Xin Chúa ban thêm Đức Tin cho chúng con (27.01.2024 – Thứ Bảy tuần III Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

 Lời Chúa:  2 Sm 12,1-7a.10-17  (năm chẵn), Hr 11,1-2.8-19, Mc 4,35-41


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 4,35-41)

35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Chúng ta sang bờ bên kia đi !” 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền ; có những thuyền khác cùng theo Người. 37 Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói : “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao ?” 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển : “Im đi ! Câm đi !” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi Người bảo các ông : “Sao nhát thế ? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao ?” 41 Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau : “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”

 

Xin Chúa ban thêm Đức Tin cho chúng con (27.01.2024)

Bài Tin Mừng hôm nay thuộc giai đoạn Chúa Giêsu rao giảng tại vùng Galilê, sau khi Chúa Giêsu đã dùng các dụ ngôn để giảng về Nước Trời với vế sức mạnh của nước này, tức là chính quyền năng của Thiên Chúa.

Trình thuật của Thánh Marco trong Tin Mừng hôm nay như một đoạn phim tả lại một cảnh sinh hoạt đã xảy ra với Chúa Giêsu và các môn đệ.

Sau khi giảng cho dân chúng về Nước Trời, chiều xuống, Chúa Giêsu rời khỏi đám đông và bảo các môn đệ đưa Người sang bên kia hồ, có những thuyền khác cùng theo họ.

Đã tối rồi mà sao Chúa Giêsu lại muốn các môn đệ phải vượt biển như vậy ? Sao không ở lại để khi trời sáng đi cho an toàn ? Các môn đệ là dân đánh cá, hẳn biết rõ những nguy hiểm của chuyện đi biển ban đêm bằng những con thuyền nhỏ bé của họ. Nhưng họ vẫn vâng lời Thầy mình mà ra đi.

Cả đoàn thuyền đang lặng lẽ đi trong đêm tối. Bỗng sóng gió bắt đầu nổi lên và một cơn bão dữ dội đã tấn công đoàn thuyền. Sóng gió gầm thét xô đẩy con thuyền. Các môn đệ vất vả chống đỡ, cố bám víu vào thuyền để khỏi bị hất văng xuống biển. Nước tràn vào làm cho thuyền muốn chìm. Các môn đệ hoảng loạn la hét. Trong lúc đó Chúa Giêsu vẫn đang bình thản ngủ ở đàng lái. Tuyệt vọng, các môn đệ phải đến cầu cứu và như trách móc Thầy mình  : “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”.

Chúa Giêsu thức dậy và ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ”.

Chúa Giêsu quay lại quở trách các môn đệ vì các ông đã thiếu lòng tin, đã ở với Người mà còn lo sợ trước ngoại cảnh.

Các môn đệ quá đỗi ngạc nhiên và kinh ngạc trước quyền phép của Chúa Giêsu, vì ngay đến biển cả sóng gió cũng phải nghe và tuân theo lệnh truyền của Người. Các ông hoảng sợ trước quyền phép lạ lùng ấy mà hỏi nhau : Người là ai ?

Tại sao Chúa Giêsu lại trách các môn đệ đã không có lòng tin ?

Giả sử khi trời có mưa gió giông bão dữ dội mà chúng ta đang ở trong một túp lếu tranh, hoặc một căn nhà đơn sơ tạm bợ, thì ắt chúng ta phải lo sợ ghê ghớm vì không biết lúc nào căn nhà sẽ bị thổi bay mất và đẩy chúng ta vào cơn bão đang gầm thét. Nhưng nếu chúng ta đang ở trong một căn nhà đúc bê tông cốt thép kiên cố, thì hẳn chúng ta sẽ yên tâm và cứ việc an nhiên nghỉ ngơi, mặc kệ mưa gió bão táp bên ngoài. Được như  vậy vì chúng ta đã tin vào sự vững chắc của ngôi nhà sẽ bảo vệ chúng ta.

Các môn đệ cũng thế, nếu họ tin tưởng Chúa Giêsu với quyền năng của Thiên Chúa sẽ bảo vệ chính Người và các môn đệ, thì họ chẳng lo gì trước giông bão. Nhưng họ chưa có lòng tin như Chúa Giêsu đã trách họ. Việc các môn đệ thiếu lòng tin vào Chúa Giêsu còn kéo dài đến khi Chúa Giêsu sống lại, mặc dù Người đã dạy dỗ và làm nhiều việc để củng cố niềm tin của họ : Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy.” (Mc 15,14).

Ngay cả trước khi Chúa Giêsu lên Trời cũng vẫn còn có người không tin : Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.” (Mt 28,16-17).

Người Kitô hữu khi chịu Bí tích Thánh tẩy đã thuộc về Chúa Giêsu, đã được ban Đức Tin. Nhưng nếu không trau dồi và củng cố Đức Tin bằng cầu nguyện, nhất là học hỏi Lời Chúa, kết hợp với Chúa bằng Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể thì không thể xây dựng được ngôi nhà Đức Tin vững chắc.

Cuộc đời mỗi Kitô hữu là một chuyến hải hành trên biển cả thế gian đầy phong ba bão táp. Ngoài những tai họa, những bất hạnh vì tai nạn, bệnh tật, những thiếu thốn, khó khăn về kinh tế, người tín hữu còn bị những “nữ nhân ngư” là tiền tài, danh vọng, sắc dục quyến rũ…

Nếu không có Đức Tin kiên vững, một tấm lòng tin tưởng phó thác hoàn toàn nơi quyền năng của Chúa, thì khi cuộc đời gặp sóng gió bão táp người Kitô hữu dễ chao đảo, ngã lòng và chạy đi tìm trợ giúp nơi những phương tiện trần gian mà đánh mất hạnh phúc Nước Trời.

Câu chuyện về lòng tin (thuật lại theo cha Giu-se Đinh Lập Liễm).

Truyện: Cha tôi cầm lái con tầu.

Một thi sĩ người Anh, ông Byron, có viết một câu chuyện như sau:

Hôm ấy, một con tầu đang rẽ sóng lướt đi trên mặt biển mênh mông. Bỗng chốc, bầu trời kéo mây đen đặc. Rồi giông tố âm ầm nổi lên, sấm chớp kinh hoàng. Mưa càng lớn, gió càng mạnh. Các hành khách kêu la hỗn loạn. Duy có một em bé cứ ngồi chơi trên boong tầu như không có gì xẩy ra cả.

Lạ lùng, một thủy thủ giương to đôi mắt hỏi em:

– Em không sợ chết sao?

Cậu bé thản nhiên trả lời:

– Sao lại sợ? Chính ba em cầm lái con tầu này mà!

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời chúng con luôn lao đao giữa biển cả cuộc đời. Phong ba bão táp sự dữ lúc nào cũng bủa vây, tấn công và muốn nuốt chửng chúng con. Nhiều phen chúng con đã quên là có Chúa luôn hiện diện với chúng con để chúng con cầu cứu, nhưng lại tự ý tìm những sức mạnh lừa dối tạm bợ của thế gian để chống đỡ. Vì vậy chúng con đã thất bại nhiều phen. Thật may cho chúng con có Chúa nhân từ đã cứu vớt, giúp chúng con đứng dậy trong những lần ngã gục ấy.

Xin Chúa ban thêm Đức Tin cho chúng con, để chúng con luôn hoàn toàn tin tưởng phó thác nơi Chúa, dù trong hoàn cảnh nào, chúng con cũng sẵn sàng vâng lệnh Chúa ra khơi “sang bên kia”, là nơi có hạnh phúc muôn đời mà Chúa muốn chúng con đến.

Jos. NM Tưởng

Hết lòng tin tưởng cậy trông vào Chúa (28.01.2023)

Ngày 28.01: Lễ Kính Thánh Tô-ma A-qui-nô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh, phụng vụ Dòng Đa Minh

Ghi nhớ:

Người thức dậy, ngăn đe gió và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi! Gió liền tắt và biển lặng như tờ”. (Mc 4, 39).

Suy niệm:

Trước đây, vào những năm 1976-1979. Sách giáo lớp Bốn phần tập đọc có in bài thơ tựa đề là: “Trời đành chịu thua”(tác giả khuyết danh nhưng chúng ta có thể nói đây là của một kẻ thiểu năng trí tuệ. Bởi lẽ người ấy biết một mà chẳng biết mười. Nếu hỏi người ấy một câu thôi thì chắc chắn sẽ chẳng trả lời được: Câu hỏi đó là: “Nếu dưới sâu trong lòng đất không có nước thì bạn đào đâu cho ra nước!?”)

Nội dung bài thơ như sau:

Ngày xưa hạn hán, cầu trời. Ngày nay hạn hán thời người trị ngay.

Trị đêm rồi lại trị ngày. Cho tên giặc hạn biết tay của người

Vừa làm vừa thách cả trời. Có muốn tắm mát thì mời xuống đây.

Nước kia ở dưới đất này. Đào sâu vét kỹ, nước đầy mương ao.

Thách trời cứ hạn nữa vào. Đồng ta đủ nước hoa màu vẫn xanh.

Chiều chiều nghe tiếng phát thanh. Người chăm thuỷ lợi, trời đành chịu thua!

Rõ ràng đây là một bài thơ ngạo mạn của một kẻ ngông cuồng. Ấy thế mà không biết vì  sao nó lại được đưa vào sách giáo khoa để dạy cho các em học sinh?! Nhưng về sau có lẽ do đã nhận thức ra được sự trơ trẽn của bài thơ nên từ năm 1979 Bộ giáo dục đã không còn sử dụng nó nữa.

Chúng ta  nhớ lại vào những ngày đầu của tháng 11 năm 1997, tại vùng biển miền nam xảy ra cơn bão Linda hay còn gọi là cơn bão số 5 đổ bộ vào Cà Mâu, Bạc Liêu… gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng là trên ba ngàn người và thiệt hại về kinh tế vào khoảng 385 triệu đô. Thời điểm bão xảy ra đúng vào hai ngày lễ trọng là Lễ mừng kính các Thánh và Lễ cầu nguyện cho các Đẳng Linh Hồn. Chính vì thế cho nên những ngư dân Công Giáo ngoan đạo đã thu xếp vào bờ để trở về nhà dự lễ cho nên được thoát nạn!

Một điều căn bản trong cuộc sống: Đó là nhìn thành quả, thì tìm thấy nguyên nhân. Ví dụ nhìn vào cái bàn thì liền biết có ông thợ mộc làm ra. Nhìn thấy cái áo biết có người thợ cắt may mà thành. Cũng thế bước sang lãnh vực tinh thần thì khi gặp một vị bác sỹ, kỹ sư hay nhà khoa học, chúng ta liền biết rằng những vị này đã phải trải qua bao cố gắng học tập rèn luyện cho nên mới có kiến thức để thể trở thành bác sỹ, kỹ sư hay nhà khoa học để có thể chữa bệnh, hay giúp ích cho đời. Cái bàn, chiếc áo sẽ chẳng thể có được nếu không có người làm ra chúng, hay vị bác sỹ, kỹ sư hoặc nhà khoa học, chẳng tự nhiên mà có được những kiến thức nếu không trải qua một thời gian  dài ra sức, phấn đấu, cố công học tập.

Mở đầu quyển Giáo Lý Công Giáo chúng ta được học câu: Hỏi làm sao để ta có thể nhận biết có Đức Chúa Trời. Thưa: Khi ta nhìn xem trời đất muôn vật và thấy những trật tự lạ lùng trong vũ trụ liền biết có Đức Chúa Trời là Đấng tạo thành và an bài mọi sự.

Bài Tin Mừng hôm nay kẻ về một biến cố các môn đệ đàng chở Đức Giê-su sang bờ bên kia, trong lúc con thuyền đang đi trên biền thì bất thình lình nổi lên trận cuồng phong. Sóng to gió lớn khiến nước tràn qua be mà vào lòng thuyền. Thấy tình thế nguy cấp các môn đệ chạy đến Đức Giê-su kêu cứu, trong lúc đó Đức Giê-su lại đang ngủ, thế nên các ông đã phải đánh thức Người dậy mà rằng: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Người thức dậy ngăn đe gió và biển. Khi biển yên tĩnh trở lại rồi thì Đức Giê-su mới bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao anh em vẫn chưa có lòng tin”. Sau đó khi nhận thấy phép lạ xảy ra các ông đã nói với nhau: “Vậy Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh”.

Chính Chúa dựng nên và làm chủ muôn loài, muôn vật. Vì thế Ngài điều khiển được mọi sự, vì lý do này mà Đức Giê-su vẫn bình thản ngủ trong khi trời nổi cơn cuồng phong. Còn các môn đệ tuy theo Thầy và đã chúng kiến nhiều phép lạ Thầy đã làm rồi, song hôm nay trước phong ba bão tố các ông vẫn sợ hãi mà chạy đến cầu cứu nơi Đức Giê-su.

Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, khi gặp những khó khăn của cuộc sống chúng ta luôn có một Đấng bảo vệ chúng ta thoát khỏi mọi sự dữ, đó là Đức Giê-su. Đấng có quyền năng trên mọi sự, kể cả sự chết. Vì thế chúng ta phải hết lòng tin tưởng vào Ngài và luôn luôn  gắn bó, sống ở bên Ngài để được gìn giữ chở che.

Cầu nguyện:

Lạy Đức Giê-su, xin Ngài luôn ở bên con để gìn giữ xác hồn con khỏi mọi sự dữ, xin cứu con khỏi quyền lực quỷ thần, vì lúc nào chúng cũng rình rập cám dỗ để lôi kéo con sa ngã. Chỉ ở trong Ngài con mới có thể vượt qua được phong ba bão tố của cuộc đời mà thôi. Xin Ngài ban thêm lòng tin cho con. Amen.

Sống Lời Chúa.

Hết lòng tin tưởng, cậy trông và phó thác nơi Đức Giê-su Ki-tô

Đaminh Trần Văn Chính.

Đốn ngộ pháp (29.01.2022)

Theo Từ điển Phật học, Đốn Ngộ Pháp là: Pháp tu khai mở tâm địa và chứng ngộ nhanh chóng cái không thể ngộ được.

Vậy, Đốn Ngộ là hiện tượng bất ngờ tâm thay đổi từ trạng thái mê tối sang trạng thái sáng suốt và vắng lặng. Sự kiện đó xảy ra cực kỳ bất ngờ và nhanh chóng, chỉ một khoảnh khắc là hành giả biến thành con người mới.

Chữ “ngộ” ở đây không có nghĩa hiểu biết như ta đọc chữ và hiểu chữ. Nhưng “ngộ” có nghĩa là hiểu biết tận xương tủy, tận mỗi tế bào trong cơ thể, làm cho ta trở thành một người hoàn toàn mới, so với con người cũ của ta trước khi chứng ngộ.

Ví dụ một người bị đụng xe, nằm hôn mê cả một năm sau mới tỉnh dậy. Sau khi tỉnh dậy người ấy “ngộ” rất rõ là cuộc đời phù du đến thế nào, tiền bạc và vật chất phù du đến thế nào, tham sân si là tù ngục thế nào, yêu người là quan trọng đến thế nào, tạ ơn là quan trọng đến thế nào, mỗi phút giây ta sống ta cần sử dụng thời gian thế nào cho linh hồn của ta và linh hồn của thế giới… Và người tỉnh thức đó suy nghĩ và sống theo tri kiến đã chứng ngộ đó, như một thánh nhân, và không còn là người phàm phu trước khi đụng xe.

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay cho ta thấy, qua một cơn bão to sóng lớn, sóng ập vào thuyền làm thuyền đầy nước sắp chìm cũng là một Đốn Ngộ Pháp làm cho các môn đệ cùa Đức Giê-su “ngộ” ra quyền năng Chúa đứng trên và mạnh hơn những quy luật thiên nhiên (x. Mc. 9, 39-41) để đức tin của họ được trui rèn, ngày thêm vũng mạnh.

Lạy Chúa, xin cho con luôn vững niềm tin khi đối diện với những biến động, khó khăn, thử thách của cuộc sống hôm nay. Amen.

CÁT BIỂN

Vững tin cậy Chúa (30.01.2021)

Trình thuật Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyến vượt biển hồ Ga-li-lê của thầy trò Chúa Giê-su sang bờ bên kia. Lúc ấy, Chúa Giê-su đang nằm ngủ ở phía sau lái. Bỗng nhiên có trận cuồng phong nổi lên, sóng to ập vào thuyền. Các môn đệ hốt hoảng sợ thuyền sẽ bị chìm giữa trùng khơi sóng nước mênh mông. Họ kêu cầu Chúa và đánh thức Người dậy để tìm phương cách chống đỡ sóng to, gió lớn.

Thánh sử Mác-cô cho biết, chỉ một lời ngăm đe của Chúa Giê-su: “Im đi ! Câm đi !” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.

Tâm trạng của các môn đệ lúc đó có thể nói được là, cũng giống như ý thức sống đạo của các tín hữu Chúa Ki-tô lúc này đây:

Khi cuộc đời suông sẻ, an vui, thành đạt, hạnh phúc như ước nguyện thì chúng ta quên mất sự hiện diện của Thiên Chúa; đến khi gặp khó khăn, buồn lo, thất bại, bất hạnh thì mới tìm sự trợ giúp, cứu chữa của Thiên Chúa. Ấy chẳng qua là một lối sống đạo mờ nhạt đức Tin, nghèo niềm Trông Cậy, và chỉ lo yêu bản thân của mình.

Ðời sống của các Ki-tô hữu nói chung; cách riêng mỗi người Giáo Dân Đa Minh – được ví như một hải trình. Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện, ngay cả khi ta tưởng chừng như Ngài vắng mặt trong những thử thách, phong ba của cuộc đời. Trong những lúc như thế, tôi và anh có biết chạy đến cầu nguyện với Chúa để Ngài làm yên cơn sóng gió và dẫn đưa con thuyền cuộc đời của mỗi người chúng ta về tới bến bờ bình an hay không ?

Lạy Chúa, con xin phó thác hải trình đời con cho Ngài. Con luôn vững tin vào quyền năng Chúa quan phòng; bởi thế:

“Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ,

vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa,

ban cho con được sống yên hàn” (Tv. 4,9)

CÁT BIỂN

Vững niềm tin… (01.02.2020)

Cuộc sống muôn hình vạn trạng những thuận lợi, ưng ý cũng như những khó khăn, thử thách; đòi hỏi ai ai cũng phải mạnh mẽ và kiên trì khi đối mặt với những khó khăn cuộc sống. Thế nhưng, không phải ai cũng có được sự lạc quan tin chắc mình sẽ vượt qua những cảnh huống bất lợi như thế được; bên cạnh đó có những người đang cảm thấy lo sợ, chán nản và muốn buông xuôi tất cả. Đó cũng chính là tâm thức của các môn đệ Chúa Giê-su khi trận cuồng phong bất ngờ ập đến vào lúc chiều tối, khi các thầy trò đang đi sang bờ bên kia của biển hồ Ga-li-lê.

Đời người Ki-tô hữu cũng luôn gặp những cuồng phong sóng gió:

Cuồng phong, sóng gió trong tương quan với tha nhân, và trong các hoạt động xã hội;

Cuồng phong, sóng gió trong đời sống hôn nhân gia đình giữa vợ chồng, con cái; ông bà, con cháu;

Cuồng phong, sóng gió trong các hoạt động đoàn thể, trong sinh hoạt đạo đức…

Sóng gió xảy ra trong đời sống cá nhân;

Sóng gió xảy ra trong đời sống tập thể.

Người Ki-tô hữu càng thấy bất an, hoảng loạn nhiều hơn vì được biết Chúa hằng luôn ở với mình. Thế nhưng, trong khi con thuyền đời họ chòng chành, chực chìm thì lại có vẻ như Chúa không có mặt lúc cuồng phong xảy ra, Chúa vẫn còn đang ở đâu đó xa lắc, hoặc Ngài đang dựa vào chiếc gối mà ngủ ?

Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm lòng tin cho chúng con ! Xin cho con luôn xác tín Chúa đang đồng hành trên “chuyến thuyền đời” của con và xin cho con luôn vững tin rằng:

 Dù trải qua cuồng phong sóng gió dữ dội thế nào thì “thuyền đời” con cũng tới bến bình an ! Amen.

CÁT BIỂN

Niềm tin bị lung lay (27.01.2018)

Niềm tin là một trong những điều quan trọng nhất trong việc duy trì các mối quan hệ giữa người với người. Trong cuộc sống, không phải bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể chứng minh bằng những điều cụ thể mà đôi khi, ta cần phải có niềm tin. Chính vì nó quan trọng nên một khi ta để người khác mất niềm tin vào mình, mối quan hệ ấy sẽ dần phai nhạt và đi đến hồi kết vào một ngày không xa. Không chỉ vậy, niềm tin còn có thể mang lại những điều kì diệu tác động vô cùng to lớn đến tâm lí nếu chúng ta biết đặt nó đúng chỗ.

Chẳng hạn, những căn bệnh tưởng vô phương cứu chữa nhưng lại có thể trị khỏi một cách lạ lùng nhờ niềm tin; hay những mối quan hệ bị ngăn cách bởi không gian địa lí vẫn gắn bó, thân thiết nhờ sự tin tưởng lẫn nhau. Cũng có những lúc, niềm tin chỉ đơn giản là “Phúc cho những ai không thấy mà tin”, họ tin tưởng tuyệt đối chỉ vì đó là Lời Chúa dạy mà thôi. Tuy nhiên, đôi lúc tin tưởng quá mức vào những vấn đề chưa chắc chắn sẽ vô tình khiến chúng ta gặp bất lợi. Đó là một trong những nguyên nhân khiến niềm tin chẳng còn “đất dụng võ” trong xã hội ngày nay.

Sự kì diệu của niềm tin đã khiến nhiều người vấp ngã và lợi dụng nó để làm hại người khác hoặc trục lợi cho bản thân, những vụ lừa đảo với mọi quy mô đã và đang xảy ra trong lòng xã hội chúng ta đang sống. Dần dần, người ta bắt đầu dè chừng với mọi người, luôn đề phòng với mọi thông tin trong cuộc sống. Từ đó, nó khiến mọi người ngày càng xa cách nghi kỵ nhau.

Tuy nhiên, cũng có khi niềm tin còn non kém chỉ vì người ta chưa đủ tin tưởng vào người khác. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu ra lệnh cho sóng yên biển lặn trong sự ngạc nhiên của các tông đồ. Các ông sợ hãi vì cơn bão mà quên rằng, các ông đang ở cùng người Thầy quyền năng. Niềm tin của các ông dành cho Chúa Giêsu vẫn chưa đủ mạnh nên đã bị Người khiển trách.

Lắm lúc, chúng ta cũng như các tông đồ trên chiếc thuyền nhỏ bé đang chơi vơi giữa cơn bão ấy. Chúng ta sợ, sợ vì niềm tin của mình còn quá mong manh, khiến ta dễ gục ngã, trốn chạy khi gặp gian nan, khốn khó; sợ vì người Thầy mình tin tưởng sao chẳng thấy động tĩnh gì… Đôi lúc, chúng ta quên mất mình có một người Cha hằng yêu thương, chăm sóc, chở che khi ta gặp khó khăn. Thế nhưng, sống giữa một xã hội mang một niềm tin bị lung lay khiến chúng ta ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Là người Kitô hữu, chúng ta cần phải khác biệt, không thể để xã hội biến ta trở nên giống họ mà ngược lại, ta phải dùng ánh sáng Tin Mừng để hướng dẫn họ trở nên giống mình, biết tin tưởng vào Chúa và tin tưởng lẫn nhau. Để từ đó, chúng ta có thể vực dậy lòng tin đã bị lung lay của xã hội trở nên vững chãi, kiên cố.

Lạy Chúa, lắm lúc trong cuộc sống bộn bề đầy nỗi lo toan này, chúng con vô tình đánh mất niềm tin vào Ngài. Xin Ngài thương nâng đỡ, trợ giúp để chúng con biết tin tưởng Ngài nhiều hơn, biết phó thác cho bàn tay quan phòng của Ngài. Xin cũng cho chúng con biết tin tưởng nhau hơn, để các mối quan hệ trong xã hội ngày càng gắn kết hơn. Amen.

Petrus Sơn 

Hoảng sợ và an vui (30.01.2016)

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay mô tả một tình huống khá hiểm nguy của thầy trò Đức Giê-su trên biển hồ Ga-li-lê và cảm xúc của các môn đệ Người.

Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi! “. Bình thường, sau một ngày vất vả làm việc, người ta tìm chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, nhất là tránh được những tai ương, bất trắc khi bóng đêm bao phủ; còn Đức Giê-su, Người truyền cho các môn đệ chèo thuyền qua bờ bên kia biển hồ, nơi đó là miền đất của dân ngoại sinh sống. Vượt biển khơi trong đêm tối là hành động rất mạo hiểm, vì nó luôn tiềm ẩn những hiểm họa  khôn lường do: sóng, gió, bóng đêm và sự yếu đuối của con người. Đức Giê-su truyền cho các môn đệ chèo thuyền sang bờ bên kia vào lúc này, chắc hẳn phải có lý do: – Sự cấp bách, cần thiết của sứ vụ rao giảng Nước Trời và ơn cứu độ? hoặc truyền cảm hứng cho các môn đệ về hoạt động rao giảng … và củng cố, ban thêm lòng tin cho các ông?. Vâng lời Đức Giê-su, các môn đệ thực thi lệnh truyền.

Hành trình vượt biển hồ Ga-li-lê để qua bờ bên kia.

Lúc bỏ đám đông ở lại trên bờ và hướng thuyền ra khơi, thời tiết rất thuận lợi: gió thổi nhè nhẹ và bầu trời không chút gợn mây, ai nấy đều sảng khoái nghỉ ngơi. Nhưng khi thuyền ra đến khoảng giữa biển hồ, một trận cuồng phong bỗng thổi đến, mặt hồ nổi sóng dữ giội, nước tràn vào thuyền khiến việc điều khiển con thuyền rất vất vả; mọi người đều xôn xao, hoảng hốt: kẻ lo chèo chống, người lo tát nước để thuyền khỏi chìm; Đức Giê-su vẫn thản nhiên gối đầu trên mạn thuyền ngủ say sưa.

Sóng to, gió lớn xẩy ra đột ngột khi thuyền đang lênh đênh giữa biển hồ mênh mông; các môn đệ tất bật chèo chống; sóng to, gió lớn càng ngày càng dữ dội, con thuyền chòng trành chao đảo có nguy cơ bị sóng đánh chìm; các môn đệ đã thấm mệt và bất lực trước hiểm họa; lúc bấy giờ các ông mới đánh thức Đức Giê-su và nói với Người: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? “.

Các môn đệ là những người thân tín của Đức Giê-su, theo Người lâu ngày, được chứng kiến nhiều dấu kỳ phép lạ Người đã làm để thi ân giáng phúc cho dân chúng; quyền năng của Người khiến ma quỷ cũng phải kinh hãi; lòng tin vào Đức Giê-su của các môn đệ được coi như vững mạnh. Tuy nhiên giờ đây, khi đối đầu với hiểm nguy giữa biển khơi sóng to, gió lớn, con thuyền trở nên mong manh và con người cảm thấy bất lực trước sự  “giận dữ” của thiên nhiên, các môn đệ rơi vào trạng thái hoảng sợ. Các ông đánh thức Đức Giê-su để tìm kiếm sự trợ giúp.

Đức Giê-su thức dậy, Người giơ tay trên biển truyền cho gió ngừng thổi và sóng lặng êm; lập tức mọi sự trở lại bình thường, các môn đệ thở phào nhẹ nhõm vì cơn hiểm nguy đã qua; tuy nhiên, các ông hết sức sửng sốt vì sự việc vừa xẩy ra: chỉ một lời truyền phán của Đức Giê-su gió và biển cũng tuân phục; các ông hoảng hốt hỏi nhau: “Người là ai?”. Đức Giê-su nhìn các môn đệ đang kinh ngạc và nét mặt còn phảng phất lo âu; Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? “.

Thấy Đức Giê-su giơ tay trên biển khiến gió êm, biển lặng, con thuyền vượt thoát khỏi hiểm nguy; các môn đệ đã nhận ra quyền năng của Thầy chí thánh…từ trạng thái hoảng hốt sợ hãi các ông đã chuyển qua tâm trạng vui mừng và bình an.

Sống giữa trần gian, được ví như cuộc lữ hành vượt biển khơi với muôn ngàn hiểm nguy: Một bên là những trận cuồng phong do lòng ích kỷ, đố kỵ ganh ghét và hận thù; những con sóng dục tình, ham hố lợi danh, hưởng thụ bất chính luôn rình rập trỗi dậy, giập vùi và nhấn chìm. Một bên là khát vọng chân chính của lương tâm, tự thâm sâu trong tâm hồn mỗi người luôn mong muốn được an vui và hạnh phúc vĩnh cửu. Lằn ranh giữa hai trạng thái ấy luôn hiện hữu, và ở đó Đức Giê-su hiện diện và can thiệp, để những ai cần đến sự trợ giúp của Người thì Người liền ra tay cứu chữa.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay:

Đức Giê-su Kitô quyền năng và tràn đầy yêu thương, Người không bỏ mặc những ai yêu mến Người và tín thác đời mình cho Người. Hãy tin tưởng tìm gặp Người và xin được trợ giúp.

CẦU NGUYỆN

Lạy  Chúa Giêsu, xin cho con nhận ra : Chúa luôn hiện diện từng giây phút trong cuộc đời con và sẵn sàng can thiệp giúp con vượt qua những thử thách, gian nan trong cuộc sống để đến được bến bờ của hạnh phúc, bình an.

SỐNG TIN MỪNG

Tin tưởng mạnh mẽ  Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ trần gian duy nhất hôm qua, hôm nay và mãi mãi; đồng thời nỗ lực cộng tác với ân sủng của Chúa trong các Bí tích  để kiên vững trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời.

Ngài là Chúa của đời ta

Các môn đệ hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy Người là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?” (Mc 4,41).

Suy niệm: Đài CNS Mỹ đã thực hiện cuộc phỏng vấn ca sĩ Bono của ban nhạc lừng danh U2 với tựa đề “Đức Giê-su là ai?” Trong bài phỏng vấn của đài này cũng như nhiều đài khác, Bono bày tỏ niềm tin vào Đức Giê-su là Thiên Chúa, là Đấng phục sinh từ cõi chết, những lời hứa của Ngài sẽ thành sự thật. Người ca sĩ nổi tiếng về việc từ thiện ấy cũng cho biết vợ chồng anh và con cái thường cầu nguyện, đọc Kinh Thánh để học biết ý Thiên Chúa. Trước Bono, bao con người cũng đã phải đối diện với câu hỏi sinh tử này, các môn đệ trên thuyền trong bài Tin Mừng hôm nay chẳng hạn. Là những ngư dân dày dạn kinh nghiệm, vậy mà các ông cũng kinh sợ sóng gió khủng khiếp của hồ Galilê. Thế nhưng, chỉ cần một tiếng ra lệnh của ông thầy Giê-su kia, là sóng gió thinh lặng. Ngài là ai mà quyền phép như vậy?

Mời Bạn: Ca sĩ nhạc rock Bono tin rằng Ngài là Đấng Mê-si-a, nghĩa là Đấng Cứu Thế, một Đấng Cứu Thế chịu đau khổ để bày tỏ lòng yêu thương nhân loại. Là Thiên Chúa quyền năng, Ngài không cần phải chịu đau khổ, chịu chết cũng cứu được nhân loại. Thế nhưng, Ngài đã làm người, và muốn liên đới với con người trong mọi sự, trừ tội lỗi.

Sống Lời Chúa: Tôi dâng một lời cầu nguyện ngắn cảm tạ Thiên Chúa, rồi cố gắng đáp trả bằng cách sống đạo siêng năng, nhiệt thành, tích cực hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã hạ mình xuống làm người như chúng con. Xin cho chúng con luôn ghi khắc lòng yêu thương bao la ấy, rồi thể hiện lòng biết ơn qua một niềm tin tuyệt đối vào Chúa, một niềm cậy trông vững vàng, và một lòng mến sắt son.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *