TTTĐ Sáu Bậc Sống – Bậc sống khô khan tội lỗi (P.5)

 
 

 Thư Tập Tiến Đức Sáu Bậc Sống  

I. Bậc sống khô khan tội lỗi

2. Sống tự chế, tiết độ

Chúng ta đang tìm hiểu việc tiến đức của người đang ở bậc sống Khô Khan Tội Lỗi. Dĩ nhiên khi nói như vậy, có nghĩa linh hồn đã có được ơn Chúa, thật lòng muốn quay về với Người. Nhưng họ chưa biết phải làm thế nào để ra khỏi cuộc sống từng vùi dập linh hồn họ trong đam mê thụ hưởng. Thế nên họ cần có những hiểu biết rõ ràng, sáng suốt, soi dẫn, tạo ra cơ hội giúp họ níu kéo tiếp ơn thánh, hỗ trợ sự cố gắng bản thân hầu có thể sống như lý trí vừa sáng ra, giúp họ hiểu được tình trạng bê bối của mình trước nhan Chúa.

Chúng ta xem những nguyên tắc họ cần như những nguyên tắc dẫn đường tâm linh, linh hồn cần thực hiện để thoát ra khỏi sự nô lệ của các khuynh hướng xấu đang trói buộc mình. Trước khi tìm biết các nguyên tắc dẫn đường tâm linh ấy, chúng ta cùng suy gẫm suy cuộc trở về của người phụ nữ tội lỗi Phúc Âm ghi lại.

Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!! “Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông! “Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” Đức Giê-su nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm.”

Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít. “Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.” (Lc 7,36-50).

Con ơi! Phải chăng người phụ nữ tội lỗi ấy tình cờ gặp Chúa Giê-su trong bữa tiệc tại nhà người Pha-ri-sêu, rồi nhận được ơn tha tội?

Chắc chắn là không.

Trình thuật Tin Mừng thánh Luca ghi rõ chị “vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa …” Chị lại đang ở trong một thành đang náo động vì “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Lời này về Chúa Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận” (Lc 7, 16-17).

Là người dân bản xứ đang ở trong thành, người phụ nữ này hẵn biết rõ quan điểm, lập trường của những người Pha-ri-sêu. Họ luôn nhiệm nhặt giữ lề luật và rất coi trọng việc giữ sự thanh sạch theo luật dạy. Và thực tế cho thấy “Thấy vậy ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu ông này quả thật là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” Đã đoán biết trước được thái độ của những người Pha-ri-sêu, nhưng sao chị vẫn đến? Chị không sợ họ khinh dễ, sỉ nhục, lên án và xua đuổi chị sao? Hay với chị lúc bấy giờ, tất cả những điều đó không thể sánh được với tiếng mời gọi chân lý? “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!” của Người đang thôi thúc trong lòng chị.

Phân tích điểm này chúng ta sẽ hình dung được phần nào tiến trình nội tâm của người phụ nữ sám hối, mà một số người cho mình là công chính xếp chị vào hạng mạt hạng. Có lẽ chị cũng như anh Trộm Lành thường xuyên có mặt trong đám đông đi theo Chúa, tận mắt thấy các việc Chúa Giê-su đã làm, được nghe lời Người giảng dạy. Trong vòng người xôn xao sôi động ấy, trái tim chị vỡ nát bởi nỗi đau ô nhục phận người, chìm trong tối tăm tuyệt vọng. Bây giờ được lời Người hàn gắn lại, thắp sáng lên những tia hy vọng dù còn rất mong manh. Những dụ ngôn rót vào lòng chị thứ mật ngọt ngào hơn mật ong nguyên chất, mật: tình Chúa nhân hậu giàu khoan dung tha thứ. Dần dần niềm hy vọng nơi trái tim chị lớn lên, vì nó ngỡ ngàng đón nhận “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31). Lòng tin có thể biến đổi phận người, ánh sáng lời Người đã cho chị niềm hy vọng lớn lao, chị sẽ được vào Nước Thiên Chúa. Tâm hồn chị như thửa đất hoang đầy gai góc và thật khô cằn, đang được lời Người âm thầm dọn đất và xới lên. Rồi Thần Khí gieo vào đó hạt giống tươi mới khát vọng sự sống vĩnh hằng. Đức tin vào Đấng Mêsia đánh thức linh hồn chị dậy sau những giấc mơ hoang mê mệt. Chị lặng lẽ trở về với chính mình: xác thân rã rời, nội tâm đau nhói, tủi buồn thương phận một kiếp hoa. Tiếng lòng không khỏi có lúc thốt lên như nàng Kiều:

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

Giật mình, mình lại thương mình xót xa”.

Tình Yêu Hoa Cỏ 
                                                                                                                                                                                                24/11/2008