Tâm tình của Mẹ

 
Từ lời xin vâng trong sự tự do đáp trả của Maria, một trinh nữ nghèo hèn, nhỏ bé, đơn sơ trong trắng nhưng đã sống trọn vẹn “đẹp lòng Thiên Chúa”, Con Một Thiên Chúa nhập thể làm người trong cung lòng Mẹ Maria.

Từ tâm tình của Mẹ, người “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19), ĐHY Joseph Ratzinger viết trong “Thiên Chúa và Trần Thế” như sau:

 
“việc chọn cái bé nhỏ là nét đặc thù trong lịch sử Thiên Chúa với con người. Cái đặc thù đó ta thấy trước hết qua việc Ngài chọn trái đất, một hạt bụi trong vũ trụ, làm nơi hành động; trong đó dân tộc yếu đuối như Israen lại được chọn để mang lấy lịch sử của Ngài; rồi Nagiarét, một chốn hòan toàn không ai biết đến, trở thành quê hương Ngài; và rồi cuối cùng Con Thiên Chúa lại sinh ra ngoài làng Bêlem, trong một chuồng súc vật. Tất cả như một sợi chỉ đỏ.

Chúa dùng đơn vị đong đo duy nhất là tình yêu để đổi lại thói kiêu căng của con người. Kiêu căng chính là hạt nhân, là nội dung chính của mọi tội lỗi, nghĩa là của cái tự-coi-mình-muốn-bằng-Thiên Chúa. Tình yêu, trái lại không phải là tự cao, mà tự hạ. Tình yêu cho thấy chính lúc hạ mình là lúc ta vươn lên. Chính khi ta hạ mình, khi ta trở nên đơn giản, cúi xuống với kẻ đói rách, nghèo hèn, khi đó ta mới thật lên cao. Chúa trở nên bé nhỏ, để đưa con người dương dương tự đắc trở về lại đúng chỗ của nó. Xem thế thì quy luật của sự bé nhỏ là khuôn thước nền tảng của hành động Thiên Chúa. Quy luật đó giúp ta nhận ra bản chất Thiên Chúa, và cả chính bản chất của ta.”

 
Từ những cảm nghiệm trên của ĐTC khi chiêm ngắm tâm tình của Mẹ đã giúp tôi nhớ lại một món quà đã 15 năm qua tôi luôn yêu quí và giúp tôi cố gắng khắc ghi trong lòng. Cuối năm 2000, tôi tiếp đón 1 linh mục thuộc dòng CCT từ Mỹ về thăm Việt Nam. Ngài đến tạm trú qua đêm tại căn gác tồi tàn mà anh em bạn học cũng mới vừa sửa lại căn nhà dột nát xong. Ngài nhờ tôi dẫn đến thăm một vài nơi xa vắng trong xứ đạo cũng như vùng ngoại ô nhỏ bé của tôi như nhà dưỡng lão hoặc vài cơ sở mồ côi, vài mái ấm khuyết tật mới hình thành còn thiếu thốn nhiều mặt.
Khi ra về, Ngài gửi tặng tôi bức tượng Đức Mẹ Mễ Du bằng cẩm thạch rất nhỏ và rất đẹp mà Ngài mới mua tại linh địa Mễ Du do nhà điêu khắc A Santini tại Ý thực hiện. Đi kèm với món quà quí giá trên là lời cầu chúc bình an khi chiêm ngắm Mẹ với tất cả tâm tình hiến dâng của Mẹ, vì chính lúc hạ mình là lúc ta vươn lên, vì chính khi ta hạ mình, khi ta trở nên đơn giản, cúi xuống với kẻ đói rách, nghèo hèn, khi đó ta mới thật lên cao.

Từ sự lắng nghe và diễm phúc chiêm ngắm Đức Mẹ trong thinh lặng, trong tật bệnh, từ trong tâm hồn, tôi trào lên lời cầu đẹp đẽ của thi sĩ Paul Claudel:

“Lạy Mẹ Chúa Giêsu,
vì không có gì để dâng cho Mẹ và cũng chẳng xin Mẹ điều gì.
Con chỉ ngắm nhìn Mẹ thôi, ôi lạy Mẹ,
Ngắm nhìn Mẹ và khóc lên vì hạnh phúc (…)
Con không nói gì cả, nhưng con chỉ ngắm nhìn dung nhan Mẹ,
Để tim con hát vang trong ngôn ngữ riêng của nó.
Con không nói gì cả, nhưng con chỉ hát thôi,
Bởi vì trái tim con tràn ngập tâm tình của Mẹ. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *