cư ngụ giữa loài người. Ngược lại với chỗ lệch giữa loài người là loài thụ tạo với Thiên Chúa, Người muốn bồi đắp, kê cho cân xứng bằng lời giáo huấn, bằng ân sủng và cái chết nhục nhã trên thập giá mà chính Người đã chấp nhận, để đánh đổi sự tha thứ của Chúa Cha, cho con người được phục hồi phẩm giá cao quý thuở ban đầu mà được hưởng hạnh phúc. Tuy nhiên, để đón nhận tình yêu và sống trong tình yêu cao vời ấy một cách hiệu quả, Đức Giêsu nhắn nhủ các môn đệ: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (x. Ga 3, 16). Đức Giêsu mời gọi mọi người đáp trả tình yêu của Thiên Chúa bằng sự lắng nghe và tuân giữ giáo huấn của Người, để được Lời chân lý biến đổi; Người cũng truyền dạy mọi người: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Tình yêu của Đức Giêsu dành cho nhân loại, dành cho chúng ta được thể hiện qua những hy sinh, những đau khổ Người phải chịu nơi thân xác và tinh thần trong cuộc sống trần thế của Người, tình yêu ấy đã trở nên khuôn mẫu yêu thương cho những ai đặt trọn niềm tin nơi Người; nghĩa là phải biết hy sinh vì lợi ích chính đáng của người mình yêu thương, phải tôn trọng nhau và giúp đỡ nhau cách chân thành để hướng đến hạnh phúc đích thực trong cuộc sống.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi

Nỗ lực sống yêu thương để tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại được lan tỏa và tình yêu của Đức Giêsu Kitô với Hội Thánh phát sinh hiệu quả, đem ơn cứu độ đến cho mọi người trong mọi thời đại và mọi dân tộc.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin dạy cho con biết sống lời kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô Assisi để con làm trổ sinh hoa trái yêu thương trong cuộc sống như lòng Chúa mong ước

SỐNG TIN MỪNG

Chú tâm thực thi kinh “Thương người có mười bốn mối” trong cuộc sống thường ngày.

Chúa chọn người Chúa muốn

“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái…” (Ga 15,16)

Suy niệm: Thánh Mát-thi-a được chọn làm tông đồ muộn màng sau khi Đức Giê-su về trời, mà lại được chọn bằng cách rút thăm, nhưng dù vậy trong lời nguyện của “nghi lễ truyền chức” đó, cộng đoàn đã nài xin Thiên Chúa tuyển chọn người mà Ngài muốn: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ” (Cv 1,24-25). Quả vậy, không ai tự chọn cho mình làm tông đồ nếu như Chúa đã không chọn họ trước. Chúa chọn họ một cách hoàn toàn tự do và theo ý Ngài muốn (Mc 3,13). Điều Chúa mong muốn là những người Chúa chọn được sai đi và mang lại nhiều hoa trái và hoa trái đó tồn tại vững bền.

Mời Bạn: Ơn gọi của mỗi người, dù thuộc bậc giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân đều là ơn ban từ Đấng Khôn Ngoan và Quan Phòng. Chúa không gọi chúng ta vào một bậc sống nào đó để chúng ta sống một cách tầm thường vô nghĩa. Nếu chúng ta hài lòng đón nhận và nhiệt tâm phát triển ơn gọi mình, thì chúng ta đang làm cho ơn gọi của mình sinh hoa kết quả cho Chúa.

Chia sẻ: Bạn cảm nhận hạnh phúc thế nào về ơn gọi của bạn? Mời bạn chia sẻ.

Sống Lời Chúa: Ôn lại quá trình ơn gọi của mình và dâng lời tạ ơn Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xưa Chúa đã chọn gọi các tông đồ và sai các ngài đi. Nay Chúa cũng chọn gọi chúng con và sai chúng con đi tiếp nối sứ mạng tông đồ. Xin ban cho chúng con niềm xác tín và lòng nhiệt thành để việc tông đồ chúng con sinh hoa kết quả cho Nước Chúa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *