“Nhi đồng hóa” (02.03.2019 -Thứ Bảy Tuần VII Thường Niên)

Tin Mừng: Mc 10,13-16

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

13 Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy họ. 14 Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. 15 Thầy bảo thật anh em : Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” 16 Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chúc lành cho trẻ nhỏ và trách các tông đồ vì họ ngăn cản chúng đến với Người. Người đã dạy các ông một bài học, đó là phải biết đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ thì mới được vào Nước đó. Để làm được như thế, ta phải biết đặt mình vào vị trí của các em, để biết các em nghĩ gì và làm gì rồi từ đó, chúng ta sẽ học hỏi một phần nào đó từ chúng. Hay nói cách khác, về thể trạng, chúng ta sẽ lão hóa theo thời gian, nhưng cách suy nghĩ và cách sống phải “nhi đồng hóa” mỗi ngày, để từ đó, ta có thể có được một thế giới quan, một nhân sinh quan mới qua lăng kính của trẻ nhỏ.

Trẻ nhỏ thường nhìn thế giới theo sở thích. Chúng chỉ quan tâm những thứ chúng thích mà thôi, không cần biết nó tốt hay xấu, có lợi hay có hại không quan trọng, chỉ cần khiến chúng thích thú là được. Sự ngây ngô ấy tuy khiến trẻ con dễ bị dụ dỗ nhưng lại thể hiện sự ngây thơ, trong sáng của chúng. Ngược lại, người trưởng thành thường không quá quan tâm đến điều họ thích, họ chỉ cần biết điều đó có lợi cho mình hay không mà thôi. Thật vậy, vì quyền lực, địa vị, danh vọng, tiền bạc, họ có thể sẵn sàng hy sinh sở thích của mình. Đó có thể là điểm tốt, nhưng đó cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự chia rẽ, bất đồng. Vì lợi ích của mình, người ta có thể làm hại người khác để đạt được mục đích riêng. Đó không nhất thiết là sở thích vì họ không có thời gian cho điều đó, những toan tính thực dụng đã khiến người ta quên mất mình thật sự thích điều gì.

Trẻ nhỏ không biết phân biệt đâu là điều tốt, đâu là điều xấu nên chúng cứ làm bất cứ điều gì chúng thích, miễn là điều đó khiến chúng vui. Trong khi đó, người lớn biết phân biệt đúng sai nhưng lại thích làm điều xấu hơn điều tốt, đơn giản là vì điều xấu bao giờ cũng dễ dàng. Nếu biết uốn nắn ngay từ nhỏ, người ta có thể giúp trẻ em đi đúng hướng để trở thành người tốt. Người lớn thì khác, chính suy nghĩ trưởng thành đã khiến cái tôi của họ trở nên rất lớn, thật không dễ dàng để chỉ ra cái sai của họ. Dù có chỉ ra, chưa chắc họ dám chấp nhận và sửa sai như trẻ nhỏ…

Tóm lại, để “nhi đồng hóa”, trước tiên chúng ta phải biết thay đổi cách suy nghĩ và hành động của mình. Hãy biết đón nhận những điều Chúa ban bằng tấm lòng chân thành, đừng vụ lợi, đừng tham lam, đừng để cái tôi che mờ đôi mắt. Hãy như trẻ nhỏ, chúng biết chia sẻ cho nhau những món đồ yêu thích để ai cũng được vui, đừng nên giành điều tốt cho riêng mình mà đẩy điều xấu cho người khác. Trẻ nhỏ biết phó thác mọi sự cho người lớn, trong khi người lớn lại cậy dựa vào khả năng của mình mà quên rằng mình cần phải cậy dựa vào Chúa. Trưởng thành là điều tốt nhưng đừng để sự trưởng thành đưa chúng ta vào hố sâu tự cao tự đại… Thay đổi chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, ước mong sao mỗi người chúng ta biết bỏ qua cái tôi bản thân để dần hoàn thiện mình, cách riêng là qua lăng kính của trẻ nhỏ.

Lạy Chúa, Ngài muốn chúng con đón nhận Nước Trời như trẻ nhỏ. Xin cho chúng con trước hết phải thay đổi chính mình, lấy sự đơn sơ, quảng đại thay cho sự toan tính, nhỏ nhen. Để từ đó, chúng con trở nên những đứa trẻ trưởng thành, vừa có suy nghĩ chín chắn, lại vừa có tâm hồn đơn sơ, để chúng con tránh việc trở thành những đứa trẻ to xác mang suy nghĩ ấu trĩ trong thân xác trưởng thành. Amen.

Petrus Sơn

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *