Say – tỉnh (24.10.2023 – Thứ Ba Tuần XXIX Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Rm 5,12.15b.17-19.20b-21 (năm lẻ), Ep 2,12-22 (năm chẵn), Lc 12,35-38

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 12,35-38)

35 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. 36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em : chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.”

Say – tỉnh (24.10.2023)

Thời Chiến Quốc ở Trung Hoa (tk. 5 TCN – 221 TCN), xã hội loạn lạc,  đất nước chia năm xẻ bảy, vua chúa tranh giành quyền lực thâu tóm giang sơn. Khuất Nguyên – một danh sĩ của nước Sở lúc bấy giờ – thấy thế sự đảo điên đã ta thán qua bài phú Hoài Sa rằng: “Cử thế giai trọc ngã độc thanh, chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh” (Cả đời đều đục (hỗn trọc), mình ta trong, mọi người đều say cả, mình ta tỉnh)

Hôm nay Tin Mừng theo thánh Lu-ca cho biết, Chúa Giê-su cũng đã nói với các môn đệ rằng: hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn; hãy tỉnh thức và canh chờ cửa để khi chủ đi ăn cưới về thì mở cửa ngay cho chủ. Thật là phúc cho những đầy tớ nào đang tỉnh thức ! (x. Lc. 12,35-38)

Cuộc sống đầy đủ tiện nghi, giàu sang thời nay luôn đầy rẫy những cám dỗ hấp dẫn, chúng dễ ngủ ru mọi người ưa thích sự hưởng thụ, chuộng sự nhàn nhã, ham mê tiệc tùng, giải trí, vui chơi… làm cho con người ta lơ là không đủ tỉnh táo và đề phòng nên dễ sa ngã vào vòng xoáy danh – lợi -thú.

Thế mới biết, cuộc sống đời này chỉ là tạm thời, ai cũng sẽ chết, thế nhưng con người ta đa phần lại lo lắng, chăm sóc, bảo vệ nó nhưng lại ít chú tâm đến sự sống đời sau, thậm chí còn coi sự sống đời sau chỉ là thứ yếu.

Lời Chúa hôm nay kêu gọi các Ki-tô hữu hãy tỉnh thức, chuẩn bị cho sự sống đời sau bằng đời sống cầu nguyện, bác ái, yêu thương, siêng năng lắng nghe Lời Chúa để luôn sẵn sàng cho giờ chết của mỗi người.

Lạy Chúa, xin cho con luôn trung tín với trách nhiệm và bổn phận của một đoàn viên Đa-minh trong mỗi giây phút hiện tại. Amen. 

CÁT BIỂN 

Hạnh phúc của Nước Trời (19.10.2021)

Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục cho chúng ta nghe về những dụ ngôn báo trước hạnh phúc của nước Trời. Ngài kêu gọi chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng cho giây phút Chúa Cha gọi chúng ta về nhà Người và Ngài đã dùng hình ảnh của ông chủ và người đầy tớ. Thật ra, không bao giờ Thiên Chúa muốn coi chúng ta là đầy tớ đâu, nhưng ở đây hình ảnh này được sử dụng để giúp cho chúng ta dễ nhận ra sứ điệp của lời Chúa mà thôi. Dĩ nhiên, tự bản chất thụ tạo, chúng ta bất trung và chúng ta chỉ xứng đáng là đầy tớ nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy chúng ta là con như Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha. Vì là con nên chúng ta biết mình có chỗ trong nhà Cha, là con nên chúng ta biết mình không thể đi hoang, là con nên chúng ta biết dù gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn có quyền được thụ hưởng gia tài của người cha.

Trong một câu chuyện cổ tích nọ, người cha già muốn cho các con mình ra đi để cứu nhân độ thế và ước mơ của ông là các con ông làm được nhiều việc thiện, nhiều việc tốt để mang lại lợi ích cho nhiều người, để sau khi kết quả trở về trong hân hoan vì những thành quả của các con mình.

Thiên Chúa sai chúng ta đến với mọi người trong trần gian này cũng với một sứ mệnh tương tự như sứ mệnh của những người con trong câu chuyện cổ tích trên. Chúng ta hãy sống yêu thương, bác ái để làm cho cuộc sống anh chị em của mình được hạnh phúc, vì Thiên Chúa đã đến trần gian để mong mang lại hạnh phúc cho mọi người.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con luôn ý thức sẵn sàng như những người đầy tớ khôn ngoan luôn chờ đợi chủ. Sự đợi chờ của chúng con được thể hiện bằng tất cả nỗ lực mang tình yêu thương của Cha đến cho mọi người, với ước mơ được cùng tất cả anh chị em con được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cùng Cha trên quê trời.

Tỉnh thức đón Chúa đến (20.10.2020)

“Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức” (Lc 12, 38).

Chủ đi rồi chủ lại về. Nhưng tiếc là, giờ chủ về thì chủ lại không lên lịch rõ ràng cho gia nhân, nên không ai dám biết. Có chăng cũng chỉ đoán mò mà thôi. Có người bị tai nạn nặng, bị bệnh viện trả về. Có người đến thăm, nói “anh này chết chắc! Không sống quá 48 tiếng nữa”. Một tuần sau, người thăm bệnh lăn ra chết vì tai biến, còn người bị tai nạn kia thì sau 36 ngày đêm hôn mê mới chịu ra đi! Chủ về đón người đang khỏe, hay đón người đang bệnh, đang già hay đang còn trẻ, không ai dám biết, việc ấy là của chủ. Bởi vậy mới co chuyện “trên cây còn lá úa, lá xanh kia rụng rồi”.

Chúa Giê-su yêu thương và luôn khao khát chúng ta được phần rỗi đời đời, Người đã nói: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ”. Cái chết của người này là lời cảnh tỉnh cho người kia về một sự thật có vẻ quá phủ phàng, nhưng thực ra, đó là sự thật giá trị. Biết bất ngờ mình sẽ chết, mà vẫn còn tham lam mê muội, huống chi là không có sự chết! Biết bất ngờ mình sẽ chết,  mà  vẫn   còn   chưa  muốn  sống   công   chính,  chưa  chịu chuẩn bị cho cái chết và sự sống đời sau.. thì có phải là mình quá liều lĩnh đấy không?

Chiêu bài tinh vi của ma quỷ cố làm cho con người mất sự sống đời đời, là nó đưa con người ta vào một cõi ảo: “Em chưa chết đâu em! Em hãy còn quá trẻ trung xinh đẹp” “Ông chưa chết đâu ông, đông trùng hạ thảo giúp ông trăm năm sung mãn”. “Còn khỏe lắm, bà chưa chết đâu”. Hãy tỉnh thức đón Chúa đến. Tỉnh thức là yêu mến Chúa trên hết mọi sự thế gian này.

Lạy Chúa, bao thú vui đời đang quấn lấy chúng con. Nhưng xin cho chúng con quấn lấy Chúa mà thôi. Amen.

BCT

Hãy biết tỉnh thức (22.10.2019)

Ngày 22.10: Lễ Nhớ Tự Do Thánh Gioan Phaolô II

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu căn dặn các môn đệ về sự tỉnh thức để đón chờ Chúa đến. Tinh thần đón chờ này được ví như người đầy tớ đón chờ ông chủ đi ăn cưới về. Bởi vì người đầy tớ không biết được lúc nào ông chủ mới trở về và vì đám cưới của người Do Thái thường kéo dài có khi cả ngày hay tới đêm khuya… Tuy nhiên, sự chờ đợi của người đầy tớ không phải chỉ có ngồi và chờ, nhưng phải thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng để sẵn sàng ra đón khi ông chủ trở về.

Phải tỉnh thức chờ ngày Chúa đến
Đưa ta về bờ bến yêu thương
Giờ đây sống giữa “đại dương”
Gió mưa, bão táp, muôn phương mịt mùng
*
Hãy tỉnh thức để cùng mong đợi
Dù thời gian vời vợi xa xăm
Thực lòng thống hối ăn năn
Hiểm nguy tan biến, khó khăn hết dần

 

Là những người Kitô hữu, chúng ta phải biết sẵn sàng chờ đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu, ngày trở lại đó ai cũng biết là chắc chắn có, nhưng không ai biết trước là khi nào? Hay giờ phút nào? Đây cũng là điều hữu ích cho chúng ta, khi chúng ta không biết chắc chắn khi nào  Chúa Kitô sẽ trở lại, bởi vì nếu biết được thời điểm chính xác, chúng ta sẽ ỷ lại, lười biếng trong công việc của mình hoặc cứ đi theo con đường tội lỗi, đễ rồi sẽ trở lại với Chúa khi sắp đến giờ phút cuối cùng.

Quyết tỉnh thức muôn phần hoan hỷ
Chúa yêu thương, đón chỉ Ngài thôi
Thiên Đàng đích thực Quê Trời
Vinh phúc chung hưởng, sáng ngời niềm tin
*
Nhớ tỉnh thức giữ gìn tâm trí
Để cõi lòng ý chí thẳng ngay
Điều thiện, việc tốt: “bắt tay”
Làm cho cuộc sống từng ngày vươn lên

 Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta “hãy tỉnh thức” qua dụ ngôn “đợi chủ trở về”. Sự chờ đợi này mang ý nghĩa rất quan trọng, đó là chờ đợi ngày Chúa quang lâm, chờ đợi ngày chết của mỗi người và chờ đợi những lúc Chúa đến viếng thăm ban ơn cho chúng ta. Tất cả những trường hợp ấy, chỉ có ai tỉnh thức, sẵn sàng mới gặp được Chúa và được Chúa ban thưởng ơn phúc mà thôi.

Cùng tỉnh thức cầm đèn cháy sáng
Đợi Chủ về thấp thoáng gần xa
Nguyện cầu chăm chú thiết tha
Đến khi Chủ tới sẽ là hồng ân
*
Phải tỉnh thức rất cần đấy chứ!
Theo thời gian: quá khứ – giờ đây
Tương lai sắp đến từng ngày
“Sẵn sàng”: cảm thấy tràn đầy niềm vui.

Lạy Chúa! Chúng con luôn bận rộn với đủ thứ công việc trong cuộc sống thường ngày. Xin Chúa cho chúng con biết dành thời gian cho Chúa, nhất là luôn sống thánh thiện và công chính để sẵn sàng chờ đón Chúa đến, với tâm hồn trong sạch, để được Chúa cho hưởng phúc vinh quang bên Chúa đến muôn đời. Amen. 

 HOÀI THANH

Phút tỉnh thức… (23.10.2018)

Các nhà khoa học Đức đã làm một nghiên cứu về thời gian tiêu tốn cho công việc hằng ngày như ăn, ngủ, học hành, làm việc, và cảm xúc yêu thương của một đời người, tính trung bình thọ 78 tuổi; kết quả ghi nhận được như sau:

Cả đời dành thời gian tiêu tốn cho việc ăn uống là 5 năm, cho dù ăn uống một cách vội vã hay nhàn nhã ung dung; thời gian này sẽ cao gấp nhiều lần với người thường hay tiệc tùng, ăn nhậu. Và dành mất 2,2 năm cho việc đứng nấu bếp;

Ngủ là một hoạt động chiếm nhiều thời gian nhất. Nhưng cả đời của một người, cũng chỉ ngủ khoảng 24 năm 4 tháng trong cuộc đời.

Việc học hành từ lúc chập chững đến khi trưởng thành tuy có vẻ căng thẳng, và hết sức vất vả, song theo các nhà khoa học thì mỗi cá nhân chỉ có 1 năm 10 tháng ngồi trong lớp học cho cả quãng đời của mình;

Việc làm tưởng như chiếm một khoảng thời gian rất dài trong cuộc đời một người song thực ra lại rất ngắn. Chẳng hạn, chúng ta chỉ mất khoảng 7 năm làm việc thực sự nơi công sở; làm việc nhà chỉ trong khoảng 4 năm; giặt ủi mất 9 tháng, còn thời gian cho việc lau dọn nhà mất đứt 16 tháng của cuộc đời.

Sau cùng, những cảm xúc của con người cũng hết sức ngắn ngủi: khoảng 16 giờ trong đời người được hưởng những khoái cảm tình dục. Và dành khoảng 2 tuần cho việc… hôn nhau.

Qua đó, người ta nhận thấy cả một đời người hầu như tập trung dành thời gian cho những hoạt động thực thể sinh tồn sinh học thể lý hơn là dành thời gian chăm chút cho  tâm hồn, cho tình cảm con người, và cho những cảm xúc yêu thương.

Do không ý thức đủ ý nghĩa cuộc đời của mình tại sao hiện hữu, sống trên đời này để làm gì, khi chết rồi con người ta sẽ đi về đâu… nên con người ta đã bị cuốn hút vào vòng xoáy của cuộc sống không còn thời gian tĩnh lặng để nghỉ ngơi, tỉnh thức, chuẩn bị sẵn sàng hành trang cho mình khi kết thúc cuộc đời dương thế ngắn ngủi này (x. Lc 12,35-38)

Lạy Chúa, con thường lo tất bật việc mưu sinh của mình mà  không có thời giờ ở bên Chúa để cầu nguyện, để chuyện trò với Ngài. Xin Chúa thức tỉnh tâm con để con biết rằng chủ đích cuộc sống này là sự tỉnh thức, luôn sẵn sàng đón chờ người chủ cuộc đời mình chính là Thiên Chúa tình thương, để “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Amen.

CÁT BIỂN

Tỉnh thức… (24.10.2017)

Ngày nay, nhân loại đang sống giữa một thế giới mê ngủ và quên lãng sự hiện diện của Thiên Chúa. Thì thái độ tỉnh thức là một đòi hỏi quan trọng không thể thiếu cho việc sống đạo.

Tỉnh thức là thái độ tỉnh táo để nhận biết, phân biệt cái gì chính, cái gì phụ; cái gì phải giữ lại, cái nào sẽ bỏ đi. Từ đó, sẵn sàng ưu tiên cho Thiên Chúa trong các chọn lựa. Ngõ hầu giữa bề bộn tất bật của cuộc sống, người Ki-tô hữu luôn thuộc về Chúa.

Cung cách sống đạo sốt sắng, luôn tỉnh thức được diễn tả bằng hình ảnh của một người luôn trong tư thế sẵn sàng “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”

Lời Chúa hôm nay mời gọi con người tôi phải sống đạo sốt sắng và luôn có thái độ tỉnh thức, sẵn sàng chờ đón Chúa đến bất cứ lúc nào.

Lạy Chúa,

Xin cho con đôi mắt tinh tường để nhìn thấy Chúa trong từng biến cố cuộc sống;

Xin cho con có đôi tai nhạy bén để mau mắn lắng nghe tiếng mời gọi của Chúa trong từng phút giây cuộc sống;

Xin cho con một con tim nồng cháy yêu thương, và đôi tay luôn luôn rộng mở chia sẻ cho mọi người. Amen.

CÁT BIỂN

Tỉnh thức (20.10.2015)

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay”.

Đức Giê-su dạy ta sống trong sự tỉnh thức, sẵn sàng chờ đợi Chúa Ki-tô đến bằng việc “thắt dây  lưng và cầm đèn sáng”. Y phục của Người Do-thái thời đó mặc vừa dài vừa rộng. Để khỏi vướng víu khi đi lại hay làm việc, họ phải xắn lên và thắt đai lưng cho gọn.

Tin Mừng hôm nay Chúa dạy tôi phải có thái độ sẵn sàng đón chờ Chúa đến, phải loại bỏ những cản trở như danh vọng, đam mê, những thứ khác ràng buộc, khiến ta mất tự do, không hoàn toàn thuộc về Chúa, để sẵn sàng ra đón tiếp Người đến cách chung hay riêng. Người Ki-tô hữu phải có thái độ luôn tỉnh thức. Tỉnh thức còn là luôn ở trong tình trạng “đang làm nhiệm vụ”.

Tỉnh thức là thái độ của người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, biết mình đang làm gì. Sự lựa chọn trong giây phút hiện tại sẽ định đoạt số phận trong cuộc đời vĩnh hằng.

Tỉnh thức là dấu hiệu của người đang sống đức tin sống động, kết hợp mật thiết với Chúa, sẽ có tâm hồn bình an hạnh phúc. Người tỉnh thức là người luôn sống tinh thần cầu nguyện: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).

Chúa nhắc đi nhắc lại: “Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.” Nếu canh hai hoặc canh ba, biết chắc giờ nào thì Chúa đến? chỉ có cách tốt nhất là luôn luôn trong tư thế sẵn sàng. Nếu lúc nào chúng con cũng “có Chúa ở cùng”, sống mật thiết với Chúa thì dù có bất ngờ, chúng con còn được vui vẻ ra đón rước Người, chứ không phải giật mình sợ hãi.

Thực ra Chúa luôn có đó, bên ta, trong ta mà ta không thấy, vì bị nhiều thứ trần gian che mờ con mắt, nên chẳng nhận ra và khó mà thấy được. Sống tỉnh thức là luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa trong mọi nơi mọi lúc, ở trên mọi nẻo đường đời, trong sâu thẳm cõi lòng, cả khi cô đơn. Sống như vậy thì lúc Người chợt đến, có chi là bất ngờ hay phải giật mình hoảng sợ?

Tỉnh thức như vậy thì Chúa đến bất cứ giờ nào cũng trong tư thế sẵn sàng. Chúa rất hài lòng và ban thưởng quá lòng ước mong: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”.

Lạy Chúa là nguồn hạnh phúc bất diệt, xin cho chúng con luôn biết tỉnh thức, để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong môi trường chúng con đang sống, đặc biệt trong chúng con và nơi anh chị em xung quanh.

Xin dạy chúng con biết sẵn sàng đón Chúa qua việc tiếp xúc, cư xử với tha nhân, để chúng con được hưởng hạnh phúc của người con tín trung, ngay từ bây giờ và cho đến muôn đời.

Én Nhỏ

Chờ đợi trong tỉnh thức

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12,35-36)

Suy niệm: Đời sống con người, có thể nói, là một chuỗi ngày chờ đợi: chờ đợi một ngày mai tốt đẹp hơn, chờ đợi một tương lai hạnh phúc hơn. Đối với người tín hữu Kitô, niềm hạnh phúc thật sự là được hưởng kiến nhan Thiên Chúa, được chia sẻ niềm vui và bình an vĩnh cửu trên thiên quốc, trong gia đình của Ba Ngôi Tình Yêu. Chính Thiên Chúa đã đến và sẽ lại đến để mời gọi mỗi người về hưởng hạnh phúc với Ngài. Nhưng để có thể đạt được hạnh phúc ấy, người tín hữu cần sống theo cách thức mà Chúa Giêsu đã yêu thương nhắn nhủ, đó là sống tỉnh thức, sẵn sàng mọi sự để có thể “thưa vâng” với Chúa một khi Ngài đến và mời gọi trở về với Ngài.

Mời Bạn: Sống tỉnh thức và sẵn sàng với Chúa trong bối cảnh xã hội hôm nay phải nói là một thách đố rất lớn cho mọi người, trong đó có bạn và tôi. Những nỗi đam mê tiền bạc, danh vọng, lạc thú dường như đang đẩy cuộc đời chúng ta vào một giấc ngủ mê, khiến chúng ta quên đi cùng đích thật sự của cuộc đời mình là hưởng hạnh phúc bên Thiên Chúa trên Thiên quốc. Bạn và tôi, những người tín hữu Kitô, chúng ta hãy vùng dậy khỏi giấc ngủ đê mê ấy, chúng ta cùng nhau sống tỉnh thức: “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu.

Chia sẻ: Bạn nhận thấy điều gì trong cuộc sống dễ “ru ngủ” chúng ta nhất? Bạn có việc làm nào cụ thể để giúp sống tỉnh thức không?

Sống Lời Chúa: Hướng về Chúa trước khi làm bất cứ việc gì trong ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhớ đến thân phận yếu đuối của chúng con.

Hạnh phúc cho ai biết tỉnh thức chờ Chúa đến

“Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.” (Lc 12,38)

Suy niệm: “Tỉnh thức” là đề tài rất quen thuộc trong giáo huấn của Chúa Giê-su. Tỉnh thức không hẳn là tỉnh ngủ mà còn là luôn trong tư thế sẵn sàng trước những tình huống bất ngờ. Cách ứng xử của gia nhân trước sự trở về bất ngờ của ông chủ là tiêu chuẩn để ông định công luận tội họ. Những đầy tớ nào biết chu toàn cách trung thành việc bổn phận của mình thì cái bất ngờ nhất cũng sẽ không còn bất ngờ nữa, mà trái lại, họ đón nhận chúng trong tư thế sẵn sàng như một việc bình thường phải xảy ra. Những người đầy tớ ấy mới xứng đáng được ông chủ khen thưởng.

Mời Bạn: Có những biến cố chúng ta có thể lường trước nhưng lắm khi lại bị bất ngờ mà nguyên nhân là vì chúng ta chủ quan không chuẩn bị sẵn sàng: mưa bão, lụt lội, cháy rừng, lở đất, tai nạn giao thông, v.v… và hậu quả là thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cũng như về nhân mạng. Biến cố lớn nhất mà mọi người chắc chắn đều phải gặp đó là cái chết. Biết thế rồi mà biết bao người vẫn bất ngờ trước cái chết của mình. Bạn đã và đang làm gì cho ngày ra đi của bạn? Hạnh phúc cho ai biết chuẩn bị sẵn sàng cho ngày giờ ấy!

Chia sẻ: Đối diện với đau khổ và cái chết của người thân yêu là cơ hội để ta ăn năn và tỉnh thức mỗi ngày. Bạn có biết lợi dụng điều này chưa?

Sống Lời Chúa: Sống ngày hôm nay như ngày cuối cùng của đời tôi, để tôi luôn làm điều tốt đẹp nhất cho những người tôi gặp gỡ hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết luôn sẵn sàng cho ngày Chúa đến, để không phụ lòng Chúa nhắc nhở con.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *