TTTĐ Sáu Bậc Sống – Bậc sống khô khan tội lỗi (P.10)

 
 
 Thư Tập Tiến Đức Sáu Bậc Sống 

I. Bậc sống khô khan tội lỗi

3. Xả kỷ, từ bỏ ý riêng, giết chết dần tự ái

–  Xả kỷ

Trong đời sống tự nhiên, chẳng ai ưa thích gì những người sống quá ích kỷ, dù là ích kỷ vật chất hay tinh thần. Trái lại ai cũng mộ mến, yêu thương người sống quảng đại, rộng rãi với tha nhân và sẵn sàng hy sinh vì người khác. Nếu người ích kỷ hồi tâm nhìn lại cuộc sống mình, tự hỏi “Tôi có thật sự hạnh phúc không?” Câu trả lời sẽ khơi lên nỗi đau buồn khó tả cho người sống ích kỷ. Họ không có hạnh phúc bởi chẳng mấy ai thích gần, thích chia sẻ cuộc sống của họ. Cả Thiên Chúa cũng trở nên xa lạ với họ, vì họ chỉ tôn thờ Chúa trên môi miệng. Còn Tham Lam, Ích Kỷ và chính mình đã thành Chúa họ thờ rồi. Hai cuộc đời, hai lối sống, giữa người sống ích kỷ và người sống xả kỷ khác nhau như đêm tối và ban ngày.

Trong đời sống đức tin, những người sống xả kỷ là những người anh dũng trên mặt trận thiêng liêng. Họ dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa bằng cuộc sống bỏ mình vì tha nhân. Những người anh hùng ấy, họ không những gặt hái được hạnh phúc dồi dào ngay ở đời này, mà còn hân hoan đón đợi phần phúc vinh cao trọng mai sau.

Để linh hồn rút chân ra khỏi bậc sống Khô Khan Tội Lỗi, trước tiên linh hồn phải xin ơn khôn ngoan thần khí. Bởi thiếu ơn này linh hồn không có ánh sáng đức tin cho đủ biết chọn lựa đâu là mục đích tối hậu của cuộc sống nơi dương thế. Và cũng không thấy vui thích, hạnh phúc trong đời sống cao thượng, không nếm hưởng được những hạnh phúc có từ việc sẵn sàng chia sẻ với tha nhân. Không nên chỉ cầu xin Chúa trên môi miệng, nhưng hãy lấy lòng thật chân thành mà khẩn nài ơn Chúa. Đồng thời thể hiện tấm lòng đó bằng việc tập sống quảng đại với anh em.

Bởi linh hồn đã sống xa lạ với Ngài, giờ Chúa cần thấy linh hồn kiên nhẫn trong cuộc trở về. Chứng tỏ lòng chân thành tìm hạnh phúc nơi Chúa và phụng sự Ngài. Ban đầu có hơi khó thực hiện, bởi vì nếp sống cũ đã ăn sâu, linh hồn phải chiến đấu với chính mình mới sống quảng đại được. Việc sống quảng đại, rộng lòng thương mến tha nhân sẽ trở nên dễ dàng hơn khi linh hồn thường xuyên nghĩ đến sự sống đời đời, đến phần thưởng lớn lao vĩnh cửu Thiên Chúa dành sẵn cho mình. Như lời thánh Phao-lô “Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi trỗi dậy với Chúa Giê-su, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em…

Cho nên  chúng tôi không chán nãn. Trái lại, dù bên ngoài chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn. (2Cr 4,14-18).

Không dừng lại ở sự việc chỉ nghĩ đến sự sống đời đời hay phần thưởng. Linh hồn cũng nên thường xuyên suy gẫm đến sự phù phiếm của nhân gian, đến sự mỏng manh của kiếp người. Có thu gom đến mấy của cải vật chất, có nhiều bao nhiêu rồi đến lúc thoáng chốc tất cả tan như mây khói. Hoặc chính mình hồn phách hóa thành khói mây, cái chết đến, những gì linh hồn xưa nay cho là thực hữu, một đời đeo đuổi bổng dưng nên hư ảo. Còn những điều siêu nhiệm cố cho là không thật, lại phải đối mặt cách phũ phàng. Cái thân xác từng dành hết khả năng để cung phụng, lại đành để nó làm phân nuôi cây cỏ. Còn linh hồn mãi lơ là việc chăm sóc nó, giờ phải trả lẽ công bằng cho Thượng Đế. Sống hẹp hòi ích kỷ với tha nhân, kết quả lại là ích kỷ với chính bản thân mình.

Suy xét sâu xa, tính ích kỷ hẹp hòi cũng là con đẻ của tham lam và kiêu ngạo. Nó tôn vinh cái “tôi” mình, xem là quan trọng nhất, là trung tâm các vấn đề quyền uy, danh dự, thụ hưởng, hạnh phúc, v.v… Xem mình như chúa tể đòi hỏi tất cả phải cung phụng mình từ vật chất đến tinh thần, ích kỷ giữ lại cho mình không chia sớt cho ai. Vì ích kỷ họ gây nhiều khổ sở cho người chung quanh, ích kỷ hẹp hòi sinh ra bần tiện đến đê tiện. Thật đáng sợ thay người luôn mang nặng lòng ích kỷ hẹp hòi. Vì thế, người cả đời sống ích kỷ họ phải trả lẽ công bằng trước nhan Chúa không nhẹ đâu.

Tích cực hơn nữa. linh hồn hãy tìm hiểu đời sống các thánh nhân, chiêm ngắm tấm lòng cao cả của các ngài mà noi theo. Sau khi học tập sống quảng đại vì tha nhân một thời gian, linh hồn cũng sẽ thưởng nếm những hạnh phúc ngọt ngào, đầy thú vị của đời sống biết cho đi “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Hãy nhìn ngắm gương sáng chói ngời trong thời đại chúng ta, Mẹ Tê-rê-sa Cal-cut-ta đã làm cho cả thế giới phải ngưỡng mộ, tôn vinh. Hai mươi giải thưởng quốc tế, đơn cử giải “Padna Shri” (Hoa Huệ Tuyệt Vời) do chính phủ Ấn Độ trao tặng.

Cùng năm đó (1963) chính phủ Philippine tặng Mẹ giải thưởng Magsaysay (giải thưởng dành cho vùng Đông Nam Á về các công cuộc xã hội). Năm 1971, Mẹ lại được vinh dự lãnh giải thưởng “Hòa Bình Gioan XXIII” do chính tay Đức Phao-lô VI trao tặng tại Rôma. Gần đây nhất, tháng 10 năm 1979, Mẹ Tê-rê-sa lại được hân hạnh nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình 1979 là giải thưởng lớn nhất và tiếng tăm nhất thế giới (Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng). Mẹ, một người phụ nữ quả cảm, một tu sĩ dám ra đi với hai bàn tay trắng, dám bỏ lại sự bình yên, ổn định để đi phục vụ cứu giúp, an ủi những người cùng khổ. Đó là cuộc sống đầy Thần Khí, một cuộc sống sinh hoa trái dồi dào từ việc từ bỏ mọi sự, dám theo Người khi tất cả bấp bênh, mịt mờ.

Chúng ta hãy xem thánh Phao-lô tông đồ xếp tội ích kỷ với những tội nặng nề khác “Anh em hãy biết điều này: vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Quả thế người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa… Anh hãy lánh xa cả những người ấy.

Thuộc bọn đó là những kẻ lẻn vào nhà người ta chinh phục thứ đàn bà nhẹ dạ, đầy những tội lỗi và bị đủ thứ đam mê lôi cuốn, học mãi mà chẳng bao giờ nhận biết được chân lý” (2Tm 3,1-7). Mong sao những người đang sống ích kỷ biết đến những ý nghĩa này. Hãy kính sợ Thiên Chúa mà kinh tởm cuộc sống mình, từ bỏ nó để sống xả kỷ cho gặt hái được đời sau hiển phúc.

Tình Yêu Hoa Cỏ 
                                                                                                                                                                                                24/11/2008