HOME

THÁNG GI�NG

3-1 : Chân phước Tê-pha-na Quyn-gia-ni, trinh nữ

4-1 : Chân phước Giê-đi-la-va lam-bê-Ca, Giáo dân Ða Minh

7-1 : Thánh Rây-mun-đô Pê-nha-pho, Linh mục - Lễ nhớ

10-1 : Chân Phước Gôn-đi-xan-vô A-ma-ran-tê, Linh mục

10-1 : Chân phước An-na Môn-tê-gu-đô, Trinh nữ

11-1 : Chân phước Bê-na-đô Cam-mác-ca, Linh mục

13-1 : Thánh Ða-Minh Phạm Trọng Khảm. Quan án, tử đạo

13-1 : Thánh Giu-se Phạm Trọng Tả, Cựu chánh tổng, tử đạo

13-1 : Thánh Lu-ca Phạm Trọng Thìn, Chánh tổng, tử đạo

18-1 : Thánh Ma-ga-ri-ta Hung-ga-ry, Trinh nữ - Lễ nhớ

19-1 : Chân phước An-rê, Linh mục

22-1 : Chân phước An-tô-ni-ô, Linh mục

22-1 : Thánh Phan Sinh Gil Phê-đê-rích TẾ, Linh mục, tử đạo

22-1 : Thánh Mát-thêu A-lôn-xô Li-xi-ni-a-na Ðậu, Linh mục, tử đạo

23-1 : Chân phước Hen-ri Xu-xô, Linh mục

27-1 : Chân phước Mác-cô-li-nô Pho-li, Linh mục

28-1 : Thánh Tô-ma A-quy-nô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh - Lễ kính

29-1 : Chân phước Vin-la-na Bốt-ti, Giáo dân Ða Minh

30-1 : Thánh Tô-ma Khuông, Linh mục Dòng Ba Ða Minh, tử đạo

 

Ngày 3 tháng 1
Chân phước TÊ-PHA-NA QUYN-GIA-NI
Trinh nữ (1457-1530)

Tiểu sử
Chị Tê-pha-na chào đời tại làng Óc-xi-nu-ô-vi gần Bơ-rét-xi-a, nước Ý. Chị sớm được biết Chúa và yêu Người thiết tha đến độ dù mới 7 tuổi chị đã khấn ước được sống trinh khiết trọn đời. Ðể kết hợp bền chặt với Chúa Giê-su, chị đã quyết tâm không phạm tội trọng bao giờ và luôn vui tươi vác thập giá theo Chúa. Là con gái trong một gia đình nông dân, chị đã phụ giúp cha mẹ chăm lo công việc đồng áng.

Lớn lên, cha mẹ buộc chị lập gia đình, nhưng chị một mực từ chối. Hết lời ngon ngọt, cha mẹ đành phải dùng đến lời ngăm đe nhưng vẫn không lay chuyển được lòng chị. Ðể nói lên quyết tâm đó, chị đã tự tay cắt ngắn bộ tóc của mình.

Năm 15 tuổi, chị xin gia nhập Dòng Ba Ða Minh như đã hứa lúc lên bảy. Từ đó, chị Tê-pha-na tận dụng mọi phương thế để nên trọn lành : hy sinh, hãm mình, phạt xác, chay tịnh, mặc áo nhặm... Ðiểm nổi bật trong đời chị Tê-pha-na là việc chiêm ngắm Ðức Ki-tô chịu khổ nạn. Chị năng suy niệm về mầu nhiệm khổ giá của Chúa Giê-su, ao ước được nên giống Người, được chịu những đau khổ của Người. Chúa đã cho chị được những ơn đó qua hiện tượng lạ thường như ngất trí, xuất thần, được in năm dấu thánh, chịu những đớn đau tột cùng.

Chị lấy việc siêng năng rước Mình Thánh để đáp đền lòng yêu thương của Chúa Giê-su. Sau mỗi lần rước Chúa, chị cảm thấy khỏe khoắn lạ thường, đến nỗi có thể nhịn ăn được nhiều ngày. Lòng thương người nghèo khổ của chị cũng rất nồng nhiệt : chia cơm sẻ áo, có khi lấy cả áo mình đang mặc mà cho người nghèo.

Cảm mến vẻ dịu hiền, nhân đức thánh thiện nơi chị Tê-pha-na, nhiều thiếu nữ tìm đến xin thụ giáo về đường trọn lành. Chị đã xây một tu viện ở Xon-xi-nô, miền Cơ-rê-mô-na, lấy tên là tu viện thánh Phao-lô, chuyên huấn luyện các thiếu nữ. Chị làm bề trên trong nhiều năm, nêu nhiều gương sáng cho các chị em.

Chị Tê-pha-na qua đời ngày 2-1-1530, hưởng thọ 73 tuổi. Ðức giáo hoàng Biển Ðức XIV đã tôn phong chân phước cho chị vào ngày 14-12-1740.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã cho chân phước Tê-pha-na được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô chịu đau khổ. Nhờ lời người nguyện giúp cầu thay và nhờ gương sáng của người, xin cho chúng con cũng được nên đồng hình đồng dạng với Con Chúa. Chúng con cầu xin

Ngày 4 tháng 1
Chân phước GIÊ-ÐI-LA-VA LAM-BÊ-CA
Giáo dân Ða Minh (+1252)

Tiểu sử
Chị Giê-đi-la-va sinh tại Mô-ra-vi-a quãng năm 1220 trong một gia đình quý phái. Chị đã tận hiến cho Chúa ngay từ nhỏ. Năm lên 7 tuổi, theo gương các thánh tu rừng, chị trốn gia đình đi vào nơi thanh vắng mong dễ bề suy niệm, ăn chay hãm mình. Cha mẹ chị phái gia nhân đi tìm, họ gặp thấy người đang cầu nguyện ở trong một hang vắng. Trở về nhà, Giê-đi-la-va xin lỗi cha mẹ và từ đó ở nhà vâng lời cha mẹ.

Lên 18 tuổi, cha mẹ cho chị kết hôn với Ga-lô Ma-ca, lãnh chúa ở Gia-bơ-lô-na. Người chồng quyền thế và khá giả nhưng tính tình lại ác độc làm cho Giê-đi-la-va phải nhiều phen cay đắng. Dầu vậy, chị vẫn một lòng nhẫn nhục và đảm đang như hình ảnh người phụ nữ được Kinh Thánh ca tụng (Cn 31,10-31). Chị dùng sự dịu dàng và âm thầm chịu đựng mà cư xử với người chồng hà khắc ; chị còn cẩn thận giáo dục bốn người con theo đạo lý Ki-tô giáo.

Khi hay tin các tu sĩ Ða Minh đến thuyết giáo tại Ba-lan và Ðức, chị Giê-đi-la-va đã ao ước lập một tu viện Ða Minh tại Giáp-lô-na. Chị xin phép chồng dùng của riêng mình xây cất hai tu viện, rồi mời các tu sĩ Ða Minh tới. Vì ao ước cho công việc xây cất mau hoàn thành, nên đích thân chị ngày đêm chuẩn bị vật liệu để thợ xây tiến hành công việc nhanh chóng. Khi đã hoàn tất công trình, chị viết thư mời thánh Gia-xin-tô đến và dâng cúng tu viện. Thánh Gia-xin-tô đã cử bào huynh là thánh Xét Lao và mấy tu sĩ đến nhận thay.

Khi nguyện ước đã thành sự, Giê-đi-la-va tạ ơn Thiên Chúa và xin gia nhập Dòng Ba Ða Minh. Chị tận hiến bản thân để phục vụ người nghèo và trổi vượt về những đức tính tề gia nội trợ, chị không bao giờ từ chối điều gì thuộc về việc săn sóc gia nhân trong nhà. Hằng ngày, sau khi chu toàn việc gia đình, chị đến các bệnh viện thăm viếng các bệnh nhân, bưng cơm rót nước giúp đỡ họ ; lúc khác, chị lại tới trại giam thăm viếng an ủi các tù nhân ; khi lại may áo quần giúp đỡ người nghèo. Tuy quảng đại với tha nhân, nhưng chính chị lại sống cuộc đời khổ hạnh, hãm mình và chay tịnh. Chị rất thích suy gẫm về cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su.

Chị về với Chúa năm 1252 sau khi đã giã từ, ủi an chồng con và lãnh các bí tích lần sau hết. Chị được mai táng trong nguyện đường thánh Lau-ren-xô. Ðức giáo hoàng Pi-ô X tôn phong chị lên hàng chân phước năm 1908.

Lời nguyện : Lạy thánh Giê-đi-la-va, xưa ngài đã miệt mài suy gẫm mầu nhiệm khổ giá Chúa Giê-su là vị Tôn sư đức độ chí thánh. Ngài đã làm sáng tỏ mẫu gương của sự đức hạnh và can đảm, làm nổi bật đức tính khiêm nhu nhịn nhục hiền mẫu, và đã nêu cao tấm lòng quảng đại bác ái qua tinh thần phục vụ tha nhân. Nay ở nơi Thiên Quốc vĩnh phúc, xin người cầu bầu cùng Chúa cho chúng con biết nhận ra chân giá trị của mầu nhiệm thập giá là cứu cánh cho cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 7 tháng 1
THÁNH RÂY-MUN-ÐÔ P�-NHA-PHO
Linh mục - Lễ nhớ (1175-1275)

Tiểu sử
Cậu Rây-mun-đô sinh tại Ca-ta-lu-nha, gần Bác-xê-lô-na, nước Tây Ban Nha trong một gia đình quý phái thuộc dòng tộc Pê-nha-pho. Cậu có trí thông minh và sức khỏe khác thường. Thêm vào đó, cậu lại được hấp thụ một nền giáo huấn Ki-tô giáo chắc chắn ngay từ khi còn tấm bé.

Cậu Pê-nha-pho theo học phổ thông tại quê nhà. Sau đó, cậu đi Bô-lô-ni-a học giáo luật và dân luật. Năm 30 tuổi, đậu tiến sĩ và giảng dạy môn luật tại đại học Bô-lô-ni-a, nổi danh trong giới giáo sư thần học và giáo luật. Lúc này, Pê-nha-pho đã lãnh tác vụ linh mục. Mến phục tài đức của cha Rây-mun-đô, đức giám mục Be-ren-ga-ri-ô, giáo phận Bác-xê-lô-na mời cha về giúp giáo phận quê nhà. Ðức giám mục đặt cha làm kinh sĩ nhà thờ chánh tòa, cha đã nên gương sáng trong chức vụ đó cho cả hàng giáo sĩ lẫn giáo dân về nhân đức và sự hiểu biết, về nếp sống hiền hòa và lòng tôn kính Ðức Trinh nữ Ma-ri-a.

Cảm mến lý tưởng Dòng Ða Minh, năm 1222, cha đến tu viện thánh Ca-ta-ri-na xin gia nhập dòng. Trong dòng, cha sống một đời nhân đức, nổi nang về lòng bác ái, về tình thương đối với người nghèo, cha đã kiếm tiền để chuộc những người bị bắt làm nô lệ. Theo tương truyền, Ðức Mẹ đã hiện ra với thánh Phê-rô Nô-lát-cô, thánh Rây-mun-đô và vua Gia-cô-bê I dạy các vị lập một dòng chuyên lo việc chuộc những người bị bắt làm nô lệ. Ba vị đã lập một dòng lấy tên là "Dòng Ðức Mẹ cứu chuộc nô lệ", còn gọi là dòng Ðức Mẹ thương xót. Chính cha Rây-mun-đô đã soạn thảo hiến pháp Dòng, đã được đức Ghê-gô-ri-ô IX châu phê và đặt cha Phê-rô Nô-lát-cô làm bề trên tổng quyền tiên khởi.

Việc cha vào sống trong một nhà dòng và việc sống đức khiêm tốn sâu xa không làm cho danh tiếng của cha bị mai một. Ðức giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô IX đã mời cha về Rô-ma làm việc tại giáo triều và làm linh hướng cho người. Ðức giáo hoàng trao cho cha quyền thu góp tất cả những sắc lệnh của các giáo hoàng ban bố qua các công đồng cùng với các văn thư khác để làm thành một tuyển tập. Chỉ trong 4 năm (1230-1234) cha đã hoàn thành nhiệm vụ. Ðã có lần cha khiêm tốn từ chối chức vụ tổng giám mục Tác-ra-cô-na.

Ở trong dòng, cha rất được tín nhiệm và được cử làm bề trên tổng quyền năm 1238, là người thứ hai kế nhiệm thánh phụ Ða Minh, sau cha Giô-đa-nô Xa-xô-ni-a. Hai năm sau cha xin từ chức. Vì sinh hoạt trí thức nhiều, cha bị bệnh phải về Bác-xê-lô-na nghỉ ngơi. Ít lâu sau cha Rây-mun-đô sang A-ra-gông làm linh hướng cho vua Gia-cô-bê I và giúp Vua lập tòa án tôn giáo, xét những vụ án vi phạm đức tin. Cha cũng đã chép một số sách vở ; với cuốn "Tổng luận về Ðức Sám Hối" ; cha để lại một tập luận nổi tiếng và có thứ tự về vấn đề mục vụ. Là một con người phong phú về giáo lý lẫn phong hóa, lại sẵn có lòng nhiệt tâm với việc đào luyện hàng giáo sĩ cho sứ vụ mai ngày, do đó người đã viết một tập "tổng luận" bàn về vấn đề mục vụ.

Người tỏ ra rất quả cảm, có tâm huyết trong việc tông đồ giữa người Do Thái, với sứ vụ truyền giáo ở Trung Phi, lúc thì cùng với anh em Dòng Ðức Mẹ cứu chuộc nô lệ, lúc thì cùng với anh em tu sĩ hành khất khác. Người chú tâm nhiều đến việc đối thoại với anh em đạo Hồi, vì lẽ đó, người muốn cho các anh em đi truyền giáo phải học tiếng Ả-rập và nghiên cứu sách kinh Cô-ran.

Cha qua đời ở Bác-xê-lô-na ngày 06-01-1275 lúc gần trăm tuổi. Ðức giáo hoàng Cơ-lê-men-tê VIII đã phong hiển thánh cho cha vào ngày 20-04-1601. Thánh Rây-mun-đô được mệnh danh là quan thầy các luật gia.

Bài đọc : Ed 33,1.7-11; 2 Cr 5,14-20 ; Gl 5,16-17.22-23a.24-25 ;
Tin Mừng : Mt 5,13-19; Lc 12,42-44.48b

Lời nguyện : Lạy Cha toàn năng chí thánh, Cha đã giãi bày sự sung mãn của lề luật Cha trong việc yêu mến đức bác ái bằng gương sáng và giáo lý của thánh Rây-mun-đô xin Cha nhân từ đổ tràn Thánh Thần Cha trên chúng con, để tâm hồn chúng con được vững mạnh nhờ sự yêu mến, nhờ đó, chúng con thực sự tiến triển trong tự do của con cái Cha. Chúng con cầu xin

Ngày 10 tháng 1
CHÂN PHƯỚC GÔN-ÐI-XAN-VÔ A-MA-RAN-TÊ
Linh mục (+1252 hoặc 1259)

Tiểu sử
Chân phước Gôn-đi-xan-vô là một tấm gương sáng cho khách hành hương, các ẩn sĩ và các nhà giảng thuyết.

Cậu Gôn-đi-xan-vô chào đời tại Ta-gi-lê-đê Bồ Ðào Nha khoảng thế kỷ XII. Khi còn nhỏ, cậu có lòng kính tôn Danh Thánh, ảnh tượng Chúa Giê-su, Ðức Mẹ và các thánh một cách đặc biệt. Ðến tuổi khôn, cha mẹ gửi cậu đi thụ huấn nơi một linh mục nổi tiếng là khôn ngoan và nhân đức ở gần nhà. Sang tuổi thanh niên, cậu được thụ giáo với Ðức Tổng giám mục giáo phận Bơ-ra-ca. Thụ phong linh mục xong, cha Gôn-đi-xan-vô được Ðức giám mục cử làm quản đốc thánh đường thánh Pê-la-giô gần quê nhà.

Một thời gian sau, cha Gôn-đi-xan-vô xin Ðức giám mục trao thánh đường cho vị quản đốc khác coi sóc, còn cha sẽ lên đường đi hành hương các nơi thánh ở Rô-ma và Giê-ru-sa-lem. Cha đi chân không, mặc áo thường đi viếng các nơi thánh trong 14 năm. Ơn gọi tu trì của cha đến một khúc quanh mới. Số là khi trở về nơi cũ, cha thấy vị quản đốc mới chỉ lo cho mình, phung phí bổng lộc thánh đường vào những việc riêng tư, không lo giúp đỡ người nghèo khó. Cha lên tiếng trách cứ thì bị đối xử tệ và đuổi đi.

Thế là cha ra đi chọn đời tu hành nơi thanh vắng gần A-ra-man-tê. Cha cất một chiếc lều nhỏ để làm nơi cầu nguyện đêm ngày, ra sức hy sinh hãm mình, niềm nở đón tiếp những người đến xin dẫn đàng nhân đức. Cha có lòng tôn kính Ðức Mẹ đặc biệt, và thường cầu xin Ðức Mẹ cho biết cách hãm mình của cha có đẹp lòng Chúa không và xin ý kiến Ðức Mẹ về đàng tu hành. Cuối cùng cha đã xin gia nhập Dòng Anh em Thuyết giáo. Cha Gôn-đi-xan-vô được lãnh áo Dòng Ða Minh tại tu viện Ghi-ma-rết. Mãn thời gian huấn luyện, cha được cử đi giảng thuyết cùng với một anh em khác trong miền A-ra-mam-tê, nơi cha tu hành trước đây. Tại đây, cha gặt hái được nhiều thành quả. Chúa đã cho cha thực hiện được những việc phi thường ; như giúp cha biết chỗ xây cầu trên con sông Ta-ma-giê quanh năm nước chảy xiết, cũng như giúp cho có phương tiện cần thiết để thực hiện.

Tại A-ma-ran-tê, cha sống quãng thời gian còn lại trong việc chiêm niệm sốt sắng, làm các việc tu thân tích đức nhiều hơn và chia sẻ công tác giảng Tin Mừng cho các dân xung quanh. Như được kể lại, cha giã từ cõi thế tại A-ma-ran-tê năm 1259. Ngày 10-7-1671 đức giáo hoàng Cơ-lê-men-tê X đã cho phép Dòng kính chân phước Gôn-đi-xan-vô.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã đốt lên trong lòng chân phước Gôn-đi-xan-vô lửa mến yêu danh thánh Chúa cách lạ lùng và đã ban cho người tâm hồn lo lắng phục vụ Chúa. Xin nhờ lời người chuyển cầu cho chúng con khi được tinh thần ấy hướng dẫn biết luôn suy tưởng về Chúa và thực thi những gì đẹp lòng Chúa với tất cả lòng chăm chú nhiệt thành. Chúng con cầu xin

Ngày 10 tháng 1
Chân phước AN-NA MÔN-TÊ-GU-ÐÔ
Trinh nữ (1602-1686)

Tiểu sử
Tiểu sử cuộc đời chân phước An-na được trích dẫn từ hồ sơ dân sự : chị An-na chào đời năm 1602 tại A-rê-ghi-pa, nước Pê-ru. Song thân của chị là ông Xê-bát-ti-a-nô Môn-tê-gu-đô và bà Phan Sinh Pông đã giao phó chị cho các nữ tu Ða Minh ở tu viện thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na. Tại đây, chị đã nhận được một nền giáo dục tốt về đời sống tâm linh. Thân phụ của chị có quan hệ thân thiết với đức cha Tô-ma Vi-lơ-nớp là tổng giám mục Va-len-xơ (U1555). Ðức cha là một vị thánh tu sĩ dòng thánh Âu-tinh vào thời kỳ vàng son của nước Tây Ban Nha. Thân mẫu của chị sinh tại A-rê-ghi-pa, một thành phố được xây dựng trong thời kỳ chinh phục Tân Thế giới, dưới chân ngọn núi lửa Mít-ti hùng vĩ thuộc vương quốc cổ xưa của những người Anh-ca.

Chị An-na là con gái duy nhất trong gia đình có hai anh em trai, một trong hai người là linh mục và vị này đã thừa hưởng phần gia tài của chị khi chị gia nhập tu viện thánh Ca-ta-ri-na. Chị lãnh tu phục năm 1618, tuyên khấn năm 1619, làm tu viện trưởng năm 1645 rồi ngã bệnh năm 1676 và qua đời năm 1686.

Chị An-na là người chiêm niệm và cầu nguyện. Chị không bao giờ rời khỏi đan viện. Ðây là một toà nhà được xây dựng vào hậu bán thế kỷ XVI và có cấu trúc như một ngôi làng vùng An-đa-lu-xi. Chị cầu nguyện rất nhiều cho những người sống cũng như đã qua đời, cho giáo phận của chị có giám mục cai quản ; số là, giáo phận của chị tuy được thành lập năm 1577, nhưng mãi đến năm 1612 mới có giám mục tiên khởi, chị An-na khi đó được 10 tuổi. Trong thời của chị, giáo phận trải qua 9 vị giám mục coi sóc.

Trong đan viện có rất nhiều người cư trú, đôi khi có đến hơn 100 phụ nữ, nhiều gia đình và các khách vãng lai. Vào năm 1637, khi nước từ con thác Xanh La-gia-rơ gây ra nhiều thiệt hại to lớn, các nữ tu của tu viện thánh Ca-ta-ri-na đã góp phần đáng kể vào việc bác ái giúp các nạn nhân bị lũ.

Chị An-na sống cùng thời với thánh Gio-an Mai-san là một thầy trợ sĩ Dòng Ða Minh sống ở tu viện thánh Ma-ri-a Mác-đa-la tại Li-ma (U1645). Chị đã từng gắn bó với thầy Mai-san trong lời cầu nguyện và tinh thần hãm mình. Những năm cuối đời của chị đánh dấu bằng những đau đớn tột cùng về thể xác.

Chị An-na không để lại một tài liệu viết tay nào, cả các thư của chị cũng không được lưu giữ. Tuy nhiên, chính sự chói sáng về đời sống đạo đức lại là một chứng từ sống động về đời sống nội tâm sâu đậm của chị. Trong điếu văn lễ an táng của chị, người ta đã coi chị như là một ngôn sứ và là một cố vấn tài năng đã duy trì và bảo tồn đời sống lành mạnh cho thành phố lúc bấy giờ đang bị thương mại hóa bởi hàng giáo sỹ.

Trong chuyến viếng thăm nước Pê-ru, Ðức Gio-an Phao-lô II đã tuyên phong chị An-na lên bậc chân phước tại chính quê hương của chị là A-rê-ghi-pa vào ngày 2-2-1985.

Lời nguyện : Lạy Chúa là Ðấng cao cả vô cùng, Chúa đã ban cho chân phước An-na quà tặng quí giá là việc chiêm niệm, lòng ăn năn và tinh thần bác ái đối với mọi người chung quanh. Nhờ gương sáng và lời cầu bầu của người, xin cho chúng con học biết những gì đẹp lòng Chúa qua dấu chỉ thời đại. Chúng con cầu xin

Ngày 11 tháng 1
Chân phước Bê-na-đô Cam-mác-ca
Linh mục (1430-1487)

Tiểu sử
Cậu Bê-na-đô, hay còn được gọi là An-tô-ni-ô, chào đời năm 1430 trong một gia đình danh giá ở Ca-ta-na, miền Xi-xi-li-a nước Ý. Cũng như bao thiếu niên khác, cậu đã trải qua tuổi trẻ với tính khí bốc đồng, phóng đãng và tội lỗi. Trong một cuộc đâm chém, cậu bị thương nặng. Trên giường bệnh, được ơn Chúa soi sáng, cậu mới cảm thấy mọi sự vui thú trần gian rốt cuộc chẳng đem lại lợi lộc gì, thậm chí còn nguy hiểm đến phần hồn nữa. Thế là cậu quyết tâm từ bỏ đường tà.

Khi bình phục, cậu muốn được gia nhập Dòng Anh em Thuyết giáo để làm lại cuộc đời. Lúc đó là năm 1452. Bên ngoài mặc bộ áo trắng của Dòng Anh em Thuyết giáo, bên trong cậu mang một tâm tình tươi trẻ với mong ước trở thành một con người mới. Thế rồi, thầy được gọi lãnh tác vụ linh mục. Từ đó, lúc nào cha cũng cố gắng sao cho mình được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô chịu đóng đinh trên thánh giá, gắn bó với một mình Chúa bằng sức mến yêu nồng nàn và những hoa thơm trái đẹp của lòng sám hối. Người có lòng tôn kính đặc biệt cuộc khổ nạn của Chúa.

Ðang khi sống đời tu thân tích đức, sửa chữa quãng đời quá khứ bằng nếp sống tuân phục khiêm nhường ... cha vẫn không quên nhiệm vụ khi bước vào Dòng Anh em Thuyết giáo là phục vụ ơn cứu độ của tha nhân. Cha nổi nang về lòng thương tha nhân, nhất là những người bần cùng và đau yếu. Cha đã săn sóc họ bằng mọi phương pháp chẩn trị có được lúc bấy giờ và dùng những căn nhà đẹp đẽ mà cha khôn ngoan xây cất để đón tiếp họ.

Ðang khi tập luyện nhân đức để đền tội, cha lại là người đi đầu trong nỗ lực canh tân nếp sống tu trì. Cha hiến trọn đời cho công việc này. Sau hết, là một nhà giảng thuyết nhiệt thành, cha đã dẫn đưa nhiều người trở về với Chúa.

Chúa gọi cha về trời ngày 11-01-1487 ở Ca-ta-na. Ðức giáo hoàng Lê-ô XII đã phong chân phước cho cha vào ngày 08-03-1825.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã dẫn đưa chân phước Bê-na-đô vào con đường hoàn thiện bằng việc hối cải và sống tinh thần Phúc Âm. Nhờ gương sáng và lời cầu bầu của người, xin Chúa ban cho chúng con, khi đã sạch mọi tội lỗi, được trở về cùng Chúa với tâm hồn thuần khiết. Chúng con cầu xin

Ngày 13 tháng 1
THÁNH ÐA MINH PHẠM TRỌNG KHẢM
Quan án, tử đạo (1780-1859)

Tiểu sử
Cậu Ða Minh Phạm Trọng Khảm sinh khoảng năm 1780 trong một gia đình khá giả tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh (nay thuộc tỉnh Bùi Chu). Thân phụ là ông Phạm Tri Khiêm, một hương chức danh giá được dân làng kính trọng. Hấp thụ được những đức tính tốt của cha, cậu Khảm nổi tiếng là người con có hiếu. Năm 18 tuổi, vâng lời song thân, cậu kết hôn với cô An-nê Phượng, một thiếu nữ đạo hạnh trong làng. Hai vợ chồng sống rất hoà thuận, được dân làng mến phục tin tưởng. Ðặc biệt hai người biết hiệp lực giáo dục và khích lệ con cái học hành.

Khi bị bắt, cụ án Khảm đã gần 80 tuổi, vừa là tiên chỉ trong làng, vừa là hội viên Huynh đoàn giáo dân Ða Minh, kiêm chức trùm họ trong giáo xứ. Mọi người đều công nhận cụ là người đạo đức, giàu lòng bác ái và nhiệt thành trong trách vụ. Các thừa sai, cả các giám mục cũng biết tiếng và từng đến trọ nhà cụ trong những ngày khó khăn.

Năm 1858, khởi đầu giai đoạn thứ năm trong cuộc bắt đạo gay gắt nhất trong lịch sử Giáo hội Việt Nam. Quan án sát Nam Ðịnh được mật báo là Quần Cống chứa chấp Tây dương đạo trưởng, liền huy động quân lính đến bắt. Cụ án Khảm hay tin liền đưa các vị thừa sai trốn khỏi làng. Cụ tập hợp quần chúng, khích lệ họ can đảm giữ đạo. Khi quan quân ùa vào làng, bắt toàn dân tụ họp, tra xét thì cụ án Khảm công khai tuyên xưng đạo, quan sai bắt trói án Khảm giải về Nam Ðịnh. Trong suốt thời gian tù, cụ là chỗ dựa, là nguồn khích lệ, là người an ủi và chia sẻ tinh thần, vật chất cho các bạn tù.

Sau gần năm tháng bị cầm tù và nhiều lần bị hành hạ, ngày 13-1-1859, cụ án Khảm được đưa ra pháp trường Bảy Mẫu Nam Ðịnh. Khi ra đến nơi, quân lính xô cụ té, trói tay chân cụ vào cột đã chôn sẵn, rồi hai người lính cầm hai đầu dây thừng tròng qua cổ kéo thật mạnh cho đến khi cụ tắt thở. Thi hài cụ được các tín hữu Quần Cống rước về quê và an táng trọng thể.

Ngày 29-4-1951, đức giáo hoàng Pi-ô XII đã suy tôn cụ Ða Minh Phạm Trọng Khảm lên bậc chân phước. Và ngày 19-6-1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tôn phong cụ lên bậc hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Ða Minh Khảm. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 13 tháng 1
THÁNH GIU-SE PHẠM TRỌNG TẢ
Cựu chánh tổng, tử đạo (1800-1859)

Tiểu sử
Cậu Giu-se Phạm Trọng Tả sinh khoảng năm 1800 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh. Ông Cai Tả là anh em chú bác với thánh án Khảm, là con ông Ða Minh Phạm Thăng. Khi bị bắt ông đã 60 tuổi. Ông là một ki-tô hữu đạo đức, một thành viên Huynh đoàn giáo dân Ða Minh, và là cựu chánh tổng. Cộng tác với cháu là Cai Thìn, ông luôn tìm cách giúp mọi người trong hoàn cảnh khó khăn.

Năm 1858, tình hình bắt đạo đang gia tăng, vua Tự Ðức ra lệnh cho quan quân triệt để thi hành sắc chỉ nhắm vào đạo Gia-tô. Nhưng thực tế, việc thi hành này phụ thuộc vào sự sốt sắng các quan địa phương. Lợi dụng điều đó, đức cha Xam-pê-rô Xuyên ủy thác cho cai Tả và cai Thìn trọng trách sứ giả hoà bình, vì hai vị thuộc thành phần lãnh đạo, dễ dàng tiếp xúc với cấp trên.

Các ông đã đến gặp trực tiếp tổng đốc Nam Ðịnh xin nương tay cho các tín hữu và hứa kêu gọi dân trung thành với vua. Cuộc thương thuyết sắp thành công, thì có một số người ở Cao Xá, vì bất mãn với chính sách nhà vua, đã nổi loạn chống lại các quan địa phương. Thế là vị tổng đốc đổi ý, tiếp tục ra lệnh lùng bắt các vị thừa sai và các tín hữu. Quan kết án cai Tả lừa dối và tìm dịp để bắt ông. Khi quan án sát Nam Ðịnh được mật báo là Quần Cống chứa chấp Tây dương đạo trưởng, liền huy động quân đến vây bắt, nhưng các vị thừa sai đã được đưa đi chốn khỏi làng. Khi quan quân vào làng bắt toàn dân tụ họp để tra xét, quan đã sai bắt trói cai Tả và một số người giải về Nam Ðịnh, vì không chịu bỏ đạo.

Ba lần ra trước tòa, cả ba lần ông cai Tả đều cương quyết không bước qua thập giá dù bị dọa nạt, đánh đập. Không những thế, ông còn khuyên bảo những người đừng phạm thứ tội mà ông gọi là "ghê tởm".

Sau những tháng bị giam cầm, đánh đập, một hôm quan án cho biết là ông bị kết án xử tử. Vào ngày 13-1-1859, cai Tả và một số giáo hữu khác được đưa ra pháp trường Bảy Mẫu Nam Ðịnh. Tại đây, quân lính đã xử giảo ông. Sau đó, thi hài ông được các tín hữu đưa về Quần Cống an táng.

Ngày 29-4-1951, đức giáo hoàng Pi-ô XII suy tôn ông Giu-se Phạm Trọng Tả lên bậc chân phước và ngày 19-6-1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II long trọng phong ông lên bậc hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Giuse Tả. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 13 tháng 1
THÁNH LU-CA PHẠM TRỌNG THÌN
Chánh tổng, tử đạo (1820-1859)

Tiểu sử
Cậu Lu-ca Phạm Trọng Thìn là con trai cụ Án Khảm sinh năm 1820 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh. Như chúng ta đã biết về cụ án Khảm, dưới mái nhà gia giáo và khá giả này, cậu Thìn đã lớn lên trong bầu khí đạo đức, được ăn học thành người. Nhờ trí thông minh lanh lợi và chăm chỉ, chẳng bao lâu cậu đã "công thành danh toại." Khi bị bắt, ông Cai Thìn mới khoảng 40 tuổi và đang là chánh tổng vừa quyền thế, vừa uy tín.

Thực ra, khi mới lên chức vụ này, vì giao tiếp với quan lại nhiều, đã có thời kỳ ông có vợ nhỏ là cô Trung, người Trà Lũ nên thờ ơ việc đạo nghĩa (vợ chính ông là bà Ma-ri-a Tâm). Nhưng sau nhờ lời khuyên của thân phụ, nhất là của cha giải tội, ông đã thành tâm sám hối. Từ đó, ông trở thành một mẫu gương thánh thiện, một gia trưởng và một thành viên Huynh đoàn giáo dân Ða Minh đạo đức, một thủ lãnh đáng tin cậy. Năm 1858, khởi đầu cho giai đoạn bắt đạo gay gắt nhất của lịch sự Giáo hội Việt Nam. Trong cuộc truy lùng các thừa sai của làng Quần Cống, ông cai Thìn đã bị bắt trong cùng hoàn cảnh với cha ông là cụ án Khảm.

Ba lần ra trước tòa, cả ba lần ông đều cương quyết không bước qua thập giá, dù bị đánh đập. Khi quan yêu cầu ông viết những suy nghĩ của mình lên giấy, ông đã viết bản tuyên xưng đức tin rõ ràng như sau :

"Tôi là ki-tô hữu, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi, dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ. Chính tay tôi viết điều này. Lu-ca Thìn."

Gần năm tháng bị giam cầm, được quan báo cho biết là ông sẽ bị kết án xử giảo vì tội chống lại nhà vua. Ông Thìn kịch liệt phản đối, và cuối cùng ông được an tâm khi bản án được ghi thêm "bất khẳng quá khoá" nghĩa là không chịu bước qua thánh giá.

Ngày 13-1-1859, cai Thìn đã được đưa ra pháp trường cùng với một số tín hữu khác trong đó có cha và chú của ông. Sau khi đã trói ông vào cột, hai người lính cầm dây thừng tròng qua cổ và kéo thật mạnh cho đến khi ông tắt thở. Các tín hữu làng Quần Cống đã đưa thi hài vị chứng nhân về quê để tổ chức an táng.

Ðức giáo hoàng Pi-ô XII đã suy tôn ông Lu-ca Phạm Trọng Thìn lên bậc chân phước ngày 29-4-1951. Ðức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tôn phong ông lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Lu-ca Thìn. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 18 tháng 1
Thánh Ma-ga-ri-ta Hung-ga-ry
Trinh nữ - Lễ nhớ (1242-1270)

Tiểu sử
Ðầu thế kỷ thứ XIII, quân Thát-đát xâm lăng nước Hung-ga-ry, đi đến đâu là tàn sát, giết người, cướp của, đốt phá tới đó. Vua Bê-la IV và hoàng hậu Ma-ri-a Lát-ca-rít lúc đó đang mang thai phải tản sang đất Áo. Nhà Vua và Hoàng hậu khấn với Chúa cho đất nước thoát khỏi quân xâm lăng và hứa với Chúa khi trở về bằng an sẽ dâng hiến cho Chúa người con sắp chào đời. Trong thời gian lưu vong này, Hoàng hậu đã hạ sinh một công chúa (1242) và đặt tên là Ma-ga-ri-ta. Như thế là công chúa Ma-ga-ri-ta đã được dâng hiến cho Chúa trước cả khi chào đời.

Khi quân Thát-đát rút đi, nhà Vua và Hoàng hậu trở về cai trị quê cũ và giữ lời khấn hứa với Chúa, hai vị đem dâng công chúa lúc đó được gần bốn tuổi vào đan viện Vết-pơ-rin thuộc Dòng Ða Minh. Quen với nếp sống đan viện, công chúa Ma-ga-ri-ta không màng đến sự xa hoa nơi cung điện mà chỉ miệt mài cầu nguyện và tu thân để làm đẹp lòng một mình Chúa Ki-tô là Vua trên các vua. Năm công chúa lên 10 tuổi, nhà vua xây cho nàng một đan viện mới ở Bu-đa-pét cạnh sông Ða-nuýp. Tại đây, công chúa nhất quyết từ chối lời cầu hôn của ông hoàng xứ Ba-lan, đan sĩ công chúa đã tuyên khấn trong tay bề trên tổng quyền Hum-bê-tô Rô-man lúc nàng 12 tuổi. Công chúa tiến bộ rất nhanh trên đàng nhân đức và nàng dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Ki-tô chịu đóng đinh.

Lên 18 tuổi công chúa lại phải đương đầu với một cuộc thử thách khác. Số là năm 1260, vua cha thua trận phải cầu hòa với ông hoàng xứ Bô-hê-mi, hai bên trở thành bạn thân và cam kết giúp đỡ nhau. Sau một lần cả hai đến thăm đan sĩ công chúa, ông hoàng ngỏ ý muốn kết duyên với nàng và hứa sẽ xin đức giáo hoàng tháo lời khấn. Một lần nữa công chúa lại cương quyết chối từ, bất chấp mọi áp lực, kể cả vua cha. Vài năm sau, ông hoàng Ca-rô-lô xứ Xi-xi-li-a lại đến cầu hôn, nhưng công chúavẫn một lòng cự tuyệt và cam kết trung thành với bạn chí thánh là Chúa Giê-su.

Công chúa rất chăm chỉ thực hiện các việc tu thân khắc kỷ của đan viện và thực thi các việc biểu lộ lòng nhân từ thương xót như ăn chay, hãm mình rất ngặt và không ngần ngại làm những việc nhỏ nhặt phục vụ mọi người như tôi tớ. Công chúa nhiệt tâm khôi phục sự bình an và tố cáo những bất công, nhưng luôn luôn làm hết sức với sự khéo léo và dịu dàng đối với chị em. Công chúa trở nên một tấm gương phục vụ khiêm tốn. Công chúa đặc biệt mến yêu bí tích Thánh Thể và tôn sùng cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế, sùng kính Chúa Thánh Thần và kính mến Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a bằng kinh Mân Côi hằng ngày, bằng những lời tung hô chào kính khi qua ảnh Ðức Mẹ. Công chúa còn muốn làm lễ vật để cứu dân tộc khỏi những cuộc càn quét của quân Thát-đát.

Công chúa nhắm mắt từ giã cuộc đời ngày 18-1-1270 và ngày 19-11-1943 đức giáo hoàng Pi-ô XII đã ghi tên nàng vào sổ các thánh trên trời. Phần mộ của người biến mất vào thế kỷ XVII.

Bài đọc : Et 4, 17l-17s.17a ; Rm 12,1-2.9-13 ; Cl 3,12-17 ; Tin Mừng : Ga 12,24-26

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Thánh Ma-ga-ri-ta biết vâng theo tác động của Chúa Thánh Thần mà từ bỏ mọi sự thuộc về trần gian. Xin cho chúng con đừng bao giờ chống lại thánh ý Chúa, nhưng luôn trung tín chu toàn. Chúng con cầu xin

Ngày 19 tháng 1
Chân phước An-rê
Linh mục (1400-1485)

Tiểu sử
Cậu An-rê chào đời năm 1400 ở Ý trong một gia đình cha mẹ tuy nghèo về vật chất nhưng lại giàu nhân đức. Có lẽ vì thế, nên ngay từ nhỏ cậu An-rê không ham chơi, đùa nghịch như chúng bạn mà đã thích cầu nguyện, biết ăn chay. Cũng ngay từ tấm bé, cậu An-rê đã ham học Thánh Kinh. Người ta kể lại rằng, song thân thấy con đạo đức và khôn khéo thì trao cho việc quản lý trong gia đình. Thấy vậy, hai anh đem lòng ghen ghét. Khi cha qua đời hai anh làm khổ cậu An-rê đủ điều ; đêm đến cậu phải trốn nhà ngủ nơi khác.

Thấy hai anh vẫn không nguôi, cậu xin phép mẹ đến Bơ-rét-xi-a và xin gia nhập Dòng Anh em Thuyết giáo. Tại đây cậu lãnh áo dòng và qua năm tập. Sau năm tập, thầy An-rê được phái về tu viện thánh Mác-cô ở Phi-ren-xê để kiện toàn việc học dưới sự hướng dẫn của chân phước An-tô-ni-ô tu viện trưởng ; lúc bấy giờ, kỷ luật tu trì của chân phước An-tô-ni-ô được cả Giáo hội biết đến. Kỷ luật nghiêm túc của tu viện này càng giúp thầy An-rê thêm tiến bộ, nhất là về đức tuân phục và khiêm tốn. Thầy hay tự nhủ : "Một người biết tuân phục là một người thánh thiện", Thầy nhắm hướng đó mà tiến tới và ra sức tập tành những đức tính tốt, diệt trừ tật xấu, lỗi lầm. Khi được thụ phong linh mục cũng là lúc cha An-rê dâng hiến cả cuộc đời cho công tác giảng truyền Lời Chúa. Cha được bề trên cử đi truyền giáo, hoạt động tông đồ đáng chú ý nhất của cha là ở thành phố Van-lê Ten-li-na. Ðây là cứ điểm của bè rối, miền trung nước Ý gồ ghề khúc khuỷu, khí hậu lại lạnh lẽo. Ðây cũng là nơi xưa kia thánh phụ Ða Minh đã đến giảng Tin Mừng trong những năm tháng cuối đời. Không quản gian khổ, cha An-rê rảo bộ khắp miền. Trong khoảng thời gian gần 45 năm, cha đến với mọi người ở mọi nơi, theo gương thánh phụ Ða Minh. Cha thích trọ đêm ở nhà những người nghèo khổ, nhưng thường ngủ ở trên đống củi. Cha ăn uống rất thanh đạm.

Nhiệt tâm tông đồ kết hợp với cuộc sống nên gương, cha đã giúp nhiều linh hồn trở về với Chúa. Người giàu kẻ nghèo đều nghe người, kẻ rối đạo lầm lạc cũng nghe người trở lại. Ðặc biệt, dân chúng coi người như cha của dân nghèo, như tông đồ miền Van-lê Ten-li-na và như sứ thần Chúa sai đến.

Sau 45 năm, cha hoạt động tông đồ không mệt mỏi, lập xứ đạo, dựng thánh đường, lên núi xuống đèo, hơn 45 năm sống đời tu sĩ khiêm tốn làm những công việc bình thường như đi hành khất nuôi anh em. Ngày 18-1-1485 người đã an nghỉ trong tu viện Nóc-bê-ghi, nơi trước đây người đã trông coi việc xây cất. Người hưởng thọ 85 tuổi. Ngày 26-9-1820 đức giáo hoàng Pi-ô VII cho phép kính người.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã làm cho chân phước An-rê đầy tràn tinh thần tông đồ, xin làm cho chúng con khi noi gương người được tiến triển trong lời nói và gương sáng, nhờ đó đem lại nhiều hoa quả dồi dào. Chúng con cầu xin

Ngày 22 tháng 1
Chân phước An-tô-ni-ô
Linh mục (1394-1459)

Tiểu sử
Cậu An-tô-ni-ô sinh ra trong một gia đình sang trọng sống trong lâu đài thánh Giê-ma-nô miền Pê-đê-môn-xi-ô nước Ý. Ngay từ thuở nhỏ, cậu đã biết chăm lo học hành và cầu nguyện.

Lớn lên, cậu xin gia nhập Dòng Ða Minh tại Véc-xe-li. Cậu lãnh áo dòng tại tu viện này. Lúc đầu, thân phụ tỏ thái độ khó chịu, nhưng sau, ông đành chấp nhận để con được tự do theo tiếng gọi của Chúa. Trong tu viện, thầy An-tô-ni-ô ra sức sống đời khiêm tốn và từ bỏ, tập suy gẫm, chuyên cần cầu nguyện.

Thụ phong linh mục xong, cha An-tô-ni-ô tận tâm loan giảng lời Chúa, khuyên bảo, an ủi tha nhân, sốt sắng cử hành phụng vụ và các bí tích. Cha có biệt tài uốn nắn các tâm hồn chai đá. Tất cả những ai mang lòng thù hận khi đến với cha đều trở về với tâm hồn thanh thản. Người ta kể lại rằng cha đã làm cho cả thành Nô-vô-cô-ni ăn năn trở lại. Cha thi hành nhiệm vụ của mình cách tận tâm, khôn ngoan và mau mắn. Cha An-tô-ni-ô đã giữ chức tu viện trưởng trong nhiều tu viện khác nhau và giúp ích rất nhiều cho các tu viện như Cô-mi, Sa-vô-na, Phi-ren-xê, Bô-nô-ni-a, Giê-nu-a. Ở đâu cha cũng lấy gương sáng mà khích lệ anh em sống đời tu cho phong phú. Khi được bề trên tổng quyền Ba-tô-lô-mê-ô Tê-xi-ê chấp thuận, cha đã ra công cải tổ nếp sống tu trì. Cha An-tô-ni-ô để lại một tấm gương sáng của một vị tu viện trưởng gương mẫu : cương quyết sửa phạt những lỗi lầm của con người nhưng với lòng đại độ cảm thông.

Kiệt sức vì làm việc và hãm mình, cha An-tô-ni-ô qua đời ngày 22-1-1459 lúc gần 65 tuổi tại tu viện Cô-mi. Ngày 15-3-1819, đức Pi-ô VII đã tôn phong người lên bậc chân phước. Thi hài của cha được tôn kính tại thánh đường thánh Giê-ma-nô.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã đốt cháy trong lòng chân phước An-tô-ni-ô tâm tình mến Chúa. Nhờ lời người cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con khi được đốt cháy do cùng một ngọn lửa mến yêu ấy, được tiến triển trong đời sống đức tin và chuyên cần phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin

Ngày 22 tháng 1
Thánh Phan Sinh Gil Phê-đê-rích TẾ
Linh mục, tử đạo (1702-1745)

Tiểu sử
Cậu Phan Sinh Ghin Phê-đê-rích Tế sinh ngày 14-12-1702, tại Tô-lô-xa, Tây Ban Nha, nhập Dòng Ða Minh tại tu viện thánh Ca-ta-ri-na thành Bác-xê-lô-na và tuyên khấn trọng thể năm 16 tuổi.

Ngày 29-3-1727, thầy Phê-đê-rích được thụ phong linh mục, rồi được bổ nhiệm làm giáo sư triết lý kiêm giáo sư các tu sĩ sinh viên. Năm 1733, cha xuống tàu đến trụ sở tỉnh dòng tại Phi-líp-pin. Tại đây, cha làm thư ký và phụ tá cho cha giám tỉnh Ði-ê-gô tại Ma-ni-la. Công việc này đã thúc đẩy cha thực hiện việc truyền giáo.

Ngày 28-8-1735, cha Phan Sinh đặt chân lên đất Việt, và được cử sang Hà Bắc. Sau một thời gian ngắn học ngôn ngữ và phong tục, cha Phê-đê-rích Tế đã đến phục vụ nhiều nơi : Trực Ninh (Nam Ðịnh), Vũ Tiên (Thái Bình), sau đảm nhiệm hai giáo xứ Kẻ Mèn, Bắc Trạch ; tiếp đó qua huyện Giao Thủy coi họ Lục Thủy và Quyết Tâm.

Mới được hai năm hoạt động ngắn ngủi, vào ngày 3-8-1737, cha Tế bị bắt tại nhà thờ Lục Thủy khi cha vừa dâng thánh lễ xong. Sau đó, quan trấn cho áp giải cha về Thăng Long.

Ngày 10-7-1738, cha Tế bị đưa ra tòa, các quan án bắt cha bước qua thánh giá nhưng cha từ chối. Các quan nghị án một lát, rồi tuyên án trảm quyết đạo trưởng Phê-đê-rích Tế. Nhưng thời gian sau đó, vì tình hình chính trị bất ổn, bản án của cha Tế bị lãng quên.

Ðến ngày 30-5-1744, cha Tế gặp linh mục Mát-thêu A-lôn-xô Li-xi-ni-a-na Ðậu cũng Dòng Ða Minh, bị bắt cách đó 6 tháng, bị áp giải về Thăng Long và cùng bị giam một nơi. Niềm vui mừng xúc động dạt dào tả sao cho hết, hai nhà giảng thuyết thăm hỏi, an ủi, khích lệ và bàn bạc với nhau, biến Thăng Long thành môi trường truyền giáo, hợp tác với nhau làm mục vụ tông đồ. Sau hơn 7 năm tù và 7 tháng được sống chung với người bạn đồng chí hướng, ngày 22-1-1745, sau khi dâng thánh lễ, cha Tế bị đem đi xử trảm.

Theo ý đức cha Hi-la-ri-ô Hy, thi hài của cha được an táng tại nhà chung Lục Thủy. Vài ngày sau, đức cha tổ chức thánh lễ tạ ơn long trọng, có đông đảo các cha dòng đến dự. Ngay khi đó, mọi người đều tin tưởng người đã được lãnh triều thiên tử đạo, và chuẩn bị lập hồ sơ phong thánh.

Ngày 20-5-1906, đức giáo hoàng Pi-ô X suy tôn người lên bậc chân phước. Ngày 19-6-1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tôn phong người lên bậc hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Fê-đê-rích Tế. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 22 tháng 1
Thánh Mát-thêu A-lôn-xô Li-xi-ni-a-na Ðậu
Linh mục, tử đạo (1702-1745)

Tiểu sử
Cậu Mát-thêu A-lôn-xô Li-xi-ni-a-na Ðậu sinh ngày 26-10-1702 tại Na-va-đơ-rây, nước Tây Ban Nha. Ðáp lại tiếng Chúa kêu mời, cậu A-lôn-xô đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Ðức Ki-tô trong tu viện do chính thánh Ða Minh lập ở Xê-gô-vi-a (1218). Tại đây, A-lôn-xô đã tuyên khấn, học thần học và thụ phong linh mục.

Thời gian này tỉnh Dòng Ða Minh Ðức Mẹ Mân Côi phái người đến các tu viện cổ động và tìm người truyền giáo ở Viễn Ðông. Tình hình vùng truyền giáo quá thiếu người, cha A-lôn-xô và 23 tu sĩ Tây Ban Nha đã đáp lời mời đi tàu đến Ma-ni-la vào tháng 11-1730. Tháng hai năm sau, trong cuộc hành trình sóng gió hiểm trở trên biển kéo dài 11 tháng để đến Việt Nam, cha đến Trung Linh ngày 18-1-1732 trong niềm vui lớn của giáo phận Ðông Ðàng Ngoài.

Tại giáo phận Ðông Ðàng Ngoài, cha hăng say rao giảng Phúc Âm và coi sóc nhiều xứ đạo giữa thời bắt đạo của chúa Trịnh.

Ngày 29-11-1743, cha bị bắt trong lúc đang dâng lễ tại nhà thờ Lục Thủy. Quân lính giải cha lên quan trấn thủ Sơn Nam, bấy giờ là Lê Văn Phượng, và bị giam tại đây.

Sau ba lần ra tòa, với nhiều cách thức đe dọa, dụ dỗ hoặc tra tấn, quan trấn thủ không thể nào làm cha Ðậu chối bỏ đức tin, nên đã kết án tử hình cha. Nhưng sau đó, nhờ sự can thiệp của một viên quan thiện cảm với đạo, án của cha được đổi thành chung thân.

Ngày 30-5-1744, quân lính áp giải cha về Thăng Long và giam chung với linh mục Phan Sinh Tế đã bị bắt từ năm 1737. với niềm vui thiêng liêng được gặp lại nhau của hai anh em cùng dòng, hai anh em hân hoan chia sẻ cho nhau những thao thức, trao đổi bàn bạc việc tông đồ và cùng nhau cầu nguyện. Thời gian ở trong tù, hai vị linh mục vẫn tiếp tục loan báo Tin Mừng, giải tội, rửa tội, xức dầu và an ủi khích lệ các tín hữu.
Ngày 22-1-1745, có lệnh đưa cha Tế đi xử trảm, cha Ðậu hết sức buồn rầu, và năn nỉ xin phép quan cho đi tiễn chân bạn đến pháp trường. Sau khi quan viên đọc bản án của cha Tế và đọc tiếp : "Mát-thêu cũng là đạo trưởng Hoa Lang đã bị kết án chung thân, nay bị kết án xử trảm."

Thế là cuối cùng cha Ðậu được toại nguyện. Thi hài của cha được chôn cất tại nhà chung Lục Thủy. Ðức giáo hoàng Pi-ô X suy tôn người lên bậc chân phước ngày 20-5-1906. Ngày 19-6-1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tôn phong người lên bậc hiển thánh.

Lời nguyện
Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Li-xi-a-na Ðậu. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 23 tháng 1
Chân phước Hen-ri Xu-xô
Linh mục (+1366)

Tiểu sử
Cậu Hen-ri Xu-xô, còn gọi là Gio-an Xu-ê-vi-a, chào đời gần Côn-tan-xi-a nước Ðức, khoảng thế kỷ XIII. Thân phụ thuộc dòng tộc quí phái, nhưng ngoại đạo ; còn thân mẫu là người rất mực đạo đức, thuộc dòng tộc Xu-xô. Cậu Hen-ri không lấy họ cha nhưng theo họ mẹ.

Cậu được hấp thụ một nền giáo dục chắc chắn và thánh thiện của mẹ ngay từ hồi nhỏ ; năm 13 tuổi, cậu xin nhập dòng Anh em Thuyết giáo, vào tu viện thánh phụ Ða Minh tại Côn-tan-xi-a. Bản tính hiền dịu và dễ mến, 5 năm đầu trong bộ áo dòng trắng, thầy Xu-xô sống bình thường, chỉ chú tâm làm sao tránh được tội trọng, nhưng vẫn coi thường tội nhẹ, chưa đủ can đảm cắt đứt mọi luyến tiếc trần gian, cho nên đời sống thiêng liêng dần dần nguội lạnh. Nhưng đến ngày Chúa đổ ngập ánh sáng ân sủng Chúa trên thầy và cho thầy những ơn thần bí. Thầy bắt đầu trổi vượt về nếp sống nhiệm nhặt, hiền từ chịu đựng những nghịch cảnh và lăng mạ.

Có thể nói từ ngày Chúa ghé mắt thương, cha Hen-ri đã dồn cả tâm trí vào Chúa, mê say những sự trên trời, suy niệm lời Chúa trong cô tịch. Cha dùng mọi hình khổ để hãm mình : kiêng khem, ăn uống những thứ cay đắng, nhịn đói, nhịn khát, mặc áo nhặm, đánh tội, thức đêm cầu nguyện... Những việc mà ở thời đại này có lẽ người ta cho là khó hiểu, nếu không muốn nói là khó chấp nhận.

Ngoài những hình khổ bên ngoài, cha còn phải vác những thánh giá nội tâm nữa : chịu cho ma quỉ cám dỗ nhiều cách, bị bỏ vạ cáo gian, bắt bớ và bề trên hiểu lầm quở trách. Nhưng trong tất cả những thử thách ấy, cha Hen-ri vẫn một lòng cậy trông khiêm tốn và nhẫn nhục. Quả là một gương sáng cho mọi phần tử trong gia đình Ða Minh.

Qua nhiệt tình tôn kính Ðức Mẹ Ma-ri-a, nhiệt tâm với việc phục vụ ơn cứu độ tha nhân, cha đã rảo qua hầu hết nước Ðức, nhất là vùng Xu-ê-vi-a và An-xa-xê để giảng thuyết, khuyên nhủ người có tội trở về với Chúa. Ðời sống của cha tỏa chiếu nhân đức, tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần và lòng mến yêu Chúa Giê-su, cha đã khắc tên Chúa Giê-su lên ngực của mình. Tấm lòng chất phác, lời nói chân thành rạng ngời lửa bác ái và khiêm nhu.

Cha viết nhiều sách rất được các tín hữu ưa chuộng : sách của cha nổi tiếng trong văn chương linh đạo và vẫn còn ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng ngày nay. Các tác phẩm thần bí của cha - một số được viết bằng những bài giảng bình dân - vẫn được hâm mộ và đã được xuất bản. Ðáng kể nhất là cuốn "Ðồng hồ khôn ngoan" (Horologru Sapiential) trong đó cha giảng về sự thoát ly những gì khả giác và sự kết hợp với Thiên Chúa qua việc chiêm niệm những sự trọn hảo và cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô.

Cha an nghỉ trong Chúa hết sức thánh thiện tại Un-ma ngày 25-1-1366 và ngày 24-1-1831, đức giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô XVI chuẩn y việc cử hành phụng vụ kính chân phước Hen-ri Xu-xô.
Cùng với thầy Éc-kha và Gio-an Giô-lê, chân phước Hen-ri Xu-xô là một khuôn mặt rất lừng danh và dịu dàng trong số các bậc thầy nổi tiếng của trường phái tu đức Ða Minh. Người ta gọi họ là "các nhà thần bí nước Ðức."

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã kêu gọi chân phước Hen-ri bước theo Con Chúa và đã làm cho người trở nên lạ lùng vì những việc hy sinh trên thân xác, xin cho chúng con khi bước theo Chúa Ki-tô chịu đóng đinh cũng được hưởng niềm an ủi muôn đời của Chúa. Chúng con cầu xin

Ngày 27 tháng 1
Chân phước MÁC-CÔ-LI-NÔ PHO-LI
Linh mục (1317-1397)

Tiểu sử
Cậu Mác-cô-li-nô sinh tại Pho-li nước Ý năm 1317. Từ nhỏ, cậu đã tỏ dấu mến chuộng đời sống thánh thiện. Năm lên 10 tuổi, muốn bước vào con đường hẹp để vào Nước Trời, cậu đã xin gia nhập Dòng Ða Minh. Suốt năm tập, thầy Mác-cô-li-nô đã nên gương sáng nhân đức cho mọi người trong nhà dòng, tuân giữ mọi kỷ luật cách nghiêm túc, yêu quý đức khó nghèo, khắc ghi đức tuân phục vào tận đáy lòng, tìm mọi phương thế để kết hợp với Chúa và khiêm tốn phục vụ anh em. Tất cả những điều đó kết hợp với việc ăn chay hãm mình tạo nên nét chính trong cuộc đời thầy Mác-cô-li-nô và đưa thầy đi xa hơn trên con đường đạo đức.

Cuộc đời yêu thinh lặng và cô tịch, thích chiêm niệm còn gắn liền với lòng sùng kính Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a Mẹ Thiên Chúa. Bị anh em - những người chống đối việc cải tổ do thánh Rây-mun-đô đề xướng - khinh dể, cha Mác-cô-li-nô vẫn khiêm tốn sống ở làng quê Pho-li thi hành các sứ vụ thánh và làm các việc bác ái. Với chính bản thân, cha tỏ ra là người có tinh thần cầu nguyện cao độ và là một người bạn chí thiết của giới nghèo ; rất nhiều người đã tuốn đến với cha, nhất là những người bị áp bức và đau yếu. Ðó là đối tượng cha thường xuyên giúp đỡ và an ủi.

Cha là gương sáng ngời về giản dị, trong trắng và bác ái, được nhiều ân điển cao siêu. Cha qua đời ngày 20-1-1397, lúc 80 tuổi. Ðức giáo hoàng Biển Ðức XIV đã châu phê việc tôn kính chân phước Mác-cô-li-nô vào ngày 9-5-1750.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa luôn vui thích nhận lời cầu nguyện của những kẻ khiêm tốn và hiền hậu. Chúng con nài xin Chúa cho chúng con khi bước theo chân phước Mác-cô-li-nô được trở nên hiền lành, khiêm tốn thực sự và đón nhận các hồng ân Chúa dễ dàng hơn. Chúng con cầu xin

Ngày 28 tháng 1
Thánh TÔ-MA A-QUY-NÔ
Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh - Lễ kính (1225-1274)

Tiểu sử
Thánh Tô-ma A-quy-nô là vinh dự và là ánh sáng của Giáo hội Công giáo. Cậu chào đời tại lâu đài Rô-ca-xê-ca, vùng Nê-a-pô-li nước Ý, thuộc dòng dõi quý tộc. Cha cậu là ông Lan-đun-pho, lãnh chúa miền A-quy-nô, mẹ là Tê-ô-đô-ra.

Lên 5 tuổi, cậu Tô-ma được gửi đi học ở đan viện Ca-xi-nô của các cha dòng Biển Ðức. Theo kể lại, thì ngay từ lúc này cậu vẫn thường hay thắc mắc : "Thiên Chúa là gì ?" Sau một thời gian học ở đan viện, cậu Tô-ma trở về Nê-a-pô-li tiếp tục việc học.

Năm lên 18 tuổi (1244), cậu Tô-ma xin gia nhập dòng Anh em Thuyết giáo. Mẹ và anh em cậu không đồng ý. Họ đã đến tu viện và bắt cậu trở về ; biết được tin đó, cậu Tô-ma trốn qua Rô-ma rồi sang Pa-ri, nhưng cuối cùng cũng bị các anh bắt được đưa về nhốt trong một cây tháp. Bà mẹ, có lẽ vì tự ái không muốn cho con mình thuộc gia tộc quý phái lại vào một dòng khất thực nên đã tìm cách để khuyên con từ bỏ ý định, thậm chí còn dùng cả mỹ nhân kế để hy vọng quí tử vì đó mà bỏ đường tu. Nhưng cậu Tô-ma đã thắng. Bà mẹ đành chịu để cậu trốn khỏi tháp giam trở về tu viện Nê-a-pô-li .

Sau khi được thụ huấn với thánh An-be-tô Cả, cha Tô-ma năm 25 tuổi đã giữ chức giáo sư giảng dạy thần học và triết học rất nổi tiếng. Trong lối đối thoại của cha, người ta thấy toát ra một sắc thái khiêm tốn và rất nhân bản. Cha để lại rất nhiều tác phẩm. Qua đó, người ta thấy cha đã kết hợp sự khôn ngoan nhân loại với việc phục vụ chân lý vĩnh cửu của Thiên Chúa một cách tài tình, khởi đi từ Thánh Kinh, nguồn mạc khải và các thánh Giáo phụ rồi giải thích bằng những lý lẽ triết học rất chặt chẽ. Người là một trong những giáo sư tên tuổi được nhiều người biết đến vì lòng hâm mộ tìm kiếm chân lý và hăng say thuyết giảng.

Dưới sự chỉ đạo của các bề trên, cha Tô-ma đã đến với tất cả các trung tâm học thuật có tầm cỡ lúc bấy giờ như Cô-lô-ni-a, Pa-ri, Rô-ma, Nê-a-pô-li ; nổi bật về đời sống trong trắng, và gương mẫu trong sự trung thành tuân giữ kỷ luật tu trì. Ðối với sứ vụ riêng của Dòng tức là việc nghiên cứu và giảng truyền Lời Chúa trong tinh thần khó nghèo tự nguyện, cha đã ngày đêm miệt mài trong công tác tìm tòi và giảng dạy thần học. Châm ngôn của cha đã trở thành châm ngôn của cả Dòng Ða Minh đó là chuyên chăm tìm kiếm chân lý, khao khát đạt đến chân lý, khi đã tìm được thì hết sức vui mừng và ao ước chia sẻ cho tha nhân.

Tuy thế, cách làm việc của cha lại rất khiêm tốn. Cha Tô-ma vẫn chia sẻ với chân phước Rê-gi-nan-đô là bạn của người rằng : tất cả những gì mình biết được là do Chúa ban xuống chứ không phải do tài khéo riêng. Cha còn cho biết, tất cả những gì cha học được là học dưới chân thánh giá Chúa. Mỗi khi sắp nghiên cứu trình bày một vấn đề gì, cha thường quỳ lặng lẽ lâu giờ trước Thánh Thể và Thánh giá. Một lần ở Nê-a-pô-li, khi đang cầu nguyện sốt sắng trước ảnh chuộc tội, cha Tô-ma nghe tiếng phán : "Tô-ma, con đã viết rất đúng về cha, con muốn xin gì ?" cha Tô-ma thưa : "Con không xin phần thưởng nào khác ngoài chính Chúa."

Nơi cha nổi bật lòng sùng kính Chúa Ki-tô Cứu Thế trong cuộc khổ nạn và trong bí tích Thánh Thể, chính cha đã soạn nhiều bản văn phụng vụ rất sốt sắng trong thánh lễ. Cha cũng đáng là gương mẫu của lòng con thảo yêu mến Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa.

Cha qua đời tại Phốt-xa-nô-va ngày 7-3-1274, đang lúc trên đường đi dự phó hội Công đồng Li-ông. Ngày 18-7-1323, đức giáo hoàng Gio-an XXII ghi tên cha vào sổ các thánh trên trời.

Ngày 11-4-1567, đức giáo hoàng Pi-ô V tuyên bố cha là vị Tiến sĩ thứ năm của Giáo hội La-tinh. Rồi ngày 4-8-1880, đức giáo hoàng Lê-ô XIII phong người làm quan thầy các đại học Công giáo. Lễ kính người hiện nay là ngày 28-1, nhằm ngày kỷ niệm việc dời thi hài của người từ Phốt-xa-nô-va về Tu-lu-dơ.

Các bài đọc : Bài đọc : Kn 7,7-10.15-16 ; Ep 3,8-12
Tin Mừng : Ga 17, 11b-19 ; Ga 16,23b-28 ; Mt 5,13-19

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa làm cho thánh Tô-ma trở nên bậc thầy lỗi lạc vì đã ban cho người lòng tha thiết sống cuộc đời thánh thiện và hăng say giảng dạy đạo lý cao siêu. Xin Chúa thương mở lòng soi trí để chúng con thêm hiểu biết giáo huấn của người và cố gắng noi gương người mãi mãi. Chúng con cầu xin

Ngày 29 tháng 1
Chân phước Vin-la-na Bốt-ti
Giáo dân Ða Minh (1332-1361)

Tiểu sử
Chị Vin-la-na sinh quán tại Phi-ren-xê nước Ý, năm 1332. Cha của chị là một thương gia rất giàu có. Sống trong một gia đình sung túc, chị đã trải qua thời tuổi trẻ dễ dãi và hay thay đổi.
Ðến tuổi lập gia đình, chị được cha mẹ gả cho một người tên là Rốt-xô Phê-rô cũng giàu có. Lúc đầu chị vẫn quen thói xưa sống nhẹ dạ, chuộng những dịp lễ lạc, thích yến tiệc và nhảy nhót. Thế rồi sau một biến cố lạ thường (người ta kể là một buổi kia chị Vin-la-na trang điểm thật lộng lẫy, nhưng nhìn vào gương thì lại thấy hình một... chú quỉ xấu xa đen đủi), chị Vin-la-na được ơn Chúa soi sáng thúc giục đã từ bỏ hết những thứ mầu mè loè loẹt, sám hối và đến xưng tội với các linh mục dòng Anh em Thuyết giáo ở tu viện Ðức Mẹ tại Nô-ven-la.

Từ đó chị xin mặc áo chị em Hãm Mình của thánh Ða Minh, dồn hết tâm lực để sống đời sống mới và tiến triển trên con đường tu đức dưới sự hướng dẫn của các anh em Dòng Thuyết giáo. Chị ham học hỏi, suy gẫm Thánh Kinh và chiêm ngắm Chúa Ki-tô chịu đóng đinh thập giá, ưa thích ăn chay, hãm mình, chịu những khinh chê, sỉ nhục và tật bệnh vì Chúa Giê-su chịu đóng đinh. Cuộc sống gương mẫu nhiệm nhặt ấy đã thu hút được nhiều phụ nữ khác sống theo gương chị.

Nhiệt tình mến Chúa và yêu thương tha nhân, chị đã phân phát quảng đại mọi của cải mình có cho những người nghèo khổ, còn chính bản thân thì đi hành khất trên các nẻo đường thành phố Phi-ren-xê. Nếu có thể, người ta sẽ tóm tắt cuộc đời chị Vin-la-na như thế đó.

Ðược Chúa ban cho nhiều hồng phúc trên trời, chị về với Chúa ngày 29-1-1301. Thi hài chị được lưu lại 37 ngày trong thánh đường tu viện Ðức Mẹ ở Nô-ven-la để giáo dân đến kính viếng. Cũng tại đây chị đã được mai táng rất trọng thể. Ngày 27-3-1824 đức giáo hoàng Lê-ô XII đã châu phê việc sùng kính chị như là chân phước.

Lời nguyện : Lạy Chúa là cha nhân từ, Chúa đã kêu gọi chân phước Vin-la-na từ bỏ mọi sự phù vân thế gian một cách lạ lùng và đã cho người vững vàng trong tinh thần khiêm tốn và sám hối thật lòng, xin Chúa cũng canh tân lòng mế Chúa trong tâm hồn chúng con và khi được đầy tràn cùng một tinh thần ấy, chúng con được xứng đáng phục vụ Chúa trong đời sống mới. Chúng con cầu xin

Ngày 30 tháng 1
Thánh Tô-ma KHUÔNG
Linh mục Dòng Ba Ða Minh, tử đạo (1780-1860)

Tiểu sử
Cậu Tô-ma Khuông sinh vào khoảng năm 1780 tại làng Nam Hòa, xứ Thiên Chư, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình quyền quí, cha từng làm tuần phủ.

Là ki-tô hữu đạo đức từ nhỏ, lớn lên người vào chủng viện và thụ phong linh mục. Sống trong giáo phận do các tu sĩ Dòng Ða Minh coi sóc, cha Khuông gia nhập Dòng Ba Ða Minh và cổ động nhiều giáo dân tham gia để thánh hóa đời sống mỗi ngày.

Trải qua ba thời bách hại của các vua Minh Mạng,Thiệu Trị, Tự Ðức, cha Tô-ma Khuông đã khôn khéo thân thiện với quan chức địa phương để có thể tiếp tục thi hành mục vụ. Nhiều lần cha bị bắt giữ, nhưng nhờ những mối quan hệ này, cha được trả tự do. Tuy nhiên từ năm 1858, cuộc bách hại của vua Tự Ðức gia tăng mãnh liệt, công việc của cha gặp khó khăn hơn nhiều.

Do áp lực của quân Pháp đã khiến vua Tự Ðức tức giận và nghi ngờ giới Công giáo tiếp tay với thực dân nên thẳng tay đàn áp họ. Một vài làng Công giáo đã tổ chức một số thanh niên để tự vệ trước sự càn quét của quân lính nhà vua. Cha Khuông khi đó đã gần 80 tuổi hoàn toàn không hưởng ứng chủ trương này. Năm 1859, thấy một số giáo dân Cao Xá tổ chức võ trang, cha liền ngăn cản và quyết định lánh sang giáo phận Ðông Ðàng Ngoài (Hải Phòng). Quyết định này đã khiến cha bị bắt và được lãnh phúc tử đạo.

Khi cha đến đầu cầu làng Trần Xá, cha thấy quân lính đã đặt sẵn ở đó một thánh giá buộc mọi người đi qua phải đạp lên. Là một linh mục của Chúa Ki-tô, cha nhất định quay lưng trở lại tìm lối đi khác. Thái độ dứt khoát đó khiến quân lính nhận ra và chận cha lại. Khi cha khẳng khái từ chối việc bước qua thánh giá, quân lính liền bắt trói cha cùng với người tín hữu đi với cha.

Sau 15 ngày giam giữ, cha Tô-ma Khuông và bốn giáo hữu khác có địa vị, được áp giải tới quan tổng đốc để xét xử. Quan tìm mọi cách ép buộc cha làm nhân chứng tố cáo những người ki-tô hữu ở Cao Xá thông đồng với tàu Pháp - Tây Ban Nha đang thả neo ngoài cửa biển, âm mưu nổi loạn chống lại nhà vua. Cha Tô-ma thẳng thắn trình bày lập trường của Giáo hội : "Ðạo Công giáo không những cấm các tín hữu chống đối chính quyền, mà còn khuyến khích họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương được an ninh thịnh vượng."

Bấy giờ, quan không nói gì đến vấn đề này nữa, chỉ bắt cha bỏ đạo, bước qua thập giá và yêu cầu cha khuyên các tín hữu khác làm như vậy để được tự do trở về nhà. Khi đó người tôi trung của Chúa trả lời : "Tôi nay đã 80 tuổi rồi, lại là linh mục Công giáo, tôi luôn luôn nhắc nhở các tín hữu trung thành giữ đạo thánh Chúa. Giờ đây, nếu tôi khuyên họ chối đạo thì tôi thật bất xứng và chẳng đáng làm linh mục. Tôi và các bạn tôi không mong ước gì hơn là được hy sinh mạng sống vì đạo thánh Chúa."

Lòng khao khát mong mỏi trên của vị anh hùng đức tin đã được thực hiện. Án trảm quyết do quan tổng đốc đệ trình lên kinh được vua Tự Ðức chuẩn y. Ngày 30-1-1860, cha Tô-ma Khuông bị điệu ra pháp trường Hưng Yên. Trên đường tới đồi Can-vê của mình, mọi người thấy vị cha già khả kính chống gậy mà người đã cẩn thận cột thêm một thanh ngang cho giống hình thánh giá, bước đi chậm rãi. Cha vui vẻ chào giã biệt những người đang ngậm ngùi thương tiếc tiễn đưa.
Cây thánh giá biểu tượng suốt đời cha tin tưởng và công bố ; cây thánh giá mà cha không bao giờ chà đạp cho dù phải chịu muôn nỗi gian khổ và cả cái chết, thì giờ đây, với cách biểu hiện rất đơn giản đó, cha muốn nói với mọi người rằng : cho tới phút cuối cùng của cuộc đời, thánh giá vẫn mãi mãi là niềm an ủi và là chỗ dựa vững chắc của người ki-tô hữu. Ðến nơi xử, cha Khuông quỳ gối trang nghiêm cầu nguyện trước cây thánh giá đó, rồi cúi đầu lãnh nhận lưỡi gươm đem lại vinh phúc ngàn thu.

Ngày 29-4-1951, cùng với 24 vị tử đạo khác tại Việt Nam, cha Tô-ma Khuông được đức thánh cha Pi-ô XII suy tôn lên hàng chân phước. Ngày 19-6-1988, đức thánh cha Gio-an Phao-lô II tôn phong người lên bậc hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Tô-ma Khuông. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin...