Nhìn về đâu

Không kịp vào nhà, bà Lanh vừa quẳng cái nón xuống sân vừa réo:“ Sơn! Sơn đâu rồi!” Đang lúi húi dọn chuồng gà phía cuối vườn, nghe tiếng mẹ, Sơn liền ngưng việc thưa vọng ra: “Con ở ngoài này ạ!” bà Lanh hối hả chạy ra, đến nơi bà giằng cái chổi trong tay Sơn: “Anh suốt ngày chui rúc ở trong chuồng gà, cứ để con vợ anh nó lượt là đi sớm về hôm, có ngày nó cắm cho cái sừng dài như sừng hươu thì đẹp mặt lắm, con ơi là con!”

Sơn vội vàng trấn an: “Kìa mẹ, công việc của vợ con cần phải như vậy, đâu có quần ống cao ống thấp và ngồi ở nhà được, con rất hiểu vợ con, cô ấy không như ai đó đã nói với mẹ đâu, mẹ cứ bình tâm, đừng cả giận mà làm sứt mẻ tình cảm gia đình, ngày chúng con cưới nhau, mẹ chả dạy chúng con phải đồng vợ đồng chồng, phải cùng nhìn về một hướng là gì?” Bà Lanh gằn giọng: “Đúng, nhưng tôi đâu có dạy anh, khi vợ nó nhìn… “giai” thì anh cũng phải ngậm bồ hòn mà nhìn theo ”

Nói xong bà quày quả bước đi, không quên ném lại một câu: “Anh cứ đội vợ ở trên đỉnh đầu, có ngày trắng mắt ra, đừng bảo bà già này thừa hơi”.

… Sơn và vợ cùng học Cao đẳng Sư phạm, vợ Sơn học ngoại ngữ, khoa Anh văn, còn Sơn học khối C. Ngày Sơn về thưa với bố mẹ về chuyện tình cảm của mình, cả nhà ai cũng mừng, vì hai đứa cùng quê, cùng tôn giáo, cùng nghề nghiệp. Tốt nghiệp ra trường, cả hai đều chưa xin được việc, hai bên bố mẹ bàn bạc, nhân dịp này hãy tổ chức đám cưới luôn, mẹ còn… thì thầm với Sơn: “Cưới vợ thì cưới liền tay, vả lại cái Vân nó đẹp người đẹp nết, người như nó thật…hiếm có khó tìm”.

Thế là sau lễ cưới trang trọng và linh thiêng tại nhà thờ giáo xứ, hôn lễ được tổ chức thật vui vẻ, ấm cúng tại tư gia, với những lời chúc phúc của gia đình hai bên và bạn bè gần xa. Mẹ Sơn cưng chiều con dâu hết mực, mọi người trong xóm thường nhỏ to: “Cái Vân đúng là… chuột sa chĩnh gạo”. Nhưng rồi mẹ quay ngoắt một trăm tám mươi độ, khi Vân xin được vào dạy học ở một trường đang thiếu giáo viên Anh văn, còn Sơn vẫn phải chờ vì chưa có chỉ tiêu.

Trong thời gian chờ việc, Sơn tranh thủ nuôi gà, vừa có thêm thu nhập vừa cải thiện bữa ăn. Trường nơi Vân dạy cách nhà gần ba mươi cây số, nếu sáng đi rồi trưa về, đến đầu giờ chiều lại đi rồi cuối giờ chiều mới trở về nhà, thì mỗi ngày phải mất bốn lượt đi vế, với tổng quãng đường hơn trăm cây số, vừa vất vả, vừa lo tình trạng mất an toàn giao thông. Vì vậy, Sơn đã bảo vợ buổi trưa nghỉ lại ở trường, đến chiều  hãy về, từ đó, mẹ trở nên cáu gắt, chì chiết với Vân.

Có hôm, Sơn biết vợ đi dạy về đến nhà đã rất mệt, chưa kịp tắm rửa, nhưng thấy mẹ đang quét dọn, Vân cũng chạy lại mời mẹ nghỉ tay để mình làm nốt, thì mẹ lại mát mẻ: “Thôi! Không dám phiền, chị là cán bộ, ai lại để chị mó tay vào những việc quèn như thế này, chị cứ để hai mẹ con tôi làm”. Nói vậy, nhưng mẹ vẫn buông chổi, vừa quay bước vừa đấm lưng thùm thụp, Vân không nói gì, cứ bình thản làm nốt mọi việc. Nhưng đêm về, Sơn thấy vợ khóc rất nhiều, thương vợ, Sơn dỗ dành an ủi, lòng ngổn ngang trăm mối tơ vò, khi bên tình bên hiếu, bên nào cũng nặng.

Rồi thời gian thấm thoắt thoi đưa, vợ chồng Sơn và hai bên gia đình vui mừng đón thành viên nhí: Ku Bi. Từ ngày có cháu nội, mẹ Sơn lúc nào cũng vui như mở hội, bà tất bật suốt ngày, lúc thì đi lấy lá mát về tắm cho cháu, khi lại thay tã lót, rồi giặt giũ phơi phóng… Có hôm trời chưa sáng rõ, đã thấy bà cắp nón đi chợ mua thức ăn, về đến nhà lại lụi hụi vào bếp nấu nướng, lát sau bà bưng tô cháo nóng nghi ngút vào phòng cho Vân, bà bảo: “Ăn đi con, ăn nhiều mới có sữa cho con nó bú”.

Rồi bà quay sang nựng Ku Bi: “Chó con của bà đáng yêu quá, giống hệt thằng bố mày ngày trước, hay ăn chóng lớn để bà còn đi chợ mua quà cho…giai nhé!”. Vân nhìn hai bà cháu mà mắt ngân ngấn lệ hạnh phúc, niềm hạnh phúc nảy nở từ tình yêu chân thành chung thủy và sự nhịn nhục, nhẫn nại trong đời sống gia đình. Như lời nhắc nhở của Cha xứ trong Lễ cưới: “Hôm nay đôi bạn trao nhẫn cưới cho nhau, chiếc nhẫn không chỉ là biểu tượng cho mong ước một tình yêu bền chặt và tròn như chiếc nhẫn không có điểm cuối. Chiếc nhẫn còn nhắc đôi bạn hãy nhẫn nhục, nhẫn nại, kiên nhẫn, vì đó là những chữ nhẫn rất cần thiết trong công việc cũng như cách ứng xử trong gia đình”.

Đúng vậy, nhờ nhẫn nhục chịu đựng mà Vân có được hạnh phúc như hôm nay. Còn Sơn, ngày qua ngày kiên nhẫn học hỏi cách chăn nuôi gà qua sách báo, qua mạng và bạn bè, nên từ một chuồng gà nhỏ, nay Sơn đã xây dựng cả một trang trại lớn, tạo công ăn việc làm cho một số bà con còn khó khăn trong thôn xóm. Trang trại không chỉ cung cấp gà thương phẩm có chất lượng cho thị trường, mà còn là điểm cung cấp gà giống rất tín nhiệm, được nhiều người tìm đến đặt hàng.

Bà Lanh hồ hởi: “Thôi! Chẳng phải xin xỏ việc làm ở đâu cả, cứ làm cái  anh hiệu trưởng chuồng gà, vừa có thịt gà đảm bảo vệ sinh an toàn thưc phẩm cho bữa ăn gia đình, lại vừa chắc chân, chẳng lo hợp đồng hay biên chế gì hết”. Sơn cười cười: “ Thế mẹ không lo con trai mẹ suốt ngày chui rúc trong chuồng gà, bị đàn gà nó xâu xé, nó mổ mất cái sừng hươu của con ạ!” Bà Lanh cúi xuống di di cái mũi vào trán Ku Bi: “Cha bố anh, lại thèm nghe bà ca cải lương đấy phỏng?” Cả nhà cùng cười lên vui vẻ.

Hết sáu tháng nghỉ thai sản, Vân trở lại trường tiếp tục đi dạy. Mỗi sáng, bà Lanh bế Ku Bi đứng bên hiên, cầm bàn tay bé xíu của nó vẫy vẫy: “Ku Bi chào mẹ Vân, mẹ Vân đi bình an, chiều mẹ Vân về sớm với Ku Bi nha, Ku Bi nhớ mẹ Vân lắm đấy!”. Vân và Sơn nhìn nhau, rồi cùng đưa ánh mắt về hướng hai bà cháu, hướng đó có cây cao bóng cả, là nơi cho vợ chồng họ nương bóng, hướng ấy còn có cả mầm non đang cần họ nâng niu vun sới. Hướng ấy là tình yêu, là sự sẻ chia, chăm lo cho nhau, hướng ấy còn là sự nhẫn nhịn của mỗi người khi nhìn về nhau. Để từ đó, trong cuộc sống lứa đôi, chúng ta không còn phải đứng giữa ngã ba đường mà tìm lời giải: “ nhìn về đâu?”.

Mờ-inh

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *