Thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành tại Genève, Thụy Sĩ và Họp báo trên đường trở về Rome

GENÈVE. Trong thánh lễ duy nhất cử hành tại Genève, Thụy Sĩ chiều ngày 21-6-2016, ĐTC mời gọi các tín hữu sống tình con thảo với Chúa Cha, có đời sống đơn giản và thực hành tha thứ.

Thánh lễ diễn ra từ lúc 5 giờ rưỡi chiều tại khu triển lãm Palexpo cạnh phi trường quốc tế Genève. Đây là một trung tâm rộng bằng 6 sân bóng đá và có thể chứa được 70 ngàn người, nhưng vì lý do an ninh, chỉ có hơn 41 ngàn tín hữu được cấp vé để tham dự thánh lễ với ĐTC.

Thánh lễ này được coi là dành cho Cộng đồng Giáo Hội Công Giáo toàn quốc, nên đồng tế với ĐTC có tất cả các vị chủ chăn của 6 giáo phận và 2 Đan viện biệt hạt, cùng với đông đảo các linh mục. Trong số các tín hữu hiện diện, đông nhất là từ vùng nói tiếng Pháp với hơn 77%, nhưng cũng có 12% đến từ vùng nói tiếng Đức và từ các vùng biên giới Pháp.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng về kinh Lạy Cha, đặc biệt dựa trên 3 từ: Lạy Cha, bánh và tha thứ. Ngài nói:

Từ ”Cha”, trong kinh Lạy Cha như công thức của cuộc sống,  có biểu lộ căn tính của chúng ta như những người con được yêu thương. Đó cũng là công thức nói lên những gì chúng ta cần làm, đó là yêu mến Thiên Chúa là Cha chúng ta và yêu thương tha nhân như những anh chị em của chúng ta. Kinh Lạy Cha là kinh nguyện của chúng ta, của Giáo Hội, một kinh nguyện không có cái tôi, của tôi.. Kinh Lạy Cha nhắc nhở chúng ta rằng khi có Cha, thì không ai bị loại trừ, sợ hãi và bấp bênh không lướt thắng được. Chúng ta nhớ lại điều thiện vì trong tâm hồn của Cha, chúng ta không xuất hiện tiềm thể, nhưng là những người con được yêu thương. ĐTC nói:

”Khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta khẳng định rằng mỗi người thuộc về chúng ta, và đứng trước bao nhiêu sự gian ác xúc phạm đến tôn nhan của Chúa Cha, chúng ta, những người con của Chúa được kêu gọi phản ứng như những người anh em, như những người tốt lành bảo quản gia đình chúng ta, và cố gắng để không có thái độ dửng dưng đối với người anh em, mỗi người anh em, từ hài nhi chưa sinh ra, cũng như những người già mà ngừơi ta không nhắc đến nữa, từ người quen biết mà chúng ta không tha thứ được, cũng như người nghèo bị gạt bỏ. Người Cha ấy yêu cầu và truyền cho chúng ta hãy yêu thương nhau với tâm hồn của con cái, những người con là anh chị em với nhau.

Về từ ”cơm bánh”, ĐTC đặc biệt chống lại những kẻ đầu cơ lương thực, lương thực căn bản cho cuộc sống thường nhật của các dân tộc phải trở thành điều mà mọi người phải có được. Và ngài nói thêm rằng ”Cầu xin lương thực hằng ngày cũng có nghĩa là thưa: ”Lạy Cha, xin giúp con có được một cuộc sống đơn giản hơn”. Đời sống đã trở nên quá phức tạp. Tôi muốn nói rằng ngày nay đối với nhiều người, cuộc sống như thể bị ma túy: người ta chạy từ sáng đến chiều, giữa bao nhiêu tiếng gọi và sứ điệp, không có khả năng dừng lại trước những khuôn mặt, đang chìm đắm trong một tình trạng phức tạp làm cho họ trở nên mong manh và trong vận tốc làm cho ta thêm lo lắng. Cần chọn lựa một cuộc sống đơn giản, điều độ, được giải thoát khỏi những gánh nặng thừa thãi. Đó là một sự chọn lựa đi ngược dòng, như thánh Luigi Gonzga đã làm trong thời đại của Người, vị thánh mà chúng ta kính nhớ hôm nay. Chọn lựa từ bỏ bao nhiêu điều làm đầy cuộc sống nhưng lại làm cho tâm hồn trống rỗng. Chúng ta hãy chọn sự đơn giản của bạn để tìm lại niềm can đảm của thinh lặng và kinh nguyện, là men của một cuộc sống thực sự là con người.

Từ ”Bánh hằng ngày”: chúng ta đừng quên rằng đó chính là Chúa Giêsu Không có Chúa chúng ta không thể làm được gì (Xc Ga 15,5). Chính Chúa là lương thực căn bản để sống tốt lành. Nhưng nhiều khi chúng ta biến Chúa Giêsu thành món phụ thuộc. Nếu Chúa không phải là lương thực chính yếu của đời sống chúng ta, là trung tâm ngày của chúng ta, là hơi thở hằng ngày của chúng ta, thì tất cả chỉ là hư vô, uổng công. Khi xin bánh, chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha và tự nhủ với chính mình mỗi ngày rằng: cuộc sống đơn giản, chăm sóc những gì quanh chúng ta, và Chúa Giêsu là tất cả và trên hết mọi sự trong cuộc sống chúng ta.

Sau cùng, ĐTC cổ võ thực hành tha thứ. Thật là khó tha thứ, vì chúng ta luôn mang trong mình một chút cay đắng, và khi chúng ta bị những ngừơi chúng ta đã tha thứ khiêu khích, thì oán hận trở lại và tăng cường độ. Nhưng Chúa đòi chúng ta phải tha thứ.. Tha thứ là điều bó buộc theo kinh Lạy Cha. Chúa đã giải thoát tâm hồn chúng ta khỏi mọi tội lỗi, tha thứ tất cả, nhưng có một điều ngài yêu cầu; đó là chúng ta không được mệt mỏi trong việc tha thứ, Chúa muốn mỗi người chúng ta phải ân xá toàn bộ các tội của người khác. Cần thực hiện một cuộc chụp quang tuyến thật rõ tâm hồn chúng ta để xem bên trong chúng ta có những khối cục, các chướng ngại cản trở sự tha thứ hay không, những sỏi đá phải lấy đi.

Sự tha thứ có sức đổi mới, làm phép lạ. Phêrô đã cảm nghiệm ơn tha thứ của Chúa Giêsu và trở thành mục tử đoàn chiên; Saulo đã trở thành Phaolô sau khi được Stephano tha thứ. Mỗi người chúng ta tái sinh thành thụ tạo mới, khi được Chúa Cha tha thứ, chúng ta yêu thương anh em mình. Chỉ khi ấy chúng ta mới đưa sự mới mẻ thực sự vào trong thế giới, vì không có mới mẻ nào lớn hơn sự tha thứ, nó biến ác thành thiện.

Cuối thánh lễ Đức Cha Charles Morerod, O.P, GM giáo phận sở tại, Chủ tịch HĐGM Thụy Sĩ, đã ngỏ lời cám ơn ĐTC và ngài cũng nhiệt liệt cám ơn Giáo Hội địa phương, các tín hữu đã cộng tác vào việc tổ chức thánh lễ, cũng như toàn thể Giáo Hội và quốc dân Thụy Sĩ. ĐTC đã tặng cho giáo phận Fribourg chén lễ quí giá.

Rồi ngài vào nhà thánh chào thăm các vị thuộc Hội đồng GM Thụy sĩ cũng như các cộng sự viên tại tòa Sứ Thần Tòa thánh ở thủ đô Berne cũng như tại Sứ Bộ Tòa Thánh cạnh Liên hợp quốc ở Genève.

Sau đó ngài tới Phi trường chỉ cách đó 2 cây số. Tại đây đã diễn ra nghi thức tiễn biệt đơn sơ với sự hiện diện của Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ.

Lúc 9 giờ 14 phút tối cùng ngày, ĐTC đã về đến Roma bằng an kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm dài 14 tiếng đồng hồ tại Genève, Thụy Sĩ. Từ phi trường Ciampino cách Roma 15 cây số, trên đường về Vatican, ĐTC đã đến Đền thờ Đức Bà Cả như trước khi đi, nhưng lần này để cảm tạ Mẹ Thiên Chúa.

 

Họp báo của Đức Thánh Cha trên máy bay tối ngày 21-6-2018

ROMA. ĐTC hài lòng về chuyến viếng thăm tại Thụy Sĩ vì những cuộc gặp gỡ và đối thoại. Ngài cũng giải thích việc yêu cầu HĐGM Đức suy nghĩ thêm về việc công bố chỉ nam về việc cho người tin lành kết hôn với người Công Giáo rước lễ.

Trên chuyến bay dài 1 tiếng 40 phút từ Genève về Roma, như thường lệ, ĐTC đã gặp gỡ và trả lời một số câu hỏi của các ký giả cùng đi trên chuyến bay. ĐTC cho biết ”Hôm nay là một ngày khá mệt đối với tôi, nhưng tôi hài lòng, vì nhiều điều chúng ta đã làm, cầu nguyện, đối thoại trong bữa ăn trưa, thật là điều rất đẹp, rồi cuộc gặp gỡ đại kết, và thánh lễ, tất cả làm cho tôi rất hài lòng”

1.Trả lời câu hỏi của một ký giả, ĐTC nhận xét rằng đây là một ngày có những cuộc gặp gỡ khác nhau, danh từ đúng để chỉ ngày này là ”gặp gỡ”. Khi một người gặp người khác, cuộc gặp gỡ này đánh động tâm hồn và làm hài lòng.. Đó là những cuộc gặp gỡ rất tích cực, rất đẹp. Bắt đầu bằng cuộc đối thoại với tổng thống Thụy Sĩ, đây không phải là một cuộc đối thoại xã giao, nhưng sâu sắc, về những đề tài quan trọng của thế giới, và với một sự thông minh làm cho tôi ngạc nhiên. Rồi những cuộc gặp gỡ các như quí vị đã thấy. Điều mà quí vị không thấy là cuộc gặp gỡ trong bữa ăn trưa (ở học viện Bossey), cuộc gặp gỡ sâu xa đề cập đến nhiều vấn đề, đề tài được nói đến nhiều là giới trẻ, vì tất cả các hệ phái Kitô đều quan tâm về giới trẻ. Và Tiền thượng HĐGM ở Roma hồi tháng 3 năm nay đã thu hút nhiều chú ý, có 315 người trẻ, cả những người trẻ không tín ngưỡng.. Điều này có lẽ đã khơi sự chú ý đặc biệt. Tóm lại đó là một cuộc gặp gỡ nhân bản, không phải là xã giao, hình thức”.

2. Trả lời câu hỏi về việc HĐGM Đức soạn chỉ nam về việc cho các tín hữu Tin Lành rước lễ Công Giáo nhưng Đức TGM Ladaria Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin đã viết một thư cho các GM Đức như hãm lại khẩn cấp. Trong cuộc gặp gỡ của các GM Đức ngày 3-5, các vị ấy được yêu cầu tìm một giải pháp đồng thuận. Vậy tại sao cần có sự can thiệp của Vatican về vấn đề này? ĐTC đáp:

”Đây không phải là một điều mới mẻ, vì trong bộ giáo luật có dự trù điều mà các GM Đức đã nói, việc cho tín hữu Kitô khác được rước lễ Công Giáo trong những trường hợp đặc biệt, liên quan đến vấn đề hôn phối hỗn hợp giữa một ngừơi Công Giáo và một Kitô hữu khác. Bộ giáo luật nói rằng GM giáo phận phải lo về vấn đề này. Các GM Đức, vì thấy không rõ ràng, một số LM hành động không hợp với GM, nên các GM Đức muốn nghiên cứu vấn đề này, và đã cho thực hiện cuộc nghiên cứu ấy, tôi không muốn nói là thái quá, và cuộc nghiên cứu dài hơn 1 năm, kỹ lưỡng. Cuộc nghiên cứu có tính chất thu hẹp: điều mà các GM muốn là nói rõ điều ấy vốn có trong bộ giáo luật. Tôi đã đọc dự thảo chỉ nam ấy, đó là điều thu hẹp chứ không phải là mở cho tất cả mọi người. Các GM muốn thực hiện điều đó cho Giáo Hội địa phương ở Đức. Điều không đúng đối với HĐGM Đức, đó là Giáo luật không trù định điều đó, bộ giáo luật không nói HĐGM có quyền làm điều ấy, vì một điều được một HĐGM phê chuẩn thì trở thành điều hoàn vũ ngay. Đó là điều khó khăn, chứ không phải là nội dung. Các GM đã gửi văn bản, rồi có hai ba cuộc gặp gỡ, Đức TGM Ladaria đã gửi một thư với phép của tôi, chứ Đức TGM không tự ý làm. Tôi nói là đồng ý, nhưng tốt hơn nên nói rằng văn kiện của HĐGM Đức chưa chín mùi, và cần phải được nghiên cứu hơn nữa. Rồi đã có một cuộc họp khác và sau cùng sẽ nghiên cứu sự việc. Tôi tin rằng đó sẽ là một văn kiện hướng dẫn, vì mỗi GM giáo phận có thể điều hành điều mà bộ giáo luật đã cho phép. Không có sự hãm lại. Khi tôi trả lời trong cuộc viếng thăm nhà thờ Tin Lành Luther ở Roma câu hỏi về vấn đề này, tôi đã trả lời theo tinh thần của bộ giáo luật, điều mà ngày nay họ đang tìm kiếm. Có lẽ đó không phải là một thông tin đúng. Bộ giáo luật cho phép Giáo phận chứ không cho HĐGM. Nhưng HĐGM có thể nghiên cứu và đưa ra những đường hướng chỉ dẫn.

3. Về vấn đề di dân và tị nạn, ĐTC cho biết ngài đã nói nhiều về vấn đề này và ngài trả lời rằng mỗi người phải hành động vấn đề tiếp nhận ngừơi tị nạn theo nhân đức riêng của chính quyền nghĩa là với sự thận trọng. Mỗi nước phải tiếp nhận theo khả năng của mình, nhận những người mình có thể hội nhập. Italia và Hy Lạp đã rất quảng đại trong việc đón tiếp. Có vấn đề là nạn buôn ngừơi di dân. Tôi đã thấy hình ảnh những kẻ buôn người ở Libia. Có một trường hợp mà tôi biết, những nhà tù của những kẻ buôn người thật là kinh khủng giống như các trại tập trung thời thế chiến thứ hai trong đó có những vụ cắt chặt thi thể và tra tấn. Thế giới quan tâm làm sao để những ngừơi di dân khỏi rơi vào tay những kẻ buôn người. Tôi biết các chính phủ nói về điều đó và muốn duyệt lại hiệp định Dublin. Tại Tây Ban Nha quí vị đã thấy trường hợp tàu Aquarius chở người di dân cập bến Valencia.

Tất cả vấn đề ở đây là sự xáo trộn, vấn đề đói ở Phi châu người ta có thể giải quyết. Bao nhiêu chính phủ Âu Châu đang nghĩđ ến việc đầu tư tại các nước ấy..

ĐTC nói thêm rằng:

Trong trí tưởng tượng tập thể có một tư tưởng xấu: đó là cần phải khai thác Phi châu. Họ vẫn luôn là những người nô lệ. Cần phải thay đổi kế hoạch ấy. Cả tại Hoa Kỳ cũng có vấn đề di trú. Mỹ châu la tinh dân chúng bỏ đồng quê tới các thành phố lớn, nhưng cũng có cuộc di cư ra nước ngoài, tới những người có công ăn việc làm, và về điểm này tôi đồng thuận với điều mà các nước ấy nói..

4. Một ký giả khác hỏi ĐTC xem Giáo Hội Công Giáo có hiệp với các Giáo Hội khác gọi là Giáo Hội hòa bình để loại bỏ ý tưởng về cuộc chiến tranh chính đáng hay không?

ĐTC nhận xét: ”Bạn đã đặt ngón tay vào đúng vết thương. Hôm nay, trong bữa ăn trưa ở Học viện đại kết Bossey, một mục sư nói với tôi: ”Có lẽ nhân quyền đầu tiên phải là quyền được hy vọng” và chúng tôi đã nói về cuộc khủng hoảng các nhân quyền ngày nay. Cuộc khủng hoảng này ta thấy rõ khi nói về điểm này, nhưng bao nhiêu là nhóm, và một số nước không đồng ý, không có sự xác tín như cách đây 20 năm, và đây là điều trầm trọng vì chúng ta phải xem các nguyên nhân. Ngày nay các quyền con người là tương đối, kể cả quyền được hòa bình, cũng là tương đối trong một cuộc khủng hoảng về các nhân quyền. Tôi nghĩ rằng tất cả các Giáo Hội có tinh thần hòa bình phải cùng nhau làm việc và như chúng tôi đã nói trong các diễn văn ngày hôm nay, tôi cũng như các vị khác. Hòa bình là một đòi hỏi vì có nguy cơ chiến tranh.

”Có người nói: thế chiến thứ ba này nếu xảy ra, thì người ta không biết nó sẽ diễn ra với khí giới nào, và nếu có thế chiến thứ tư thì ngừơi ta đã chiến đấu với nhau bằng gậy, vì nhân loại đã bị hủy diệt rồi. Khi người ta nghĩ đến tiền bạc mà họ chi dụng cho các võ khí, thì hòa bình, tình huynh đệ, tất cả các xung đột không được giải quyết như kiểu Cain, nhưng bằng thương thuyết, đối thoại và trung gian. Chúng ta ở trong khủng hoảng về thương thuyết, khủng hoảng về hy vọng, các quyền con ngừơi và khủng hoảng về hòa bình. Và phải chăng có những tôn giáo ủng hộ chiến tranh? Thật là khó hiểu điều này, nhưng chắc chắn là có những nhóm nhỏ, cực đoan, đang tìm kiếm chiến tranh, cả các tín hữu Công Giáo chúng ta cũng có vài người, đây là điều quan trọng cần để ý.

 G. Trần Đức Anh OP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *