Nữ Tu Đa Minh Việt Nam 300 năm hiện diện (toàn tập)

NỮ TU ĐA MINH VIỆT NAM
300 NĂM HIỆN DIỆN
1715 – 2015

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

+ 01 : Lời ngỏ, tổng quát
+ 02 : Nhà mụ, nhà phước xưa
+  03 : Lề luật và sinh hoạt nhà phước
+ 04 : Nữ tu Đa Minh trước 1996
+ 05 : Nữ tu Đa Minh sau 1996
+ 06 : Địa chỉ Đan viện và các hội dòng nữ Đa Minh

LỜI NGỎ

Công đồng Kẻ Sặt các giám mục Bắc Kì năm 1900, đoạn VII, nói  “Về các người nhà dòng nam và nhà dòng nữ, trong phần III có ghi nhận :

“Trong các địa phận miền Bắc Kì này có hai thứ dòng nữ người bản cuốc các đấng đã lập hầu như từ khi mới giảng đạo, một là dòng Chị em mến Câu rút, hai là dòng Ba ông thánh Duminhgô, thì phải chuyên cần chịu khó cho hai dòng ấy được bền đỗ, được mở rộng thêm và được tấn tới mọi đàng.

Các chị em ở chung vuối nhau từng nhà mụ, mà dù chẳng khấn mặc lòng, thì cũng giữ ba điều cần nhất trong dòng, là nhân đức vâng lời, nhân đức khó khăn và nhân đức sạch sẽ.

Hai dòng ấy đã có lề luật mẫu mực riêng đã chỉ cho mình phải cứ; lại mình ở xứ nào thì thuộc về quyền thày cả coi sóc xứ ấy như bổn đạo thường nhận vậy”. (1)

op_xua01.jpg

Như vậy, với các giám mục tại công đồng, dòng Ba hãm mình thánh Đa Minh và dòng Mến Thánh Giá, là hai thứ dòng bản quốc đã được thành lập “hầu như từ khi mới giảng đạo” mà các ngài thấy cần phải củng cố và phát triển. Vì thời đó giáo hội chỉ công nhận dòng nữ theo hình thức đan viện, nên cả hai dòng tu hoạt động này chỉ như những hiệp hội đạo đức các trinh nữ sống chung với lời khấn tư. Riêng chị em Đa Minh còn được sáp nhập vào Dòng, là thành viên dòng ba, với danh xưng Dòng Ba Sống Chung, hoặc Dòng Ba hãm mình ông thánh Duminhgô, để phân biệt với giáo dân dòng Ba. Như thế với các đấng bản quyền là các giám mục, với cộng đoàn dân Chúa, và trong suy nghĩ bản thân, họ thực sự là những nữ tu, những người sống đời thánh hiến, có khấn hứa và giữ ba lời khuyên phúc âm : vâng lời, khó nghèo, khiết tịnh, Hơn nữa họ còn sống thành cộng đoàn, có phụng vụ chung, tuân giữ bản lề luật và tham gia các hoạt động tông đồ trong hội thánh.

*

Theo cha Angelo Walz OP, nhà Phước Đa Minh được lập năm 1715, do cha chính Bustamante Hy (2), quy tụ các thiếu nữ sẵn sàng sống độc thân và sống chung. Với sự đồng ý của giám mục, chị em sống với nhau trong các cộng đoàn độc lập tại xứ đạo, và được gọi theo tên xứ đạo ấy. Qua hình thức bỏ hạt, chị em bầu ra bà Mụ (bề trên). Phụ giúp cho bà, có bà Phó, cô Ả (bà giáo) và bà Cai (quản lý). Các dì phước ăn mặc đơn giản và bình dân như các phụ nữ nông thôn : áo trắng hoặc đen, quần đen, đầu quấn khăn đen, đi chân đất. Thường chị em làm ruộng hoặc bán thuốc nam, từ làng này qua làng khác. (3)

Các cha xứ thường trao cho chị em việc dạy kinh bổn cho trẻ nhỏ và các dự tòng nữ. Các chị lớn tuổi thì chia nhau đi thành từng đôi, bán thuốc tại các làng, để có thể tiếp xúc, loan báo Tin mừng, rửa tội cho trẻ em nguy tử, hoặc chuộc các em đem về nuôi tại các “nhà thiên thần”. Năm 1916, trong giáo phận Trung, chị em chuộc được tất cả 2.819 trẻ, và tại 15 nhà thiên thần, chị em chăm sóc đến 3.353 trẻ. Cũng năm đó, chị em phụ trách 15 trong số 17 cơ sở bác ái của giáo phận, gồm 3 trại phong, 1 viện dưỡng lão và 11 bệnh xá. (4)

Trong thời cấm đạo, chị em là những người đưa tin, chuyển thư, lo liệu cơm nước, thuốc men, và đôi khi đưa Mình Thánh cho những vị ẩn nấp hoặc bị giam cầm vì đức tin. Sau thời bách hại, chị em tham gia công tác bác ái, mở các lớp học văn hóa cho các em thiếu nhi tại nhiều nơi. Sau này, theo giáo luật năm 1917, chị em được cải tổ thành các Hội dòng.

Vào tháng 3-2015, ngoài Đan viện Thánh Linh tại Xuân Lộc, có chín hội dòng Nữ Đa Minh Việt Nam, là các hội dòng Đa Minh Bùi Chu, Tam Hiệp, Thánh Tâm, Rosa Lima, Lạng Sơn, Thái Bình, Bà Rịa, Phú Cường, Bắc Ninh và Dự tỉnh Đức Mẹ Lavang với 2.207 nữ tu hoạt động, và 196 tập sinh.

op_nay.jpg

Năm nay 2015, các nữ tu Đa Minh đã hiện diện được tròn 300 năm, nghĩa là ba thế kỷ đồng hành với hội thánh Việt Nam qua bao thăng trầm, với những đóng góp dồi dào và phong phú cho cánh đồng truyền giáo này. Tiếc rằng do hoàn cảnh lịch sử, nhất là những thời bách hại và ly loạn, số tài liệu còn lưu trữ rất hạn chế. Hy vọng với thời gian, chúng ta sẽ bổ sung được những khoảng trống trong lịch sử đó.

Xin tạ ơn sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa cho hội thánh Việt Nam, xin cảm ơn sự dấn thân nhiệt thành của các dì phước Đa Minh nhân dịp tam bách chu niên. Xin ghi nhận những đóng góp âm thầm nhưng đáng trân trọng của các nữ tu Đa Minh suốt 300 năm qua. Cuối cùng nhìn lại quá khứ cũng là để hướng đến tương lai, hòa với niềm vui chung của Dòng Đa Minh đang kỷ niệm 800 năm thành lập (năm 2016).

Lễ Truyền tin 25.03.2015
Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

  1. Công đồng hội lần thứ I Miền Bắc Kỳ, Kẻ Sở 1915, tr 62-66
  2. Walz OP, Compendium Ordinis Praedicatorum, Roma 1930, tr. 547
  3. Đào Trung Hiệu, Hành Trình Ân Phúc, Chân lý 2013, tr. 118-119
  4. Sử Ký Địa Phận Trung, Phú Nhai Đường 1916, tr. 237 – 243.

Tài liệu sử dụng chính :

Sử Ký Địa Phận Trung, Phú Nhai Đường 1916
– Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh trên đất Việt, quyển I và II. Sàigòn 1993 và 1995,
– Phan Tấn Thành, Tìm hiểu Dòng Đa Minh, HVĐM 2013.
– Đào Trung Hiệu, Hành Trình Ân Phúc, Chân lý 2013
Lề Luật Nhà Mụ, Bản dịch, Đa Minh Tam Hiệp 1972.
– Gispert, Historia de las Dominicanas en Tungkín. Avila 1928.
– Angelo Walz , Compendium Ordinis Praedicatorum, Roma 1930.