Không ngừng yêu thương trong mọi ngày (11.09.2023 – Thứ Hai Tuần XXIII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 Cr 5,1-8 (năm chẵn), Cl 1,24 – 2,3 (năm lẻ), Lc 6,6-11

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca ( Lc 6,6-11)

6 Một ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. 7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. 8 Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay : “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây !” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. 9 Đức Giê-su nói với họ : “Tôi xin hỏi các ông : ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt ?” 10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay : “Anh giơ tay ra !” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. 11 Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.

Không ngừng yêu thương trong mọi ngày (11.09.2023)

“Ngày sa-bát được phép cứu mạng người.”

Đoạn Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành người bị bại tay phải trong ngày sa-bát, trong khi các kinh sư và người Pha-ri-sêu thì giận điên lên và tính cách để loại trừ Ngài. Vì xuất phát từ lối suy nghĩ khác nhau khi hiểu về việc giữ Luật, các kinh sư và người Pha-ri-sêu thì chỉ tập trung vào việc hình thức bên ngoài, họ không bỏ sót một chấm một phết trong Luật, còn Chúa Giêsu thì quan tâm đến tinh thần của Luật, Ngài đi vào nội dung của Luật là tình thương.

Vẫn cứ tái diễn trong ngày sa-bát, Chúa Giêsu hỏi những người cứng nhắc việc giữ Luật: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt? Là ngày nghỉ nên không được làm việc tốt, việc bác ái? Nếu nhân danh Thiên Chúa mà chủ trương, suy nghĩ như thế thì quá tệ hại.

Không cho làm việc thiện trong ngày thờ phượng Chúa có đúng không? Có làm sáng danh Chúa khi đặt ra thứ luật lệ vụn vặt hẹp hòi không? Chúng ta nên nhận định rõ rằng: khi xoa dịu những đau đớn của tha nhân bằng mọi cách có thể thì làm sáng danh Chúa biết chừng nào. Đó là điều Chúa Giêsu đã thực hiện: Ngài vào hội đường, Ngài dạy dỗ, ánh mắt Ngài bắt gặp một người bại tay. Những kẻ bảo toàn luật lệ rình rập xem Ngài có chữa kẻ tàn tật đó trong ngày sa-bát không? Chúa biết rõ ý nghĩ của những “thẩm phán” cay nghiệt này luôn luôn tìm cách gài bẫy Ngài. Ngài coi thường họ, một lần nữa trịnh trọng, công khai giữa ban ngày, không hề che giấu, Ngài nói với người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Ngài hỏi những kẻ ghen ghét dò xét Ngài rằng: “ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” Tất nhiên, không ai trả lời, không ai có can đảm dám nói ra ý nghĩ của mình. Nếu nói ra đúng ý nghĩ của mình, tất nhiên sẽ phải đồng ý với Chúa Giêsu là làm điều lành, phải cứu mạng sống, không thể làm điều dữ. Và như thế vô tình sẽ thấy rõ bọn họ đã hiểu sai tinh thần ngày sa-bát.

Phần Chúa Giêsu, qua hành động chữa lành người bị bại tay trong ngày sa-bát, Chúa Giêsu biểu lộ tâm hồn tràn đầy yêu thương đối với con người và đặt luật nghỉ ngày sa-bát trong viễn tượng rộng rãi hơn của tình yêu thương. Các ngày sa-bát được làm việc lành để thể hiện tình thương. Một tâm hồn khô khan không có tình yêu đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân thì sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ chạy trốn trước việc lành cần phải làm để phục vụ anh chị em. Họ dễ dàng biện hộ cho thái độ sống thiếu quảng đại, thiếu bác ái bằng lý do hết sức đạo đức nhưng có thể đó là sự đạo đức giả hình, chưa trưởng thành.

Lời Chúa hôm nay đánh động chúng ta nhìn lại cách sống đạo của mình. Ðọc kinh, dự lễ, tham gia sinh hoạt giáo xứ mà không sống yêu thương, điều đó có thật sự là sống đạo chưa? Sống đạo đích thực là sống yêu thương: một lời kinh đích thực phải phát xuất từ cõi lòng rộng mở yêu thương; một của lễ đẹp lòng Chúa phải là một nghĩa cử yêu thương dành cho tha nhân. Xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày thêm thấm nhuần cái cốt lõi của đạo là yêu thương.

Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu mến Chúa và bày tỏ tình yêu đó cho những anh chị em xung quang chúng con, để chúng con luôn hướng về Chúa là cùng đích của mọi điều tuyệt hảo mà phấn đấu noi theo, để không chỉ chúng con mà tất cả mọi loài đều phải ca ngợi lòng yêu thương của Chúa. Amen.

Joston

Không kén chọn thời điểm để giúp đỡ người khác (05.09.2022)

Ngày 05.09: Lễ Nhớ tự do Thánh Tê-rê-sa Can-cút-ta, trinh nữ

“Ngày sa-bát được phép cứu mạng người.”

Ngày sa-bát được giải thích từ việc tin rằng Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật trong sáu ngày và ngày thứ bảy thì Thiên Chúa nghỉ ngơi. Chính vì vậy, nguyên thủy người ta nghỉ ngày thứ bảy (sa-bát) như là một sự bắt chước Thiên Chúa, đồng thời dành một ngày cuối tuần để chỉ dành riêng cho việc phụng sự Thiên Chúa. Thế nhưng, càng ngày, luật giữ ngày sa-bát được các luật sĩ giải thích chi tiết, cặn kẽ và dừng lại ở mặt chữ của luật: chỉ dừng lại ở cái lý mà đánh mất cái tình, giữ luật vì luật chứ không còn vì yêu mến Chúa và đánh mất đức ái mà luật nhắm tới.

Hôm nay bài Tin Mừng kể lại việc Chúa Giêsu chữa người bại tay ngày sa-bát. Đây là việc làm hữu ích, vì nó thể hiện tình thương của Thiên Chúa với người đau khổ. Tuy nhiên, qua sự kiện này đã làm cho các kinh sư và Pharisêu tỏ ra khó chịu và tìm cách để loại trừ Chúa Giêsu. Vì xuất phát từ lối suy nghĩ khác nhau khi hiểu về việc giữ Luật, những kinh sư và Pharisêu chỉ tập trung vào việc hình thức bên ngoài, họ không bỏ sót một chấm một phết trong Luật; còn Chúa Giêsu thì quan tâm đến tinh thần của Luật, Ngài đi vào nội dung của Luật là tình thương.

Khi con người gặp đau khổ, cụ thể nhất là về bệnh tật, thì thường cầu mong sao cho khỏi bệnh càng sớm càng tốt. Nên khi tìm kiếm được một vị lương y tài giỏi thì thật hạnh phúc biết bao. Trong Tin Mừng, có lẽ anh bại tay này cũng đang đau khổ, đau khổ vì anh luôn phải mang thân phận của một người tàn tật. Anh ta hết hy vọng vào y học. Anh không chỉ đau khổ về thân phận tàn tật của mình, có lẽ, anh còn thêm một đau khổ nữa là những người xung quanh nhìn anh với một cặp mắt khinh thường. Thấy được nỗi thống khổ của người bệnh, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương anh, nên dù là ngày sa-bát, Chúa Giêsu vẫn vượt lên trên luật lệ của người Do-thái để cữu chữa cho anh, Người muốn đem lại niềm vui, hạnh phúc cho con người, nhất là những người bị bỏ rơi, bệnh tật.

Các kinh sư và Pharisêu thấy điều đó thì giận điên lên, họ tìm cách tiêu diệt Người. Nhận thấy được ý đồ đen tối của bọn họ, nên Chúa Giêsu đã hỏi họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?”. Khi hỏi như thế, Chúa Giêsu trả lại cho ngày sa-bát ý nghĩa đích thực của nó, đó là ngày giải phóng con người.

Tin mừng của Chúa, Chúa muốn tất cả mọi người được đón nhận, tuy nhiên có một số người lại từ chối không muốn đón nhận, và thậm chí một khi họ đã từ chối Tin Mừng của Chúa thì họ sẵn sàng từ chối và còn gây cản trở cho những người muốn lãnh nhận Tin Mừng. Cụ thể nhất là những người Pharisêu mà trang Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Chúa chạnh lòng thương, muốn cứu chữa cho anh bại tay, nhưng những người này thì chống đối vì họ dựa vào luật sa-bát.

Có lẽ ngày hôm nay, còn đâu đó những người “Pharisêu” thời đại mới. Họ vẫn dựa vào cái này, cái kia để từ chối đón nhận Tin Mừng, chối từ và gây cản trở cho những người muốn đem Tin Mừng của Chúa đến cho những người đang cần sự giúp đỡ của họ.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp con xóa bỏ những rào cản, những suy nghĩ tiêu cực trong tâm trí con; nhưng thay vào đó, xin Chúa giúp con có một trái tim biết mở rộng để con biết đón nhận Lời Chúa và đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống hằng ngày của con. Amen.

Joston

Điều thiện – ác (06.09.2021)

“Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình” (Ga 8, 4), đây là cái bẫy bọn biệt phái cài bẫy Chúa Giêsu về lề Luật. Tâm địa độc ác của họ nảy sinh từ lòng ghen tuông, tự đại.

Trong cõi nhân sinh luôn tồn tại âm và dương, thiện và ác, chánh và tà, thật và giả. Những điều này nó tồn tại trong tâm thức, trong cõi lòng, trong đời sống của con người, nó làm cho con người lúc chánh lúc thiện, lúc thật lúc giả nhiều khi không nhận biết được chính mình. Cũng như âm dương vậy, lúc dương thịnh thì âm suy, lúc âm thịnh thì dương suy. Trong lòng mà theo đuổi chánh thiện thì con người trở nên tốt lành, thánh thiện, nếu trong lòng mà đam mê ác giả thì con người trở nên xấu xa, gian ác.

Người Pharisieu đại diện do cái tâm tà ác nên trong lòng họ luôn ghen ghét, đố kỵ, mưu mô, xảo trá để hãm hại người khác, tôn vinh chính mình và đè bẹp người khác, bóp méo lề Luật. Trong thời đại hôm nay sự thiện ác lẫn lộn, họ lên án lẫn nhau, họ lợi dụng nhau để che giấu tội ác, chiếm đoạt tố cáo lẫn nhau, có nhiều người đã lợi dụng thời cơ thiên tai, dịch bệnh mà đánh mất chính mình, họ lấy những đồng tiền chân chính để sử dụng vào những điều bất chính; họ lợi dụng những người chân chính để trục lợi những điều bất chính, đến khi bị phanh phui thì họ biện luận rồi hận thù ghen người chân chính.

Trong thư của Thánh Giacobe tông đồ (Gc 2, 1-5) đã nói lên sự thiên vị lệch lạc của họ, họ đối xử tốt với người giàu sang mà khinh khi người nghèo hèn, thánh nhân đã chỉ cho họ thấy cái tâm của họ xấu xa: “Thì bấy giờ, anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?” (Gc 2, 4).

Bài Tin Mừng hôm nay (Lc 6, 6-11) các kinh sư cũng gài bẫy Chúa Giêsu về lề Luật thời gian, vì phạm ngày nghỉ ngơi, Ngày của Chúa để làm việc, vì tâm của họ gian tà nên đã giữ Luật của Thiên Chúa bằng môi miệng chứ không phải lòng yêu mến, nên họ lợi dụng ngày nghỉ ngơi mà câm điếc trước những nỗi thống khổ của người anh em, dù là người anh em mình bị hoạn nạn cần cứu giúp. Chúa Giêsu đã chữa bệnh trong ngày Sa-bát làm cho lòng họ đầy ghen tức, họ tìm cách mưu hại Chúa.

Lòng ghen tức bởi cái tâm ác giả đã làm cho họ bị câm điếc trước cái thiện, cái tốt lành. Câm điếc thời đại hôm nay cũng có rất nhiều hình thức, loại người câm điếc.

Câm điếc trước những hoàn cảnh khổ đau ở bên cạnh mình, câm điếc trước những tại nạn xung quanh hay trên đường phố, câm điếc trước những hành vi xấu hay tội ác, câm điếc với những việc lành thánh thiện, đặc biệt là sự câm điếc với Thiên Chúa.

Có đủ mọi tầng lớp người câm điếc, trí thức có, vô học có, địa vị có, bần nông có, giàu sang có, nghèo hèn có, thân cạn có, ruột thịt có… Đâu đâu cũng có người câm điếc thời đại.

Chính những sự câm điếc đó đã loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của con người, và chính những sự câm điếc đó đã gây nên biết bao tại hoạ trên cõi trần gian này.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho con biết lắng nghe và nói những lời của Chúa Thánh Thần trong thời đại hôm nay, cho con luôn biết làm điều tốt lành để chia sẻ, cảm thông và cứu anh em bị hoạn nạn, khó khăn nhất là trong cơn đại dịch hôm nay.

Hư Vô

Cốt lõi của lề luật là thể hiện tình yêu thương nhau (07.09.2020)

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã động lòng thương xót đối với một người tay bị khô bại. Trong khi đó những người biệt phái và luật sĩ thì làm ngơ và lại còn để ý xem Người có cứu chữa người bị bệnh đó không, vì hôm đó là ngày Sabát. Chúa Giêsu đã biểu hiện sự cảm thông và tha thứ đối với mọi tội lỗi của con người, nhưng Ngài không chấp nhận thói giả hình và sự mù quáng mà những người biệt phái và luật sĩ đang thực hiện.

HÃY YÊU tha thiết mặn mà
ĐỪNG có giả dối, chỉ là “lưỡi môi”
HÃY THƯƠNG kẻo hóa đơn côi
ĐỪNG nên ích kỷ, cái tôi của mình 

Khi con người không còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu đuối của mình và khước từ tình yêu thương, thì mọi tương quan với Thiên Chúa cũng sẽ bị cắt đứt. Chúa Giêsu không ngừng lên án thái độ giả hình và mù quáng của những người biệt phái, luật sĩ; Ngài cũng luôn kêu gọi các môn đệ hãy đề cao cảnh giác trước men biệt phái, để không bị ảnh hưởng, lây lan như họ.

HÃY QUÝ bằng cả chân tình
ĐỪNG nên hời hợt, bị khinh chê nào
HÃY MẾN sâu đậm dạt dào
ĐỪNG như  gió thổi ào ào rồi thôi 

*
HÃY CHÂN chất, hỡi người ơi
ĐỪNG lươn lẹo, người đời cười chê
HÃY THÀNH tâm với tràn trề
ĐỪNG “đóng kịch” nhé, ê chề lắm thay!

 Sứ điệp Lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta qua lời Chúa phán:  “Trong ngày sabát được làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết?”. Xin Chúa thương giải thoát chúng con tránh khỏi thái độ sống đạo vụ hình thức.  Xin thương ban cho chúng con tâm hồn tràn đầy tình yêu Chúa để có thể trổ sinh những việc làm tốt đẹp để tận tâm phục vụ anh chị em mọi nơi và mọi lúc trong cuộc sống này.

HÃY THA thứ mới là hay
ĐỪNG
mang “cố chấp” mà đầy tổn thương
HÃY THIẾT lập mối bình thường
ĐỪNG vụ hình thức, tưởng dường là hay

*
YÊU THƯƠNG QUÝ MẾN tràn đầy
CHÂN THÀNH THA THIẾT thẳng ngay thật thà
Để cho cuộc sống mặn mà
Có nhân, có nghĩa,
chính là yêu thương.

Lạy Chúa, là Ðấng thấu suốt mọi sự. Xin cho chúng con luôn biết cảm thông nâng đỡ lẫn nhau, để cuộc sống chung là niềm vui, là hạnh phúc, là tình yêu thương nhau chân thành thực sự. Amen.

 HOÀI THANH

Sống tốt ngày Chúa Nhật (09.09.2019)

 “Ngày Sa-bát, làm điều lành hay điều dữ…” ( Lc 6.9 )

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện Chúa vì yêu thương nên đã chữa lành cho người bị bại tay vào đúng ngày Sa-bát là ngày nghỉ việc ( Chúa nhật ). Chúa không sợ gì khi bị các Kinh sư và người Pha-ri-sêu dòm ngó rồi kết án Ngài là phạm luật kiêng cữ ngày Sa-bát. Ý Chúa muốn dạy chúng ta làm điều thiện thì ngày giờ nào cũng luôn tốt đẹp, chỉ nên tránh làm điều dữ mà thôi.

Các ngày thường trong tuần thì hội viên Đa Minh của Huynh Đoàn chúng tôi ai cũng bận đi làm để mưu sinh, vì sống trong Sài Gòn thời công nghiệp luôn chiếm lĩnh nhiều thời gian, thế nên Huynh Đoàn chỉ họp mặt đầy đủ cùng nhau nguyện Kinh chung vào mỗi ngày Chúa nhật được mà thôi, để tất cả anh chị em được hội tụ đông đủ. Sau đó dành giờ đến thăm viếng các thành viên bị đau bệnh, già yếu… không thể đến nhà thờ được. Chúng tôi luôn cố gắng động viên và khích lệ tinh thần các hội viên trẻ đừng bỏ Huynh Đoàn, vì công việc ngoài xã hội khá áp lực, nên họ nhiều khi vắng mặt cả tháng cho chuyến công tác của công ty, chỉ cần luôn nhớ mình là người Đa Minh, ráng sống Tin Mừng giữa lòng đời hôm nay.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống tốt ngày Chúa nhật, biết thực hành bác ái ở mọi lúc mọi nơi, biết noi gương Thánh thiện trong tình yêu không giới hạn của Chúa ngày xưa. Xin Chúa thương luôn đồng hành để tâm hồn chúng con được bình an sống giữa cuộc đời, có nhiều cám dỗ ngọt ngon đặc biệt trong các ngày Chúa nhật là ngày nghỉ ( Ăn nhậu, chơi bời đủ kiểu… )  mà :“ Mật ngọt thì chết ruồi”.

BCT

Mến Chúa Yêu Người (10.09.2018)

Ghi nhớ:

Đức Giêsu nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông; ngày Sa-bát được làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” (Lc 6,9)

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay Thánh Luca ghi nhận sự sắc bén của Chúa Giêsu, giúp chúng ta có lối thoát cho sự khổ đau, khốn cùng của con người đang sống nơi trần gian. Người luôn quan tâm và chạnh lòng thương đến kẻ đau ốm, tật nguyền hay khổ đau, côi cút không nơi nương tựa, bất cứ giây phút nào, đối với Chúa Giêsu kể cả ngày sa-bát,  mặc dù các người Pha-ri-sêu cho rằng chữa bệnh, dù là phép lạ, cũng là một công việc gì, cũng không được chữa bệnh trong ngày hưu lễ.

Đối với Chúa Giêsu ngày sa-bát là ngày lễ dành để vinh danh, ngợi khen, ca tụng Thiên Chúa, nhưng phép lạ Chúa đã làm, hay việc cứu mạng người, cũng không hạn chế giới hạn tự do, ngay cả lề luật, giới răn cũng không ràng buộc con người. Quan trọng là giúp con người nhận thức được việc giữ lề luật sẽ giúp chúng ta tránh xa tội lỗi, sống trong sự yêu thương, thánh thiện,  hạnh phúc, từ đó biết chúc tụng, ngợi ca quyền năng của Thiên Chúa. Và Người cũng cho mọi người biết rằng, lề luật không bao giờ trói buộc, nhưng là giúp chúng ta sáng suốt nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa luôn đồng hành, che chở giúp chúng ta nhận ra đâu là chân lý, đâu là điều xấu, tội lỗi cần hy sinh từ bỏ tránh xa dịp tội. Từ đó giúp ta ý thức nhận những điều tốt lành thánh thiện trong giới răn mến Chúa và yêu người. Thế nên việc chữa lành trong ngày hưu lễ, đối với Thiên Chúa quả là một điều rất đẹp lòng Người.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu là Cha nhân hiền, khi đời sống chúng con luôn khô cằn, ích kỷ với tha nhân. Xin cho chúng con nhận ra tình yêu thương của thiên Chúa luôn bao bọc chở che và ban mọi ơn huệ suốt đời cho mọi người, để chúng con biết chu toàn và hy sinh cho nhau hàng ngày,  được diễm phúc sống trong tình yêu Thiên Chúa đến muôn đời. Amen.

Phục hồi chức năng Ki-tô hữu (11.09.2017)  

Suy niệm: Thật cảm phục khi chứng kiến những người anh em khuyết tật đang tập luyện để phục hồi chức năng vận động của mình. Người thì tập luyện với sự trợ giúp của người khác; người thì dùng những dụng cụ thay thế. Họ miệt mài tập luyện, chấp nhận vất vả, miễn sao có thể sử dụng phần còn lại của thân thể của mình vào những việc hữu ích. Bại liệt là mất hẳn khả năng đó. Con số 93% người tại Việt Nam chưa biết Đức Kitô không khỏi đặt vấn đề: hoạt động của trên 67 nghìn người tham gia công tác mục vụ, gồm giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo lý viên và hơn sáu triệu rưỡi tín hữu công giáo ở đâu? Phải chăng đang có số đông người truyền giáo bị “bại liệt”, nên hoạt động truyền giáo không có khả quan? Hãy nhớ, Đức Giê-su gọi việc phục hồi chức năng hoạt động nơi người bất toại là “điều lành”, là “cứu mạng”. Và khi Ngài chạm đến, điều lành xảy ra, mạng sống con người được cứu.

Mời Bạn: Trạng thái bình chân như vại trong đời sống đạo của chúng ta có phải là biến tướng của chứng bại liệt ki-tô hữu nơi con người của chúng ta không? Mời bạn đến với Đức Giê-su để Ngài “phục hồi chức năng” cho bạn, bạn nhé.

Chia sẻ lời thánh Phao-lô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tìm dịp nói về Chúa Ki-tô cho người khác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin sờ nắn chân tay con, khai mở khối óc con, chạm đến trái tim con, để toàn thân con trở nên hữu ích cho việc truyền giáo.

Giữ ngày Sa-bát (07.09.2015)

Đọc Tin mừng, thỉnh thoảng chúng ta lại bắt gặp thấy cảnh Chúa Giê-su tranh luận và chống đối các nhóm Do-thái thời đó về vấn đề giữ ngày sa-bát. Thực ra, có ngày sa bát là để con người được nghỉ ngơi, Thiên Chúa không muốn một dân thánh lại làm nô lệ cho nhu cầu ăn uống hằng ngày hoặc cho việc lao động của mình.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà con người làm nô lệ cho ngày sa bát nhưng là để “Con Người làm chủ ngày sa-bát.” Vì tinh thần ấy, Chúa Chúa Giê-su hay bị các kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu chống đối.

Nên trong Tin Mừng hôm nay, vào một ngày sa-bát, thấy Đức Giê-su vào giảng dạy trong hội đường, lại sẵn có một anh bị khô bại tay phải, họ “rình”xem Ngài có “phá luật” để chữa anh không?

Thừa biết ý nghĩ trong đầu họ, Ngài liền “gọi anh ra đứng giữa” và “hỏi” họ :“Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Ngài hỏi thế thì ngày nay con cũng biết trả lời làm điều lành  cứu mạng người.

Rảo mắt nhìn họ hết lượt, rồi Ngài tự trả lời bằng việc làm, lập tức Ngài chữa anh khỏi hẳn, tay anh trở lại bình thường. Thế là thua cuộc, họ giận điên lên và bàn xem có cách nào làm gì được Ngài không? Chỉ cần chút ghen tương, thù ghét lẻn vào hồn, sẽ biến lương tâm thành tà tâm có ý hại người.

Những người Pha-ri sêu giữ lề luật cách máy móc và cứng nhắc để bắt lỗi. Họ trung thành với luật lệ đến nỗi bỏ việc lành là cứu người. Thái độ máy móc này khiến họ có cái nhìn về Thiên Chúa như một vị thần so đo, tính toán và luôn rình phạt con người, Thiên Chúa như quan tòa thưởng phạt theo tâm trạng và cảm tính của con người.

Đức Giê-su đến để kiện toàn lề luật, Ngài đánh đổ quan niệm ấy, Ngài đến với những người thu thuế, tội lỗi, gái điếm. Ngài chữa bệnh và làm phúc cho con người mọi nơi mọi lúc, bất kể ngày sa-bát hay ngày thường.

Ngài bày tỏ cho con người thấy rõ khuôn mặt yêu thương, nhân từ của Thiên Chúa đối với con người. Tình yêu thương ấy vượt qua mọi thứ cân lường, tính toán theo lẽ công bình của con người, vượt qua không gian, thời gian. Tinh thần cốt lõi của luật là tình yêu thương.

Tình yêu thương phải luôn trải dài, không kể năm tháng ngày giờ để thi ân. Ngày nay chúng con cần phải thay đổi cách nghĩ, lối nhìn về luật lệ. Con người được hạnh phúc là Thiên Chúa được tôn vinh. Ngày sa-bát được lập ra vì con người.

Lạy Chúa, xin hoán cải và đổi thay trái tim con, để con luôn yêu Chúa với hết tâm tình. Yêu Chúa con không rời xa Chúa giây phút nào. Yêu Chúa con luôn lắng nghe và thực thi Ý Chúa mà không tính toán đo lường hay sợ luật lệ. Con mạnh dạn bước đi trong Tình Yêu Ngài, vì “tình yêu vượt lên nỗi sợ”.

 Én Nhỏ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *