Thần Đô Huyền Nhiệm – Lời mở đầu

Mục Lục

Lời Mở Đầu

Đức Mẹ Maria là Đấng quan trọng sau Chúa Giêsu Kitô trong mầu nhiệm Cứu Chuộc. Mẹ là Đấng đã thực sự rõ ràng cộng tác vào việc Cứu Chuộc của Chúa Giêsu Con Mẹ. Ơn gọi và sứ mạng của Mẹ chính là ơn gọi Đồng Công Cứu Chuộc. Từ trước vô cùng, Thiên Chúa đã định đặt cho Đức Mẹ được ơn Đồng Công Cứu Chuộc.

Nhưng cuộc đời của Mẹ lại bị che khuất quá nhiều trong bóng im lặng. Phúc Âm nói rất ít về Mẹ. Ngoài một vài chi tiết quá gọn ghẽ, ít oi, liên quan đến cuộc đời Chúa Giêsu. Thánh Luy Mônpho nhận xét: “Qua Phúc Âm, ta chẳng biết cả đến Mẹ sinh ra bao giờ và ly trần khi nào nữa”. Các vị tiến sĩ, các nhà thần học, các sử gia đã cố gắng nghiên cứu để tạo nên nhiều cuốn hạnh tích Mẹ Maria thật giá trị, nhưng những tác phẩm ấy cũng chỉ là sản phẩm của con người, không đáp ứng đủ được lòng hiếu kính của con cái Giáo hội, một lòng hiếu kính luôn luôn khao khát được hiểu biết về cuộc đời Mẹ hơn, để yêu mến Mẹ hơn.

Mẹ Maria và chính Thiên Chúa xem ra cũng chiều lòng khao khát ấy, nên vào thế kỷ 17, Mẹ đã được Thiên Chúa cho phép tỏ ra tất cả cuộc đời của Mẹ trong một cuộc Mặc khải tư, cho bà mẹ một đan viện dòng Thánh nữ Clara, để bà viết lại cho mọi người được biết.

Bà Mẹ ấy là Bà Đáng Kính Maria Agrêđa. Bà sinh ngày mồng 02 tháng 04 năm 1602 tại Agrêđa, một thị trấn nhỏ trong nước Tây Ban Nha. Cha là ông Phanxicô Coronel, mẹ là bà Catarina Arana, cả hai cùng thuộc quý tộc và mồ côi từ nhỏ. Gia tài sa sút, nhưng lòng đạo đức của cả hai lại rất đáng chú ý. Tuy không quen biết nhau, nhưng cả hai xin Chúa ban cho mình sinh một người con để hiến dâng cho Chúa. Chấp nhận ý nguyện tốt lành ấy, Chúa cho hai người gặp nhau và cùng nhau xây tổ ấm. Ông bà sinh được mười một người con, nhưng bảy người đã mất sớm. Về sau, ơn Chúa đã soi lòng cho cả gia đình dâng đời mình cho Chúa: Cha và hai con trai vào tu Dòng Anh em hèn mọn, còn mẹ và hai con gái mà bà Đáng Kính nói đây là chị đã biến nhà mình thành một đan viện theo luật dòng Thánh nữ Clara.

Maria Agrêđa từ nhỏ đã trong sạch và sốt sắng như một thiên thần. Linh hồn bà càng ngày càng thêm thánh đức. Ma quỷ rất căm giận, quấy rối bà không biết bao nhiêu. Nhưng Thiên Chúa soi cho bà biết rõ mưu gian của nó. Từ năm lên 11 tuổi, bà đã được hưởng rất nhiều ơn lạ siêu nhiên.

Năm lên 25 tuổi, bà được đặt làm bề trên đan viện mới lập tại nhà bà, mặc dầu chưa đủ tuổi làm bề trên. Bà không dám nhận trách nhiệm nặng nề ấy, viện lẽ mình bất xứng. Nhưng Đức Mẹ đã hiện đến an ủi và Mẹ tự nhận gánh bề trên thay cho. Từ đó, Mẹ ban nhiều ơn lạ cho bà, tỏ cho bà biết tất cả các mầu nhiệm về cuộc đời Mẹ. Nhiều lần, Mẹ còn giục bà viết lại những gì bà thấy về cuộc đời Mẹ: “Mẹ muốn rằng khi còn sống ở cuộc đời buồn thảm này, loài người nhìn vào những hồng ân Con Mẹ đã tặng Mẹ, để họ nhận ra mình vô ơn thế nào. Con hãy viết và thuật lại cuộc đời Mẹ, để làm nơi ẩn nương cho họ trong một đô thành huyền bí (mystica civitas)”. Mặc dầu nhận thấy mình dốt nát vì ít học hành, và ma quỷ cũng làm hết cách để ngăn cản, năm 1637, bà đã vâng lời Đức Mẹ và các bề trên để viết ra.

Truyện viết xong, người ta đem tâu lên hoàng đế Philippê 4, vua Tây Ban Nha, một ông vua rất đạo đức thường dùng bà Maria Agrêđa làm cố vấn qua thư tín. Nhà vua cho sao lại ngay một bản, và trả bản thảo về cho bà. Bản thảo này bà đã đốt đi cùng với nhiều bút tích khác theo lệnh của cha giải tội đến hướng dẫn bà thay cha giải tội thường xuyên khi cha này đi vắng. Lúc trở về, cha giải tội thường xuyên và các bề trên lại ra lệnh cho bà phải viết lại.

Bà không dám ngại vâng lời, nhưng công việc thật cam go. Chúa Giêsu và Mẹ Maria phải đích thân hiện đến can thiệp. Chúa hiện ra phán bảo bà: “Con hãy viết lại hạnh tích Mẹ Thánh Cha một lần nữa và bổ túc thêm”. Mẹ Maria nói với bà: “Mẹ chúc lành cho con để con viết lại cuộc đời Mẹ một lần nữa. Mẹ sẽ trợ lực cho”. Đức Tổng thần Micae cũng hiện đến cùng với rất nhiều thiên thần khác, vừa khuyến khích vừa đe doạ để bà viết lại. Cho nên dầu sợ sệt e ngại, bà cũng không dám chối từ lệnh trời cao ban. Lần viết lại này, bà được Chúa cho thấy rõ những gì cần phải đưa lên mặt giấy.

Một hôm, bà rất áy náy tự hỏi không biết mình có viết đúng hay không, bà liền thấy Chúa Ba Ngôi ngự trên ngai lộng lẫy có Mẹ Maria ở bên hữu Chúa Con. Chúa Cha lấy ra một cuốn sách rất đẹp trao cho Ngôi Con mà nói: “Cuốn sách này và nội dung của nó đều là của Cha: Cha rất thích nó”. Chúa Giêsu tiếp nhận một cách kính cẩn, rồi cùng với Chúa Thánh Thần, tỏ tình thoả nguyện với cuốn sách. Mẹ Maria cũng hết sức bằng lòng. Bà không dám hỏi xem đó là sách gì. Nhưng Mẹ Maria mở ra, trao cho bà đọc. Bà thấy đó là chính sách bà đã viết về cuộc đời của Mẹ Maria. Mọi nghi ngại đều biến tan.

Nhưng ma quỷ, như một con ruồi quấy nhiễu đe doạ gây nhiều trở ngại cho bản viết đó. Ngày mồng 6 tháng 5 năm 1660, lễ Chúa Lên Trời, bà viết xong hạnh tích Mẹ Maria lần thứ hai. Bà đặt nhan đề là LA MISTICA CIUDAD DE DIOS: ĐÔ THÀNH HUYỀN NHIỆM CỦA THIÊN CHÚA, hay là THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM. Sau đó, bà đệ lên các bề trên, nhất là Giáo hội thẩm xét.

Năm năm sau, ngày 24 tháng 5 năm 1665, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, bà Maria Agrêđa từ trần, thọ 63 tuổi. Bà đã được Giáo hội tôn phong lên bậc Đáng Kính.

Bộ THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM bà viết ra lần này, người ta đem đối chiếu với bản lần trước mà hoàng đế Philippê 4 đã cho sao lại, thấy trùng hợp nhau lạ lùng, chỉ trừ những chỗ được bổ túc theo lời Chúa Giêsu. Bề Trên Cả dòng Thánh Phanxicô liền lập một hội đồng các nhà thần học trứ danh nhất để khảo sát. Hội đồng đã khảo sát tác phẩm ấy từng ý từng lời, phân tích từng câu từng chữ, và kết luận là cuốn sách quả thực do Thiên Chúa soi sáng để viết ra. Hội đồng không cắt bỏ một chữ một tiếng nào. Bề trên Cả liền đệ lên Đấng Bản quyền địa phương, tức là Đức Giám Mục địa phận Tarazona, hồi đó là Đức Cha Dom Miguel de Escarti, một vị giám mục học vấn uyên bác, nổi tiếng khôn ngoan và đạo hạnh. Đức Cha viết một bản biểu chương dài hơn hai mươi trang giấy, tâu lên hoàng đế để xin phép in ra. Trong biểu chương đó, Đức Giám Mục de Escarti có chỗ viết rằng: Ngài sửng sốt khi khám phá ra trong tác phẩm này một nền thần học tuyệt vời, mà một cô gái vô học là Maria Agrêđa viết ra sáng sủa, thông minh hơn những vị đại tiến sĩ kinh viện gia từ trước. Cả chính những vị thần học gia tài giỏi đương thời đọc tác phẩm này cũng thú nhận rằng: Trí thông minh của họ chỉ là trò điên khi đem so sánh với giáo lý trời cao mà họ nhận thấy trong tác phẩm THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM. Do đó, theo ngài, không thể nào hoài nghi được là nền thần học đó không do Thiên Chúa mạc khải cho Maria Agrêđa. Sau đó, dòng Thánh Phanxicô uỷ cho cha Giuse Ximenès Samaniego Placentia đứng xuất bản. Cha Samaniego viết thêm tiểu sử Maria Agrêđa in ở đầu sách. THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM ra ánh sáng lần đầu tiên tại Madrid thủ đô Tây Ban Nha năm 1670, chia thành tám cuốn.

Vừa ra đời, sách được niềm nở đón tiếp thật nhiều, mà bị gắt gao phê bình cũng lắm. dòng Thánh Phanxicô đã bác bỏ hết các luận điệu phê bình ấy. Mặc dầu thế, dư luận vẫn cho là sự bác bỏ ấy cho nhiều lập luận chủ quan; nhiều phản ứng được đệ lên tận hoàng đế. Vua Carolô II liền uỷ cho hai trường đại học Salamanca và Alcala kiểm xét luận chứng của dòng Thánh Phanxicô. Sau hai năm tra xét nghiêm cẩn, hai Đại Học ấy đã xác nhận luận chứng biện hộ của dòng Thánh Phanxicô là chính đáng xác thực. Năm 1715, hai tiến sĩ giáo sư Đại Học Louvain, nước Bỉ, là Herman Đamen và Antoine Parmentier lên tiếng tán tụng tác phẩm, cho rằng: “Người thông minh kẻ dốt nát, ai ai cũng sẽ hái lượm được những kết quả đặc biệt khi đọc tác phẩm này. Những điểm tuyệt vời trong thần học đều được trình bày sáng sủa, đơn sơ, dễ dàng, chỉ cần đọc với chút lương tri là hiểu được các mầu nhiệm của tôn giáo chúng ta. Trang nào cũng chứa những vẻ đẹp tới này chưa từng thấy… Tác phẩm từng bị phê bình gắt gao, nhưng chúng ta không lạ, vì có cuốn sách nào mà không bị phản đối? Đến ngay Thánh Kinh chứa đựng những lời chính Chúa mạc khải kia, cũng còn bị những đầu óc thông minh của thế gian chỉ trích nữa là!!! Ý kiến của hai giáo sư trên kia cũng là ý kiến của Đại Học Toulouse về sau.

Về phía giáo quyền trung ương, tức Toà Thánh Rôma, tác phẩm THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM đã trải qua một lịch trình chìm nổi như sau: Năm 1680, Đức Giáo hoàng Alêxan 8 cho phép đọc, mặc dầu sách đang khơi lên nhiều cuộc bút chiến sôi nổi. Ngày 4 tháng Tư năm 1681, Thánh Bộ Sách Cấm đã duyệt bỏ sách này, nhưng bảy tháng sau, ngày mồng 9 tháng 11, Đức Innôcentiô 11 ra đoản sắc trừu lại việc duyệt bỏ ấy. Năm 1704, Đức Clêmentê 11 cấm hẳn không được ghi sách này vào Sổ Sách cấm. Pháp đình Tôn giáo Tây Ban Nha cũng cho phép đọc trong khắp phạm vi tài phán của mình. Năm 1713, Đức Giám Mục địa phận Cênêđô cấm giáo hữu địa phận ngài đọc, nhưng ngày 15 tháng 9 cùng năm ấy Thánh Bộ Thánh Vụ can thiệp truyền rút lệnh đó trong một bửu sắc dài ba mươi trang gửi cha Raphael de Lugangno, Tổng vụ dòng Thánh Phanxicô, đã ca tụng THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM một cách long trọng huy hoàng. Thánh Bộ Lễ Nghi đồng ý với bửu sắc đó, cho phép tiến hành việc tra án phong chân phúc và hiển thánh cho bà Maria Agrêđa, mà không phải xét gì về cuốn THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM nữa.

Phép ban tối cao này đã có một hiệu lực rất xác thực, không một giáo quyền nào có thể làm ngược lại được. Phép ban ấy có nghĩa là bộ sách THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM không chứa đựng một điều gì tương phản với tín điều và luân lý Phúc Âm. Như vậy, Giáo hội đã minh nhiên khuyến khích ta tin và đọc Cuộc đời Mẹ Maria qua mạc khải cho bà Đáng Kính Maria Agrêđa như là bộ sách được chính Thiên Chúa tỏ lộ. Giáo hội khuyến khích sự kiện ấy bằng những văn kiện, những sắc lệnh, tức bằng giáo huấn thường quyền của mình, Giáo Huấn mà Đức Piô 12 gọi là “Quy luật tối cận và phổ quát của chân lý” (Ad caeli Reginam, 11.10.1954). Về bộ THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM, ngoài những sắc lệnh nói trên, theo cha Don Cereseto trong bài tựa bản dịch tiếng Ý năm 1881, Đức Bênêđitô 14 còn ra hai sắc lệnh năm 1754 và 1757 xác nhận nữa. Những chứng lý đó quá đủ để ta tin không sợ sai lầm.

Tuy nhiên, vẫn có một hoài nghi là không biết bộ sách phát hành năm 1670 có phải thực sự là của chính bà Maria Agrêđa viết ra, hay chỉ là của cha linh hướng của bà viết, rồi gán cho bà. Để giải mối thắc mắc này, Toà Thánh ra lệnh đem cả hai bản thảo – một của bà viết lần sau, một do vua Philippê cho sao lại và tất cả bút tích của bà từ bên Tây Ban Nha sang Rôma để khảo sát. Sau khi đã xem xét lại kỹ lưỡng, ngày 11 tháng 3 năm 1771, Đức Clêmêntê 14 ký sắc lệnh xác nhận rằng bút pháp của bộ THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM phù hợp với bút pháp trong các tác phẩm khác của bà Maria Agrêđa. Do đó, kết luận rằng cuốn Cuộc đời Đức Mẹ ấy thực sự do bà Maria Agrêđa viết ra, chứ không do một ngòi bút khác. Nhiều nhà thần học, nhà văn danh tiếng khác đương thời, được hân hạnh so sánh duyệt xét cũng công nhận như vậy, chẳng hạn: Cha Gioan a Sanctô Tôma, một thần học gia rất nổi tiếng; đức cha Bênađinô Sienna, giám mục Viseo; đức cha Pedro Maveo, giám mục Tarazona; đức cha Cêxa Monti, sứ thần Toà Thánh tại Tây Ban Nha, sau làm Hồng Y Tổng Giám Mục Milan; cha Gioan de Palma, cha giải tội của hoàng hậu Elisave de Bourbon; cha Alonzo Salizanèa, Tổng vụ dòng Thánh Phanxicô, v.v… Cả toà Pháp đình Tôn giáo, một cơ quan thẩm xét, cũng cho là do Thiên Chúa mạc khải cho bà Maria Agrêđa viết ra, sau mười bốn năm tra xét kỹ lưỡng. Khi tác phẩm được xuất bản tại Bồ Đào Nha, toà Pháp đình Tôn giáo tại đây cũng lại đem lên bàn mổ xẻ một cách công bằng vô tư. Sau đó, Pháp đình đã chấp nhận hoàn toàn, với chữ ký của các cha: Phanxicô Almada và Antôn Moraes, tiến sĩ thần học dòng Tên, Anrê Mendez, dòng Tên, giảng thuyết tại Triều đình, nhân viên Pháp đình; dom Diego de Silva, tiến sĩ thần học Bề trên Cả dòng Bênêđitô, rồi Giám mục Cadix…

Ngay từ sau khi xuất bản lần thứ nhất, theo kinh sĩ Victor Viala, bộ THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM đã được dịch sang tất cả các thứ tiếng Âu Châu và được xuất bản rất nhiều lần. Riêng tiếng Pháp có bản dịch của Cha Thomas Croset, dòng thánh Phanxicô, xuất bản năm 1694. Bản dịch này, ngay trong năm xuất bản, đã bị trường Đại Học Sorbonne trích một ít trang, phê phán rất ngặt nghèo, cho là giả tạo, trái giáo lý. Nhưng những phê bình đó ít giá trị, vì nó dựa theo một chủ quan chính trị giữa Pháp và Tây ban nha, và lập luận theo chiều hướng của thuyết Giansênít và duy lý. Đức Hồng Y d’Aguirre đã lên tiếng cực lực đả kích luận điệu của Đại Học Sorbonne, và nhiệt liệt biện hộ cho tác phẩm mặc dầu ngài không ưng bản dịch của Thomas Croset mấy, vì cho rằng nó không trung thành với nguyên văn. Tuy nhiên, bản dịch ấy vẫn được tái bản nhiều lần vào năm 1857, 1862 và gần đây là năm 1972. Nhân dịp tái bản vào năm 1857, cha Dom Guéranger, viện phụ đan viện Solesme, đã viết trên báo Univers (Vũ trụ) năm 1858 và 1859 nhiều bài nghị luận rạch ròi, đánh đổ tất cả các vấn nạn nêu ra từ trườc, nhất là của Đại Học Sorbonne. Bản dịch này qúa lớn, in thành sáu cuốn, dầy trên 3300 trang, chữ cỡ 8, ít người có thời giờ đọc được, nên vào khoảng năm 1916, kinh sĩ Victor Viala, địa phận Pamiers, đã cho phát hành một bản lược toát dầy 460 trang.

Gần đây, nhà xuất bản Saint Michel ở Saint Céneré, Pháp, in lại tới năm lần tính đến năm 1969. Theo lời nhà xuất bản này, lần phát hành nào của họ cũng được nồng nhiệt đón tiếp, không đủ sách bán ra.

Tại Việt Nam không phải là giáo dân chưa biết đến bộ sách THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM, kể lại Cuộc đời Mẹ Maria của bà Đáng Kính Maria Agrêđa. Cách đây gần một thế kỷ, đúng ra là vào năm 1882, cha H. Azemar, một vị thừa sai Paris thuộc địa phận Sàigòn, đã cho phát hành một bản dịch nhan đề là “Sách Truyện Đức Chúa Bà”, lược tóm từ sách của “một Đức Giám mục ngồi thành Rôma, thuộc về Hội đồng giúp việc Đức Giáo Tông đã dọn” (Sách Truyện Đức Chúa Bà, trang 7, sách này dầy 716 trang, dịch tại Lái Thiêu năm 1882, in tại Tây Đàng Ngoài năm 1883). Bản dịch ấy đối với ngày nay vừa có một lối văn quá xưa, vừa dài dòng, khúc mắc với những tiếng địa phương cổ. Mặt khác, bản dịch ấy hiện nay lại rất khó kiếm, hoạ may chỉ còn sót lại trong thư viện của những tu viện hoặc cơ sở lâu đời. Cho nên ai dầu có thiện chí tìm đọc cũng khó đạt ước muốn.

Với nguyện ý trao vào tay bạn đọc một bản hạnh tích đầy đủ về cuộc đời Mẹ Maria, Người Mẹ không thể nào thiếu mặt được trong mầu nhiệm Cứu Chuộc, theo Thiên Chúa đã an bài, chúng tôi xin mạo muội dịch một bản mới, căn cứ vào cuốn lược toát của kinh sĩ Victor Viala nói trên.

Theo cha Dom Guéranger, “Điểm tối thiểu người ta có thể nói để ca tụng tác phẩm này là: Nó vẫn mãi là một trong những công trình vĩ đại quan trọng nhất của tài năng nhân loại, đòi tác giả viết ra nó phải thâm hiểu được các mầu nhiệm Kitô giáo một cách lạ lùng nhất, nhận thức được luân lý của đạo một cách sâu xa nhất, và thấu hiểu được Thánh Kinh một cách thật hoạ hiếm”. Đó là về phương diện Thần học. Về phương diện thần bí, có chứng từ của học giả Gheyn, trong Tự Điển Thần Học Công Giáo (D.T.C. cuốn I, cột 629-631) từng quả quyết rằng bộ THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM rất có giá trị về phương diện tu đức và giáo hoá. Các linh mục André Tanquerey và G.M. Roschini cũng công nhận bộ đó có rất nhiều giá trị tu đức và thần bí…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *