Nói mà không làm (20.08.2016 – Thứ Bảy sau Chúa Nhật XX Thường Niên năm C)

 Lời Chúa: Mt 23,1-12

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : 2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được người ta gọi là thầy.
8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

 

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay trình bày giáo huấn của Đức Giêsu về lối sống của người tín hữu. Đức Giêsu cảnh báo dân chúng Do Thái đề phòng trước việc làm và lời giảng dạy của những người lãnh đạo tinh thần Do Thái, mà cụ thể là những kinh sư và người Pha-ri-sêu; những người này có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tôn giáo dân chúng lúc bấy giờ. Kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu là những người có trách nhiệm nghiên cứu lề luật Mô-sê và dạy cho mọi người tuân giữ; nhưng thực tế họ đã “ ngôn, hành bất nhất”

Pha-ri-sêu theo nghĩa từ ngữ Hipri là “những người tách biệt”, đây là một cộng đoàn người Do Thái giáo, họ có lối sống đạo rất nhiệm nhặt, khác biệt với những người Do Thái khác nên gọi là Pha-ri-sêu tức là Biệt Phái. Pha-ri-sêu được thành lập vào thời dân Ít-ra-en bị lưu đầy ở Ba-bi-lon; khi ấy họ cho rằng “lưu đầy” là hình phạt của Thiên Chúa, vì dân Ít-ra-en đã phạm tội: lãng quên Thiên Chúa và giao ước của Ngài; do đó, dân Ít-ra-en phải quay trở lại với nếp sống truyền thống, quyết tâm trung thành, tuân giữ lề luật Mô-sê và tôn thờ Thiên Chúa. Những người gia nhập Pha-ri-sêu phải cam kết về hai điều: Một là nghiêm nhặt tuân giữ các qui định Do Thái giáo liên quan tới những đòi hỏi về luật “trong sạch” theo phụng tự; hai là chu toàn cách tỉ mỉ những bổn phận trong đạo, như: Nộp thuế thập phân cho Ðền Thờ, thực hiện những cuộc thanh luyện đúng như đòi hỏi của nghi lễ. Lúc ban đầu họ chuyên tâm sống đạo theo lề luật và truyền thống, nhưng về sau họ quay sang làm chính trị với mục đích phục hưng nền độc lập của dân tộc.

Là một cộng đoàn có tổ chức và được đào tạo quy củ, có nếp sống nhiệm nhặt; người Pha-ri-sêu gây được ảnh hưởng lớn trong các hội đường nhất là đối với giới bình dân, hơn nữa họ còn có một số người tham dự thượng hội đồng tối cao trong Do Thái giáo, cũng như đảm nhận việc giải thích hướng dẫn lề luật cho dân. Về điểm này, chính Ðức Giêsu cũng nhìn nhận khi nói “Các kinh sư và người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy” (Mt 23,12).

Người Pha-ri-sêu tin Kinh Thánh Cựu Ước là Lời của Thiên Chúa nói với loài người; nhưng đồng thời họ cũng cho rằng nhà lãnh đạo Mô-sê đã truyền khẩu cho dân Ít-ra-en tuân giữ một bộ luật có giá trị để thực thi lệnh truyền của Thiên Chúa trong Kinh Thánh; và bộ luật ấy được lưu giữ nơi truyền thống Pha-ri-sêu. Ðó chính là lý do tại sao người Pha-ri-sêu đòi buộc mọi người phải tuân giữ lề luật cách tỉ mỷ và họ ra mặt chống đối Ðức Giêsu như có lần họ đã đến chất vấn Người: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” (Mt 15,2).

Tuy nhiên trên thực tế, Người Pha-ri-sêu nói một đàng làm một nẻo; Ðức Giêsu đã phải nghiêm khắc vạch trần những sai phạm của họ: ” Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa…”(Lc 11, 42a).

Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm”.

Họ đặt thêm nhiều lề luật dựa vào các tập tục truyền thống do cha ông họ nghĩ ra và dạy cho dân phải tuân giữ còn chính họ thì tránh né. Đức Giê-su đã có lần khiển trách: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào”.(Lc11, 46)

Các nhà thông luật là những người chuyên nghiên cứu lề luật Mô-sê và tập tục truyền thống Do Thái. Họ đã thêm thắt nhiều điều khoản vào bộ luật Mô-sê và dạy cho dân phải tuân giữ rất tỉ mỉ, khiến nhiều người không thể chu toàn; còn họ thì có quy định riêng nên không một chút ảnh hưởng.

Trong trình thuật Tin Mừng theo Mác-cô, Ðức Giêsu còn nhấn mạnh điều sai lầm cơ bản nơi người Pha-ri-sêu khi nói: “Các ông lấy truyền thống mà các ông đã truyền lại cho nhau để hủy bỏ Lời Thiên Chúa, các ông còn làm nhiều điều khác nữa giống như vậy” (Mc 7,13).

Lòng kiêu hãnh và tự phụ của người Pha-ri-sêu đã dẫn họ đến những sai phạm nghiêm trọng:

  • Họ ra mặt khinh rẻ dân chúng, nhất là với những người tin theo giáo huấn của Ðức Giêsu khi nói: “Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!” (Ga 7,49).
  • Họ tự tôn, tự đắc: thích được đề cao, thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta gọi là “ráp-bi” (một tước hiệu dành cho các bậc thầy trong Do Thái giáo).

Đời sống của người Pha-ri-sêu chất chứa đầy những tật xấu và giả hình; họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ chú ý; như khi đi ra ngoài đường, họ đeo những hộp kinh, là chiếc hộp đựng những lời trọng yếu của lề luật, thay vì nhỏ xíu như được mô tả trong sách đệ nhị luật (Dnl, 11,8) thì họ làm cho thật lớn; hoặc họ mang những tua áo là biểu tượng nhắc nhớ người Do Thái ý thức mình thuộc về một cộng đoàn linh thánh của Thiên Chúa; còn họ, họ kết tua cho thật dài ra, để người khác chú ý đến mình.

Sau khi cảnh báo về những  thói xấu của các kinh sư và người Pha-ri-sêu, Đức Giê-su nhấn mạnh đến lối sống của những người con cái của Thiên Chúa:

– Tất cả đều là anh em với nhau.

– Tất cả có chung một Cha là Cha trên trời, và có một người lãnh đạo duy nhất là Đức Kitô.

Người đưa ra một mẫu mực cho các môn đệ và cho những ai tin vào lời người: đó là tinh thần phục vụ,  lấy tình yêu thương mà giúp đỡ lẫn nhau; đồng thời luôn tâm niệm: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

– Tin tưởng giáo huấn chân truyền của Đức Giê-su Kitô được thông truyền từ Hội Thánh của Người.

– Hãy sống đơn sơ và thành thật; phải tránh xa lối sống hình thức, giả tạo bề ngoài mà trân trọng nội tâm đáng quý trọng bên trong.

– Khiêm hạ tuân giữ lề luật với tinh thần yêu mến Thiên Chúa và phục vụ anh em hơn là vì lợi ích bản thân.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa! Xin dạy cho con biết sống chân thành, lấy tình yêu Chúa mà phục vụ anh em. Xin cho con biết tránh xa những thói hư tật xấu; sống chân thực không giả dối và tuân thủ lề luật với tinh thần yêu Chúa, yêu người hơn là vì hình thức giả tạo bề ngoài; để con xứng đáng được hưởng hạnh phúc Nước Trời.