Thánh Giá tình yêu (14.09 – Lễ Kính Suy Tôn Thánh Giá)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Ngày 14.09: Lễ Kính Suy Tôn Thánh Giá

Nghe giảng lễ Suy tôn Thánh Giá

Lời Chúa: Ds 21,4b-9 (hay Pl 2,6-11), Ga 3,13-17

HAY

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 3,13-17)

13 Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng : “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

16 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”

Thánh Giá tình yêu (14.09.2022)

“ Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban con một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Gn 3,16)

Đa số những người Công Giáo chúng ta, thường đeo dây chuyền nơi cổ đính kèm với Thánh Giá Chúa Giêsu, mẫu ảnh nhỏ Đức Mẹ, hoặc chuỗi hạt Mân Côi đã được làm phép. Có nhiều người xác tín về Đức tin kitô hữu của mình: Khi ta đeo ảnh Chúa, Mẹ, là để mình luôn nhớ có Chúa, Đức Mẹ cùng đồng hành trong cuộc sống, luôn ở với ta trong mọi biến cố cuộc đời, nhắc nhở mình sống tốt, giữ Lời Chúa dạy bảo ta trong Tin Mừng Phúc Âm. Mỗi lần đưa tay lên cổ là sờ thấy cây thánh giá nhỏ vẫn yên vị nằm ngay giữa phần ngực của trái tim chúng ta, trái tim là biểu tượng của tình yêu trong tâm hồn, tâm hồn luôn nghĩ đến Chúa thì cảm nhận được sự bình an hạnh phúc.

Khi đến thăm bệnh nhân công giáo, chúng ta vẫn thường thấy họ đeo chuỗi mân côi có ảnh Đức Mẹ và cây Thánh giá nhiệm mầu, trước lúc thầm thĩ cầu nguyện… lần hạt đọc kinh xong, họ luôn kính cẩn hôn Thánh giá Chúa bằng tất cả lòng yêu mến cậy trông…Thánh giá Chúa là tình yêu cứu độ loài người tội lỗi chúng ta. Những khi đau khổ, sợ hãi khốn cùng…ta biết nhìn lên Thánh giá Chúa và suy gẫm về cuộc tử nạn của Ngài, ta sẽ liền cảm thấy vơi đi nỗi đau nơi mình, bởi tất cả những cái đau đớn khổ nhục lớn nhất thì chính Chúa đã mang trên thân thể Ngài để làm gương cho chúng ta. Chúa Giêsu hoàn toàn vô tội, ấy vậy mà Ngài đã hy sinh chịu chết chỉ vì yêu thương, gánh lấy tội của nhân loại mà đền thay cho chúng ta bằng chính máu của Ngài.

Lạy Thánh Giá cực trọng Chúa Giêsu, xin thương xót thứ tha tội lỗi cho chúng con. Xin cho chúng con luôn biết suy tôn Thánh giá tình yêu Chúa, để hằng vui lòng đón nhận những khốn khó đến trong cuộc đời mình, mà bước đi theo Chúa cho tới hơi thở cuối cùng. Amen.

BCT

Vinh dự của chúng ta là Thập Giá Đức Ki-tô (14.09.2021)

Ghi nhớ:

 “Như ông Mosê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng phải được giương cao như vây”. (Ga 3, 14)

Suy niệm:

Tại phi trường quốc tế bang Pensylvania của Hoa-Kỳ. Cách phi trường vài giây đồng hồ bay có một Ngôi Thánh Đường, nằm ở cuối một trong những phi đạo nhộn nhịp nhất. Người ta e sợ tháp chuông có thể gây nguy hiểm cho máy bay khi mỗi lần đáp xuống hoặc bay lên. Vì vậy, những vị chức sắc trông coi nhà thờ đã đặt trên tháp chuông một bóng đền néon lớn bằng hình Thánh Giá.

Từ đó, mỗi lần đáp xuống hoặc bay lên  phi trường, các phi công đều nhắm cây Thánh Giá như một tiêu chuẩn chắc chắn và an toàn nhất.  

Hôm nay Hội Thánh suy tôn Thánh Giá; cây thập tự mà Đức Giê-su đã chiu đóng đinh vào khi chịu tử nạn để Cứu Chuộc thiên hạ. Ngày nay, nơi nào có người Ki-tô hữu thì nơi ấy có Cây Thánh Giá. Thánh Giá của Đức Giê-su Ki-tô là biểu tượng cho Tình Yêu, cho niềm hy vọng và cho sự sống đời đời…

Ngày xưa, khi Đế quốc Rôma đô hộ dân tộc Do Thái, thì nhà cầm quyền sẽ đóng đinh những kẻ phạm tội nguy hiểm như; giết người, phản loạn vào thập giá. Với mục đích là làm cho kẻ bị kết án tử hình phải bị chết từ từ trong đau đớn về thể xác và tủi nhục trong tâm hồn.

Nhưng đối với Đức Giê-su thì khác. Ngài đã biến thập giá tủi nhục đó thành Mầu nhiệm của ơn cứu độ. Thành vinh quang Phục Sinh. Bởi vì Ngài là Đấng vô tội, đầy uy quyền và  Đấng đầy lòng thương xót.

Thánh Phao-lô thì khẳng định: “Vinh dự của chúng ta là Thập Giá Đức Giê-su” (Gl 6, 14). Bởi vì nhờ cây Thập giá ấy thiên hạ ngập tràn tội lỗi  chẳng nhưng không bị kết tội mà còn nhận được ơn Tha Thứ và Cứu Độ: “Quả vậy. Thiên Chúa sai Con của Người đến không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con Của Người mà được Cứu Độ”. (Ga 3, 17).

Thánh Giá biểu tỏ cho nhân loại thấy một tình yêu vĩ đại mà Thiên Chúa Cha dành cho mọi người, Quả vậy: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào  Con của Người thì được sống muôn đời”. (Ga 3, 16). Còn Chúa Con đến thế gian, Ngài sẵn sàng hy sinh chịu chết thay cho nhân loại: “Không tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. (Ga 15, 13)

Về hình thức. Thập Giá được hình thành bởi một thanh dọc  và một thanh ngang. Thanh dọc nói nên Đức Giê-su Kt-tô là Đấng nối kết giữa Trời và đất; hay nói cách khác. Ngài là Đấng nối kết Thiên Chúa Cha với nhân loại và ngược lại giữa nhân loại và với Đức Chúa Cha: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6-7). Ý nghĩa của thanh ngang; là Ngài nối kết mọi người với bằng  nhau trong tình huynh đệ: Thầy ban cho anh em một điều răn mới là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. (Ga 15, 12)

Sau nữa Thánh Giá còn mang ý nghĩa của sự chiến thắng; Từ cây Thánh Giá Chúa đã chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự tàn ác của thế gian và  sau khi Phục Sinh Ngài đã chiến thắng sự chết, chiến thắng tử thần.

Như ngày xưa trong sa mạc. Dân Do Thái đã nhìn lên con rắn đồng mà Môsê đã treo lên cao để được giải thoát khỏi nọc độc của  rắn thế nào, thì ngày nay chúng ta cũng đang nhìn lên Thánh Giá Chúa để chiêm niệm về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Cứu Độ, để tìm nơi Thánh Giá Chúa nguồn ơn sủng và sức mạnh của Ngài mà sống trong tâm tình thực thi ý  Ngài. Nhưng khi suy niệm về Mầu Nhiệm Cứu Độ chúng ta không thể tách rời Đức Giê-su ra khỏi cây Thánh giá và ngược lại cũng không thể chiêm niệm một Thập Giá mà không có Đức Ki tô.

 Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn lên Thánh Giá Chúa như một ngon hải đăng trong cuộc đời của con, để mỗi khi lạc hướng giữa dòng đời bể dâu, mỗi khi thất vọng, chán nản, con tìm được sử ủi an, sức mạnh và lòng cậy trông.

Xin ban cho con sức mạnh của lòng khoan dung tha thứ, để con luôn là chứng nhân cho tình yêu vô biên của Chúa. Amen.

Sống Lời Chúa:

Trước khi dùng bữa, làm dấu thánh giá cách trân trọng ngay cả khi ở các quán ăn công cộng.

 Đaminh Trần Văn Chính.

Thập giá của tội nhân, Thánh giá của thánh nhân (14.09.2020)

Từ thế kỷ thứ IV, trước công nguyên, các hoàng đế Hy lạp đã dùng thập giá để xử tử tội nhân. Đến năm 71, trước công nguyên, đế quốc La mã cũng áp dụng khổ hình này để xử tử những người Do thái đòi quyền tự trị. Chính Chúa Kitô cũng chịu khổ hình thập giá. Thập giá là nhục hình ghê rợn. Vậy thì, thập giá có ý nghĩa gì để chúng ta phải long trọng suy tôn?

Trước tiên, phải khẳng định rằng: chúng ta không suy tôn thập giá của các tội nhân, nhưng chúng ta suy tôn thập giá vinh phúc được Chúa Kitô treo thân trên đó. Thập giá này trở thành thánh giá vì là nơi treo Đấng Vô Tội chết thay cho tội nhân. Chúng ta suy tôn thánh giá Chúa Kitô không phải vì những khổ hình nó gây ra, nhưng là vì những ân sủng thánh giá mang lại: “Đây là gỗ thánh giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian. Chúng ta hãy đến thờ lạy”. Nơi thánh giá Thiên Chúa tỏ lộ cho con người biết tình yêu tuyệt đỉnh và ơn tha thứ vô biên của một vị Thiên Chúa làm người. Thật vậy, chính Chúa Kitô đã dùng thánh giá mà chuộc tội thiên hạ. Thập giá trở thành thánh giá vì mang tình yêu của Thiên Chúa làm người. Không có tình yêu thì thập giá không là thánh giá. Thánh giá là “vũ khí” Chúa Kitô dùng để cứu độ nhân loại: “Khi Ta được dương lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Mỗi khi làm dấu thánh giá, chúng ta tuyên xưng một chân lý cao cả của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm thánh giá là một mầu nhiện vĩ đại của Kitô giáo.

Mầu nhiệm này, được loan báo trong thời Cựu ước, sách Dân số 21,4-9. Và hôm nay, Chúa Giêsu giải thích cho ông Nicôđêmô biết: “Như ông Môsê đã dương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được dương cao như vậy để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15). Hễ ai tin Đức Giêsu -đấng chịu chết trên thánh giá -là Thiên Chúa thì được sống đời đời. Nhưng người ta thật khó để chấp nhận chân lý này: Thiên Chúa mà lại bị con người đóng đinh vào thập giá ư? Không thể nào như vậy được! Thập giá là nỗ ô nhục đối với những người Do thái vốn kiêu hãnh về một vị Thiên Chúa bách chiến bách thắng, là sự điên rồ đối với người Hi lạp thông thái.

Không chỉ đối với người Do thái và người Hy lạp mà thôi, cả chúng ta thời nay nữa, thánh giá có thể là cớ làm chúng ta xa Chúa. Có biết bao người lúc bình an hoan lạc thì sốt sắng tin Chúa đi thờ, đi lễ với cộng đoàn rất vui vẻ nhưng khi nhận lấy thánh giá Chúa, thì ôi thôi, nguyền rủa, bất mãn và bỏ Chúa, bỏ đạo… Một số người tin Chúa nhưng lại không muốn vác thánh giá Chúa, đó thật là một sự mâu thuẫn. Chúa Giêsu đã chẳng mời gọi; “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ mình vác thánh giá hằng ngày mà theo” đó sao? Thánh giá ở đây không phải làm bằng những thứ vật chất: gỗ đá ximăng… mà là thánh giá của yêu thương, thánh giá của tha thứ, thánh giá của chia sẻ, khiêm nhường, phục vụ tha nhân… thánh giá nào cũng làm người vác cảm thấy đau đớn, nặng nề, tổn thương… nhưng nhờ Chúa Kitô đã dùng thánh giá mà chuộc tội thiên hạ, thì mỗi thánh giá chúng ta đang mang vác vì tình yêu Chúa và yêu người cũng có giá trị tuyệt vời, là cứu rỗi bản thân mình và tha nhân.

Thánh giá minh chứng tình yêu, không thể nói yêu mà lại không đón nhận thánh giá. Tương tự như cha mẹ yêu con sẽ không quản ngại thức khuya dậy sớm, quạt nồng, ấp lạnh, sẵn sàng chịu gian lao đói khổ… vì yêu con. Cũng vậy, tình yêu Chúa và yêu người thúc bách người ta thêm can đảm vác thánh giá Chúa mỗi ngày.

Thánh giá dẫn tới vinh quang. ĐTC Phanxicô nhắn nhủ chúng ta rằng: “Thánh giá cho chúng ta một kho tàng mà không có một sự gì khác có thể mang lại: đó là sự chắc chắn về tình yêu không lay chuyển mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Một tình yêu cao vời đến nỗi Ngài đã bước xuống vũng lầy tội lỗi của chúng ta và tha thứ, Ngài đi vào nỗi thống khổ của chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. Chúa kitô chia sẻ cuộc lữ hành của chúng ta cho đến tận cùng. Không có thánh giá lớn nhỏ nào trong cuộc sống của chúng ta mà Chúa kitô đã không cùng chia sẻ với chúng ta”.

Xin Chúa giúp chúng ta vững tin rằng Chúa đang hiện diện và cùng vác thánh giá với chúng ta, hầu đem ơn cứu độ cho chúng ta và cho mọi người, ở mọi nơi. Amen.

Tình yêu mạnh hơn sự chết (14.09.2019)

Vâng, kính thưa quý vị, thưa các bạn, có nhiều định nghĩa về Thánh Giá, như Thánh Gía là nguồn phúc vinh, hay Thánh Gía là nguồn ơn cứu độ của tôi. v…v. Hôm nay, con xin mượn cụm từ “THÁNH GIÁ NGUỒN SỨC MẠNH CỦA ĐỨC TIN “ để xin chia sẻ cùng quý vị Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay ( Ga , 13-17).

Như thánh Gioan đã ghi rõ từng câu : “Không ai đã lên Trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ Trời mà xuống” ( c 13).

Vâng, mở đầu câu Lời Chúa hôm nay, thánh Gioan cho chúng ta thấy, “Con Người” chính là Thiên Chúa, vâng, một Ngôi Vị Thiên Chúa đã yêu thương nhân thế, yêu thương hết sức hết lòng, đến độ Người phải “bước xuống” trần gian vì nhân thế. Thánh Gioan đã xác tín như vậy, “Đấng từ Trời mà xuống”, có nghĩa là “Người đã Giáng Sinh” vì nhân loại.

Như vậy, rõ ràng , Người đã “mang” sức mạnh từ trời xuống cho chúng ta, và như vậy, “sức mạnh” ấy phải được đổi lấy bởi “điều kiện” là ĐỨC TIN.

Vâng, nhưng sức mạnh ấy phải được “giương cao” phải được tỏa sáng, muốn vấy , phải được “treo lên”, vì : “Như ông Môi-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời ” ( c 14 -15).

Vâng, trước khi Thập giá trở nên Thánh giá, thì giá trị của Thập giá chính là “Con Người “ được treo lên, như vậy , “sức mạnh” của Thánh Gía chính là sẽ “kéo” được nhiều người lên, tức là ”ơn cứu độ”. Như vậy, rõ ràng sức mạnh của ơn Cứu Độ chính là Đức Tin. Sống muôn đời có nghĩa là ơn cứu độ, ơn giải thoát khỏi tội lỗi, thế gian, vì nếu chúng ta không “tin “ vào Thánh Giá, thì làm sao được “cứu”.

Như vậy, “ Tin “ và được “ Cứu ” là hai động từ “cần và đủ” cho nhân loại, để đón nhận ơn cứu độ đời đời. Tại sao vậy ? Thưa, vì rõ ràng :”Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” ( c 16). Rõ ràng, Thiên Chúa đã yêu thương nhân thế trước, và Thiên Tình ấy đã trao ban một “món quà” vô giá đó là “Người Con Một”.

Nhưng, Người Con Một ấy đã chịu “treo lên” cây Thập giá, như thế nỗi ô nhục của nhân thế là Thập giá, Người đã gánh lấy, để từ đó, không còn là Thập giá đơn thuần, mà là nơi “treo” Đấng Cứu Độ trần gian. Đấng Cứu Độ trần gian chính là ”Con Một “ Thiên Chúa. Như vậy, sức mạnh của Đức Tin trở nên có giá trị khi “Con Một “Thiên Chúa trở nên Hy Lễ Cứu chuộc tội lỗi nhân loại. từ đó, Đức tin trở nên giá trị vô song, khi nhân thế “TIN “ vào Người.

Suy niệm ở chiều kích nầy, chúng ta thấy, tình yêu của Thiên Chúa làm một với “quà tặng” vô giá là “Con Một “Thiên Chúa chịu khổ hình sinh ơn Cứu Độ, phát sinh nguồn mạch Đức Tin cho nhân thế. Như vậy, rõ ràng, Thánh Gía chính là nguồn sức mạnh cho chúng ta khi chúng ta TIN vào Đấng Cứu Chuộc.

Chúng ta thường nghe nói “ Tình yêu mạnh hơn sự chết”, như thế, sức mạnh tình yêu nơi Đức Kitô trở nên “sức mạnh” cho kẻ tin vào Người. Hay nói cách khác, Thánh Gía trở nên “sức mạnh” cho kẻ Tin là như vậy. chúng ta biết, Đồi Thánh Gía bên Balan, quê hương của thánh Giáo Hoàng Gioan phao-lô II, có khoảng 200.000 (hai trăm ngàn) cây Thánh Gía trên đồi Thánh Gía Lithuania. Nơi đây, không phải biểu tượng của thù hận, mà là biểu tượng của tình yêu. Như lời của vị chân phước tử đạo tiên khởi của Việt Nam là Anrê Phú yên đã nói : “ Tình yêu đáp trả tình yêu. Mạng sống đáp đền nguồn sống”, là như vậy.

Và hơn thế nữa, từ khi “Cây Thánh Gía” đầu tiên của Đức Kitô trổ bông, thì “hoa trái” Thánh giá muôn đời phát sinh bông hạt, và như thế ngay tại mảnh đất Việt Nam ước tính có hơn 300.000 ( ba trăm ngàn) chứng nhân đức tin đổ máu đào vì Thánh Gía, như vậy, há chẳng phải là sức mạnh của Thánh Gía bởi đức tin sao ?!

Bởi vì, như Bài đọc thánh thư hôm nay (Pl 2, 6 -11), thánh Phao-lô cho chúng ta biết: “Đức Giêsu – Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, hạ mình vâng lời, và vâng lời cho đến chết, và bằng lòng chịu chết trên Thánh Gía. Vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban Danh Hiệu, vượt trên mọi Danh Hiệu, để khi nghe Danh Thánh GIÊSU, thì mọi loài trên trời , dưới đất phải sụp lạy , suy tôn Người ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : Đức Giêsu- Kitô là Chúa” .

Như vậy, Thánh Gía là “lộ trình” tiến về quê Trời, Thánh giá là “Đạo” tức con đường mà Đức Kit ô đã đi để “kéo” chúng ta về Nước Trời, mặc nhiên, THÁNH GIÁ là Thiên Đàng vậy.

Lạy Chúa Giêsu- Kitô, Chúa đã dùng Thánh Gía mà chuộc tội cho thiên hạ, xin thương xót chúng con, và xin cho chúng con biết suy tôn Thánh Gía Chúa mỗi ngày trong cuộc đời tạm nầy, để mai sau được bước theo Chúa vào vinh quang muôn đời ./. Amen

P. Trần Đình Phan Tiến

Thánh Giá Tình Yêu (14.09.2018)

Phụng vụ lời Chúa hôm nay nhắc nhở người tín hữu chúng ta về nền tảng của đức tin. Bởi vì khi qua con đường thập giá để trở thành Thánh Giá thì có triều thiên, đó là triều thiên cứu rỗi. Đối với người tín hữu, Thánh Giá đã trở nên biểu hiện của tình yêu thương bao la mà Thiên Chúa dành cho loài người. Niềm vinh dự của chúng ta chính là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh; chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta.

Thánh giá tình yêu của Chúa Trời
Đem nguồn hồng phúc đến muôn nơi
Thương đau, khổ lụy cùng tan biến
Hướng đến tương lai rạng sáng ngời

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25). Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh giá là niềm tự hào và vinh quang của người tín hữu.Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Nhìn lên Thánh giá con suy gẫm
Chúa chịu treo lên cứu loài người
Hỡi ai tôi lỗi mau quay lại!
Thánh giá quang vinh cứu cuộc đời
*
Thánh giá tình yêu của Chúa Trời
Diệu kỳ tỏa sáng khắp muôn nơi
Cứu độ loài người trên trần thế
Hưởng phúc trường sinh đến muôn đời

 

Hôm nay, chúng ta không phải chỉ suy tôn Thánh giá trong lời kinh tiếng hát hay trong những nghi thức phụng vụ, mà còn phải biết suy tôn Thánh gía trong chính cuộc sống của chúng ta, bằng cách chấp nhận những hy sinh gian khổ mà chúng ta gặp phải, vì lòng yêu mến Chúa, bởi vì đó chính là cây thập giá đời thường Ngài muốn chúng ta vác lấy để bước theo Ngài. Bên trên những gai nhọn là bông hồng nở thắm. Bên trên thập giá đời thường là hồng ân cứu rỗi và vinh quang phục sinh của Chúa dành cho chúng ta.

Yêu thương nhân thế Ngài chuộc lấy
Khổ hình chịu đựng, máu tuôn rơi
Đoàn con thành kính suy tôn mãi
Thánh giá tình yêu rất tuyệt vời

Lạy Chúa! Chúa đã vui lòng đón nhận thập giá vì chúng con. Xin Chúa nâng đỡ và giúp chúng con vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Xin giúp chúng con biết sống một cuộc đời hy sinh và chu toàn bổn phận của mình với lòng mến Chúa và yêu người một cách chân thành và tha thiết. Amen.

 HOÀI THANH

Con Người sẽ phải giương cao (14.09.2017)  

Câu chuyện con rắn đồng trong bài đọc I trích sách Dân số ngày xưa, hôm nay được Đức Giêsu khẳng định với ông Nicôđêmô: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 13, 14-15). Con người không thể hiểu nổi tại sao một Thiên Chúa uy quyền lại muốn con mình đi qua con đường Thập Giá để cứu chuộc con người. Đức Giêsu đã chết, là giá cao nhất vì yêu con người. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể làm cho con người hiểu mầu nhiệm này. Vâng, chỉ có niềm tin nơi Chúa Thánh Thần mới ban cho con sự hiểu biết ý nghĩa trọn vẹn, một cuộc sống không hạn hẹp trong cõi đất, nhưng được bắt nguồn từ cõi trời cao.

 “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16)Quả vậy, Thiên Chúa đã yêu thế gian, đến nỗi ban Con Một mình, để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời. Người tin thì sẽ sống với, sống cùng và sống trong Người. Được sống muôn đời không có nghĩa là sau khi chết đi mới được sống, mà là có “sự sống” mới ngay hôm nay lúc ta đang sống. Thật đáng sợ khi tôi đang sống mà như đã “chết”.

Vì yêu thế gian, Thiên Chúa sẵn sàng ban tặng Người Con duy nhất để cho thế gian được sống muôn đời. Người Con đã hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc nhân loại. Cái chết trên thập giá là bằng chứng tận cùng của tình yêu đó. Nhưng buồn thay thế gian lại không cảm nhận và thấy hạnh phúc vì được ban cho Người Con duy nhất, nên khi thì nhạt nhẽo, có khi không cần chi đến Người. Chuyện cơm, áo, gạo, tiền lấp đầy cõi lòng tâm trí rồi thì đâu còn chỗ để liên đới mật thiết với Người Con được ban tặng. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).

Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian tội lỗi nhờ Ngài mà được cứu độ. Nhưng để đáp lại, thật ngược đời, thế gian lại lên án Người và làm cho Người phải chết trên thập tự. Có khi ngày nay nhiều người vẫn tiếp tục lên án Chúa. Trước bệnh tật rủi ro, đau khổ hoạn nạn, tai ương… đều đổ cho Chúa định, Chúa gửi thánh giá… Oan cho Chúa quá! làm sao để đổi mới cái nhìn mà nhận ra giữa cuộc đời ánh sáng và bóng tối lẫn lộn bao trùm này?

Thập giá vẫn mãi chỉ là thập giá khi con người vác một cách miễn cưỡng hoặc buông trôi. Nhưng nhờ cuộc tử nạn tự hiến và phục sinh của Chúa Kitô đã làm thập giá trở thành thánh giá Tình Yêu:

 “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 8-9)Lạy Chúa! trên cuộc đời chúng con với biết bao nhiêu thập giá, bao đau khổ gánh nặng chất chồng, bao nỗi sầu buồn trĩu nặng tâm tư, nếu cùng vác với Chúa Kitô, nhờ Người và trong Người, thập giá có Chúa bước đi, những thập giá ấy sẽ trở thành nhẹ nhàng, thập giá sẽ nở hoa tươi. Ước gì chúng con biết đón nhận mọi thập giá trong cuộc sống hằng ngày, để nhờ ơn Chúa biến đổi thành thánh giá đem ơn cứu độ cho chúng con. Amen.

 Én Nhỏ

Đến với Tôi, tin vào Tôi (14.09.2015)

1. Ghi nhớ: “ Để ai tin vào Người thì được sống đời đời” (Ga 3, 15)

2.Suy niệm:

Lời Chúa hôm nay không những bảo đảm về sự thật Nước Trời, mà còn ban Nước Trời cho những ai đón nhận, thực thi và tin vào lời Người.

Sự sống đời đời bắt đầu từ đời sống nơi trần thế, bằng cách sống theo cách tự do nơi mỗi con người, tốt xấu đều do con người chọn lựa. Nhưng chỉ những ai sống và thực thi lời Chúa sẽ được chia sẻ hạnh phúc với  Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng không muốn bất cứ ai bị luận phạt trầm luân, trừ khi chúng ta đi ngược lại giới răn của Người. Tuy nhiên Ngài luôn tôn trọng tự do của con người, mỗi người có thể tin hay chối từ, mở ra hay đóng lại trước sự sống đời đời mà Thiên Chúa hằng trao ban cho mỗi người chúng ta.

3.Sống Lời Chúa: Đến với Chúa và tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Ngài dành cho chúng ta.

4.Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin cho chúng con luôn ý thức mỗi người đều thuộc về Chúa, để trong cuộc sống, mọi việc làm, mọi suy nghĩ, hay lời nói đều quy hướng về lòng yêu mến Chúa, để theo gương Chúa Giêsu Kitô. Amen.

Tình yêu Chúa qua thánh giá (14.09.2014)

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)

Suy niệm: Thập giá là một dụng cụ người Rô-ma dùng để hành hình người phạm tội nặng mà không phải là công dân Rô-ma. Vậy mà Thiên Chúa đã dùng nó làm công cụ cứu độ và diễn tả tình yêu của Ngài với con người. Vì yêu con người, Ngài đã trao ban cho chúng ta điều quý giá nhất là chính Người Con Duy Nhất của Ngài: Đức Giê-su. Thánh Gio-an đã khẳng định tình yêu trao ban ấy: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” Con Một đã chịu chết trên thánh giá theo kế hoạch yêu thương của Chúa Cha. Như thế, việc chúng ta suy tôn Thánh Giá là cách nhìn nhận và suy tôn tình yêu của Thiên Chúa. Khi suy tôn Thánh Giá, ta cũng sung sướng tuyên xưng như thánh Phao-lô: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Gl 6,14).

Mời Bạn: Thánh Giá là biểu tượng của Ki-tô giáo. Thánh giá nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với con người,  được Đức Giê-su thực hiện qua cái chết trên thánh giá. Khi suy tôn Thánh Giá là bạn suy tôn tình yêu Thiên Chúa, bạn cũng được kêu mời sống tình yêu như Đấng đã vì yêu mà chết cho bạn.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên nhìn lên Thánh Giá để nhớ mình được Chúa yêu thương và dâng lời cảm tạ Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, hằng ngày chúng con vẫn nhìn lên Thánh Giá và làm dấu thánh giá. Xin cho tình yêu Chúa qua thánh giá thấm sâu vào cõi lòng chúng con, để chúng con ngày càng yêu mến Thánh Giá. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *