Phúc thực hành Lời Chúa (21.11 – Lễ Nhớ Đức Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thánh)

Lời Chúa: Dcr 2,14-17, Mt 12,46-50

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu 

46 Khi ấy, Đức Giê-su còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47 Có kẻ thưa Người rằng : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” 48 Người bảo kẻ ấy rằng : “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” 49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

 

 

Phúc thực hành Lời Chúa (21.11.2023)

Chữ linh (靈) trong Hán ngữ là một từ hội ý. Có nghĩa là tinh nhanh, là tinh thần, và là cái hồn (của sự việc).

Trên là bộ vũ (雨 – mưa); liền theo phía dưới là bộ khẩu (口口口 – miệng); và dưới cùng là chữ vu (巫 – cầu cúng) trong bộ công (工). Hội ý ám chỉ: Lời cầu mưa của ba cái miệng hợp lại sẽ linh ứng nhanh; nhờ lời cầu có hồn.

Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay (x. Mt. 12,46-50) cho thấy Chúa Giê-su khẳng định trong Nước của Thiên Chúa, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng niềm tin; gần gũi với Ngài không đương nhiên là bà con ruột thịt, mà chính là những ai sống theo thánh ý Chúa Cha; thực thi thánh ý Chúa thì sẽ trở nên người thân của Chúa. (x. Mt. 12,48-50). Từ đó, cho thấy tình máu mủ dù có thắm thiết đến đâu cũng không thể chặt chẽ bằng mối tình thiêng liêng được liên kết bằng tình yêu Chúa.

Trình thuật Tin Mừng cho thấy, Chúa Giê-su không coi nhẹ tình cảm gia đình tự nhiên, cũng không phải Ngài lãnh đạm với mẹ Ma-ri-a và anh em của Ngài, nhưng Ngài đã đề cao mối liên hệ thiêng liêng với mẹ Ma-ri-a và anh em của Ngài trong niềm tin và lòng yêu mến đối với Thiên Chúa.

Hôm nay, Giáo hội dâng lễ mừng kính Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thánh. Ta hãy cùng nhau chiêm ngắm mẹ Ma-ri-a; Mẹ chính là hình  mẫu của con người không hề bị giam hãm trong tình thân huyết tộc của kiếp người. Nhưng Mẹ luôn luôn lắng nghe thánh ý Chúa và Mẹ đã cưu mang Con Chúa. Nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột thịt với Chúa Giê-su được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe lời Chúa; Mẹ chỉ là mẹ Chúa Giê-su, bởi vì Mẹ là người đã tuyệt đối lắng nghe lời Chúa (x. Lc. 2,19.51)

Thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa !

Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin cho con thêm lòng mến tin Chúa thiết tha, thêm tình yêu mến Mẹ dạt dào và yêu thương tất cả mọi người. Amen.

CÁT BIỂN

Mẹ Maria – mẫu gương thực thi Thánh Ý (21.11.2022)

“Đức Giêsu giơ tay chỉ các môn đệ và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.”

Khi Chúa Giêsu đang giảng cho đám đông, thì có người chạy vào báo: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Chúng ta có thể mường tượng được đám đông đứng chung quanh Chúa đông đến độ nào, đến nỗi Mẹ Maria và anh em của Ngài không thể tiến lại gần được. Và Tin Mừng kể lại, Chúa Giêsu không tạm ngưng việc giảng dạy để ra gặp Mẹ và người thân, Ngài không chỉ không ra gặp, nhưng còn nói những lời như muốn chối bỏ mẹ và anh em của mình: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Nhưng ngay sau đó Chúa đã gián tiếp đề cao thân mẫu của Ngài trong việc lắng nghe và làm theo Lời Chúa dạy. Để qua đó, Ngài nhấn mạnh rằng: phàm ai thi hành ý muốn của Cha Ngài, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em của Ngài, là mẹ Ngài.

Để được trở nên là cha mẹ và là anh em với Chúa Giêsu, được gia nhập vào gia đình của Chúa Giêsu và được hưởng hạnh phúc đời đời với Ngài, thì chúng ta phải làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Đức Maria vừa là Mẹ Thiên Chúa, và cũng là mẫu gương cho chúng ta trong việc lắng nghe, suy niệm và làm theo thánh ý của Thiên Chúa.

Giáo Hội mừng lễ Đức Maria dâng mình trong Đền thờ là dịp tốt để mỗi người chúng ta cùng suy nghĩ lại về ơn gọi của mình, dù chúng ta đang sống trong bậc sống gia đình, bậc sống tu trì hay bậc sống độc thân. Suy niệm về ngày lễ này, ta thấy rằng mặc dù việc dâng mình của Mẹ tuy không phải do Mẹ chủ động, vì lúc đó Mẹ còn nhỏ, nhưng do tục lệ của người Do-thái là bất cứ trẻ nhỏ nào cũng được dâng vào đền thờ để được thánh hiến và sau đó sẽ ở lại đền thờ một thời gian để giúp việc và phục vụ các vị tư tế. Đồng thời, việc Đức Maria dâng mình trong đền thờ cũng là do ý muốn tốt đẹp của ông Gioakim và bà Anna, và đây chính là bước đầu tiên trong việc giáo dục đời sống đạo cũng như cho những dấn thân phục vụ Thiên Chúa của Mẹ sau này.

Mẹ Maria đã hoàn toàn thuộc trọn về Chúa. Mẹ đã được Thiên chúa chuẩn bị để lãnh nhận sứ mạng hết sức cao cả là trở thành Mẹ Ðấng Cứu Thế. Giây phút ấy trở thành hồng phúc vì chính Thiên Chúa đã biến cuộc đời của Mẹ trở nên tinh ròng, vẹn tuyền khiến cung lòng của Mẹ là đền thờ cho Ðức Giêsu Kitô ngự trị. Nơi đền thánh Giêrusalem, Mẹ Maria đã thực hành biết bao hy sinh, cố gắng, gian khổ với một tâm hồn quảng đại, với con tim nhạy cảm, với con mắt yêu thương. Một quá trình xuyên suốt sống trong đền thánh, Mẹ Maria đã thực hành biết bao nhiêu nhân đức, và Mẹ đã trở nên con người hoàn hảo nhất để dọn đường cho Đấng Kitô, được chọn làm Mẹ Thiên Chúa. Sự hy sinh, từ bỏ, kiên nhẫn đã thanh luyện Mẹ và nhờ được thanh luyện Mẹ trở nên ngôi đền thiêng liêng, xứng đáng cho Con Một Thiên Chúa đến cư ngụ.

Mẹ Maria được dâng hiến trong đền thờ là bước đầu khai mở cuộc đời tận hiến, dẫn tới đức khiết tịnh Kitô giáo. Mẹ Maria đã biến cuộc đời mình, đã biến cái tinh hoa cao quý nhất của cuộc đời mình làm cái phúc. Chính cái phúc là con đường hướng mẹ Maria tới việc vâng phục ý Thiên Chúa. Mẹ chấp nhận tất cả với tâm hồn rộng mở, tâm hồn quảng đại, quả cảm. Mẹ là mẫu gương tuyệt vời để nhiều người noi theo.

Là những người làm cha mẹ, ông bà, chúng ta cũng hãy noi gương thánh Gioakim và thánh Anna, song thân của Đức Maria. Đó là, ngay khi con cháu còn nhỏ, chúng ta hãy hướng dẫn chúng theo con đường lành thánh đạo đức. Nhất là khuyên dạy chúng siêng năng trong việc tham dự thánh lễ, học giáo lý, các giờ kinh gia đình và tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ. Vì nếu các em lơ là trong việc sống đạo, mà cha mẹ, ông bà chẳng khuyên răn, nhắc nhở hay cũng chẳng quan tâm gì đến chúng, thì thử hỏi, đời sống của các em sau này sẽ như thế nào? Chúng sẽ mang lại ích lợi gì cho Giáo Hội, cho xã hội?

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con cảm thấy hạnh phúc khi biết rằng mình vừa có một mái ấm gia đình trần thế, vừa có một đại gia đình thiêng liêng trong đó Thiên Chúa là người cha thân yêu của chúng con. Amen

Joston

Thi hành ý Chúa (21.11.2021)

Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Chúa Giê-su, đám đông dân chúng, và gia đình của Người. Khi Chúa Giê-su đang nói chuyện với dân chúng, thì có mẹ và anh em của Chúa đang đứng bên ngoài muốn gặp và nói chuyện với Người (x. Mt 12,46).

Qua đó, cho ta chiêm ngắm, và học theo cách thế Đức Mẹ thi hành theo ý muốn của Thiên Chúa. Mẹ giúp ta hiểu được Lời Chúa nói với mỗi người: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi… người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt. 12,49-50)

Cũng qua đó, Chúa Giê-su khẳng định trong Nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng có cùng một niềm tin; gần gũi với Ngài không đương nhiên là bà con ruột thịt, mà chính là những ai thực thi theo thánh ý Chúa.

Thật vậy, trong Giáo Hội, mọi người trở nên người chung một nhà, thân thiết với nhau, không hẳn do có liên hệ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin làm nên.

Vì lẽ đó, Mẹ Ma-ri-a trở nên Mẹ Thiên Chúa, bởi vì Mẹ đã mau mắn lắng nghe và sẵn sàng làm theo Lời Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chạy đến với Ðức Ma-ri-a là mẫu gương của việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa; để chúng con biết đón nhận tha nhân như người anh em trong cùng một gia đình của Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Những ai thuộc về gia đình Đức Kitô?

Tin mừng hôm nay, người Do Thái quan tâm đến những người trong gia đình của Chúa: “Mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia”. Nhưng Chúa Giêsu đã dạy cho mọi người hướng về gia đình Thiên quốc rộng lớn và hạnh phúc vĩnh cửu. Mỗi chúng ta phải cố gắng trở thành thành viên trong gia đình ấy: “Ai thi hành ý muốn của cha tôi,Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.

Nói về gia đình huyết nhục nơi trần thế, một tổ ấm Thiên Chúa đã tạo dựng ban đầu là ông bà Nguyên tổ. Là một xã hội đầu tiên được gắn bó ràng buộc, yêu thương. Nó bền vững đến nỗi tội nguyên tổ và lụt đại hồng thủy cũng không phá hủy nó được. Ở đó một bản năng tự nhiên cha mẹ yêu thương ấp ủ con cái vì là máu mủ ruột thịt của mình. Con cái yêu thương nhau vì cùng giống cha giống mẹ, cùng được yêu thương. Tình yêu cao quý ấy của gia đình, Hội thánh đã ví với hình ảnh của Thiên Chúa ba ngôi. Mà Chúa Giêsu đến trần gian cứu độ nhân lọai đã chọn sống trong gia đình ấy.

Thế mà hôm nay Chúa như phũ phàng với cha mẹ Ngài chăng? Không phải thế!Ngài không hề phủ nhận cái gia đình yêu thương mà Ngài đã và đang được sống với cha mẹ Ngài là Đức Mẹ và thánh Giuse. Nhưng Ngài lợi dụng tình yêu huyết nhục ấy để hướng mọi người đến một gia đình Thiên quốc rộng lớn hạnh phúc vĩnh cửu hơn. Chính sau này Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ kinh “Lạy cha” càng sáng tỏ điều ấy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Ta có thể đọc sát nghĩa hơn: “Lạy Thiên Chúa là bố mẹ của chúng con ở trên trời”. Mỗi lần cất lên kinh “Lạy Cha”là ta đã cảm thấy được nếm tình yêu gia đình thiên quốc đang ngay từ trần gian này. Đồng thời cũng nhận ra Thiên Chúa, người Cha quyền phép yêu thương mà không cha mẹ trần gian nào sánh được. Để rồi mọi người biết yêu thương nhau hơn.

Đọc lời Chúa hôm nay, mỗi chúng ta hãy nhìn lại gia đình mình xem có còn giữ được tình yêu ban đầu mà Chúa tạo dựng mong muốn không? Vì nếu có “thực thi ý Chúa Cha”, mình mới hy vọng được gia nhập gia đình Thiên Chúa. Ở đó sẽ hết mọi khổ đau: “chẳng còn phải cưới vợ gả chồng… ,người người nên như các Thiên Thần trên trời”(Mt 23,30). Ở đó cũng chẳng có kẻ ít người nhiều, kẻ sau người trước đều vui mừng lãnh một “quan tiền”(Mt 20,13) mà ông chủ rộng lượng ban cho. Tất cả như những ly nước, dù to nhỏ nhưng đều tràn trề niềm vui hạnh phúc bên Chúa, chẳng có cái gì làm cho ta vui sướng hơn được nữa.

Lạy Chúa! xin cho mỗi chúng con khi đang được hưởng tình yêu gia đình nơi cha mẹ, anh chị em ruột thịt trần thế, thì cũng nhận ra một đại gia đình mà Thiên Chúa, người Cha chờ đón chúng con trên trời. Nơi ấy mỗi chúng con phải phấn đấu bước tới.

 Ngọc Năng (BC)

Sống như Mẹ…

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giê-su đã xác quyết trước mặt mọi người phẩm vị cao cả của Mẹ Ma-ri-a khi Người trả lời cho đám đông rằng:

Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi…Đó là những ai thi hành thánh ý của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời (x. Mt 12,49-50).

Và qua đó, Chúa Giê-su đưa ra hình mẫu của Mẹ Ma-ri-a cho tất cả những ai muốn trở nên nghĩa thiết, trở thành người nhà của Thiên Chúa, đó là:

Sống vâng phục và thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha như Mẹ Ma-ri-a đã nêu gương.

Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ là Mẹ Ðấng Cứu Thế và là Mẹ chúng con. Mẹ đã thi hành trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa. Xin Mẹ thương dạy chúng con biết nhận ra thánh ý Chúa trong đời sống và khiêm nhu thực hiện trong mọi hoàn cảnh, để chúng con và tất cả những người chúng con gặp gỡ cũng cảm nếm được niềm vui của đại gia đình Chúa hôm nay và cho đến muôn đời. Amen.

CÁT BIỂN

Thi hành thánh ý Chúa Cha 

1. Ghi nhớ:

“Vì phàm ai theo hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,50)

2. Suy niệm:

Sau khi Mẹ Têrêsa được giải thưởng Hoà Bình, một ký giả người Mỹ đến Ấn độ để phỏng vấn Mẹ. Người ký giả đã tìm gặp được Mẹ Têrêsa ở đường phố Calcutta, đang phục vụ những người nghèo đói tật bệnh. Người ký giả ngỡ ngàng vì con số kẻ khó và người bệnh tật quá đông, ông ta hỏi Mẹ Têrêsa:

– Làm thế nào Mẹ có thể thành công trong vấn đề giúp đỡ người nghèo khó đông như thế này?

Sau một ít phút, Mẹ Têrêsa nhìn người ký giả trả lời:

– Chúng tôi không phục vụ để trông đòi thành công, chúng tôi phục vụ để làm chứng cho công việc của Chúa.

Qua mẫu gương Mẹ Thánh Têrêsa cho chúng ta nhìn thấy Mẹ Thánh đã thực thi lời Chúa Giêsu dạy: “ Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” qua những người nghèo khó, người bệnh tật cơ hàn.

Diễm phúc thay! Thiên Chúa ban cho con người sinh ra ai ai cũng có mẹ có cha, không có gì gần gũi khắng khít cho bằng tình mẹ tình cha, không một ai có thể thay thế cho con cái, anh chị em ruột thịt, “ lung linh lunh linh hai tiếng gia đình”. Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay những người cùng đi với Đức Mẹ, đây là những họ hàng, bà con của Chúa. Chúa Giêsu không lãnh đạm với thân mẫu Người, cũng không coi nhẹ những mối dây liên kết gia đình tự nhiên, nhưng Chúa nhấn mạnh những ai thi hành ý muốn của Cha là rao giảng và thiết lập nước Trời ở trần gian. Qua đó Chúa muốn khai mở gia đình thiêng liêng của mọi Kitô hữu. Với Thiên Chúa, mối dây liên kết đại gia đình chỉ cần một điều kiện duy nhất là “thi hành thánh ý Chúa Cha”. Đó là cơ sở của đại gia đình Giáo hội có nền tảng vững chắc.

Thật vậy, sống trên đời không ai là một hòn đảo. “Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi”. Con người ai ai cũng cần phải có những mối tương quan trong xã hội, hội đoàn, Huynh đoàn hay Giáo xứ. Những buổi nguyện kinh chung, học hỏi giáo lý, buổi họp hàng tháng là những tương quan trong mối dây liên kết của đại gia đình được Thiên Chúa mở rộng dang tay mời gọi và chúc phúc cho từng người. Nếu mỗi người biết sống hiệp nhất trong tình huynh đệ, biết yêu thương dùm bọc nhau. Đó cũng là lý do giúp mọi người hãnh diện là anh em con một Chúa, “ vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi” là chúng ta tìm được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

3. Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria! Qua lời cầu bầu của Mẹ xin cùng Thiên Chúa,  giúp chúng con thắng vượt bao cạm bẫy ba đào, học nơi Mẹ đức khiêm nhường cùng xin vâng, để thi hành theo Thánh ý Chúa Cha đã dạy chúng con. Amen.

M. Liên

 Hãy sống xứng đáng là con cái Chúa.

1. Ghi nhớ: “ Phàm ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi ”. (Mt 12,49).

2. Suy niệm: Đức Giêsu xuống thế làm người, Ngài sống với hai bản tính; Thiên tính và nhân tính, vì vậy Ngài cũng sống thân phận con người trong một gia đình tự nhiên, và bị ràng buộc với nhau bằng tình ruột thịt máu mủ. Bài Tin Mừng hôm nay, nghe Chúa hỏi: “ Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi? ” , đây là cách Đức Giêsu nhằm gây chú ý chứ Ngài không lãnh đạm với thân mẫu hay với gia đình tự nhiên của mình, mà qua đó Đức Giêsu muốn giới thiệu về gia đình thiêng thiêng. Gia đình mà mỗi người chúng là một thành viên qua Bí Tích Rửa tội, đó là tất cả những ngươi biết nghe Lời Chúa và thi hành ý Ngài. Đây thật là một diễm phúc thật lớn lao, mỗi người chúng ta hãy cùng với Mẹ Maria cảm nghiệm được diễm phúc được làm anh em với Chúa Giêsu để thánh hóa bản thân sao cho ngày càng thuộc gia đình thiêng liêng của Chúa hơn.

3. Sống Lời Chúa: Hãy sống xứng đáng là con cái Chúa.

4. Lời nguyện: Lạy Chúa, diễm phúc lớn nhất của chúng con là được làm con Chúa. Xin cho chúng con biết sống xứng đáng với diễm phúc mình đã lãnh nhận. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *