Thư tháng 02.2018 : Con cái : mùa xuân hồng ân

Lá Thư Đặc Trách Tháng 02 / 2018

Con cái : mùa xuân hồng ân

Anh chị em huynh đoàn thân mến,

Trong những ngày giáp Tết Mậu Tuất, xin gửi đến quý Cha đặc trách, quý Cha linh hướng, Ban phục vụ các cấp, cùng toàn thể anh chị em, những lời chúc tốt đẹp nhất. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và ban cho anh chị em một năm mới an khang, thịnh vượng, hạnh phúc và tràn đầy thánh ân.

Giữa bầu khí ấm áp mùa xuân, vũ trụ thiên nhiên như bừng lên sức sống. Những nhánh cây đâm chồi nảy lộc với những mầm xanh mơn mởn. Mùa xuân là mùa đẹp nhất khởi sự cho một năm nhiều niềm vui và hạnh phúc. Những mầm non mùa xuân ấy, thường được ví với tuổi thơ của đời người, như những chồi non, nụ búp yếu ớt và mỏng manh, cần được quan tâm bảo vệ và chăm sóc. Tiếp nối loạt bài về gia đình, xin chia sẻ với anh chị em đề tài “Con cái : mùa xuân hồng ân”.

Gia đình : cộng đoàn sự sống và tình yêu

Qua mọi thời, giáo hội luôn nhất quán trong giáo huấn về hôn nhân gia đình. Công đồng Vatican II dành một chương trong hiến chế Vui mừng và Hi vọng (Gaudium et Spes, GS, số 47-52), để cổ võ thăng tiến phẩm giá hôn nhân và gia đình. Văn kiện xác định hôn nhân như một cộng đoàn sự sống và tình yêu, đặt tình yêu làm trọng tâm của gia đình, đồng thời diễn tả chân lý tình yêu phong phú phải được lưu truyền qua con cháu.

Văn kiện cho thấy những mối đe dọa hiện nay với định chế gia đình chính là chế độ đa thê, nạn ly dị và quan niệm tự do luyến ái. Hơn nữa, tình yêu hôn nhân nhiều khi bị hoen ố vì lòng ích kỷ, vì khoái lạc chủ nghĩa và những lạm dụng bất hợp pháp cản trở sự sinh sản. Thêm vào đó là những hoàn cảnh đặc thù về kinh tế, xã hội, tâm lý và chính trị với các cơ chế hoặc luật lệ cổ võ hạn chế dân số, gây ra cho nhiều gia đình những xáo trộn trầm trọng.

Công đồng khẳng định : “Chính Thiên Chúa là Ðấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhau và hết sức quan trọng, đó là sự tiếp nối nhân loại, sự phát triển cá nhân và ơn cứu độ đời đời của mỗi thành phần trong gia đình, phải quan tâm đến phẩm giá, sự vững chãi, an bình và thịnh vượng của chính gia đình và của toàn thể nhân loại. Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh diễm phúc của hôn nhân” (Xc. GS, số 48).

Truyền sinh là sứ mạng riêng biệt của hôn nhân

Công đồng xác định: “Bổn phận truyền sinh và giáo dục phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của vợ chồng. Khi thi hành bổn phận ấy, họ biết rằng mình cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa tạo hóa và trở thành những kẻ diễn đạt tình yêu của Ngài. Bởi vậy, họ sẽ chu toàn bổn phận truyền sinh với trách nhiệm của con người và của người kitô hữu”. (GS, số 50).

Trong nghi thức hôn phối, đôi bạn có lời cam kết trước bàn thờ “sẵn sàng yêu thương và đón nhận con cái Chúa ban, và giáo dục chúng theo luật Đức Kitô và Hội thánh”. Đó là điều kiện để cử hành bí tích hôn phối. Dầu cho sau này vì lý do nào đó, vợ chồng không thể có con, thì bí tích hôn nhân không thể thành sự nếu ngay từ đầu họ từ chối vinh dự này.

Giáo hội cổ võ các gia đình sinh con có trách nhiệm, nghĩa là phải chọn lựa và quyết định theo lương tâm, dựa trên luật Chúa và luật hội thánh, về số con và thời điểm hạ sinh, tùy theo điều kiện vật chất và tinh thần, để có thể nuôi dưỡng những người con hữu ích cho gia đình, cho giáo hội và cho xã hội.

Đức Phanxicô trong thông điệp Ánh sáng Đức tin viết : “Đức tin giúp hiểu thấu ý nghĩa sâu xa và phong phú của việc sinh con, khi nhận ra ở đó tình yêu của Đấng Tạo Hóa, Đấng trao phó cho chúng ta mầu nhiệm của một nhân vị mới. Bà Sara đã được làm mẹ nhờ đức tin của bà, trong niềm tín thác vào Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành với lời hứa” (LF, số 52).

Con cái là món quà từ Thiên Chúa

Lời cam kết hôn nhân cũng nhắc chúng ta nhớ : mỗi đứa trẻ được sinh ra, vừa là hoa trái của tình yêu tự hiến cho nhau giữa cha và mẹ, vừa là món quà hồng ân Chúa ban. Và như thế, đôi bạn có vinh dự cộng tác với Thiên Chúa trong cuộc phiêu lưu tuyệt vời qua việc chào đón một sinh linh chào đời.

Đó là chân lý được chính Chúa khẳng định với ngôn sứ Giêrêmia: “Trước khi con thành hình trong bụng mẹ, Ta đã biết con; trước khi con lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá con” (Gr 1,5). Và ngôn sứ Isaia : “Ta đã nâng con từ trong lòng mẹ, đã hứng các con từ lúc chưa chào đời” (Is 46,3b). Đó cũng là lời tuyên xưng của tác giả thánh vịnh : “Tạng phủ của con chính Ngài đã cấu tạo, đã dệt hình hài con trong dạ mẫu thân” (Tv 139, 13),

Đó cũng là nội dung bà mẹ anh em nhà Macabêo nhắn nhủ với con mình : “Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài” … “Hãy thương mẹ : chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy” (2Mcb 7, 22-27).

Bảo vệ và chăm sóc sự sống

Đức Phanxicô trong bài giảng lễ Mẹ Thiên Chúa đầu năm 2018, mời gọi chúng ta “nhìn thấy chính mình nơi Hài Nhi thơ bé và yếu đuối đang nằm trong vòng tay người mẹ, và nhận ra rằng con người thật quý giá và thiêng liêng đối với Chúa. Vì thế phục vụ sự sống con người là phục vụ Thiên Chúa, và mọi cuộc đời phải được đón nhận, yêu thương và giúp đỡ”.

Khi đài BBC phổ biến bộ phim bảy tập về “cơ thể con người”, đã dành riêng tập hai với tựa đề “Điều kỳ diệu hàng ngày”, để cô đọng quá trình hình thành một sinh linh, từ phôi thai đến bào thai trong dạ mẹ, cho đến khi chào đời. Qua đó, ta thấy mỗi đứa trẻ ra đời là một kỳ tích của Thiên Chúa, và phép lạ đó được diễn ra liên tục khi mỗi ngày thế giới có hơn 350 ngàn trẻ sơ sinh, bên 146 ngàn người qua đời.

Nhiều bà mẹ đã gửi thư cảm ơn và từ bỏ ý định phá thai khi chứng kiến sự phát triển kỳ diệu của thai nhi; khi thấy qua diễn biến từng ngày sự hình thành mắt, mũi, tim, gan, chân tay, và mạch máu; khi nghe được nhịp đập của trái tim thai nhi, khi thấy thai nhi ngáp, cử động, chớp mắt, mút ngón tay, và phản ứng trước lời thủ thỉ của mẹ cha.

Xin Chúa cho các ông bố bà mẹ, qua con cái được sống lại những ký ức tuổi xuân. Xin cho các gia đình biết hân hoan đón nhận món quà sự sống Chúa tặng ban, yêu thương con cái từ trong lòng mẹ, tận tình chăm sóc khi chào đời, nuôi nấng dưỡng dục đến trưởng thành, để có thể trao tặng cho đời những hoa thơm và trái ngọt. Xin cho các gia đình được hân hoan đoàn tụ hợp mừng mùa Xuân vĩnh cửu trên thiên quốc.

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

(1) Bộ phim “Human Body” do Robert Winston thực hiện năm 1998, tập hai có tên là “An Everyday Miracle”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *