Lòng nhân ái (03.11 – Lễ Kính Thánh Martino)

Tin Mừng: Lc 10,25-37
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca 

Bấy giờ có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.

 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? ” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? ” Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? ” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Hay:

Tin Mừng: Mt 11,25-30

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

Tìm về yêu thương

“Tấm lòng vàng”, đó là danh hiệu dành riêng cho vị tu sỹ lừng danh người da đen tên là Máctinô Porét. Thánh nhân theo con đường Đức Giêsu Kitô đã đề ra: đó là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu thương anh em như chính mình. Thật vậy, thánh Máctinô đã yêu mến nồng nàn và phục vụ tha nhân một cách đơn sơ, chân thành, phục vụ trong tinh thần khiêm tốn, và có thể nói thêm rằng thánh nhân chính là Tấm Lòng Vàng mà Thiên Chúa đã tặng ban cho nhân loại. Mỗi lần chúng ta mừng kính lễ thánh Máctinô là chúng ta nhớ đến một chứng nhân của Tin mừng, chứng nhân về tình yêu thương bác ái, chứng nhân về đức khiêm nhường Phúc âm. Khi nhắc đến Ngài không thể nào chúng ta quên được một tấm lòng đơn sơ với một đức tin phi thường. Người hiến cả cuộc đời để làm việc bác ái nơi những người nghèo, nhất là những người yếu đau, bệnh tật. Và lạ thay, dưới mắt trần gian, ngài là một dấu chứng tuyệt vời cho mọi người thấy rằng “Đức Giê-su vẫn còn hiện diện và đồng hành với những người tuyệt vọng”. Tất cả những gì mà thánh Máctinô đã sống và làm được, chắc chắn phải xuất phát từ lòng mến, một tấm lòng yêu thương vô bờ bến ! Lòng mến đó chính là những nghĩa cử yêu thương mà đạo lý Chúa Kitô nhắn gởi cho mỗi người chúng ta.

Là mỗi người Kitô hữu, nếu chúng ta đã sống và khao khát tìm về yêu thương thật sự thì mới thấy hết chất tinh túy cao đẹp của nó. Nghĩa cử yêu thương sẽ được triển nở ngay trong những hành động tầm thường, nhỏ bé mà đôi khi chúng ta đã vô tình lãng quên. Nghĩa cử này luôn có ý nghĩa trong mọi nơi mọi lúc. Giữa một xã hội khô cằn tình người, nơi mà những giá trị tinh thần và đạo đức đang bị xuống dốc thì tiếng lòng yêu thương sẽ rất cần thiết. Biết đâu rằng, xung quanh chúng ta còn có bao kẻ chới với đang cần có một chiếc phao của chữ tín, của lòng quảng đại vị tha không so đo tính toán. Đây chính là những thao thức khiến mỗi người chúng ta có dịp đặt lại vấn đề: Liệu chúng ta có dám so dây lòng mình với thời đại, lăn xả vào cuộc sống mới, hụp lặn vào những biến cố cuộc đời để từ đó gạn lọc ra những đối tượng, rút ra những bài học về tình yêu thương.

Yêu thương cha mẹ, bà con họ hàng và những người thân, điều này thật qúa hiển nhiên, chúng ta không cần phải nhắc đến nữa. Thế nhưng, giữa một xã hội còn giăng mắc nhiều hận thù, giữa một môi trường sống còn chồng chất đầy tang thương, bên cạnh những cuộc sống nghèo khổ, mang đầy lo âu khắc khoải thì đối tượng đầu tiên mình nên nghĩ đến đó là những người tội lỗi, những người yếu đuối đang bị bỏ rơi. Quả thật, nghĩa cử yêu thương sẽ triển nở ngay khi chúng ta biết bênh đỡ, biết chạy đến và tiếp xúc với họ, biết tìm cách mở lối cho họ tìm lại đời sống ân tình với Chúa và cầu nguyện hy sinh cho họ. Đó là điều Chúa hằng ước mong ! Chúa chỉ muốn chúng ta yêu mến Ngài, và làm cho kẻ khác yêu mến Ngài, mỗi khi chúng ta giúp đỡ hay tiếp xúc với họ. Chúa muốn như thế, không phải để thêm vinh quang cho Ngài, nhưng vì Chúa yêu thương chúng ta, muốn chúng ta được sống muôn đời. Đối tượng thứ hai giúp chúng ta tìm về yêu thương. Đó là những anh em cùng khổ, đói nghèo đang sống lây lất bên cạnh chúng ta. Yêu thương họ chính là chúng ta chạy đến chia sẻ, đồng cảm với họ, buồn với cái buồn của họ, sống phần nào với họ và như họ. Đứng trước những thảm cảnh cuộc sống như vậy liệu mỗi người chúng ta có dám tự vấn lòng mình, dám hun đúc cho mình một lòng thương nhiệt thành, một lòng can đảm biết dấn thân cho những người nghèo để tìm lại cho họ những hạnh phúc đời thường mà cuộc đời của họ có mơ cũng chẳng thấy ! Như thế đó, tìm về yêu thương sẽ là một thách đố rất lớn, một hy sinh cao cả và phải trả một giá rất đắt cho những ai muốn dấn thân vào. Nghĩa cử yêu thương sẽ không ngoài sự cho đi, quên mình phục vụ tha nhân. Không chỉ trao tặng của cải vật chất cho người khác nhưng làm sao qua một lời nói, cử chỉ của mình sẽ có một ánh lửa yêu thương nào đó ghi sâu vào trái tim của họ, thắp lên trong lòng họ một niềm vui, một niềm hy vọng.

Có như vậy cuộc đời của chúng ta sẽ thi vị hơn, người khác dám đến với mình và mình cũng dám đến với họ để cùng nhau đồng hành trong những quãng đường lịch sử mà mọi người đang đi, cùng giúp nhau giải đáp thích đáng những ẩn khuất trong cuộc đời của nhau. Ước gì mỗi người chúng ta cũng luôn mang trong mình một nhiệt huyết yêu thương, luôn biết sống và hành động theo gương sáng của Thánh Máctinô. Mỗi người chúng ta sẽ là những tấm lòng vàng, biết thể hiện tình yêu thương phục vụ ngay trong gia đình cộng đoàn, những nơi mà chúng ta đang sống và hiện diện.

 Lòng nhân ái

Bấy giờ có người thông luật kia muốn thử Đức Giêsu, mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”.

Tôi có hay tự đặt cho mình câu hỏi như thế không?

Trước câu hỏi đó, tự nhiên tôi sẽ trả lời thế nào? Sự sống… Sự sống đời đời.

Nếu đời ta chỉ dừng lại trước cái chết, thì ta sẽ là những người bất hạnh nhất. Sự sống trần gian quả là rất ngắn ngủi. Vì một ngày nào đó sẽ ngừng lại. Tất cả những gì có thể kết thúc, đều vắn vỏi. Hơn nữa, nếu cuộc sống có bao gồm một số sung sướng, thì cũng mang chứa nhiều gánh nặng mà ta phải đảm trách, nhất là với độ dài của năm tháng: Tất cả các văn chương cổ thời và hiện đại đều chứa đầy những bi kịch của thân phận con người. Thật là ngây thơ, nếu ta bịt mắt làm ngơ tước thực tại đó!

Trong mọi thời đại, con người đều hy vọng vào một “sự sống khác”. Đức Giêsu thường nói đến sự sống này. Người còn nói, sự sống đời đời đó đã khởi sự. Nó đang đi tới, dù chắc chắn chưa thành toàn.

Tôi có ao ước sự sống đó không? Tôi có luôn nghĩ đến nó không? Tôi có bắt đầu sống sự sống đó?

Người đáp: ” Trong Luật Môsê đã viết gl? ông đọc xem sao?

Thay vì trả lời câu hỏi do người thông luật đặt ra, Đức Giêsu lạl nêu câu hỏi khác, đòi chính ông ta phải xác định lập trường sự sống đời đời không phải là một vấn đề mà người khác có thể giải quyết thay tôi được.

Ông ấy thưa: ” Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn người, và phải yêu người thân cận như chính mình.

Người thông luật đã trích dẫn sách Đệ Nhị Luật (6,5) và sách Lêvi (19,18): nói tới luật yêu thường. Yêu Thiên Chúa và yêu người thân cận. Như thế, không có gì mới lạ. Không có gì đặc sắc. Mọi tôn giáo lớn đều có chung cơ sở cốt yếu này. Điều đó lại có sẵn trong Cựu ước. Sứ điệp của Đức Giêsu, trước tiên đặt nền tảng trên thái độ cao cả của con người.

Nhưng ai là người thân cận của tôi?

Đó mới thực sự khởi đầu tất cả cái mới lạ mang tính cách của Tin Mừng. Ở đây, Luca tướng thuật cho ta một câu truyện được Đức Giêsu dàn dựng. Luca là người duy nhất trong các thánh sử đã truyền đạt cho ta một trang tuyệt vời, mà vẫn giữ được sự xuyên suốt trong toàn bộ Tin Mừng Đối với Đức Giêsu, tình yêu người thân cận đi tới cả “kẻ thù ” Cần phải nghe lại Người nói.

Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp… bị đánh nhừ tử và bị để nửa sống nữa chết bên lề đường… Một thầy tư tế đi qua, rồi một Thầy Lêvi… đều trông tbấy nạn nhân và tránh qua một bên và đi. Nhưng một người Samari…

Nơi Luca (9, 25-55), ta đã nhận thấy người Samari thường bị khinh ghét như thế nào rồi!

Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai là người thân cận của người…

Đức Giêsu đảo ngược hoàn toàn quan niệm về người thân cận. Người thông luật hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?” (nghĩa thụ động): Theo nghĩa này thì những người khác là người thân cận của tôi. Còn Đức Giêsu lại trả lời ông ta: “Vậy ông là người thân cận của ai? (nghĩa chủ động): Theo đó, thì chính ta có thân cận với người khác hay không.

Người thân cận, chính là “tôi” khi đến gần kẻ khác để yêu thương.

Ta không còn phải hỏi “ai là người thân cận của tôi” nữa, mà cần tư vấn “tôi sẽ sống thân cận với mọi người như thế nào?”.

Cận kề tôi, những người bị khinh bỉ, bị coi thường, khó yêu là những người nào? ”
Với lòng bác ái, bao dung quảng đại, thánh Martin đã làm bao việc kỳ diệu, lớn lao để giúp đỡ bao người đang lâm cảnh khốn cùng.

“Martin bác ái” là danh xưng quen thuộc mỗi khi người ta nhắc đến vị thánh da đen này. Dầu phải chu toàn những giờ kinh, những công việc trong nhà dòng, nhưng không vì thế mà ngài không quan tâm đến những người nghèo khổ, bệnh tật.

Trong nhà dòng, Thầy Martinô được giao cho ba nhiệm vụ riêng. Đó là phụ trách y phục dòng của các Thầy – lo làm vườn – và thêm việc phụ tá phòng thuốc.

Có lần bệnh dịch lan tràn đến thành phố Lima khiến các bệnh viện không còn chỗ chứa bệnh nhân. thế là tu viện phải nhận 60 bệnh nhân. Một số Thầy sợ hãi nên phản đối. Martinô lên tiếng: “Các Thầy muốn bảo Tu viện cần cách biệt với người đời ư? Nhưng với các bệnh nhân, ta chớ nên phân biệt ranh giới”.

Chẳng ai chối cãi được việc Thầy Martinô tận tình săn sóc các người yếu đau. Trong vụ dịch nói trên, chính Martinô đem hai bệnh nhân vào chữa trị trong phòng riêng của Thầy. Dĩ nhiên Thầy chăm lo cho họ vì tình yêu Chúa. Khi thấy cần, Thầy quỳ xuống băng bó vết thương và cho uống thuốc men.

Nhiều khi Martinô đã tự tay bồng bệnh nhân đến nghỉ và điều trị tại nhà cô em Gioanna khi thấy thuận tiện hơn. Thầy chẳng nề quản vất vả và thời giờ, để lo lắng cho người đau yếu khiến rất ít người có thể bắt chước Thầy được lấy một phần nhỏ.

Cũng bởi lòng mến Chúa mà Thầy yêu thương cách riêng những thành phần xấu số, nghèo hèn, yếu đau, cơ cực, những hạng người nô lệ khổ sở, những trẻ nhỏ cô đơn côi cút.

Cùng một lúc, người ta thấy ngài xuất hiện ở nhiều nơi để phát thuốc, thăm hỏi, an ủi vỗ về. Chúa đã cho người thực hiện những dấu lạ ấy để thi thố lòng nhân ái đối với những mảnh đời đau khổ.
Lòng nhân ái của ngài không chỉ gói gọn nơi tha nhân, nhưng còn tỏa lan ra đối với cả loài vật nữa. Người ta thường chứng kiến Martin đem thức ăn nuôi bày chuột nhắt, và ngài nói chuyện với chúng như những người bạn thân thiết. Thánh Martin có được lòng nhân ái bao la đó, chính là do ngài đã kín múc tình yêu từ những buổi cầu nguyện lâu giờ bên thánh giá và Thánh Thể Chúa”.

Qua lời cầu bầu của thánh Martin, xin cho chúng ta biết noi gương, bắt chước các nhân đức của người mà thực thi lòng quảng đại đối với tha nhân. Lạy thánh Martin, xin cầu cho chúng con. Amen.

1. Chúng con nguyện xin Thánh Martinô,
Người là gương sáng soi của lòng nhân ái.
Thuở bình sinh với lòng thương xót vô bờ,
Người đã giang tay ôm ấp muôn người khổ đau.
Thì ngày nay trên trời vinh hiển cao sang,
Người hãy thương nghe muôn tiếng chúng con khẩn cầu

2. Chúng con nguyện xin Thánh Martinô,
Người là cha những kẻ khó nghèo đau yếu.
Lấy tình thương xoa dịu nỗi u buồn,
Và hãy ban ơn cho hết muôn người kêu xin
Được mạnh sức đêm ngày vui đón hy sinh,
Và luôn noi theo gương sáng các nhân đức người.

“Ông Thánh đen”

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta tụ họp lại đây để mừng ngày sinh nhật trên trời của một vị thánh đã sống cách xa chúng ta tới 4 thế kỷ nhưng cuộc sống Ngài đã sống lại vẫn cón rất gần gũi với chúng ta.

Bổn mạng các tổ chức Xã hội tại nước Cộng Hòa Péru.

Ngày 6-5-1962 Đức Gioan XXII suy tôn Ngài lên hàng hiển thánh

Ngày 20-7-1966 Đức Phaolô VI đặt Ngài làm bổn mạng những thợ hớt tóc và uốn tóc tại nước Ý

Trong Lịch sử của Giáo Hội ít có vị thánh nào được nhiều người,  nhiều tổ chức nhận làm bổn mạng như thế. Đây là một sự kiện hiếm có trong Giáo Hội và có thể nói là cả trong Lịch sử của Thế giới nữa.

 Nhưng Ngài là một con người như thế nào mà lại được nhiều người quí chuộng đến như thế ?

Chúng ta không có nhiều thời giờ để nói hết về cuộc đời của Ngài, chúng ta chỉ lược qua một ít điểm có tính cách đặc trưng mà thôi.

Ngài được sinh ra vào ngày 9-12-1579 với cái tên Martinô de Porres tại Lima thủ đô nước Cộng Hòa Péru do một cuộc tình duyên lén lút giữa một chàng Hiệp sĩ tên là Don Juan de Porres và một thiếu nữ da đen người Panama tên là Ana Velasquez.

Lúc đầu cuộc tình duyên ấy tưởng sẽ mãi mãi bền chặt nhưng không dè đâu sau khi Ana sinh được người con thứ hai thì Don Juan đã tàn nhẫn bỏ cả ba mẹ con mà ra đi. Lý do ông ra đi là vì ông thấy nước da của con có nhiều phần giống mẹ hơn giống cha.

Từ đó ba mẹ con phải sống một cuộc sống vô cùng cực khổ. Cuộc sống thiếu thốn về mọi mặt, cả tinh thần lẫn vật chất. Cuộc sống như thế lại diễn ra ở trong một xã hội đầy tương phản. Một bên thì quá giầu, một bên lại quá nghèo….đầy dẫy những cảnh có thể làm cho con người xa lầy.

Rất may Ana là một người đàn bà, một người mẹ biết thương con và lại có tinh thần trách nhiệm cho nên mặc dầu phải sống trong một hoàn cảnh rất khắc nghiệt như thế, bà vẫn để tâm giáo dục các con, cố gắng làm sao để cho các nhân đức được bén rễ vào tâm hồn của các con trước khi những thói hư tật xấu xâm nhập chiếm hữu, làm băng hoại tâm hồn trong trắng của những người con mình.

Năm Martinô lên 8 tuổi Don Juan hối hận – nghỉ lại mối tình cũ, ông chính thức nhìn nhận nhưng đứa trẻ do Ana sinh ra là con của mình. Ông đưa chúng về Santiago de Guagaquil nơi ông công cán phụng mệnh vua Tây Ban Nha. Tại đây Martino được học khai tâm tại trường sơ cấp.

Thế nhưng thời gian này chẳng được bao lâu. Hai năm sau khi ông được đổi đi nhận trọng chức ở Panama, những đứa trẻ bất hạnh lại được trao hoàn về cho người mẹ nghèo khó  của chúng.

Về lại Lima Martino được tiếp tục học văn hóa và học nghề. Nhờ trí thông minh tuyệt vời mà chỉ trong một thời gian vắn, Martino đã trở thành một người thợ thành thạo như một nhà chuyên nghiệp thời ấy.

Đây là những nhân đức nổi bất nhất mà thầy đã ra công tập luyện : Đứng đầu là khiêm nhường rồi đến nhẫn nạihãm mìnhvâng lờiđặc biệt là lòng mến Chúa yêu người. Hiếm có một người nào mà lại tập luyện cho mình được nhiều đức tính tốt lành như thế.

Lòng mến Chúa luôn đi đôi với yêu người. Martino coi lòng mến Chúa như động lực thúc đẩy Thầy thực hiện việc yêu người .

Hôm nay trong giới hạn của một buổi lễ tôi xin tạm được bỏ qua không nói về lòng mến Chúa của Martino mà chỉ nói đến tấm lòng nhân ái của Ngài.

Martino yêu tất cả mọi người chẳng kỳ họ là già hay trẻ, nam hay nữ, da trắng hay da mầu. Chẳng kể họ là quí tộc hay bình dân, bản xứ hay kiều cư, tự do hay nô lệ – cách đặc biệt Thầy dành tình yêu nhiều hơn cho những  người xấu số phải sống trong những hoàn cảnh hẩm hiu về cả vật chất lẫn tinh thần.

a- Đối với những người nghèo khó : Martino dành cho họ nhiều ưu ái hơn:

– Hồi còn nhỏ khi đi chợ gặp những người nghèo ở dọc đường nhiều lần Thầy đã chia sẻ cho họ tất cả những gì mình đang có.

– Suốt 45 năm trời ở trong nhà dòng mỗi ngày Thầy lo cho khoảng 200 người được ăn uống cho đủ sống bằng tiền lao động cũng như quyên góp do những nhà hảo tâm ban tặng.

– Có lần Thầy đã phải bán cả mũ nón quần áo đi để giúp đỡ họ.

– Tu viện mắc nợ, Thầy xin bề trên bán luôn Thầy để trả nợ.

b- Đối với những người bệnh tật.

Phương pháp : cầu nguyện – cho thuốc – đặt tay trên bệnh nhân và phương pháp nào cũng hữu hiệu cả.

– Thầy tận tay săn sóc họ

– Lúc nào Martino cũng mang thuốc trong mình để sẵn sàng ứng phó trong mọi hoàn cảnh. Nhiều khi bệnh nhân quá đông Thầy sẵn sàng nhường cả phòng riêng của Thầy cho họ.

– Một lần gặp một người bệnh …..

c- Đối với những người trắc nết và bụi đời: Thầy lập ra các trung tâm.

Đức Gioan XXIII đã nói về việc này như sau: ” Về điều này thì ta phải lưu ý rằng: Ngài đã theo những đường lối và kế hoạch mà chúng ta thấy là hoàn toàn mới mẻ đối với thời ấy…việc này như  là việc đi tiên phong cho cả thời đại chúng ta hôm nay”

Anh chị em thân mến,

Chúng ta không có nhiều thời gian để nói hết về cuộc đời của con người đặc biệt này.

Chúng ta cứ lướt qua tầm mắt của chúng ta trong những nơi bán ảnh tượng chúng ta sẽ thấy không chỗ nào mà không có hình ảnh của Ngài. Rồi bao nhiêu chỗ bao nhiêu nơi bàn thờ của Ngài lúc nào cũng tràn đầy hoa nến khói hương, chúng thay cho lòng người để nói lên lòng biết ơn với những gì họ đã nhận được qua sự bầu cử đẹp lòng Chúa của Ngài trên trời.

Hình ảnh của Ngài đã trở thành thân thương nơi bao cõi lòng của con người. Có nhiều người không biết tên thật của Ngài nhưng vẫn gọi được tên mà ai cũng hiểu : “Ông Thánh đen” Vâng “Ông Thánh đen” mới thân thương làm sao. Ông thánh đen mới huyền nhiệm làm sao. Nhờ Ông mà loài người bớt được bao lầm than đau khổ. Chúng con xin Chúa cho loài người chúng con hôm nay có được nhiều người giống như ông thánh đen như thế. Amen

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *