Thư Tháng 05.2017 : Mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ Fatima

Lá Thư Đặc Trách Tháng 05 / 2017

Mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ Fatima

Anh chị em huynh đoàn thân mến,

Chúng ta đang sống trong thời điểm hồng ân, khi cùng với hội thánh hoàn vũ mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Mỗi nơi Đức Mẹ hiện ra đều ghi một dấu ấn riêng. Dấu ấn đặc biệt của biến cố Fatima là lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, thúc đẩy chúng ta hoán cải đời sống, cầu nguyện cho thế giới và cho những người tội lỗi.

Lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ

Thực ra lòng sùng kính Trái Tim Mẹ đã xuất hiện từ thế kỷ XIV, qua các mạc khải tư cho hai thánh nữ Giê-tru-đê và Bri-git-ta; và phát triển rộng rãi hơn trong thế kỷ XIX, với mẫu ảnh “Mẹ ban ơn”, có khắc hình hai trái tim của Chúa Giêsu và Đức Mẹ, theo lời Mẹ hướng dẫn cho thánh nữ La-bu-rê.

Khi Đức Mẹ hiện ra ở Fatima năm 1917, việc tôn sùng Mẫu Tâm được phổ biến như một lệnh truyền : “Chúa Giêsu muốn thiết lập lòng sùng kính Trái tim vô nhiễm Mẹ trên khắp thế giới. Mẹ hứa ơn phần rỗi cho những ai có lòng sùng kính đó. Linh hồn họ được Thiên Chúa yêu thương … Trái tim Mẹ là nơi nương ẩn và là đường dẫn đưa họ đến cùng Thiên Chúa”. (1)

Thực thi mệnh lệnh trên, năm 1942, giữa thế chiến thứ hai, Đức Piô XII đã long trọng dâng thế giới cho Trái tim Đức Mẹ. Ngài khẳng định : “Tình hiền mẫu Trái tim Mẹ gần như vô biên. Trong giờ phút bi thảm này của lịch sử loài người, chúng ta phó thác và hiến dâng nhân loại cho Trái tim Mẹ Vô nhiễm”. Ba năm sau, ngài đưa vào lịch phụng vụ lễ Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ, được ấn định vào ngày 22 tháng 8.

Trái tim Mẹ và Thánh Tâm Chúa

Đến năm 1969, lễ Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ được giáo hội dời sang thứ bảy liền sau lễ Thánh Tâm Chúa. Việc chuyển dời này rất ý nghĩa, vì Trái tim Mẹ Maria luôn hòa nhịp với Thánh Tâm của người Con Một yêu dấu.

Chắc chắn Trái tim Mẹ đã luôn đồng nhịp với thai nhi Giêsu suốt thời gian Chúa ngự trong cung lòng Mẹ, sẽ luôn hòa nhịp với Con mình suốt hành trình sứ vụ và khổ nạn. Lời tiên tri Simêon tiên báo khi Mẹ dâng Chúa trong đền thờ về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, đã ứng nghiệm trọn vẹn, đặc biệt khi Mẹ đứng dưới chân thánh giá. Chính nơi đây, Đức Maria trở thành Mẹ hội thánh và Mẹ nhân loại.

Theo thánh Gioan Phaolô : “Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria đã mở rộng khi Chúa nói : ‘Thưa Bà, đây là của con Bà’. Một cách thiêng liêng, Trái tim Mẹ đã mở toang cùng với Trái tim Con Mẹ đang bị lưỡi đòng đâm thâu. Trái tim Mẹ mở ra vì cùng một tình yêu thương nhân loại và thế giới mà Chúa Kitô đã yêu thương, đã tự hiến trên cây Thánh giá”…

“Trái tim Mẹ Maria đã luôn luôn theo sát sự nghiệp Con mình, và cũng đập cùng một nhịp thương mến đối với tất cả những ai mà Đức Kitô đã và đang ấp ủ trong tình thương mến vô biên của Ngài”.

Fatima giúp ta mở rộng tâm hồn

Trong lễ suy tôn hai chân phước Phanxicô và Giaxinta, thánh Gioan Phaolô đã diễn giải chiều sâu của sứ điệp Fatima :

“Chúa không muốn một ai bị hư đi, nên đã sai Con Ngài đến để tìm và cứu những gì đã mất, qua cái chết của Người trên thập giá (…) Bằng tấm lòng quan tâm từ mẫu, Đức Trinh Nữ đã đến Fatima để xin con người, nam cũng như nữ, đừng xúc phạm đến Thiên Chúa nữa. Chính niềm đau thương của một hiền mẫu đã thúc đẩy Mẹ nói lên điều này; số phận của con cái của Mẹ đang gặp hiểm nguy. Bởi thế nên Đức Mẹ đã xin các trẻ mục đồng nhỏ là : “Các con hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện nhiều và hy sinh cho các tội nhân; nhiều linh hồn sa hỏa ngục vì họ đã không được ai cầu nguyện và hy sinh cho họ”.

Và như thế, sứ điệp Fatima kêu mời chúng ta khát khao ơn cứu độ và mở lòng mình ra với ơn cứu độ của anh chị em. Đức Mẹ nhắc nhở chúng ta đón nhận tình thương hải hà của Thiên Chúa, nỗ lực hoán cải cuộc sống, ước ao sống thánh thiện để chuyển cầu cho thế giới và cho mọi người.

Sứ điệp Fatima không đòi ta phải thực hiện điều gì to lớn, chỉ cần kết hiệp tâm tình hiến dâng với những hy sinh nhỏ bé thường ngày. Chân phước Giaxinta, một lần kia cố đến nhà thờ dù đang bệnh nặng, để “đền thay cho những kẻ bỏ lễ chúa nhật”. Chân phước Phanxicô, khoan uống một ly thuốc bổ, để làm món quà dâng lên Chúa cầu cho ngưởi tội lỗi.

Cầu nguyện cho thế giới và mọi người.

Tại Fatima, Mẹ xác định danh tính Đức Mẹ Mân Côi. Mẹ cổ võ ba trẻ và các tín hữu siêng năng đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày để cầu nguyện cho hòa bình thế giới.

Kinh Mân Côi vốn là hình thức đạo đức có truyền thống lâu đời trong giáo hội. Lời kinh đơn sơ mà bất cứ ai cũng có thể đọc, đọc mọi nơi mọi lúc và đọc chung với cộng đoàn.

Nên nhớ : kinh Lạy Cha do chính Chúa Giêsu dạy, và phần hai kinh Kính mừng là lời cầu nguyện của giáo hội vốn hướng đến toàn thể nhân loại. Quả vậy, lời kinh “Lạy cha chúng con”, “cầu cho chúng con” bao hàm tất cả mọi người không loại trừ một ai.

Đó chính là nội dung lời kinh Fatima do chính Đức Mẹ dạy thêm vào cuối mỗi 10 kinh mân côi : “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con  khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.”

Trái tim Mẹ sẽ thắng.

Các giáo hoàng gần đây, đặc biệt là thánh giáo hoàng Gioan Phaolô rất tin tưởng vào sứ điệp Fatima. Các ngài xác tín Trái tim Mẹ đã thắng. Cuộc chiến tranh lạnh trên thế giới kết thúc được coi như một dấu lạ của Mẹ Fatima, giúp ta vững tin vào sức mạnh của tình yêu chắc chắn sẽ chiến thắng sự dữ.

Tuy nhiên, theo lời đức Biển Đức XVI, sứ điệp Fatima vẫn chưa kết thúc khi nhân loại vẫn tồn tại nền văn hóa sự chết, vẫn còn cảnh lầm than và chiến tranh tương tàn. Ngài mong muốn gương sống của ba mục đồng xưa được phổ biến trên toàn trái đất, đặc biệt trong các phong trào lấy cảm hứng từ biến cố Fatima, các nhóm tín hữu tận tụy phục vụ cho chính nghĩa và tình liên đới huynh đệ. (2)

Cuối cùng xin hiệp thông với lời kinh của đức Phanxicô trong nghi thức phó thác thế giới cho Mẹ Fatima năm 2013 :

“Xin Mẹ giữ gìn cuộc sống của chúng con trong vòng tay của Mẹ. Xin chúc phúc và củng cố mọi ước muốn làm điều thiện. Xin khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin, nâng đỡ và soi sáng đức cậy, thúc đẩy và linh hoạt đức ái. Xin Mẹ hướng dẫn tất cả chúng con trên con đường thánh thiện.

Xin dạy chúng con tình yêu thương của Mẹ, ưu tiên dành cho những người bé nhỏ nghèo hèn, những người bị loại trừ và đau khổ, các tội nhân và những tâm hồn lạc hướng, xin tập họp tất cả dưới sự che chở của Mẹ và giao phó tất cả cho Con Yêu Dấu của Mẹ là Chúa Giêsu của chúng con. Amen.”

Lm. Phanxicô X. Đào trung Hiệu OP

Ghi chú

1. Đức Mẹ nói với Luxia ngày 13.6.1917 và nhiều lần về sau
2. Bài giảng thánh lễ 13-5-2010 tại Đền thánh Fatima, Bồ Đào Nha.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *