Tình Mẫu Tử

Nơi con người, tình mẫu tử có hai mặt, và phức tạp hơn tình mẫu tử nơi các loài động vật khác. Thứ nhất, động tác sinh nở nơi con người không khác gì nơi muôn vật khác. Như cây sinh trái, gà ấp trứng, mọi bà mẹ cũng góp phần sinh sản ra cuộc sống mới. Và thật chí lý khi nói về người phụ nữ: “Phúc cho hoa trái của lòng bà!”

Tuy nhiên tình mẫu tử nơi con người còn mặt thứ hai siêu vời hơn tức là tinh thần. Linh hồn đứa bé không sinh ra từ linh hồn hay thân xác bà mẹ, mà được chính Chúa tạo ra một cách mới mẻ đoạn thổi vào thân xác của bào thai. Tình mẫu tử về mặt thể lý được ca ngợi do người mẹ đồng hợp tác với Chúa là Đấng phú cho đứa bé một linh hồn và cho phép người phụ nữ cưu mang linh hồn ấy trong xác thịt của bà. Không phải người phụ nữ này mang trong mình một con vật nhỏ nhoi mà chính là một con người được tạo dựng theo hình ảnh của vị Thiên Chúa, Đấng tạo dựng ra con người ấy.

Như thế mọi đứa trẻ do người phụ nữ sinh ra đều có hai người Cha: người cha trần thế truyền cho bé sự sống và người Cha thiên quốc ban cho bé một nhân vị, một linh hồn, một cái “ngã” không thể nào thay thế được. Người mẹ là tác nhân thiết yếu cộng tác vào công việc của hai người Cha này. Mối tương giao của riêng bà và đứa bé phát sinh hai khía cạnh: khía cạnh làm mẹ đứa bé theo đó về mặt thể lý hầu như đứa bé lệ thuộc hoàn toàn vào người mẹ. Tuy nhiên cũng còn mối tương quan của người mẹ – với một nhân vị (được biểu lộ nơi phép rửa, lúc mà đứa bé được đặt cho một tên thánh). Mối tương quan thứ hai này xác nhận phẩm giá và cái ngã tách biệt của đứa bé dù là nó chỉ bé tí xíu, đồng thời báo trước sau này nó có quyền hạn tự sống cuộc sống riêng mình, đồng thời có quyền lìa cha bỏ mẹ để sống với vợ của nó.

Cuộc sinh nở nào cũng đòi buộc phải có sự phục tùng và kỷ luật. Đất đai còn phải chịu cày xới trước khi thụ động đón nhận mầm gieo. Tuy nhiên, nơi người phụ nữ, nàng không phải thụ động phục tùng mà đây chính là hành vi hy sinh, sáng tạo đầy ý thức, và vì sự vô vị lợi này mà toàn bản thân nàng đã được nên hình nên dạng. Ai cũng đều rõ là phụ nữ có khả năng chịu đựng hy sinh hơn nam giới nhiều; một người đàn ông có thể là người anh hùng trong một cơn hứng khởi, nhưng sau đó lại trở về tình trạng tầm thường như trước. Đàn ông thường thiếu đức tính kiên trì là đức tính giúp người phụ nữ sống anh hùng hết năm này sang tháng khác và sống anh hùng từng giây phút trong cuộc sống của họ qua việc đón nhận đều đặn các phận vụ thường dễ làm tiêu hao tinh thần của họ; không phải chỉ ban ngày mà còn cả ban đêm, không phải chỉ tâm hồn mà còn cả thân xác, người phụ nữ cũng đến chia sẻ nỗi đớn đau của tình mẫu tử. Đó là lý do người nữ thường hiểu sâu sắc hơn người nam về học thuyết ơn cứu chuộc, bởi vì người phụ nữ tham dự vào sự liều chết trong lúc sinh con, và họ hiểu được thế nào là sự hy sinh thân mình cho kẻ khác suốt những tháng ngày trước khi sinh nở.

Hai qui luật thiêng liêng lớn lao kết liên thành một nơi một bà mẹ: yêu tha nhân và cùng hợp tác với ân sủng Chúa – và cả hai qui luật này lại được áp dụng trong một đường lối duy nhất. Trừ tình yêu của một bà mẹ ra thì tình yêu tha nhân luôn có nghĩa là tình yêu dành cho một cái ngã khác; còn tha nhân của bà mẹ trong thời mang thai thì lại trở thành một với bà ta, mặc dù hoàn toàn được yêu khác với cái ngã của bà ta. Giờ đây, đôi lúc sự hy sinh cho tình yêu tha nhân lại xảy ra ngay trong da thịt bà, tác nhân và đối tượng hành vi hy sinh của bà đều được chứa đựng bên trong người bà.

Còn việc cộng tác với ân sủng nơi một bà mẹ thì mặc dù bà không mấy ý thức được, nhưng bà vẫn là người cộng sự của Thiên Chúa: theo một nghĩa nào đó, mọi bà mẹ đều được “Chúa Thánh Linh phủ bóng”. Dù không là một linh mục, bà cũng được uỷ thác cho một thứ quyền dành riêng cho linh mục, tức là đem Chúa đến cho con người, và đem con người đến với Thiên Chúa. Qua việc chấp nhận vai trò làm mẹ, bà mang Chúa đến cho con người bằng cách cho phép Thiên Chúa thổi vào trong thân xác bà một linh hồn mới mẻ để bà cưu mang. Đồng thời bà cũng mang con người đến cho Thiên Chúa cũng qua hành vi sinh nở khi bà bằng lòng trở nên một dụng cụ qua đó một người con Chúa được sinh ra trong trần gian. Phải là loạn thị mới xem tình mẫu tử như là một vấn đề chỉ can hệ tới một người đàn ông và một người đàn bà: như thế là tước đoạt mất danh dự dành cho nó. Bởi vì để hiểu được ý nghĩa thực sự của tình mẫu tử, chúng ta còn phải thêm yếu tố linh thiêng vào việc tạo thành một đứa bé. Chúng ta phải nhìn ra đây là công việc của một người phụ nữ hợp tác với chồng, là người cha của đứa bé xét về mặt nhân loại, và với Chúa là người Cha ban cho đứa bé linh hồn vĩnh cửu, bất diệt khác hẳn mọi linh hồn khác từng được tạo ra suốt dòng lịch sử thế giới. Như thế, mọi tình mẫu tử nơi con người đều bao hàm việc hợp tác với Thiên Chúa.

BCT ( St )

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *