Hiểu thấu (13.02.2024 – Thứ Ba Tuần VI Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Gc 1,12-18 (năm chẵn), St 6,5-8 ; 7,1-5.10 (năm lẻ), Mc 8,14-21


✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 8,14-21).

Khi ấy, các môn đệ Đức Giê-su quên đem bánh theo ; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. Người răn bảo các ông : “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê !” Các ông mới bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. Biết thế, Người nói với các ông : “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh ? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao ? Lòng anh em ngu muội thế ! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư ? Anh em không nhớ sao : khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh ?” Các ông đáp : “Thưa được mười hai.” “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh ?” Các ông nói : “Thưa được bảy.” Người bảo các ông : “Anh em chưa hiểu ư ?”

Hiểu thấu (13.02.2024)

Chữ (ngộ) trong Hán ngữ được cấu thành bởi bộ(tâm – tim, lòng) và chữ (ngô – bản ngã, cái tôi).

Do đó (ngộ) có nghĩa là hiểu thấu được bản ngã chân chính và bản chất của sự vật trong cái nhìn bao quát tận trong tim, trong lòng của một người thức tỉnh, không mê muội.

Trong cuộc sống, thường xảy ra những cuộc cãi vã hằng ngày giữa người này với người kia; giữa các cá nhân trong cùng một cộng đoàn, hoặc giữa các thành viên trong một gia đình… cũng do bởi vấn đề không hiểu  ý nhau. Trong đó, cơm áo, gạo tiền, cửa nhà, tiện nghi… thường trở thành đối tượng làm cho người ta xa cách nhau vì lẽ không hiểu rõ bản chất và thuộc tính của những vấn đề ấy.

Nhưng có lẽ cái chúng ta thật sự không hiểu thấu suốt, chính là phạm trù tình yêu. Đặc biệt là không thể hiểu thấu được tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người; bởi lẽ tội ác loài người lan tràn trên mặt đất, mọi tư tưởng trong lòng đều luôn luôn hướng về đàng xấu làm cho Chúa lấy làm tiếc vì đã tạo dựng loài người và muôn loài trên mặt đất (x. St. 6,5-7). Thế nhưng, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi (x. Gc. 1,17) Thiên Chúa hằng luôn thương yêu con người, cho dù con người luôn thờ ơ, vô cảm vì không nhận ra và không hiểu ý tình của Ngài.

Lời Chúa hôm nay (x. Mc. 8,14-21) dạy ta hãy coi chừng và giữ mình tránh khỏi men Pha-ri-sêu chính là đầu óc ngoan cố, hẹp hòi, ích kỷ, kiêu ngạo, giả hình… của người Biệt phái; và men Hê-rô-đê chính là sự độc ác, cố chấp, lầm lạc, ngu muội… của bạo vương này. Bởi vì, con người thường dễ lây nhiễm những tật xấu hơn là tập được những đức tính tốt.

Qua đó, Chúa Giê-su mời gọi những ai đi theo Người hãy khiêm tốn, tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, nhất là những khi gặp phải khó khăn, thử thách trên hành trình theo Chúa. Khi tin tưởng, phó thác tất cả đời mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa, chác chắn Ngài sẽ ra tay phù trợ, che chở và đỡ nâng ta.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và cho con biết suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa (x. Tv.118,27). Amen.

CÁT BIỂN

Thức – 識 (14.02.2023)

Ngày 14.02: Lễ Nhớ Thánh Sy-ri-lô, đan sĩ, và thánh Mê-tô-đi-ô, giám mục

Chữ Thức (識 – sự nhận biết, nhận ra, hoặc hiểu biết): Một từ ghép thuộc bộ Ngôn (言 – lời nói) trong Hán ngữ; là chữ tượng thanh và hội ý với chữ Chức (戠 – cảnh báo).

Chữ Chức (戠 – âm thanh cảnh báo) là hợp từ được ghép bởi bộ Âm (音 – tiếng động), và bộ Qua (戈 – giáo, mác); để diễn tả lời kêu gọi, hoặc cảnh báo một điều gì đó người ta gõ binh khí (giáo, mác) vào nhau tạo ra tiếng động nhằm thu hút người khác chú ý để nhận biết, hoặc nhận ra vấn đề nào đó.

Tin Mừng hôm nay cho biết:

Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giê-su xuống thuyền với các môn đệ qua bờ bên kia để đi về hướng Bết-sai-đa;

Luc ấy, các môn đệ bàn tán với nhau về chuyện các ông quên đem theo bánh để thầy trò cùng ăn với nhau; vì trên thuyền, các ông chỉ còn một chiếc bánh – chắc chắn là không đủ ăn rồi.

Chúa Giê-su đã răn bảo các môn đệ phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và và men Hê-rô-đê; đó là phải đề phòng sự mù quáng, sự cố chấp, những thành kiến và sự kiêu ngạo của những nhóm người này.

Qua đó, Chúa cảnh báo các môn đệ sao còn chưa hiểu, chưa nhận biết, chưa thấu suốt việc Chúa đã hai lần hóa bánh ra nhiều cho bốn, năm ngàn người ăn no nê mà vẫn còn dư thừa ? Chúa còn mắng các ông sao lòng các ông ngu muội thế, sao còn chưa hiểu vậy ? (x. Mc. 8,14-22)

Khi xưa, các môn đệ bị Chúa mắng đồ ngu muội là phải. Bởi vì, các ông quên rằng: Một khi đã có thầy Giê-su đang hiện diện bên cạnh mình thì không có gì phải lo lắng về của ăn, cũng như không sợ phải chết đói.

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô cho thấy các môn đệ của Chúa Giê-su mặc dù đi theo sát bên Chúa mọi lúc, mọi nơi nhưng các ông vẫn chưa vững tin vào Chúa và chưa nhận ra quyền năng của Người.

Ngày nay, chính Chúa Giê-su là tấm bánh duy nhất có khả năng nuôi dưỡng Giáo hội. Do vậy, trên thuyền (Giáo hội) hôm nay chỉ cần duy nhất “một chiếc bánh” là đủ.

Lạy Chúa, xin cho con luôn vững tin vào quyền năng Chúa quan phòng và an bài mọi sự đời con. Amen.

CÁT BIỂN

Đừng để ác thần làm chủ mình (15.02.2022)

Ghi nhớ:

Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!”

Suy niệm:

Nhà thơ Nguyễn công Trứ đã từng viết: “Đã mang tiếng sống trong trời đất, phải có công gì với núi sông!”.

Trong những ngày vừa rồi, qua  phương tiện truyền thông mạng internet có rất nhiều người được biết đến vụ việc cha Giu-se Trần Ngọc Thanh bị sát hại trong lúc ngài đang ngồi toà giải tội. Có thể gọi cái chết của cha Thanh là tử đạo, bởi lẽ vì cha đang làm mục vụ, hay nói cách khác; đang làm chứng nhân cho Thiên Chúa.

Mọi người đang thắc mắc; động cơ nào, nguyên nhân nào khiến tên Nguyễn Văn Kiên ra tay hạ sát cha một cách tàn độc và dã man như vậy? Câu hỏi này chắc chắn sau này sẽ được làm rõ. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng kẻ ra tay sát hại cha là một kẻ không có lòng kính sợ Thiên Chúa, chính vì thế cho nên hắn ta mới dám ra tay đập phá bàn thờ gia đình. Nhưng còn làm sao hắn lại thù ghét bản thân cha Thanh? Có thể trả lời rằng: Vì cha là người đại diện của Chúa, cha tuân giữ luật Chúa và muốn cho mọi người đều thực thi việc đó. Trường hợp mà cha bị chém chết có phần nào giống như câu chuyện của Ông thánh Gioan Tiền hô xưa, chỉ vì ngăn cản không cho vua Hê-rô-đê làm chuyện loạn luân là cưới vợ của anh mình nên Ông Gioan mới bị chặt đầu, (đối với Kiên có thể y cho rằng cha Thanh là một cản trở trong việc yêu đương sai trái của y).

Nếu xét về phần thể xác thì cha Thanh đã không còn sống nữa. Nhưng xét về phương diện tâm linh thì cha đã đi vào cõi vĩnh hằng; cha đã trở về bên Chúa vì đã sống chứng nhân cho Ngài, đồng thời cha cũng đi vào lòng ngườì, vì khi biết  tin về cái chết đau thương của cha, mọi người không phân biệt tôn giáo, màu da,  không ai lại không dành cho cha lòng thương mến, cảm phục và cầu nguyện cho cha. Có thể nói cái chết của cha như hạt lúa vùi vào lòng đất và chắc chắn hạt lúa ấy sẽ trổ sinh nhiều bông trái! Cái chết của cha khiến  nhiều người phải suy tư về cuộc sống trên trần gian này và từ đó sẽ sống tốt đẹp hơn.

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su cảnh báo các môn đệ phải giữ mình, đừng để cho men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê xâm nhập vào bản thân mình. Vậy men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê là men gì? Có thể trả lời; đó là sự cứng lòng, sự vô cảm, dửng dưng trước những lởi giảng dạy và các phép lạ Chúa đã làm. Thật vây. Khi ấy các môn đệ ở ngay bên Chúa, hàng ngày cùng ăn cùng uống với Thầy, nghe Thầy giảng dạy và chứng kiến bao phép lạ Thầy làm, thế mà hôm nay, sau khi lên trên thuyền các ông lại phàn nàn với nhau vì quên mà chỉ mang theo có được một chiếc bánh mà thôi! Các ông chưa hiểu được rằng: Một khi đã có Thầy bên cạnh rồi thì các ông không cần phải lo lắng gì hết nữa, vì Thầy Giê-su sẽ thoả mãn cho các ông mọi nhu cầu chính đáng. Đặc biệt là Ngài sẽ đem đến cho các ông sự Bình An.

Những người Pha-ri-sêu và vua Hê-rô-đê tuy đã bao lần nghe Chúa giảng dạy, chứng kiến bao việc Chúa làm, nhưng những việc đó đều không mảy may lay động lòng họ, họ có tai đó, tuy có nghe đó nhưng cũng như điếc, có mắt nhìn đó, nhưng cũng như mù chằng nhìn thấy gì ! Hơn thế nữa họ còn rình rập, dò xét tìm dịp để hạch sách, bắt bẻ Đức Giê-su. Điều tệ hại nằm tại đây, đó là với thái độ ấy thì họ sẽ chẳng bao giờ đón nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa.  Là Đấng đã tạo dựng nên họ và đã ban biết bao ơn lành cho họ, vì những điều ấy thì đáng lẽ ra họ phải tin tưởng và phụng thờ Ngài mới phải đạo!

Với thái độ thiếu lòng tin của các môn đệ, Đức Giê-su đã tỏ ra buồn phiền và Ngài liền cảnh tỉnh các ông: Đừng để lòng mình trở nên giống những người Pha-ri-sêu và vua Hê-rô-đê. Ở đó tâm hồn trở nên chai cứng, không biết nhạy bén trước những dấu chỉ mà chính Chúa đã thực hiện để mở tâm hồn ra mà đón nhận ơn cứu độ và đón nhận mọi ân lành của Thiên Chúa. Đồng thời đáp lại bằng việc tôn kính phụng thờ Ngài.

Ngày nay, thời đại này vẫn còn tồn tại thứ men mang tên Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê, thứ men đó vẫn còn tồn tại và hoạt động trong những con người không biết lắng nghe Lời Chúa, không biết suy gẫm việc Chúa đã thực hiện trong chính bản thân, trong chính cuộc sống của mình, mà ngược lại đã để cho sự dữ tức là ma quỷ điều khiển mọi suy nghĩ và các hành động của mình. Mà điển hình ở đây là kẻ đã ra tay sát hại cha Giu-se Trần Ngọc Thanh OP.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin xót thương chúng con và giữ gìn chúng con thoát khỏi quyền lực của sự dữ. Xin cho chúng con luôn bén nhạy trước những dấu chỉ của thời đại để hiểu được thánh ý Chúa. Và qua những biến cố xảy ra trong bản thân mình, chúng con ngày càng hiểu biết Chúa nhiều hơn cũng như tin yêu Chúa hơn và phụng sự Chúa hết lòng. Cúi xin Chúa thương xót đến những linh hồn chai đá,  đáng sống lỳ trong tội lỗi, xin ban ơn hoán cải để họ ăn năn trở lại hầu đón nhận được lòng thương xót và ơn tha thứ, sau hết đón nhận được ơn cứu chuộc của Chúa. Amen.

Sống Lời Chúa:

Noi gương Chúa tha thứ cho kẻ lỗi lầm, cho kẻ đã làm hại mình.

Đaminh. Trần Văn Chính.

Một lòng tín thác vào Chúa (16.02.2021)

Ghi nhớ:

 “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!” (Mc 8, 14)

Suy niệm:

Có một anh thanh niên kia, ngày nào cũng như ngày lấy, suốt cả ngày anh ta chỉ kè kè bên mình một chai rượu với vài trái chuối xanh, ổi xanh. Anh ta sống trong cái cảnh“ là đà” cả ngày. Mặc dù nhà thờ rất gần nhưng anh ta chẳng khi nào đi tham dự thánh lễ, kể cả ngày Chúa nhật, mọi người nhắc nhở thì anh ta nói:

– Chân tôi bị đau! Không thể bước đi xa được!….

Khi một người đã mất hết sức đề kháng trước những ham muốn bất chính, Có nghĩa là tiếng nói lương tâm trong họ không còn giá trị nữa. Ấy là lúc họ đã rơi vào cái gọi là“bến mê” họ trở thành nô lệ cho nhưng ham thích không tốt đó. Chẳng hạn như một người ham mê bài bạc thì suốt ngày tâm trí của họ hoàn toàn suy nghĩ đến việc chơi cờ bạc mà thôi! Cho dù vợ con hay cha mẹ hoặc những người thân có ra sức khuyên bảo, ngăn cản họ vẫn bỏ ngoài tai mà cứ  kiếm tiền đem đi chơi cờ bạc. Lúc đó họ mất hết lý trí cũng như không còn ý thức được bài bạc là bác thằng bần, hết tiền hết của, tra tay vào còng! Người ham mê rượu chè, ham mê hút sách và đam mê sắc dục cũng thế! Sr Trầm Hương sáng tác bài nhạc: “Lửa hồng ngàn đời” rất hay, trong đó có đoạn: “ Xin cho con một tình yêu Chúa như ánh sao đêm soi dẫn nẻo về, vượt tăm tối qua miền ánh sáng dẫn đưa con thoát khỏi bến mê”.

Có một vị thánh thường hay cầu nguyện với Chúa bằng những lời lẽ  sau: “Lạy Chúa. Xin Ngài luôn để mắt coi chừng con, vì con sẽ phản bội  lại Ngài bất cứ lúc nào khi Ngài không còn coi sóc giữ gìn con nữa!”

Bài Tin Mừng hôm nay thánh sử Marcô tường thuật lại việc các môn đệ quên không mang theo bánh ăn, vì việc này nên các vị tỏ ra lo lắng. Nhân cơ hội này Chúa Giê-su cảnh báo và khiển trách các ông; Đừng để cho men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê xâm nhập vào tâm hồn mình. Nhưng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê là gì? Thưa, đó là sự cứng lòng tin, men đó là sự ngu muội để rồi giữa bao phép lạ Ngài thực hiện họ vẫn không ý thức được rằng Đức Giê-su là Đấng toàn năng, Ngài có quyền phép làm cho người chết sống lại, kể què được đi, kẻ mù được sáng. Thế mà họ vẫn một mực từ chối không tin vào Ngài

Nhìn lại hành trình rao giảng Tin Mừng của Đức Giê-su chúng ta thấy ngoài những giáo lý tốt đẹp mà Chúa Giê-su chỉ bảo, Ngài còn thực hiện biết bao phép lạ! Ấy thế mà bọn Pha-ri-sêu và phần nhiều người Do Thái vẫn không chịu tin, chúng con xuyên tạc những việc kỳ diệu đó của Ngài bằng một cái lý rất trơ trẽn và điên cuồng: “ Ông ấy nhờ bàn tay của quỷ Belzêbút mà làm những việc đó”.

Đọc đoạn Tin Mừng hôm nay, có thể chúng ta sẽ phê phán bọn Pha-ri-sêu và Hê rô-dê là những người không có lý trí, không có óc nhận xét, không biết phân biệt đúng sai, phải trái!  Những lời cảnh giác đó của Đức Giê-su đối với chúng ta ngày nay vẫn không thừa!. Thí dụ, là trong mỗi dịp tết về nhiều gia đình đã không hưởng được niềm vui của năm mới cách trọn vẹn! Biết bao người nhân dịp tết đến, vui Xuân bằng cách tìm đến trò chơi đem đỏ; để rồi mất tiền và bị công an bắt vì tội đánh bạc! Biết bao người vì men rượu vào người không còn làm chủ được mình dẫn đến đánh lộn đâm chém để rồi người thì thương vong, kẻ thì vào nhà tù. Tất cả đều là do họ mê man sự đời, không thực sự tin vào Chúa và triệt để thi hành những điều răn Ngài dạy!

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta rút ra được một bài học để áp dụng vào cuộc sống của mình cho nên tốt đẹp: Đó là phải luôn nhạy bén để nhìn nhận thấy Chúa qua những dấu chỉ xảy ra quanh mình và phải hoàn toàn đặt sự tin tưởng và tin thác vào sự quan phòng trong yêu thương của Thiên Chúa đối với mỗi người và cuối cùng là phải luôn đem Lời Chúa dạy ra thực thi trong cuộc sống của mình.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa xin  giữ gìn cho đôi mắt tâm hồn chúng con được luôn trong sáng, để chúng con có thể nhận ra Chúa qua các biến cố xảy ra trong cuộc đời, cũng như trong, các công trình sáng tạo của Ngài. Xin cho chúng con có một lòng tin kiên vững để chúng con luôn hết long xác tín vào sự quan phòng mầu nhiệm của Ngài và xin cho chúng con luôn biết thực thi thánh  ý Chúa trong suốt cuộc đời dương thế của chúng con. Amen.

Sống Lời Chúa:

Nhạy bén để có thể nhận thấy ý Chúa qua các biến cố của cuộc đời

Đaminh Trần Văn Chính.

Hãy cậy trông và tín thác vào Chúa (18.02.2020)

Bài Tin Mừng hôm nay cho biết: khi các môn đệ xuống thuyền cùng với Chúa Giêsu, các ông đã bàn tán với nhau về việc các ông sợ bị đói, vì các ông chỉ có một chiếc bánh. Trong khi đó những dư âm của hai lần Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi sống cho gần chục ngàn người ăn, mà lần nào cũng còn dư vì ăn không hết, chẳng lẽ lại không đọng lại một chút nào nơi tâm trí của các ông. Bây giờ có Chúa đang hiện diện, nhưng các môn đệ vẫn sợ đói, có Chúa đi cùng thế mà các ông chẳng an tâm. Do vậy, Chúa đã cảnh tỉnh các môn đệ về “men” Pharisêu và “men” Hêrôđê, đó là thói giả hình cần phải xa tránh, đừng để vướng bận vào mình.

Tin vào Chúa. Con mãi tin vào Chúa

Quyết một lòng, con nguyện hứa trung kiên

Dù cho “sóng gió” liên miên

Con luôn tín thác, thường xuyên nguyện cầu

*

Những khó khăn, con đâu quản ngại

Lòng bảo lòng, con lại lướt qua

Rồi khi “bão táp phong ba”

“Vững tay chèo lái”, để mà bình yên

Chúa Giêsu không chỉ kêu gọi hãy giữ gìn tâm hồn ngay thẳng, mà Ngài còn nhắc nhở các môn đệ phải coi chừng cả những ảnh hưởng xấu của nhóm Pharisêu và nhóm Hêrôđê, đó chính là sự chai lì của lương tâm, bởi vì sau khi chứng kiến phép lạ Chúa chữa cho người bại tay được lành, nhóm Pharisêu đã không tin quyền năng của Ngài, lại còn tìm cách giết Ngài. Còn Hêrôđê và thuộc hạ của ông, sau khi nghe biết những phép lạ Chúa Giêsu làm, đã không tin nhận Ngài, lại còn cho rằng Ngài là Gioan Tẩy Giả sống lại

Tin vào Chúa, hướng lên phía trước

Tự cõi lòng nguyện ước cầu xin

Cho con vững mạnh đức tin

Chúa thương ban phúc giữ gìn con luôn

*

Từ nơi Chúa bao nguồn ơn phúc

Trải xuống đời, náo nức nhân gian

Niềm vui chan chứa vô vàn

Người người chung hưởng bình an thắm tràn

 

Khi biết các môn đệ đang bận tâm lo lắng về việc không đủ bánh ăn cho cuộc hành trình mới, Đức Giêsu đã nhắc lại cho họ biết về hai phép lạ Ngài đã làm trong việc hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng đi theo Người mà các ông đã được chứng kiến. Còn chúng ta, có thể chúng ta cũng đang bận tâm lo lắng về những nhu cầu vật chất trong cuộc sống thường ngày để rồi chúng ta quên đi thực tại quan trọng nhất – là sự hiện diện của Thiên Chúa ở với chúng ta. Ngài luôn quan tâm và chăm sóc cho chúng ta. Chúng ta hãy tin tưởng nơi Ngài.

 

Tin vào Chúa, hiên ngang tiến bước

Sức mạnh nhiều, thắng chước quỷ ma

Lòng con phấn khởi hoan ca

Cuộc đời tươi sáng đậm đà phúc ân

*

Bên cạnh Chúa muôn phần hoan hỷ

Quyết một lòng vẫn chỉ Ngài thôi

Đời con tốt đẹp rạng ngời 

Chính là tin Chúa, để Người yêu thương

Lạy Chúa! Thế gian này đã có biết bao men “sự chết” làm chai cứng lương tâm của con người. Xin Chúa giúp chúng con biết tỉnh táo nhận ra chúng để phòng trừ và ra sức xây dựng một thế giới yêu thương, công bằng và tôn trọng sự thật. Amen.

HOÀI THANH

Nhớ tin… (19.02.2019)

Ki-tô hữu nhận được đức tin từ chính Thiên Chúa và những người Chúa dùng để truyền đạt đức tin cho mình. Theo thăng trầm của cuộc sống, đức tin nơi mỗi người có thể bị xao nhãng, chai cứng, lạnh nhạt, và không còn sống động.

Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giê-su lấy làm thất vọng về các môn đệ. Bởi vì các ông cùng đi theo Chúa; cùng ăn; cùng ngủ nghỉ sinh hoạt với Ngài; từng tận mắt chứng kiến những phép lạ Chúa làm để chữa trị, cứu sống, thậm chí nuôi ăn… cho rất nhiều người. Thế nhưng, lòng các ông ngu muội, chậm hiểu, chậm tin; có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có óc mà không nhớ (x. Mc 8, 17-20).

Không nhớ những việc Chúa đã thực hiện trong cuộc đời mình, chính là nguyên nhân làm mất đức tin. Và nếu như không có đức tin, thì cũng đồng nghĩa với đánh mất căn tính người Ki-tô hữu. Vì thế, ghi nhớ những việc Chúa làm, các lời Chúa dạy và những lần gặp gỡ thân thiết với Chúa qua bí tích Thánh Thể chính là sự thiết yếu trong cuộc sống của người Ki-tô hữu vậy.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn ghi nhớ những ân huệ Chúa đã ban cho cuộc đời con. Xin Chúa ban thêm lòng tin cho con, để con luôn vững tin rằng Chúa vẫn ở cùng con trước những phong ba của cuộc đời. Amen.

CÁT BIỂN                    

Men… (14.02.2017)

Thánh Cyril và Thánh Methodius (c. 869, c. 884) – Lễ Nhớ

Men (Enzyme) là chất xúc tác sinh học đối với các phản ứng sinh hóa trong cuộc sống sinh vật. Men được xem là yếu tố làm biến đổi tính chất của sự vật này thành sự vật khác.

Trước sự chậm tin, chậm hiểu của các môn đệ khi đã chứng kiến những phép lạ, và quyền năng chữa lành tất cả bệnh hoạn tật nguyền mà Chúa Giê-su đã làm trong khi đang Người thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng Cứu Độ ở tại thế. Nên người đã răn đe bảo ban các ông phải coi chừng, phải đề phòng, và tránh lây nhiễm men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê (x. Mc 8,15).

Men Pha-ri-sêu chính là đầu óc ngoan cố, hẹp hòi, ích kỷ, kiêu ngạo, giả hình… của người Biệt phái; và men Hê-rô-đê chính là sự độc ác, cố chấp, lầm lạc, ngu muội… của bạo vương này.

Sở dĩ Chúa Giê-su đề cập đến hai loại men “xấu xa” kia với các môn đệ; vì Người thấy lâu nay các ông đi theo Người, ăn uống ngủ nghỉ với Người, đã chứng kiến quyền năng chữa lành, phép lạ Người làm – gần đây nhất là hai phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều – mà các ông vẫn không hiểu ra sứ vụ cứu thế của Người. Vì lòng các ông đang còn đầy dẫy những bận tâm về vật chất…

Chúa Giê-su muốn dạy cho các môn đệ của Ngài hiểu rõ biết tường tận sứ vụ của Ngài là đến trần gian để cứu chuộc nhân loại khỏi chết bởi quyền lực sự ác, phá bỏ xích xiềng tội lỗi giam hãm đời sống con người, và ban cho con người sự sống thần thiêng của Chúa, được làm con Chúa; chứ Ngài không đến trần gian chỉ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vật chất của họ mà thôi.

Lời Chúa cũng cảnh tỉnh tôi và anh chú ý coi chừng bị lây nhiễm thói xấu thời nay: tự do luyến ái, thụ hưởng, các tệ nạn xã hội, ngừa thai, phá thai…

Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe và thấu hiểu Lời Ngài ngõ hầu cho con biết sống theo thánh ý Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Là men Kitô

“Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê!” (Mc 8,15).

Suy niệm: Từ hàng ngàn năm qua, người ta đã biết dùng men ủ vào bột, để bột dậy men và làm ra những ổ bánh mì thơm ngon. Cũng có những thứ men hữu ích khác để làm rượu, dấm, sữa chua, v.v. Thế nhưng lại có những thứ men độc hại làm cho thức ăn hư thối, gây tật bệnh cho con người. Khi ví Nước Trời như men trong bột, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải có loại men mang tên Kitô, chứ không phải “men Pharisêu và men Hêrôđê”, là thứ men kiêu căng giả hình, thứ men của lòng đam mê tiền của, thú vui và quyền lực; những thứ men đó làm cho con người ra hư hỏng. Các môn đệ vì còn nặng tinh thần thế tục với óc thực dụng, cứ mải lo lắng về tấm bánh vật chất nên không hiểu được lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Biết các ông đang có nguy cơ tiêm nhiễm men độc hại nên Ngài cảnh báo: “Hãy coi chừng men Pharisêu và men Hêrôđê”.

Mời Bạn: Men Kitô trái ngược hẳn với men Hêrôđê và Pharisêu. Đó là men yêu thương, khơi dậy lòng nhiệt thành hiến thân phục vụ trong vui tươi, hiền lành, khiêm tốn. Để men Kitô dậy lên, phải loại bỏ tinh thần thế tục và óc thực dụng là môi trường cho men Pharisêu và Hêrôđê phát triển.

Chia sẻ: Đâu là những dấu hiệu cho thấy tinh thần thế tục và óc thực dụng đang tồn tại nơi lối sống của bạn?

Sống Lời Chúa: Thực hành lối sống giản dị, tiết độ và sẵn sàng chia sẻ với người nghèo để men Kitô phát triển.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con hãy tìm kiếm Nước Trời trước rồi những sự khác Chúa sẽ ban cho. Xin giúp chúng con biết sử dụng của cải đời này theo tinh thần Phúc Âm để đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.

Coi chừng men Pha-ri-sêu

“Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê.”(Mc 8,20).

Suy niệm: “Thù trong” thường đáng sợ hơn “giặc ngoài”. Nói vậy, không có nghĩa “giặc ngoài” không đáng lo. Chúa Giê-su không chỉ kêu gọi gìn giữ tâm hồn ngay chính, Ngài còn nhắc nhở các môn đệ phải coi chừng cả những ảnh hưởng xấu của nhóm Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê, ấy là sự xơ cứng lương tâm. Sau khi chứng kiến phép lạ Chúa chữa người bại tay, nhóm Pha-ri-sêu không tin quyền năng của Ngài thì chớ, lại còn tìm cách giết Ngài (Mc 3,5). Còn Hê-rô-đê và thuộc hạ của ông, sau khi nghe biết những phép lạ Chúa Giê-su làm, đã không tin nhận Ngai, và cho rằng Ngài là Gioan Tẩy Giả sống lại (Mc 6,16). Sự xơ cứng lương tâm đưa con người đến chỗ “dị ứng” với điều tốt, và thản nhiên với điều xấu, và tệ hơn nữa, tìm cách hủy diệt sự thật, công bằng và tình thương. Thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II gọi đó là “nền văn minh sự chết.” Loại men “sự chết” này đang lăm le làm dậy lên một thế giới của “sự chết” trong thời đại hôm nay.

Mời Bạn: quyết nói không với ma quỉ, với sự xấu, sự ác, đang lộng hành chung quanh chúng ta.

Chia sẻ: “Nền văn minh tình thương” là gì? Mời bạn nêu vài ví dụ.

Sống Lời Chúa: Khuyên nhủ hay hành động giúp người khác tôn trọng sự sống thai nhi, quý trọng và gìn giữ bầu khí thuận hòa trong gia đình.

Cầu nguyện: Chúa ơi, thế gian đầy dẫy men “sự chết” làm chai cứng lương tâm con người. Xin giúp chúng con tỉnh táo nhận diện chúng và xây dựng một thế giới yêu thương, công bằng và tôn trọng sự thật. Xin nâng đỡ chúng con và chớ để chúng con sa chước cám dỗ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *