Thiên Thần Hộ Thủ (02.10 – Lễ Nhớ Các Thiên Thần Hộ Thủ)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Ngày 02.10: Lễ Nhớ Các Thiên Thần Hộ Thủ

Lời Chúa: Xh 23,20-23, Mt 18,1-5.10

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 18,1-5.10)

1 Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?” 2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và nói : “Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

4 “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.

5 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

10 “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này ; quả thật, Thầy nói cho anh em biết : các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

Thiên Thần Hộ Thủ (02.10.2023)

Ghi nhớ:

“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18, 10).

Suy niệm:

Có một vị linh mục nọ, coi sóc giáo xứ miền quê hẻo lánh  bên nước Pháp, vào một đêm được tin có người đau nặng đang hấp hối, muốn xin ngài tới xức dầu. Trời đã khuya, với bổn phận sự mục tử ngài phải đi để làm tròn phận sự của    mình. Song từ nhà xứ tới nhà người bệnh cha phai đi qua một khu rừng hoang vắng, trong khi đó trời lại tối, thế nên cha cảm thấy e ngại. Nhưng cha chợt nghĩ đến Thiên Thần Hộ Thủ ngài liền cầu nguyện để xin Thiên Thần cùng đi với ngài. Thế rồi cha vội vã lên đường đi xức dầu cho người hấp hối cho kịp.

Mười năm sau đó. Cha được người ta cho biết là có một tử tù sắp bị hành quyết. Sau khi nghe tin ấy, vì lòng thương xót cha đã tới thăm và khuyên bảo anh ta hầu cứu lấy linh hồn anh ta. Thế nhưng khi vừa thấy cha, người tử tù có thái độ lảng tránh, nhưng khi nhìn rõ khuôn mặt cha rồi thì anh ta thay đổi ý định và nói với cha;

– Có phải cha là cha xứ đạo X không? Cha ngạc nhiên trả lời:

– Trước đây thì tôi coi xứ đạo đó, nhưng bây giờ thì tôi đã thuyên chuyển đi nơi khác rồi.

Thì ra trước đây, người phạm nhân này đã phạm tôi cướp của, giết người. Lúc đó nơi rừng vắng, y muốn giết cha để có thể lấy trang phục của cha hầu trốn chạy . Nhưng theo lời anh ta kể là lại thấy đi bên tôi là một anh thanh niên vạm vỡ khỏe mạnh, nhắm không thể thắng được nên anh ta đã từ bỏ ý định.. Sau khi nghe tên tử tù kể lại như vậy, thì vị cha xứ mới sực nhớ lại là ngài đã xin Thiên Thần hộ thủ đi cùng ngài và người thanh niên lực lưỡng mà tên tội phạm kia đã trông thấy chính là Thiên Thận hộ thủ của cha.

Trong xã hội, mọi thời, xưa cũng như nay, các người cần quyền, có chức vụ lớn, hay địa vị cao, các đai gia giầu có, đi đâu họ thường có người đi kèm bên cạnh để bảo vệ cho sự an toàn của bản thân họ. Những người này được gọi là lính bảo vệ hay là vệ sỹ.

Thiên Chúa rất yêu thương con người, chính vì thế cho nên Người đã cắt cử mỗi người có  một vị Thiên Thần; gọi là Thiên Thần Hộ Thủ để cùng đồng hành với chúng ta trên con đường trần thế này. Thiên Thần Hộ thủ ngoài việc giữ gìn ta khỏi nanh vuốt của ma quỷ thì Ngài còn hướng dấn, bảo  ban và cả an ủi khi chúng ta gặp cảnh khổ đau buồn chán. Hôm nay Hội Thánh mững lễ các Thiên Thần hộ thủ đê nhắc nhở chúng ta đừng quên sự hiện diện của các Ngài trong cuộc đời của chúng ta và luôn kính nhớ công ơn các Ngài. Đồng thời tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã chẳng để chúng ta bơ vơ lạc lõng giữa biển đời mà lại còn cắt cử một vị “Vệ Sỹ” mạnh mẽ để phù trợ chúng ta, hầu cho chúng ta có đủ điều kiện mà vượt qua mọi khó khăn trển hành trình về quê trời.

Tạ ơn Chúa bằng cách luôn sống đẹp lòng Chúa qua việc thực thi lời Người. Tri ân các Thiên Thần Hộ Thủ bằng cách lắng nghe tiếng các Ngài nói trong thâm tâm dạy ta làm lành tránh dữ. Sông tâm tình như thế thì chúng ta mới có thể trở nên người tốt, không phụ lòng Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta hết mực và củng tỏ ra là một tín hữu biết cách sống sao cho các Thiên Thần Hộ không thất vọng.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, Chúng con cảm tạ Chúa vì biết bao ân lành mà Chúa đã ban xuống trên Chúng con. Chúa đã không để các Thiên Thân bên cạnh để ngày đêm ca ngợi chúc tụng ngời khen Chúa trên Thiên Đàng mà vì lo lắng cho chúng con đang sống lữ hành nơi trần thế. Chúa đã ban cho chúng con một Vị bạn đường để các Ngài thay Chúa nâng đỡ, bảo vệ ủi an chúng con. Chúng con chẳng biết đáp trả lại ân tình của Chúa bằng cách nào cho cân, chỉ xin cố gắng nghe lời Chúa day dỗ bảo ban  qua  tiếng mách bảo của các Thiên Thân Hộ Thủ để thực hiện mọi điều cho được đẹp lòng Chúa và làm  vui lòng các Thiên Thần. Amen

Sống Lời Chúa:

Mỗi tối trước khi đi ngủ đọc kinh Thiên Thần Hộ Thủ.

Con thân lạy Đức Thánh Thiên Thần, tính thiêng liêng sáng láng, con cám ơn Đức Thánh Thiên Thần giữ con từ thủa mớí sinh đến nay cho khỏi tay quỷ. Đức Thánh Thiên Thần là thầy con, mở lòng cho con biết được đạo thánh Đức Chúa Trời đất. Vì vậy con cầu cùng Đức Thánh Thiên Thần giữ con ban ngày, xem con ban đêm, cho đến trọn đời, kẻo ma quỷ dữ cám dỗ được con. Con lạy Đức Thánh Thiên Thần khấn nguyện cho con được thông minh sáng láng, giữ mười điều răn, chừa mọi sự dữ, đến khi con lâm chung, xin cầu cùng Đức Chúa Trời cho linh hồn con được lên ở cùng Đức Chúa Trời và Thánh Thiên Thần hằng sống vui vẻ đời đời chẳng cùng. Amen.

 

Khiêm… (02.10.2021)

Trong Sử Ký, Tư Mã Thiên chép rằng: “Quân tử dĩ khiêm thối vi lễ” nghĩa là: “Người quân tử lấy cung kính nhường nhịn làm lễ”

Thật vậy, muốn được người khác xem ta là “quân tử” (bậc tài đức hơn người) thì ta ắt phải biết cung kính, nhường nhịn người khác là lẽ tất yếu. Cung kính, nhúng nhường chính là Khiêm (謙).

Tin Mừng hôm nay, qua câu trả lời của Chúa Giê-su với các môn đệ cho ta thấy Chúa đã dạy các môn đệ nhân đức khiêm nhường, tự hạ trở nên như trẻ nhỏ, nếu muốn làm lớn (chức) trong Nước Trời (Mt. 18,4)

Chúa cũng muốn các Ki-tô hữu ngày hôm nay cũng hãy học theo Ngài; bởi:

Ngôi Lời Nhập Thể – Đấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Vì tự hạ, khiêm nhường như thế, “Thiên Chúa đã siêu tôn Người” (x. Pl 2, 6-9). Thiên Chúa không chỉ tôn (vinh) Đức Ki-tô mà thôi, nhưng Người đã “siêu” tôn (vinh) Đức Ki-tô ! Quả là một sự khích lệ đặc biệt cho những ai theo gương thầy Giê-su, chắc chắn cũng được thầy Giê-su “siêu” tôn (vinh) nếu biết sống khiêm nhường vậy.

Phần thưởng dành cho thánh Tê-rê-sa thành Lisieux là một minh chứng cụ thể cho người sống khiêm nhu, đơn sơ, nhỏ bé đấy thôi !

Lạy Chúa, xin cho con biết sống tin yêu, phó thác, phục vụ mọi người chỉ vì yêu Chúa mà thôi. Amen.

CÁT BIỂN

Một vài tìm hiểu và suy tư về Thiên thần (02.10.2020)

GLCG dạy chúng ta có hai loài thượng đẳng được Thiên Chúa tạo nên, đó là thiên thần và loài người. Một bên thì liêng liêng vô hình vô tướng và vĩnh cửu và một bên thì hữu hình và giới hạn.

Về các thiên thần, là vô hình – thiêng liêng nên chúng ta không thể truy tầm được như một con người có chủng loại, giống, số, giới tính và danh gọi.

Ngay cả con người hữu hạn mà còn là một mầu nhiệm không thấu triệt được, thì chúng ta làm sao có thể nói được về các thiên thần mà chúng ta không thấy. Xin đưa ra một vài gợi ý:

* Ghi nhận.

Ngay từ những trang đầu của Cựu Ước, các thiên thần có mặt trong cuộc sáng tạo, cầm gươm canh giữ địa đàng, vật lộn với Giacóp, chiến đấu giúp Giosuê …

Trước khi có dân tộc Dothái, vùng Trung Cận Đông đã có các vương quốc và có tổ chức triều đình phong kiến như Aicập, Mêsôpôtania, Babilon… Hơn nữa, phần lớn các sách Cựu Ước được viết vào thời quân chủ của Israel, nên các tác giả chịu nhiều ảnh hưởng của phong kiến và mô tả trên trời cũng có Triều Đình Thiên Quốc, gồm các thiên thần bao quanh ngai Thiên Chúa. Một cách cụ thể được diễn tả trong sách Đaniel, Giacaria, Thánh Vịnh… Trong sách Gióp cũng nói đến ngày kia Thiên Chúa ngự triều và có các thiên thần tề tựu, trong đó có cả Satan đến nói chuyện với Thiên Chúa về Gióp…

Trong các tôn giáo, phần lớn đều tin có sự hiện hữu của các thiên thần, đặc biệt các tôn giáo độc thần như: Dothái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo.

Trước hết, Dothái Giáo tin nhận có 3 vị thiên thần có vị trí cao nhất là Michael, Gabriel và Raphael, lại thêm một vị khác nữa là Uriel như là tứ trụ cai trị 4 hướng, ngoài ra, sau thời lưu đày Babilon họ còn kể thêm 8 vị thiên thần nữa, tạo nên một con số 12, tượng trưng của 12 chi tộc.

Riêng Kitô Giáo chúng ta: dựa theo nguồn Kinh Thánh Cựu và Tân Ước, chúng ta vẫn tin nhận có 3 vị Tổng Lãnh Thiên Thần là Michael, Gabriel và Raphael: (Michael được nói đến trong sách Khải Huyền, Raphael được nhắc tới trong sách Tôbia và Gabriel được nói tới trong Tin Mừng Luca). Ngoài ra, dù không được mặc khải minh nhiên, nhưng truyền thống vẫn dựa vào sách Đệ Nhị Kinh Enoch chương 20 ghi nhận có một vị tổng lãnh thiên thần sa ngã là Lucifer hay còn gọi là Satanel (tức là ma quỷ – satan). Điều nàycũng được nói một cách ẩn ý nơi thư của thánh Giuđa.

Bên Giáo Hội Chính Thống Đông Phương thì ngoài ba vị thiên thần Michael, Gabriel và Raphael, họ còn kính thêm 4 vị nữa là Uriel, Salafiel, Jeguel và Barachiel (tạo nên một con số 7 hoàn hảo).

Còn người Hồi Giáo cũng tin nhận có 7 vị thiên thần thủ lĩnh là: Mikail, Jibril, Israfil, Maalik, Mulkar, Nakir và Radwan. Trong đó thiên thần Jibril (tức là Gabriel) được biết đến nhiều nhất, vì người Hồi Giáo tin Gabriel là vị đã đem kinh Koral từ Thiên Chúa đến cho Mahômét.

Có một điểm chung là các nghệ nhân hay hoạ sĩ khi vẽ hoặc tạc các hình tượng thiên thần đều có cánh (có thể được cảm hứng từ sách Đaniel 9,21) mô tả việc thiên thần bay mau đến kịp giờ dâng lễ của dân Chúa.

Phụng vụ Công Giáo còn tin và kính nhớ mỗi người có một thiên thần bản mệnh, hằng đồng hành giúp đỡ từng người và trình lên Thiên Chúa mọi công việc của con người. Đó cũng là điều mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến.

Đó là một vài ghi nhận, bây giờ chúng ta cùng đi tìm cho mình những áp dụng qua sứ vụ của các thiên thần.

* Áp dụng.

Có thể nói, sau mầu nhiệm Ba Ngôi, suy tư về môn Thiên Thần Học được xem là phức tạp nhất. Dựa trên những mảng ghép trong Kinh Thánh, thánh Thomas d’Aquine đã chia ra thành cửu phẩm thiên thần: Tổng thần, binh thần, quản thần, dũng thần, lãnh thần, quyền thần, phụng thần, uy thần và sứ thần. Điều này cũng ảnh hưởng trong phụng vụ Kitô Giáo qua các vinh tụng ca của Kinh Tiền Tụng và Kinh Te Deum.

Chúng ta cùng tập chú suy niệm về các thiên thần qua các ý nghĩa sau đây:

– Về các Tổng Lãnh Thiên Thần:

Như trong bài đọc Kinh Đêm chúng ta nghe tối hôm qua, cho thấy rằng các tên gọi dành cho các vị Tổng Lãnh Thiên Thần chỉ là phẩm tính và sứ vụ được danh hoá mà thôi: Michael theo tiếng Hípri nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”, Raphael có nghĩa là “Linh dược của Thiên Chúa” và Gabriel dịch là “Quyền năng của Thiên Chúa”; tương đương với ba sứ vụ của ba vị đại thần trong triều đình nhà vua là: Tổng thần, Y thần và Sứ thần.

Nơi vị tổng thần Michael, chúng ta ghi nhận được sự khiêm tốn suy phục Thiên Chúa qua lời tuyên xưng “Ai bằng Thiên Chúa”, cùng với sự can đảm chống lại thế lực của Satan và sự dữ; nơi Y thần Raphael, chúng ta tìm thấy sự săn sóc, phục vụ và an ủi tha nhân; nơi Sứ thần Gabriel, chúng ta cùng mang trên mình sứ điệp đem Chúa đến cho mọi người.

– Về đời sống thiên thần:

Trong bài giảng ngày phong bậc Tiến Sĩ Hội Thánh cho thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Đức Thiên Chúa Gioan Phaolo II nói rằng: “Đời sống của thánh nữ Têrêxa với các nhân đức trong sạch như các thiên thần”. Chính Chúa Giêsu cũng từng khẳng định: “Ngày sống lại người ta sẽ như các thiên thần, không còn chuyện dựng vợ gả chồng”. Như thế, điều trước hết khi sánh ví về các thiên thần, mọi tác giả (kể cả những người ngoài ngoài công giáo) đều nói đến sự trong trắng thanh cao.

Trong Hiến Chương Đức Ái của dòng Xitô, thánh phụ Stephano Hardingo gọi đời sống tu trì là đời sống thiên thần (vita angelica), bao gồm các chức năng là: trung gian, sứ giả, Seraphim (ca hát) và Cherubim (hộ giá – phục vụ).

Là trung gian khi các thiên thần như một cầu nối dâng lời cầu của chúng ta lên Thiên Chúa và các ngài lên lên xuống xuống trên con người. Chúng ta đang hoạ lại sứ vụ trung gian chuyển cầu đó.

Là sứ giả khi các thiên thần truyền tải các sứ điệp của Thiên Chúa đến cho chúng ta. Chúng ta cũng là những sứ giả của Tin Mừng.

Là Xêraphim (thần sốt mến) các ngài ngày đêm ca hát chúc tụng Thiên Chúa. Sứ vụ này hoạ lại nơi đời sống cầu nguyện của chúng ta rõ nét nhất.

Là Cherubim (thần hộ giá) các ngài túc trực hầu cận Thiên Chúa và ở với Người. Chúng ta cũng thế, chúng ta là những tôi tớ ngày đêm hầu cận Chúa.

Đặc biệt đời sống của các thiên thần nói lên sự thanh sạch, mà khi chúng ta sống trong sạch, chúng ta nên như các thiên thần.

Tóm lại: Các thiên thần vô hình nên chúng ta không thể học đòi noi gương, nhưng chúng ta có thể hoạ lại phẩm tính và sứ vụ của các ngài:

Là Michael, chúng ta khiêm tốn suy phục Thiên Chúa và chống lại sự dữ.

Là Gabriel chúng ta được sai đi đem Chúa đến cho mọi người.

Là Gabriel, chúng ta biết cảm thương an ủi và chữa lành những ai đau khổ.

Là Seraphim, chúng ta ngày đêm ca hát chúc tụng Chúa và cầu xin ơn cho mọi người.

Và cuối cùng là Cherubim, chúng ta ở lại bên Chúa để phục vụ hầu cận Người.

Là các thiên thần bản mệnh, chúng ta ngày đêm sống dưới con mắt hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta tránh xa tội lỗi và luôn làm vui lòng Chúa.

Hiền Lâm

Hãy nên như trẻ nhỏ (02.10.2019)

Vẫn với tư tưởng trần thế, ưa thích địa vị, ăn trên ngồi trốc, nên các môn đệ hôm nay đã hỏi Chúa: “Thưa Thầy ai là người làm lớn nhất trong Nước Trời?”. Thật là khôn ngoan, Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp câu hỏi, mà lại đưa ra tiêu chuẩn cho ai muốn vào Nước Trời. Tiêu chuẩn vừa rõ ràng mà cũng thật cao xa: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Vậy trẻ nhỏ là mẫu vừa là tối thiểu vừa là người lớn nhất: “Ai tự hạ coi như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”. Vậy trẻ nhỏ là người thế nào?

Trẻ nhỏ đơn sơ thật thà, chẳng có mưu mô gian dối. Người ta có câu “Đi thì hỏi già, về nhà thì hỏi trẻ”. Có gì chúng nói ra hết.

Trẻ nhỏ nghèo khó chẳng có tài sản gì là của riêng, chẳng có phô trương tự đắc gì cho mình mà chỉ cậy dựa ở cha mẹ.

Trẻ nhỏ chúng yêu thương nhau chẳng mấy khi giận ghét hận thù, mà họa có xảy ra xích mích chúng rất dễ làm hòa.

Trẻ nhỏ nếu có bị cha mẹ đánh phạt chúng vẫn một mực cậy trông, vâng nghe, yêu mến, chẳng giám xa lìa…

Hôm nay Chúa còn dạy các môn đệ: “Ai đón tiếp một em nhỏ như em này vì danh Thầy là đón tiếp chính Thầy”. Chúa đã đồng hóa các em nhỏ với chính mình Chúa. Vì các em nghèo khó, yêu thương thánh thiện trong trắng như tờ giấy mới. Mỗi người bề trên của chúng phải có bổn phận viết vào đó những điều tốt lành vì chúng là xã hội, giáo hội tương lai.

Cuối cùng Chúa nhắc nhở: “Chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này”. Vì dù là bậc người nào cũng đều là người được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng, là hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống. Mỗi người đều được Chúa xếp đặt cho một vị trí ở đời này thật mầu nhiệm mà ta không thể hiểu hết được.

Giờ đây mỗi người hãy so đo, xem mình đã giống trẻ nhỏ được mức nào những điều đáng quý mà Chúa muốn ta? Có vậy ta mới có thể được vào Nước Chúa. Nơi ấy mọi người đều được tràn trề yêu thương hạnh phúc. Ở đó sẽ chỉ thấy toàn “kẻ nhất” chứ không còn loại nào khác nữa.

Một lần được nghe cha Linh hướng Liên huynh Thức Hóa tâm sự: “Ngày nay hội đoàn ở giáo xứ có nhiều lắm. Nhưng tôi chú tâm nhất là huynh đoàn giáo dân Đa Minh và thiếu nhi Thánh Thể. Một hội là gương mẫu cho đời sống đạo, một hội  gieo mầm cho tương lai”. Tôi nghe tâm đắc với định hướng của cha.

Lạy Chúa! Xin cho con luôn ý thức lời Chúa dạy là phải nên như trẻ nhỏ. Phải có tâm hồn và đời sống giống như chúng, đồng thời yêu mến và làm gương lành cho chúng nữa. Có như vậy con mới đáng được vào Nước Chúa. Amen.

Gs. Ngọc Năng

Quà tặng của Chúa … (02.10.2018)

Bài Tin Mừng hôm nay cho biết điều kiện muốn được vào Nước Trời, thì mỗi người hãy tự hạ, trở nên trẻ nhỏ, trở nên những kẻ bé mọn (x. Mt 18,1-4).

Chúa Giê-su bày tỏ thái độ trọng thị những hèn mọn, yếu kém; Ngài nói: … Hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này (…) các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời (x. Mt 18,10)

Thế thì ngay cả những trẻ nhỏ, người bé mọn cũng có thiên thần của mình coi sóc, giúp đỡ. Thiên thần của họ vẫn ở gần Thiên Chúa để chuyển cầu cho họ.

Hôm nay, toàn thể Giáo hội nhắc nhớ công lao của các thiên thần hộ thủ.

Thiên thần hộ thủ là một quà tặng tình thương của Chúa dành cho các tín hữu.

Thiên thần hộ thủ là sứ giả được Chúa sai đến trợ giúp, coi sóc, gìn giữ từng tín hữu Chúa;

Thánh Ba-si-li-ô nói: “Mỗi tín hữu đều có một thiên thần hộ thủ, để bảo trợ và hướng dẫn đến sự sống đời đời.” Các thiên thần này ngày đêm chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa, và hằng bảo trợ, gúp đỡ từng người tín hữu Chúa.

Vì vậy, thiên thần hộ thủ cũng được xem như chính sự hiện diện của Chúa với mỗi người tín hữu.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra tình thương Chúa hằng ở bên con qua những trợ giúp, gìn giữ của thiên thần bản mệnh đời con. Amen.

CÁT BIỂN

Mỗi người hãy tập nhỏ bé như trẻ thơ (02.10.2017)  

1. Ghi nhớ:

Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào nước Trời” (Mt 18,1-5.10).

2. Suy niệm: 

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn chúng ta “nên giống con trẻ” không phải vì chúng ngây thơ vô tội, hay một đức tính luân lý nào khác, nhưng ở chỗ chúng luôn sống đơn sơ, phó thác mọi sự trong tay người lớn. Trẻ em không tranh giành, đòi hỏi nhưng vui tươi hoàn thành công việc được giao. Cũng vậy trong Nước Trời, chính lòng tin làm cho người môn đệ gắn bó tuyệt đối vào Chúa Giêsu.

Sau khi Chúa Giêsu đưa ra lý tưởng sống cho mọi người, Ngài cũng khuyên phải tôn trọng trẻ em vì danh Thầy: “Còn ai tiếp đón một em nhỏ  như thế này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”. Ngài muốn nhấn mạnh, chúng ta không làm cớ cho chúng vấp ngã, tiếng “em nhỏ hay kẻ bé mọn” ta hiểu theo nghĩa thông thường hay nghĩa bóng về bất cứ ai, trong mọi hoàn cảnh, lãnh vực nào đó v.v…bị mọi người đánh giá thấp, cách riêng trong lãnh vực đức tin, có thể tín hữu yếu kém về đạo lý, nhưng con người vẫn được tôn trọng hàng đầu: đó là vì danh Thầy. Chúa Giêsu hiện diện trong mọi người, nhất là nơi những người bé nhỏ cả về thể xác lẫm tâm hồn. Ngài khuyên chúng ta hãy quan tâm và tôn trọng họ, vì họ mang hình ảnh của Ngài.

Để chúng ta có một tinh thần trẻ thơ, mỗi người phải có tinh thần hoán cải, tức là từ bỏ bản thân mình theo Chúa Kitô, để làm được điều này rất khó là “mỗi người hãy tập nhỏ bé như trẻ thơ” để được sống trong bàn tay che chở của Thiên Chúa. Thế nhưng, rào cản gì khiến chúng ta không thể đến với Chúa trong tâm tình của trẻ thơ? Để biết sống trong tâm tình đơn sơ đó, mỗi người biết quên cái tôi của mình như trong Thánh Vịnh 131, 2 nhắn nhủ:

“hồn con, con vẫn trước sau

giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.

Như trẻ nép mình lòng mẹ,

trong con, hồn lặng lẽ an vui”

Tuy vậy, cuộc sống cũng không đơn giản như chúng ta suy nghĩ. Người lớn thích loại trừ nhau, sống bè phái cục bộ, ẩn sâu trong tâm hồn là sự kiêu căng tự mãn, ngay cả người tông đồ sống cái tôi sân si ngay trong việc bác ái, phản diện chính trong việc tông đồ. Điều này dã làm biết bao nhiêu tông đồ có tâm hồn dấn thân trong phục vụ đã phải lùi bước. Vinh hoa phú quý, thành công hào nhoáng nơi trần gian đã làm con người ngủ say trong chiến thắng mà quên đi sự khiêm hạ đơn sơ như trẻ nhỏ. Bằng đời sống tâm tình cầu nguyện, chúng ta cậy trông vào tình thương của Chúa sẽ hoán cải tâm hồn chúng ta trở nên như trẻ nhỏ để mai sau được chung hưởng hạnh phúc Thiên Đàng với Ngài:

“Cậy vào Chúa, Ít-ra-en ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 131,3).

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho đời sống người Kitô hữu chúng con biết khiêm nhu, trong sáng, đơn sơ như trẻ nhỏ, vì danh Chúa, nhờ đó luôn được Cha trên trời quan tâm che chở và đồng hành dẫn đưa  chúng con trên bước đường dương thế. Amen. 

M.Liên

Đừng làm khó thiên thần

“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 18,10)

Suy niệm: Những người bé mọn không có nhiều khả năng, kể cả khả năng tự vệ nên thường bị khinh dể và bị đối xử bất công. Thái độ đó là một sai lầm mà ít ai nhận ra. Mỗi người, dù là bé mọn, đều phải được kính trọng vì được Thiên Chúa phú ban một Thiên thần, gọi là Thiên thần Hộ thủ; vị này bảo vệ và chuyển cầu cho họ trước nhan Thiên Chúa. Như các chiến binh, Thiên thần Hộ thủ bảo vệ và hướng dẫn con người đến sự sống; như những luật sư, Thiên thần Hộ thủ bào chữa và chuyển cầu cho mỗi người trước nhan Thiên Chúa. Như thế, con người không chỉ cao trọng về phẩm giá, mà còn được bảo vệ bởi một thế lực siêu nhiên – bởi không ai thắng được Thiên thần.

Mời Bạn: Các Thiên thần Hộ thủ được phú ban là để bảo vệ hầu giúp ta đương đầu với kẻ thù. Kẻ thù nói ở đây là ma quỉ và những kẻ đi theo chúng. Vai trò của Thiên thần Hộ thủ có thể ví được như luật sư, là bảo vệ chứ không thể làm thay đổi hành vi mà khổ chủ gây ra. Vì thế, đừng làm khó các Thiên thần bằng việc bắt cá hai tay: vừa kêu cầu sự trợ giúp, lại vừa thông đồng với kẻ thù để thực hiện những hành vi đen tối.

Chia sẻ kinh nghiệm về sự hiện diện và trợ giúp của Thiên thần Hộ thủ.

Sống Lời Chúa: Đừng để Thiên thần Hộ thủ lầm lũi bên ta, hãy tâm sự và cầu nguyện với ngài, vì ngoài Thiên Chúa, không ai gần gũi ta hơn ngài.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Đức Thánh Thiên Thần”.

Sống tinh thần trẻ thơ

“Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,3)

Suy niệm: Mặc dù về mặt tự nhiên, trẻ em có những hạn chế, khuyết điểm, nhưng những tính cách nổi bật của trẻ thơ: đơn sơ vô tội, không dối trá, không mưu mô xảo quyệt, luôn tin tưởng phó thác nơi cha mẹ, v.v… khiến truyền thống Thánh Kinh vẫn nhận ra nơi các em hình ảnh biểu trưng của những người luôn sống khiêm nhường tín thác vào Chúa và được Ngài đặc biệt yêu thương chăm sóc: “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2). Chúa Giêsu tiếp tục nhấn mạnh rằng điều kiện thiết yếu để được ơn cứu độ là phải có tinh thần trẻ thơ: Chỉ những ai “trở lại mà hoá nên như trẻ nhỏ” mới được vào Nước Trời.

Mời Bạn: Lịch sử nhân loại không ngừng đi lại vết xe đổ của Ađam bất tuân phục “dương oai ngạo với Trời, ăn nói ngang tàng khinh cả Chúa” (x. Tv 75,6). Trong một thế giới kỹ thuật phát triển vượt bậc, mức sống vật chất không ngừng nâng cao, con người dễ bị say men đắc thắng về những thành quả của mình và tưởng rằng mình chính là chủ của mọi sự mà chối bỏ Thiên Chúa là Chủ tể thực sự và là Đấng ban cho họ tất cả những thứ đó. Mời bạn khiêm tốn nhìn lại thân phận con người để nhận ra tình thương của Thiên Chúa và sống trong tình con thảo với Ngài.

Sống Lời Chúa: Sống giản dị với bản thân, khiêm tốn với tha nhân để có thể trở nên trẻ thơ trước mặt Chúa.

Cầu nguyện: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi… Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con lòng lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa Ít-ra-en ơi, từ nay mãi đến muôn đời muôn năm.” (Tv 131)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *