Thư Tháng 08/2016 : Thương xót như Cha Đa Minh

Lá Thư Đặc Trách Tháng 08 / 2016

Thương xót như Cha Đa Minh

Anh chị em huynh đoàn thân mến,

Trong thư công bố khai mạc năm thánh, cha Tổng quyền Bruno Cadoré đã liên kết năm thánh Dòng với năm thánh Lòng Thương Xót, ngài khẳng định : “Sự trùng hợp vui mừng giữa hai Năm Thánh này rất gần gũi với lịch sử, đời sống và sứ vụ Đa Minh của chúng ta. Với chúng ta, đó là lời mời gọi canh tân sứ vụ “công bố Lòng thương xót của Chúa, mà theo cách riêng, phải thẩm thấu vào lòng và trí của từng người”.

Theo cha Tổng quyền : “Nhà giảng thuyết Tin Mừng cũng là nhà giảng thuyết ân sủng, và nhà giảng thuyết ân sủng cũng là nhà giảng thuyết về lòng thương xót của Chúa.

Scenes_st_Dominique_.jpg

Lòng trắc ẩn của thánh Đa Minh

Ngay khi còn là sinh viên ở Palencia, thánh Đa Minh đã biểu lộ một lòng trắc ẩn rất đặc biệt. Trước nạn đói đang hoành hành, thánh nhân thực hiện một nghĩa cử quảng đại và rất xót thương, khi quyết định bán cuốn sách quí mà ngài đã bỏ bao nhiêu công sức nắn nót ghi chép, để không “học trên những tấm da chết, đang khi có những người anh em chết vì đói”. Chắc chắn cuốn Kinh Thánh kèm với các ghi chú đó là một gia sản quý giá của chàng sinh viên trẻ. Nhưng như bà góa với những đồng xu, Đa Minh sẵn sàng hiến dâng tất cả những gì mình có, để xoa dịu cảnh khổ đau của tha nhân.

Sau này, khi khuyên một người lạc giáo trở về, cha Đa Minh nhận được câu trả lời bất ngờ : “Tôi không thể rời xa họ, vì tôi ăn nhờ ở trọ trong nhà họ”. Vừa lúng túng vừa đau lòng vì không có gì để trợ cấp, Cha đã nghĩ đến giải pháp “tự bán mình” để lấy tiền cứu anh ta. Dĩ nhiên các tín hữu đạo đức đã không cho ngài thực hiện điều đó, nhưng sáng kiến ấy cho ta hiểu tấm lòng của ngài bao la dường nào.

Nhiều lần lòng trắc ẩn của cha Đa Minh đã mở cửa lòng thương xót của Thiên Chúa, thể hiện qua các phép lạ nhờ lời cầu của thánh nhân. Phép lạ thực hiện do quyền năng Thiên Chúa, đồng thời cũng là hoa trái của lòng xót thương.

Đó là các phép lạ hóa bánh ra nhiều, phép lạ chữa lành bệnh nhân, phép lạ cứu đoàn hành hương đi viếng mộ thánh Giacôbê vượt qua bão tố. Đặc biệt cha đã thực hiện ba phép lạ phục sinh người chết. Một kiến trúc sư bị tai nạn chôn vùi trong đống gạch; một đứa bé đã qua đời được mẹ bế đến khẩn nài, và chàng Napoleon, cháu hồng y Stephanô vừa chết vì ngã ngựa. (1)

Kinh nguyện của lòng thương xót

Là người từng chung sống, chứng kiến và nghe Cha Đa Minh cầu nguyện, chân phước Jordano ghi nhận : “Cha Đa Minh thường cầu nguyện suốt đêm, Chúa đã ban cho Cha ơn đặc biệt cầu nguyện cho các tội nhân, cho người nghèo và cho người sầu khổ. Cha cảm thông với những sầu khổ của họ tận đáy lòng, và biểu hiện ra bên ngoài bằng những dòng nước mắt. Có khi giữa đêm thanh vắng. Ngài lớn tiếng kêu nài : “Chúa ơi ! Rồi đây các tội nhân sẽ ra sao ?

Nội dung lời cầu nguyện cộng với dòng nước mắt, cho ta thấy thánh nhân có sự đồng cảm với Đức Kitô, để yêu nhân gian bằng những rung cảm và thao thức của chính Chúa thuở xưa. Tình yêu đó thúc đẩy cha, khi cầu nguyện, thân thưa với Chúa về những người đã gặp, học với Chúa để biết xót thương và cảm thông với những người sẽ gặp.

“Lúc nào cha cũng cầu xin cho được lòng bác ái đích thực để mưu tìm và chăm lo phần rỗi cho mọi người cách hữu hiệu. Cha nghĩ rằng chỉ khi nào mình noi gương Chúa Cứu Thế, hiến toàn thân toàn sức cứu rỗi các linh hồn thì mới thực sự trở thành chi thể của Chúa”

Lời cầu nguyện biểu lộ lòng cha yêu thương và khoan dung với các tội nhân. Như Maisen xưa, cha xin Chúa tha cho họ lỗi lầm trong quá khứ. Cha lấy tấm lòng của Thiên Chúa để ôm ấp họ. Cha không chỉ chuyển cầu cho bằng muốn “kết hợp” ngày càng sâu xa hơn với Đức Giêsu, là Đấng trên Thánh Giá đã dạy cho loài người nghệ thuật yêu thương.

Trong những giờ kinh nguyện nồng cháy đó, cha xin Chúa mở rộng cõi lòng mình để biết yêu thương. Lòng thương xót đích thực không chỉ dừng ở chỗ đáp ứng những nhu cầu vật chất, mà là ước muốn đem con người đến với ơn cứu độ. Cha muốn đưa hết thảy lương dân, anh em Do thái, Hồi giáo và Ly giáo … nghĩa là tất cả, đến với Chúa Cứu Thế.

Công bố lòng thương xót của Chúa

Theo tin mừng thánh Máccô, sau khi Đức Giêsu “gọi nhóm mười hai lại và sai đi từng hai người một… để rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”… Ngài “thấy đám đông như bầy chiên không người chăn dắt, nên chạnh lòng thương và bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Rõ ràng trước phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa chỉ thị cho các môn đệ : “Anh em hãy cho họ ăn”, và Ngài rao giảng cho họ về Nước Trời (Mc 6, 7-12).

Người môn đệ hôm nay, khi đồng cảm và yêu nhân gian bằng trái tim nhân hậu của Thiên Chúa, cũng nhận ra nỗi bất hạnh lớn nhất của con người chính là không được đón nhận ơn cứu độ. Đói khát cơm bánh chỉ là hình bóng cơn đói khát khôn nguôi của nhân loại, là đói khát tình thương, đói khát chân lý. Bệnh tật thân thể chỉ là hình bóng những căn bệnh trầm kha của tâm hồn chính là tội lỗi. Biết bao người bị mù, què, câm, điếc về tinh thần, đang cần phải được chữa lành.\

Các sử gia vẫn coi hứng khởi nền tảng để cha Đa Minh lập Dòng xuất phát từ buổi đối thoại với người chủ quán trọ đã gia nhập nhóm Cathares. Lửa nhiệt tâm với các linh hồn cha Đa Minh ôm ấp bấy lâu nay bỗng bừng cháy. Hôm ấy, Cha thức trắng đêm, thân ái nhưng thẳng thắn, trao đổi và thuyết phục được người chủ quán trở về chính lộ. Chính hôm ấy, cha mường tượng thấy một điều : muốn cảm hóa được lạc giáo, cần phải có những người nhiệt tình, hiểu và sống Tin Mừng, sẵn sàng ra đi, đối thoại và thuyết phục họ. Chính nhờ biến cố này, Dòng các anh em Giảng thuyết ra đời.

do_glory.jpg

Sứ giả của lòng xót thương

Anh chị em thân mến,

Sau khi cùng nhau chiêm ngưỡng đôi nét mẫu gương lòng thương xót của cha Đa Minh, chúng ta tin tưởng chạy đến phó thác nơi Ngài những khó khăn và gánh nặng trong cuộc sống, và xác tín, mỗi chúng ta luôn có chỗ trong lời chuyển cầu của cha thánh trước nhan Thiên Chúa.

Xin cho chúng ta biết sống lòng thương xót như Chúa Cha theo lời kêu mời của Hội thánh. Xin cho chúng ta biết noi theo mẫu gương của cha Đa Minh, biết bày tỏ lòng thương cảm thực sự đối với tất cả những ai gặp khổ đau, qua việc chia sẻ và thực thi bái ái, qua lời cầu nguyện cho mọi thành phần nhân loại và qua nỗ lực giới thiệu với những người chúng ta gặp gỡ, về tình thương của Thiên Chúa, về ơn cứu độ nơi Đức Kitô và về hạnh phúc vĩnh cửu của nhân loại.

Nhờ lời Cha thánh chuyển cầu, xin cho chúng ta trở thành những sứ giả của lòng xót thương.

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

(1) Nguyễn Tri Ân OP, Thánh phụ Đa Minh Đấng sáng lập dòng thuyết giáo, Chân lý 2005, trang 169-177

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *