Ngày 11 tháng 10 CHÂN PHƯỚC GIA-CÔ-BÊ HUM Tu sĩ (+1491)

Ngày 11 tháng 10
CHÂN PHƯỚC GIA-CÔ-BÊ HUM
Tu sĩ (+1491)

 

Tiểu sử


Cuộc đời chân phước Gia-cô-bê Hum có nhiều nét thăng trầm. Chân phước chào đời tại Hum, thuộc vùng Xu-a-bê. Thân phụ của cậu thọ đến 103 tuổi, còn người thì sống đến 84 tuổi.

Cậu Gia-cô-bê có một biệt tài sáng chói về hội họa trên thủy tinh, thế nhưng cậu đã không còn hành nghề này nữa khi đến tuổi 25 ; cậu rời gia đình để hành hương viếng mộ các thánh tông đồ. Cậu đến nơi vào đầu mùa Chay và tìm cách ở lại, vì cậu cảm nhận được niềm vui thiên quốc vĩnh hằng. Thế nhưng, tại đây cậu không tìm được việc làm nên đành phải đến Nê-a-pô-li. Trên đường, cậu gặp những thanh niên đăng ký phục vụ cho vua nước Xi-xi-li-a và xin nhập đoàn với họ. Cậu chiến đấu giỏi nhưng “cuộc sống doanh trại” có nhiều lối sống trái với luân thường đạo lý, vì thế, sau 4 năm binh nghiệp, cậu rời quân ngũ để tham gia hoạt động trong dịch vụ tư vấn pháp luật ở Ca-pua trong 5 năm, và thị trưởng của thành phố rất hài lòng về cung cách làm việc của cậu.

Vào một ngày đẹp trời năm 1440, cậu bỗng mong được về thăm cha già và đã lên đường trở về Ðức. Khi đi ngang qua Bô-lô-ni-a, cậu lại đăng ký gia nhập quân đội Tác-ta-ri, nhưng một ngày nọ, đang khi cầu nguyện trước mộ thánh Ða Minh, một giọng nói từ bên trong bảo cậu rời bỏ “binh nghiệp trần thế” mà gia nhập vào đội quân của Chúa Giê-su Ki-tô. Lập tức, cậu tìm đến một linh mục và hỏi xem mình phải làm gì. Vị linh mục này, vốn là bề trên tu viện, đã gợi hứng cậu gia nhập Dòng Ða Minh. Cậu Gia-cô-bê ưng thuận và mong được sống ở bậc trợ sĩ, khi ấy cậu đã 34 tuổi.

Từ đó thầy Gia-cô-bê sống rất khiêm nhường và thầm lặng trong tu viện. Thầy trở thành một tu sĩ ẩn dật và cố gắng hạn chế ra ngoài bao nhiêu có thể. Thầy kéo dài thời gian cầu nguyện từ sau giờ kinh đêm cho đến bình minh, suy niệm mầu nhiệm Vượt Qua với lòng sốt mến và anh em thường thấy thầy ở trong trạng thái xuất thần.

Thêm vào đó, tu sĩ Gia-cô-bê còn thực hiện những bức vẽ trên thủy tinh cả trong những chuyến viễn du và thầy rất thành công trong lãnh vực này. Các vị bề trên thường nhờ thầy trang trí các cửa kiếng của tu viện và nguyện đường. Tuy thầy không để lại một bút tích nào, nhưng chúng ta vẫn có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm của thầy trong vương cung thánh đường thánh Phê-rô ở Bô-lô-ni-a. Thầy đã khám phá ra phương pháp làm cho thủy tinh có sắc vàng trong suốt bằng cách dùng ô-xít bạc. Quy trình mà thầy đã phát minh vẫn còn được sử dùng cho đến ngày nay. Thầy đã truyền bí quyết này lại cho hai học trò của mình đó là tu sĩ Am-bô-xi-nô – người viết tiểu sử về thầy và tu sĩ A-na-tha-xi-ô.

Dù có khả năng, nhưng thầy không bao giờ khoe khoang tài nghệ của mình và luôn đặt đức tuân phục lên hàng đầu. Người ta kể lại rằng, một ngày nọ đang khi thầy bắt đầu làm một tấm cửa thủy tinh, bề trên bảo thầy đi quyên góp trong thành phố ; thầy Gia-cô-bê bỏ mọi sự trong khi công việc đang đòi buộc sự có mặt thường xuyên của thầy. Nếu như có trục trặc trong giai đoạn này thì đành phải bỏ đi cả mẻ thuỷ tinh. Nhưng khi trở về, thầy thấy tấm cửa thủy tinh không những nguyên vẹn mà còn chứa đựng nhiều màu sắc đến mức thầy chưa bao giờ làm được như thế.

Khi hay tin thầy vừa mới qua đời, dân chúng trong toàn thành phố lũ lượt kéo đến viếng xác thầy, đó là năm 1491. Anh em đặt thi hài của thầy tại phòng hội tu viện để mọi người có thể đến kính viếng, sau đó, thầy được mai táng tại nguyện đường của tu viện.

 

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là Ðấng toàn mỹ, Chúa đã hướng dẫn chân phước Gia-cô-bê cảm nhận được sự thiện hảo diệu kỳ của Chúa nơi muôn loài tạo vật, và diễn tả vẻ đẹp của Ngài bằng những tác phẩm nghệ thuật. Nhờ công đức và gương sáng của người, xin cho chúng con cũng nhận ra sự thiện hảo đó để chúng con được chiêm ngưỡng vẻ đẹp diệu kỳ của Ngài. Chúng con cầu xin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *