Thư Tháng 04/2016 : Lạy Chúa, con tín thác nơi Ngài

Lá Thư Đặc Trách Tháng 04 / 2016

Lạy Chúa, con tín thác nơi Ngài

Anh chị em Huynh đoàn thân mến,

Cùng với giáo hội chúng ta vừa được sống những ngày thiêng thánh nhất trong năm phụng vụ, khi tưởng niệm cuộc thương khó và phục sinh của Đức Kitô, nơi lòng thương xót của Thiên Chúa được mạc khải và thực hiện cách trọn vẹn nhất. Chúng ta cùng nhau bước vào chúa nhật thứ hai Phục Sinh, là ngày hội thánh dành riêng để biệt kính Lòng Chúa Thương Xót. (1)

Những dấu tích tình yêu

Tin mừng đại lễ Lòng Chúa Thương xót thuật lại việc Chúa Giêsu, Đấng phục sinh hiện ra với các tông đồ. Ngài gửi đến các tông đồ lời chúc bình an, rồi cho các ông xem tay và cạnh sườn. Một tuần sau, Ngài hiện ra với các tông đồ, lúc này có mặt ông Tôma. Và một lần nữa ngài kêu mời các ông đặt tay vào các dấu đinh và cạnh sườn Ngài. Năm vết thương trên thân thể Đấng phục sinh, là dấu chứng rõ rệt nhất về tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.

Anh chị em đã biết, huy hiệu năm thánh lòng thương xót trình bày rõ nét các dấu đinh trên đôi bàn tay và bàn chân của vị mục tử nhân lành. Ngài vác trên vai tổ tông Ađam tượng trưng cho nhân loại, đặc biệt là những con chiên lạc đàn.

Cũng thế, bức tranh Lòng Thương xót minh họa dấu đinh trên tay Chúa Giêsu, kèm với hai luồng sáng trắng và đỏ phát xuất từ cạnh sườn của Ngài. Chính Đức Giêsu chỉ dẫn vẽ bức tranh như thế và Ngài giải thích : “Luồng ánh sáng trắng biểu hiện Nước, sẽ làm cho các linh hồn nên công chính đạo đức. Luồng ánh sáng màu đỏ biểu hiện Máu, là sự sống của các linh hồn. Hai luồng ánh sáng này, phát xuất từ chốn sâu thẳm của lòng xót thương dịu dàng và êm ái nhất của Ta, lúc trái tim hấp hối Ta bị lưỡi đòng đâm thâu mở rộng ra. Phúc cho ai ẩn náu trong sự che chở của những luồng ánh sáng này, vì bàn tay công thẳng Thiên Chúa không giáng phạt họ.”

thuyettrinh2.JPG

Con Người phải trải qua Thập Giá

Các dấu tích cuộc khổ nạn chính là mạc khải tuyệt hảo nhất về tình yêu của Chúa. Khi đón nhận thập giá, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu lớn lao nhất của “kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,13). Không những thế, Ngài sẵn sàng “chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân” (Rm 5,6-8).

Khi đón nhận những khổ đau khủng khiếp nhất của kiếp người, người Tôi Trung đau khổ đã uống cạn chén đắng Chúa Cha trao, để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Đấng “chẳng hề biết tội là gì, Thiên Chúa đã biến thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2 Cr 5,21). Đấng “đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8), cho thấy Ngài chính là “Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian” (Ga 1,29).

Nội dung niềm tin đó đem đến cho chúng ta niềm tin và niềm hy vọng tuyệt đối. Dù lầm lỗi hoặc tệ hại thế nào đi nữa, mỗi người đều có một chỗ đặc biệt trong tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Bởi vì Ngài “đã mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,5); Ngài được giương cao “để ai tin vào Ngài thì được sống muôn đời” (Ga. 3, 14-15).

Trước khi bước vào trong vinh quang (Lc 24, 26)

Nhưng công trình cứu chuộc của Đức Kitô không kết thúc nơi thập giá. Mầu nhiệm Phục sinh mới là đỉnh cao công cuộc mạc khải và thực hiện lòng thương xót có khả năng công chính hóa con người. Khi phục sinh, Đức Kitô kết hợp với con người bằng một liên hệ sâu xa hơn mối liên hệ tạo thành. Ngài cho con người tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. “Nếu ta cùng chết với Ngài ta sẽ cùng sống với Ngài” (2Tm 2,11). Biến cố phục sinh là dấu chỉ tương lai của nhân loại, báo trước “trời mới đất mới”, khi Thiên Chúa “lau sạch nước mắt họ ; sẽ không còn sự chết ; cũng chẳng còn tang tóc kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã bị biến mất”. (2)

Chính trong viễn cảnh cánh chung đó, lòng thương xót phải được tiếp nối trong lịch sử loài người. Đúng thế, sau khi tỏ cho các môn đệ thấy các dấu tích tình thương, Đức Giêsu đã trao ban Thánh Thần cho họ và phái họ đi vào lòng thế giới. “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”

Sứ vụ cứu thế và sứ vụ lòng thương xót từ nay trở thành sứ vụ của giáo hội, của chúng ta. Những ai đã cảm nhận được tình Chúa yêu thương qua trái tim bị đâm thâu, đều được kêu mời sống những tâm tình từ bi, nhân hậu như Chúa và đối xử đại lượng với nhau. Chính Đấng khẳng định trong bài giảng trên núi “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”, đã dạy chúng ta cầu nguyện như một lời đoan hứa trong lời kinh Lạy Cha : Xin Cha “tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

Lạy Chúa, con tín thác nơi Ngài

Trong năm thánh đặc biệt Lòng Thương Xót này, đức thánh cha Phanxicô cổ võ chúng ta hãy “tuyên xưng và công bố rằng : lòng thương xót đã được tỏ bày một cách khẩn thiết nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh. Chính mầu nhiệm này mang nơi mình mạc khải đầy đủ nhất về lòng thương xót, về tình thương mạnh hơn sự chết, mạnh hơn tội lỗi và mọi sự dữ, tình thương này giữ con người lại trong những sa ngã sâu nhất và giải thoát con người khỏi những đe dọa lớn nhất. (3)

Khi thiết lập lễ kính Lòng Thương Xót, đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II mong muốn ngày lễ trở thành “một lời gọi mời gọi liên lỉ các kitô hữu trên khắp thế giới, hãy tín thác, và hãy cầu khẩn lòng nhân từ của Thiên Chúa, khi gặp phải những khó khăn, thách thử đang đợi chờ họ.”

Trong tin mừng, sau lời tuyên xưng của thánh Tôma, đức Giêsu khẳng định : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !” (Ga 20, 27-29). Đáp lại lời kêu mời của Chúa, chúng ta hãy sốt sắng dâng lên lời kinh được ghi trên bức tranh Lòng Xót Thương : “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Ngài !”.

Trong năm thánh kỷ niệm thành lập Dòng, xin cho chúng ta biết họa lại mẫu gương của thánh Đa Minh, như lời chân phước Jordanô thuật lại :

“Lúc nào cha cũng cầu xin cho được lòng bác ái đích thực để mưu tìm và chăm lo phần rỗi cho mọi người cách hữu hiệu. Cha nghĩ rằng chỉ khi nào mình noi gương Chúa Cứu Thế, hiến toàn thân toàn sức cứu rỗi các linh hồn thì mới thực sự trở thành chi thể của Chúa”. (4)

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

  1. Ngày 30.4.2000, trong lễ tuyên thánh cho thánh nữ Faustina, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã công bố quyết định dành chúa nhật thứ hai Phục Sinh để biệt kính Lòng Chúa Thương Xót.
  2. Đức Phanxicô, “Dung nhan lòng thương xót”, số 7-8.
  3. Đức Phanxicô, “Dung nhan lòng thương xót”, số 15.
  4. Px. Đào Trung Hiệu, Hành Trình Chân Lý, trang 21.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *