TTTĐ Sáu Bậc Sống – Bậc sống khô khan tội lỗi (P.15)

 
 
  Thư Tập Tiến Đức Sáu Bậc Sống  
 

I. Bậc sống khô khan tội lỗi

4. Thà chết không phạm tội trọng

Những ai đã từng chơi hay biết rành về cái thú nhứ chim: đánh bẩy bắt chim bằng con chim mồi đã được luyện. Chắc hẳn đều biết những con chim khôn đều khó nhứ, khó bắt. Và những con chim đã từng sập bẩy một lần, thoát ra rồi sẽ chẳng bao giờ sập bẩy trở lại. Vì sao thế? Câu trả lời thật đơn giản: bởi vì con chim khôn luôn sợ người bắt nó.

Con chim sợ sập bẩy theo bản năng sinh tồn, nó không có lý trí để biết suy tính bị con người bắt sẽ mất tự do hay sẽ chết, hoặc  được ăn ở trong lồng ngà. Còn con người thật khác xa với con chim, được Chúa ban cho trí tuệ, trí thông minh vượt trội muôn loài, biết cân nhắc so đo tính toán mọi điều. Nhưng trong trường hợp này, lạ thay, kể cả những bậc trí thức anh tài. Có nhiều người biết phạm tội trọng là mất đi sự sống Thiên Chúa nơi mình, mất đi cuộc sống phúc vinh vĩnh hằng mà vẫn phạm. Họ vẫn biết dù có đi xưng tội thì việc đền trả lẽ công bằng nơi luyện hình cũng khổ sở nặng nề ghê gớm. Tại sao con người lúc bấy giờ không còn sáng suốt bằng con chim? Thật lạ thay, đa số con người lại không sợ Sa-tan cướp đi sự sống linh hồn mình, khi những khả năng của lý trí vẫn còn đấy?! Có hiểu ra mới thấy những linh hồn sa phạm tội trọng họ ở trong sự tăm tối đáng sợ là ngần nào.

Đã rơi vào tình trạng phạm tội trọng, dù ở trong tình trạng phạm do ác tâm, do khô khan chai đá, hay do yếu đuối trót lỡ lầm. Người phạm tội cũng không còn đủ sức tự mình thoát ra khỏi bẩy Sa-tan.  Vì quá trình phạm tội trọng của một người luôn cố gắng sống công chính luôn diễn ra trong họ một thời gian cám dỗ lâu dài. Họ không đủ sức chiến đấu để chiến thắng, thì chẳng thể đủ sức để chỗi dậy được nữa. Sau khi phạm tội trọng nếu như linh hồn chưa giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh, họ ở trong tình trạng thuộc về Sa-tan, bị xích xiềng trong những mối tội.

Nghị lực tinh thần thanh cao, trong sáng bị các khuynh hướng đam mê lấn áp nặng nề. Làm cho tính chất yếu đuối vốn có của con người trở thành nỗi bất lực khôn tả, linh hồn càng cố gắng lại càng thấy mình bất lực hơn, thấy mình bị đè bẹp trong tội. Linh hồn phạm tội trọng mất đi ơn thánh hóa là sự sống Thiên Chúa Ba Ngôi nơi mình, không còn được thông hiệp với giá máu cứu độ của Chúa Giê-su, không được hưởng nhờ ân sủng của Thánh Thần. Và trái với lời Chúa Giê-su mời gọi “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

Thầy là cây nho anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy anh em không làm gì được.” (Ga 15,4-5).

Viết đến đây bố chợt nghĩ chắc hẳn trong bậc sống này có nhiều anh chị em không hiểu biết bao nhiêu về giáo lý cơ bản. Có người vì thuở niên thiếu không quan tâm học hỏi, có người vì lơ là không còn nhớ như thế nào là phạm tội trọng, như thế nào là phạm tội nhẹ, và phải ăn năn tội làm sao cho “cách trọn”. Bố hơi đắn đo về điểm này, có nên viết ra không? Cứ phải trở lại những vấn đề căn bản đức tin, bố e viết ra sẽ quá dài. Chủ tâm bố viết thư tập này là giúp con, giúp anh chị em con tiến đức, không có ý giảng dạy về giáo lý khai tâm. Bởi vì đã có rất nhiều sách trình bày thật rõ ràng về giáo lý khai tâm, và thật đầy đủ, súc tích như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.

Vì thế rất mong những người thành tâm thiện chí muốn tìm hiểu trở lại giáo ý khai tâm, xin anh chị em hãy đọc sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Bất đầu từ Chương Ba “Thiên Chúa Cứu Độ: Lề Luật và Ân Sủng”, anh chị em sẽ có kiến thức chắc chắn về luân lý.

Giờ chúng ta tiếp tục tìm hiểu vấn đề trên. Sau khi linh hồn phạm tội trọng, họ ở trong tình trạng thất sủng với Thiên Chúa, mất ơn nghĩa với Ngài ngay từ đấy. Cắt đứt mối tương giao tình Cha con với Thiên Chúa. Nhưng nhờ công nghiệp dư tràn của Chúa Giê-su,  Đấng Trạng Sư luôn bào chữa cho các tội nhân, nên không vì thế mà các ân sủng Chúa ban cho linh hồn bị cắt đứt hoàn toàn. Bên cạnh, các ân sủng tự nhiên, ơn hiện sủng (ơn trợ giúp) Thiên Chúa vẫn thương xót để lại hay còn ban thêm cho linh hồn.

Nhất là Chúa còn để lại cho linh hồn một mối dây liên lạc cực kỳ quan trọng: cầu nguyện, “Trước hết chúng đã trở nên bệnh hoạn, vì chúng đã cưu mang tội trọng trong tâm hồn, rồi từ đó thể hiện trong hành động, chúng đánh mất sự sống của ân sủng. Ví như người chết không còn cảm giác và không thể tự mình cử động, trừ khi được người khác nâng lên hoặc khiêng đi; cũng vậy, các kẻ chết đuối trong con sông tình yêu vô độ của thế gian, chúng chết vì mất ân sủng. Và bởi vì chúng chết, nên trí nhớ của chúng không còn gợi lại được những kỷ niệm về lòng thương xót của Cha. Mắt của tâm trí chúng không còn nhìn xem, không nhận ra chân lý của Cha nữa; cảm giác cũng chết, và trí tuệ thì buông theo sự chết của tình yêu xác thịt. Ý chí của chúng cũng đã chết đối với ý muốn của Cha, vì lòng chúng chỉ mến yêu những sự vật chết. Khi ba tài năng này đã chết, tất cả mọi hành vi của chúng, bên ngoài cũng như bên trong, đều chết mất ân sủng. Cho nên chúng không thể tự bảo vệ chống lại các kẻ thù của chúng, cũng như không thể tự cứu lấy mình, trừ khi Cha tra tay cứu vớt. Tuy nhiên, những kẻ chết này còn nắm giữ ý chí tự do, cho nên bao lâu chúng còn sống trong thân xác, chúng có thể xin ơn trợ giúp của Cha, chúng có thể nhận được ơn trợ giúp này…” (ĐT CII đ 31).

Nhờ ơn trợ giúp thúc đẩy linh hồn dám kêu cầu Chúa thương cứu thoát mình khỏi tình trạng thất sủng. Cũng nhờ ơn trợ giúp giúp họ giục lòng ăn năn hối cải, nối lại mối giao tình với Ngài. Như thánh Phao-lô đã nói “Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra. Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính. Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, lại còn lớn lao hơn biết mấy…

Lề Luật đã xen vào, để cho sự sa ngã lan tràn; nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5.15-20).

Như vậy ân sủng luôn có cho linh hồn, phần còn lại là linh hồn có thành tâm ăn năn hối cải tội lỗi mình không. Và ngay cả trong việc ăn năn thống hối cũng có nhiều cấp độ khác nhau, tiêu cực hay tích cực, và rất tích cực.

Tình Yêu Hoa Cỏ 
                                                                                                                                                                                                24/11/2008