Phúc phận người bé mọn (04.10 – Lễ Kính Thánh Phanxicô Assisi – Phụng Vụ Dòng Đaminh)

Lời Chúa: Hc 50,1.3‑7 hoặc Gl 6,14‑18, Mt 11,25-30

 


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 11,25-30)
25 Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.

28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

Phúc phận người bé mọn (04.10.2021)

Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”

Đức Giêsu ca tụng đường lối của Cha, Ngài mặc khải  cho những người bé mọn. Những người “khôn ngoan thông thái” thường tự mãn cậy sức mình, nghĩ mình đã ngon cơm, lấy mình làm đủ đầy không cần người khác, “Tôi không như người thu thuế kia…” Một khi con người tự mãn vì sức riêng, cảm thấy đủ khôn ngoan hiểu biết, đủ nhân đức, đóng kín cửa lòng thì đâu cần đến Đấng Cứu Độ? Các ông Kinh sư và Pharisêu ngày xưa như những chuyên viên Kinh Thánh, mà chẳng nhận ra Đấng Cứu Thế đang ở giữa họ đấy thôi!

Còn những “người hèn mọn” là người khiêm nhường thật, biết làm nhỏ đi cái tôi, nhận thấy thực trạng thế giá thật của mình. Đức Maria, người Nữ Tỳ khiêm hạ của Thiên Chúa; bà góa nghèo bỏ tiền vào thùng; các môn đệ ít học… Thánh Phanxicô Assisi ta mừng kính hôm nay, thánh Đa Minh, thánh Têrêsa Hài Đồng dám buông mình trong tay nhân lành Chúa… Tất cả đều sẵn sàng mở rộng lòng mình, đón Chúa vào cuộc đời mình, phó thác tin tưởng, cậy dựa hoàn toàn nơi Chúa và lấy Chúa là niềm vui hạnh phúc ngập tràn của lòng mình. Càng mở rộng lòng ra, ta càng đón nhận được ơn mặc khải của Chúa, càng thấy và “biết” nhiều hơn, trong khi những người “thông thái” có khi “trố mắt” nhìn mà chẳng thấy chi, lắng tai mà không nghe được gì. “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” “Biết” ở đây là cái biết bên trong, biết bằng con tim chứ không phải thông hiểu kiến thức hay biết bề ngoài. Biết rõ và cảm nhận được trong tình yêu tha thiết và lòng muốn khát khao.

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” Đức Giêsu mời gọi tất cả những ai đời nhọc nhằn khốn khó hãy đến với Người, để tâm hồn được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Hai nguồn mạch cung cấp sự nghỉ ngơi dưỡng sức này là Lời Chúa và Thánh Thể. Nếu ta biết khát khao tìm đến và “ở lại” sẽ tìm được sự an dưỡng thực sự. Mọi gánh nặng sẽ trở nên nhẹ nhàng vì lòng yêu mến. Khi yêu người ta quên cả đớn đau, không lấy làm khó nhọc nặng nề nữa dù phải trải qua khó khăn vất vả. Hãy ở lại trong Chúa mà kín múc tình yêu, vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu.

Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Phanxicô Assisi, ngài đã chọn cuộc sống hèn mọn, khó nghèo và trở nên hình ảnh sống động của Chúa, Đấng luôn mặc khải cho những người bé mọn. Ngài là mẫu gương khiêm nhu thanh thoát, sống quên mình, mà Chúa đã dùng để diễn tả tinh thần của các mối phúc. Đức Thánh Cha Phanxicô khi vừa nhận chức, ngài đã chọn danh hiệu Phanxicô, vì ngài rất ngưỡng mộ gương thánh thiện và lối sống nghèo khó của thánh nhân. Xin Chúa cho chúng con biết sống đơn sơ, phó thác và hiền hòa, noi theo gương thánh nhân mà thiết tha gắn bó, hăm hở bước theo Chúa với lòng chan chứa an vui và đầy tràn tình yêu mến.

Sống hiền hòa và khiêm tốn (04.10.2019)

Suy niệm theo Phụng vụ Dòng Đa Minh: Lễ Kính Thánh Phaxicô Assisi

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy sống hiền lành và khiêm nhường, biết sống chan hòa tình nghĩa với mọi người bằng tình yêu thương chân thành, đồng thời hãy đối xử với những người đang phải mang lấy gánh nặng của khổ đau, của bất hạnh một cách khéo léo và tế nhị, hầu đem lại cho họ sự an ủi và khích lệ chân thành thực sự.

Chúa dạy con phải khiêm nhường

Thực hành khiêm tốn, yêu thương mọi người

Khó khăn, gian khổ vẫn cười

Có Chúa trợ lực cuộc đời bình yên

*

Giúp con vững bước vươn lên

Dựng xây cuộc sống càng thêm sáng ngời

Hiền hòa tế nhị vui tươi

Cho người thân thiện, cho đời đẹp hơn

Lời Chúa mời gọi chúng ta: “Hãy học cùng Thầy vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính đặc biệt nhất ở nơi Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Đó là một sự khiêm nhường tột cùng của một Thiên Chúa làm người; hạ mình xuống rốt chót mọi người, lãnh nhận cái chết của tên nô lệ bị đóng đinh thập giá.

Khiêm nhường sẽ nhận muôn ơn

Để cho tình nghĩa đẹp hơn rất nhiều

Không nên tự phụ, tự kiêu

Mất tình, mất nghĩa, mất điều thân thương

 

Thánh Phanxicô Assisi trở nên nghèo hèn chỉ vì ngài muốn giống Ðức Kitô. Ngài yêu quý thiên nhiên vì đó là một công trình mỹ miều của Thiên Chúa. Ngài hãm mình phạt xác để có thể hoàn toàn phó thác cho Thánh ý Chúa. Sự khó nghèo của ngài đi đôi với sự khiêm tốn, mà nhờ đó ngài hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Nhưng tất cả những điều ấy chỉ để dẫn vào tâm điểm của đời sống tinh thần của ngài: sống đời sống phúc âm, đã được tóm lược nơi lòng thương xót của Chúa Giêsu và được tỏ lộ cách tuyệt hảo nơi bí tích Thánh Thể.

Chúa từng thể hiện nêu gương

Hiền lành khiêm nhượng, chỉ đường cho con

Theo Chúa hạnh phúc trường tồn

Ngài sẽ mạc khải, ban ơn phúc lành 

 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy lấy tình yêu thương, lòng hiền hoà mà đối xử với nhau. Hãy khiêm tốn phục vụ nhau. Chính tình yêu làm cho con người trở nên đơn sơ, hiền hoà và khiêm tốn, sẵn sàng nâng đỡ gánh nặng cho người khác. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu, Đấng là hiện thân của chân lý tình thương lại sống đơn sơ, hiền từ, khiêm tốn và đã mời gọi chúng ta hãy đến học với Ngài.

Lời xin nguyện ước đạt thành

Thánh ân, hồng phúc Chúa dành cho con

Lòng con đoan hứa sắt son

Giữ lòng khiêm tốn vẫn còn mãi luôn

 

Lạy Chúa! Xin cho chúng con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhở đó chúng con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy được Chúa hiện diện và hoạt động trong cuộc đời của chúng con. Xin dạy chúng con sự hiền hậu để chúng con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. Xin dạy chúng con sự khiêm nhu để chúng con biết dâng đời của chúng con cho Chúa. Amen. 

HOÀI THANH

Thiên Chúa mạc khải cho những người bé mọn (04.010.2017)

1.- Ngữ cảnh

Vị Tẩy Giả đã sai môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: “Thầy có đúng là Đấng phải đến không?” (Mt 11,3). Các đối thủ của Đức Giêsu thì đã tìm cách hạ giá Người (x. 11,18-19). Còn các thành miền Galilê thì đã không đón nhận sứ điệp của Người (x. 11,21-24). Vậy Người là ai? Tại sao lại phải tuyệt đối lắng nghe Người? Do đâu mà Người có thể đòi buộc như thế? Bản văn chúng ta sắp tìm hiểu sẽ cung cấp câu trả lời.

Đức Giêsu xác định lập trường của Người bằng những khẳng định hết sức đậm đặc và cũng vô cùng căn bản.

2.- Bố cục

Bản văn này có thể chia thành ba phần:

1) Đức Giêsu hân hoan dâng lời ngợi khen Chúa Cha (11,25-26);

2) Tương quan của Đức Giêsu với Thiên Chúa và bổn phận của Người đối với loài người (11,27);

3) Đức Giêsu mời gọi loài người lắng nghe sứ điệp của Người (11,28-30).

3.- Vài điểm chú giải

– Lạy Cha (25): Trong Tin Mừng Mt, đây là lần đầu tiên Đức Giêsu thưa gửi với Thiên Chúa bằng danh xưng “Cha”, sau khi đã nhiều lần khuyến khích các môn đệ làm như thế (5,16.45.48; 6,1.4.8.14.15 …). Lời thưa này giống như câu đáp cho lời giớithiệu “Đây là Con yêu dấu của Ta” (3,17) mà Đức Giêsu đã nhận khi chịu phép rửa và chính Người sắp nhắc lại lúc này (x. 11,27).

– ngợi khen (25): Động từ Hy Lạp exomologoumai (praise) luôn mang những sắc thái ca ngợi chúc tụng, tôn kính, biết ơn, và hân hoan.

– bậc khôn ngoan thông thái … những người bé mọn (25): Trong ngữ cảnh Mt, “những bậc khôn ngoan thông thái” là các luật sĩ và Pharisêu, còn “những người bé mọn” (theo nghĩa chữ là “các em bé”) là đám đông dân chúng, các môn đệ, những đám thợ thuyền, những kẻ tội lỗi.

– những điều này (25): Đức Giêsu không nói rõ, nhưng dựa vào văn cảnh, có thể cho rằng “những điều này” chính là sứ mạng của Đức Giêsu, tức là mầu nhiệm bản thân Người và các hoạt động của Người.

– điều đẹp ý Cha (26): Đây là ý muốn của Chúa Cha. Ý muốn này chính là kế hoạch cứu độ.

– biết (27): Động từ Hy Lạp epigignôskein (know) dịch động từ Híp-ri yada diễn tả một quan hệ thâm sâu, một sự hiệp thông giữa hai bên; động từ này đồng nghĩa với “yêu mến”.

– trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho (27): Sự hiệp thông giữa Đức Giêsu và Chúa Cha không phải là một vòng tròn khép kín, nhưng mở ra với loài người, vì họ cũng được phép gọi Thiên Chúa là Cha (x. Mt 5,45-48).

– mang gánh nặng nề (28): Ở 23,4, Đức Giêsu trách người Pharisêu đã chất những “gánh” nặng lên vai người ta. Đây là gánh nặng vác không nổi gồm những truyền thống vị luật của các kinh sư, chứ không phải là các thử thách và vất vả của cuộc đời, hay gánh nặng tội lỗi… Truyền thống này cũng dùng công thức “mang ách”: ách của Nước Thiên Chúa, ách Luật Môsê, ách các điều buộc …

– hiền hậu và khiêm nhường (29): Hai từ ngữ này có ý nghĩa tương tự. Đây là Mối Phúc thứ hai. Đức Giêsu lại tự liên kết với những con người sầu khổ của Mối Phúc thứ ba.

– ách tôi êm ái (30): Đức Giêsu cũng đề nghị “ách” của Người, tức là các huấn lệnh của Người. Người không khẳng định rằng các huấn lệnh này ít quan trọng và ít đòi buộc hơn các điều luật của các kinh sư; trái lại Người đã cho thấy là Người đưa chúng đến để hoàn tất Luật cũ, chỉ có điều là con đường Người theo không có chuyện luật lệ chi li giáo điều phức tạp nặng nề của các kinh sư và Pharisêu. Nếu “ách” của Người “êm ái” là vì nó phát xuất từ toàn bộ Tin Mừng, tức là từ những tương quan mới mà Thiên Chúa cứu độ đã thiết lập với loài người.

4.- Ý nghĩa của bản văn

Đức Giêsu hân hoan dâng lời ngợi khen Chúa Cha (25-26)

Đức Giêsu đã ngỏ lời với Chúa Cha trong một lời cầu nguyện tạ ơn và chúc tụng. Người gọi Thiên Chúa là Cha và Chúa tể trời đất. Người đã mạc khải cho thấy là Cha, vị Thiên Chúa mà lâu nay người ta chỉ biết là Đấng Tạo hóa và Chúa tể toàn thế giới. Thiên Chúa là Đấng mà Đức Giêsu nhận biết là Cha, nhờ tương quan con cái mà Người có với Thiên Chúa. Do ý muốn của Thiên Chúa mà sứ điệp của Đức Giêsu được đón nhận cách khác nhau: những bậc khôn ngoan thông thái thì không hiểu gì, còn những người bé mọn thì hiểu. Phải chăng sứ điệp của Người chỉ được dành cho những em bé hoặc những người đã lớn tuổi mà vẫn còn ấu trĩ và chưa chín chắn? Phải chăng Kitô giáo đi ngược lại với kiến thức và khoa học và khả năng tự quyết của con người? Phải chăng Kitô giáo chỉ phù hợp với tình trạng thiếu khả năng tự cáng đáng bản thân và chỉ hỗ trợ tình trạng lệ thuộc trong cách xử sự? Thật ra, với những con người nghĩ rằng mình hiểu biết mọi sự, Đức Giêsu chẳng có gì để nói với họ cả. Người không thể mạc khải cho họ biết Thiên Chúa là Cha và Chúa tể, bởi vì họ không thể nhận được, vì họ không cần Thiên Chúa. Con người cứ việc tận dụng trí thông minh và tất cả sức lực, và hành động với tự do và trách nhiệm, nhưng cần nhận biết những giới hạn của mình. Nếu chúng ta lương thiện và biết nhìn nhận hoàn cảnh thực sự của mình, chúng ta đang mở ra đón nhận mạc khải của Đức Giêsu. Những người có tinh thần nghèo khó (5,3) là những người bé mọn. Họ sống lệ thuộc Thiên Chúa và quy chiếu về Người, họ nhận biết Người là Chúa tể trời đất và vui hưởng mạc khải bởi vì họ biết ký thác bản thân cho tình yêu và sự hướng dẫn của Thiên Chúa.

Tương quan của Đức Giêsu với Thiên Chúa và bổn phận của Người đối với loài người (27)

Trung tâm của bản văn là những khẳng định của Đức Giêsu về tương quan của Người với Thiên Chúa. Giữa Thiên Chúa và Người có một quan hệ duy nhất Cha-Con: Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu và Đức Giêsu là Con của Thiên Chúa. Chỉ duy có Thiên Chúa, trong tư cách là Cha, mới biết Đức Giêsu là ai, và chỉ duy Đức Giêsu, trong tư cách là Con, mới biết Thiên Chúa là ai. Hai Đấng hiểu biết lẫn nhau do có sự hiệp thông sâu xa và chan hòa sức sống. Những con người đang phê phán Đức Giêsu với tất cả sự trịch thượng và muốn loại trừ Người, tưởng biết rõ Người, nhưng thật ra chẳng biết gì về Người cả. Chúa Cha đã giao phó tất cả, mọi quyền bính và uy quyền trên con người, cho Đức Giêsu. Duy mình Đức Giêsu có thể mạc khải Chúa Cha, giúp người ta thực sự biết Chúa Cha. Vị trí này của Người là do tương quan của Người với Chúa Cha: vì chỉ một mình Người biết Chúa Cha, do thực tại thâm sâu của Người là Con, thì cũng chỉ một mình Người có thể mạc khải Chúa Cha trong thực tại thâm sâu của Người là Cha. Do đó, loài người không thể tránh khỏi đối diện với ý muốn của Thiên Chúa, khi quan hệ với Đức Giêsu.

* Đức Giêsu mời gọi loài người lắng nghe sứ điệp của Người (28-30)

Đức Giêsu mời gọi tất cả những ai mệt mỏi chán chường và vất vả với những gánh nặng hãy đến với Người. Người ngỏ lời trực tiếp với những người đang nghe Người nói. Họ đang phải “gánh” 613 điều luật buọc mà các kinh sư đã bày ra khi giải thích Cựu Ước (23,4) và họ đang vất vưởng như đàn chiên không có người chăn dắt (x. 9,36). Người hứa ban cho họ được nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Phải chăng chúng ta ngạc nhiên và thất vọng vì Người cũng mời chúng ta nhận lấy ách của Người? Từ quan điểm của Đức Giêsu, con người không “tự do” theo kiểu hoàn toàn là mình, không mắc bất cứ ràng buộc nào. Trong tư cách là thọ tạo của Thiên Chúa, do chính bản tính của mình, con người luôn ở trong thế quy chiếu về với Thiên Chúa. Hỏi về sự tự do đích thực đúng ra là hỏi về mối dây ràng buộc đích thực. Chỉ khi chấp nhận được ràng buộc với vị Chúa tể đích thực, người ta mới được tự do thật, thoát khỏi ràng buộc với mọi chủ nhân khác. Vì thật sự biết Thiên Chúa nhờ hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa, Đức Giêsu có thể chỉ cho chúng ta thấy Thiên Chúa không phải cách méo mó giới hạn, nhưng trong thực tại đúng đắn của Thiên Chúa. Và Người ra sức dẫn đưa chúng ta về với Chúa Cha, đồng thời khuyến khích chúng ta tin tưởng tuyệt đối nơi Người và ký thác trọn vẹn nơi Người. Nhận lấy ách của Người chính là đón nhận tất cả sứ điệp của Người và sống như Người vẫn sống, đó là hết lòng yêu mến Chúa Cha và dấn thân phục vụ loài người.

+ Kết luận

Đức Giêsu tự giới thiệu là Đấng “hiền hậu và khiêm nhường trong lòng”: các từ ngữ này, chúng ta thấy có trong các Mối Phúc, không hề có nghĩa là những người nhút nhát, rụt rè, nhưng là những người nghèo và bị áp bức, những người đang chịu bất công và không sao đứng dậy được. Đây là những người nghèo mà Đức Giêsu bảo: Hãy nghe tôi, hãy tin tôi, vì tôi ở về phía các bạn, tôi là một người trong các bạn, tôi cũng nghèo và bị loại trừ!

Muốn học được sự khôn ngoan của Nước Trời, thì phải sống nghèo cùng với Đức Giêsu. Điều gây vấp phạm, chính là sự mạc khải của Đức Giêsu về bản thân Người: quyền năng được tỏ bày trong sự yếu đuối…

5.- Gợi ý suy niệm

1. Những kẻ phê phán Đức Giêsu cách trịch thượng và muốn loại trừ Người, tưởng là đã biết Đức Giêsu! Thật ra, chỉ có Thiên Chúa mới biết Đức Giêsu trong tư cách là Con, trong sự quy hướng hoàn toàn về Chúa Cha trong tình yêu trọn vẹn.

2. Đọc bản văn này trong liên hệ với đoạn văn cuối cùng của Tin Mừng Mt (28,16-20), chúng ta sẽ thấy tất cả tầm mức sâu xa của các lời khẳng định của Đức Giêsu.  Sau khi sống lại, Người chính là Đấng đã được Chúa Cha ban cho toàn quyền trên trời dưới đất. Chính Người hiện diện bên các môn đệ “mọi ngày cho đến tận thế” để nâng đỡ các ông trong nỗ lực chu toàn sứ mạng.

3. Hans Urs von Balthasar, một nhà thần học Thụy Sĩ, đã nói đến một thứ “thần học bàn quỳ”: chúng ta chỉ thật sự hiểu biết về Thiên Chúa không phải nhờ cứ khăng khăng dùng trí tuệ mà tìm tòi suy luạn, nhưng nhờ biết quỳ xuống nhận biết quyền năng của Người trên chúng ta. Thánh Anselmô cũng nói: “Tôi tin để tôi có thể hiểu được Thiên Chúa”.

4. Thiên Chúa đã ban toàn quyền cho Đức Giêsu; do đó, trong khi hành động, loài người luôn phải đăt mình đối diện với ý muốn của Thiên Chúa về định mệnh của mình. Muốn cuộc đời mình đi đúng hướng, loài người phải quan tâm đến ý muốn này.

5. Chúng ta sẽ cảm thấy sứ điệp của Đức Giêsu về Chúa Cha và về ý muốn của Chúa Cha trở nên như một “cái ách”, khi các ước muốn, các tâm trạng và các ý tưởng của chúng ta đi ngược lại với sứ điệp ấy. Như thánh Âu-tinh đã nói: “Trái tim chúng con vẫn còn bồn chồn bất an, cho đến khi nó được nghỉ yên trong Chúa”, chúng ta chỉ được yên hàn, thanh thản, khi sống trong tình hiệp thông với Thiên Chúa.

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *