Tân Tổng Thống Pháp Nhiệm Kỳ 2017-2022

Ngày 23.04.2017, 38 triệu cử tri người Pháp đã đặt lá phiếu của mình vào thùng để hoàn tất nhiệm vụ công dân, tham gia việc tuyển chọn Tổng thống, vòng một, năm 2017 để cho phép hai ứng cử viên Emmanuel Macron (Tiến bước, En Marche, EM) thu được 24,01% số phiếu hợp lệ và Marine Le Pen (Mặt trận Quốc gia, Front national, FN) với 21,30% để vào tranh cử ở vòng hai.

Ngày 07.05.2017, cử tri Pháp đã trở lại phòng phiếu để dự bầu vòng hai tuyển cử Tổng thống nhiệm kỳ 2012-2017. Kết quả dự đoán vào lúc 20 giờ, khi những phòng phiếu cuối cùng vừa đóng cửa, qua màn ảnh truyền hình, dựa vào kết quả các cuộc thăm dò dân ý những cử tri vừa làm tròn nhiệm vụ công dân, phát đi hình vị Tổng thống đắc cử: Emmanuel Macron (Tiến bước, En Marche, EM) thu được 65,50% số phiếu hợp lệ, đắc cử Tổng thống và Marine Le Pen (Mặt trận Quốc gia, Front national, FN) với 34,50% để vào tranh cử ở vòng hai. Ngoài ra, 25,30% số cử tri ghi danh đã vắng mặt và 8,80% số cử tri đầu phiếu đã từ chối chọn Maron hay Le Pen bằng lá phiếu trắng hay bất hợp lệ (Kết quả chính thức sẽ được công bố bởi Viện Hiến pháp ngày 10.05.2017).

Tổng thống tân cử, Emmanuel Jean-Michel Frédéric Macron, sinh ngày 21.12.1977 (39 tuổi) tại Amiens trong một gia đình trung lưu, với Cha, Jean-Michel Macron, là bác sĩ và giáo sư thần kinh học tại CHU Amiens và Me , Françoise Noguès, là bác sĩ và cố vấn An ninh xã hội trợ tá xã hội (conseillère de la sécurité sociale). Ngày 20.10.2007, tại Touquet ông đang sống, vị Tổng thống tương lai kết hôn với bà Brigitte Trogneux, giáo sư Pháp văn, lớn hơn ông 24 tuổi, gặp nhau năm 1993, nhân dịp dự khóa học đóng kịch do bà tổ chức trong trường Trung học đệ Nhị cấp. Lúc đó, ông được 15 tuổi và học lớp Seconde (tương đương lớp 10 Việt Nam Cộng hòa, trước ngày 30.04.1975)

Tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh (ENA) năm 2004, ông trở thành Thanh tra tài chính trước khi trở thành chuyên viên ngân hành dịch vụ Rothschild & Cie. Ðảng viên đảng xã hội năm 2006, ông là cố vấn kinh tế cho François Hollande trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 2012. Sau khi Hollande đắc cử, ông trở thành phó Tổng thư ký Elysée. Năm 2014, rời chức vụ này, ông định lập doanh nghiệp, nhưng chính trị khiến ông quay trở lại với chức Tổng trưởng Kinh tế. Tháng 04/2015, ông thành lập phong trào ‘En Marche’ và từ chức ở bộ Kinh tế cuối tháng 08/2016 và ngày 16.11.2016, ông tuyên bố ứng cử Tổng thống.

Ông tự cho rằng ‘không tả, không hữu, không trung, mà là giữa’, đến từ tả phái xã hội, nhưng mượn kinh tế từ hữu phái… Do đó, nhiều người cho rằng ‘En Marche’ là một máy để tái tạo các chính trị gia từ Robert Hue (cộng sản) qua Jean Yves le Drian (xã hội) sang Francois Bayrou (trung phái) đến Alain Madelin (hữu phái). Ðây là những ‘Vị’ hết thời đang tìm một ghế trong Quốc hội. Do đó, ngày 14.03.2017, Macron hách dịch cảnh cáo ‘Tôi đã không thiết lập một nhà khách, xin lỗi tôi phải nói với quý vị như vậy’ (Je n’ai pas fondé une maison d’hơtes, pardon de vous le dire). Nói thế mà cựu Thủ tướng M. Valls không chịu hiểu cứ đâm đầu hứa ‘dồn phiếu’ cho Macron để bị các đảng viên xã hội cho là ‘phản bội’.

Trong khoảng thời gian xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Paris, tiếp đến là Nice, Tổng trưởng Macron đã đề nghị Tổng thống Hollande và Thủ tướng Manuel Valls thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, những yêu cầu này đã không được thực hiện trong khi dự thảo luật về chính sách kinh tế của ông cũng không được phê chuẩn. Chính từ đây, ông Macron đã chuyển sang một ngã rẽ khác là khởi xướng phong trào “Tiến bước” vào tháng 4/2016. Chỉ vài tháng sau, ông tuyên bố từ chức Bộ trưởng, đồng thời ra tranh cử Tổng thống Pháp.

Ngày 14.05.2017, tân Tổng thống đắc cử sẽ nhận chìa khóa điện Elysée, Tổng thống phủ, từ tay Tổng thống mãn nhiệm.

Sau đó, Tổng thống mới sẽ cử Thủ tướng và thành lập Chính phủ để điều hành quốc sự trong thời gian chờ đợi cử tri Pháp bầu chọn Quốc hội mới vào các ngày 11 (vòng một) và 18 (vòng hai) tháng 06/2017. Nếu Phong trào ‘Tiến bước’ và các đảng liên minh chiếm được đa số tại Viện Lập pháp này, thì Tổng thống có thể tiếp tục điều hành trọn quyền với Thủ tướng đương nhiệm. Trái lại, thí dụ các đảng hữu và trung phái thắng cử và chiếm đa số tại Quốc hội, thì Tổng thống phải cử một Thủ tướng mới cần được sự tín nhiệm của đa số này. Ðây là trường hợp rất có thể xảy ra vì Phong trào ‘Tiến bước’ và PS, tuy đông, nhưng hoặc chưa có kinh nghiệm hay đã ‘quá thời gian’ đến từ các đảng hữu và trung phái khác.

 

Hà Minh Thảo – Vietcatholic

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *