Những lần hiện ra của Đức Mẹ

 

** Khi tìm hiểu về Đức Mẹ, chúng ta không thể không đề cập đến các vụ Đức Mẹ hiện ra đó đây trên thế giới. Trong lịch sử dài hơn 2.000 năm của Kitô giáo có hàng ngàn vụ Đức Mẹ hiện ra, đó đây trên thế giới, nhưng chỉ có một số ít được Giáo Hội chính thức công nhận. Nhiều vụ hiện ra khác tuy không được chính thức công nhận, nhưng Giáo Hội cho phép tín hữu sùng kính và lui tới hành hương.

Rất nhiều đền thánh hay trung tâm hành hương nổi tiếng trên thế giới đã được xây cất kính nhớ các biến cố  Đức Trinh Nữ Maria hiện ra. Chẳng hạn như tại Lourdes miền nam nước Pháp, Đức Đức Mẹ đã hiện ra với chị Bernadette Soubiroux năm 1858, và tại Fatima bên Bồ Đào Nha với ba trẻ mục đồng Lucia, Giacinta và Phanxicô năm 1917. Bên Mỹ châu Latinh biến cố Đức Mẹ hiện ra trên đồi Tepeyac bên Mehicô năm 1531 với ông Juan Diego Cuauhtlatoatzin, một thổ dân Aztec, làm nảy sinh ra đền thánh Đức Bà Guadalupe. Năm 1717 Đức Mẹ không hiện ra tại Aparecida bên Brasil, nhưng một nhóm dân chài đã tìm thấy một tượng Đức Mẹ nổi tiếng làm phép lạ làm nảy sinh ra đền thánh vĩ đại như chúng ta thấy hiện nay.

Các đền thánh nổi tiếng này hằng năm thu hút hàng triệu tín hữu và du khách hành hương đến cầu nguyện và   kính viếng: 12 triệu tại Aparecida, 7 triệu tại Guadalupe,  hơn 7 triệu tại Fatima, 5  triệu tại Lourdes.

Tại Việt Nam Đức Mẹ đã hiện ra với một số tín hữu bị bách hại chạy trốn vào rừng La Vang năm 1798. Đức Mẹ cũng hiện ra che chở tín hữu tại Trà Kiệu, khi họ bị 4.000 quân Văn Thân vây hãm năm 1855.

Tại Roma đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 tháng tám năm  352 Đức Mẹ hiện ra với ĐGH Liberio và với nhà quyền quý Giovanni, xin xây một nhà thờ kính Mẹ. Khi ĐGH hỏi: “Mẹ muốn xây ở đâu?”, thì Đức Mẹ trả lời sáng ngày mai con thấy tuyết rơi ở đâu thì xây nhà thờ ở đó”. Quả nhiên sáng mùng 5 tháng 8 năm 352 tuyết rơi ngay giữ mùa hè trên đồi Esquilino, và ĐGH đã cho xây Đền Thờ Đức Bà Cả ở đó. Gọi là Đức Bà Cả vì nó là đền thờ lớn nhất đầu tiên kính Đức Mẹ bên Tây Phương. Nhưng vì sự tích tuyết rơi nên đền thờ cũng còn được gọi là Đền thờ Đức Bà xuống tuyết. Hiện nay vào mỗi ngày mùng 5 tháng 8  lễ kính Đức Bà xuống tuyết vẫn được cử hành long trọng tại đây. Đền thờ cũng còn được gọi là đền thờ máng cỏ, vì có giữ hai thanh gỗ lấy ở máng cỏ Bếtlêhem.

** Tại Tre Fontane ở ngoại ô Roma ngày 12 tháng 4 năm 1947 Đức Mẹ cũng hiện ra với ông Bruno Cornacchiola và ba đứa con nhỏ của ông. Ông Bruno sinh năm 1913 và qua đời năm 2001. Ông đã  từng tham chiến bên Tây Ban Nha và bị một binh sĩ gốc Đức lôi kéo theo Tin Lành Adventist và chống Giáo Hội công giáo. Ngày 12 tháng 4 năm 1947 ông đưa ba con đến ngọn đồi nhỏ ở Tre Fontane để chuẩn bị một diễn văn đả kích  giáo lý của Giáo Hội Công Giáo liên quan tới sự trọn đời đồng trinh của Đức Maria, sự vô nhiêm nguyên tội và hồn xác lên trời. Gianfranco, đứa con trai bé nhất của ông, chơi chạy theo trái banh lọt vào trong một hang đá. Ông tìm thấy con qùy gỗi xuất thần trước hang đá miệng lẩm bẩm :”Bà Đẹp”. Hai đứa con khác cũng xuất thần quỳ xuống. Ông vào trong hang đá và trông thấy Đức Maria mặc áo trắng, thắt lưng mầu hồng có áo choàng xanh, tay ôm cuốn Thánh Kinh, biểu tượng cho sự mạc khải và nói với ông: “Ta là Đức Trinh Nữ của sự mạc khải. Con bách hại Ta. Bây giờ đủ rồi! Hãy vào trong chuồng chiên. Điều Thiên Chúa hứa là không thể thay đổi: chín thứ sáu kính Thánh Tâm mà vì tình yêu vợ ngưòi vợ trung thành của con đã thôi thúc con làm trước khi con vĩnh viễn theo con đường của lầm lạc, đã cứu con”. Khi nghe vậy, ông Bruno cảm thấy niềm vui sâu thăm trong tâm hồn, và ngửi thấy một mùi thơm êm dịu trong hang đá. Trước khi từ biệt Đức Mẹ cho ông một dấu chỉ để ông không còn nghi ngờ nguồn gốc thiên linh của thị kiến: đó là cuộc găp gỡ của ông với một linh mục. Và sự việc đã xảy ra như Đức Mẹ báo trước. Sau khi khước từ sai lầm, ông lại được tiếp nhận vào cộng đoàn công giáo.  Ông cũng kể là đã trông thấy Đức Mẹ hiện ra trong các ngày mùng 6, 23 và 30 tháng 5 năm đó.  Ngày mùng 9 tháng 12 năm 1949 khi gặp ĐGH Piô XII ông đã xưng thú là mưởi năm trước, khi từ cuộc nội chiến  bên Tây Ban Nha về, ông đã có dự tính giết ngài. Theo miêu tả của ông một bức tượng đã được tạc và đặt trong hang đá. Cũng có một bảng khắc lời ông nói ghi nhớ biến cố Đức Mẹ hiện ra ngày 12 tháng 4 năm 1947. Tuy không được Giáo Hội chính thức công nhận, nhưng năm 1956 ĐGH Pio XII cho phép xây một nhà nguyện nhỏ kính Đức Mẹ và giao cho các tu sĩ Phanxicô viện tu trông coi. Năm 1997 ĐGH Gioan Phaolô II chấp thuận tên gọi nơi đây là “Thánh Maria của Ngàn năm thứ ba ở Tre Fontane”. Đã có rất nhiều tín hữu nhận đưọc các ơn lành với hàng ngàn tấm bảng tạ ơn Đức Mẹ.

** Thật ra, Đức Mẹ ra hiện ra tại rất nhiều nơi trên thế giới, và các vụ hiện ra đó đã đưọc thu thập trong hai cuốn sách dầy. Chúng chứng tỏ cho thấy tình yêu thương của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đối với tín hữu và con cái loài người. Đức Mẹ có thể hiện ra  với một người hay nhiều người. Các vụ hiện ra có thể xảy ra một lần hay nhiều lần, tại những nơi chốn và thời điểm khác nhau. Thông thường chúng mang tên nới chốn xảy ra, hay từ tên do Đức Mẹ tỏ lộ cho trong lần hiện ra đó, hoặc từ khía cạnh được miêu tả. Đây là hiện tượng rất thường xảy ra trong lịch sử của Kitô giáo kể từ thế kỷ thứ IV và gia tăng mạnh mẽ trong thế kỷ XIX, và nhất là trong thế kỷ XX.

Theo từ điển Công giáo việc Đức Mẹ hiện ra là một thị kiến mà một hay nhiều người cho rằng họ đã trông thấy Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu Kitô, trong cử chỉ hướng tới họ với lời nói hay cử chỉ.  Trong trường hợp trong đó các khẳng định được trình bầy không có thực tại hay hình ảnh, mà chỉ có trong hình thức các lời loan báo thôi, thì từ diễn tả đúng đắn nhất là kiểu nói, như xảy ra trong các kinh nghiệm thần bí, liên quan tới các sứ giả khác với Đức Maria.

Say đây là một số vụ Đức Mẹ hiện ra đã được Giáo Hội chính thức chấp nhận: Đức Bà Canh Giữ tại Genova tây bắc Italia năm 1490; Đức Bà Guadalupe bên Mêhicô năm 1531; Đức Bà Laus bên Pháp trong các năm 1664-1718; Đức Bà cứu giúp Champion bên Hoa Kỳ năm 1859; Đức Bà Aparecida bên Brasil năm 1717; các vụ hiện ra với bà thánh Caterina Labouré bên Paris năm 1830 cũng gọi là Đức Bà Mề đai phép lạ; Đức Bà Phép Lạ hiện ra với Alphonse Marie Ratisbone tại Roma năm 1842; Đức Bà La Salette bên Pháp năm 1846; Đức Bà Lộ Đức bên Pháp năm 1858; Đức Bà Pontmain bên Pháp năm 1871; Đức Bà Gietrzwald bên Ba Lan năm 1877; Đức Bà Knock bên Ailen năm 1879; Đức Bà Fatima bên Bồ Đào Nha năm 1917; Đức Bà Beauraing bên Bỉ năm 1932-1933; Đức Trinh Nữ người nghèo tại Banneux bên Bỉ năm 1933; Đức Bà của mọi dân tộc tại Amsterdam bên Hoà Lan 1945-1959; Đức Bà Akita bên Nhật Bản năm 1973; Đức Maria Trinh Nữ và là Mẹ Hoà Giải mọi dân tộc và quốc gia tại Finca Betanaia bên Venezuela năm 1976; Đức Bà Kibeho bên Rwanda năm 1981; Đức Bà Mân Côi của thánh Nicolas bên Argentina năm 1983.

** Ngoài ra Giáo Hội cũng chính thức thừa nhận các vụ hiện ra sau đây: Nữ Vương các Thánh hay phép lạ thánh Ciriaco tại Ancona trung Italia năm 1796; Đức Bà làm phép lạ tại Taggia năm 1855; Đức Bà khóc tại Siracusa trên đảo Sicilia nam Italia năm 1953.

Liên quan tới các vụ Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ Caterina Labouré năm 1830 tại Rue du Bac bên Paris, đã không thể có chứng tá của chị, nhưng bắt đầu từ thời ĐGH Gregorio XVI Giáo Hội có thái độ thuận tiện đối với Mề Đai làm phép lạ.

Có nhiều vụ hiện ra khác nữa tuy không được Giáo Hội chính thức thừa nhận, nhưng được phép sùng kính Đức Mẹ. Trong đó có Đức Bà Caravaggio bên Italia năm 1432; Thánh Maria tại Parete vùng Liveri Napoli, nam Italia năm 1514; Đức Bà các Thiên Thần tại Arcola năm 1556;  Đức Bà Coromoto bên Venezuela năm 1652; Đức Bà của Lòng Thương Xót tại Rimini năm 1850; Đức Maria Rất Thánh Sầu Bi tại Castelpetroso Italia năm 1888; Đức Trinh Nữ Sầu Bi bên Quito năm 1906; Đức Bà Đá Tảng tại Belpasso 1981-1986.

 

Ngày 25 tháng 2 năm 1978 Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố tài liệu “Các điều lệ việc tiến hành phán xử các vụ hiện ra hay các mặc khải trong đó có các khoản sau đây: ĐGM sở tại  có thể bắt đầu một tiến trình do sáng kiến riêng của mình hay vi lởi xin của một tin hữu để điều tra các sự kiện liên quan tới một vụ hiện ra. Giám Mục có thể không xem xét vụ hiện ra nếu muốn, đặc biệt khi nghĩ rằng câu chuyện sẽ không đi đến đâu. Hội Đồng Giám Mục có thể can thiệp nếu Giám Mục sở tại yêu cầu, hay nếu biến cố trở thành quan trọng trên bình diện quốc gia, hay ít nhất trên bình diện rộng rãi hơn một giáo phận. Cả Toà Thánh cũng có thể can thiệp, nếu có lời xin của chính Giám Mục sở tại, hay do lởi thỉnh cẩu của một nhớm tín hữu, hay do sáng kiến của Toà Thánh muốn điều tra vụ hiện ra.

TMH 495

Linh Tiến Khải – http://vietvatican.net/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *