Nụ hoa nhân ái

Thấy bố đi làm về vừa bước vào đến sân, bé Na đã chạy ào ra miệng reo lên mừng rỡ: Bố! Bố đã về rồi, sao hôm nay bố đi làm về muộn thế ạ!

Thấy con gái ríu rít khác thường, anh dò hỏi: Con có việc gì muốn bố giúp phải không?

Bé Na đáp vội: Bố cho con xin mười ngàn để con đi thăm bạn Mít bố nhé, bạn ấy bị sốt nên sáng nay phải nghỉ học Giáo lý. Thầy cô dạy chúng con phải yêu thương và giúp đỡ nhau, vì chúng ta không ai là một hòn đảo, còn vật chất thì tùy theo hoàn cảnh của mỗi người mà sẻ chia đến anh em mình, gọi là của ít lòng nhiều bố ạ! Mà tối qua khi lần chuỗi Mân Côi, bố nhắc con nếu ngắm thứ nào thì phải thực hiện như vậy, mới trở nên người con ngoan, bố nhỉ?

Nghe con gái nói vậy, anh ôm con vào lòng, vuốt ve bím tóc đuôi gà nhẹ nhàng bảo con: Đúng vậy, nụ hoa nhân ái của bố!

Chả là trong giờ đọc kinh tối qua, anh bảo con, hôm nay lần hạt mùa Vui, nhà mình mỗi người sẽ lần lượt thay nhau llĩnh xướng một thứ, ai ngắm thứ nào thì hãy cố gắng suy niệm và thực hành như vậy. bé Na lĩnh xướng thứ hai (Đức Bà đi viếng bà thánh Isave…) nào ngờ, cô con gái bé bỏng của anh lại ghi nhớ và mau mắn thực hành như vậy. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn dâng trào trong anh, vui, vì con gái tuy còn nhỏ mà đã có tấm lòng đồng cảm với bạn bè, buồn, vì bấy lâu anh cứ nghĩ chỉ những ai là đại gia thì mới giúp đỡ mọi người và làm từ thiện, chứ còn trót cuộc đời anh thì chắc chắn chẳng bao giờ “lão đại gia” chiếu cố ghé thăm và trọ lại, nên khỏi phải nghĩ đến việc thăm viếng ai. Hôm nay, nếu cô con gái bé bỏng của anh không đánh thức, thì anh vẫn còn… ngủ vùi trong chiếc chăn vô cảm. Thì ra, mỗi khi đến với anh em mình, điều ta cần nhất trước tiên là ở tấm lòng.

… Anh là con của một người mẹ đơn thân, mẹ anh lại không được khỏe mạnh bình thường, đi lại thì khó khăn. Vậy nên tuổi thơ của anh là những bữa no bữa đói, là những cơn gió bấc lùa qua manh áo rách, chà xát vào da thịt tím tái buốt như kim châm. Rồi những tháng ngày long đong thiếu trước hụt sau đó, đã tôi luyện anh sớm va đập cuộc đời. Năm mười lăm tuổỉ anh đi làm phụ hồ, đời thợ lao động cực nhọc nay đây mai đó, ngủ lăn lóc nơi công trường xây dựng, tiền công thì còm cõi, hết việc là hết tiền. Thi thoảng anh mới ghé vể thăm mẹ già, dúi cho mẹ tất cả tài sản của mình là vài đồng tiền nhăn nheo dúm dó, rồi lại vội vã ra đi. Năm thánh cứ lững lờ trôi đi, một hôm, bác Cả nhóm đưa về một cô gái, nói là để đi chợ nấu cơm cho nhóm thợ, chứ để mấy thằng đực rựa chui vào bếp, cơm lúc nhão lúc khê, canh hôm thì nhạt như nước lã, bữa lại mặn như muối ở biển Đông dồn vào. Mà quả thật, từ hôm có Mận (tên cô gái) làm đầu bếp, cả nhóm chẳng anh nào còn phải lo đến lượt mình vào bếp nữa, cơm nước thì tươm tất, ngon lành hẳn lên.

Một chiều cuối thu, sau những giờ lao động cực nhọc, anh ngồi mông lung ngắm hoàng hôn đang nhạt nhòa dần trong làn khói lam mỏng lãng đãng như tơ. Thi thoảng một chiếc lá vàng rơi rụng chao liệng trong gió rồi mới chịu đáp xuống đất làm kiếp lá khô, anh cảm tưởng như những chiếc lá đang cố vẫy vùng, vươn lên trước giây phút tắt lịm cuộc đời. Anh nhói lòng chợt giật mình xao lòng nhớ thương về người mẹ già cô đơn hiu quạnh ở nhà, mà mẹ già thì “Như chuối chín cây…” Dòng tâm tư của anh bị ngắt quãng khi bác Cả vừa ngồi xuống bên cạnh vừa nói: Đang nhớ mẹ phải không? lấy vợ đi để có người sớm hôm đỡ đần, hủ hỉ với mẹ. Này, tao thấy cái Mận cũng hiền lành và chịu thương chịu khó, mày với nó lại có hoàn cảnh giống nhau, dễ cảm thông, chỉ cần mày Ok, còn mọi việc để tao và anh em trong nhóm lo. Mận là con một người bạn thân của bác Cả, nhà ở xã bên, mẹ mất sớm, bố đi bước nữa, rồi cái cảnh: “Mấy đời bánh đúc có xương” được lặp đi lặp lại trong gia đình Mận. Thương con, bố Mận nhờ bác Cả cho Mận đi theo giúp nhóm cơm nước, vừa thêm được đồng rau đồng muối, vừa đỡ chạm mặt mẹ ghẻ con chồng.

Qua một thời gian tìm hiểu, trò chuyện, anh thấy Mận có nhiều điểm hợp với mình và Mận cũng có thiện cảm với anh. Anh ngỏ ý với bác Cả và về thưa chuyện với mẹ, người mẹ già  chớp chớp đôi mắt nhăn nheo, chắt ra giọt nước mắt mặn chát vì xúc động, bà cứ nghĩ cảnh mẹ đơn con chiếc và nghèo hèn như nhà bà thì làm gì có cô gái nào chịu về làm dâu làm vợ cho khổ cái thân. Tạ ơn Giời! con bà đã có vợ. Thế là một tháng sau, nhờ sự yêu thương và tận tình lo lắng mọi thứ của bác Cả và anh em trong nhóm thợ, dăm mâm cỗ thân mật ấm áp, ngôi nhà tranh nhỏ bé của mẹ con anh đã có thêm hơi người. Niềm vui càng nhân lên khi gia đình anh đón tin vui vợ anh có bầu, anh càng cố gắng làm ăn và chắt bóp chút vốn để khi vợ sinh còn có tiền lo cho con. Nhưng một lần nữa, ông Giời lại thử thách anh, ngày sinh bé Na, vợ anh bị sản giật, các bác sĩ cố gắng lắm cũng chỉ cứu được con, còn vợ anh đã vĩnh viễn bỏ anh bơ vơ ở lại cùng đứa con đỏ hỏn khát sữa mẹ, khóc ngằn ngặt như xé lòng anh. Đến bây giờ anh cũng không biết làm sao mình đã vượt qua được những năm tháng giông bão như vậy, để nuôi con khôn lớn như ngày nay. Bé Na giờ đây đã biết giúp bà nội quét nhà, rót mời bà ly nước và đấm bóp tay chân cho bà mỗi khi trái gió trở trời, nhìn con khỏe mạnh, vết thương trong anh cũng bớt rát rúa đi phần nào.

Sau bữa cơm tối, giúp mẹ tắm giặt xong, anh dắt con gái đến thăm bé Mít. Anh nghe lòng mình rộn lên tình nhân ái, khi dọc đường bé Na cứ líu lo bài hát được các thầy cô Giáo lý viên dạy: “Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi, đâu phải ai xa lạ mà là người đang đứng bên tôi. Thế giới này không ai là một hòn đảo, vườn hoa này không có loài hoa lạc loài…”.

Mờ – inh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *