Thư Tháng 11/2016 : Mầu Nhiệm Các Thánh Thông Công

Lá Thư Đặc Trách Tháng 11 / 2016

Mầu Nhiệm Các Thánh Thông Công

Anh chị em huynh đoàn thân mến,

Phụng vụ tháng mười một đặc biệt mời gọi kitô hữu sống mầu nhiệm “các thánh thông công”. Trong tháng này có ba ngày lễ hướng đến ba thành phần của một Giáo hội duy nhất, đó là lễ các thánh (1/11) mừng giáo hội khải hoàn; lễ các đẳng (2/11) hướng về giáo hội thanh luyện; và lễ cung hiến đền thờ Latêranô (9/11) hiệp thông với giáo hội lữ hành. Cả ba ngày lễ chuẩn bị tâm hồn chúng ta mừng đại lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ, vào chúa nhật kết thúc năm phụng vụ.

Tín điều các thánh thông công khẳng định sự hiệp thông của tất cả mọi tín hữu. Dù sống trên trần gian hay đã qua đời, dù ở bất cứ nơi đâu hay vào thời đại nào, họ đều chia sẻ cho nhau các ân huệ thiêng liêng, đó là các việc lành phúc đức và các lời chuyển cầu. Bởi vì, tất cả chúng ta đều là chi thể trong một nhiệm thể duy nhất mà Chúa Kitô là Đầu.

Tôn kính các thánh trên trời

Các thánh là ai ? Họ là “đoàn người đông đảo không thể đếm được, thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng… đã giặt và tẩy áo trắng mình trong máu Con Chiên” (Kh 7, 9.14). Cộng đoàn chư thánh bao gồm tất cả những vị đã hoàn tất cuộc đời mình cách tốt đẹp trong ân nghĩa Chúa, nên được ban thưởng gia nghiệp nước trời. Ngoài các thánh và các chân phước được giáo hội chính thức suy tôn trên bàn thờ, còn có vô số các vị thánh chưa được ghi danh, trong đó có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân nhân và bằng hữu của chúng ta.

Mừng lễ các thánh, chúng ta kính nhớ trước tiên Đức Maria, Nữ Vương thiên đàng, các thánh tiên tri, các thánh tông đồ, tử đạo, tiến sĩ, mục tử, hiển tu và toàn thể các thánh nam nữ trên thiên quốc, các riêng là thánh bổn mạng của mình.

Hướng về chư thánh, chúng ta cậy nhờ vào công nghiệp và lời chuyển cầu của các ngài trước nhan Thiên Chúa. Giáo hội cổ võ chúng ta khi mừng kính các thánh, cũng học hỏi noi theo mẫu gương đời sống thánh thiện của các Ngài, kết hiệp với Chúa Kitô là nguồn mạch mọi ân sủng và sự sống.

Cầu nguyện cho người đã khuất

Với các linh hồn nơi luyện ngục, chúng ta dâng các việc lành và lời cầu nguyện cho họ, đồng thời cũng xin họ phù hộ giúp sức cho chúng ta trong cuộc sống dương gian.

Truyền thống việc cầu nguyện cho những người qua đời đã có trong Cựu Ước, từ thời ông Macabê : “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội (cho anh em đồng đội)” (2Mcb 12, 43-46). Kinh thánh nhận định việc làm của ông là cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý, đạo đức, thánh thiện, và cũng là lời tuyên xưng niềm tin của ông vào việc người chết sẽ sống lại.

Luật sống quy định chúng ta phải nhớ đến cha mẹ, thân nhân và ân nhân mỗi ngày, qua lời kinh thánh vịnh 129, tức là kinh vực sâu, hiệp thông với toàn thể gia đình Đa Minh trong các ngày lễ giỗ (7/2, 5/9 và 8/11) và dâng lễ cầu nguyện đặc biệt cho các vị trong tháng mười một (LS số 21).

Khi xin lễ, đọc kinh hoặc thực hiện các việc đạo đức cầu nguyện cho những người đã khuất, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời đời, tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm các thánh cùng thông công và tuyên xưng niềm tin vào lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta trực tiếp bày tỏ lòng thảo hiếu, lòng biết ơn, và lòng bác ái đối với người đã khuất. Việc tưởng nhớ này cũng giúp chúng ta ý thức hơn về thân phận chóng qua của kiếp người để biết sống sao cho đẹp lòng Chúa.

Hiệp thông trong hội thánh

Ngoài ra, theo mầu nhiệm “các thánh thông công”, tất cả chúng ta thuộc giáo hội lữ hành, luôn hiệp thông với nhau trong đời sống đức tin và lời cầu nguyện. Chúng ta được đắm mình vào kho tàng ân sủng của Chúa Kitô, vào công đức của các thánh qua mọi thời và của hàng tỉ tín hữu trên toàn cầu.

Câu chuyện tổ phụ Abraham khẩn nài cho dân thành Sôđôma cho ta hiểu hai điều : Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, sẵn sàng lắng nghe lời người trần khi họ quan tâm khẩn cầu cho nhau. Và chính nhờ những người công chính, mà nhân loại nhận được các ân lộc từ trời cao. Nếu kiếm đủ 10 người tốt lành, hai thành phố Sôđôma và Gômôra đã không bị trừng phạt.

Ý thức sự bất xứng của mình và cậy vào lòng Chúa xót thương, chúng ta cầu nguyện theo tâm tình của một lời nguyện trong thánh lễ : “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa …”

Hãy cầu nguyện cho nhau theo gương thánh Phaolô : “Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi anh em; trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng, tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Ðức Giêsu, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta” (1Thêxalonica 1,2-3).

Đón nhận ân huệ, công đức và lời khấn cầu của các ân nhân và mọi thành phần hội thánh, chúng ta có nghĩa vụ cầu nguyện cho họ. Luật sống cổ võ chúng ta “bày tỏ tinh thần hiệp thông qua việc luôn cầu nguyện cho nhau”, và quy định mỗi ngày đọc ít là một kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho anh chị em thuộc gia đình Đa Minh và cho các ân nhân (LS. số 18).

Sống mầu nhiệm các thánh thông công hàng ngày

Thế nhưng, mỗi ngày chúng ta đều có cơ hội sống cách trọn vẹn hơn mầu nhiệm các thánh thông công, khi cử hành các giờ kinh phụng vụ và đặc biệt khi hiệp dâng thánh lễ.

Các thánh vịnh trích từ Kinh Thánh cùng với phần lời cầu trong kinh sáng, kinh chiều do giáo hội biên soạn, giúp ta đồng cảm và hòa vào lời kinh của toàn thể hội thánh. Với các tâm tình chúc tụng, tạ ơn, xin ơn, và thống hối, chúng ta cầu nguyện cho tất cả và từng thành phần của nhân loại.

Mỗi Thánh lễ, chúng ta đều hiệp dâng trong hiến tế của Đức Kitô tất cả các ước nguyện của cộng đoàn nhân loại. Nhờ được liên kết trong một Nhiệm Thể duy nhất, chúng ta được gắn kết sâu xa với nhau như những chi thể của Đức Kitô. Đó là điều thánh Phaolô khẳng định : “Vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể  (ICr 10, 17).

Giáo hội Việt Nam đã có từ lâu lời “kinh dâng ngày” rất hay, liên quan đến mầu nhiệm các thánh thông công. Mỗi buổi mai, chúng ta hãy dâng lên Đấng giàu lòng thương xót tất cả các hy sinh, việc làm và lời kinh trong ngày, kết hiệp với ý nguyện của chính đức Kitô và vị đại diện Ngài nơi trần gian.

“Lạy Trái Tim cực thánh Ðức Chúa Giêsu ! Con nhờ Trái Tim cực sạch Ðức Bà Maria mà dâng cho Trái Tim Chúa mọi lời con cầu xin, mọi việc con làm, mọi sự khó con chịu trong ngày hôm nay, cho được đền vì tội lỗi con và cầu nguyện theo ý Chúa, khi dâng mình tế lễ trên bàn thờ. Con lại dâng các sự ấy cho Trái Tim Chúa, có ý cầu nguyện cách riêng theo ý Ðức giáo hoàng”.

Ước mong mai ngày, tất cả chúng ta sẽ được đoàn tụ với các thánh và những người đi trước, trong nhà Cha trên trời.

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu op

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *