Thư Tháng 07/2016 : Thương xót như Chúa Cha

Lá Thư Đặc Trách Tháng 07 / 2016

Thương xót như Chúa Cha

Anh chị em huynh đoàn thân mến,

Huynh đoàn Đa Minh có mặt tại Việt Nam từ cuối thế kỷ 17 với danh xưng “Dòng Ba ông thánh Duminhgô”. Nhiều người coi Dòng Ba như một hội đạo đức chuyên đọc kinh cầu nguyện. Nhưng qua lịch sử, đặc biệt qua tiểu sử các thánh tử đạo thuộc huynh đoàn, Dòng Ba Việt Nam đã có một truyền thống sáng ngời về sứ vụ bác ái và loan báo tin mừng.

bongoc3.JPG

Ba thánh Nguyễn Văn Mới, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Văn Vinh

Đàng sau các tư liệu lịch sử

Hai tư liệu lịch sử trích nguyên văn trong cuốn “Được sai đi loan báo Tin Mừng” cho ta thấy, Dòng Ba xưa không chỉ sốt sắng siêng năng cầu nguyện, mà còn tích cực tham gia phục vụ công ích, và hoạt động tông đồ bác ái.

Trước tiên, lá thư đức cha Marti Gia năm 1850, chỉ dẫn về việc sử dụng quỹ, cho ta biết một số hoạt động của Dòng Ba xưa như : mời và đón tiếp các linh mục đến giáo xứ dâng lễ hoặc giảng tĩnh tâm; chia sẻ cho người nghèo, thăm viếng bệnh nhân, chăm sóc người hấp hối; và rửa tội cho trẻ em ngoại.

Kế đến, cuốn Sử Ký Địa Phận Trung, đã liệt kê bốn đặc điểm giúp Dòng Ba “sinh nhiều ơn ích cho toàn giáo phận” : vì họ quy tụ những người đạo đức sốt sắng; có đời sống gương mẫu; chăm lo rửa tội và chuộc trẻ bị bỏ rơi; siêng năng đọc kinh chung và cầu nguyện cho người đã khuất. Chính vì uy tín như thế, nên Dòng Ba được nhiều người cậy nhờ xin khấn.

Nêu gương chứng tá đời sống

Hội thánh luôn đề cao giá trị truyền giáo bằng chứng tá đời sống, vì con người mọi thời thường tin vào các chứng nhân hơn là lời dạy. Với ý thức sự bất toàn và giới hạn, mọi tín hữu đều phải nỗ lực sống giáo huấn của Đức Kitô, trở nên “muối cho đời và ánh sáng cho trần gian” (Mt  5,13-16).

Chắc chắn có nhiều cách đánh giá khác nhau về khái niệm đạo đức, sốt sắng và đời sống gương mẫu…, nhưng dựa vào truyền thống, Luật Sống huynh đoàn từ số 32 đến 34, đã xác định về ba môi trường sứ vụ của anh chị em là : 1) Hội thánh địa phương: nhiệt tình cộng tác với các linh mục và các thành phần dân Chúa xây dựng phát triển giáo xứ, giáo phận. 2) Gia đình : vun trồng đời sống thánh thiện theo gương Thánh gia, quan tâm đến việc giáo dục Kitô giáo. 3) Xã hội : cố gắng dưa tinh thần Kitô giáo vào phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đồng nơi ta đang sống.

Phục vụ Giáo Hội

Qua hạnh tích của các thánh tử đạo thuộc huynh đoàn, đặc biệt là sáu thày giảng và bảy giáo hữu, chúng ta thấy nhiều mẫu gương nhiệt tình phục vụ hội thánh, lòng yêu mến các mục tử và tích cực cộng tác với các ngài.

Gia đình ba thánh Án Khảm, Cai Tả, Cai Thìn là trường hợp đặc biệt, vì chức vụ các vị là quan án và chánh tổng. Các vị đã nêu cao mẫu gương trong việc giáo dục gia đình và trong việc củng cố đức tin cho các tín hữu. Giữa thời bách hại căng thẳng, các vị can đảm mở cửa tiếp đón các vị mục tử, khôn khéo làm trung gian hòa giải với quan lại địa phương, đem lại an bình một thời cho xứ đạo. Và ba vị sẵn sàng được bắt vì “chứa chấp” đức cha Sampedro Xuyên.

Nếu thầy Nguyễn Đình Uyển người đồ đệ thân tín, đã đồng hành với đức cha Henares Minh trên bước đường lưu lạc, thì thầy Đỗ Văn Chiểu có vinh dự đồng hành với đức cha trong những ngày giam cầm và tử đạo. Tương tự, thầy Nguyễn Duy Khang đã đồng lao, đồng khổ, đồng số phận lênh đênh sông nước, và đồng chịu gian khổ với đức cha Hermosilla Liêm.

Gắn bó với cha Nguyễn Văn Tự, ngoài ông trùm Hoàng Lương Cảnh đồng sinh đồng tử; còn có thầy Hà Trọng Mậu : “Xin cha thương nhận con làm môn sinh, để con cũng được tử đạo với cha”; và có thầy Bùi Văn Úy, từng đào hang trú ẩn với hai ngăn và ở ngăn bên ngoài để như thầy tâm sự : “Nếu quan quân truy lùng, tôi sẽ ra trước nộp mình để cha khỏi bị bắt, hầu cha có thể giúp anh chị em”.

Nếu anh Nguyễn Văn Đệ với nghề thợ may đã góp phần trong việc trang hoàng nhà thờ, thì cụ Hoàng Lương Cảnh được giáo dân tín nhiệm chọn ra làm trùm họ, đã rửa tội cho nhiều người trong giờ hấp hối, và rửa tội cho nhiều trẻ em.

quancong3.jpg

Loan báo Tin mừng

Ngục tù không cản được các chứng nhân tiếp tục làm chứng cho Tin mừng. Ngay trong trại giam : ông Án Khảm đã giúp nhiều người giữ vững đức tin để lãnh nhận ngành lá tử đạo; Thầy Uyển giải thích cho quan quân về “Mười điều răn Đức Chúa Trời”; ông trùm Cảnh giảng giải cho họ ý nghĩa các lời kinh trong đạo. Đặc biệt, nhóm năm người gồm hai thầy giảng Mậu, Úy và ba anh Mới, Đệ, Vinh, đã tuyên khấn Dòng Ba trong tù, hợp lực dạy giáo lý trong nhà giam và đã rửa tội được đến 44 người.

Nếu Sử ký địa phận Trung liệt kê một công tác âm thầm của các bà dòng ba, là dạy kinh cho tân tòng không biết chữ, dạy thuộc lòng bằng cách đọc trước cho họ đọc theo. Thì sang thế kỷ XX, chúng ta thấy có hai tác giả Dòng Ba đã xuất bản sách in tại Phú Nhai Đường. Đó là ông Đômingô Huy với cuốn “Nam quốc tòng giáo lược truyện”, và ông Giuse Hoàng Diệu với bộ hai tập “Sách Sấm Ký”, kể chuyện từ tạo thiên lập địa đến khi Chúa giáng sinh tại Bêlem. (4)

Sống bác ái kitô giáo

Minh họa cho những hoạt động bác ái của Dòng Ba đã nêu trên, gồm: chia sẻ cho người nghèo, thăm viếng bệnh nhân, chăm sóc người hấp hối; rửa tội và cưu mang trẻ mồ côi… xin ghi nhận một vài mẩu chuyện của các thánh tử đạo huynh đoàn.

Ông trùm Cảnh, vốn là một lương y, giữa lúc làng Thổ Hà bị quân lính bao vây, đã không quản ngại nguy hiểm, nhận lời đi chữa bệnh, và chính vì thế mà ông bị bắt.

Ông Án Khảm ngoài việc sẵn sàng chia sẻ của cải cho người nghèo, mỗi ngày :“Gia nhân phải kiếm kẻ nghèo khó vào ngồi chung thì ông mới ăn cơm.”

Ông Cai Tả, thăm nhà từng gia nhân vào dịp tết để tặng quà. Vì chủ trương mình quên nợ người, Chúa quên tội mình, ông tha một nửa các khoản vay nợ của gia nhân và dân làng, và xóa nợ cho người quá túng thiếu.

Trong năm thánh lòng Thương Xót, và trong tháng bác ái Đa Minh, xin Chúa cho chúng ta biết cộng tác với nhau sống và làm chứng cho Tin Mừng, sống bác ái và thực hành 14 mối thương người, theo gương Thày Chí Thánh: “Hãy thương xót, như Cha anh em là Đấng Thương Xót” (Lc 6, 36).

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

 

(1) Thư ngày 17.07.1850. Những thư chọn trong các thư chung các Ðấng Vicario II, Phú Nhai Ðường 1908, trang 23.

(2) Moreno, Sử ký địa phận Trung, Phú Nhai Đường 1916, trang 212-213. Được sai đi loan báo Tin mừng, HĐĐM 2016, trang 53.

(3) Sử ký địa phận Trung, sđd, trang 253.

(4) Phan Tấn Thành OP, Tìm hiểu Dòng Đa Minh, Học viện Đa Minh 2013, trang 462.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *