Trở về đường công chính (13.12.2022 – Thứ Ba tuần III Mùa Vọng)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 21,28-32)

Đức Giê-su kể cho các thượng tế và kỳ mục dụ ngôn sau:

28 Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.”29 Nó đáp: “Con không muốn đâu! ” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây! ” nhưng rồi lại không đi.31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? ” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

Trở về đường công chính (13.12.2022)

Ngày 13.12: Lễ Nhớ Thánh Lu-xi-a, trinh nữ, tử đạo

Nguyên Tổ nhân loại được dựng nên trong tình trạng có ơn nghĩa Chúa, được thông phần vào bản tính Thiên Chúa, được hưởng nhan thánh Chúa, được hưởng hạnh phúc đời đời; nghĩa là nhân loại được chiếm hữu chính Thiên Chúa. Thế nhưng, Nguyên Tổ nhân loại đã khước từ kế hoạch siêu nhiên mà Thiên Chúa đã đặt để; vì thế họ và miêu duệ của mình phải chết.

Thiên Chúa không nỡ để nhân loại chịu cảnh trầm luân, khổ ải và chết mất. Người đã cho nhân loại một đặc ân không phải chết (x. Rm.3,24; 5,12-21) kèm theo một điều kiện là nhân loại phải tin, phải thống hối ăn năn, phải trở về đường công chính mà Gio-an tiền hô đã khẩn thiết kêu gọi hơn 2.000 năm qua (x. Mt.21, 32b-32)

Theo đó, đường công chính là một phạm trù liên quan đến lẽ phải, đến công bằng, công minh, chính trực; đường công chính liên quan đến sự ngay thẳng, sự thỏa đáng, sự đúng đắn, thẳng thắn, thành thật, chính xác; đường công chính minh chứng cho đời sống đơn sơ, khiêm tốn và thanh cao.

Gio-an đã chỉ cho người đương thời với ông đường công chính và kêu gọi mọi người hãy sống công chính (x. Lc.3,3-8;10-13) hãy sống ngay thẳng, ăn ở tốt lành theo lề luật của Thiên Chúa và thương yêu anh chị em mình như giáo huấn của Người; hãy hành xử phù hợp với luân thường đạo lý, hành xử theo lẽ phải, công minh, chính trực (Lv.19,36; Đnl.25,1; Cn.8,20; Ed.18,5-9). Lời hiệu triệu này vẫn còn tính thời sự cho nhân loại hôm nay như mới vừa được toát ra từ miệng thánh nhân vậy !

Lạy Chúa, xin cất khỏi lòng con bóng mây ngoan cố không chịu tin, xin cho con biết thành tâm trở về với nẻo đường công chính để xứng đáng đón rước một bình minh Con Chúa Cứu độ đang ló rạng. Amen.

CÁT BIỂN

Làm sáng danh Cha (14.12.2021)

Ngày 14.12: Lễ Nhớ Thánh Gio-an Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

Ghi nhớ

Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông ”. (Mt 21, 31).

 Suy niệm

Bố cậu và cha xứ trước đây là bạn học cùng trường cùng lớp, thế nên ngoài tình cha và con chiên trong Đạo, còn là đôi  bạn rất thân thiết  nữa. Bố cậu chọn đời sống hôn nhân và cậu là con trai đầu lòng trong gia đình. Bố cậu muốn cậu đi tu, nhưng cậu thì chưa thấy mình có ơn gọi. Mặc dầu vậy, vốn chỗ tình thâm với cha xứ bố cậu nhờ cha cho cậu vào ở trong nhà xứ  để ngài sai bảo, với ý định là nó sẽ học tập được các nhân đức của cha và đồng thời cũng làm quen với môi trường tu trì, và biết đâu cậu “được ơn gọi” thì càng tốt. Cha xứ đồng ý, thế là cậu được vào ở trong nhà xứ.

Phải nói là cậu cũng siêng năng đạo đức, sáng lễ, tối chầu, cậu thông minh nên học đâu nhớ đấy, nói chuyện thì có duyên. Ngoại hình rất dễ coi nếu không muốn nói là đẹp trai. Thế nhưng, sau sáu tháng ở bên cha xứ, cậu tỏ ra thiếu đức vâng lời, thời dụng biểu cha ra cho cậu, chẳng mấy khi cậu chu toàn, sau nhiều lần nhắc bảo, cậu cũng chẳng có đổi thay. Cuối cùng cha đành trả cậu về nhà và nói với ông bạn thân rằng:

Con trai của bạn mình nhận thấy có nhiều cái hay cái đẹp đấy, nhưng nó cần phải học được nhân đức vâng lời thì nó mới có thể sống đời tu trì được!

Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đưa ra một câu chuyện để hỏi các thầy thượng tế và kỳ mục. Câu chuyện như sau: Người kia  có hai đứa con trai, ông bảo đứa thứ nhất đi làm vườn nho, nó từ chối mà rằng: “ Con không muốn đâu”. Nhưng sau đó nó hối hận nên đã đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng bảo như vậy. Nó nhận lời và đáp: “ Thưa ngài, con đây”. Nhưng nó lại không đi, và Đức Giê-su hỏi họ: “ Trong hai người con đó, thì ai là người đã thi hành ý muốn của người cha?”. Họ trả lời: “ Người con thứ nhất”. Khi có câu trả lời của họ Đức Giê-su đưa ra một kết luận: “Tôi bảo thật các ông; những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Qua trình thuật của thánh sử Matthêu. Chúng ta thấy ý Đức Giê-su muốn cảnh tỉnh dân chúng mà ở đây đại diện là các thầy thượng tế và kỳ mục một bài học; Đó là phải biết sám hối để quay về cùng Thiên Chúa.

Các thượng tế và kỳ mục là những chức sắc, những người cầm đầu trong Đạo Do Thái lúc bấy giờ, miệng họ hàng ngày thì luôn rao giảng về lề luật, họ căn cứ vào lề luật để phê phán người khác, họ bám vào luật để tạo dựng thanh thế cho mình. Nhưng điều quan trọng là giữ luật, là sống theo lề luật thì họ lại không thực hành. Chính vì thế mà Đức Giê-su đã nhiều lần cảnh tỉnh họ: “ Dân này kính Ta ngoài môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” ( Mc 7, 6). Một nơi khác Ngài nói: “ Các ngươi chất lên vai người khác những gánh nặng không thể gánh nổi. Còn chính các ngươi, thì dù một ngón tay  cũng chẳng động vào” ( Lc 11, 46). Đức Giê-su đến trần gian để kêu gọi những kẻ tội lỗi mong họ trở về cùng Ngài để được cứu độ. Nhưng nếu họ chây lỳ trong tội lỗi, không biết ăn năn sám hối thì làm sao nhận được ơn cứu chuộc?.

Thái độ của những thầy thượng tế và kỳ mục là tự cao, tự đại và tự phụ, họ tự cho mình là những người chẳng những vô tội mà lại còn có công trạng trước mặt Thiên Chúa nữa, với não trạng đó nên họ yên trí mình là người tốt, không hề nhìn lại bản thân mình để tìm ra những thiếu sót yếu đuối, tội lỗi để rồi đổi tâm sửa tánh sám hối ăn năn. Đức Giê-su đã có lần bảo họ: “ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Cha, Lạy Cha là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”.(Mt 7, 21)

Điều Thiên Chúa muốn nơi con người là phải sám hối, ăn năn, để rồi dẫu rằng tội lỗi có nhiều bao nhiêu đi nữa khi trở về cùng Chúa, Ngài vẫn thứ tha. Nếu có ai đó nói rằng mình là người vô tội thì người đó đang tự lừa dối mình, và hãy coi chừng vì mình đang bước theo vết xe đổ của các thầy thượng tế, biệt phái và kỳ mục xưa! Và tội lỗi của họ sẽ không bao giờ được tha!

Bài học rút ra qua đoạn Tin Mừng hôm nay là: Thứ nhất; Chúng ta phải luôn biết nhìn lại mình mà sống tâm tình sám hối, bởi lẽ, trong cuộc sống hàng ngày chúng ta thường rất hay phạm tội, phạm tội nhỏ, phạm tội to, phạm tội trong tư tưởng, phạm tội trong lời nói, phạm tội trong việc làm và cả những việc phải làm mà bỏ qua không làm. Chính vì lẽ đó cho nên, trong nghi thức thánh lễ Misa, ngay phần đầu lễ. Hội  Thánh kêu gọi tín hữu sám hối bằng kinh cáo mình, xin được Chúa thứ tha tội lỗi để xứng đáng tham dự thánh lễ. Thứ hai; Là phải xác tín và xác lập mối tương quan gắn bó giữa Thiên Chúa và chúng ta. Đấng mà chúng ta được vinh dự gọi Ngài bằng hai từ thân thương: Cha ơi!  Ngài là một Vị Cha nhân lành, luôn yêu thương và muốn cho con cái mình những điều tốt đẹp nhất. Chính vì thế, chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm ra đi làm vườn nho cho Ngài, Làm vườn nho ở đây nghĩa là làm sáng Danh Cha trong cuộc đời này bằng việc sống tinh thần bác ái yêu thương; Đó là cách để thể hiện lòng hiếu thảo và trung thành trong địa vị làm người con của chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Cha, nhìn lại mình con cảm thấy hổ thẹn, con nói về Cha, viết về Cha, con đọc kinh, lần hạt, song cuộc sống của con chưa trở thành những chứng nhân thực sự cho Cha, nói chưa đi đôi với làm,  còn sống ích kỷ, còn ghét kẻ nọ, nói xấu người kia, tranh dành quyền lợi. địa vị. Giờ đây con thành tâm sám hối,  xin Chúa Cha tha thứ cho con mọi lỗi lầm và giúp con mỗi ngày tẩy trừ đi những tính hư tật xấu để ngày nên xứng đáng làm con của Ngài hơn. Amen.

Sống Lời Chúa

Xét mình mỗi tối trước khi đi ngủ và quyết tâm ngày mau sẽ sống tốt hơn.

Đaminh Trần Văn Chính.

Ai đã thi hành ý muốn của người cha? (15.12.2020)

Tin Mừng hôm nay tiếp sau câu chuyện Chúa Giêsu vào đền thờ giảng dạy đã bị các kỳ mục Do Thái nhòm ngó, hạch sách: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?”. Nhân dịp ấy, Chúa Giêsu đã đưa ra câu chuyện ngắn gọn mà trách mắng, dạy dỗ họ: Một ông chủ có hai người con đều được ông mời đi làm vườn nho cho ông. Người con cả từ chối: “Con không muốn đi đâu, Nhưng sau đó nó hối hận nên lại đi”. Còn người con thứ nhanh nhảu nhận lời “Thưa ngài con đây, nhưng rồi lại không đi”. Đến đây Chúa đã hỏi một câu dễ dàng cho mọi người tự trả lời: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?”.

Ai cũng đã trả lời được: Người con đầu! Người con bộc trực, thẳng thắn chối từ vì một lý do nào đấy. Nhưng anh đã được đánh thức nhận ra tình yêu cha, lòng thảo kính mà “hối hận, nên lại đi”. Còn người con thứ tỏ vẻ hiếu lễ, cung kính vâng lời, nhưng rồi vì những ích kỷ, những lợi mình ích riêng mình mà đã bỏ giữ lời hứa, bỏ lòng tôn kính người cha.

Người cha trong câu chuyện trên chính là Thiên Chúa, hai người con là đại diện cho hai lớp người trong nước Do Thái bấy giờ. Trước hết là những người thượng tế kỳ mục. Họ là những người lãnh đạo dân, họ tự hào là người có học, khư khư những cuốn sách luật lệ, Thánh Kinh. Mở miệng là dạy dỗ người ta tuân giữ luật Chúa nhưng việc làm của họ lại đi một nẻo. Họ là lớp người mà có lần Chúa Giêsu đã chê mắng: “Các người chất lên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các ngươi thì dù một ngón tay cũng không động vào”.

Một lớp người nữa là những thường dân, những người thu thuế, cùng những người tội lỗi, đĩ điếm… Họ bị xã hội khinh chê, ruồng bỏ. Nhưng với ơn Chúa họ đã nhận ra, họ “hối hận” nhanh chóng quay về với nẻo chính đương ngay mà đón nhận ơn cứu độ của Chúa.

Người con đầu đã làm theo ý cha mình hôm nay mặc dù bước đầu đã có lỗi lầm, từ chối người cha. Anh là đại diện cho lớp người tội lỗi nhưng rồi biết hối cải mà được nhận biết Thiên Chúa. Còn người con sau, mồm miệng thưa thớt, nói mà không làm, biết mà không giữ đại diện cho lớp người lãnh đạo thời ấy, mà Chúa muốn dùng câu chuyện này mà lên án họ và nâng cao những người biết làm theo ý Chúa Cha. Vì Chúa Giêsu đã có lần Người nói:  “Không phải bất cứ ai kêu với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7, 21).

Giờ đây mỗi chúng ta đang sống theo kiểu người con nào, thích người con nào, con đầu? hay con thứ? Lời Chúa luôn mời ta sám hối, cải thiện đời sống, ta có đáp lời?

Lạy Chúa! Xin Chúa luôn soi sáng nâng đỡ con, để con luôn biết nhận ra tội lỗi mình mà ân hận mà sám hối, mà thực thi thánh ý của Thiên Chúa trong suốt đời con. Amen.

Giuse Ngọc Năng

Lòng người khó đoán (13.12.2016)

Thánh Lucia

 

 

Người xưa có kinh nghiệm “trông mặt, bắt hình dong”. Nghĩa là:

Qua tướng mạo, nhìn mặt mũi hình dạng bề ngoài có thể biết được tánh nết, ý nghĩ, tình cảm của một người nào đó. Thế nhưng, kinh nghiệm “nhìn biết nguời” này cũng chỉ “nhìn biết” con người bên ngoài của họ, khó mà biết tâm lòng họ thế nào.

Qua dụ ngôn Hai Người Con, Chúa Giêsu đã cảnh báo những thượng tế và kỳ mục trong dân về nguy cơ vuột mất ơn cứu độ đang có ở trong tay của mình. Còn những người tội lỗi như hạng thu thuế và gái điếm thì lại được lãnh ơn cứu độ trước họ. Vì những người này biết hối hận sửa chữa những lỗi lầm họ đã từng, và khi nhận ra mình là người tội lỗi, họ đã khiêm tốn xin ơn tha thứ để được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Chúa muốn nhắc nhở mỗi Kitô hữu hãy như người con cả – Bản thân biết hối hận nhận ra lỗi của mình và biết chuộc lỗi – Bằng cách đáp trả lời kêu gọi đi làm vườn nho cho cha mình. Qua đó, Chúa cũng muốn rằng ai đi theo Người thì cũng phải biết vượt lên mọi lựa chọn để chọn Chúa là tất cả, và thể hiện lựa chọn ấy bằng hành động sẵn sàng dấn thân của mình.

Nhìn lại bản thân mình tôi cảm thấy thật xấu hổ; vì:

Đã bao lần tôi hứa làm cho Chúa qua trách nhiệm và bổn phận phục vụ anh chị em mình; nhưng tôi lại làm một cách thờ ơ, miễn cưỡng, có khi lại tìm cớ thoái thác tránh né khi phải lựa chọn để phục vụ.

Đã bao lần tôi sống đạo rất hình thức; chưa bao giờ có ý nghĩ chấp nhận thánh ý Chúa trên cuộc đời của mình, nhất là khi gặp đau khổ, thử thách.

Đã bao lần tôi tự hào mình là Kitô hữu, là đoàn viên Đa Minh nhưng cuộc sống lại hoàn toàn là một phản chứng: dự lễ kinh nguyện mỗi ngày, nhưng chẳng thực thi bác ái, không biết yêu thương mọi người, luôn tự mãn về bản thân mình…

Lời Chúa hôm nay là lời cảnh tỉnh tôi trong cách sống đạo hời hợt, qua loa, hình thức bấy lâu nay; nếu không mau thức tỉnh sửa chữa lại thì chắc chắn có ngày không được vào Nước Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, trong tâm tình mùa Vọng, xin Chúa ban cho con biết nhìn lại đời sống đạo của mình. Xin cho con luôn hiểu rằng lắng nghe lời của Chúa thôi là chưa đủ, mà còn phải làm theo thánh ý của Ngài nữa mới là trọn hảo. Amen.

CÁT BIỂN

Thi hành ý muốn của Cha (15.12.2015)

Đức Giêsu kể dụ ngôn hai người con được người cha sai đi làm vườn nho, để thẩm vấn các kinh sư  và Pharisêu xem ai là người thi hành ý muốn của cha. Người con thứ nhất không muốn đi nhưng sau hối hận và đi làm. Còn người con thứ hai thưa vâng rồi lại không đi. Họ phải trả lời người thi hành ý muốn của cha là người thứ nhất, thưa không rồi vẫn thi hành.

Ở đây người muốn ví chính họ như người con thứ hai mới thấy tréo nghoe: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”.

Nói và làm là hai thái độ khác nhau. Có người chỉ nói mà không làm. Có người không nói nhưng lại làm. Hai thái độ trong bài Tin Mừng hôm nay: hạng người nói mà không làm là các kinh sư và Pharisêu, hạng người không nói mà lại làm là những người thu thuế và tội lỗi.  

Những người thu thuế và những cô gái điếm đã nhận ra mình, nhận ra đời sống tội lụy của mình, nhận ra tình thương của Chúa, nhìn thấy nỗi khổ đau ê chề trong hiện tại và khát khao tìm sự giải thoát nơi Chúa. Một khi mở lòng đón nhận Đấng cứu độ, họ được ơn hoán cải đổi mới nhờ Chúa Thánh Thần và sinh hoa trái tốt lành.

Còn những người biệt phái và Pharisêu tự mãn về mình thuộc giới đạo đức, là bậc thầy không cần đến ơn cứu giúp. Họ càng đóng cửa lòng thì con mắt càng không nhận ra, họ lắc đầu, chối từ không hối hận mà tin ông Gioan. Người đời cũng có cách để đối xử: “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại”.

Bài đọc I hôm nay mô tả những cái kết khác nhau do lòng sám hối trở về hay cố chấp: “Bấy giờ, Ta sẽ đuổi cho khuất mắt ngươi những kẻ kiêu căng đắc thắng, và ngươi sẽ không còn nghênh ngang trên núi thánh của Ta nữa. Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh ĐỨC CHÚA. Số dân Ítraen còn sót lại sẽ không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt.”

Lạy Chúa! Mỗi mùa vọng về xin giúp con nhận ra và trở về với tình yêu Chúa. Trong tình yêu Người ta tự nguyện chứ không cưỡng ép. Xin cho con biết lấy tình yêu đáp lại tình Chúa yêu con, để con không chỉ nói suông mà là người con thực hành ý muốn của Cha trong những việc làm, hành động để  chứng tỏ lòng con yêu Chúa. Amen.

Én Nhỏ

Lời cảnh cáo gây “sốc”

“Thật, Tôi bảo các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” (Mt 21,31)

Suy niệm: Với tuyên bố “cực sốc” này, Chúa Giê-su quyết liệt cảnh cáo các thượng tế và các kỳ mục vào thời của Ngài. Sau hai ngàn năm, lời cảnh cáo này vẫn còn nguyên các hàm ý của chúng, ấy là Nước Thiên Chúa dành cho những ai thành tâm thống hối, sống công chính, bình an, và hoan lạc trong Thánh Thần (Rm 14,17). Hôm nay Chúùa Giê-su cũng vừa nhìn mỗi người chúng mình, vừa nói rõ từng lời trên của Ngài trong bối cảnh xã hội hôm nay: “Tôi bảo thật, những quan chức thuế vụ, những cảnh sát giao thông chuyên ăn hối lộ, những gái đứng đường, những má mì, bọn đầu trộm đuôi cướp… sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông các bà!” Vì sao? Bởi họ đã biết thống hối và từ bỏ những việc làm bất chính, những áp bức bất công. Nay họ sống công bằng, tuân theo tiếng lương tâm và vui sống trong sự thật dù thiếu thốn tiền của hơn. Lời cảnh cáo của Chúa không phải để loại trừ ai, nhưng nhắc nhở chúng ta nỗ lực sửa đổi đời sống hằng ngày cho xứng danh công dân Nước Thiên Chúa.

Mời Bạn: Chúng ta không khó lên danh sách những hạng người cần sám hối, cũng dễ dàng vạch rõ ai là người phải thay đổi. Nhưng hôm nay, Lời Chúa muốn ta chân thành nhìn nhận rằng tôi, chính tôi là kẻ tội lỗi cần sám hối trước bất cứ ai khác.

Chia sẻ: Bạn cảm nghĩ gì khi nghe lời cảnh cáo của Chúa Giê-su hôm nay?

Sống Lời Chúa: Ta thường xuyên xét mình hằng ngày để ý thức mình là tội nhân cần ơn Chúa tha thứ. Đồng thời ta tập khám phá những điểm tốt nơi anh chị em xung quanh.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Ăn năn tội.”

Hối Hận

Ghi nhớ: “Con không muốn đâu! “Nhưng sau nó hối hận nên lại đi”. (Mt 21,29).

Suy niệm: Thấy các nhà chức trách Do Thái tự kiêu, tự mãn và cố chấp không chịu tin vào Lời giảng của Gioan, nên Đức Giêsu đã dùng dụ ngôn để khiển trách và cảnh cáo họ. Vì thế, chúng ta là những Kitô hữu, ta biết đạo không chưa đủ mà còn phải sống đạo bằng những việc làm cụ thể như: nghe lời Chúa, thực hàng Lời Chúa, yêu thương và giúp đỡ người khác. Mỗi người hãy tự vấn lương tâm của mình để thấy được mình là hình ảnh của người con nào? Người vâng lời mà không đi hay người không vâng lời mà đi? Người con tốt nhất là người con đi làm. Vậy tôi đang là người con nào đối với Thiên Chúa của tôi?

Sống lời Chúa : Đọc Kinh Thánh mỗi ngày.

Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin cho con biết vâng nghe lời Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời cho dù đó là biến cố con không vừa ý, nhưng con vẫn thực hiện vì đó là ý Chúa. Amen

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *