Sẵn sàng đón Chúa đến (17.11.2023 – Thứ Sáu Tuần XXXII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 2 Ga 4-9 (năm chẵn), Kn 13,1-9 (năm lẻ), Lc 17,26-37

 

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 17,26-37)

26 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. 27 Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thuỷ ập tới, tiêu diệt tất cả. 28 Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót : thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. 29 Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. 30 Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải.

31 “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. 32 Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. 33 Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. 34 Thầy nói cho anh em biết : đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 35 Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 36 Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” 37 Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su : “Thưa Thầy, ở đâu vậy ?” Người nói với các ông : “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.”

Sẵn sàng đón Chúa đến (17.11.2023)

Ngày 17.11: Lễ Nhớ Thánh nữ Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri

Tháng 11 là tháng cầu cho các tìn hữu đã qua đời, cũng là tháng cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội sắp xếp cho chúng ta nghe những giáo huấn của Chúa Giêsu về ngày cánh chung. Đây là cơ hội để người tín hữu nhớ đến những người thân yêu đã ra đi và cầu nguyện cho họ, đồng thời suy tư về sự chết, tử đó điểm lại mình đã chuẩn bị đón ngày Chúa đến như thế nào rồi.

Sinh ký tử quy, lẽ thường này ai cũng biết. Mọi người đều sợ cái chết, mà trước sau gì ai cũng phải đến lúc gặp nó. Sợ thì cứ sợ, nhưng hầu hết người ta đều sống như việc đó sẽ xảy đến cho ai chứ mình thì chưa đâu. Một anh bạn sự nghiệp đang lên thì đột quỵ bỏ lại vợ đẹp con khôn; những siêu sao ca nhạc thế giới như Michael Jackson, Marilyn Monroe, Whitney Houston, Elvis Presley… đều ra đi khi đang độ sung sức và sự nghiệp lẫy lừng còn trên đà thăng tiến … Khi biết những tin như vậy người ta cũng có một chút bùi ngùi tiếc nuối cho những tài năng kiệt xuất, nhưng rồi người ta vẫn cứ tiếp tục mải mê lo cho cuộc đời tạm bợ này.

Trong thời gian đại dịch Covid vừa qua, người ta đã thấy quá rõ thân phận con người quá đỗi mỏng manh yếu đuối. Nhưng ngay trong cơn bão dịch bệnh, vẫn có những kẻ hoàn toàn mất hết lương tri, lợi dụng hoàn cảnh khốn cùng của cộng đồng để chiếm lấy những món lợi bất chính không lồ.

Khi dịch mới tạm yên, người ta đã mau chóng quên cái yếu đuối mỏng manh của mình mà lại tiếp tục lao vào kiếm tiền để bù lại khoảng thiếu hụt trong thời gian dịch bệnh.

Rõ ràng người ta bị cuốn vào vòng xoáy sinh tồn nên quên điều ắt phải đến ấy. Ngay cả những người có niềm tin vào một tôn giáo nào đó cũng chỉ lo việc đời này mà không lo việc đời sau. Họ làm rất nhiều việc cho cuộc sống thể xác, nhưng không làm hoặc làm rất ít việc cho cuộc sống linh hồn.

Chúa Giêsu đã từng trách người Do Thái rất biết nhìn các hiện tượng thiên nhiên để tiên đoán thời tiết, nhưng họ lại không thấy những dấu hiệu quan trọng hơn để nhận biết thời đại của Đấng Messia đã đến và Đấng ấy chính là Ngài.

Sách Khôn ngoan trong bài đọc I hôm nay đã nói rất hay về sự không nhận biết Thiên Chúa : con người có thiện chí đi tìm Thiên Chúa, nhưng khi nhìn thấy sự kỳ diệu của thiên nhiên họ lại nhận những những thứ họ nhìn thấy ấy là thần thánh, mà không hiểu rằng chính đấng sáng tạo ra thiên nhiên ấy mới là thần, là Thiên Chúa.

Ngày nay có vô vàn nhiêu dấu hiệu chứng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa. Tiến bộ của khoa học làm người ta nhận ra đã đối xử bất công và tàn ác thế nào với thiên nhiên. Lối sống ích kỷ, hưởng thụ vật chất của con người đã khiến con người phải gánh chịu hậu quả là sự biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn lực dẫn đến thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh liên tục xảy đến. Đó cũng là những lời cảnh báo, kêu gọi con người sám hối từ bỏ thái độ sống ích kỷ, hưởng thụ. Chính lối sống đó đã phát sinh muôn vàn tội ác cho bản thân con người, cho thiên nhiên và xúc phạm đến Đấng đã tạo ra vũ trụ này.

Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài đã tạo mọi điều kiện để con người có hạnh phúc đích thực. Nhưng con người thường bám vào thế gian nên Chúa Giêsu nhắc nhở mọi người phải sẵn sàng đón ngày phán xét :

– Khi ngày ấy đến chỉ còn sự sống đời đời là quan trọng, mọi thứ khác (của cải, đồ đạc, những thứ thuộc cuộc sống đời này…) đều không còn giá trị nữa, hãy quên nó, hãy bỏ nó đi để lo cho sự sống đời sau. Cũng đừng so sánh với ai, vì những người bề ngoài hoàn toàn giống nhau, nhưng số phận đời đời khác hẳn nhau. Cái khác biệt là có chuẩn bị cho đời sau hay không.

– Phải sẵn sàng đón ngày ấy. Người nào đã chuẩn bị đầy đủ thì vào ngày ấy sẽ được Chúa đón đi để hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa. Người Kitô hữu cần ý thức rằng chuẩn bị đón Chúa đến là không thụ động ngồi chờ, nhưng tích cực hướng về Chúa và dấn thân phục vụ.

– Đừng thắc mắc khi nào ngày ấy sẽ đến. Ngày ấy đến bất ngờ, chỉ mình Chúa Cha biết, ngay cả Người Con và các Thiên sứ cũng không biết (Mt 24,36). Vì thế điều cốt yếu là luôn sẵn sàng đón ngày Chúa đến.

Thánh nữ Elisabeth Hunggary mà Giáo hội nhớ đến hôm nay là một người rất khôn ngoan, tuy tuổi đời bà còn rất trẻ, bà mất khi mới 24 tuổi.

Tích truyện Thánh nữ Elisabeth Hungary :

Thánh nữ sinh năm 1207, là một công chúa của nước Hungary, năm 14 tuổi kết hôn với vua Louis IV của công quốc Thuringia (Landgrave of Thuringia) của nước Đức thời trung cổ. Bà sinh được ba người con. Chồng bà tham gia cuộc Thập Tự chinh lần thứ 6 và tử trận năm 1227 khi bà 20 tuổi.

Trở thành goá phụ và ba mẹ con bà gặp rất nhiều gian truân, bị đuổi ra khỏi hoàng cung, nhưng Élisabeth vẫn tin tưởng phó thác mãnh liệt vào Chúa Giêsu. Khi được quay trở lại hoàng cung, Elisabeth từ bỏ cuộc sống vương giả đầy tranh giành và hiến mình hoàn toàn cho các công cuộc bác ái. Bà mở một bệnh viện ở Marbourg để chuyên chăm cầu nguyện và phục vụ người nghèo.

Chịu ảnh hưởng tinh thần nghèo khó của Thánh Phaxicô Assisi, Thánh nữ Elisabeth đã biết “nhận ra và tôn kính Đức Kitô nơi những người nghèo”, bà dành rất nhiều thời giờ cho những người nghèo khổ, khiến ai ai cũng nhắc đến lòng bác ái của ngài.

Yêu Chúa hết lòng và yêu những người cùng khổ còn hơn bản thân mình, Thánh nữ lấy sự phục vụ làm niềm vui. Bà nói :  “Tôi không muốn làm Chúa khiếp sợ vì một vẻ mặt thiểu não. Chắc chắn Người thích trông thấy tôi vui tươi, bởi vì tôi yêu Người và Người yêu tôi.”

Thánh nữ qua đời ngày 17 tháng 11 năm 1231 vì kiệt sức, lúc đó bà mới hai mươi bốn tuổi, để lại tiếng tăm vang dội về sự thánh thiện. Chỉ bốn năm sau (1235) Thánh nữ được Tuyên thánh và trở thành bổn mạng của hội dòng ba Phanxicô.

Tuy còn trẻ nhưng Thánh nữ Elisabeth đã có sự chọn lựa rất khôn ngoan khi hy sinh hết mọi sự để tôn thờ Chúa và phục vụ tha nhân, nhất là những người cùng khổ. Trên giường bệnh, Thánh Nữ luôn chờ đón ngày Chúa đến với sự tin tưởng rằng Chúa Giêsu sẽ đến và đem Thánh nữ đi với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn gửi đến những dấu hiệu để nhắc nhở con rằng cuộc đời con sẽ kết thúc bất cứ lúc nào. Xin Chúa giúp con luôn biết tỉnh thức sẵn sàng, luôn biết sắm sửa hành trang cho chính mình bằng đời sống thánh thiện, nhất là bằng nghĩa cử yêu thương để con sẽ là người được Chúa đem đi vào Nước Trời.

Xin cho con ý thức rằng của cải thế gian và tất cả những gì thuộc về nó thì chỉ là tạm bợ, nay còn mai mất. Xin cho con theo gương thánh Elisabeth Hungary mà biết chọn con đường dẫn tới sự sống đời với Chúa.

Jos. NM Tưởng

Cảnh giác lối sống hưởng thụ (11.11.2022)

Có những người Việt Nam xa quê hương từ nhiều năm trước, bây giờ trở về thành phố Sài Gòn rất ngạc nhiên vì sự đổi mới gần như hoàn toàn, ngay tại trung tâm rất hiện đại. Đứng ở bến tàu Bạch Đằng ngắm cây cầu vượt nối liền từ quận 1 qua Thủ Thiêm, điểm nhấn này tạo thêm quang cảnh đẹp cho thành phố. Cũng là nơi hẹn hò của nhiều đôi bạn trẻ dừng chân trên hành lang cầu vượt để trò chuyện vào các buổi chiều tà và đón làn gió mát từ dòng sông Sài Gòn, để tự hào về một thành phố đứng đầu của cả nước, không chỉ hoành tráng từ các tòa nhà cao nhất, mà còn là thành phố nổi trội vì đã đóng góp ngân sách nhiều nhất cho đất nước. Người dân sống ở thành phố này luôn bận rộn, tất bật cả ngày đêm để hòa mình theo nhịp sống, liệu chúng ta có còn thời gian để nhớ đến Đấng Tạo Hóa, Người đã tạo dựng cho chúng ta cuộc sống trên trái đất này?

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay theo thánh Lu-ca: “Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đánh mất sự sống mình thì giữ được nó” Lc 17, 33. Chúa Giêsu luôn nhắc nhở chúng ta quan tâm đến đời sống vĩnh cửu, dù chúng ta sống trong hoàn cảnh nào. Hai biến cố trong Cựu Ước về thời Noe và thời ông Lót là lời cảnh báo và đánh động cho chúng ta biết, mọi sự việc luôn bất ngờ xảy đến, là điều chúng ta không ngờ trước được. “Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tàu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người” Lc 17, 27. Thiên Chúa là Cha nhân từ, Ngài lo lắng và tạo mọi điều kiện cho con người sống hạnh phúc. Lời Chúa kêu gọi người Kitô hữu đừng bám vào thế gian, đừng chỉ lo vun vén cho sự sống thế tục của mình mà quên đi ơn cứu độ, vĩnh hằng. “Lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn mình thì được ích gì?” Mt 16, 26.

Người Kitô hữu luôn tự kiểm lại những hành động của mình trong cuộc sống, không mê muội bởi vẻ hào nhoáng vật chất, không để mọi ham muốn giàu có trần gian chiếm hữu tâm hồn, thể xác mà xa rời Thiên Chúa, làm sao để có được hạnh phúc đời đời của mình nếu ngay từ bây giờ chúng ta không sống hết mình với Thiên Chúa và với mọi người. Tháng 11 là tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời, là tháng thể hiện lòng hiếu thảo của những người con cháu trong gia đình nhớ đến ông bà Tổ tiên, người thân trong dòng tộc, bạn hữu… dành thời gian dâng lễ cầu nguyện cho họ. Năm nay, ở giáo xứ tôi cũng có thay đổi giờ lễ, tăng thêm một Thánh lễ, giờ lễ chiều sẽ muộn hơn 1 tiếng so với những năm trước, để cho những người đang đi làm có thời gian trở về kịp tham dự lễ. Mọi người đều biết tầm quan trọng của thánh lễ, thánh Gioan Chrisotômô từng chia sẻ: “Khi lễ Misa được cử hành ở trần gian, các thánh trên trời xuống mở cửa Luyện ngục”.

Lạy Chúa Giêsu, mọi sự ở trần gian này nay còn mai mất, chỉ có một mình Chúa là tồn tại bền vững. Chúng con nhớ lời thánh Anphongsô nói: “Con muốn biết sau này con sẽ ở đâu, con hãy xét mình đi. Nếu con muốn ở Thiên đàng thì hãy lo làm việc lành, hãy sống hoàn thiện hơn mỗi ngày để đáng Chúa thương xót khi con lìa đời”. Xin cho chúng con biết tỉnh thức và thực hiện theo Lời Chúa, để chúng con luôn được sống trong tình yêu của Chúa.

Anna Anh

Ngày của Con Người (12.11.2021)

Ngày 12.11: Lễ Nhớ Thánh Giô-sa-phát, giám mục, tử đạo

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu báo cho các môn đệ biết sẽ có ngày kết thúc của thế giới vật chất này. Ngày ấy là ngày bất ngờ, ngày đại hoạ kinh khiếp hãi hùng, có một không hai, ngày Thiên Chúa tỏ uy quyền. Nhưng kết cục sẽ là ngày vui mừng cho tất cả những người  biết tôn thờ và vâng nghe lời Thiên Chúa, đồng thời cũng là ngày khốn cùng cho những ai bất vâng phục Người.

Trong Tin Mừng, nhiều lần Chúa Giêsu đã loan báo ngày đại hoạ của dân Do Thái. Ngày thành Giêrusalem bị phá huỷ, luôn gắn liền với ngày tận thế mà hôm nay Chúa nói đến:

-Ngày bất ngờ: Ngày kết thúc thế giới vũ trụ này chẳng có ai biết được mà chỉ có Chúa Cha mới biết. Ngày ấy bất ngờ giống như ngày Chúa huỷ diệt thành Xơdom, trận lụt đại hồng thuỷ ở thời Cựu Ước mà chỉ có gia đình ông Nôe được biết, được cứu. Cả đến: “ Con Người” cũng không biết được. Chẳng lẽ vậy chăng? Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà lại không biết công việc của Chúa Cha sao? Các thánh đã giải thích rằng: Chúa Giêsu có biết nhưng Người không có bổn phận được nói ra. Bí mật ngày ấy chính là quyền năng khôn ngoan và mầu nhiệm của Thiên Chúa. Làm cho con cái Chúa lúc nào cũng lo toan bổn phận mà hướng lòng tới Đấng tạo dựng, để luôn tỉnh thức“ đợi chủ về”, mà hân hoan được dự tiệc cùng chủ mình. Đây cũng là ngày lớn lao cả thể nhất có một không hai vì được diễn ra đồng thời trên khắp hoàn cầu cùng toàn thể nhân loại.

Ngày đại hoạ nghiệt ngã hãi hùng: Ngày Thiên Chúa tỏ bày uy quyền của mình với cả kẻ dữ, người lành. Trong ngày đại hoạ ấy, con người rất mực khốn khổ, thậm chí chẳng ai được cứu sống nếu ngày đó kéo dài mãi…cả đến những người đã được chọn nếu không được ơn riêng ủng hộ, cũng phải nản lòng. Tin Mừng đã nói về ngày ấy: “Sẽ có điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Dưới đất muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét” (Lc 21,25). Ngày ấy “ mặt trời không còn chiếu sáng mặt trăng ra tăm tối, các vì sao rơi xuống, các tầng trời chuyển động”. Thánh Augustinô hiểu những lời trên theo nghĩa bóng: mặt trời là Chúa Giêsu, mặt trăng là Giáo Hội, các vì sao là người lành thánh mà cho rằng thời kỳ ấy danh thánh Chúa và Giáo Hội bị khinh mệt. Nhưng cũng có những vị hiểu theo nghĩa đen mà nói lên cảnh hãi hùng. Các thánh ký còn  nói sẽ có các ngôn sứ giả có quỷ vương xuất hiện mà lừa dối con người (2Tx 2,9 và1Jo 1,18-23).

-Ngày Con Người sẽ đến: Sau thời kỳ khốn khổ trên thì Con Người sẽ đến như sứ thần đã nói khi Chúa lên trời: “Đức Giêsu Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến  y như các ông vừa thấy Người lên trời” (Cv1,11).Người đến lần này mau chóng như chớp giật từ góc trời phía tây loáng sang phía trời đông. Thánh phao lô mô tả việc Thiên Chúa sai sứ thần thổi loa triệu tập các người lành thánh bốn phương: “Trong nháy mắt khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát”(1Cr 15,52).

Ngày Chúa đến lần chót ôi thật uy hùng! Người là vị thẩm phán tối cao: đem án phạt đến cho những người không tin Chúa, mà đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho con cái Chúa, những người lành thánh hằng tin yêu trông đợi và khát mong Người. Nên thấy Người đến, họ như “ diều hâu” hay đàn chim ưng xúm lại tề tựu bên Người như vớ được “ xác chết”, nuôi sống chúng.

Giờ đây, ngày tận thế chung vẫn là một bí mật đối với tôi, nhưng ngày tận thế riêng, là ngày Chúa gọi tôi rời bỏ thế gian này chắc chắn tôi sẽ được gặp. Tôi sẽ sống sao cho ngày ấy nên ngày vui mừng cho tôi chứ không là ngày tôi phải sợ sệt, để được vào số những người được chọn đem đi đến chốn hạnh phúc?

Trong đại dịch Covid hôm nay thật là hoạn nạn lớn lao cả thể trên toàn nhân loại. Có người coi đây là điềm báo cho ngày Chúa đến. Nhưng nhiều người cho rằng đây là dịp Chúa cho con người thấy sự sống của họ thật là mỏng manh nếu không biết cậy dựa vào Chúa. Đồng thời luyện tập cho con người, biết tỉnh thức đón Chúa đến lần cuối.

Lạy Chúa! Xin cho con luôn được thức tỉnh, khôn ngoan cúa Chúa ban. Để khi làm bất cứ việc gì nơi thế sự con đều làm theo thánh ý Chúa. Để khi Chúa đến trần gian lần cuối, con được vui mừng ra đón Người mà vào hưởng hạnh phúc Nước Trời –Amen.

Giuse Ngọc Năng.

Nghĩ nhiều hơn về sự chết (13.11.2020)

Khi chứng kiến biết bao thiên tai, thảm họa do thiên nhiên và con người gây ra trên thế giới trong những năm gần đây, nhiều người nghĩ ngay đến ngày tận thế; và nhiều người trong số đó cho rằng đó là một ngày rất cận kề. Còn nhớ biến cố năm 2000 với sự cố Y2K, rất nhiều người đã dự trữ lương thực trong nhà vì cho rằng năm 2000 là tận thế. Thế nhưng không! Rồi đến ngày 21 tháng 12 năm 2012, một lần nữa, người ta lại nghĩ đến ngày tận thế qua lời tiên tri của một vị pháp sư nào đó. Thế nhưng hôm nay đã là năm 2014.

Thực tế, không ai biết ngày giờ mình chết cả, và cũng không ai biết được ngày tận thế. Chúa Giêsu cũng không nói rõ. Ngài chỉ nói ngày đó đến bất ngờ giống như trong câu chuyện ông Nôe và ông Lót vậy. Do đó Chúa Giêsu mời gọi mọi người phải luôn thức tỉnh và sẵn sàng.

Thức tỉnh và sẵn sàng không phải là không ngủ, nhưng là sống là một Kitô hữu thực sự. Hay nói cách khác, thức tỉnh và sẵn sàng chính là chu toàn việc bổn phận mỗi ngày theo mỗi bậc sống của mình. Là một linh mục thì sống là một linh mục thánh thiện đạo đức, yêu thương, quan tâm chăm sóc giáo dân. Là một người giáo dân thì phải sống đạo; tức là thực hành những điều Chúa dạy, Giáo Hội dạy qua đời sống bác ái yêu thương.

Tâm lý con người thường ngại nói đến cái chết, cho rằng đó là điều xui xẻo; và coi là điều xa vời, lo xa,… Đó là một thiếu sót rất lớn; bởi vì cái chết là một điều hiển nhiên, một quy luật bất biến không ai được miễn trừ. Triết gia Jean Paul Sartre nói: “Mỗi ngày sống là một bước chân đưa ta đến nấm mồ”. Vậy hãy sống thế nào để đến ngày chết, chúng ta được Chúa đưa về thiên đàng chung hưởng hạnh phúc với Ngài; để rồi ở nơi đó, chúng ta hằng bầu cử cho con cháu đang còn sống ở trần gian.

Tháng 11 là tháng mời gọi mọi Kitô hữu gia tăng cầu nguyện cho những người quá cố, trong đó có ông bà tổ tiên, bạn bè, người thân của mình. Và đây cũng là dịp giúp cho mỗi người Kitô hữu nghĩ nhiều hơn về sự chết, để biết sống trong tâm thế tỉnh thức và sẵn sàng luôn.

Lạy Chúa! Hằng ngày có biết bao cuộc chia ly qua cái chết. Có những người được chết trong sự nuối tiếc của người xung quanh, thế nhưng cũng có những người chết trong cai đắng vì đã không làm tròn trách nhiệm của mình khi còn sống. Xin cho con luôn biết thức tỉnh và sẵn sàng luôn qua việc chu toàn bổn phận với Chúa và tha nhân trong cuộc sống hằng ngày, để khi được Chúa gọi về, con cảm nhận được sự bình an và hạnh phúc. Amen!

Tỉnh thức và sẵn sàng chờ ngày Chúa đến (15.11.2019)

Lược sử Tu viện  Anbêtô (Sài Gòn)

15.11: Lễ Kính Thánh Albert Cả (1206-1280) – Bổn mạng Tu viện Anbêtô (Sài Gòn)

Bài Tin Mừng hôm nay nói về ngày Chúa Quang Lâm, ngày kết thúc của vũ trụ mà chúng ta đang sinh sống, để rồi mở ra Trời Mới, Đất Mới. Ngày đó là ngày nào? Không ai biết trước được. Nhưng Chúa Giêsu đã mô tả cho chúng ta biết là ngày đó đến thật bất ngờ, chớp nhoáng và rực rỡ. Ngài dùng hình ảnh tia chớp để chúng ta có thể hình dung về ngày đó. “Vì ánh chớp chói lòa chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người”  (Lc 17, 24).

Phải tỉnh thức chờ ngày Chúa đến

Đưa ta về bờ bến yêu thương

Giờ đây sống giữa “đại dương”

Gió mưa, bão táp, muôn phương mịt mùng

*

Hãy tỉnh thức để cùng mong đợi

Dù thời gian vời vợi xa xăm

Thực lòng thống hối ăn năn

Hiểm nguy tan biến, khó khăn hết dần

Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta phải luôn biết chuẩn bị cho Ngày Chúa đến lần thứ hai, để khỏi bị tiêu diệt như Nạn Hồng Thủy thời ông Noe hay nạn Mưa Diêm Sinh thời ông Lót. Tất cả những hình ảnh được Chúa nói đến trong Tin Mừng hôm nay cho thấy thực tại của Ngày Cánh Chung. Kinh Thánh cũng luôn khẳng định tính bất ngờ của Ngày Tận Thế. Và do tính bất ngờ này nên các Kitô hữu luôn được mời gọi để biết sống tỉnh thức và sẵn sàng.

Quyết tỉnh thức muôn phần hoan hỷ

Chúa quang lâm, đón chỉ Ngài thôi

Thiên Đàng đích thực quê Trời

Vinh phúc chung hưởng, sáng ngời niềm tin

*

Nhớ tỉnh thức giữ gìn tâm trí

Để cõi lòng ý chí thẳng ngay

Điều thiện, việc tốt: “bắt tay”

Làm cho cuộc sống từng ngày vươn lên

 Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta đừng quá bận tâm, chăm chút cho cuộc sống hiện tại, để rồi chểnh mảng, lơ là trong việc chuẩn bị cho Ngày Cánh Chung, nhưng cần phải biết chăm lo cho cuộc sống mai sau bằng thái độ tỉnh thức và sẵn sàng. Do đó, chúng ta, đừng quá bám víu vào thế gian, hoặc vun vén cho sự sống thế tục của mình, nhưng phải lo đến cuộc sống đời đời của mình bằng việc sống đẹp lòng Chúa hơn.

Cùng tỉnh thức cầm đèn cháy sáng

Đợi Chủ về thấp thoáng gần xa

Nguyện cầu chăm chú thiết tha

Đến khi Chủ tới sẽ là hồng ân

*

Phải tỉnh thức rất cần đấy chứ!

Theo thời gian: quá khứ – giờ đây

Tương lai sắp đến từng ngày

“Sẵn sàng”: cảm thấy tràn đầy niềm vui.

Lạy Chúa! Trong cuộc sống hằng ngày đã có biết bao cuộc ra đi qua cái chết của mỗi người. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng chờ Ngày Chúa đến qua việc chu toàn bổn phận với Chúa và với tha nhân, để khi Chúa đến, chúng con cảm nhận được sự bình an và hạnh phúc bên Chúa. Amen.

HOÀI THANH

Khôn ngoan trong Thánh Thần để tỉnh thức chọn lựa (17.11.2017)

Kể truyện

Trong thế chiến thứ hai, có một trận chiến rất gay gắt, đó là trận chiến tại Trân Châu Cảng.

Khi quân Nhật quyết định đánh chìm chiếc tàu chiến hùng vĩ của Mỹ tại Trân Châu Cảng, thì Nhật đã dồn hết sức mạnh không lực để tấn công. Cuối cùng, chiến hạm hùng vĩ của Mỹ cũng phải chìm.

Hầu hết các quân nhân trên chiến hạm đều chết. Trước những nguy biến ập đến, biết chắc rằng mình sẽ chết, nên Jame đã liên tục đọc kinh Kính Mừng để xin ơn chết lành. Sau nhiều giờ trôi dạt trên biển và dạt vao một bãi cát. Tỉnh dậy, Jame thấy mình đang nằm trên một tấm ván.

Trận đánh Trân Châu Cảng là một trận đánh bất ngờ của người Nhật, và là sự thiếu cảnh giác của người Mỹ. Những người tín thác vào Chúa như Jame sẽ được đem đi.

Suy niệm

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cảnh tỉnh chúng ta về ngày tận thế. Ngày tận thế người ta thường suy diễn là ngày hủy diệt tất cả, hủy diệt ấy như ngày Đại lụt Hồng Thủy; ngày ấy như ngày hủy diệt thành Xô-đôm. Ngày hủy diệt đến thật bất ngờ cho những ai không biết tỉnh thức: “27 Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông No-ê vào tàu, và nạn hồng thủy ạt tới, tiêu diệt tất cả” (Lc 17, 27); “thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất” (LC 17, 28).

Hình ảnh lụt Đại Hồng Thủy thời ông Nô-ê, hay biến cố thành Xô-đôm thời ông Lót: Đây là Tính bất ngờ của biến cố, gắn với tính bất ngờ là sự mỏng manh yếu đuối của phận người.

Nhưng trong Tin Mừng, Chúa Giê-su muốn nói đến một điều khác, đó là: Khai mở một thế giới mới của Thiên Chúa. Từ khi Thiên Chúa làm người và đến ở với chúng ta thì Người khai sinh lịch sử nhân loại một thế giới mới. Thế giới của sự sống vĩnh hằng; thế giới mới của Thiên Chúa được hình thành.

Người Kitô hữu đón nhận thế giới mới như thế nào? Chấp nhận có Thiên Chúa là chấp nhận có sự sống đời đời; không chấp nhận có Thiên Chúa tức là chấp nhận cái chết đời, sự khổ đau vĩnh hằng.

Là người Kitô hữu đòi hỏi ta phải dám tin vào Đức Giêsu Kito và dám tin vào thế giới mới ấy ngay giữa những tăm tối cuộc đời. Không những dám tin mà còn dám dấn thân vào niềm tin để phục vụ cái thế giới mới ấy của Thiên Chúa, ngay trần gian này.

Khi người Kito hữu đón nhận thế giới mới có Thiên Chúa thì người đó ắt sẽ được đem đi đến với đời sống hạnh phúc Vĩnh Hằng trên Quê Trời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su, xin cho trở nên người Kito hữu đích thực, dám đón nhận thế giới mới chính Chúa Giê-su Kito đem đến, và dám dấn thân phục vụ thế giới mới của Chúa, thế giới mới ấy ở ngay giữa chúng con. “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17, 21). Amen./.

Gã Đầu Bạc

Chờ ngày Chúa quang lâm (11.11.2016)

Đức Giê-su nói: “Cũng như thời ông No-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy.” ( Lc 11,41).

Hầu như dân tộc nào cũng có những truyền thuyết về ngày cùng tận của thế giới này; và những câu chuyện ấy được kể lại cho nhau trong sự lo lắng không biết khi nào thì “ngày ấy” sẽ xảy đến. Trong mạc khải Thánh Kinh, “ngày ấy” cũng là ngày “Triều đại Thiên Chúa đến.” Chúa Giê-su cho biết “ngày ấy” là một thời điểm kép: Trước hết, “Triều đại Thiên Chúa” đã đến rồi và ‘đang ở giữa các ông” (Lc 17,21). Thế nhưng, ngày mà triều đại đó sẽ hoàn tất, tức là ngày Ngài quang lâm, thì vẫn luôn là một bất ngờ, sẽ đến “như một tia chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia.” Để sẵn sàng cho sự bất ngờ đó, Chúa dạy chúng ta học kinh nghiệm nơi câu chuyện Lụt Hồng Thuỷ và sự huỷ diệt của thành Xơ-đôm. Mọi người, mọi chuyện vẫn diễn tiến và sinh hoạt bình thường cho đến khi ngày ấy bất ngờ xảy ra và mọi người không kịp xoay sở, không kịp trở tay.

Chuyện hôm nay cũng vậy, “ngày ấy” của mỗi người chúng ta vẫn là một bí ẩn bất ngờ mà ai nấy đều phải chuẩn bị sẵn sàng. Điều chắc chắn sẽ xảy đến trong “ngày ấy” là Chúa sẽ phán xét dựa trên cuộc sống này của chúng ta. Người lành được vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa; kẻ dữ phải “ném ra ngoài” chịu phạt muôn đời.

Để tâm hồn mình được bình an trong cõi tạm này, khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm, mỗi tối, trước khi ngủ, chúng ta chuẩn bị cho ngày cùng tận của đời mình bằng việc sám hối tội lỗi, quyết tâm cải thiện và cố gắng sống tốt lành hơn mỗi ngày. Luôn phó dâng hồn xác mình cho lòng Chúa xót thương.

 Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi, dù hôm nay là ngày  Giáo Hội  làm Lễ kết thúc “ Năm Thánh kính lòng thương xót Chúa”, nhưng đối với con thì chẳng bao giờ kết thúc cậy trông vào tình Chúa mãi hằng xót thương . Xin Chúa giúp chúng con luôn biết tỉnh thức và cầu nguyện liên lỉ trong cuộc đời lữ khách trần gian này, dù đang khi làm việc hoặc ăn uống ngủ nghỉ, luôn biết hướng lòng về Chúa, đặc biệt cầu nguyện cho các linh hồn trong tháng 11 này, cho con biết sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến với mỗi người chúng con. Amen.

BCT

Chúa đến bất ngờ

“Đêm ấy hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” (Lc 17,34-36)

Suy niệm: Người Ki-tô hữu mong đợi sau khi lìa khỏi cuộc đời ở trần gian này mình sẽ bước vào một cuộc sống mới hạnh phúc trên Nước Trời. Nhưng ngày giờ nào là ngày giờ Chúa đến gọi tôi ra khỏi trần gian này? Không ai biết trước được, ngày giờ ấy bất ngờ lắm vì nó có thể xảy đến với bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào. “Người bị bỏ lại” là những người bị “dán chặt” vào lối sống đam mê hưởng thụ, những người bị “trói buộc” vào những lắng lo việc đời này đến nỗi không thể sẵn sàng cho ngày giờ Chúa đến. Chỉ những ai sống tinh thần siêu thoát của Tin Mừng, sẵn sàng “từ bỏ hết những gì mình có” (Lc 14,33) mới “được đem đi” đến nơi hạnh phúc khi Chúa đến bất ngờ.

Mời Bạn: Cuộc đời này được ví như một cuộc hành trình tiến về quê trời. Không thể tới đích nếu người đi đường chôn chân lại một nơi nào đó. Cũng vậy, trên đường tiến về quê trời nếu cứ bám vào những thứ trên đời này, dù đó là những thứ cần như việc làm ăn buôn bán, việc xây dựng nhà cửa, thì không thể sẵn sàng đi với Chúa khi Ngài đến đem ta đi tới nơi hạnh phúc với Ngài.

Sống Lời Chúa: Tập tinh thần siêu thoát từ bỏ bằng cách làm những hy sinh nho nhỏ mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết hướng về cuộc sống hưởng kiến Chúa trên thiên quốc, để dù đang sống ở trần gian với những hấp dẫn của nó, chúng con cũng luôn tỉnh thức.

Đừng liều mạng (13.11.2015)

“Ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được.” (Lc 17,33).

Một cách nào đó, câu hỏi của các môn đệ cũng là mối quan tâm của nhiều người: khi nào thì đến ngày thế mạt và đâu là dấu hiệu báo trước? Sự quan tâm đó thực ra là một cách tránh né, không dám đối diện với giờ ấy và tự trấn an mình rằng cứ sống tà tà, tội lỗi, theo kiểu “người trộm lành” chỉ cần ăn năn tội vào phút cuối là đủ. Lối tránh né đó chính là một “liều mạng”, chờ nước tới chân mới nhảy, bởi vì nào ai biết sự gì sẽ xảy đến cho ta trong ngày cuối cùng ấy. Chúa Giê-su dạy chúng ta một cách dám “liều mất mạng sống” để có thể bảo tồn được nó. Liều mạng sống ở đời này là dám từ bỏ những gì là tạm bợ để sống cho những giá trị Tin Mừng ngay trong giây phút hiện tại này, chứ không “liều mạng” đợi đến phút cuối mới ăn năn hối cải. Những dấu hiệu của ngày thế mạt không chỉ đến trong thời cuối cùng, nhưng đã đến từ bây giờ. Hãy sống mỗi phút giây hiện tại như giây phút cuối cùng của mình. Nó là kết tinh của cả một quá trình, chứ không phải là giây phút của may rủi. Phó mặc cuộc đời mình cho may rủi, đó mới là liều mạng.

Người ta hay nói “người trộm lành” cả đời ăn trộm, và lúc cuối đời lại đã “ăn trộm” luôn cả nước Thiên Đàng từ nơi Chúa Giêsu trên thập giá.

 Lạy Chúa, cho con biết chuẩn bị giờ phút gặp Chúa ngay từ bây giờ, kẻo quá muộn.

BCT 

Điều vĩ đại chưa đến

“Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy.” (Lc 17,26)

Suy niệm: Dù đã được dự báo bão Nari sẽ vào miền Trung nhưng khi cơn bão ập đến, những người trực tiếp hứng chịu cơn bão vẫn bị bất ngờ: Sức mạnh của vũ bão! Làn gió nhẹ từ biển khơi của những ngày đẹp trời giờ đây trở nên mạnh mẽ lạ thường, đánh bật cả những gốc cây cổ thụ! Chúa Giêsu dùng những sự tích trong Cựu Ước để cảnh báo tính bất ngờ của một biến cố rất lớn lao và chắc chắn sẽ xảy đến, đó là biến cố cánh chung, biến cố của ngày Chúa lại đến, “ngày Con Người được mạc khải” (c. 30). Lúc đó Chúa Kitô cũng chính là Ngôi Lời (Logos) ngự đến cách chung cuộc để cho ý nghĩa của mọi tạo vật được tỏ hiện, đó là lúc chương trình của Thiên Chúa được hoàn tất, là ngày mà từng người trong nhân loại đối mặt với vấn đề thiết yếu nhất của mình: đó là được cứu độ hay không được cứu độ.

Mời Bạn: Biến cố càng quan trọng thì mức độ gây bất ngờ càng lớn. Mạc khải vĩ đại mà Chúa hứa vẫn chưa xảy ra. Người môn đệ Chúa được mời gọi sống trong tâm thế sẵn sàng đón nhận điều bất ngờ lớn lao nhất; họ vẫn dấn thân hoạt động đầy hăng say xây dựng trần thế tốt đẹp theo ý Chúa, nhưng cũng rất siêu thoát, sẵn sàng để được đem đi với Chúa trong ngày Ngài lại đến.

Sống Lời Chúa: Sống tinh thần siêu thoát của người môn đệ bằng cách sống tiết độ trong việc sử dụng của cải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Ngôi Lời vĩnh cửu, là ý nghĩa của mọi sự, là ơn cứu độ của chúng con. Xin cho chúng con luôn mở lòng ra đón Chúa đến mọi giây phút trong cuộc đời chúng con. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *