Hôn nhân – Tình yêu trăm năm (18.08.2023 – Thứ Sáu Tuần XIX Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Ed 16,1-15.60.63 (năm chẵn), Gs 24,1-13 (năm lẻ), Mt 19,3-12

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 19,3-12)

3 Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người, họ nói : “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không ?” 4 Người đáp : “Các ông không đọc thấy điều này sao : thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ, 5 và Người đã phán : ‘Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ 6 Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” 7 Họ thưa với Người : “Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ ?” 8 Người bảo họ : “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. 9 Tôi nói cho các ông biết : Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.”

10 Các môn đệ thưa Người : “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” 11 Nhưng Người nói với các ông : “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. 12 Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng ; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn ; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”

Hôn nhân – Tình yêu trăm năm (18.08.2023)

Thỉnh thoảng tôi sắp xếp lại tủ sách, là có dịp mở album của gia đình, để ngắm hình cưới của bố mẹ được lưu giữ cho đến nay, chỉ là hình trắng đen thôi từ năm 1958, lễ cưới tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, bố kể chủ hôn ngày cưới của bố mẹ là Cha giáo Giuse Maria. Hình ảnh ngày cưới tuổi thanh xuân thật đẹp, khuôn mặt rạng rỡ của người đang yêu có khác. Bố mẹ đã kỷ niệm 50 năm hôn phối, và 6 năm sau Chúa gọi bố về, cuộc sống gia đình nào cũng có lúc trải qua những năm tháng vui vẻ, cũng có khi trải qua thời gian dài thăng trầm vất vả, điều này không thể biết trước được. Tất cả dĩ vãng trở nên ký ức khó quên trong lòng mỗi người, ký ức đẹp hay ký ức buồn là do khi chúng ta đối diện với thử thách có vượt qua được không? Theo Thánh Grêgôriô từng chia sẻ : “Sống theo luật, là sống theo Chúa”.

Trang Tin Mừng hôm nay theo thánh Matthêô ( Mt 19,3-12) Chúa Giêsu khẳng định với người Biệt phái: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly”, đó là thiên luật. Dù họ đưa Môisen ra làm bằng chứng là ông ấy cho phép cấp tờ ly hôn, nhưng Chúa Giêsu vẫn không đổi ý. Ngày nay, tại các Giáo xứ đều tổ chức các khóa học Giáo lý Hôn Nhân để trang bị kiến thức cho đôi bạn trẻ về cuộc sống gia đình, nhằm giúp cho các bạn trẻ ý thức được, gia đình là Hội Thánh thu nhỏ, con cái là món quà quý giá Chúa ban tặng phải biết trân quý và chăm sóc nên người. Người bạn đời Chúa trao ban rất đáng trân trọng, sẽ là người suốt đời bên ta, những lúc tưởng chừng mất tất cả nhưng người ấy vẫn ở cạnh ta, đồng cam chịu khổ với nhau. Vì vậy rất cần tình yêu thương nhau hết lòng, để gia đình mãi trường tồn.

Ơn gọi đời sống gia đình là vậy, còn ơn gọi đời sống tận hiến thì sao? “Có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời Mt 19,12 . Mới đây tôi dự lễ Hồng Ân Vĩnh Khấn của các nữ tu Dòng Đức Bà Nữ Kinh Sĩ Thánh Âu Tinh, cũng không khí tưng bừng vui tươi như ngày cưới, gia đình bố mẹ, anh chị em, người thân hân hoan đến hiệp thông mừng người con, người chị em tuyên hứa với Bề Trên Tổng Quyền Dòng suốt đời trung thành phụng sự Thiên Chúa. Thánh lễ thật trang trọng, Đức Cha Giuse Giám mục Giáo phận Long Xuyên chủ tế cùng với hai mươi quý Cha đồng tế, chứng kiến và chúc phúc cho những nữ tu tuổi đời còn trẻ, trông yếu đuối, nhưng có tinh thần nhiệt thành trong sứ vụ truyền giáo. Và nhiều Dòng nữ tu nữa, tùy theo linh đạo của Dòng mà có các hoạt động phục vụ khác nhau, như Dòng Nử Tử Bác Ái Vinh Sơn, đi đến những vùng sâu vùng xa, tiếp cận với các gia đình nghèo khó, các cụ già neo đơn, dạy giáo lý cho thiếu nhi… Những vị sống đời tận hiến, tiếp nối sứ mệnh của Chúa Giêsu đem niềm vui đến với tha nhân, xoa dịu những cơn đau thể xác và tâm hồn, xin Thiên Chúa ân thưởng cho những hy sinh và ban thêm sức để quý tu sĩ kiên vững với sứ mệnh phục vụ trong tình yêu Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, lời giáo huấn của Chúa từ bao đời nay vẫn còn hiệu nghiệm trong mọi thời đại, dù con người văn minh đến đâu cũng phải cảm nhận hạnh phúc gia đình là đỉnh điểm của đời sống hôn nhân. Xin cho chúng con những người đang sống đời hôn nhân biết bảo vệ và yêu thương gia đình như Chúa đã yêu thương Hội Thánh.                                      

 Anna Anh

Hôn nhân – Giao ước vĩnh cửu (12.08.2022)

Chị đưa chồng đi tập vật lý trị liệu, anh bị tai biến đã mấy năm nay. Anh chị sống với nhau đã 30 năm, được ba người con trai, cách đây 10 năm, anh chia tay chị để sống với người phụ nữ khác, chị đau khổ trong thầm lặng và nuôi dạy các con. Ngày anh bị bệnh không người chăm sóc, chị đón anh về chữa bệnh, chị cầu nguyện với Chúa xin Người thương dẫn dắt chị, gặp thầy gặp thuốc cho anh mau bình phục. Chị là chi trưởng giáo họ Phanxicô Xaviê của huynh đoàn tôi, mọi người cảm thông hoàn cảnh chị, nên vẫn lắng nghe chị tâm sự và hiệp ý cầu nguyện, xin Chúa thương nâng đỡ chị những lúc mệt mỏi, tuyệt vọng. Tình yêu không còn như thuở ban đầu nhưng tình nghĩa vợ chồng khiến chị luôn thấy có trách nhiệm với anh và với con cái mình. Chị vẫn nhớ bài học giáo lý hôn nhân: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly” Mt 19,6.

Trang Tin Mừng hôm nay theo thánh Matthêu: “Từ thuở ban đầu, Tạo Hóa đã dựng loài người có nam có nữ, và bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác?” Mt 19,5. Thiên Chúa đã định sẵn, cuộc sống của con người rất cần một mái ấm, một gia đình, nhà triết học George Santayana từng chia sẻ; “Gia đình là một kiệt tác của Tạo Hóa”. Gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo Hội, cũng là cái nôi nuôi dưỡng ơn gọi người Kitô hữu.

Hiện nay, đời sống gia đình phải đối diện với nhiều vấn đề phức tạp: con người luôn muốn sở hữu sự giàu có, danh vọng, quyền lực … đưa đến vấn đề thay lòng đổi dạ, của người vợ, người chồng một cách dễ dàng để thỏa mãn ham muốn của bản thân. Việc không tuân giữ Luật Chúa, khiến nhiều gia đình đổ vỡ, vợ chồng ly dị, kéo theo hệ quả là có những đứa trẻ không cha, không mẹ. Ly dị có phải là giải pháp tốt cho gia đình khi cả hai bố mẹ không còn sự yêu thương, sự quan tâm chăm sóc đến nhu cầu của nhau? Đối với người Công giáo, luật của Thiên Chúa, có thể thay đổi được chăng? Bố tôi vẫn kể cho chúng tôi câu chuyện về bà cô trong họ hàng bên nội, bà ấy lấy chồng sớm, khi ông qua đời bà chưa tới tuổi 30, bà chọn niềm vui là việc nuôi dạy con cái và sống khiết tịnh cho đến ngày về với Chúa. Gia đình anh em họ hàng nhà chồng rất quý mến bà.

Trong Thánh lễ cưới, chúng ta được nghe lời nhắn nhủ từ bài trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêsô: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Êph. 5,25). Vậy hôn nhân là mối liên kết tình yêu giữa người nam và người nữ trong sự tự nguyện đến với nhau, được Thiên Chúa chúc phúc, là mối gắn bó mật thiết như tình yêu Chúa Giêsu dành cho Hội Thánh. Ca dao Việt Nam từ bao đời nay cũng khuyên bảo các thế hệ: “Vợ chồng là nghĩa cả đời. Ai ơi chớ nghĩ những lời thiệt hơn”.

Lạy Chúa, chúng con là những thụ tạo yếu đuối, ngại khó khăn vất vả, thích sự dễ dàng lại hay chiều theo ý muốn bản thân, thiếu niềm cậy trông vào Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết tuân giữ luật của Chúa, biết trân trọng và gìn giữ hôn ước đã cam kết.                                                                                          

Anna Anh

Không được phân ly (13.08.2021)

Tin Mừng hôm nay có mấy người Pharisêu đến gần đức Giêsu để thử người: “… Có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?”. Chúa Giêsu đã khẳng định lại luật hôn nhân gia đình theo thánh ý của Thiên Chúa: “Các ông không đọc thấy điều này sao: Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ”, và Người đã phán: “Vì thế người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt”.

Chúa Giêsu đã dùng Kinh Thánh và đôi vợ chồng ban đầu, để  diễn tả ý định của Thiên Chúa mà trả lời họ: đôi vợ chồng ban đầu: Adong – Evà mà Chúa đã gắn bó đó đã nên mật thiết, “một xương một thịt”. Điều mà Kinh Thánh đã mô tả: “Thiên Chúa  lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi.” (St 2,22-23). Hình ảnh ấy cho ta thấy rằng: họ đã nên vợ chồng, con người không thể chia tách được và cũng không được phép chia cắt.

Giáo Hội xưa nay đã ca tụng hết lời công trình kết hợp thật vững bền, mầu nhiệm này của Thiên Chúa. Vững bền đến nỗi “dù tội nguyên tổ, dù án phạt đại hồng thủy cũng đã không phá hủy  được.” (Lời nguyện trong thánh lễ hôn phối). Thật vậy! đôi vợ chồng ông bà nguyên tổ dù bị án phạt “đau đớn khổ sở khi sinh con, phải cực nhọc trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn, và còn phải chết nữa…” (St 4,16-17). Thế mà vợ chồng ấy vẫn mạnh mẽ, bền chặt bên nhau, lưu truyền giống nòi lan tràn khắp mặt đất.

Công trình tạo dựng có “nam có nữ” ấy của Thiên Chúa, đến muôn đời vẫn thật là huyền diệu. Những nam nữ ấy, cứ lớn lên là chúng hấp dẫn nhau, tìm đến nhau, khao khát nhau, cho đến khi tìm được người mình ưng ý nhất, yêu nhất để trao cho nhau thân xác tâm hồn và mọi ước vọng.

Có lần trên báo phụ nữ họ đã bàn về tình yêu, tình dục và đưa ra câu hỏi: Tại sao người nam, người nữ cứ khi trưởng thành là họ hấp dẫn nhau, khao khát nhau? Người ta đã đã đưa ra nhiều câu trả lời. Thế rồi cũng chẳng có được một lý do khoa học nào xác đáng. Cuối cùng tác giả chỉ biết dựa vào Kinh Thánh mà chấp nhận: vì họ được dựng nên “bởi xương là xương của nhau, là thịt bởi thịt của nhau.” (St 2,22-23).

Đôi nam nữ khi nên vợ, nên chồng, Thiên Chúa đã ban cho họ được hưởng một niềm vui hoan lạc đặc biệt nhất trên đời, đồng thời cũng trao cho họ một bổn phận đặc biệt nhất là: Sinh sản nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Làm một nhiệm vụ huyền diệu đặc biệt: truyền sinh và giáo dục con cái, thay cho Thiên Chúa. Điều đó có thể nói: người không sống trong bậc vợ chồng thì không được quyền hưởng niêm vui hoan lạc ấy và cũng không có thể làm tốt nhất bổn phận sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục ấy. Bởi vi khi sinh ra những đứa con, là hạt giống, là tương lai của cả nhân loại. Đứa con ấy “bởi xương là xương của cả vợ cả chồng, bởi máu thịt là máu thịt của cả chồng cả vợ”. Ai xúc phạm đến đứa con ấy là động đến cả chồng, cả vợ, cả gia đình ba thành phần ấy họ đã nên “một”. Cho nên mầm sống tương lai ấy, sẽ được yêu thương và chăm lo tốt đẹp nhất.

Luật Chúa đến hôm nay vẫn còn nguyên gía trị, không phải chỉ cho người Công giáo nhưng cho mọi người. Còn Môsê đã “cấp giấy ly dị mà rẫy vợ”, đây như là một luật dân sự hôm nay. Còn Chúa Giêsu thì dạy ta: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môse đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu”. Đó là luật vàng và là đặc tính của hôn nhân Công giáo xưa nay: đơn hôn và vĩnh hôn (một vợ một chồng sống với nhau trọn đời). Luật này còn bên trên cả luật độc thân giáo sĩ mà Giáo Hội lập ra. Vì có lý do Giáo Hội đã tiếp nhận cả những linh mục đã có vợ con của Tin Lành vào thi hành chức vụ linh mục.

Một đôi vợ chồng bỏ nhau, họ ra tòa ly dị rồi chia nhau mọi thứ tài sản, tiền bạc. Còn một đứa con nhỏ nó không chịu đi với mẹ như tòa xử, mà muốn ở một nhà có cả cha lẫn mẹ. Sau này cha mẹ mỗi người một nơi, không được như ý muốn, em hận cho số kiếp mà bỏ đi bụi đời rồi nghiện hút, trộm cắp…

Lạy Chúa! Xin cho con và mọi người luôn yêu mến luật Chúa mà thực thi đêm ngày. Vì xa rời luật Chúa, cách riêng trong đời sống hôn nhân gia đình sẽ làm đau khổ cho con và cả xã hội nữa. Amen.

Giuse Ngọc Năng

Sống chung thủy trong tình yêu (14.08.2020)

Ngày 14.08: Lễ Nhớ Thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê, linh mục, tử đạo

Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?”                                     

Đây là một câu hỏi rất thâm độc của những người Pharisêu. Họ dùng phương pháp: “Nhất tiễn diệt song điêu”, tức là gài bẫy Đức Giêsu. Cái bẫy mà hôm nay họ đưa ra cho Ngài rất giống chuyện người đàn bà phạm tội ngoại tình mà họ nhờ Đức Giêsu phân xử, hòng tìm cách bắt Ngài.

Tại sao vậy? Thưa! Khi hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?”. Câu hỏi này được cất lên lại nằm trong vùng địa lý, đặc trị của Hêrôđê Antipas. Ông vua này mới ly dị vợ để lấy Hêrôđia, vợ của anh mình là Philipphê I. Ông ta đã bị Gioan Tẩy Giả phản đối và cuối cùng Gioan đã bị giết chết dưới sự độc ác của vua. Ý tưởng thâm độc của họ là: nếu Đức Giêsu đồng ý cho ly dị, thì trái ngược với Gioan và dân chúng sẽ phản đối vì họ rất tôn kính Gioan. Còn Nếu Đức Giêsu phản đối luật ly dị, thì sẽ bị chặt đầu như Gioan, và đồng thời nghịch lại với luật Môsê.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không vướng vào cái bẫy của họ. Nhưng qua đây, nhân cơ hội này, Ngài đã giải thích cho họ hiểu vì sao luật Môsê cho phép ly dị. Câu trả lời của Ngài đã dựa vào Kinh Thánh: “Thuở ban đầu, Ðấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt’. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Còn việc tại sao ông Môsê cho phép ly dị là vì: ‘các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ’”. Cũng nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã tái xác định luật hôn nhân: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tính bất khả phân ly của Bí tích Hôn Nhân trong Giáo Hội. Luật này do chính Chúa đặt ra chứ không phải do con người. Hơn nữa, hình ảnh người nam, người nữ kết hợp và thủy chung với nhau diễn tả hình ảnh Đức Kitô yêu thương Giáo Hội và không bao giờ xa lìa Giáo Hội.

Vì thế, nguyện ước sống chung, không phải do loài người đặt ra, nhưng chính Thiên Chúa se kết người nam và người nữ, để yêu thương, giúp đỡ nhau, sống trung thành với nhau đến trọn đời. Chỉ có cái chết của một bên mới cho phép bên kia được tái hôn mà thôi. Vì vậy, Đức Giêsu nói rõ ràng rằng: “Trong lúc mối dây hôn nhân vẫn còn hiệu lực, rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”. 

Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho đời sống hôn nhân ngày nay được ấm êm và hạnh phúc. Xin cho chúng con hiểu rằng: vì yêu thương mà Chúa đã chết vì chúng con, đến lượt chúng con cũng phải yêu thương nhau như Chúa yêu thương Giáo Hội. Amen.

Cả hai sẽ trở thành một xương một thịt (16.08.2019)

1. Ghi nhớ:

Vì thế, người ta sẽ  lìa cha mẹ và gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở thành một xương một thịt” (Mt 19, 5).

2. Suy niệm:

Có vợ chồng nhà nọ hay bất đồng và thường xảy ra tranh cãi.

Một hôm anh chồng nói với chị vợ rằng:

– Tôi yêu cầu cô hãy thu dọn tất cả những gì là của cô và rời khỏi căn nhà này ngay lập tức! Tình nghĩa đôi ta đến đây chém dứt. Chị vợ nhã nhặn đáp.

– Vâng, em sẽ làm theo lời anh.

Sau khi thu xếp mọi vật dùng cá nhân xong. Cô cầm một cái bao bố tời đến trước mặt anh, thanh miệng bao ra và nói.

– Em đề nghị anh hãy bước vào trong cái bao này.

Anh chồng trợn mắt lên, hét toáng.

– Cô có điên không? Tại sao tôi lại phải chui vào trong một cái bao như thế này?

Cô vợ nhẩn nha giải bày:

– Anh có nhớ trong ngày lễ hôn phối chúng ta đã nói những gì với nhau không? Và theo như lời thề hứa hôm đó,  chẳng phải trọn cuộc đời của em đã thuộc về anh, còn anh thì đã là của em mãi mãi đúng không? Vậy thì tại sao em  lại không có quyền lấy mang đi  cái  gì là của em!?

Xã hội hôm nay hôn nhân đổ vỡ rất nhiều. Số ly dị chiếm  20%. Như vậy con người đang đi ngược lại sự an bài của Thiên Chúa. Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ  đó là: Con người ngày nay sống ích kỷ, theo chủ nghĩa cá nhân. Không biết hy sinh cho nhau; Không biết tôn trọng nhau; Không biết tha thứ và chịu đựng nhau và cuối cùng không biết phục vụ để mang lại niềm vui cho nhau.

Hội Thánh thật là thâm thúy khi dùng thư của thánh Phao-lo gửi tín hữu Cô-lô-sê đoạn 3 câu 12 đến 17 mà khuyên bảo đôi hôn phối nhân ngày họ bước đến thánh đường để cử hành Bí Tích hôn nhân trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh: “…Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em cũng phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái; đó là mối dây liên kết tuyệt hảo…”  Nếu tất cả các đôi vợ chồng sống theo  những lời hướng dẫn, chỉ dạy đó thì chắc chắn gia đình họ sẽ trở thành những tổ âm mang đầy hạnh phúc.

Một vấn nạn khác làm nhức nhối cho xã hội một khi gia đình tan vỡ. Người ta nhận thấy rằng phần nhiều tội phạm  xuất thân từ những gia đình chia ly, đổ vỡ. Những đứa con vô tội đã trở thành nạn nhân của cha mẹ chúng qua những vụ ly dị . Chúng bị tước đi, một phần, có khi là tất cả quyền được yêu thương, được nuôi dưỡng, vỗ về chăm sóc và một quyền quan trọng nhất đó là được dạy dỗ , bảo ban để nên người  hữu ích trong một môi trường gia đình lành mạnh có đủ cả cha và mẹ.

Ngay từ khởi thủy, Thiên Chúa đã thiết lập và nâng hôn nhân lên hàng Bí Tích. Thiên Chúa an bài và chúc phúc cho đời sống vợ chồng. Nhưng con người chiều theo ý mình nên đã đi ngược lại thánh ý của Ngài. Vì vậy,  họ đã đánh mất đi ân sủng và hạnh phúc mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những ai sống theo thánh ý của Ngài!

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa. Xin cho những người đã chọn bậc sống gia đình biết hy sinh, biết chịu đựng và tha thứ cho nhau, biết cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc. Để sãn sàng đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban mà nuôi dưỡng và giáo dục chúng nên người  có đức có tài hầu làm cho xã hội cũng như Giáo Hội mỗi ngày thêm tốt đẹp và phong phú hơn. Amen..

4. Sống Lời Chúa:

Sống yêu thương và phục vụ.

Đaminh Trần văn Chính

Trung thành trong đời sống hôn nhân (17.08.2018)

 

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc những người thuộc nhóm biệt phái đến hỏi Chúa Giêsu xem họ có được phép ly dị không? Thay vì cho một đáp án Có hay Không, Chúa Giêsu nhắc cho họ một điều căn bản là từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã sáng tạo mọi điều tốt lành, Người sáng tạo con người có nam có nữ, họ được chúc phúc để “nên một” với nhau, và mối giao kết ấy là“bất khả phân ly”. Chính Thiên Chúa đã phán: “Đàn ông ở một mình không tốt!” nên Người đã thiết lập Bí Tích Hôn Phối để cho người nam và người nữ không còn cô đơn, lẻ loi, nhưng chung sống với nhau mãi mãi đến trọn đời

Yêu nhau suốt cả cuộc đời

Quá khứ, hiện tại, với thời tương lai

Yêu nhau chung thủy mãi hoài

Giữ trọn lời hứa không sai chẳng nhòa

*

Yêu nhau tình nghĩa thiết tha

Vui buồn, sướng khổ vẫn là yêu thương

Cùng nhau đi trọn nẻo đường

“Sợi dây hôn phối” vấn vương suốt đời

Đời Sống Hôn Nhân tự nó tốt đẹp, vì chính Thiên Chúa đã tạo lập Gia Đình đầu tiên của nhân lọai, Hôn Phối là sợi dây liên kết thân thiết để: “Hai người trở nên một”, bởi vì người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình. Đây là sự thân thiết tuyệt vời nhất, thân thương nhất, không tình cảm nào có thể so sánh bằng. Sự nối kết thân thương đó. Đây cũng là điều Thiên Chúa mong muốn từ lúc tạo thành con người, Ngài mong muốn nhân lọai sống đời Hôn Phối tốt đẹp đến trọn đời, một mối liên kết mãi mãi, bất khả phân ly. Hai người cùng nên một trong: vui, buồn, sướng, khổ; trong thành công cũng như thất bại của cuộc sống.

Trung thành thực dạ người ơi

Giúp nhau thăng tiến, cuộc đời nở hoa

Bên nhau chung một mái nhà

Ấm no, đói khổ: chan hòa tình thân

*

Kết liên thể xác tinh thần

Gắn bó mật thiết, ân cần quan tâm

Thứ tha những lúc lỗi lầm

Để cho cuộc sống tim tâm sáng ngời

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tính bất khả phân ly của Bí tích Hôn Nhân trong Giáo Hội. Hình ảnh người nam, người nữ kết hợp và thủy chung với nhau diễn tả hình ảnh Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và không bao giờ xa lìa Hội Thánh. Vì thế, nguyện ước sống chung, không phải do loài người đặt ra, nhưng chính Thiên Chúa xe kết người nam và người nữ, để yêu thương, giúp đỡ nhau, sống trung thành với nhau đến trọn đời.

Bên nhau suốt cả cuộc đời

Ghi Lời Chúa dạy, nhớ Lời Chúa khuyên

“Sự gì Thiên Chúa kết liên

Vẫn luôn tồn tại triền miên mãi hoài

 Lạy Chúa! Chúa đã muốn cho người nam và người nữ sống thành gia đình để cộng tác với Ngài trong công trình sáng tạo và cứu độ. Xin Chúa cho các gia đình Kitô giáo tích cực sống tinh thần Tin Mừng của Chúa, để gia đình trở thành dấu chỉ của tình yêu thương và sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Amen

HOÀI THANH

Rẫy vợ, sự bạo hành trong hôn nhân (18.08.2017)

Chuyện thằng bạn

Lão có thằng bạn thân, lớn lên nó lấy vợ. Hai vợ chồng nó sống hạnh phúc. Đến một ngày, vợ nó sinh cho nó một đứa con gái. Từ đó, vợ chồng mỗi đứa đến bữa ăn đều khác giờ giấc. Vợ nó ăn trong buồng với đứa con thơ, còn nó ăn ngoài bàn nhà ngoài.

Cứ thế, nó thành thói quen từ bao giờ. Khi con nó lớn lên, nó vẫn vậy. Vợ con nó ăn riêng nhà dưới, còn nó ăn nhà trên. Nó sinh ra cái tật cả quyền, gia trưởng, mỗi bữa thêm sị rượu. Lâu dần thành nát rượu, nó ăn uống xong, cái nó không vừa là nó chửi vợ, đánh vợ. Nhiều khi nó đánh vợ chạy quanh nhà, rồi chạy trốn cả sang hoàng xóm.

Cuộc đời hôn nhân của nó kéo dài ngày tháng, nó có thêm hai đứa con gái nữa. Nó chán chường, bó cứ say cả ngày. Ngày nào cũng như ngày nào, nó uống say rồi nó chửi vợ, đánh con. Có khi nó nó bắt vợ nó quỳ trước mặt nó.

Thế rồi, nó sinh cái tật lăng nhăng, bồ bịch con này đứa kia. Nó đi cả ngày, rồi quen dần, nó đi mấy ngày, mấy tuần cũng chưa về nhà.

Cái gia đình của nó đã tan vỡ.

Suy niệm:

Đòi hỏi nhục dục, dâm ô, xác thịt, đó là nhu cầu của sự thấp hèn.

Gia đình là cái nôi của xã hội loài người, là cái nôi của sự sống, là cái nôi mọi nhân đức, cái nôi của yêu thương, cái nôi của sự giáo dục, cái nôi của sự hợp tác giữa con người và Thiên Chúa trong việc tạo dựng con người, cái nôi để nhận biết Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên ta. Ngay từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam và nữ, để họ thuộc về nhau. Trở thành một gia đình thánh thiện.

Hôn nhân là sự phối hợp con người nam và nữ của Thiên Chúa ngay từ khi Chúa dựng nên con người. Sự phối hợp đó là một ràng buộc kết hợp thánh thiện để giúp cho con người có nơi sinh tồn, phát triển và hạnh phúc. Sự ràng buộc hôn nhân xuất phát từ tình yêu đôi lứa khởi nguyên từ Tình Yêu Thiên Chúa, do sự tự do lựa chọn giữa hai ngừoi nam và nữ sống chung thuỷ trọn đời, dù gian nan khốn khó hay khi giàu sang, dù ốm đau hay mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời.

Như vậy, không có bất kỳ lý do nào để rẫy vợ.

Nhưng con người với tự do cá nhân đã làm biến thái những ràng buộc hôn nhân để thoả mãn cái dục vọng, ích kỷ, tàn bạo của mình, mà sau một thời gian chung sống đã thay đổi, tìm cách phá vỡ những ràng buộc do chính mình chọn lựa.

Thời ông Môisê đã cho phụ nữ được ly dị chính là để cứu vãn tình thế của xã hội trọng nam khinh nữ. Một xã hội lòng dạ chai đá muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của chính họ. “8 Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môisê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu.”

Ngày nay, sự phản bội hôn nhân còn kinh sợ hơn xưa, vì càng tiến bộ thì càng bạo hành một cách khoa học hơn xưa. Không còn là nam rẫy vợ nữa mà cả nữ cũng rẫy chồng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rẫy vợ (chồng): chưa hiểu nhau sâu sắc, cô hay anh đã thay đổi quá nhiều, chúng ta đã không còn yêu nhau, duyên nợ của chúng ta đến đây là hết…

Thế rồi họ hành hạ nhau bằng nhiều cách, cốt để ly dị cho thoả mãn cái riêng. Họ âm thầm ngoại tình, họ lén lút bồ nhí lăng nhăng, họ lạnh nhạt với nhau, họ cấm đoán đến với nhau, họ nhìn nhau hận thù… từ đó, cái nôi của gia đình chỉ còn cái vỏ bề ngoài hạnh phúc bên trong thì ngập tràn tội lỗi. Bắt đầu họ biện luận cho riêng mình: Thiên Chúa Cha nhân từ, mọi tội lỗi đều tha, tha tất cả mọi tội ngoại tình, lăng nhăng… Nhưng họ không có lý dị thì không phạm luật hôn nhân.

Người ta đưa đến trước mặt Chúa Giêsu người phụ nữ ngoại tình để kết án, nhưng Chúa không kết án chị với một điều kiện: Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Nhiều người ngày nay đã suy nghĩ: cứ ngoại tình, cứ lăng nhăng Chúa sẽ tha, đừng rẫy vợ (chồng) hay ly dị là được. Suy nghĩ như thế chẳng khác nào rẫy vợ (chồng) vậy. Vì từ nay vẫn cứ phạm.

Trở lại với cội nguồn của Gia đình là “Nguồn ân sủng và Tình yêu”. Ở nguồn gốc chỉ có ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa, ân sủng kết hợp hai người nên một; tình yêu để hai người luôn thuộc về nhau một cách trọn vẹn.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin cho đời sống hôn nhân của con luôn thuộc về nhau, dù có gian nan khốn khó, dù được giàu sang phú quý, dù phải bệnh tật hay khoẻ mạnh, chúng con luôn thuộc về nhau một cách trọn vẹn trong Tình Yêu Thiên Chúa. Amen./.

Gã Đầu Bạc

Tín trung (12.08.2016)

Có lời bài hát “Chúa vẫn trung thành mãi, dù thời gian bao năm đổi thay, dù tình ta nghi nan hững hờ, thì muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” nhắc nhở chúng ta điều vẫn diễn ra trong lịch sử cứu độ đầy yêu thương của Chúa: con người dù có luôn bất tín và phản bội, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn tín trung thực hiện giao ước của Ngài đã ký kết để cứu độ dân Ngài. Sự trung tín của đôi vợ chồng trong giao ước hôn nhân được đặt nền tảng trên lòng trung tín của Thiên Chúa như mẫu mực. Đến lượt chúng ta, qua việc vợ chồng sống chung thuỷ yêu thương nhau, chúng ta trở thành chứng nhân loan báo sự trung thành của Thiên Chúa Tình Yêu.

Ngày nay trên thế giới, số các cặp vợ chồng ly dị liên tục tăng cao, đặc biệt nơi các đôi vợ chồng trẻ. Vợ chồng ly dị, gia đình tan nát, gây ra không những cho nhau mà còn cho con cái những vết thương tâm lý khó lành trong suốt cuộc đời. Người ta đưa ra những lý lẽ giải thích hoặc tìm kiếm những giải pháp chữa trị tình trạng này trên bình diện tâm lý hoặc xã hội. Thế nhưng tất cả những điều đó chỉ là tương đối nếu không dựa trên nền tảng vững bền của hôn nhân là tình yêu trung tín của Thiên Chúa.

Là những gia đình Công Giáo, chúng ta cố gắng sống theo Lời Chúa dạy, cố gắng duy trì hôn nhân bằng sự “ Tín trung” của mỗi người, mặc dù lắm khi vợ chồng bất hòa, nhưng chuyện đó chỉ là nhất thời thôi, rồi mỗi bên nhịn nhau một tí…sẽ lại an vui hạnh phúc nơi mái ấm tình yêu gia đình. Giả như một trong hai người vì yếu đuối mà lỡ thất tín “ Ngoại tình”  bạn đời phát hiện, dù rất khó để tha thứ…, nhưng nếu bạn đời thật lòng sám hối ăn năn và chân thành xin lỗi, thì hãy vì lòng nhân lành Chúa mà xí xóa bỏ qua…trong lời cảnh báo thật nhẹ nhàng nhưng rất nghiêm ngặt “ Không được tái phạm nữa !!”, như thế thì mới giữ được hôn nhân đến trọn đời, chứ nếu quá tự ái cá nhân mà loại trừ bạn đời luôn, e rằng mười mươi chia tay cả mười thì còn gì là Gia Đình Công Giáo nữa.

Lạy Chúa là Đấng luôn trung tín và đầy yêu thương, xin giúp chúng con sống trung tín và quảng đại để cùng nhau phụng sự Chúa. Xin ban cho các gia đình Công giáo nên ngọn đèn sáng về sự thủy chung hôn nhân mẫu mực, hầu có thể làm chứng nhân cho tình yêu TÍN TRUNG của Chúa, giữa cuộc đời còn quá nhiều hôn nhân bất tín ngày nay.

BCT

KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY (14/08/2015) 

“ Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” ( Mt 19,6 )

Bước vào đời sống hôn nhân, ai cũng muốn được sống trăm năm chung thủy với người bạn đời của mình. Thế nhưng, tình trạng ly dị hiện nay xảy ra như cơm bữa, thậm chí được khích lệ một cách nào đó bởi một số quốc gia cho phép ly dị. Tại sao xảy ra thảm cảnh này trong đời hôn nhân? Chúa Giêsu đã giải thích rõ lý do như sau: “vì họ lòng chai dạ đá” (Mt 19,8), chứ ban đầu không có thế đâu. Nói cách khác, vì người ta “lòng chai dạ đá” trước thánh ý của Thiên Chúa, nên người ta xem thường sự chung thủy trong hôn nhân. Chúa Giê-su nói, từ ban đầu, Thiên Chúa nối kết hai người nam nữ và hôn ước của họ có giá trị bất khả phân ly. Khi Chúa Giê-su đến, Ngài đã nâng hôn nhân lên thành bí tích, vừa tác thánh đôi vợ chồng, vừa để đôi vợ chồng dùng tình yêu chung thủy của họ diễn tả sự chung thủy của Chúa Giê-su với Hội Thánh.

Chúa Giê-su yêu Hội Thánh đến cùng, vì thế, đời sống hôn nhân đòi buộc hai người vợ chồng bước vào cuộc sống gắn bó với nhau cho đến chết. “Lòng chai dạ đá” đã làm nhiều người cố tình quên điều cốt lõi này của hôn nhân, nên “vội đến, vội đi”, khi hợp khi tan. Vả lại, hôn nhân là một sự chọn lựa, chọn lựa người mình yêu, chứ hôn nhân đâu phải vì thích hay không thích. Chúng ta có thể chọn yêu một người dẫu không thích. Chúa Giêsu chọn chúng ta và làm cho chúng ta đáng yêu đấy thôi!

 Hội Thánh dạy, “do hôn ước, người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sống chung suốt đời ”.

Lạy Chúa ! Xin giúp chúng con là những người đang sống trong bậc vợ chồng, luôn biết vâng nghe Lời Chúa để giữ tròn giao ước hôn nhân, trọn đời chung thủy yêu thương nhau như chính Chúa đã yêu thương Hội Thánh hết mình, để từ đó hôn nhân của chúng con được sinh hoa kết quả tốt đẹp, tạo nên một mái ấm gia đình hạnh phúc Chúa ban.

BCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *