Tổng hợp thông tin Hội Thánh Hoàn Vũ 11.06.2017

1. Đức Thánh Cha viếng thăm chính thức Tổng Thống Italia

ĐTC cầu mong mọi thành phần ở Italia hợp lực để giải quyết tình trạng thất nghiệp của giới trẻ và ngài cám ơn sự cộng tác, giúp đỡ của Italia để người kế vị Thánh Phêrô có thể phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.


ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong diễn văn tại Phủ Tổng thống Italia sáng hôm 10-6-2017 nhân cuộc viếng thăm chính thức tại đây. Ngài viếng thăm đáp lễ cuộc viếng thăm của Tổng thống Italia, Ông Sergio Mattarella, tại Vatican ngày 18 tháng 4 năm 2015, sau khi ông mới được bầu làm tổng thống.

Đến điện Quirinale vào lúc 10 giờ 45, sau nghi thức tiếp đón, ĐTC đã hội kiến với tổng thống Matarella và trao đổi quà tặng. Ngài cũng dừng lại tại Nhà Nguyện Đức Mẹ truyền tin ở trong dinh Tổng Thống, rồi sau đó có phần trao đổi diễn văn.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến những thách đố mà Italia, cũng như nhiều nước Âu Châu đang phải đương đầu, như nạn khủng bố quốc tế, được nuôi dưỡng bằng trào lưu cực đoan, hiện tượng di dân gia tăng với chiến tranh và những chênh lệch xã hội và kinh tế tại nhiều miền trên thế giới, nhiều thế hệ trẻ khó tìm được công ăn việc làm xứng đáng, và tình trạng này không tạo điều kiện cho việc thành lập các gia đình mới và có con cái.

ĐTC nhận xét rằng: “Italia, qua hoạt động quảng đại của các công dân và sự dấn thân của các tổ chức, đang tận dụng tài nguyên tinh thần dồi dào của mình để biến những thách đố vừa nói thành những cơ hội để tăng trưởng và có những cơ may mới.”

ĐTC đặc biệt ca ngợi nỗ lực của Italia trong việc đón tiếp và giú đỡ người di dân và tị nạn, cũng như trợ giúp dân chúng tại những vùng bị động đất.

Riêng về vấn đề kiến tạo công ăn việc làm, ĐTC nhận xét rằng: ”Cần có một sự hợp lực và những sáng kiến để các nguồn tài chánh được dùng để phục vụ cho đối tượng rộng lớn và có giá trị xã hội, thay vì để chúng bị lấy mất và phân tán trong những cuộc đầu tư chủ yếu là cầu cơ, tạo nên một sự thiếu dự phóng dài hạn, thiếu quan tâm đến vai trò thực sự của những người kinh doanh, và xét cho cùng, có là một sự yếu đuối, một bản năng chạy trốn trước những thách đố của thời đại chúng ta”.

Sau cùng ĐTC đề cao sự cộng tác của Giáo Hội và Nhà Nước Italia, chiếu theo hiệp định Laterano được ký kết giữa Tòa Thánh và Italia. Đặc biệt hình thức của đặc tính đời (laicità) tại đây không có nghĩa là đố kỵ và xung đột giữa Giáo Hội và nhà nước, nhưng có đặc tính thân hữu và cộng tác, trong sự phân biệt nghiêm túc về thẩm quyền.

Giữa Giáo Hội và Nhà Nước Italia có sự cộng tác rất tốt, mang lại lợi ích cho cá nhân và toàn thể cộng đồng quốc gia.

Vào cuối cuộc viếng thăm của ĐTC, tại khuôn viên điện Quirinale, ngài và tổng thống Mattarella đã chào thăm khoảng 200 thiếu nhi được mời. Các em từ những vùng bị động đất ở miền trung Italia. (SD 8-6-2017)

2. Báo Anh và Tây Ban Nha ca ngợi những người Công Giáo anh hùng đã chết trong vụ tấn công khủng bố tại Luân Đôn

Anh Ignacio Echeverria

Báo chí tại Anh và Tây Ban Nha đã lên tiếng ca ngợi anh Ignacio Echeverria, 39 tuổi, bị đâm chết tại khu chợ Borough khi cố gắng giúp một phụ nữ đang bị tấn công bởi những kẻ khủng bố. Thay vì bỏ chạy như những người khác, Ignacio Echeverria dùng một miếng ván trượt làm vũ khí chống trả lại ba tên khủng bố đang đâm túi bụi vào một người phụ nữ.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói anh Ignacio Echeverria sẽ được mọi người nhớ về “hành vi anh hùng và gương mẫu” của mình và cho biết chính phủ Tây Ban Nha sẽ trao tặng anh Huân Chương Công Dân Anh Hùng của Tây Ban Nha.

Báo El Mundo của Tây Ban Nha cho biết anh Ignacio Echeverria không bao giờ bỏ một Thánh Lễ Chúa Nhật nào. Một người bạn nói với một tờ báo rằng trước khi sang Anh làm việc Ignacio thuộc về một nhóm thanh niên Công Giáo gặp nhau hàng tuần ở Madrid cho các công tác xã hội.

Tờ El Mundo cũng lưu ý độc giả rằng chú của Ignacio từng là một giám mục truyền giáo lâu năm ở Peru. Đó là Đức Giám Mục Antonio Hornedo của giáo phận Chachapoyas, một tu sĩ dòng Tên, đã qua đời vào năm 2006.

Tại Luân Đôn, Echeverria làm việc cho nhóm chống rửa tiền của HSBC.

Một người Công Giáo khác cũng bị tử nạn trong vụ tấn công tại Luân Đôn là một cô gái người Canada, tên là Christine Archibald, 30 tuổi.

Archibald, là giáo dân của giáo xứ Rita ở Castlegar, British Columbia. Cô tốt nghiệp Đại học Mount Royal ở Calgary, Alberta, và đã làm việc cho Alpha House ở Calgary trong hai năm trước khi cô chuyển đến Hà Lan với vị hôn thê của mình. Alpha House là một tổ chức phi lợi nhuận Công Giáo nhằm cung cấp các chương trình trợ giúp cho những người nghiện ma túy và nghiện rượu.

Archibald đã sang Anh trong một dự án xây dựng nơi tạm trú cho những người vô gia cư. Gia đình Archibald xin những ai nhớ đến cô hãy giúp một tay vào dự án mà cô đã phải bỏ dở dang. Archibald đang ở trên cầu Luân Đôn cùng với vị hôn phu thì bị chiếc xe tải của bọn khủng bố tông chết.

Một người Công Giáo khác cũng bị chết thảm trong vụ tấn công khủng bố tại cầu Luân Đôn là anh Xavier Thomas, 45 tuổi, quốc tịch Pháp. Anh Xavier cư trú tại Paris đã sang Anh du lịch. Anh đang đi dạo trên cầu cùng người bạn gái là Christine Delcros, thì bị chiếc xe tải của bọn khủng bố tông vào. Anh bị hất văng xuống sông Thames, trong khi người bạn gái bị thương trầm trọng.

Cảnh sát Anh đã vớt được xác anh Xavier vào lúc 7:44 tối thứ Ba 6 tháng Sáu.

Christine Archibald

 

3. Vị tử đạo Lituania đầu tiên dưới thời Sô viết được phong chân phước

Ngày 25/06 tới đây, Đức tổng giám mục Teofilius Matulionis, giám mục người Lituani bị giết trong nhà tù cộng sản sẽ trở thành chân phước tử đạo đầu tiên trong thời kỳ cộng sản ở Lituani.

Lễ phong chân phước dự kiến được cử hành tại Vilnius, thủ đô Lituani. Sẽ có khoảng 30 ngàn người, bao gồm các giám mục và linh mục hải ngoại cũng được dự kiến sẽ tham dự thánh lễ.

Đức tổng giám mục Gintaras Grusas của Vilnius, chủ tịch hội đồng giám mục Lituani nói: “Ngoài việc là vị tử đạo đầu tiên dưới thời Sô viết được Giáo Hội hoàn vũ nhìn nhận, Đức tổng giám mục Matulionis cũng là người Lituani đầu tiên được phong thánh trên quê hương mình. Đức tổng Grusas cũng nhận định: “đức tin triệt để trong việc tìm kiếm chân lý bằng mọi giá” của đức tổng Matulionis để lại một sứ điệp hấp dẫn, đặc biệt đối với người trẻ, những người sẽ tham dự đại hội giới trẻ kéo dài 2 ngày trước lễ phong chân phước.

“Trước những căng thẳng hiện thời trên thế giới, lời mời gọi kiên trì trong hòa bình và đi theo ý Chúa, nhận biết rằng Chúa luôn ban cho chúng ta những điều chúng ta cần, luôn quan trọng”, đức tổng Grusas nhận xét. Ngài nói thêm: “Chứng kiến đức tin của một người không cần thiết phải là đi đến cái chết. Có những hình thức bách hại nhẹ hơn đang xảy ta hàng ngày trong xã hội chúng ta, và đòi chúng ta phải can đảm đối diện.”

Đức tổng Matulionis sinh năm 1873 tại Kudoriskis, đông bắc Lituani. Ngài được truyền chức vào năm 1900 tại Petersburg, Nga. Năm 1923, trong cuộc xử đức tổng giám mục Jan Cieplak và một số giáo sĩ Công Giáo, ngài bị kết án tù 3 năm. 6 năm sau khi được ra tù, ngài được bí mật truyền chức giám mục, nhưng sau đó bị gửi đến nhà tù Solovski trên quần đảo Solovetsky, miền Bạch hải.

Năm 1933, trong một cuộc trao đổi tù binh, Đức tổng Matulionis được trở về Lituani và giúp phổ biến lòng sùng kính Thánh Tâm khi làm tuyên úy quân đội. Năm 1943, ngài được bổ làm giám mục Kaisiadorys và bị bắt vào năm 1946 vig từ chối cộng tác với lực lượng Sô viết chiếm đóng Lituani. Ngài bị gửi đến một số nhà tù và chỉ vào năm 1956, khi được trả tự do, ngài khôi phục nhiệm vụ giám mục cách bí mật.

Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII thăng ngài làm tổng giám mục vào năm 1962, nhưng chính quyền Sô viết không cho phép ngài dự Công đồng chung Vatican II, và ngày 20/08/1962, ngài bị chích thuốc độc chết. Người ta tin là một y tá cảnh sát KGB (tình báo Sô viết ) đã thực hiện.

Án phong thánh cho Đức tổng Matulionis được bắt đầu năm 1990, sau khi Lituania được độc lập khỏi sự cai trị của Sô viết và tháng 12/2016, Đức Giáo Hoàng đã ra sắc lệnh nhìn nhận sự tử đạo của ngài.

Đức tổng giám mục Grusas nói đức tổng giám mục Matulionis tử đạo đã dâng những đau khổ của mình để cầu cho nước Nga trở lại, đồng thời cũng thúc đẩy Giáo Hội tiến bước qua việc giáo dục các giáo sĩ ở lại với đàn chiên ngay cả khi có nghĩa là bách hại và lưu đày. (CNS 09/06/2017)

4. Đức Thánh Cha khen ngợi ‘thiên tài’ và sự bình đẳng về phẩm giá của phụ nữ

‘Vai trò của phụ nữ trong việc giáo dục để tiến tới tình huynh đệ trên hoàn vũ’ là chủ đề của Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thọai Liên Tôn

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khen ngợi ‘thiên tài’ và bình đẳng về phẩm giá của phụ nữ và đã than phiền về những thời kỳ khi một số người cố gắng chối bỏ những chân lý này hay còn lạm dụng nữa.

Đức Thánh Cha nói như trên trong buổi họp của Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thọai Liên Tôn, với chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong việc giáo dục để tiến tới tình huynh đệ trên hoàn vũ”.

Công trình của thánh bộ này do Đức Hồng Y Jean Louis Tauran phụ trách, đã có sự tham gia của bốn phụ nữ.

Trong bài diễn từ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Có biết bao nhiêu phụ nữ đã thi hành các trọng trách hàng ngày một cách tận hiến và quyết tâm, với lòng can đảm và đôi khi rất anh hùng, đã làm cho thiên tài của họ mang hoa kết quà, họ có những đức tính quý báu khác nhau, và những khả năng đặc biệt tốt đẹp.”

Suy niệm về chủ đề được hội đồng lựa chọn, Đức Thánh Cha Phanxicô chú trọng vào ba sắc thái: quý trọng vai trò của phụ nữ, giáo dục trong tình huynh đệ, và đối thọai.

Trong tuần qua, Đức Hồng Y Cardinal Tauran nói với Vatican Radio: “phụ nữ có phẩm giá bình đẳng với nam giới, và chúng ta, đặc biệt là các Kitô hữu cần biết rằng chúng ta đều là những thành phần của một thân thể, có đầu là Chúa Kitô, và điều này khiến cho mọi người được bình đẳng. Như Thánh Phaolô đã nói, trước mắt Thiên Chúa, không có ai là nô lệ hay tự do, tất cả đều là anh em trong Đức Kitô.”

Đức Hồng Y người Pháp nói tiếp: “không phải ngẫu nhiên mà lời tuyên bố đầu tiên về sự Phục Sinh lại được Chúa Giêsu trao gửi cho các phụ nữ, khiến cho họ là những nhà truyền giáo đầu tiên,” điều này đặc biệt khi suy nghĩ về “những khủng hoảng trong gia đình” hiện nay.

Ngài nói: “Theo bản chất, phụ nữ là người mẹ và có tính dịu hiền, có khả năng lắng nghe và chăm sóc, và đây là một thông điệp hoàn vũ.” Tuy nhiên, người nữ cũng phải có ‘địa vị trong xã hội.’”

Đức Hồng Y Tauran nhấn mạnh: “Cũng như người nam, người nữ phải có trách nhiệm; vì thế cần có những quan điểm này để có một hình ảnh đầy đủ về phụ nữ, là bình đẳng với nam giới trước mặt Thiên Chúa và xã hội.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *