Thánh Đa Minh Tổ Phụ Dòng Anh Em Thuyết Giáo (3/6)

PHẦN I. CHÂN DUNG NHÀ GIẢNG THUYẾT

Lm Phanxicô X. Đào trung Hiệu OP

6/ Đi như người loan báo tin vui

Lửa nhiệt tình truyền giáo đã bùng lên trong cha Đa Minh đêm đó sẽ không bao giờ tắt nữa. Trong chuyến đi lần thứ hai (1205) để đón công chúa Đan Mạch, khi nghe tin công Chúa thất lộc (Nhiều người cho rằng công chúa vào tu trong đan viện), Giám mục Diego và cha Đa Minh hành hương Roma, xin đức thánh cha cho phép đi giảng cho người Cumans, Hồi Giáo. Trong ước muốn đảm nhận sứ vụ của Giáo Hội, hai vị đã tình nguyện đến những biên cương khó khăn nhất. Thế nhưng, tuân theo sự phân công của Giáo Hội, hai vị đã hy sinh ý định lớn lao, sẵn sàng phục vụ tại miền Nam nước Pháp.

Trở về Montpellier, một lần nữa hai vị được chứng kiến sự thành công của nhóm Cathares. Các đặc sứ Tòa Thánh, các đan sĩ hoạt động tại đây, hầu như đã thất vọng hoàn toàn. Hai vị liền để tâm nghiên cứu tình hình và nhận ra lý do thất bại. Các đặc sứ thì uy nghi lộng lẫy với đoàn tùy tùng đông đảo, còn phái Cathares thành công nhờ nếp sống nghèo khổ hạnh.

dominic_heresie.jpg

Nguồn gốc sâu xa của các nhóm lạc giáo khởi từ công cuộc canh tân đã khởi sự được hơn một thế kỷ. Giáo Hội đang sống trong thời đại canh tân, thường được gọi là cuộc canh tân Grêgoriô VII, vị giáo hoàng đã đẩy mạnh cuộc cải tổ này. Phong trào đã tìm thấy nguồn sinh lực gợi hứng từ Kinh Thánh và thời đại các Tông Đồ để đáp lại những thách đố và lạm dụng như người ta thấy ngay trong nội bộ giáo sĩ : sự dốt nát, ù lì và thiếu khả năng để rao giảng.

Tìm cách thoát ra những tệ lạm này, một đàng nhờ các giáo sĩ nhiệt tình, đàng khác nhờ chính những giáo dân nỗ lực trở lại với đời sống đơn giản và nghèo khó của giáo hội tiên khởi. Họ lấy việc sống như các Tông Đồ làm lý tưởng. Những vị giáo sĩ muốn canh tân này đã đề ra hình thức cụ thể để thực hiện lý tưởng của mình bằng lối sống tu trì tại các kinh sĩ đoàn. họ nỗ lực đưa đời sống cầu nguyện và sứ vụ tông đồ vào lòng các đan viện. Số các Kinh Sĩ đoàn ngày càng gia tăng đã phát sinh nhiều cộng đoàn nổi tiếng như Prémontrée, Saint-Victor và tại Anh là nhóm Gilbertin.

Những tín hữu muốn tham gia cuộc cải tổ liên đới lại thành các huynh đệ đoàn sám hối, họ nhấn mạnh đời sống nghèo, hãm mình nghiêm ngặt và rao giảng. Vì quá nhiệt tâm, nhiều người trong họ đã đi đến sai lầm, họ đánh giá việc khó nghèo như các Tông Đồ là điều kiện tiên quyết và tối cần để giảng thuyết và trao ban các bí tích thành sự. Nhưng dầu sao, nếp sống nghèo của họ hấp dẫn hơn với quần chúng.

Nhờ kinh nghiệm đã từng theo nếp sống giáo hội sơ khai tại kinh sĩ đoàn Osma, đức cha Diego và cha Đa Minh hăng hái cổ cõ các viện phụ rũ bỏ các hành lý cồng kềnh, để ra đi với đôi bàn tay trắng của Đức Kitô. Cần phải trở thành người loan báo tin vui chứ đừng làm kẻ chinh phục. Vị giám mục nói : “Xin quý ngài cho đoàn tùy tùng trở về, hãy đi từng hai người một theo gương các Tông đồ, Chúa sẽ chúc phúc cho những nỗ lực của quý ngài”.

Hiến kế xong, hai vị làm ngay điều mình nói và các viện phụ đều theo … “Mọi người nhận vị Giám mục làm người chỉ huy toàn chiến dịch. Tất cả bắt tay vào việc truyền bá đức tin, tự nguyện sống nghèo, đi chân đất và không mang tiền bạc… Các ngài chỉ giữ lại sách và một số vật dụng tối cần thiết”

Cha Đa Minh không quản ngại khó khăn vất vả. Mấy tháng liền Cha dành trọn ban ngày cho tha nhân và thức trắng đêm thờ phượng Chúa. Đặc biệt trong mỗi lần tranh luận, cha mời đối phương cử trọng tài. Sự tín nhiệm đó đã đem lại hiệu quả bất ngờ. Một lần kia, Chúa tỏ dấu xác nhận lời cha. “Ở Montréal, người Cathares không đốt nổi cuốn sách do cha viết”. Đã đến lúc những hoạt động hăng say, lời giảng trìu mến kèm với dấu lạ cuốn sách không bị cháy, trổ sinh hoa trái đầu mùa : một vài phụ nữ bỏ phái Cathares đến xin cha hướng dẫn.

Cảm hứng theo tổ chức của lạc giáo, vốn có các “tín nữ” yểm trợ đắc lực cho những nhà du thuyết, cha Đa Minh đã bố trí họ trong cộng đoàn Prouille, miền Fanjeaux nước Pháp, ngay trên địa bàn của lạc giáo. Tu viện Prouille trở thành cơ sở đầu tiên của nữ đan viện Đa Minh (1206). Dưới mái trường êm ấm đó, các chị học theo Chúa Cứu Thế hiền từ và khiêm nhượng trong lòng, luyện tập mở rộng tâm hồn, mong ước cho mọi người được ơn cứu độ … Và dĩ nhiên, trước tiên cho những thân hữu lạc giáo sống quanh mình.

Năm 1207, Đức cha Diego phải trở về Osma để thu xếp công việc địa phận và qua đời tại đó. Chỉ còn cha Đa Minh với cái tên thân ái “Anh Đa Minh” vẫn tiếp tục rao giảng không mỏi mệt. Theo lời cha Jordano : “thỉnh thoảng có vài anh em đến chung sống với cha, nhưng chưa có ai khấn vâng lời”.

7/ Tình yêu Chúa thúc bách tôi

Năm 1208, do thái độ cứng rắn, đặc sứ Pierre Castelnau bị sát hại. Đức Innocentê III mất kiên nhẫn, tuyên bố thánh chiến với Albigeois. Nhưng cha Đa Minh không tham gia cuộc chiến này. Ba tài liệu viết tay của ngài còn được lưu giữ, gồm một thư gửi các nữ đan sĩ và hai chứng từ cấp cho người Cathares trở lại. Con đường ngài chọn vẫn là cầu nguyện và rao giảng. Ngài nói : “chống kiêu ngạo bằng khiêm tốn, chúng ta hãy đi chân không đến gặp Goliát”. Cha không tin vào vũ khí bạo lực mà tin vào những hòn sỏi nhỏ bé cộng với sự phù trì của Thiên Chúa.

Lần kia, khi khuyên một người lạc giáo trở về, cha nhận được câu trả lời bất ngờ : “Tôi không thể rời xa họ, vì tôi ăn nhờ ở trọ trong nhà họ”. Cha Đa Minh vừa lúng túng vừa đau lòng vì không có gì để trợ cấp cho anh ta. Cuối cùng cha tìm ra giải pháp : tự bán thân mình để lấy tiền cứu anh khỏi hố thẳm tội lỗi.

Như vậy, cha Đa Minh muốn theo sát Đức Kitô, vì “không có gì cao quý bằng kẻ hiến mạng sống mình cho người mình yêu”. Nhiều lần cha ước mơ làm nạn nhân của những tấn tuồng tử đạo khủng khiếp. Khi đối phương hỏi ngài có sợ bị bắt không ? Ngài trả lời : “Nếu bắt được tôi, xin các anh đừng giết tôi ngay, hãy băm xác tôi ra thành trăm mảnh, xẻo tai cắt mũi, rồi để tôi nửa sống nửa chết hay muốn kết liễu thì tùy ý anh”. Lần khác cha vui vẻ theo nhóm lạc giáo vào rừng gai, nhìn chân xước, máu chảy ngài nói “sám hối phải thế đó”. Rồi cười thoải mái trước sự ngạc nhiên của họ.

dominic_seignadou.jpg

8/ Chân dung nhà thuyết giáo

Cha Đa Minh thường chọn đi giảng ở Carcassone, vì ngài nói : “Ở Toulouse này tôi gặp nhiều người ca tụng, còn ở Carcas-sonne, mọi người chống lại tôi”. Quả thế, tại vùng đó, đối phương sỉ nhục ngài đủ cách. Họ nhổ nước miếng, ném bùn, nhét rơm vào áo rồi chế diễu. Như các tông đồ xưa, ngài sung sướng được chịu sỉ nhục vì Danh Chúa Kitô, kiên cường không lùi bước trước trở ngại đe dọa. Ngài bình thản tiếp tục hành trình, vui vẻ ca hát.

Viện phụ Guillaume de Pierre, một nhân chứng đương thời cho ta biết : “Đa Minh khát khao mãnh liệt ơn cứu rỗi các linh hồn … Ngài hăng say rao giảng ngày đêm, trong nhà thờ, nơi nhà riêng, giữa cánh đồng và ngay trên đường đi. Ngài không ngừng công bố Lời Chúa, cổ võ anh em cũng làm như vậy, bao giờ cũng chỉ nói về Chúa. Ngài từ chối chức giám mục Conséran… Ngài âu yếm an ủi anh em bệnh tật, kiên nhẫn khích lệ những người nản chí. Ngài quảng đại tặng người nghèo mọi thứ mình có. Ngài không có giường nào ngoài nhà thờ, nếu không có nhà thờ, ngài ngủ ghế, ngủ đất, hoặc tháo nệm gia chủ trải để nằm trên trỉ giường. Bao giờ tôi cũng thấy ngài mặc áo chùng, vá trên vá dưới. Ngài luôn luôn mặc áo xấu nhất trong anh em. Ngài cổ võ người này kẻ khác sống đức tin và bình an”.

Có lẽ từ năm 1213, cha Đa Minh phổ biến Kinh Mân Côi, khi đó còn dưới dạng thức đơn giản “Kính Mừng Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà có phúc hơn mọi người nữ“. Nhóm Cathares vốn coi vật chất là điều xấu, họ không tin Chúa Giêsu nhập thể trong xác phàm và như thế họ cũng chối nhân tính đức Giêsu trên Thánh Giá. Lời kinh Mân Côi đơn sơ nhắc nhớ đến mầu nhiệm nhập thể và cứu độ, có sức tác động giúp suy niệm về cuộc sống, cuộc khổ nạn và vinh quang của Đức Giêsu, đưa nhiều người rời bỏ lạc giáo

(Theo những sử liệu chính xác, chân phước Pierre Alain de la Roche OP (1428-75) ở Bretagne là người ổn định chuỗi 150 với ba mùa Vui, Thương, Mừng như hiện nay. Kinh “Thánh Maria” cũng chuyển biến từ thế kỷ XIII và có dạng hiện nay do thánh giáo hoàng Pio V ấn định năm 1508. Kinh “Sáng Danh” cuối mỗi chục kinh, xuất hiện ở nhà thờ Đaminh Sopra Minerva tại Roma năm 1613. Thánh danh Giêsu và Maria được đức Urbano IV (1261-64) thêm vào).