Lời ao ước chính đáng (16.02.2016 – Thứ Ba sau Chúa Nhật 1 Mùa Chay năm C)

Lời Chúa: Mt 6,7-15

 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Ma-thêu.

7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này :
‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
10 triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày ;
12 xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con ;
13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’
14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

Cầu nguyện chính là lẽ sống của người Kitô hữu.

Có thể nói được, cầu nguyện là lời thầm thĩ tâm sự, trò chuyện cùng Thiên Chúa, dâng những nguyện ước của mình lênThiên Chúa, mong chờ được Người chấp nhận và ban ơn.

Cầu nguyện chính là sinh khí cần thiết cho đời sống của những ai đi theo Đức Giêsu Kitô. 

Thế nhưng phải cầu nguyện như thế nào, và cầu nguyện ra sao cho hợp ý Thiên Chúa mới là điều đáng nói ?

Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ rằng: Không phải cứ nói nhiều, lải nhải lặp đi lặp lại, khoa trương hình thức, văn vẻ cầu kỳ… mà Thiên Chúa chấp nhận lời cầu nguyện của các ông. Nhưng tùy thuộc vào lòng nhân từ của Thiên Chúa, tùy thuộc vào tình yêu và lòng thương xót của Người. Chúa Giêsu muốn các môn đệ cầu nguyện với tất cả lòng thành của mình, vì Người biết Thiên Chúa Cha đã rõ những nhu cầu của các ông, ngay cả trước khi các ông cầu nguyện với Người.

Do đó, điều cần thiết khi cầu nguyện chính là niềm xác tín vào Thiên Chúa, Đấng luôn ban cho con cái mình mọi điều tốt lành.

Thánh Tôma Aquinô dạy: “Kinh Lạy Cha là một kinh tuyệt hảo… Với lời kinh này, không những chúng ta nguyện xin tất cả những gì chúng ta có thể ao ước cách chính đáng, mà còn theo trật tự những gì nên ao ước. Vì thế, kinh nguyện này không chỉ dạy chúng ta nguyện xin, mà còn huấn luyện tâm tình của chúng ta nữa”.

Thật vậy, kinh Lạy Cha chính là bài học huấn luyện tâm tình sống tương quan với Thiên Chúa là Cha chúng ta, và sống tương quan với anh chị em xung quanh mình. Đó cũng chính là tâm tình kính Chúa, yêu người. 

Kinh Lạy Cha quả là lời ao ước chính đáng theo trật tự những gì nên ao ước. Nói như thế thật không quá lời chút nào cả. 

1. Thứ nhất, đó là ao ước mối tương giao quy hướng về tình yêu Thiên Chúa. Đó là:

  • Ao ước Danh Thiên Chúa được cao trọng sáng chói, muôn dân bái phục tôn thờ; mọi sự xảy ra trong cuộc đời chúng ta đều quy hướng về Thiên Chúa – Đấng khởi nguyên và cùng đích.
  • Ao ước xây dựng Nước Thiên Chúa mau đạt tới, mau tỏ lộ hiển trị. Một vương quốc trị vì bằng tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Nước Trời trị đến là dấu chỉ sự viên mãn giao ước của Thiên Chúa với con người. Nước Trời sẽ đến, sẽ xuất hiện khi ý muốn của Thiên Chúa được thực hiện ngay ở dưới đất cũng như ở tận trên trời cao. Thiên – Nhân hợp nhất ý, vạn sự thành !

Việc tuân giữ và thực thi ý muốn của Thiên Chúa chính là nguồn gốc của sự trật tự, và hạnh phúc cho đời sống nhân loại. Âu đó cũng là một ao ước chính đáng thuận lòng trời, đẹp lòng Thiên Chúa vậy.

Thiết nghĩ nếu chúng ta cầu nguyện với những ao ước chính đáng này nhằm quy hướng về Thiên Chúa thì không lo là không được Thiên Chúa nhậm lời. 

2. Thứ hai, đó là ao ước mối tương giao quy hướng sống tâm tình yêu mến với anh chị em mình. Đó là:

  • Khi chúng ta cầu nguyện “Lạy Cha chúng con” chứ không phải là “Lạy Cha của con”, tức là đã mặc nhiên tin rằng Thiên Chúa là Cha chung của một gia đình nhân loại, không chỉ là Cha của các Kitô hữu mà thôi.
  • Ao ước cho có đủ lương thực dùng mỗi ngày trong cuộc sống. Cũng là một ao ước chính đáng. Không chỉ đầy đủ lương thực trần gian mà cả thần lương Nước Chúa.
  • Ao ước cá nhân mình được tha nợ nần, tha những lỗi phạm… Nhưng muốn thực hiện được nghĩa cử tha nợ, tha lỗi cho người khác, thì chính mình phải biết sống yêu thương, sống bao dung… với người khác. Tha thứ cho anh chị em mình là dấu chỉ chúng ta sống trong ân tình với Thiên Chúa, và cũng là điều kiện để chúng ta được đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
  • Ao ước thoát được chước cám dỗ và được cứu khỏi sự dữ. Một ước muốn sống kết hiệp, thân tình với Thiên Chúa. Là dấu chỉ một đời sống thánh thiện giống Thiên Chúa là Đấng thánh thiện. Thật là một ước muốn chính đáng, phải đạo thay !

Tóm lại, lâu nay chúng ta cầu nguyện mà không được nhận lời là tại mình xin với tà ý, xin để lãng phí trong hưởng lạc cá nhân; không ao ước chính đáng đúng theo thánh ý Chúa đã dạy trong kinh Lạy Cha (x. Gc 4,1-3)

Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện. Xin cho chúng con biết cầu nguyện chính đáng là làm đẹp lòng Chúa luôn. Amen.

 

 

CÁT BIỂN