Phong cách hát A cappella

https://youtu.be/StRypPkZp2c

A cappella hay A capella hay Acappella là gì?

Có lẽ đây là một trong những thuật ngữ âm nhạc gây hiểu lầm nhiều nhất. Trước hết, về cách viết, cả hai đều đúng: a cappella (được dùng nhiều hơn) là tiếng Ý, còn a capella là tiếng Latin (tiếng Ý cổ xưa). Thuật ngữ này đã từng được sử dụng lần đầu trong âm nhạc Công giáo Ý thuở xưa, ở đó, tiếng Latin được coi là ngôn ngữ chính. Trong đó, a capella có nghĩa là: “theo phong cách nhà thờ/ nhà nguyện”. Về sau, đa số các thuật ngữ âm nhạc được dùng với tiếng Ý nên hình thức a cappella  được dùng thường xuyên hơn.

Trong khi đó, Acappella (ghép thành một từ) là một biến dạng bắt nguốn từ Mỹ. Ở đó, những người thích xem hát rong trên đường phố dùng từ ghép này đã ám chỉ cách hát những ca khúc của những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước mà không dùng nhạc cụ đệm theo. Vào những năm 1940, trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi xuất hiện một thể loại thanh nhạc (dựa trên loại nhạc R&B) dùng cho nhóm hát gọi là doo-wop. Trong đó, người ta dùng cách hòa âm đơn giản cho các bè giọng, hát các vần, âm vô nghĩa với tiết phách đơn giản, có dùng ít hoặc không dùng nhạc cụ. Âm nhạc và ca từ của doo-wop rất đơn giản và thường được dùng làm nhóm bè mà thôi. Đến đầu những năm 1960, xuất hiện trên thị trường ca nhạc Mỹ một loạt những bản thu âm mang tên “The Best of Acappella” của các nhóm doo-wop không dùng nhạc đệm. Trên đĩa LP đầu tiên của serie này có ghi chú Acappella nghĩa là “hát không có nhạc đệm”.

Các nhà âm nhạc học trên thế giới đã có nhiều bàn cãi thú vị xem nên hiểu a cappella như “theo phong cách nhà thờ” hay “hát không nhạc đệm”? Theo chúng tôi cả hai đều không hoàn toàn đúng. Mặc dù từ những thế kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ trước, trong các nhà thờ Công giáo chỉ có giọng người mới được phép sử dụng để ca hát trong mục đích thờ phượng (phụng vụ). Nhưng ít lâu sau đó, người ta đã sử dụng một vài nhạc cụ diễn cùng giai điệu với giọng hát. Thậm chí, âm nhạc không lời và nhạc đệm cho ca hát trong nhà thờ đã phát triển rất mạnh, nhất là khi ra đời loại đàn phím như: phong cầm (harmonium), đại phong cầm (pipe organ hay church organ). Do đó “theo phong cách nhà thờ” không có nghĩa là hoàn toàn “hát không nhạc đệm”.

Chúng ta nên hiểu a cappella  như là “hát không có phần đệm đàn độc lập”. Có lẽ vì vậy mà cố linh mục nhạc sĩ Tiến Dũng (tốt nghiệp Thạc sĩ Âm nhạc tại Nhạc viện Roma và đã có thời gian dài giảng dạy tại Nhạc viện Tp.HCM trước và sau 1975) đã phân ra hai loại “Bản đệm đàn thông thường” và “Bản đệm đàn biệt lập” trong tài liệu mang tên “Viết bản đệm đàn” của mình. Bên cạnh đó, theo truyền thống âm nhạc trên thế giới, a cappella thường gắn liền với âm nhạc hợp xướng không nhạc đệm, từ ban đầu là âm nhạc nhà thờ nhưng sau được dùng cả trong âm nhạc thế tục. A cappella còn được coi như dạng đối lập của cantata (vẫn được hiểu là đại hợp xướng hay trường ca lớn có nhạc đệm) Và có thể nói hầu hết những bản hợp xướng được viết trước năm 1600 đều thuộc loại a cappella. Kể từ thế kỷ XVIII nhạc cụ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong biểu diễn, hình thức a cappella dần dần bị lãng quên.

Ngày nay trên thế giới có nhiều nhà soạn nhạc muốn phục hồi lại loại âm nhạc a cappella đúng nghĩa, đặc biệt với loại hợp xướng a cappella. Tại Việt Nam, số lượng tác phẩm (hợp xướng) a cappella và số tác giả viết (hợp xướng) a cappella đúng nghĩa có rất ít. Tuy không có phần nhạc đệm nhưng một tác phẩm a cappella đòi hỏi người việc phải am tường cả kỹ thuật (biểu diễn, sáng tác, hòa âm) cho thanh nhạc lẫn khí nhạc. Có như vậy, một hợp xướng không nhạc đệm vẫn được vang lên “đầy” như có cả nhiều nhạc cụ đệm theo. Gần đây, chúng tôi có cơ hội tiếp xúc và dàn dựng, biểu diễn bản một bản hợp xướng a cappella thật sự tuy không lớn: Cánh cò quê của nhạc sĩ Lê Quân. Tuy anh khiêm tốn nói rằng đây chỉ là thử nghiệm nhưng hiệu quả đạt được lại thật đầy đặn, thú vị và lạ đến tận cuối bài, với hợp âm kết ở G sus2 (sol-la-re-sol). Trong một tác phẩm không dài, nhưng có mặt cả thủ pháp đa tiết tấu (polyrhythm) của âm nhạc đa âm (phức điệu) hiện đại và kỹ thuật phân bè (divisi) trong khí nhạc. Mặc dù “theo phong cách nhà thờ”  nhưng trong âm nhạc nhà thờ tại Việt Nam hiện nay cũng không tìm thấy được một bản a cappella như vậy !

A cappella  hay Beatboxing ?

 

Từ trong lịch sử âm nhạc vào Tk. XIII, XIV, tại nhiều nước châu Âu xuất hiện những người hát rong, troubadours hay trouvères ở Pháp, Minnesinger ở Đức. Họ đi khắp phố phường và ca hát không có nhạc cụ đệm hoặc chỉ với một cây đàn lute, một nhạc cụ gõ đơn sơ. Cuối Tk. XV, XVI, họ sống thành nhóm và bắt đầu có kiểu dùng miệng tạo nên những âm thanh bắt chước bộ gõ (vocal percussion) để đệm cho một giọng hát đơn. Và chính những người Zigan tại Pháp góp phần lớn trong việc phát triển loại nhạc hát với phần vocal percussion như vậy. Vào cuối những năm 1880, những nhóm hát không nhạc đệm người da đen (thường chỉ có 4 người) chỉ dùng giọng của mình để tạo thành hòa âm: họ hay dùng những nốt nhạc thấp, kéo dài để tạo tính liên tục và dùng những cú đánh lưỡi để giữ nhịp. Đó là bước khởi đầu để ra đời thể loại nhạc mang tên beatboxing sau này. Beatboxing là một hình thức của vocal percussion (dùng miệng, môi, lưỡi thậm chí cả những cái vỗ, đập vào thân người,…) có liên hệ chặt chẽ với văn hóa hip-hop mặc dù nó không giới hạn trong loại nhạc này. Tuy beatboxing được coi như một loại nhạc a cappella nhưng khác với a cappella chính thống chủ yếu ở chỗ: đơn giản hơn nhiều về hòa âm, đối âm và có sử dụng vocal percussion. Nói theo ngôn ngữ âm nhạc điện toán, có thể coi beatboxing như một hình thức nhạc sampling (bắt chước mẫu có sẵn) có sử dụng vocal percussion hơn là một a cappella.

Các nhóm hát gọi là a cappella ngày nay còn sử dụng beatboxing để tạo nên các âm thanh pop, rock đôi khi nghe không khác gì những ban với nhạc cụ. Chúng ta có thể kể từ ca sĩ đơn như Bob McFerrin (nổi tiếng với ca khúc thuộc thể loại beatboxing “Don’t worry! Be happy!” đoạt giải “ca khúc của năm” của Giải Grammy 1989) đến các nhóm như ‘NSYNC, All-4-One, Rockapella, v.v… Bên cạnh đó vẫn có những nhóm a cappella tuy nhỏ nhưng vẫn giữ phong cách chính thống gồm: 1 giọng hát đảm nhận phần giai điệu chính, một giọng hát tuyến bè trầm giữ tiết tấu, và các giọng còn lại làm nhiệm vụ điền đầy phần hợp âm hoặc thực hiện phần đối âm đi theo. Ở những nhóm này kỹ thuật beatboxing hay vocal percussion được dùng rất giới hạn. Đó là các nhóm như Take 6, Glad, Acappella,…

 

ĐOÀN LÊ ANVN24 – http://songnhac.vn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *