Nhận định của Hội đồng Giám mục Việt Nam về “Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016”

 

Bản đánh máy:

 

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM NHẬN ĐỊNH VỀ LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO 2016

 

Kính gửi: Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, Khoá XIV,

Quý Đại biểu Quốc Hội Việt Nam, Khoá XIV

Kính thưa Quý Vị,

Ngày 18 tháng 11 năm 2016, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV, kỳ họp thứ 02, đã thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Điều 66 của Bộ Luật quy định: “Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018”. Là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bộ luật này, chúng tôi, Hội đồng Giám mục, nhân danh cộng đồng tín hữu Công giáo Việt Nam, muốn nêu lên một số nhận định và suy nghĩ.

1. Bộ Luật này có một số điểm mới và tích cực, chẳng hạn quan tâm đến nhu cầu tôn giáo của những người bị tạm giam hoặc ở trường giáo dưỡng (Điều 6); nhu cầu tôn giáo của người nước ngoài (Điều 8, 47); người nước ngoài học tại cơ sở đào tạo tôn giáo tại Việt Nam (Điều 49). Bộ Luật này cũng nhìn nhận các tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận (Điều 30).

2. Tuy nhiên, Bộ Luật này lại có nhiều điều khiến chúng tôi quan ngại. Cụ thể về việc các tổ chức tôn giáo tham gia hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Theo Dự thảo 5 ngày 17-08-2016, các tổ chức tôn giáo “được thành lập cơ sở giáo dục theo hệ thống giáo dục quốc dân” (Điều 53), và “được thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội” (Điều 54). Nhưng trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, vấn đề này được gói gọn trong điều 55 với những từ ngữ tổng quát và mơ hồ: “Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, ý tế, bảo trợ xã hội và từ thiện, nhân đạo, theo quy định của pháp luật có liên quan”. Tham gia thế nào? Tham gia tới mức nào? Tham gia có đồng nghĩa với việc thành lập cơ sở không? Như vậy, nếu so sánh với các bản Dự thảo 4 và Dự thảo 5, thì Luật Tin ngưỡng, Tôn giáo có những bước lùi.

3. Ngoài ra, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho. Bộ Luật này không dùng từ “xin phép” và “cho phép”, thay vào đó là các từ “đăng ký, thông báo, đề nghị”. Việc thay đổi từ ngữ như trên tạo cảm giác có sự cởi mở hơn, nhưng vì các tổ chức tôn giáo vẫn phải thông báo với chính quyền và chính quyền có thể chấp thuận hoặc không chấp thuận, nêu rốt cuộc vẫn là cơ chế xin-cho. Cơ chế này cho thấy tự do tín ngưỡng tôn giáo không thật sự được coi là quyền của con người nhưng chỉ là ân huệ cần phải xin và được ban phát. Chính cơ chế đó hợp pháp hoá sự can thiệp của chính quyền vào sinh hoạt nội bộ và kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo.

4. Cùng với những nhận định trên, chúng tôi muốn nêu lên một vài suy nghĩ. Ẩn sâu bên trong những bất cập đã trình bày là cách nhìn của chính quyền về tôn giáo và các tổ chức tôn giáo. Chính quyền nhìn các tôn giáo thuần tuý trên bình diện chính trị, xem các tổ chức tôn giáo như những lực lượng đối kháng.

Do cách nhìn như thế, trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, có những điệp khúc được lặp đi lặp lại nhiều lần, như “theo quy định của Pháp luật”; “chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo”, hoặc những khái niệm mơ hồ trừu tượng như “xâm phạm quốc phòng, an ninh”; “xâm phạm chủ quyền quốc gia”; “xâm phạm trật tự an toàn xã hội, môi trường”. Những điệp khúc và những từ ngữ mơ hồ trên rất dễ bị lạm dụng để quy kết trách nhiệm và lên án các tổ chức tôn giáo khi chính quyền không hài lòng.

Cũng vậy, chính quyền tiêu tốn biết bao tiền của và nhân lực để theo dõi, dò xét, kiểm soát mọi hoạt động tôn giáo, đồng thời tìm cách sử dụng các tổ chức tôn giáo như công cụ của chế độ. Trong khi đó, những hoạt động của các tôn giáo trong lĩnh vực từ thiện, y tế và giáo dục không được đánh giá đúng mức, thậm chí bị ngăn cản.

Ngoài ra, tại một số cơ sở đào tạo cán bộ và sinh viên, Đạo Công giáo được trình bày với những thành kiến thù nghịch, tạo nên nhận định sai lầm và hình ảnh biến dạng về Giáo Hội Công giáo nơi thế hệ trẻ.

Cách nhìn và cách hành xử như vậy có nguy cơ làm mất bản sắc đích thực của các tôn giáo, gây chia rẽ trong nội bộ các tôn giáo cũng như giữa các tín đồ và người ngoài tôn giáo, vốn là những hành vi bị Luật này nghiêm cấm (Điều 5). Thiết nghĩ Quốc Hội cần có một tầm nhìn tích cực hơn về các tôn giáo và các tổ chức tôn giáo.

5. Chính quyền kêu gọi các tôn giáo đồng hành với dân tộc, chúng tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng thiết tưởng nên phân biệt rõ dân tộc và chế độ. Lịch sử dân tộc Việt Nam nói riêng và lịch sử thế giới nói chung cho thấy rằng các chế độ chính trị thay đổi theo thời gian, còn dân tộc thì trường tồn. Do đó, phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Chúng tôi nghĩ rằng, đồng hành với dân tộc là đồng hành với những con người cụ thể đã và đang làm nên dân tộc này, nhất là những người cùng khổ và bị quên lãng. Đồng hành với dân tộc là đồng hành với những giá trị làm nên di sản tinh thần và văn hoá của dân tộc Việt Nam: chống ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi, chống cường quyền, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách…

Theo ý nghĩa đó, chúng tôi cho rằng các tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng, luôn đồng hành với dân tộc, vì các tôn giáo khơi dậy những giá trị tinh thần cao quý trong lòng người, dạy các tín đồ của mình tôn trọng công bằng và lẽ phải, sống từ bi bác ái, tôn trọng mọi người vì chính phẩm giá của họ, và như thế, góp phần phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, cộng tác tích cực vào việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Kính thưa Quý Vị,

Một tầm nhìn đúng đắn về tôn giáo sẽ là tiền đề cho sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo đích thực của người dân. Hy vọng những góp ý chân thành và thẳng thắn của chúng tôi, xuất phát từ trách nhiệm với lịch sử và lòng yêu mến quê hương, sẽ được Quốc Hội lắng nghe. Đối với những văn bản hướng dẫn áp dụng thi hành Luật đang được soạn thảo, chúng tôi mong sẽ có những hướng đi mới, tạo điều kiện cho các tôn giáo cộng tác tích cực hơn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, vì một Việt Nam phồn vinh, dân chủ và hạnh phúc.

Trân trọng kính chào.

Làm tại Xuân Lộc, ngày 01 tháng 06 năm 2017

Hội đồng Giám mục Việt Nam

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *