Chết vì yêu (29.03.2024 – Thứ Sáu Tuần Thánh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Is 52,13 – 53,12, Hr 4,14-16 ; 5,7-9, Ga 18,1 – 19,42

 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 18,1 – 19,42)

18 1 nk Khi ấy, Đức Giê-su đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kít-rôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với các môn đệ đi vào. 2 Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ. 3 Vậy, Giu-đa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu ; họ mang theo đèn đuốc và khí giới. 4 Đức Giê-su biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi :  “Các anh tìm ai ?” 5 nk Họ đáp : dc “Tìm Giê-su Na-da-rét.” nk Người nói :  “Chính tôi đây.” nk Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ. 6 Khi Người vừa nói : “Chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất. 7 Người lại hỏi một lần nữa :  “Các anh tìm ai ?” nk Họ đáp : dc “Tìm Giê-su Na-da-rét.” 8 nk Đức Giê-su nói :  “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi.” 9 nk Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói : “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai.”
10 nk Ông Si-môn Phê-rô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Man-khô. 11 Đức Giê-su nói với ông Phê-rô :  “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống ?”
12 nk Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Do-thái bắt Đức Giê-su và trói Người lại. 13 Trước tiên, họ điệu Đức Giê-su đến ông Kha-nan là nhạc phụ ông Cai-pha. Ông Cai-pha làm thượng tế năm đó. 14 Chính ông này đã đề nghị với người Do-thái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn.
15 nk Ông Si-môn Phê-rô và một môn đệ khác đi theo Đức Giê-su. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Đức Giê-su vào sân trong của tư dinh vị thượng tế. 16 Còn ông Phê-rô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phê-rô vào. 17 Người tớ gái giữ cổng nói với ông Phê-rô : m “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao ?” nk Ông liền đáp : m “Đâu phải.” 18 nk Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó ; ông Phê-rô cũng đứng sưởi với họ. 19 Vị thượng tế tra hỏi Đức Giê-su về các môn đệ và giáo huấn của Người. 20 Đức Giê-su trả lời :  “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do-thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. 21 Sao ông lại hỏi tôi ? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì.” 22 nk Đức Giê-su vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói : m “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư ?” 23 nk Đức Giê-su đáp :  “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào ; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi ?” 24 nk Ông Kha-nan cho giải Người đến thượng tế Cai-pha, Người vẫn bị trói.
25 nk Còn ông Si-môn Phê-rô thì vẫn đứng sưởi ở đó. Người ta nói với ông : m “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của ông ấy sao ?” nk Ông liền chối : m “Đâu phải.” 26 nk Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phê-rô chém đứt tai, lên tiếng hỏi : m “Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn với ông ấy sao ?” 27 nk Một lần nữa ông Phê-rô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy.
28 nk Vậy, người Do-thái điệu Đức Giê-su từ nhà ông Cai-pha đến dinh tổng trấn. Lúc đó trời vừa sáng. Nhưng họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được. 29 Vì thế, tổng trấn Phi-la-tô ra ngoài gặp họ và hỏi : m “Các người tố cáo ông này về tội gì ?” 30 nk Họ đáp : dc “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan.” 31 nk Ông Phi-la-tô bảo họ : m “Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người.” nk Người Do-thái đáp : dc “Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả.” 32 nk Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói, khi ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.
33 nk Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su và nói với Người : m “Ông có phải là vua dân Do-thái không ?” 34 nk Đức Giê-su đáp :  “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi ?” 35 nk Ông Phi-la-tô trả lời : m “Tôi là người Do-thái sao ? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì ?” 36 nk Đức Giê-su trả lời :  “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” 37 nk Ông Phi-la-tô liền hỏi : m “Vậy ông là vua sao ?” nk Đức Giê-su đáp :  “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” 38 nk Ông Phi-la-tô nói với Người : m “Sự thật là gì ?”
nk Nói thế rồi, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ : m “Phần ta, ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy. 39 Theo tục lệ của các người, vào dịp lễ Vượt Qua, ta thường tha một người nào đó cho các người. Vậy các người có muốn ta tha vua dân Do-thái cho các người không ?” 40 nk Họ lại la lên rằng : dc “Đừng tha nó, nhưng xin tha Ba-ra-ba !” nk Mà Ba-ra-ba là một tên cướp.
19 1 nk Bấy giờ ông Phi-la-tô truyền đem Đức Giê-su đi và đánh đòn Người. 2 Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. 3 Họ đến gần và nói : dc “Kính chào Vua dân Do-thái !”, nk rồi vả vào mặt Người.
4 nk Ông Phi-la-tô lại ra ngoài và nói với người Do-thái : m “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy.” 5 nk Vậy, Đức Giê-su bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Phi-la-tô nói với họ : m “Đây là người !” 6 nk Khi vừa thấy Đức Giê-su, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng : dc “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá !” nk Ông Phi-la-tô bảo họ : m “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy.” 7 nk Người Do-thái đáp lại : dc “Chúng tôi có Lề Luật ; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa.”
8 nk Nghe lời đó, ông Phi-la-tô càng sợ hơn nữa. 9 Ông lại trở vào dinh và nói với Đức Giê-su : m “Ông từ đâu mà đến ?” nk Nhưng Đức Giê-su không trả lời. 10 Ông Phi-la-tô mới nói với Người : m “Ông không trả lời tôi ư ? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao ?” 11 nk Đức Giê-su đáp lại :  “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn.”
12 nk Từ đó, ông Phi-la-tô tìm cách tha Người. Nhưng dân Do-thái kêu lên rằng : dc “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xê-da.” 13 nk Khi nghe thấy thế, ông Phi-la-tô truyền dẫn Đức Giê-su ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên toà, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Híp-ri là Gáp-ba-tha. 14 Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Phi-la-tô nói với người Do-thái : m “Đây là vua các người !” 15 nk Họ liền hô lớn : dc “Đem đi ! Đem nó đi ! Đóng đinh nó vào thập giá !” nk Ông Phi-la-tô nói với họ : m “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao ?” nk Các thượng tế đáp : dc “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da.” 16 nk Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá.
nk Vậy họ điệu Đức Giê-su đi. 17 Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha ; 18 tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa. 19 Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá ; bảng đó có ghi : “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái.” 20 Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giê-su bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng : Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp. 21 Các thượng tế của người Do-thái nói với ông Phi-la-tô : m “Xin ngài đừng viết : ‘Vua dân Do-thái’, nhưng viết : ‘Tên này đã nói : Ta là Vua dân Do-thái’.” 22 nk Ông Phi-la-tô trả lời : m “Ta viết sao, cứ để vậy !”
23 nk Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần ; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. 24 Vậy họ nói với nhau : m “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” nk Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh : Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm.
25 nk Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng :  “Thưa Bà, đây là con của Bà.” 27 nk Rồi Người nói với môn đệ :  “Đây là mẹ của anh.” nk Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
28 nk Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói :  “Tôi khát !” 29 nk Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. 30 Nhắp xong, Đức Giê-su nói :  “Thế là đã hoàn tất !” nk Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
(quỳ gối thinh lặng trong giây lát)31 nk Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. 32 Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. 33 Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. 34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. 35 Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực ; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. 36 Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh : Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. 37 Lại có lời Kinh Thánh khác : Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
38 nk Sau đó, ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xếp này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xếp đến hạ thi hài Người xuống. 39 Ông Ni-cô-đê-mô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. 40 Các ông lãnh thi hài Đức Giê-su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái. 41 Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. 42 Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó.

Chết vì yêu (29.03.2024)

 Thứ Sáu tuần Thánh, ngày tưởng niệm Chúa Giêsu chịu treo trên cây Thánh Giá và chết vì chúng ta. Trên đồi Gongôtha năm ấy, Chúa đã giang tay ôm cả nhân loại trong vòng tay yêu thương của Ngài. Cụ thể là ôm tất cả loài người tội lỗi vào sát trái tim đang mở rộng và đã đổ hết chút máu và nước cuối cùng cho chúng ta…

Cái chết của Chúa là một cái chết đau thương, âm thầm, và nhục nhã … Một cái chết không có vòng hoa, chẳng có vòng cườm, và cũng chẳng có ai để tang.
Một cái chết không kèn, không trống, không người đốt cho một nén nhang, cũng chẳng ai thắp cho một ngọn nến….

Nhìn lên Thánh Giá, chúng ta thấy hai điều trái ngược: Đấng vô tội, lại bị vu cáo; Đấng công chính, lại bị kết án; Đấng vô cùng thánh thiện, lại bị đày ải; Đấng cao sang vô cùng trên trời dưới đất, lại bị hành hạ, bị đóng đinh chết; Đấng toàn năng, phép tắc vô cùng, lại bị sĩ nhục; Đấng giàu có vô cùng, lại bị trần truồng nhuốc hổ; Đấng sáng láng vô cùng, lại bị tối tăm vây phủ; Đấng là sự sống, thì nay lại tắt thở và chết….

Vậy mà ngày hôm nay, hay nói đúng hơn, suốt hơn hai mươi thế kỷ nay, biết bao nhiêu con người đã, đang và vẫn còn phải ngậm ngùi, rơi lệ, không cầm được sự xúc động mỗi khi tưởng nhớ đến cái chết này.

Tại sao? Tại sao thế?

Câu trả lời: Vì đó là một cái chết đẹp, đẹp tuyệt vời. Dĩ nhiên là không đẹp ở hình thức bên ngoài nhưng lại rất đẹp ở nội dung, ở ý nghĩa. Bởi vì đây là một cái chết của Con Một Thiên Chúa – đã tự nguyện hy sinh để chuộc tội cho cả loài người…

Trong bài thánh thi “Adoro te devote“, thánh Tôma Aquinô đã dùng hình ảnh bồ nông để nói về Chúa Giêsu Kitô:

Lạy Chúa Giêsu là như chim mẹ nuôi con,

xin rửa sạch con bằng Máu Thánh Chúa.

Vì chỉ một giọt máu Chúa

cũng đủ làm cho tội cả loài người được sạch trong.

Truyền thuyết về chim bồ nông mà thánh Tôma Aquinô nói đến được tìm thấy trong tác phẩm Physiologus. Đây là một tác phẩm Kitô giáo thời Giáo hội sơ khai xuất hiện vào thế kỷ II ở Alexandria, Ai Cập. Tác phẩm được viết bởi một văn sĩ ẩn danh. Physiologus đã ghi lại những truyền thuyết về động vật và đưa ra lối giải thích mang tính ngụ ngôn. Trong tác phẩm này, có ghi lại truyền thuyết về bồ nông mẹ nuôi đàn con nhỏ, được mô tả như sau: ” Bồ nông con tấn công bố mẹ chúng vì đói. Vào ngày thứ ba, bồ nông mẹ đã mở cạnh sườn để máu của nó chảy ra nuôi sống đàn con đang sắp chết. Nhờ thế, đàn bồ nông con được phục hồi và mạnh khỏe…

Hình ảnh này giúp chúng ta liên tưởng đến tình yêu của Đức Giêsu: Niềm vui của chim bồ nông mẹ là niềm vui của hy sinh tự hiến. Niềm vui của đàn bồ nông con là niềm vui của nhận lãnh dồi dào. Chim mẹ đau mà vẫn vui vì biết rằng nỗi đau của mình đem lại cho chim con sự sống. Chim mẹ chẳng cần đắn đo suy tính xem sự hy sinh của mình có được chim con biết đến hay không. Đó là sự hy sinh không đòi điều kiện, không mong đáp đền. Sự hy sinh ấy nói với ta về huyền nhiệm của tình yêu thương. Thánh Gioan kể lại, khi Người đã chết trên thập giá, những người lính lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra. Đức Giêsu đã hy sinh mạng sống mình vì tình yêu thương nhân loại. Máu và nước chảy ra là bằng chứng của một tình yêu bao la, tự hiến hy sinh cho đến cùng. Máu và nước cũng là tượng trưng cho bí tích Thanh tẩy và bí tích Thánh Thể. Các tín hữu được sinh ra và được nuôi dưỡng từ trái tim bị đâm thâu qua của Đức Giêsu. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu là suối nguồn hạnh phúc cho con người. Biết bao người đến với Chúa đã tìm được sự ủi an và sức mạnh siêu nhiên để tiếp tục bước đi dầu cuộc đời còn nhiều cay đắng. Thập giá là trường dạy khiêm nhường, là mẫu mực của tình bác ái.

Như chim bồ nông mẹ hiến mình cho đàn chim con được sống, Đức Giêsu đã mở trái tim của Người để chúng ta được đón nhận sự sống siêu nhiên.

Giảng trong Thánh lễ sáng thứ ba ngày 15/03/2016, tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nếu muốn biết ‘câu chuyện tình’ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, chúng ta phải ngắm nhìn Thánh Giá, nơi ấy có một vị Thiên Chúa đã hoàn toàn ‘trút bỏ vinh quang’, sẵn sàng bị ‘vấy bẩn’ bởi tội lỗi con người để cứu con người khỏi chết”.

Thật không thể hiểu nổi Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào. Người đã yêu chúng ta bằng tình yêu vô bờ bến, tình yêu thương xót và thứ tha, khi phải mang trên mình biết bao đau khổ vì tội lỗi chúng ta. Bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Chúa được Isaia mô tả: “Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến người.

Thật sự, Chúa đã mang lấy tất cả mọi tội lỗi của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Vì thế Người đã bị tan nát xác thân, bị đau đớn trong lòng, bị đâm thủng trái tim vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành.

Lạy Chúa Giêsu chí thánh,Vua của Tình Yêu,

Ngày hôm nay, khi con nhìn lên đồi Can-vê, chiêm ngắm cái chết đau thương của Chúa, con thấy giữa tận cùng của khổ đau, vẫn ánh lên niềm hy vọng. Chúa bảo “khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Và khi một trong hai tên trộm cướp đã thống hối và tin tưởng vào Chúa, thì Chúa đã hứa với anh: “Hôm nay, anh sẽ ở cùng Ta trên thiên đàng”. Vâng, không bao giờ là muộn màng cả. Chỉ cần con quay trở về với Chúa. Chỉ cần con nhận ra Chúa là chủ đời con và nhận ra thân phận yếu hèn của mình, con sẽ tìm được hạnh phúc và bình an.

Lạy Chúa, trên chặng đàng thánh giá, Chúa đã ngã xuống nhiều lần. Thế nhưng, Chúa vẫn đứng dậy để đi đến cuối hành trình. Chúa đã hoàn tất cuộc vượt qua để cứu độ con. Xin cho con luôn bước đi với Chúa. Giữa muôn vàn thử thách của cuộc sống, nhiều lúc con cũng thấy chán nản và muốn buông xuôi. Xin cho con luôn hướng nhìn lên Chúa mà tiến bước. Con tin rằng qua đau khổ sẽ tới vinh quang, qua sự chết sẽ là bến bờ của Phục sinh. Xin cho tất cả nhân loại chúng con đừng bao giờ thất vọng bỏ cuộc, nhưng luôn đặt hết niềm tin tưởng ở Chúa. Chắc chắn, chúng con sẽ thực sự được sống lại với Chúa. Nguyện danh Cha cả sang, nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, khi suy niệm về mầu nhiệm tự hủy của Chúa, khi chiêm ngắm Chúa chịu treo thên Thánh Giá vì chúng con, xin Chúa cho chúng con khi nhìn lên Thánh giá Chúa, biết khám phá ra rằng Thiên Chúa đã chết chỉ vì yêu, từ đó xin cho chúng con biết yêu thương nhau để chứng tỏ rằng chúng con yêu Chúa, vì đó là cốt lõi của Đạo Tình Yêu. Amen.

Têrêsa Hảo

Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa (07.04.2023)

Dù đã trải qua hai ngàn năm, những trang Kinh Thánh ghi lại cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu vẫn sống động, đến ngày hôm nay Giáo Hội Việt Nam cử hành ngày thứ sáu Tuần Thánh một cách long trọng nghi thức tưởng niệm về cuộc Thương Khó Chúa Giêsu “Con Thiên Chúa đã hy sinh trên thập giá cho muôn người được ơn cứu độ”. Ngày thứ sáu Tuần Thánh trên khắp đất nước từ những giáo xứ tọa lạc thành phố lớn đến những giáo xứ vùng miền sâu xa đều có lịch trình thông tin đến các giáo dân “Giữ chay – kiêng thịt”, các buổi tĩnh tâm, các nghi thức trọng thể đi đàng Thánh Giá, nghi thức suy tôn, nghi thức Táng xác Chúa. Các ca đoàn, giáo khu, hội đoàn được phân công thực hiện diễn nguyện, ngắm cuộc thương khó trong suốt Mùa Chay, qua các nghi thức đánh động vào tâm hồn người giáo dân là tri ân về một Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu vì tình yêu thương mà lãnh nhận cái chết tủi nhục để đền tội thay cho con người.

Chúa Giêsu đã trải qua những tâm tình rất con người là nỗi buồn và sầu não trong lòng, Ngài đã kêu gọi các môn đệ cùng canh thức và cầu nguyện với Người : “Chẳng lẻ các con không thức cùng Thầy được lấy một giờ ư?” Mt 26,38, sau nhiều giờ cầu nguyện với Chúa Cha, và Ngài đã vâng theo thánh ý Cha để cho các vệ binh của thượng tế áp giải đi “ Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống ?” Ga 18, 11

Bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Gioan đã tường thuật lại câu chuyện về Người đến thời khắc phải nộp mình. Giờ khổ nạn đã đến, Chúa Giêsu bình thản dõng dạc trả lời với vệ binh đang tìm Người : “ Ta đây” Ga 18, 4 câu trả lời mang một lực mạnh mẽ, cả hai lần trả lời như thế làm bọn lính đã lùi lại và ngã xuống đất. Chúa chấp nhận cho người Do Thái dẫn đi và đem ra xét xử, Chúa đã để cho loài người lên án, trút muôn tội lỗi lên mình Người, gánh chịu mọi sỉ nhục, những đòn tra tấn, nhưng vẫn không than trách, vẫn im lặng, vẫn âm thầm và biết rằng các môn đệ thân yêu của mình không còn ai bên cạnh. Chúa Giêsu thật cô độc trên con đường đề cao sự chân lý, chân lý ở đây không phải tranh cãi hơn thua về lý lẽ nhưng là sự thật, là niềm tin vào Thiên Chúa. Chúng ta thêm lòng biết ơn sự hy sinh của Ngài đã đem lại thành quả cho ngày nay là sự lan tỏa và phát triển không ngừng của Hội Thánh khi Chúa Phục sinh. Chiêm ngắm Chúa Giêsu trên Thánh giá, chúng ta hồi tưởng lại hình ảnh Thập giá cách đây hơn 2000 năm đã được Chúa Giêsu vác lên núi Sọ và bị đóng đinh treo lên. Kể từ khi Con Đức Chúa Trời chịu đóng đinh chết nhục nhã trên thập giá thì mọi tội lỗi của thế gian đã được tha thứ, chúng ta trở nên con cái trong gia đình của Thiên Chúa. Cảm tạ tình yêu thương của Chúa Cha.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, ngày hôm nay trước cám dỗ của cuộc sống chúng con cũng vẫn không ít lần làm Chúa phiền lòng, chúng con vẫn chối Chúa như Phêrô, vì danh vọng, quyền lợi chúng con sẵn sàng bỏ Chúa như các tông đồ, thậm chí chúng con thấy điều sai trái nhưng không đủ dũng cảm làm theo tiếng nói của lương tâm. Trong ngày thứ sáu Tuần Thánh này, xin Ngài tha thứ và ban ơn hối cải, cho chúng con nhận ra rằng chỉ có Chúa là Đấng mang lại niềm vui và hạnh phúc cho cuộc đời mình. 

Anna Anh

Chiêm niệm sự thương khó của Đấng Cứu Thế (15.04.2022)

Bước vào Tuần Thánh, trên cung thánh che phủ một màu tím, các chậu cây lá cảnh thay  thế cho các bình hoa, một không gian tĩnh lặng mang sắc tím buồn thương, tri ân ngày Con Thiên Chúa bị treo trên thập giá. Các giáo họ, hội đoàn trong giáo xứ luân phiên ngắm 15 chặng đường thương khó của Chúa Giêsu, buổi diễn nguyện, bài suy niệm đánh động vào tâm hồn của mỗi người về tình yêu thương và sự hy sinh cao cả của Đấng Cứu Thế, đưa nhân loại lên tới Thiên Chúa. Thánh Anphongsô từng nói: “Trông nhìn vào Chúa Giêsu trên Thánh Giá, ta sẽ chịu mọi đau khổ cách nhẫn nại”. Các gia đình Công giáo vẫn giữ thói quen nhắc nhở con cháu dành thời gian đến xưng tội với các vị Mục tử để lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, và cảm tạ hồng ân Thiên Chúa vẫn đổ xuống trên con người.

Bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan diễn tả cả một quá trình xét xử, chế diễu, tra tấn một vị Vua Nhân Từ chịu tủi nhục vì yêu thương dân mình, nhưng con dân của Ngài lại có lòng dạ hẹp hòi, gian ác với chính Con Thiên Chúa. Trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu xuất hiện nhiều hình ảnh như: Giuđa bán Chúa, Phêrô chối Chúa, các tông đồ bỏ Chúa mà chạy trốn, các thượng tế, kinh sư, luật sĩ và đám đông dân Do Thái âm mưu đòi giết Chúa, Philatô không có dũng khí làm theo tiếng nói lương tâm mà kết án Chúa. “Ta không thấy người này có lý do gì để khép án” Ga 18, 38. Họ không tìm thấy tội chứng của Chúa Giêsu nhưng vẫn phải kết án Ngài theo yêu cầu của số đông Do Thái. Những lời tiên tri trong Cựu Ước đã được ứng nghiệm “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng.” Is 53,7. Chúng ta có thái độ nào khi chứng kiến những hình ảnh ấy?

Thánh giá Chúa là biểu tượng của ân sủng Thiên Chúa, thánh Rôsa Lima chia sẻ kinh nghiệm: “Ngoài Thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời” người ngoại dễ dàng nhận ra chúng ta là con cái của Chúa qua việc làm dấu Thánh giá: khi cầu nguyện, khi thánh hóa các buổi học, buổi hội họp của giáo xứ, của hội đoàn, trước bữa ăn của gia đình Công giáo… Thánh Lêo Cả chia sẻ: “Thập giá Chúa là nguồn mọi phúc lành, nguyên nhân mọi ân sủng. Nhờ Thập giá, các tín hữu yếu đuối có được sức mạnh, nhục nhã trở nên vinh quang, phải chết, giờ được sống”. Mọi Kitô hữu đều xác tín về dấu chỉ tình yêu cứu độ và chứng nhân về sự hy sinh của Chúa Giêsu, Tuần Thánh giúp Kitô hữu hồi tưởng lại sự đau khổ của Chúa Giêsu vì gánh vác tội lỗi thay cho nhân loại, mỗi người nhận ra khi phạm tội là chính chúng ta lại đóng đinh Chúa lần nữa. Vì thế, chúng ta sống và làm thật nhiều điều tốt lành, mang niềm vui cho tha nhân. Người Kitô hữu đến với anh em bằng sự khiêm nhường, chân thành, cư xử với nhau bằng tình thương như Chúa đã dạy. Trong Mùa Chay Thánh nhiều Liên Huynh, Huynh đoàn Giáo dân Đaminh đã kêu gọi các đoàn viên thực hiện việc tông đồ bác ái, tổ chức chuyến hành hương bác ái đến vùng người dân tộc  …

Lạy Chúa Giêsu Kitô, khi xét tội lỗi mình, chúng con rất hổ thẹn vì nhiều lần chối Chúa như Phêrô, bỏ Chúa như các tông đồ, không đủ dũng cảm làm theo tiếng nói của lương tri như Philatô. Xin Chúa giúp chúng con biết hối cải, để chúng con thay đổi đời sống và trở nên người con trung tín của Chúa.

Anna Anh

Một người chết thay cho cả dân (02.04.2021)

Hôm nay Hội Thánh long trọng tưởng nhớ cuộc khổ nạn vô cùng thương đau, mà hồng phúc Chúa Giêsu đã chịu vì tội lỗi nhân loại. Ở đó nhiều  khuôn mặt chứng kiến, cùng việc làm của họ đã nói lên bao điều cho ta hôm  nay.

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã đến trần gian cứu chuộc nhân loại, mà ngôn sứ Isaia loan báo từ mấy trăm năm trước: “Người chẳng nỡ bẻ gẫy cây sậy đã dập, chẳng nỡ tắt tim đèn còn khói” (Mt 12,20) và về cuộc khổ nạn của Người: “Mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 52,14). Người đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha và dậy mọi người biết vâng phục: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Ga1, 29).

Chúa Cứu Thế, đấng thánh, “Đấng đã chẳng biết tội là gì thì Thiên Chúa đã biến thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để chúng ta nên công chính trong Người.” (2Cr 5, 21).

Người chỉ biết yêu thương và dạy dỗ yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,17).  “Không có tình thương nào quý hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy.” (Ga15,13-14). Chúa đã nên mẫu gương yêu thương đỉnh cao nhất cho muôn thế hệ.

Con Người yêu thương nhưng đã bị phản bội. Đấng quyền phép vô biên nhưng đã bị nhà cầm quyền xét xử bất công, nhưng Chúa vẫn một mực tuân phục, đã chẳng có một lời kêu ca trách móc, mà còn cầu nguyện cho họ: “Lạy Cha xin tha cho chúng vì lầm chẳng biết”. Chúa đã chịu chết bởi bản án bất công, nhưng không phải Chúa đã thua đã thất bại trước nhà cầm quyền Do Thái.  Không!  những người giết Chúa ngày ấy nào có ngờ rằng họ đã động đến Đấng Hằng Sống. Đấng ấy không chết Người đã phục sinh. Nhưng quyền lực xấu xa và bản án bất công dành cho Chúa đã trở nên bản án dành cho chính họ. Những con người như vậy sẽ muôn đời bị nguyền rủa. Nào ngờ mầu nhiệm chỉ có máu của Đấng Thánh Tối Cao mới có sức chuộc tội cho toàn thể nhân loại, để họ được sống muôn đời.

Tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa  không phải để ta thương khóc Chúa, mà để ta suy niệm tình thương Chúa đã dành cho ta mà cảm tạ Chúa không ngừng, mà yêu mến Chúa hơn, yêu mến anh chị em hơn. Nếu có khóc là khóc cho chính tội lỗi mình như Chúa đã nói với các phụ nữ khóc theo Chúa xưa: “đừng khóc thương Ta, một khóc thương bay và con cháu bay…”

Nhìn vào cuộc khổ nạn, Chúa như một tội nhân nhưng Chúa đã dạy dỗ ban ơn, biến đổi cho bao con người khác nhau trong đó mà giờ đây so chiếu tôi là ai? Con người quyền bính Phi latô đã phải sợ sệt rửa tay phân vua: “ta vô can trong việc đổ máu oan người này”. Người sĩ quan đâm Chúa đã phải thốt lên: “Người này chính là con Thiên Chúa”.  Ông Giuse, Nicôđêmô chẳng còn biết sợ sệt gì nữa, dám đứng ra cất xác “tội nhân Giêsu” mà khi ấy chẳng mấy ai dám làm. Người trộm lành họ biết nài xin Chúa thương, như mẹ Maria và các phụ nữ, tông đồ Gioan theo Chúa đến cùng. Hay chúng ta vãn đang là người a dua lên án Chúa, kêu trách, thách thức Chúa xuống khỏi thập giá. Hay là những môn đệ chối Chúa bỏ trốn?

Tưởng nhớ cuộc khổ nạn Chúa, tôi nhớ câu chuyện người ta kể về dòng dõi phát xít Hitle một tội đồ của nhân loại, ông vẫn còn một người cháu đang sống âm thầm, trốn tránh đau khổ tại một vùng hẻo lánh ở Mỹ. Còn Chúa Giêsu xưa đã càng chịu đau khổ nhục nhã bao nhiêu thi giờ đây tôi và toàn thể nhân loại càng được tụự hào, hạnh phúc, và danh Người càng chiếu tỏa muôn nơi.

Lạy Chúa Giêsu! Con cảm tạ Chúa vì công ơn cứu chuộc Chúa đã dành cho con, mà chẳng lời lẽ nào tả hết được, xin tạ ơn Chúa muôn đời. Amen.

Giuse Ngọc Năng

Cuộc thương khó của Chúa Giê-su Ki-tô (10.04.2020)

Ghi nhớ:

Chính ông này đã đề nghị với người Do Thái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn”. (Ga 18, 14).

 Suy niệm:

Đức Hồng Y Cardjin, vị sáng lập phong trào Thanh Lao Công, đã tự thuật chuyên đời mình như sau: “Tôi sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo. Tôi được trở thành một linh mục là nhờ ở công cha tôi. Người đã hy sinh để nuôi dưỡng những đứa con mà hẳn người đã rất lấy làm hãnh diện.

 Tôi nhớ, lúc lên mười ba tuổi, vào một buổi tối khi các anh chị đã lên giường đi ngủ. Tôi rón rén xuống nhà bếp, đến gần cha tôi  khi ông đang ngồi trầm ngâm với cái ống điếu, trong khi đó mẹ thì ngồi may giầy cho chúng tôi. Tôi rụt rè thưa với ba:

– Thưa ba. Sang năm con có thể tiếp tục đi học được không?

Ba tôi trả lời:

– Con ơi, khi bằng tuổi con ba đã phải vất vả đi làm rồi! Hiện thời thì ba đã già và sức khỏe của cha nay đã mỏi mòn.

Lúc ấy tôi lấy hết can đảm để thuyết phục người:

– Thưa ba. Con nghĩ là Chúa đã gọi con, con muốn trở thành linh mục.

Bình thường thì cha tôi là một người ít biểu lộ tình cảm. nhưng tối hôm đó, vừa khi nghe tôi nói muốn trở thành linh mục, nước mắt người trào ra chảy dài trên gò má…và đôi tay đang may vá của mẹ tôi run lên vì xúc động!

Cuối cùng, cha tôi cũng thốt lên giọng đầy cương quyết:

– Ba má đã hy sinh vất vả quá nhiều! Nhưng để cho một người con làm linh mục, ba má nguyện tiếp tục hy sinh!

Quả thật, cha mẹ tôi lại tiếp tục vất vả làm việc nhiều hơn nữa để tôi có thể tiếp tục theo học. Cuối năm trung học, trước khi nhận phẩn thưởng, thì tôi nhận được tin cha tôi đau nặng.

Trên giường hấp hối. Người nhìn tôi mỉm cười; Đó là nụ cười chúc phúc mà người dành cho tôi, một người cha đáng thương và đáng kính đã hy sinh cả đời cho đến lúc chết để mong sao cho con được trở thành linh mục. Vì thế, tôi đã nguyện với lòng mình rằng; phải cố gắng tu luyện để trở thành một linh mục, nhất là linh mục cho những người nghèo khổ.

 Hôm nay toàn thể Hội Thánh tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su. Vì thương nhân loại tội lỗi,  nên Chúa Giê-su đã chịu muôn ngàn sự đau đớn về cả thể lý cũng như tinh thần. Làm sao chúng ta có thể cảm nhận được hết những nỗi đau khổ của Ngài; bị quân lính đánh đòn, bị sỉ vả, bị lột trần trụi và sau cùng bị đóng đinh vào thập giá! Tóm lại, quân dữ đã tìm đủ mọi cách thức hầu làm cho Chúa đau đớn đến tột cùng về phần thể xác cũng như tinh thần thì chúng mời bằng lòng hả dạ!. Ngoài ra, chúng ta còn cảm nhận được một nỗi thống khổ khủng khiếp khác mà Chúa phải chịu đó là sự cô đơn! Thật vậy, nếu như trong những lúc gặp nghịch cảnh đau thương, bị hiểu lầm, bị loại trừ mà có một ai đó cảm thông chia sẻ, động viên an ủi thì nỗi đau đớn đó sẽ được nhẹ đi, vơi đi phần nào. Đàng này, đối với Thầy Chí Thánh thì các môn đệ mặc dầu đã bao năm gắn bó, bỏ mọi sự để đi theo Thầy, cùng ăn, cùng uống với Thầy, cùng Thầy bôn ba khắp nẻo rao giảng Tin Mừng, vậy mà giờ đây kẻ  thì phản bội bán Thầy với ba mươi đồng bạc. người thì chạy trốn, kẻ khác lại chối Thầy. Sự cô đơn đó tràn ngập tâm hồn khiến  Đức Giê-su phải thốt lên rằng: “ Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con! Sao Ngài bỏ rơi con”(Mt 27, 46).

Gẫm sự thương khó mà Đức Giê-su phải chịu có thể làm cho chúng ta thốt lên lời oán trách những người Do Thái xưa rằng : “ Làm sao mà các  người có thể tàn độc và dã man như vậy?” Vì họ đã làm cho Chúa đau đớn không kể xiết! Nhưng nếu nhìn lại bản thân mình, cứ mỗi lần chúng ta phạm tội, cứ mỗi lần chúng ta không sống bác ái yêu thương là mỗi lần chúng ta lại làm cho Trái tim Chúa rỉ máu.

Vì Vậy, thiết nghĩ khi tưởng niệm cuộc thương khó mà Đức Giê-su phải chịu vì chúng ta, chúng ta trong tâm tình con thảo, phải cương quyết mỗi ngày sẽ sống xứng đáng hơn vì tình thương mà Chúa Giê-su đã dành cho mỗi người chúng ta. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng lãnh nhận ơn cứu chuộc của Ngài.

 Cầu nguyện:

Lạy Chúa. Chúng con cảm tạ vì Ngài đã cứu chuộc chúng con bằng giá máu. Xin cho chúng con luôn biết thực thi những điều Chúa dạy, cụ thể bằng việc chu toàn bổn phận hăng ngày trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội. Xin Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa được trở về cùng Hội Thánh. Xin Chúa cho Giáo Hội của Chúa được hiệp nhất, để chỉ có một đoàn chiên trong một Chúa chiên. Amen.

 Sống Lời Chúa:

Sống hiệp nhất, yêu thương mọi người.

  Đaminh Trần Văn Chính.

Con đường Chúa đã đi qua

Hôm nay, thứ sáu Tuần Thánh, cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa Giêsu để cảm nhận được phần nào sự đau khổ tột cùng mà Ngài phải chịu. Sự đau khổ đó không những chỉ trên thể xác như: bị đánh đập, bị sỉ nhục, bị đóng đinh vào thập giá… mà còn cả trong tinh thần như: bị cô đơn khi các môn đệ bỏ mặc, phản bội… Thế nhưng Ngài đã chấp nhận chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá và đã sống lại vinh quang để cứu chuộc nhân loại. Ngài đã hoàn thành sứ vụ mà Chúa Cha trao phó.

 

Con đường Chúa đã đi qua

Thánh giá Ngài vác thật là thảm thương

Đứng lên, quỵ xuống trên đường

Sức tàn lực kiệt tưởng dường hết hơi

*

Quân lính hò hét nhạo cười

Đẩy xô lôi kéo, nói lời lộng ngôn

Làn roi vun vút dập dồn

Mồ hôi cùng máu tràn tuôn khắp mình

*

Đường lên núi Sọ nhục hình

Chúa luôn chấp nhận, hy sinh cứu đời

Tình thương Chúa thật cao vời

Xót thương nhân thế, cứu người lầm than

 

Cũng trong ngày hôm nay, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu. Khi mang thân phận của một con người như chúng ta, Chúa Giêsu đã sống một đời để phục vụ con người, và Ngài đã chấp nhận cái chết vì con người. Tình yêu của Ngài thật bao la vô tận, được biểu lộ trọn vẹn nơi mầu nhiệm Thập Giá. Ngài chấp nhận tự hủy chính mình để mang lại ơn cứu độ cho muôn người. Ngài đã đi đến tận cùng của sự chết và đã sống lại. Thập Giá không còn là nỗi ô nhục mà là một cuộc khải hoàn vinh quang.

 

Khổ đau gian khó ngập tràn

Thân hình tan nát bời làn mưa roi

Rồi còn những cú thụi thoi

Sưng lên bầm tím, nhìn coi thảm sầu

*

Mão gai đặt để trên đầu

Đâm vào rướm máu, xuyên sâu tứ bề

Bước đi khó nhọc nặng nề

Thế mà quân lính chẳng hề buông tha

*

Đường lên núi Sọ thật xa

Quân lính hối thúc kêu la thét gào

Đến nơi chúng đóng đinh vào

Treo lên thập giá, dựng cao đỉnh đồi 

 

Tưởng niệm cuộc thương khó hay suy tôn Thập Giá của Chúa Giêsu chính là để nhắc nhở chúng ta phải quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi để vững vàng bước đi trên con đường khổ giá trong cuộc sống hằng ngày như: khó khăn, gian khổ, thử thách …ngõ hầu được chia sẻ vinh quang phục sinh và thông phần vào sự sống vĩnh cửu với Đức Kitô là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

 

Đến khi đuối sức tàn hơi

Chúa trút hơi thở lìa đời trần gian

Công cuộc cứu chuộc vẹn toàn

Tình thương của Chúa vô vàn bao la

*

Con đường Chúa đã đi qua

Thương đau là thế nhưng là hồng ân

Trời cao Chúa đã giáng trần

Con đường Ngài chọn muôn phần yêu thương

 

Lạy Chúa, qua mầu nhiệm Thập Giá, Chúa đã đi bước trước để mang lại ơn cứu độ cho chúng con. Xin Chúa ban thêm sức mạnh, giúp chúng con sẵn sàng vác thập giá của chính mình để bước cùng Chúa. Có như vậy chúng con mới trở nên dấu chứng tình yêu chân thành, để minh chứng cho tình yêu tinh tuyền mà Chúa đã thực hiện vì yêu thương chúng con. Amen.

  HOÀI THANH

Sự thật

“Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18,37).

Đoạn Tin Mừng rất dài này có thể làm nhiều người bắt hụt hai từ rất quan trọng: “sự thật”! Chính vì sự thật này mà có ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Nhiều người trong chúng ta hôm nay cũng đã hỏi câu hỏi của Phi-la-tô: “Sự thật là gì?” Và cũng có nhiều người trong chúng ta hỏi mà không dám dấn thân tìm kiếm và sống cho tới cùng câu trả lời cho vấn nạn đó. Sự thật mà Thiên Chúa mạc khải không phải là một chân lý theo kiểu toán học như ‘hai với hai là bốn’. Không ai cần liều chết để làm chứng cho những chân lý kiểu này. Sự thật của Ki-tô giáo trước hết là một con người: Đức Giê-su Ki-tô, Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Sự thật này mời gọi lòng tin và thúc đẩy chứng tá. Tin để mình được sống và trao chứng tá để người cũng tin và được sống. Như thánh Gio-an, “biết mình nói sự thật để cả anh em nữa cũng tin.” Trong Chúa Thánh Thần, Giáo Hội thi hành sứ mạng thừa sai để làm chứng cho Sự Thật.

Chúng ta ý thức rằng Đức Ki-tô không phải là sự thật để ta nhìn một cách bàng quan, nhưng là Sự Thật mời gọi ta dấn thân làm nhân chứng, đi loan báo cho Tin Mừng “Chúa chịu chết và Phục Sinh vinh hiển”.

Lạy Chúa, xin ban sức mạnh cho con để con dám đứng về phía Chúa, để lắng nghe tiếng Chúa và làm chứng cho chính Chúa là Sự Thật. Xin giúp chúng con hôm nay tham dự thật sốt sắng các nghi thức của ngày thứ sáu Thánh, trong chay tịnh, biết lắng đọng tâm hồn để suy niệm cuộc thương khó…Chúa chịu đóng đinh và chết trên thập giá để cứu độ nhân loại, tất cả vì quá thương yêu loài người tội lỗi chúng con. Ôi! Lạy Chúa là tình yêu, là chân lý, là sự thật và là sự sống, xin giải thoát chúng con khỏi bóng tối sự chết đời đời. Amen.

BCT

Mọi tội nhân dưới chân thánh giá

“Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.” (Ga 19,36).

Suy niệm: Một chi tiết quan trọng mà chỉ mình Gio-an để ý: đó là quân lính không đánh giập ống chân Chúa Giê-su vì Chúa đã chết, nhưng lại đâm ngọn giáo vào cạnh sườn Ngài, bấy giờ máu và nước chảy ra. Như vậy, sự chết của Chúa trên cây thánh giá phát sinh sự sống. Nước là sự sống, nơi nào có nước, nơi ấy có sự sống. Nước cũng là biểu tượng của bí tích thanh tẩy (rửa tội), bí tích đem lại sự sống mới cho ta. Máu là biểu tượng của sự sống, mất máu là mất sự sống, truyền máu là thông truyền sự sống. Máu của Đức Giê-su còn quý giá hơn nữa, vì đem lại sự sống trường sinh: “Ai uống máu này thì có sự sống đời đời” (Ga 6,54). Nước từ thánh giá rửa sạch tội ta, máu Chúa đổ ra trên thánh giá để cứu chuộc ta.

Mời Bạn: Máu và nước từ thân xác Đức Giê-su trên cây thánh giá đem lại sự sống cho bạn. Bạn không chỉ được mời gọi nhìn lên cây thánh giá ấy với lòng tin tưởng, nhưng còn được mời gọi vác thánh giá cuộc đời mình. Nhiều Ki-tô hữu chỉ thích thánh giá cài trên khuy áo, đeo trên ngực, chứ không thích vác thánh giá trên vai. Còn bạn thì sao?

Sống Lời Chúa: Tôi cảm nhận sâu sắc lòng yêu thương của Chúa khi chịu treo trên thánh giá. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, tôi vẫn kiên trung loan báo tình thương của Chúa Giê-su chịu đóng đinh cho những người lân cận.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con không làm phiền lòng Chúa nữa, để khi hôn thánh giá Chúa, con có thể yêu mến Chúa hết lòng, quyết tâm từ nay sống cho Chúa và vì Chúa. Xin cho con mở miệng nói được khi hôn thánh giá: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu Chúa.”

Ngài đã chết vì tôi

Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa. (Ga 19,17-18)

Suy niệm: Giáo Hội mời gọi con cái mình đặc biệt chiêm ngắm sự việc Chúa Giê-su chịu khổ nhục thập giá để chuộc tội cho con người. Chính Người đã tự nguyện vác lấy thập giá. Người tự hiến mình cho những thụ tạo mà Người yêu. Người chịu đóng đinh cùng với tên cướp để nói lên sự tự hạ tột cùng của Người, như có lời chép: “Người bị liệt vào hàng tội nhân” (Is 53,12). Những tên trộm không ai khác hơn là chính mỗi người chúng ta. Chẳng phải khi chúng ta phạm tội, khi chúng ta lỗi nghĩa cùng Chúa và anh em, chúng ta đã tự tay lên án và đóng đinh Người vào thập giá đó sao? Ai đã từng biết yêu, ắt hiểu rằng tình yêu là cho đi, là dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu. Thế mà đã có nhiều lần chúng ta nói chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta chưa thực sự nói bằng cả con tim của chính mình.

Mời Bạn: Thánh Bê-na-đô đã nói: “Chúa Ki-tô đã kích thích tình yêu nhân loại bằng cái chết của mình”. Bạn có cảm thấy mình được rung động bởi tình yêu thập giá Chúa hôm nay không?

Chia sẻ: Chúng ta cần có điều kiện gì, biện pháp gì để sống chấp nhận thập giá của mình như Chúa?

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm cùng vác thánh giá với Chúa bằng một việc từ bỏ mình nào đó khi phục vụ anh em.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con còn có thể nói gì trước tình thương bao la của Chúa dành cho con? Con chỉ biết cúi đầu xin Chúa ơn tha thứ và xin Chúa gia tăng tình yêu của Chúa trong con mỗi ngày một hơn. Amen.