Sự công chính là không nhận của mình, cái gì không thuộc về mình (18.12.2017 – Mùa Vọng)

Lời Chúa: Mt 1,18-24

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22 Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà.

 

Ghi nhớ:

Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. (Mt 1,18)

Suy niệm:

Đức Maria mang thai là do quyền năng Thánh Thần đã ứng nghiệm sấm ngôn về Đấng Em-ma-nu-en. Còn ông Giuse, người trong dòng dõi Đa-vít, là chồng của Đức Maria, có nhiệm vụ nhận người con do Đức Maria sinh ra làm con của mình qua việc đặt tên cho con trẻ, nhờ thế Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Theo phong tục hôn nhận của dân Ít-sa-en thì khi đính hôn đã thành vợ chồng trước pháp luật, nhưng việc rước dâu thường cách xa lễ đính hôn, có khi cả năm trời. Thường thì hai người không chung sống trước khi rước dâu, nhưng giả như có con với nhau trong giai đoạn này, thì đứa con vẫn là hợp pháp. “Nhưng trước khi ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền Chúa Thánh Thần”. Tuy nhiên “ông Giuse là người công chính, không muốn tố giác bà Maria, nên mới định tâm bỏ bà một cách kín đáo”. Sự công chính của ông là ở chỗ “không nhận của mình, cái gì không thuộc về mình”, đồng thời ông tôn trọng điều ông không hiểu nơi Đức Maria, và chọn cách âm thầm bỏ đi. Còn nếu trước khi Thiên Thần báo tin cho ông biết sự thật, thì sự tôn kính của ông là tôn trọng mầu nhiệm Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Maria.

Và lời Thiên Thần nói với ông Giuse là một mầu nhiệm khó tin nổi, vì bà Maria đã có thai do quyền năng của thánh thần. Nhưng tiếng xin vâng của ông Giuse và bà Maria rất cần thiết và quan trọng của kế hoạch cứu độ, nhờ đó Con Chúa mới sinh xuống thế làm người. Dù sao lời Thiên Thần nói với ông Giuse cũng chính là nói với chúng ta, là để giải thích nguồn gốc sứ mạng của Chúa Giêsu: Người từ Thiên Chúa mà đến, sinh làm người trong dòng dõi Đa-vít để cứu dân Người khỏi tội lỗi.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Giuse đã để lại cho chúng ta những tấm gương như sau:

Một người luôn làm và tuân theo ý Thiên Chúa, người đã sống âm thầm hằng cầu nguyện và cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa Giêsu, biết lắng lo, hy sinh, khiêm nhường, chịu đựng gian nan khó khăn lo cho gia đình. Đúng là mẫu gương cho biết bao gia đình sống trong bậc làm chồng làm cha noi theo.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết noi gương Thánh Giuse, để chúng con biết sống cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, khiêm nhường, chịu đựng để lo toan dìu dắt cho gia đình, con cái, trở nên gương sáng như gia đình Thánh Gia theo thánh ý Thiên Chúa. Amen.
M.Liên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *