Lược Sử Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Việt Nam

Lược Sử Huynh Đoàn Giáo Dân
Đa Minh Việt Nam 1/3

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu, OP.
(Được sai đi loan báo Tin mừng tr 52-55)

01 : Trước 1954
02 : Từ 1954 – 1985
03 : Từ 1985 đến nay

I. Dòng Ba Ða Minh trong quá khứ :

Dòng Ba Ða Minh đã xuất hiện ngay từ khi các thừa sai Ða Minh đến Việt Nam vào cuối thế kỷ 17, và đã tỏ ra rất đắc lực trong thời tử đạo. Anh chị em khi đó, tích cực tham gia việc làng xã, thường tụ họp để nguyện kinh, đóng góp để làm việc bác ái và phục vụ công ích. Ðặc biệt, họ giúp người hấp hối dọn mình chết lành và rửa tội cho người nguy tử nữa.

Thư Đức Thày Marti Gia ngày 17.07.1850 viết về Dòng Ba như sau :

“… Bằng các anh chị em dòng thứ Ba, người ta hay xin lần hạt thì cũng cho như làm vậy, và hễ ngày thứ bảy chiều hôm, thì các anh chị em họp nhau trong nhà thờ hay trong nơi khác mà lần hạt trăm rưởi cầu nguyện chung cho những kẻ đã xin trong tuần ấy; bằng tiền của người ta làm phúc, thì phải một người chắc chắn cầm giữ, cùng sẽ dùng làm cơm cho Thày cả cùng phu, và người đi rước Thày cả đến làm phúc cho họ, hay là kẻ liệt lào. Vì vậy các ông phải chỉ một hai người dòng thứ ba mà đi thăm kẻ liệt, hễ thiếu thốn thì phải xin kẻ giữ tiền chung. Bằng sự giữ của, năm nào khỏi lễ thánh Duminhgô, phải làm sổ cho kẻ đàn anh và thày cả coi xứ được biết. Mà khi thấy của chung nhiều mà làm phúc cho kẻ liệt lào ít, thì phải quở trách cùng làm phúc.

Thày không cho phép thu tiền lần hạt mà bỏ không trong hòm, một có ý cho anh chị em giúp đỡ cho họ và kẻ liệt lào mà chớ. Lại ngày tết khi đi lạy Thày cả địa phận hay Ðấng Bề trên, thì cũng cho phép mà tiêu một lần một quan tiền, cho bằng khi đi rửa tội cho con trẻ nhà vô đạo, cũng được phép mà dùng của ấy” (1)

Sách Sử Ký Địa Phận Trung đã viết về Dòng Ba Ông Thánh Duminhgô như sau :

“Họ dòng Ba ông thánh Duminhgô đã lan ra trong khắp cả địa phận; hầu như chẳng có một họ nào, dù rất nhỏ mọn mặc lòng, mà chẳng có ông bà nào vào dòng Ba ông thánh Duminhgô. Ðừng kể các chị em trong nhà Mụ, là những kẻ ở trong nhà chung, thì trong địa phận này có 12.512 người thuộc về dòng thứ Ba ông thánh Duminhgô.

Các ông bà dòng thứ Ba này, thì vốn sinh ra nhiều ơn ích cho cả và Ðịa phận; một là bởi vì thường thường có những kẻ ngoan đạo sốt sắng hay vào dòng ấy; hai là vì các ông bà ấy làm gương sáng cho các bổn đạo khác trong họ mình; ba là vì có nhiều ông bà đi rửa tội cùng chuộc các trẻ ngoại đạo; bốn là thường thường các ông bà ấy vốn siêng năng cần mẫn đọc kinh chung với nhau như trong lề luật đã dạy. Có nơi quen hội chung hàng ngày mà đọc những kinh ấy, có nơi hội nhau làm việc ấy mỗi tuần lễ đôi ba lần, và những kẻ ngăn trở cách nào, cho nên không đọc kinh chung được, thì cũng chẳng có bỏ đâu, một là đọc riêng một mình ở nhà, hai là khi có năm ba kẻ mắc sự ngăn trở làm vậy, thì cũng có đọc kinh với nhau ở nhà tư. Lại trong các ông bà ấy thì cũng có nhiều kẻ đọc kinh nửa đêm nữa.

Vả lại các ông bà ấy thường siêng năng xưng tội chịu lễ, nhất là các ngày lễ cả đầu tháng, và các ngày lễ trọng nữa. Các ông bà dòng Ba lại được danh tiếng trong các bổn đạo khác, cho nên hễ ai gặp phải sự gì hoạn nạn hay là muốn ăn mày ơn lành nào, thì thường xin các ông bà nhớ cầu nguyện cho mình được những sự ấy. Sau hết, hễ có nhà hiếu làm đám ma trọng thể, thì cũng quen mời mấy ông bà dòng Ba đến nhà cầu nguyện cho linh hồn mới qua đời nữa.” (2)

Một lớp khấn Dòng Ba tại Tu xá Đa Minh Đà Lạt năm 1958

Từ hai tài liệu quý giá trên chúng ta có thể rút ra một vài kết luận :

+ Dòng Ba hiện diện tại hầu hết giáo xứ và giáo họ.

+ Vào năm 1916 dòng ba có trên 15.000 thành viên
(cộng thêm dòng ba Bắc Ninh và Hải Phòng).

+ Dòng Ba uy tín và hữu ích cho giáo phận vì : quy tụ những người đạo đức
và gương mẫu; tham gia rửa tội trẻ em; siêng năng đọc kinh chung như lề luật dạy.

+ Dòng Ba ưu tiên việc đọc kinh chung, khi ngăn trở mới đọc riêng,
hoặc đọc chung theo nhóm tại nhà.

+ Dòng ba có hội trưởng và thủ quỹ. Ưu tiên dùng quỹ để làm bác ái
và phụ giúp các cha trong việc mục vụ.

Dòng Ba có bản kinh nguyện riêng, quen gọi là nguyện giờ, thánh hóa giờ khắc mỗi ngày như hàng giáo sĩ. Chia thành bảy giờ suy niệm cuộc thương khó Chúa Giêsu, gồm : “giờ tý, giờ dần, giờ mão, giờ thìn, giờ ngọ, giờ mùi và giờ thân”. Khi đọc kinh khấn, anh chị em đọc tràng 150 kinh Mân Côi.

Anh chị em giáo dân Dòng Ba còn được sự hỗ trợ hướng dẫn của các thày giảng Dòng Ba và các dì phước Đa Minh (Dòng Ba hãm mình= nhà Mụ). Các thày, các dì nhiều nơi cùng nguyện chung với anh chị em hoặc chủ sự giờ kinh.

Di sản lớn lao của Dòng Ba Việt Nam là sự thánh thiện. Trong 38 hiển thánh Tử đạo Gia đình Đa Minh, bên sáu giám mục, 16 linh mục Dòng, có 16 hiển thánh thuộc huynh đoàn (ba linh mục, 6 thầy giảng và 7 giáo dân). Ngoài ra, trong 118 đấng đáng kính tử đạo, đã hoàn tất hồ sơ để suy tôn chân phước thuộc Gia đình Đa Minh, bên 18 linh mục Dòng có 100 vị thuộc huynh đoàn gồm 9 linh mục và 91 giáo dân (6 nữ). (3)

Ghi Chú

1. Những thư chọn trong các thư chung các Ðấng Vicario II, Phú Nhai Ðường 1908, trang 23

2. Moreno, Sử ký địa phận Trung, Phú Nhai Đường 1916, tr 212-213

3. Bách chu niên bốn chân phước tử đạo, Chân Lý 1961, trang 33-35.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *