“SỐNG LẠI PHẦN XÁC” TRONG NIỀM TIN CỦA GIÁO HỘI

Christoph Schoenborn OP

 C. Schoenborn, sanh năm 1945, từ năm 1975 là Gs Tín LýĐại Học Fribourg/Freiburg (Thụy Sĩ). Hội viên Ủy ban Thần Học gia quốc tế. Mới đây đã được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Giáo phận Wien Áo quốc). Bài dịch trong: Internationale katholische Zeitschrift-Communio- 19 (1/1990) tr.13 – 29 Koeln-Paderborn).

Trong kinh Tin Kính chúng ta vẫn thường đọc: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. “Thử hỏi, Giáo Hội muốn cho tuyên xưng gì, khi đọc câu này? Sau đây chúng tôi sẽ không lưu ý tới những vụ tranh luận Thần học mà niềm tin vào sự sống lại phần xác đã đặt ra cho lý trí loài người, nhưng sẽ lưu ý tới một điểm căn bản hơn. Đó là cố gắng tìm một chỗ đứng cho tín điều này trong toàn bộ cơ cấu đức tin Kitô giáo. Đức tin là một tổng hợp liên đới, trong đó các tín điều phải được tìm hiểu trong tương quan liên đới với nhau, chứ không phải riêng rẽ biệt lập khỏi nhau. Rồi Quý vị sẽ thấy, tín điều trên đây có liên hệ sâu xa và khăng khít với toàn bộ đức tin đến mức nào. Chỉ cái nhìn toàn diện về đức tin mới có thể giúp chúng ta có được những câu trả lời dứt khoát cho lý trí và con tim về những thắc mắc thuần lý cũng như tình cảm chống lại tín điều này.

Ngay từ đầu, việc tuyên xưng về sự sống lại phần xác, hay nói cách khác, việc tuyên xưng kẻ chết sẽ sống lại, vốn là nền tảng của đức tin Kitô giáo. Về điểm này, giáo phụ Tertulianô thời Giáo Hội sơ khai đã phát biểu rất chính xác qua một câu Latinh ngắn gọn như sau: Fiducia christianorum resurrectio mortuorum; illam credentes, sumus: Niềm hy vọng của người kitô đặt ở nơi sự việc kẻ chết sống lại; chính vì tin như thế, mà chúng ta mới là (kitô-hữu).” [1]

Niềm tin vào sự sống lại phần xác đã gây nên những phản ứng chống đối ngay từ đầu. Ở Athen Thánh Phaolô đã bị nhạo báng, khi Ngài mới bắt đầu đề cập tới sự sống lại (Cv 17,32). Làm sao thân xác hư nát lại có thể sống đời đời? Làm sao thân xác đó, một khi đã tan rã, vẫn còn có thể hồi sinh? Cần gì thân xác loài người phải bất tử, khi tinh thần và linh hồn bất tử của họ đã đủ làm cho họ khác với những sinh vật khác và đã dành cho họ có một địa vị độc tôn giữa thế giới sinh vật rồi? Thánh Augustinô cho biết: “Chẳng có điều gì trong đức tin Kitô giáo mà lại bị chống đối mãnh liệt, dai dẳng, trường kỳ và say mê như là niềm tin vào sự sống lại phần xác. Thực ra, các triết gia ngoại giáo cũng đã nói nhiều tới linh hồn bất tử. Trong nhiều cuốn sách họ đã nhắc đi nhắc lại rằng tinh thần con người sẽ bất tử. Thế nhưng, khi đề cập tới sự sống lại phần xác, là họ không ngần ngại phản đối công khai ngay. Điểm trước tiên họ phản đối, như họ thường cho biết, đó là thân xác đời này không thể nào bay lên tới trời được.” [2]

Lý do chính, nếu không muốn nói là lý do duy nhất, tại sao, bất chấp mọi chống đối thường gặp phải, người kitô vẫn xác tín rằng xác sẽ sống lại, đó là vì chính Chúa Giêsu Kitô đã sống lại. Và nếu chúng ta tin rằng, Chúa Kitô là “Đấng đầu tiên từ cõi chết sống lại” (Cv 26,23; xem: 1Cr 15,20-23), thì niềm tin vào sự sống lại phần xác thế tất phải là một phần cốt yếu của lòng tin chúng ta có đối với Ngài.

Tiếp theo một số điểm có tính cách triết lý cần lưu ý trên đây, chúng tôi sẽ bàn về sự sống lại của Chúa Kitô như là nền tảng của lòng tin vào sự sống lại phần xác, sau đó sẽ nói tới những điều Giáo Hội dạy về sự sống lại của chúng ta, cuối cùng sẽ bàn về một vài vấn đề liên quan tới khoảng thời gian trước khi chúng ta sống lại, nghiã là “tình trạng đợi chờ” giữa thời Phục Sinh và Tái giáng (Quang lâm, Parusia ) của Chúa Giêsu.

 SỐNG LẠI PHẦN XÁC – KẺ CHẾT SỐNG LẠI

 Một số người đi lễ thường xuyên chắc sẽ lấy làm ngạc nhiên về sự thay đổi trong bản dịch của kinh Tin Kính. Tại sao trong Phụng Vụ lại phải đổi câu “xác… sống lại” thành “kẻ chết sống lại”? Việc thay đổi này có biểu lộ một sự dè dặt trước từ ngữ “phần xác” hay không? Có phải từ “xác” này quá nặng nề, quá vật chất hay không? Thực ra, việc thay đổi trong cách dịch này cũng hơi lạ, vì bản văn kinh Tin Kính của những thế hệ xa xưa rất minh bạch về điểm này: credo carnis resurrectionem . Chỉ trong bản thường được gọi là “kinh Tin Kính dài”, tức là bản tuyên tín của Công đồng Nicea và Constantinốp (symbolum Nicaeno-Constantinopolitanum ),[3] mới đọc thấy sự khác biệt như sau: “(Chúng) tôi tin kẻ chết sống lại.” Cả hai lối diễn tả đều dựa theo những truyền thống rất lâu đời.  [4] Hầu hết các bản tuyên tín Đông Phương đều dùng lối diễn tả, mà chúng ta đã thấy trong bản tuyên tín Nicea-Constanstinốp.

Trái lại câu “xác sống lại” lại thuộc loại công thức giáo lý cố định trong lưu truyền Roma và rồi trong tất cả lưu truyền Latinh và Hy-Lạp về sau. Trong Tân Ước không có kiểu nói “sống lại phần xác”, mà chỉ có kiểu nói “kẻ chết sống lại” (xem: Mt 22,31; Cv 17,32; 23,6; 24,21; 26,23; Rm 1,4; 1Cr 15,12.42; Dt 6,2). Kiểu nói “sống lại phần xác” bắt nguồn từ môi trường Kinh thánh Do thái. Trong nền văn chương Khải Huyền thấy cũng có quan niệm sau đây: trong “ngày sau hết,” “tất cả những gì có xương thịt” đều sẽ sống lại. “Tất cả những gì có xương thịt” ở đây có lẽ phải hiểu là “mọi người”. “Thịt” là thụ tạo diện đối diện với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của mình. Việc sống lại của tất cả những gì có xương thịt, minh chứng rằng Chúa trung thành với thụ tạo của Ngài.[5]  Kiểu nói “xác sống lại” như thế đã bắc một nhịp cầu giữa việc sáng tạo và việc hoàn tất sáng tạo. Niềm tin vào sự sống lại được dựa trên niềm hy vọng: Chúa không bỏ bê nhưng sẽ hoàn tất việc sáng tạo của Ngài. Nhưng niềm tin đó còn dựa trên một lý do khác, không thể bỏ qua được, đó là ngày phán xét, trước tòa thẩm phán “tất cả những gì có xương thịt” đều phải tính sổ với Chúa, Đấng Tạo Hóa của mình.

Cả hai lý do nêu trên đều có chung một niềm xác tín: Chúa là Đấng sáng tạo và là Đấng hoàn tất mọi sáng tạo. Niềm hy vọng cánh chung của Do thái giáo tin rằng mọi người sẽ sống lại “tập thể”, vì “tất cả những gì có xương thịt” sẽ sống lại và sẽ ra trước tòa phán xét chung, trước mặt Chúa. Quan niệm cho rằng cá nhân từng người có thể sẽ sống lại trước, là hoàn toàn xa lạ đối với Do thái giáo.[6] Quan niệm này rất quan trọng, để có thể hiểu được niềm tin sống lại Kitô giáo. Quả thế, niềm hy vọng “tất cả những gì có xương thịt” sẽ sống lại tập thể đâu có gì là phi lý đối với Cánh chung học Kitô giáo, vì như chúng ta sẽ thấy, không được phép tách biệt sự sống lại phần xác với sự sống lại của Chúa Giêsu: cả hai đều làm nên một biến cố duy nhất trong thời sau hết.

Nếu “tất cả những gì có xương thịt” trước hết có ý chỉ “tất cả mọi loài thụ tạo”, thì trong đó đã có gói ghém tư tưởng: chẳng có gì được Thiên Chúa tạo dựng mà có thể thoát khỏi chương trình cứu độ và phán xét của Ngài, kể cả “xương thịt này” mà chúng ta đang gánh vác, nghĩa là chính thân xác chúng ta. Do đó, sự “sống lại phần xác” lại mở ra một lối nhìn mới, làm cho những cuộc tranh luận sẽ bùng lên theo: đó là sau khi sống lại, thân xác cụ thể và thực tế sẽ như thế nào. Lối nhìn này hiển nhiên thuộc niềm hy vọng sống lại của Do thái giáo, rất tiêu biểu trong giới Pharisiêu thời Chúa Giêsu. Như thế, câu “kẻ chết sống lại” luôn luôn có ý nói rất cụ thể là sự sống lại thân xác từ trong mồ mả. Ngay từ giây phút đầu, biến cố phục sinh tại Giêrusalem, đã được diễn tả bằng từ ngữ “sống lại”; điều dó chứng tỏ một mặt: sự sống lại của “tất cả những gì có xương thịt” vào thời sau hết đã bắt đầu từ biến cố ấy, mặt khác cũng chứng tỏ: sự kiện này có một tầm kích cụ thể về phần xác. Nếu ngôi mộ không trống, người ta đã không thể nói về sự “sống lại” của Chúa Giêsu. Kurt Schuber, một nhà Do thái học nổi tiếng ở Wien đã viết về mối liên hệ này như sau: “Tin mừng Chúa Giêsu sống lại đã không thể nào kéo dài quá một ngày tại Giêrusalem, nếu không chứng minh được là ngôi mộ đó trống, mà ngôi mộ đó phải được mọi người công nhận là ngôi mộ thật của chính Chúa Giêsu… Đối với dư luận quần chúng tại Giêrusalem, Tin Mừng Chúa Giêsu sống lại sẽ dứt khoát bị bác bỏ, nếu họ chứng minh được rằng, thân xác Chúa Giêsu đã thối rữa ra tại một ngôi mộ nào đó. Những ai rao giảng Tin Mừng Chúa sống lại đã trở thành cái bia chế diễu của quần chúng, sự kiện thực tại, tức là ngôi mộ trống của Chúa Giêsu, không đứng về phía họ.”[7]

Niềm tin vào sự sống lại phần xác ngày sau hết, với xương thịt và tập thể cùng mọi người, có liên quan mật thiết với niềm xác tín được diễn tả minh bạch về một “tình trạng ở giữa”, về một thời kỳ chờ đợi, mà ý nghiã của thời kỳ đó mới chỉ là cái khung khá rõ rệt nhờ ánh sáng mạc khải Chúa Giêsu Kitô. Không phải từ thời Kitô giáo, mà là ngay từ thời Do thái giáo đã có niềm xác tín rằng “khoảng thời gian ở giữa” này là để tách biệt thân xác với linh hồn.[8] Cuối thời kỳ này, cũng gọi là thời kỳ cuối cùng, là thời kỳ “kẻ chết sống lại”, bao gồm cả sự “sống lại phần xác”. Sự sống lại này có mẫu mực, căn nguyên và có thể nói có cả chỗ đứng nữa, ở trong sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô.

 SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚA GIÊSU VÀ SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚNG TA

 “Tại sao một số trong anh em có thể quả quyết rằng: ‘Làm gì có kẻ chết sống lại’? Nếu không có kẻ chết sống lại, thì Đức Kitô cũng đã không sống lại. Mà nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời giảng dạy của chúng tôi sẽ vô giá trị, và đức tin của anh em cũng vô giá trị… Nhưng Đức Kitô đã sống lại thực sự như là Đấng khởi đầu trong số những kẻ đã yên nghỉ” (1Cr 15,12-14.20). Chúng ta không biết, những người ở Côrintô đã theo quan niệm nào, đến nỗi Thánh Phaolô phải sửa sai như thế. Có phải họ theo một thứ “tâm linh hóa” của chủ thuyết Duy Trí (Gnosticisme )[9]về sự sống lại không? Hay việc phủ nhận sự sống lại đó đã bắt nguồn từ quan niệm nhân sinh đã bị Hy-hóa (Hellénisé ) đi rồi? Điều quan trọng là Thánh Phaolô đã tạo ra một thế gọng kìm chặt chẽ giữa sự sống lại (hay là sự phục sinh) của Chúa Giêsu và sự sống lại của chúng ta. Chỉ nơi Chúa Kitô chúng ta mới biết được, sự sống lại của chúng ta như thế nào và sẽ như thế nào.

Niềm hy vọng sống lại chắc chắn đã có trước thời Chúa Kitô giáng sinh. Lần đầu tiên thấy nói tới niềm hy vọng này cách rõ ràng trong sách Đanien (12,2) và sách Macabê, quyển thứ 2 (7,9.11.13.23.29). Phái Pharisiêu và một số những người đồng thời với Chúa Giêsu cũng tin rằng kẻ chết sẽ sống lại (xem: Cv 23,6; Ga 11,24). Chính Chúa Giêsu cũng dạy rất rõ ràng và dứt khoát (xem: Mc 12,18-27). Sự sống lại được mong đợi vào “ngày sau hết”

(Ga 6,40), và sẽ đi đôi với ngày phán xét (xem: Ga 5,25-29). Chúa Giêsu đã làm cho kẻ chết sống lại (xem: Mc 5,21-42; Lc 7,11-17; Ga 11), cũng như các tiên tri đi trước Ngài (xem: 2 Vua 4,8-37). Phép lạ này chắc chắn là dấu chỉ quyền năng của Chúa Giêsu, đồng thời cũng tiên báo về việc kẻ chết sẽ sống lại, nhưng chưa phải là chính sự sống lại thực, vì những kẻ được Chúa cho sống lại như thế, thì chỉ trở lại đời sống trần gian và rồi họ sẽ còn chết nữa.

Có một cái gì rất mới lạ trong những lời tiết lộ bí nhiệm của Chúa Giêsu về sự đau khổ và sự sống lại sắp tới của Con Người. Phúc Âm Nhất lãm cho biết, Chúa Giêsu đã tiên báo ba lần về cuộc tử nạn và về sự phục sinh tiếp theo sau đó (Mc 8,31-33; 9,30-32; 10,32-34 ss). Không có lý do gì chính đáng, để đặt lại vấn đề xem những lời tiên tri này có phải thực sự là lời của Chúa hay không; [10] vì chúng quá mới lạ đối với quan niệm và niềm mong đợi của những người sống vào thời đại đó, quá mới lạ đến độ không thể cho rằng chúng có thể vay mượn từ một khuôn mẫu Do thái giáo; đàng khác chúng lại ăn khớp với tất cả những gì Chúa Giêsu đã mạc khải qua cử chỉ, việc làm và lời nói của Ngài, ăn khớp tới độ mang đủ lý chứng để có thể coi chúng như là tiếng vọng (écho ) trung thực của giáo huấn chính Chúa Giêsu.[11]

Chúng ta phải cố gắng làm sáng tỏ tầm quan trọng khôn lường của những lời trên đây. Trong khi rao giảng Chúa Giêsu đã dần dần mạc khải chính Ngài là Đấng Messia, là Con Người trên trời và là Con Thiên Chúa, song song với lời mạc khải mỗi ngày một thêm sáng tỏ về con đường khổ nạn trước mặt và sự phục sinh của Ngài qua con đường đau khổ đó. Lời rao giảng về Nước Chúa sắp đến, nhưng thực ra cũng đã khai mạc, có liên hệ mật thiết với lời mạc khải song đôi (tử nạn và phục sinh) này. Chúa Giêsu rao giảng rằng thời đại cánh chung đã khai mạc; trong thời đó Thiên Chúa sẽ viếng thăm dân Ngài, sẽ tái lập Israel, sẽ khai sinh một vương quốc bình an và công chính. Nhưng Nước Chúa đến trong một cách thức khác với lòng mong đợi. Chính Ngài là trung tâm điểm của nước này, do đó Nước Chúa cũng chỉ sẽ đến qua sứ mạng của Ngài, nghiã là qua cái chết của Ngài thay “cho nhiều người” (Mc 10,45) và qua sự phục sinh của Ngài. Vì thế, thái độ đối với Chúa Giêsu sẽ làm tiêu chuẩn để phân định xem có được vào Nước Chúa hay không. Chỉ những ai đi với Ngài, vác thánh giá theo Ngài và qua đó tuyên xưng Ngài, thì mới đến được với Ngài mà thôi (xem: Mc 8,34-38).[12]

Trong các Phúc Âm chúng ta cũng thấy rất thực tế, khi các Tông Đồ đáng thương đã không hiểu nổi Tin Mừng Chúa Giêsu và việc thể hiện Tin Mừng đó. Thực ra, ngay từ đầu Chúa Giêsu đã cho thấy trước mối liên hệ này, [13] nhưng các ngài chỉ hiểu thấu sau khi Thánh Phêrô đã tuyên xưng ở Cesarêa Philippi rằng: Chúa Giêsu là Đấng Messia, là Con Thiên Chúa (Mc 8,29; Mt 16,16).[14] Chính lúc vị thủ lãnh trong nhóm 12 được Chúa Giêsu lựa chọn, nhờ Thiên Chúa linh ứng (xem: Mt 16,17), đã long trọng tuyên xưng bản tính Chúa Giêsu, thì Chúa mới bắt đầu khai tâm cho họ hiểu rằng: “Con Người nhất thiết phải chịu nhiều đau khổ, bị Kỳ lão, Thượng tế và Ký lục khai trừ, bị giết chết và ba ngày sau sẽ sống lại” (Mc 8,31). Điều “nhất thiết” này không phải là chuyện cưỡng bách ngoại tại, cũng không phải là số phận mù quáng, nhưng là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Kế hoạch đó “nhất thiết” phải được thực hiện qua con đường này. Đối với các Tông Đồ “điều mà Chúa coi là cần thiết” này là chuyện hoàn toàn không thể hiểu nổi. Thay vì là Đấng xây dựng vương quốc an bình, là Đấng đem lại một thời hạnh phúc, Đấng Messia lại phải chịu đau khổ, đó là điều rất trái ngược với kỳ vọng của các ngài. Chưa hề có một lời nào độc địa cho bằng lời Chúa Giêsu đã sửa sai Phêrô, khi ông muốn ngăn cản Chúa trên con đường đau khổ: “Đồ Satan, hãy lủi ra sau lưng Ta! Vì ngươi chẳng hiểu chuyện Thiên Chúa, mà chỉ hiểu chuyện thế gian” (Mc 8,33).

Tại sao điều Chúa Giêsu tiên báo về việc phục sinh của Ngài đã làm cho các Tông đồ không hiểu nổi? ” Các ngài nhớ kỹ lời này và nói với nhau: sống lại từ cõi chết nghiã là gì? (Mc 9,10). Tại sao sau khi Chúa Giêsu sống lại vẫn phải cần một thời gian dài, các ngài mới có thể tin vào sự kiện này cách vững chắc (xem: Mt 28,17; Mc 16,14; Lc 24,38)? Có một lý do không thể coi thường: có lẽ là vì niềm tin phổ cập thời đó hiểu rằng kẻ chết chỉ sống lại vào ngày sau hết và sự sống lại không thể xẩy ra cho từng cá nhân một nhưng là cho cả tập thể loài người. Sự phục sinh của Chúa Giêsu”hiển nhiên không phải là sự trở lại đời sống trần gian, nhưng là sự sống lại sau hết” có ý nghĩa gì trong khung cảnh của niềm tin phổ cập này? Đây không phải là chuyện đơn thuần tiếp tục sống mãi sau khi chết, như người ta thường mong đợi nơi các linh hồn quá cố, nhưng là sự sống lại thực sự của thân xác (xem: Lc 24,39); vì mồ trống thực, nhưng cũng không phải là xác chết tỉnh dậy, như phép lạ Chúa Giêsu đã làm cho kẻ chết sống lại. Việc người ta gọi sự kiện này là sống lại hay phục sinh, chứng tỏ các Tông đồ đã thấy sự kiện này – nhờ Chúa Giêsu đã tiên báo trước và nhờ sự gặp gỡ Ngài sau khi phục sinh – có liên quan với sự sống lại chung của mọi kẻ chết trong thời cánh chung. Nhưng việc Chúa Giêsu, Đấng Kitô, đã phục sinh riêng lẻ như thế có ý nghĩa gì?

Qua câu hỏi này chúng ta đang bàn tới điểm nồng cốt của quan niệm “sống lại phần xác” theo Kitô giáo: Chúa Kitô không sống lại riêng lẻ. Sự sống lại của Ngài là khởi điểm, là nguyên nhân, hay một cách nào đó, đã thể hiện sự sống lại chung của mọi người quá cố. Sự sống lại chung vào thời sau hết không phải là một sự kiện khác hẳn, biệt lập với sự phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng liên hệ mật thiết với sự phục sinh của Ngài. Ngày sau hết đã khởi đầu. Cái chết của Chúa Giêsu Kitô là “ngày giờ” khai sinh vương quốc của Chúa. Vì vương quốc đó đã xuất hiện, nên thời cánh chung cũng đã bắt đầu. Việc sáng tạo mới đã khởi đầu vào buổi sáng phục sinh.

Giáo huấn của các Tông Đồ cũng đã nhắc tới bằng nhiều cách khác nhau. Thí dụ Thánh Phaolô: “Nhưng không! Đức Kitô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người, nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tụ của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quyền bính, mọi sức thống trị và mọi thế lực, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha” (1Cr 15,20-24). Như thế Chúa Kitô là “Trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại”! (Col 1,18). Sự sống lại chung cho mọi người quá cố đã khởi đầu qua sự phục sinh của Ngài. Sự sống lại này sẽ được thể hiện công khai và trọn hảo trong ngày Ngài quang lâm. Sự phục sinh của Chúa Giêsu không phải là một sự kiện biệt lập, cũng như cái chết của Ngài trên thập giá không phải là số phận hẩm hiu riêng lẻ. Cả hai sự kiện đều là những thời điểm chung quyết của lịch sử: “Tận cùng của các thời đại đã đến cùng chúng ta” (xem: 1Cr 10.11) và sự đổi mới thế giới cũng đã có nền tảng vĩnh viễn.[15] Chỉ khi biết nhìn về các sự kiện phục sinh với một nhãn quan như thế, chúng ta mới có thể hiểu được một số đặc nét của niềm mong đợi sống lại theo Kitô giáo, trước hết là vấn đề “mong đợi Chúa gần đến”[16]vẫn thường được đem ra tranh luận, rồi tiếp đó là quan niệm cho rằng chúng ta đã được phục sinh với Chúa Kitô và cuối cùng là niềm mong đợi xem ra có vẻ mâu thuẫn với niềm mong đợi trên, tức là chúng sẽ còn phục sinh trong ngày Chúa Giêsu quang lâm.

 SỰ SỐNG LẠI CHUNG CỦA NHỮNG KẺ ĐÃ QUA ĐỜI

 Vấn đề “mong đợi Chúa sắp đến”

 Nếu Chúa Kitô đã sống lại, thì sự sống lại chung của mọi kẻ quá cố cũng đã khởi đầu. Nhưng còn bao lâu nữa việc ấy mới được công khai hóa? Thánh Phaolô và cùng với Ngài tất cả Giáo Hội sơ khai đều đã mong chờ, là họ sẽ được thấy Chúa Kitô tái giáng ngay trên mặt đất này. Nhưng “một số đã an nghỉ” (1Cr 15,6). Chuyện gì sẽ xẩy ra cho những người ấy? Trong bức thư cổ nhất, Thánh Tông Đồ đã an ủi giáo đoàn Thêxalônika như sau: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh en chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu. Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này, là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu. Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi”(1Tx 4.13-17).

Nhờ sự sống lại của Chúa Giêsu mà những kẻ đã qua đời và những kẻ còn sót lại trên mặt đất sẽ hợp nhất lại, lúc Ngài tái giáng. Thánh Phaolô nói với những giáo hữu Côrintô rằng: “Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này: không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ chỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi. Quả vậy, cái thân sẽ hư nát nầy phải mặc lấy sự bất diệt; và cái thân sẽ chết này phải mặc lấy sự bất tử” (1Cr 15,51-53).

Sau đó, lúc vị Tông đồ ngồi tù, ngài còn nhẩm tính rằng, rất có thể ngài sẽ phải chết, trước khi Chúa Kitô trở lại. Trong hoàn cảnh đó, hình như cái chết đối với ngài là điều mơ ước, vì ngài mong mỏi được gần Đức Kitô. “Tôi hoàn toàn vững tin: bây giờ cũng như mọi lúc Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết; vì đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần; nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn vì anh em” (Phil 1,20-24).

Việc ngày quang lâm của Chúa bị trì hoãn đã không làm cho Giáo Hội sơ khai bị xáo trộn nặng nề, đó là một điều lạ. Có một lối giải thích khá hợp lý về vấn đề này như sau: Giáo hữu thời sơ khai đã tin vào Đức Kitô không phải như là một Đấng sẽ tái giáng, nhưng là một Đấng đang hiện diện. Đức Kitô trở thành trọng tâm của niềm tin và niềm hy vọng Kitô giáo.[17] Trước biến cố phục sinh Đức Kitô đã nối kết những môn đệ mà Ngài đã chọn (xem: Mc 3,13) với chính Ngài, “để họ cùng ở với Ngài và để Ngài sai họ đi rao giảng” (Mc 3,14). Họ thuộc về Ngài (xem: Lc 22,56-59) và Ngài ở với họ, bất khả phân ly: “Ai nghe các con là nghe Ta” (Lc 10,16). Sự liên hệ khăng khít này không chấm dứt qua việc phục sinh, nhưng mang một ý nghĩa và sức sống vừa mới vừa phổ quát (universel): “Này, Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Thánh Phaolô cũng có được niềm xác tín bách thắng này, đến nỗi chẳng còn gì có thể ly gián chúng ta khỏi tình yêu Đức Kitô (Rm 8,35.39).

Điều hiện thực chói chang bao trùm tất cả chính là được-ở-bên-Đức-Kitô, hay đúng hơn: được-ở-trong-Đức Kitô, như Thánh Phaolô vẫn thường nói tới. Vì chúng ta ở trong Đức Kitô, nên: “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại, chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rom 14,8-9). Lối nhìn này giúp chúng ta dễ hiểu, tại sao sự sống lại không phải chỉ có thể nói ở thì tương lai mà còn có thể nói cả ở thì hiện tại.

 “SỐNG LẠI VỚI ĐỨC KITÔ”

 Thánh Phaolô dạy rằng: Qua bí tích Thánh Tẩy chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, “để như Đức Kitô, nhờ vinh quang của Đức Chúa Cha mà được sống lại từ cõi chết, thì chúng ta cũng đang hành trình trong cuộc sống mới” (Rm 6,4). Những người đã được rửa tội, phải coi như mình đã chết cho tội lỗi, để “sống cho Chúa trong Đức Kitô” (Rm 6,11). Đời sống mới chính là ở-bên- Đức-Kitô, Đấng đã sống lại. “Cho nên, phàm ai kết hợp với Đức Kitô, đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5,17). Thánh Phaolô còn đi xa hơn nữa, khi ngài coi những kẻ đã được rửa tội như là những kẻ đã được sống lại với Đức Kitô: “Anh em đã được chỗi dậy với Đức Kitô, nên anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1). Hoặc rõ hơn: “nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô trên trời. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ” (Ep 2,5-6).[18] Đời sống mới với Đức Kitô đã làm cho được thông phần sống lại với Ngài ngay từ bây giờ. Nhưng chân lý này chưa được mạc khải hoàn toàn: “Anh em đã chết và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta, xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,3-4; xem: 1Ga 3,2).

Vì Kitô hữu có nghiã là ở-bên-Đức-Kitô, nên nơi nào có Chúa Kitô ngự trị, nơi đó cũng là quê hương của người kitô: “Quê hương của chúng ta ở trên trời, từ nơi đó chúng ta mong đợi Đấng cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, sẽ đến” (Pl 3,20). Vì thế, thời gian hiện hữu trên trần gian là thời gian hành hương, [19] còn “xa quê nhà”: “Vậy chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là sống lìa xa Chúa, vì chúng ta sống trong tư thế của người tin, chứ không phải của người được thấy Chúa nhãn tiền. Vậy chúng tôi luôn mạnh dạn và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2Cr 5,6-8).

Ngay từ bây giờ chúng ta đã đang sống “trong Đức Kitô”, nhưng khi “căn lều tại thế này được nhổ lên” (2Cr 5,1), tức là khi chúng ta nhờ sự chết mà được “thoát ly” (Pl 1,23) cõi sống trong “thân xác” (Pl 1,22), thì chúng ta sẽ được “về quê với Chúa”. Như thế, việc ở-bên-Đức-Kitô của chúng ta vẫn chưa hoàn thành. Chỉ khi nào tái giáng, “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21).

Như thế chúng ta có thể nắm vững kết luận sau đây: Là Kitô hữu có nghiã là ở-bên-Đức-Kitô. Tuy nhiên, về điểm này có ba trình độ như sau: 1) “Hiện hữu ‘trong-Đức-Kitô’ qua thân xác phàm hèn; 2) được dự phần thông hiệp với Đức Kitô (‘trong Đức Kitô’) trong tình trạng đợi chờ, một mặt đã được giải phóng khỏi thân xác phàm hèn, nhưng mặt khác vẫn chưa được mặc lấy thân xác của trời cao; 3) nên vẹn toàn nhờ đón nhận thân xác của trời cao.”[20]

 “KẺ CHẾT SỐNG LẠI NHƯ THẾ NÀO ?”

 “Nhưng”, có người thắc mắc hỏi rằng, “kẻ chết sẽ sống lại như thế nào? Họ trở về với thân xác nào đây?” (1Cr 15,35). Có lẽ nhiều người khó tin vào sự sống lại phần xác là vì cũng khó tưởng tượng được sự sống lại sau này sẽ ra sao. Giáo huấn của Giáo Hội dạy rằng: vào thời cuối cùng tất cả mọi người sẽ sống lại với thân xác mà họ đang có trên trần gian.[21]  Nhưng giữa thân xác trên trần gian và thân xác sẽ sống lại có điểm đồng nhất nào? Hãy nhìn vào sự sống lại của Chúa Giêsu mà đi tìm chân lý cho sự sống lại của chúng ta. Dĩ nhiên giữa sự sống lại của Ngài và sự sống lại của chúng ta vẫn còn mầu nhiệm sâu thẳm của đức tin. Tuy nhiên, thân xác sống lại của Chúa là một thực thể thấy được và sờ được trước mặt các chứng nhân. Qua thực trạng sống lại của Ngài mà chúng ta có thể mường tượng được sự sống lại của chúng ta.

a), điểm đầu tiên chúng ta cần phải nói về sự sống lại của chúng ta là: cần phải phân biệt rõ ràng giữa cái chết và sự sống lại. Giữa cái chết và sự sống lại của Chúa là ngày Thứ Sáu tuần thánh nhiệm mầu, đó là việc táng xác Chúa trong mồ và việc Chúa “xuống ngục Tổ tông”. Chúa đã sống lại từ trong mồ. Do đó cùng với đức tin có thể toàn quyền khẳng định rằng: sự sống lại đã xẩy ra trong cõi chết. Quan niệm cho rằng sự sống lại đã xẩy ra ngay lúc mới chết sẽ đụng đầu với sự thật nền tảng về việc táng xác Chúa và “sự sống lại vào ngày thứ ba”. Giáo huấn cổ kính nhất của Giáo Hội đã nhấn mạnh tới thứ tự này (chết – mai táng – sống lại; xem: 1Cr 15,3-4), phù hợp với diễn tiến lịch sử của các sự kiện. Để chống lại khuynh hướng tâm linh hóa của thuyết Duy Trí (Gnose)[22] cho rằng, “sống lại” là linh hồn bay lên với Chúa, còn thân xác ở lại, Thánh Irênêô thành Lyon đã nhắc đến thực tại sự sống lại của Chúa như là hình ảnh nguyên thủy sự sống lại mai này của chúng ta; thánh nhân viết như sau:

“Nếu Chúa ‘tiến vào giữa bóng tối sự chết’, là nơi các linh hồn quá cố cư ngụ, thì trước đó Ngài đã sống lại phần xác, và sau khi sống lại đã được vinh thăng; và nếu vì các môn đệ của mình mà Chúa làm như thế thì hiển nhiên là linh hồn của các môn đệ Ngài, cũng sẽ đến một nơi vô hình nào đó, đã được Thiên Chúa định sẵn cho họ, và họ sẽ ở đó mà chờ đợi cho tới khi sống lại. Rồi họ sẽ sống lại, nhận lại thân xác mình, nghiã là sống lại phần xác, như Chúa đã sống lại, để chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa.”[23]

b) Điểm thứ hai cũng minh bạch nơi sự sống lại của Chúa Giêsu: Thân xác sống lại và thân xác trần gian là một. Các bài tường thuật trong Phúc Âm nhấn mạnh tới điểm đồng nhất này rất rõ ràng. Sự đồng nhất của Đấng hiện ra được minh chứng qua thân xác: “Sao các con lại hoảng hốt, sao lòng các con lại sinh nghi? Hãy nhìn tay Ta và chân Ta, để nhận rõ chính là Ta đây!” (Lc 24,38-39). Các vết thương cũng chứng minh chắc chắn, Đấng các Tông Đồ trông thấy là ai (xem: Ga 20,24-29). Các cử chỉ thân xác có tác dụng như là những dấu chỉ nhận diện (xem: Lc 24,30-31.35) Maria thành Magđala[24] nhận ra Chúa Giêsu qua giọng nói bất biến của Ngài (Ga 20,16). Trong khi giảng, các Tông đồ cũng thường nhắc tới việc đã cùng ăn cùng uống với Chúa sau khi Ngài sống lại như một bằng chứng chứng minh thực trạng sống lại (xem: Cv 10,41). Tất cả những điều đó chứng minh sự thật thà của các nhân chứng Chúa sống lại, là Ngài đã sống lại và sống mãi “với chính thân xác của Ngài”, nhờ thân xác đó mà Maria đã đón tiếp được Ngài và cũng qua thân xác đó mà Ngài đã chung sống với những nhân chứng của Ngài.

c) Điểm thứ ba: qua sự sống lại của Chúa mà chúng ta biết được về sự sống lại của chúng ta, đó là cái “hoàn toàn khác” của cùng một thân xác sau khi đã sống lại. Những hình ảnh quen thuộc: không nhận ra (“Đôi mắt bị cản trở, làm họ không nhận ra được Ngài” Lc 24,16); không lệ thuộc không gian (xem: Ga 20,21; Lc 24,31); sự gần gũi nhiệm mầu mà vẫn xa lạ (xem: Ga 21). Căn cứ vào Đức Kitô mà Thánh Phaolô đã gọi đó là “thân xác thần khí”, thay cho “thân xác vật lý”. Thân xác trần thế là thân xác “có hồn”, còn thân xác sống lại là thân xác “có thần”, hoàn toàn thấm nhập bởi Thánh Linh. Sự “thần khí hóa” này không thể lẫn lộn với “tâm linh hóa” theo quan niệm Duy Trí được. Thân xác đích thực này của tôi sẽ được sống lại nhờ Thánh Linh, được “đầy tràn” Thánh Linh. “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự tong anh em, mà làm cho thân xác phải chết của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).

Nhưng làm sao phần thân xác vật chất, trần tục, tạm bợ này lại có thể sống vĩnh cửu được? Nhóm Duy Trí vào thế kỷ thứ hai rất ưa trưng dẫn lời Thánh Phaolô, và coi đó như là một trong những lý chứng quan trọng nhất cho quan niệm “tâm linh hóa” của họ về sự sống lại: “Xác thịt không thể thừa hưởng được Nước Thiên Chúa, cũng như cái hủy hoại không thể thừa hưởmg được cái bất hủy” (1Cr 15,50).  [25] Những lời lẽ đó có vẻ loại hẳn sự sống lại phần xác của một người cụ thể “bằng thịt bằng máu” ra ngoài. Sau cái lý chứng rút ra từ Kinh Thánh đó, có tiềm tàng niềm xác tín của thuyết Duy Trí như sau: Trên nguyên tắc, nếu chỉ có chất thể mà thôi, thì chất thể không có khả năng “lãnh nhận sự cứu độ”. Nó tự giới hạn chính mình và không thể vượt qua ngưỡng cửa để vào đời sau. Con đường đến đó buộc phải giã từ chất thể. Trái lại, niềm tin vào sự sống lại về phần xác lại có liên hệ mật thiết với sự khẳng định: chất thể cũng là thụ tạo tốt lành của Chúa, chất thể có thể là “kẻ gánh vác” thần khí sinh động. Trong cuộc tranh luận với thuyết Duy Trí, Thánh Irênêô đã đưa ra một lý chứng rất giá trị, để chống lại lối nhìn “hạn hẹp” về chất thể. Điều đáng lưu ý là cũng có những chất thể sinh động, như tất cả những gì có sự sống đều chứng minh rõ ràng điều đó. Chất thể đó sinh động là vì nó tiếp nhận được sự sống. Như thế, “xương thịt” cũng đón nhận được sự sống: “Nếu sự sống hiện tại yếu hơn sự sống vĩnh cửu gấp bội mà còn đủ khả năng làm hồi sinh được những chi thể dễ chết, thế thì tại sao sự sống vĩnh cửu có khả năng nhiều hơn gấp bội, lại không thể làm hồi sinh được thân xác này vốn đã tập và cũng đã quen mang sự sống trong mình?”.[26]

d) Nhưng chúng ta vẫn còn thắc mắc chưa rõ sống lại phần xác sẽ như thế nào đây. Một lần nữa nếu căn cứ vào Chúa Giêsu Kitô, chúng ta có thể nói được rằng: Nếu Chúa Giêsu là Lời vĩnh cửu của Đức Chúa Cha, đã mặc lấy xác phàm, thì thân xác dễ chết của chúng ta cũng có thể đón nhận được Lời Chúa và Thần Khí của Ngài. Thực trạng Chúa xuống làm người là lời bảo đảm chắc chắn nhất cho sự sống lại đích thực phần xác. “Chúa trong xác phàm” là lời đoan hứa, xác phàm cũng sẽ sống trong Chúa. Như thế, không phải lúc Chúa Giêsu sống lại mới là lúc khởi điểm cho sự sống lại của chúng ta mai sau, nhưng thực ra ngay từ khi Con Thiên Chúa xuống làm người, nhờ Ngài mặc lấy xác phàm dễ chết của chúng ta, mà xác phàm đó đã được trở nên “phần gia nghiệp của Chúa”. Thánh Irênêô còn nói thêm: “Tuy thân xác tự mình không thể thừa hưởng được Nước Trời, nhưng hiển nhiên nhờ Thần Khí mà được thừa hưởng Nước Trời.[27]

Niềm tin vào sự sống lại phần xác bắt nguồn từ Chúa Giêsu Kitô, là Lời Chúa đã mặc lấy xác phàm, đã tử nạn, đã được mai táng và đã phục sinh. Vì thế, niềm tin vào sự sống lại phần xác cũng sống động như là đức tin vào chính Chúa Giêsu Kitô: “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì đức tin của anh em sẽ thành rỗng tuyếch, mà anh em cũng vẫn còn trong tội lỗi” (1Cr 15,17).

Đức tin là một cơ thể toàn vẹn. Khi một chi thể bị yếu, sớm muộn gì các chi thể khác cũng sẽ bị mất sức theo. Niềm tin vào sự sống lại phần xác cuối cùng rồi cũng lệ thuộc vào đệ nhất tín điều chi phối các tín điều khác, đó là: Thiên Chúa sáng tạo tất cả mọi loài, vô hình cũng như hữu hình. Niềm tin vào sự sống lại phần xác đặt nền tảng trên niềm tin: tất cả những gì hiện hữu, dù tinh thần hay là chất thể, đều do Chúa tạo nên và đều vừa ý Ngài, do đó, không có một tác phẩm nào của Ngài sẽ thành uổng công. Nếu Chúa sáng tạo mọi loài để làm sáng danh Ngài, thì thân xác tôi đây cũng được chỉ định rao truyền vinh quang Ngài. Nền thần học của Thánh Irênêô vào thời Giáo Hội sơ khai, cũng đã nhấn mạnh tới mối liên hệ này. Tin vào Chúa Sáng Tạo là điều kiện để tin vào kẻ chết sống lại:

“Ai chỉ để ý tới sự bất lực của thân xác, mà không lưu tâm tới sức mạnh của Đấng làm cho kẻ chết sống lại, là kinh thường quyền năng Thiên Chúa… Vì nếu Thiên Chúa không làm cho cái đã chết sống lại được, không dẫn cái hủy hoại tới cái bất hoại được, thì Ngài đâu còn là toàn năng. Vì Ngài toàn năng trong mọi việc, nên chúng ta phải học nhận biết ngay từ nguồn gốc chúng ta, khi Ngài dùng bùn đất mà dựng nên loài người. Từ hư vô… mà dựng nên một người… còn khó hơn và phi lý hơn… là dựng nên một người đã có sẵn, bị tan biến trong lòng đất… rồi lại được tái tạo như mới”.[28]

 GIỮA CHẾT VÀ SỐNG LẠI

 Tín điều sống lại phần xác có liên quan mật thiết với tín điều về Giáo Hội. Trong một bản Tuyên Tín (Credo ) Ai Cập cổ xưa thấy có câu: “Tôi tin… Đức Chúa Thánh Thần và tin sự sống lại phần xác trong Hội Thánh Công giáo.”[29]G. Kretschmar đã bình luận về câu đó như sau: “Sống lại phần xác trong Hội Thánh” có nghĩa là “lời bảo đảm cứu rỗi rõ rệt, là niềm hy vọng của dân Chúa: những gì đã khởi sự trong Hội Thánh hôm nay, cũng sẽ được hoàn tất trong sự sống lại sau này “. [30]

Việc Chúa Giêsu sống lại đã khai mào cho sự sống lại chung của mọi người. Đức Kitô là “trưởng tử” của những kẻ sống lại từ cõi chết. Từ ngày đó “quyền năng sống lại của Ngài” (Pl 3,19) vẫn còn tiếp tục hoạt động. Quyền năng này sẽ tác động viên mãn trong ngày Đức Kitô trở lại và ngày sống lại tập thể. Tuy trong thời gian chờ đợi quyền năng đó vẫn hoạt động nhờ Thánh Linh, “là Đấng tiếp tục công trình Đức Kitô ở trần gian và hoàn tất mọi việc thánh hóa”.[31]Thời gian chờ đợi này là thời gian Giáo Hội trên đường hành hương. Trong Cánh Chung học, giáo huấn về những sự sau cùng, thấy có nhắc tới tình trạng đợi chờ là tình trạng của loài người giữa sự chết và sự sống lại. Người ta đã tranh luận rất nhiều về tình trạng đợi chờ này.[32] Đặc biệt giáo huấn về anima separata , tức về linh hồn lìa khỏi xác, đã gây nên sự chống đối dai dẳng lạ thường. Nhân danh sự hợp-nhất-xác-hồn nơi con người, có người đã chủ trương bỏ hẳn ý niệm về một linh hồn, do việc xác lìa khỏi hồn hay hồn lìa khỏi xác, bị coi là “tàn dư của Platon”, bị coi là “ngoại Kinh Thánh”; về điểm này người ta thường bị lầm lạc khi dựa vào Thánh Thoma Aquinô.[33] Mới đây lại thấy bắt đầu việc “tái khám phá linh hồn” trước tiên trong Triết học,[34] rồi sau đó cũng lan sang Thần học,[35] dù mới là những bước dò dẫm gần như còn lúng túng.[36]

Giáo huấn công giáo cổ điển cũng dạy rằng cái chết sẽ tách biệt linh hồn ra khỏi xác. Linh hồn bất tử không có xác sẽ tạm dung trong một “tình trạng đợi chờ”, tình trạng này vẫn còn ngăn cách không để linh hồn hợp nhất với thân xác, cho tới ngày kẻ chết sống lại tập thể. Phải mất một thời gian khá lâu, giáo huấn của Giáo Hội về “tình trạnh đợi chờ” mới có được một cái khung rõ ràng. Rõ ràng nhất là trong Tông hiến Benedictus Deus (Benedictô XII, 1334): chúng ta thấy được diễn tả như sau:

 “Linh hồn của tất cả các Thánh… đã, đang và sẽ lên trời rồi vào Thiên Đàng, ngay sau khi các ngài qua đời hay là sau khi cá nhân đã được thanh luyện, nếu cần; và như thế ngay cả trước khi linh hồn tái hợp với thân xác các ngài, cũng như ngay cả trước khi biến cố phán xét chung xảy đến, nhưng là sau khi Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đã về trời. Sau cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, các ngài đã và đang trực tiếp chiêm ngắm Thiên tính diện đối diện… Trong sự chiêm ngắm này các ngài sẽ được thưởng thức no đầy Thiên tính. Nhờ sự chiêm ngưỡng và thưởng thức này, linh hồn những kẻ đã chết sẽ được hạnh phúc đích thực vì được sống và an nghỉ muôn đời… Sự chiêm ngưỡng và thưởng thức này tồn tại không gián đoạn, không giảm suy và kéo dài cho tới ngày phán xét và từ đó cho đến muôn đời”. [37]

 Để tiếp tục cố gắng trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi xin trở lại công thức Tuyên Tin (Credo ) cổ điển vừa nói trên: “Tôi tin… sự sống lại phần xác trong Hội Thánh Công giáo”. Ý nghiã của “sự sống lại ngày sau hết” sẽ khai mở cho chúng ta một lối nhìn mới, nếu chúng ta không quan sát sự sống lại một cách biệt lập, nhưng là trong tương quan với mầu nhiệm Giáo Hội.

Giữa những người lữ hành trong đức tin và những kẻ đã an nghỉ trong Chúa có điểm gì chung nhau? Thưa, có hai: Chúng ta cùng thuộc một Giáo Hội và cùng chưa được sống lại về phần xác. Tất cả những người cùng tin vào Đức Kitô và cùng có Thần Khí của Ngài tạo thành một Giáo Hội, dù là đang hành hương trên trần thế hay là đã ly trần, dù là đang được thanh luyện hay là đã được vinh hiển và chiêm ngắm tỏ tường Ba Ngôi. [38]

Giáo Hội duy nhất trên trời cũng như dưới thế đều có một điểm chung, đó là các phần tử của Giáo Hội này (trừ Đức Trinh Nữ Maia) chưa được hưởng vinh quang do việc sống lại phần xác. Quyền năng sống lại của Đức Kitô đã hoạt động trong cả ba tình trạng với những mức độ khác nhau. Ngay trong cuộc sống trên trần gian mau chết này, sự sống lại của Đức Kitô cũng đã ảnh hưởng ít nhiều tới sự biến hình của thân xác chúng ta, như đã xẩy ra nhãn tiền nơi nhiều vị Thánh. Tính cách dòn mỏng của sự sống phần xác nhắc nhở cho biết, sự sống lại toàn phần vẫn chưa hoàn tất. Trong tình trạng thanh luyện (“Luyện tội”) vì không còn thân xác nữa, nên linh hồn lúc đó mới thấy được sự bất lực của mình trong việc tự thanh luyện. Tình trạng không còn thân xác đó và niềm khát vọng được sống lại phần xác làm cho linh hồn lại càng đau khổ hơn. Linh hồn của những người đã được chiêm ngưỡng Chúa thì được tràn đầy vinh phúc Chúa. Nhưng những linh hồn ấy vẫn khao khát được sống lại, không phải vì mình thiếu thốn, nhưng vì được kết hợp với Chúa thâm sâu hơn, nên các linh hồn ấy mong cho nước Ngài trị đến, nước đó sẽ hoàn tất trong cuộc chiến thắng kẻ thù cuối cùng là sự chết (xem: 1Cr 15,27) nghiã là trong sự sống lại của kẻ chết.

Những linh hồn được kết hợp với Đức Kitô trong niềm vinh phúc (các “Thánh trên tầng trời”) sẽ cộng tác không ngừng với Ngài trong việc xây dựng thân thể Ngài, để cứu độ nhân loại. Khát vọng được sống lại phần xác của các linh hồn không phải là niềm hy vọng vào việc cá nhân mình sẽ được hạnh phúc hơn. Đã được chiêm ngưỡng Chúa hằng sống, thì còn đạt đến cái gì hơn nữa đây? Các linh hồn không hy vọng vào sự sống lại đặc biệt, nhưng vào “sự sống lại thân xác”, nghiã là vào việc hoàn tất cái đã bắt đầu dứt khoát qua sự sống lại của Chúa Giêsu. Các linh hồn hy vọng vương quốc cứu độ của Đức Kitô sẽ được thiết lập toàn vẹn. Chỉ khi nào tất cả đã tùng phục Đức Kitô và khi Ngài đã phá hủy tất cả quyền năng và bạo lực (xem: 1Cr 15,24), thì lúc đó sự sống lại của Đức Kitô mới thực sự toàn thắng vĩnh viễn trong việc sống lại của tất cả những loài có xương thịt. Nghiã là chỉ khi nào “Thiên Chúa trở nên tất cả trong mọi sự” (1Cr 15,28). Đó là điều các Thánh trên trời khao khát; đó cũng chính là sự sống lại của các Ngài. Khi chúng ta cầu xin cho nước Chúa trị đến, là chúng ta cũng cầu xin cho việc đó.

 KHÁT VỌNG CỦA MỌI LOÀI THỤ TẠO

 Tín điều “sống lại phần xác” đã dẫn đưa chúng ta vào trung tâm của toàn bộ niềm tin và niềm hy vọng Kitô giáo. Chỉ trong cái toàn bộ này mà mỗi tín điều mới được sáng sủa và có ý nghiã. Chúng ta hãy tóm lại những điểm quan trọng, mà chúng ta vừa cố gắng bàn qua một cách đơn sơ nghèo nàn ở trên.

Khởi điểm và chung cục đã gặp nhau. Đức tin vào Chúa Sáng Tạo là điều kiện để tin vào sự sống lại. Ngài đã tạo dựng vũ trụ và trong vũ trụ là con người với hồn và xác, đã tạo dựng làm sao, để họ có thể được tham dự vào sự sống của Ngài. Ngay cả thân xác mau chết của chúng ta cũng đã được dựng nên để được sống đời đời.

Sự sống lại của Đức Kitô là khởi điểm cho việc sống lại của mọi kẻ chết. Sự sống lại đó sẽ là chiến thắng dứt khoát trên sự chết. Chiến thắng này đã được quyết định dứt khóat nhờ sự sống lại của Đức Kitô. “Toàn thắng đã dập vùi sự chết. Tử thần ơi, chiến thắng của ngươi đâu? Tử thần ơi, đòn vọt của ngươi đâu?” (1Cr 15,54-55). Tất cả chúng ta còn phải “chờ đợi” cho tới ngày chiến thắng này được công khai, khi Đức Kitô tái giáng và khi mọi kẻ chết sống lại.

Khoảng cách giữa biến cố Đức Kitô sống lại và cuộc sống lại của kẻ chết là một khoảng thời gian đợi chờ lâu dài lịch sử. Tất cả chúng ta, dù là lữ hành trên đường dương thế hay là đã an nghỉ, một cách nào đó đều còn đang trong “tình trạng đợi chờ”; tùy “tình trạng” trong Giáo Hội (đang lữ hành, còn thanh luyện hay đã vinh hiển) mà khác biệt nhau. Nhưng căn bản vẫn là cùng đợi chờ và cùng hy vọng một ngày nào đó vương quốc Đức Kitô sẽ được hoàn tất.

Chỉ khi nào Đức Kitô thống trị toàn diện, thì lúc đó thân thể Ngài trong mọi chi thể mới được trọn vẹn. Chúng ta tuyên xưng đức tin chúng ta về việc kẻ chết sống lại. Nghiã là qua đó chúng ta cũng tuyên xưng: Chúng ta “đang mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta”.[39] Sự trở lại này sẽ là sự sống lại vinh quang của chúng ta – ước gì sống lại để sống chứ không phải để bị luận phạt! (xem: Ga 5,29) – và là khát vọng của mọi loài thụ tạo.

 

Joses Vũ xuân Huyên chuyển ngữ


[1] De resurrectione carnis 1 (PL 2, 795B).

[2] Enarrationes in Psalmos 88, II, 5 (CCL 39, 1237, 56-65).

[3] Kinh Tin Kính này là bản tuyên tín của CĐ Constantinốp (381) về Thiên Chúa Ba Ngôi, nhằm chống lại lạc thuyết muốn chối bỏ Thiên tính của Ngôi Ba. Qua tuyên tín này CĐ Constantinốp đã bổ túc tuyên tín của CĐ Nicea (325) là tuyên tín nhằm chống lại lạc thuyết Ariô muốn chối bỏ Thiên tính của Ngôi Hai – Ghi chú của người dịch

[4] Xem thêm bài viết của G. Kretschmar, Auferstehung des Fleisches. Zur Fruehgeschichte einer theologischen Lehrformel, trong: Leben angesichts des Todes. Beitraege zum theologischen Problem des Todes. Đặc phẩm mừng sinh nhật thứ 60 của Helmut Thielecke. Tuebingen 1968, tr. 101-137

[5] Ibid. tr. 108

[6] K. Schubert, Jesus im Lichte der Religionsgeschichte des Judentums. Wien 1973, tr. 170.

[7] Ibid. tr. 183t

[8] Trong nền văn chương Tư Tế cổ thời đã thấy có quan niệm cho rằng cái chết sẽ tách rời thân xác với linh hồn. Cũng theo đó, sống lại là lúc tái hợp giữa thân xác với linh hồn; xem thêm: K. Schubert, Die Entwicklung der Auferstehungslehre von der nachexilischen bis zur fruehrabbinischen Zeit, trong: Biblische Zeitschrift 16 (1962), tr. 177-214.

[9] Những từ chưa thông dụng sẽ kèm tiếng Pháp hoặc Latinh trong ngoặc đơn. Gnosticisme bởi tiếng Hy Lạp “gnosis” (dt): tri thức, sự nhận biết. Thuyết này thịnh hành vào khoảng thế kỷ 1-4, có nhiều khuynh hướng khác nhau, nhưng cùng một điểm chung khi cho rằng: Sau khi triều thần sa ngã, “vương quốc sự sáng” đã bị phá hủy, trong vũ trụ và trong mỗi linh hồn chỉ còn lại những tia sáng nhỏ. Thời cánh chung, nhờ thuyết này lan rộng, mà các tia sáng ấy sẽ họp lại mà tái lập “vương quốc ánh sáng” cũ. Thuyết có tên “Gnosis” vì chủ trương: Nhờ “nhận biết” mà con người được cứu rỗi.- Ghi chú của người dịch

[10] ipsissima verba: Trong ngành chú giải J. Jeremias (*1900, Tin Lành Đức) đã khởi công đi tìm trong Tân Ước đâu là lời đích thực của Chúa Giêsu giữa những lời, mà theo ông, do người ta thêm vào. – Ghi chú của người dịch

[11] xem thêm: A. Feuillet, “Les trois grandes prophéties de la Passion et de la Résurrection des évangiles synoptiques, I: Authenticité substantielle et circonstances historiques des prophéties”, in: Revue Thomiste 67 (1967), tr. 533-560

[12] H. Schuermann đã viết rất khá trong cuốn sách của ông, nhan đề là Gottes Reich – Jesu Geschick. Jesu ureigener Tod im Lichte seiner Basileia-Verkuendigung. Freiburg 1983

[13] Xem phần thứ hai bài báo của A. Feuillet, Signification doctrinale des prophéties, trong: Revue Thomiste 68 (1968), tr. 41-74, chỗ này tr. 61

[14] Xin phép giới thiệu lời chú giải tuyệt vời về đoạn này của J.-M.van Cangh và M. van Esbroeck, La primauté der Pierre (Mt 16, 16-19) et son contexte judaique, trong: Revue Thomiste de Louvain 11 (1980), tr. 310-324

[15] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 48, 2

[16] Tân Ước để lại nhiều câu tiên báo việc Chúa sẽ trở lại trong một thời gian rất gần (xem: Mt 10,23; 16,28; Mc 13,9-13; 13,30-32; Lc 21,12-19…) Và trong thực tế, các giáo đoàn sơ khai cũng đã sống trong sự nôn nao chờ đợi này. Nhưng Giáo Hội đã trải qua gần 2.000 năm rồi. Vì thế, có nhiều tác giả cho rằng: Chúa Giêsu bị lầm (sic!) về điểm này. Đây là một trong những vấn đề gai góc nhất của ngành chú giải. – Ghi chú của người dịch

[17] Xem thêm bài viết rất hay của E. Keller, Eucharistie und Parusie. Liturgie- und theologiegeschichtliche Untersuchungen zur eschatologischen Dimension der Eucharistie. Fribourg 1989, tr. 14-17

[18] Về những lời hiện tại liên hệ tới sự sống lại này xin xem J. Kremmer, o. c. tr. 137-157.

[19] Xem thêm Chr. Schoenborn, Existenz im Uebergang. Pilgerschaft, Reinkarnation, Vergoettlichung. Einseideln-Trier 1987

[20] Cl.-H. Hunziger, Die Hoffnung angesichts des Todes im Wandel der paulinischen Aussagen, trong: Leben angesichts des Todes, o. c., tr. 69-88, chỗ này tr. 86, chú thích 32.

[21] Tuyên tín của Công đồng Lateranô VI năm 1215 (DS 801).

[22] Về những vấn đề căn bản của thuyết này hiện nay xin xem P. Koslowski (xb.), Gnosis und Mystik in der Gesichichte der Philosophie. Zuerich-Muenchen 1988

[23] Irênê thành Lyon, Adversus haereses V, 31, 2 (BKV II, tr. 234t.)

[24] Magđala là tên địa danh, không phải tên người: Mai đệ Liên, Madeleine, Magdalena như thường hiểu lầm. Thành phố ngư phủ này nằm ở bờ hồ Genesareth/ Tiberiat, phía Tây Bắc. Từ Nazaret xuống Capharnaum bắt buộc Chúa Giêsu phải đi ngang qua thành phố này. – Ghi chú của người dịch

[25] Cuộc tranh luận này đã được trình bày chính xác do Y. de Andia, Homo vivens. Incorruptibilité et divinisation de l’homme chez Irénée de Lyon. Paris 1986

[26] Irênêô thành Lyon, Adversus haereses V, 3, 3, bản dịch của H. U. von Balthasar, trong: Irenaeus, Geduld des Reifens. Einsiedel 1965, tr. 94. der Gegenwart. Darmstadt (2) 1989

[27] Ibid. V, 9, 4 (trong sách của Balthasar tr. 96).

[28] Ibid. V, 3. 2 (trong sách của Balthasar, tr. 93).

[29] Papyrus Dêr Balyzeh, trích dẫn theo G. Kretschmar, o. c., tr. 104

[30]. Ibid

[31] Kinh nguyện Thánh Thể IV

[32] Xem phần trình bày trong Cánh chung học của C. Pozo, Teología del más allá (B. A. C. 282). Madrid 1980, tr. 463-537

[33] Xem thêm bài viết của Markus Schulz SAC cũng trong số báo (IKathZ) này

[34]. Xem J. Seifert, Das Leib-Seele- Problem. Ein systematisch-kritischer Beitrag zur philosophischen Diskussion

[35] Xem: H. Sonnemans, Seele. Unsterblichkeit – Auferstehung. Zur griechischen und christlichen Anthopologie und Eschatologie. Freiburg 1984.

[36] Phần nào như thế trong W. Breuning (xb.), Seele. Problembegriff christlicher Eschatologie (QD 109).

Freiburg 1989

[37] DS 1000-1001

[38] Xem: Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 49; xem thêm: Chr. Schoenborn, Die Communio der drei kichlichen Staende, cũng trong tạp chí này số 17 (1988), tr. 8-20

[39]. Lời tiếp nối kinh Lạy Cha trong Thánh Lễ: “expectantes beatam spem et adventum Salvatoris nostri Jesu Christi”.