HOME

THÁNG TƯ

2-4 : Thánh Ða Minh Vũ Ðình Tước, Linh mục, tử đạo

5-4 : Thánh Vinh Sơn Phê-ri-ô, Linh mục - Lễ nhớ

10-4 : Chân phước An-tô-ni-ô Ni-rô, Linh mục, tử đạo

13-4 : Chân phước Ma-ga-ri-ta Cát-ten-lô, Trinh nữ

14-4 : Chân phước Phê-rô Gôn-da-lê, Linh mục

17-4 : Chân phước Cơ-la-ra Gam-ba-co-ta, Nữ tu

17-4 : Chân phước Ma-ri-a Man-xi-ni, Nữ tu

19-4 : Chân phước I-na-đô Ki-am-pô, Linh mục

19-4 : Chân phước Xi-bin-li-na Bít-cốt-xi, Trinh nữ

20-4 : Thánh A-nê Môn-tê-pun-xi-a-nô, Trinh nữ - Lễ nhớ

27-4 : Chân phước Hô-xan-na Cô-tô,Trinh nữ

29-4 : Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh - Lễ kính

29-4 : Thánh Giu-se Tuân, Linh mục, tử đạo

30-4 : Thánh Pi-ô V, Giáo hoàng - Lễ nhớ



Ngày 2 tháng 4
Thánh ÐA MINH VŨ ÐÌNH TƯỚC
Linh mục, tử đạo (1798-1839)

Tiểu sử
Ða Minh Vũ Ðình Tước sinh năm 1798 tại Trung Lao, thuộc tỉnh Nam Ðịnh. Cha vào Dòng Ða Minh ngày 17-4-1811, tuyên khấn và nhận áo dòng do chính tay đức cha I-nha-xi-ô Ðen-ga-đô trao.

Cha đang ẩn trú trong nhà ông Nhiêu Tĩnh, làng Xương Diệu, thuộc giáo phận Ðông Ðàng Ngoài, thì bị bắt vào đêm 2-4-1839, do lệnh của một viên quan bát phẩm nham hiểm tên là Ðạt Phan. Ông là quan huyện Cẩm Hà, nổi tiếng thù nghịch đạo và là một nịnh thần. Chính ông ra lệnh bắt đức cha Hê-na-rết.

Lúc đầu, giáo dân không ngăn cản vì tưởng là lệnh của vua. Sau khi họ phát giác đó là âm mưu của bọn vô lại do quan huyện Ðạt Phan điều khiển, thì họ góp tiền để chuộc cha, và nếu cần, họ sẽ dùng đến vũ lực.

Khi giáo dân đuổi kịp, họ tấn công giải cứu. Lúc ấy, có người lính tên Ngọc theo lệnh của quan, đập một quả chày vào đầu cha, máu phun lênh láng. Cha hấp hối, miệng cứ phó linh hồn trong tay Chúa. Cha chết trên đường đưa về Cẩm Hà. Xác cha được chôn cất trong nhà thờ Xương Diệu.

Ðức thánh cha Lê-ô XIII phong chân phước cho người ngày 27-5-1900. Và đức thánh cha Gio-an Phao-lô II tôn phong người lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Ða Minh Tước. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 5 tháng 4
Thánh VINH SƠN PHÊ-RI-Ô
Linh mục - Lễ nhớ (1350-1419)

Tiểu sử
Cậu Vinh Sơn sinh trưởng trong một gia đình đạo đức thuộc miền Va-len-xi-a nước Tây Ban Nha năm 1350. Từ nhỏ, cậu đã có trí sáng và những khuynh hướng tốt mà Chúa sẽ sử dụng sau này làm phương tiện đưa các linh hồn về cho Chúa.

Năm 17 tuổi, cậu Vinh Sơn gia nhập Dòng Ða Minh. Sau những năm được huấn luyện, thầy đã phát triển những khả năng tiềm ẩn Chúa ban : đêm ngày chăm chỉ học hỏi những khoa học thánh, đời sống nhiệm nhặt và ân cần tuân giữ những kỷ luật của đời tu. Ðây là một chứng từ đậm nét được lưu lại trong tác phẩm viết về đời sống thiêng liêng do chính người biên soạn.

Sau khi lãnh tác vụ linh mục, cha Vinh Sơn dồn mọi nỗ lực vào việc giảng dạy triết học và thần học đồng thời cũng đảm nhận nhiều công việc phục vụ khác như : giúp đỡ hồng y Ðặc sứ Phê-rô Lu-na và vua A-ra-gông Gio-an I sắp xếp tổ chức nhiều công việc cả về đạo lẫn đời. Dần dần, cha hiến trọn đời cho việc giảng Tin Mừng, trước hết tại A-vi-nhông, nơi đức giáo hoàng đang lưu trú, rồi ở miền trung nước Pháp và nước Ý. Mãi đến năm 1399, cha hoàn toàn dành trọn thời giờ và sức lực vào sứ vụ giảng thuyết ở khắp nơi.

Ðược mệnh danh là sứ giả phát xuất từ cạnh nương long của Chúa Ki-tô như thể được Chúa đặc biệt chấp nhận sứ vụ của cha, điều đó chính cha đã viết trong bức thư gửi cho nguỵ giáo hoàng Biển Ðức XIII. Tuy nhiên, thành công trong cuộc đời giảng thuyết của cha không phải là kết quả của một tài năng thuyết giảng, nhưng là sự chuẩn bị lâu dài bằng thức khuya dậy sớm, ăn chay hãm mình và đặc biệt là được hỗ trợ bằng lời cầu nguyện.

Cha Vinh Sơn hết lòng phục vụ cho sự hòa bình và thống nhất của Giáo hội lúc bấy giờ đang đau khổ vì chia rẽ, cha bỏ ngụy giáo hoàng mà lúc đầu cha đi theo vì lòng thành. Chúa Thánh Thần ban cho cha đặc ân làm phép lạ và khả năng kỳ diệu trong công tác tông đồ. Cha du thuyết khắp vùng Tây Âu, lừng danh là một nhà giảng thuyết vĩ đại đầy đoàn sủng và Chúa đã ban cho cha thành công trong việc cứu được rất nhiều linh hồn.

Cha qua đời ở Van ngày 5-4-1419. Ngày 29-6-1455 đức giáo hoàng Ca-lít-tô III ghi tên cha vào sổ các thánh trên trời.

Bài đọc : Kh 14,6-7 (MPS) ; Ed 37,1-14 ; Tt 2,11-14;3,3-7 ; Tin Mừng : Lc 10,1-9

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã làm cho thánh Vinh Sơn linh mục nên thừa tác viên truyền giảng Tin Mừng, xin Chúa cho chúng con khi còn ở dưới thế đã được nghe người loan báo vị Thẩm Phán sẽ đến, cùng được diễm phúc nhìn thấy Người đang hiển trị trên trời. Chúng con cầu xin

Ngày 10 tháng 4
Chân phước AN-TÔ-NI-Ô NI-RO
Linh mục, tử đạo (1423-1460)

Tiểu sử
Cậu An-tô-ni-ô sinh tại Pơ-rút-li, thuộc giáo phận Tu-ri-nô nước Ý, vào khoảng năm 1423. Ðến tuổi trưởng thành, cậu xin gia nhập dòng Anh em Thuyết giáo. Cậu được thánh An-tô-ni-nô nhận vào tu viện thánh Mác-cô ở Phi-ren-xê và được lãnh tu phục quãng giữa thế kỷ XV. Trong suốt giai đoạn đào tạo, thánh An-tô-ni-nô đã tận tình hướng dẫn thầy thích nghi với đời sống kỷ luật tu trì và chuyên cần rèn luyện đời sống tâm linh.

Cha là một người can đảm và hoạt bát phi thường, điều gì cũng muốn thấy, điều gì cũng muốn kinh nghiệm. Một lần kia trên đường biển từ Xi-xi-li-a đến Nê-a-pô-li, cha bị quân cướp biển bắt sau khi đã can đảm chiến đấu ; rồi cha bị dẫn về Tu-ni-xi-ê năm 1458. Ở đây, phần bị ngược đãi, phần bị cám dỗ về những mơn trớn giác quan, cha nản lòng đã chối đạo và lại còn lập gia đình nữa !

Tuy nhiên, ơn Chúa vẫn thương dõi theo cha và thôi thúc cha quay gót trở về. Ðó là khi cha được tin đức giám mục An-tô-ni-nô đã qua đời cách thánh thiện. Cha mặc lại bộ áo dòng xưa, trong nước mắt và chay tịnh ; cha tỏ lòng sám hối, xin xưng tội và rước lễ. Sau đó, cha đến gặp nhà vua và tỏ ý sẵn sàng chịu tử đạo. Trước mặt vua quan và dân chúng, cha tự thú tội bội giáo của mình, tuyên bố chỉ có đạo Chúa Ki-tô là chính đạo mà mình đã trót phản bội rồi hăng hái rao giảng về Người.

Nhà vua tức giận bỏ tù và nộp cha cho toà án xét xử. Từ đây, lời lẽ ngon ngọt đến đâu cũng chẳng dụ dỗ được cha, thậm chí đòn vọt cũng không thể làm cho cha xiêu lòng.

Sáng ngày thứ Năm Tuần Thánh năm 1460, cha bị gọi ra tòa lần cuối, nhưng vẫn một lòng sắt son và trung thành với đức tin Công giáo. Tòa truyền lệnh ném đá và cha đã lãnh nhận triều thiên tử đạo. Ngày 22-2-1767, đức giáo hoàng Cơ-lê-men-tê XIII đã phong chân phước cho cha.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã thương gọi chân Phước An-tô-ni-ô trở lại với ánh sáng chân lý của Chúa, và đã làm cho người nên vị tử đạo anh hùng. Xin Chúa cho chúng con khi đã cảm thông những nỗi cay đắng của người, chúng con biết từ bỏ mình và mến yêu Chúa trên hết mọi sự. Chúng con cầu xin

Ngày 13 tháng 4
Chân phước MA-GA-RI-TA CÁT-TEN-LÔ
Trinh nữ (1287-1320)

Tiểu sử
Chị Ma-ga-ri-ta sinh trưởng trong một gia đình có thế giá, chào đời tại Ti-xê-ni, nước Ý, quãng năm 1287. Bất hạnh thay, vừa lọt lòng mẹ chị đã chẳng được thấy ánh sáng ! Cha mẹ tìm thầy chạy thuốc, khấn vái khắp nơi mà vẫn không thấy kết quả, bèn ngã lòng vứt bỏ đứa con.

May thay ! chị Ma-ga-ri-ta được một phụ nữ đạo đức đem về nuôi nấng dạy dỗ. Càng thêm tuổi, chị Ma-ga-ri-ta càng tiến bộ về đạo đức lẫn hiểu biết, khiến mọi người đều quí mến chị. Lớn lên, chị Ma-ga-ri-ta phó thác cuộc đời cho một mình Thiên Chúa và sống trong Huynh Ðoàn Hãm Mình của thánh Ða Minh, bắt đầu một cuộc đời hãm mình ăn chay và cầu nguyện.

Mỗi tuần, chị ăn chay bốn ngày, đặc biệt từ lễ suy tôn Thánh Giá đến lễ Phục Sinh là thời gian chị ăn chay liên tục. Chị thuộc lòng 150 thánh vịnh và dùng thánh vịnh làm "chất dinh dưỡng" tâm tình cầu nguyện.

Chị Ma-ga-ri-ta có lòng kính mến Thiên Chúa và tôn sùng Ðức Mẹ cách đặc biệt. Ðiểm nổi bật trong đời sống thiêng liêng của chị là chuyên cần suy niệm mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể. Những lúc suy niệm như thế, chị được ánh sáng Chúa Ki-tô ban nhiều ơn an ủi trong tâm hồn.

Năm 33 tuổi, chị được gọi về chiêm ngưỡng Thiên Chúa, Ðấng mà nơi trần thế chị vẫn hằng kiếm tìm bằng con mắt đức tin, hôm đó là ngày 13-4-1320. Ðức giáo hoàng Cơ-lê-men-tê X đã tôn phong chân phước cho chị Ma-ga-ri-ta vào ngày 6-4-1675.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã cho chân phước Ma-ga-ri-ta khi không nhìn thấy ánh sáng thế gian, thì lại được tràn đầy ánh sáng đức tin trong tâm hồn, và khi con mắt tâm hồn được soi sáng, người chỉ còn chiêm ngưỡng duy một mình Chúa. Xin Chúa cũng nên ánh sáng cho mắt tâm hồn chúng con, để khi thoát khỏi bóng tối của thế gian này, chúng con đạt tới quê hương của ánh huy hoàng vĩnh cửu. Chúng con cầu xin

Ngày 14 tháng 4
Chân phước PHÊ-RÔ GÔN-DA-LÊ
Linh mục (+1246)

Tiểu sử
Cậu Phê-rô Gôn-da-lê chào đời tại Pa-len-xi-a nước Tây Ban Nha vào khoảng thế kỷ XII. Lớn lên, cậu Phê-rô được đức giám mục Pa-len-xi-a săn sóc, nuôi nấng rồi cho theo học khoa văn chương và triết học.

Sau khi lãnh thừa tác vụ linh mục, cha Phê-rô làm kinh sĩ nhà thờ chính tòa rồi được bầu làm kinh sĩ trưởng (De canatus). Thế nhưng quyền chức, danh vọng và tiền tài đã làm cho vị kinh sĩ này mờ mắt, người chạy theo những sự thói đời ưa chuộng : ăn mặc xa hoa, đua ngựa, thích được hoan hô... Tuy nhiên, ơn Chúa vẫn ngày đêm vẫy gọi và níu kéo cha trở về : vào dịp lễ Giáng sinh, trong lúc ăn mặc sang trọng, ngựa đang phi nước đại bỗng hất cha vào giữa cánh đồng sình lầy, thay vì tiếng hoan hô, cha lại được nghe những tiếng cười chế giễu.

Nhờ ơn Chúa soi dẫn, cha xin mặc áo Dòng Ða Minh, cởi bỏ con người cũ và mặc lấy cuộc sống mới. Trước kia, cha ham thích danh vọng bao nhiêu, thì giờ đây lại cố gắng ăn ở khiêm tốn bấy nhiêu. Cuộc sống của cha toả chiếu niềm xác tín và nhiệt tâm khao khát cầu nguyện. Cha luôn sẵn sàng cứu giúp tha nhân, nhất là lo lắng cho phần rỗi của họ. Cha đặc biệt lưu tâm đến những người nghèo khổ, nhất là những người làm nghề chài lưới, quanh năm kiếm sống giữa những hiểm nguy của biển cả. Từ đó, cha trở thành vị bảo trợ các thủy thủ, và giới bình dân gọi cha là "ông thánh Ten-mô", do tích cha đã giúp dẹp yên một cơn bão biển rất giữ dội.

Cha từ giã biển đời ngày 14-4-1246 tại Tuy. Ngày 13-12-1741, đức giáo hoàng Biển Ðức XIV tôn phong cha Phê-rô Gôn-da-lê lên bậc chân phước.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã bày tỏ quyền năng kỳ diệu của Ngài qua những việc lạ lùng mà chân phước Phê-rô đã thực hiện giữa những hiểm nguy trên biển cả, xin nhờ lời người cầu thay nguyện giúp cho chúng con đang sống giữa những bão tố của cuộc đời này, luôn được ánh sáng ân sủng Chúa soi dẫn và nhờ đó tìm thấy cửa dẫn vào ơn cứu độ đời đời. Chúng con cầu xin

Ngày 17 tháng 4
Chân phước Cơ-la-ra Gam-ba-co-ta
Nữ tu (1362-1419)

Tiểu sử
Chị Cơ-la-ra là con ông Phê-rô Gam-ba-co-ta, một người danh giá sinh sống tại Pi-xa. Chị chào đời năm 1362 ở Phi-ren-xê.

Dầu là con một gia đình danh giá, có tiền bạc, có nhan sắc nhưng chị Cơ-la-ra lại mến chuộng nhân đức hơn là cuộc sống phù phiếm, nhất là có lòng thương cảm và rộng tay cứu giúp người nghèo. Năm 12 tuổi, chị Cơ-la-ra kết duyên với một thanh niên giàu có và quyền thế, anh này cũng cư trú ở Pi-xa. Dù sống trong bậc hôn nhân, chị vẫn một lòng tiết chế và đoan trang với lòng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

Ba năm sau khi lập gia đình, tức năm 15 tuổi, chị đã trở thành một góa phụ trẻ tuổi. Nhận được tin chồng qua đời, chị cắt tóc và trốn cha mẹ đến ẩn náu trong tu viện thánh Mác-ti-nô. Vì cha mẹ và những người thân không đồng ý, nên họ đã đến tu viện bắt chị về giam lại, gây nhiều phiền toái và nghịch cảnh, hầu mong chị từ bỏ ý định thánh thiện là dâng mình cho Chúa. Thế nhưng chị vẫn một lòng kiên nhẫn chịu đựng. Vì thương con bị giam cầm hơn 5 tháng trời ròng rã, nên mẹ chị đã xin cho chị được tự do.

Khi đã được tự do, chị Cơ-la-ra theo lời khuyên của thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, đã xin mặc áo dòng và vào tu trong đan viện Thánh Giá ở Pi-xa. Sống trong đan viện thánh giá này được 4 năm, vì ước ao được giữ kỷ luật nghiêm ngặt hơn, nên chị đã xin thân phụ xây cho một tu viện mới lấy tên là tu viện thánh Ða Minh, để cùng với một số chị em có điều kiện thuận lợi thực hiện điều mong ước. Trong nhiệm vụ coi sóc cộng đoàn, chị tỏ ra rất khôn ngoan và bác ái ; đặc biệt đối với những người đã sát hại cha và hai người anh của chị, chẳng những chị đã không tố cáo mà còn nuôi nấng, giúp đỡ và che chở nữa. Chị luôn đề cao và cổ võ việc giáo dục, khuyên nhủ các chị em siêng năng đọc sách và luyện tập tinh thần học hỏi.

Ngày 17-4-1419 là ngày chấm dứt cuộc sống của chị ở trần gian. Ngày 24-4-1830, đức giáo hoàng Pi-� VIII phong chân phước cho chị Cơ-la-ra.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa nhân từ và giàu lòng thương xót, xin ban cho chúng con tinh thần cầu nguyện và sám hối, để khi bước theo chân phước Cơ-la-ra, chúng con cũng xứng đáng lãnh nhận triều thiên mà người đã được lãnh nhận ở trên trời. Chúng con cầu xin

Ngày 17 tháng 4
Chân phước Ma-ri-a Man-xi-ni
Nữ tu (+1431)

Tiểu sử
Chị Ma-ri-a Man-xi-ni chào đời quãng thế kỷ XIV ở vùng Pi-xa nước Ý. Ðến tuổi trưởng thành, vì vâng lời cha mẹ, chị kết hôn với một chàng thanh niên khá giả. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau ngày kết hôn, chồng chị đã qua đời. Thế là chị đành phải đi thêm một bước nữa, kết bạn với một thanh niên khác, nhưng người này cũng chết. Hai lần góa chồng lại không có con cái, chị quyết tâm từ nay sống một đời luyện tập nhân đức mà thôi.

Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na trong dịp đến Pi-xa đã gặp chị Ma-ri-a và nhờ lời khuyên của thánh nữ, chị Ma-ri-a đã xin mặc áo Dòng Ða Minh, hồi đó gọi là Chị Em Hãm Mình. Ít lâu sau, chị phân phát hết của cải cho người nghèo và xin gia nhập đan viện Thánh Giá. Tại đây, chị đã nên gương sáng cho chị em, nhất là về nếp sống thanh bần. Khi ông Phê-rô Gam-ba-co-ta hoàn thành việc xây cất tu viện thánh Ða Minh, chị Ma-ri-a theo chị Cơ-la-ra Gam-ba-co-ta sang tu viện mới cùng với một số chị em cùng chung lý tưởng. Từ ngày trở thành một nữ đan sĩ, chị hoàn toàn dâng hiến cuộc đời để làm việc sám hối và chiêm ngưỡng Thiên Chúa.

Sau khi chị Cơ-la-ra qua đời, cộng đoàn bầu chị Ma-ri-a làm bề trên. Chị có đời sống gương mẫu tràn đầy nhân đức và ơn lạ.

Chị Ma-ri-a về với Chúa ngày 22-1-1431. Ngày 2-8-1855, đức giáo hoàng Pi-� IX tôn phong chị Ma-ri-a lên hàng chân phước.

Lời nguyện : Lạy Chúa là đấng ban phát mọi ơn lành và luôn ủi an những người phiền muộn. Chúa đã làm cho chân phước Ma-ri-a trở nên kiên nhẫn lạ thường và có được tâm hồn quả cảm giữa những nghịch cảnh của cuộc đời. Xin Chúa nhờ lời người chuyển cầu cho chúng con thành tâm tìm kiếm và tuân phục ý Chúa khi trung thành bước đi trên những nẻo đường đời. Chúng con cầu xin

Ngày 19 tháng 4
Chân phước I-na-đô Ki-am-pô
Linh mục (+1244)

Tiểu sử
Cậu I-na-đô sinh tại làng Ki-am-pô gần Vi-xen-da, nước Ý vào cuối năm 1218. Cậu xin gia nhập Dòng Anh em Thuyết giáo ở Bô-nô-ni-a.

Cha I-na-đô theo sát gương thánh Tổ phụ, nhờ ơn Chúa, cha tiến nhanh trên đường thánh thiện, chuyên chăm học hỏi Kinh thánh, say mê suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa và các mầu nhiệm nước trời.

Ðược trao phó nhiệm vụ giảng thuyết, cha I-na-đô đã loan báo Tin Mừng Cứu độ cho tha nhân và dẫn đưa nhiều người lầm lạc trở về với đức tin chân chính. Cha được khen là "một tu sĩ hăng say và một nhà giảng thuyết rất tài ba", giữ đức thanh khiết trong "thân xác và tâm hồn", lại còn nổi tiếng về những phép lạ.

Năm 1330, đức giám mục Cô-đôn-ban-đô thành Pa-vi-a trao tặng các tu sĩ Thuyết giáo thánh đường Ðức Mẹ Na-da-rét và một khu đất gần thành phố, cha I-na-đô được cử đến thiết lập tu viện. Cha đã hoàn tất công việc này cách tốt đẹp và giữ chức tu viện trưởng tại đây cho tới lúc qua đời vào ngày 19-3-1244. Ngày 12-3-1919, đức giáo hoàng Biển Ðức XV phong cha I-na-đô lên hàng chân phước.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã dùng ánh sáng thượng trí của Chúa mà xua tan bóng tối bao phủ tâm trí chúng con. Nhờ công đức và lời chuyển cầu của chân phước I-na-đô, xin gia tăng đức tin cho chúng con, để ngọn lửa ân sủng Chúa đã soi sáng cho người cũng dập tắt mọi cơn cám dỗ trong tâm hồn chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 19 tháng 4
Chân phước Xi-bin-li-na Bít-cốt-xi
Trinh nữ (1287-1367)

Tiểu sử
Chị Xi-bin-li-na Bít-cốt-xi chào đời tại Pa-vi-a, nước Ý, năm 1287, trong một gia đình đạo đức. Ngay từ thuở thiếu thời, chị Xi-bin-li-na đã ham thích việc cầu nguyện và những đức tính tốt.

Năm mười hai tuổi, chị đã phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ ; lại còn bị mù cả hai mắt. Các Chị Em Hãm Mình đã nhận chị về nuôi dưỡng và giáo dục. Các chị em này dạy cho chị Xi-bin-li-na cầu nguyện và xét mình. Sau khi đã học biết tu luật, chị Xi-bin-li-na được lãnh tu phục. Vốn đã sẵn lòng yêu mến các nhân đức, nay lại được dạy dỗ tỉ mỉ, chị càng ngày càng yêu thích tìm hiểu sâu xa các mầu nhiệm về Thiên Chúa.

Chị đã sống trọn 65 năm trong một nguyện đường của các anh em Thuyết giáo, đêm ngày luyện tập nhân đức, ăn chay hãm mình và cầu nguyện. Chị không để thời giờ qua đi vô ích. Mỗi khi cần nói cho ai, chị thường nói về những sự trên trời. Nét đặc biệt trong đời sống thiêng liêng của chị là lòng kính tôn Chúa Giê-su chịu đóng đinh và Chúa Thánh Thần. Tuy mắt không nhìn thấy ánh sáng, nhưng chị đã dùng ánh sáng nội tâm soi đường dẫn lối cho nhiều người khi họ đến với chị.

Chị Xi-bin-li-na đã lìa thế vào ngày 19-3-1367, hưởng thọ 80 tuổi. Ngày 17-8-1854, đức giáo hoàng Pi-ô IX tôn phong chị lên hàng chân phước.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã dùng ngọn lửa Chúa Thánh Thần để tái sinh đời sống thiêng liêng của chân phước Xi-bin-li-na cách lạ lùng. Xin thắp lên trong tâm hồn chúng con ngọn lửa tái sinh ấy, ngõ hầu chúng con kín múc được những ân huệ từ cuộc khổ nạn của Ðức Giê-su, và không ngừng lớn lên trong tình yêu của Người. Chúng con cầu xin

Ngày 20 tháng 4
Thánh A-NÊ MÔN-TÊ-PUN-XI-A-NÔ
Trinh nữ - Lễ nhớ (1268-1317)

Tiểu sư
Chị A-nê sinh tại thị trấn Gơ-ra-xi-a-nô nước Ý, năm 1268, trong một gia đình giàu có. Mới lên chín tuổi, chị đã gia nhập đoàn trinh nữ ở Môn-tê-pun-xi-a-nô. Năm 15 tuổi, vì vâng lệnh đức thánh cha, chị đành phải nhận chức bề trên tân tu viện do chị đã tích cực cổ võ xây dựng ở Vi-téc-bô.

Hai mươi hai năm sau, do lời thỉnh cầu của những người dân vùng Môn-tê-pun-xi-a-nô, chị trở về đan viện do chị mới thành lập ở đó và sống theo tu luật thánh Âu Tinh. Ít lâu sau, đan viện này hoàn toàn được đặt dưới sự hướng dẫn của Dòng Anh em Thuyết giáo, bởi các chị khao khát theo đuổi sự hoàn thiện của Tin Mừng theo tinh thần của thánh Ða Minh.

Cuộc đời của chị nên gương sáng cho mọi người về nhiều đức tính như : khiêm nhường, trong trắng, thương người, hãm mình cầu nguyện. Thêm vào đó, người còn có lòng sùng kính Chúa Giê-su Hài Ðồng và Mẹ Ma-ri-a Ðồng trinh cách đặc biệt. Ðược hồng ân của Chúa Thánh Thần nâng đỡ, chị đã nên gương sáng về đời sống cầu nguyện và tinh thần bác ái, cổ võ dân chúng xây dựng cuộc sống đoàn kết và hòa bình. Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na ca tụng chị là "người mẹ vinh hiển đã dạy dỗ và nên gương khiêm nhường, xứng đáng cho mọi người noi theo."

Chị qua đời ngày 20-4-1317 và ngày 10-12-1726 chị được đức giáo hoàng Biển Ðức XIII ghi tên vào sổ các trinh nữ trên trời.

Bài đọc : Kh 5,11-14 ; 2 Cr 10,17-11,2 ; Tin Mừng : Mt 11,25-30

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã điểm trang cho hiền thê của Chúa là thánh A-nê bằng tinh thần sốt sắng cầu nguyện. Xin cho chúng con biết noi gương người, luôn hướng tâm hồn lên Chúa. Nhờ đó, chúng con có thể tận hưởng hoa trái dồi dào bởi lòng yêu mến và khao khát cầu nguyện. Chúng con cầu xin

Ngày 27 tháng 4
Chân phước HÔ-XAN-NA CÔ-TÔ
Trinh nữ (1493-1565)

Tiểu sử
Chị Hô-xan-na chào đời năm 1493 tại làng Môn-tê Ni-gơ-ri. Cha mẹ chị là những tín hữu theo Chính Thống giáo. Lúc còn nhỏ, chị giúp gia đình bằng việc chăn chiên. Lớn lên, chị xin mẹ cho chị lên tỉnh để học biết Chúa. Chị được nhận vào giúp việc trong một gia đình đạo đức. Lần nọ, được nghe giảng về Chúa Giê-su chịu khổ nạn, chị đã cảm động và ao ước được trở nên giống Người, do đó, chị đã xin gia nhập Dòng Ba Ða Minh và lấy tên là Hô-xan-na.

Từ đây, chị bắt đầu một cuộc sống gắn bó thân tình với Thiên Chúa, suy niệm về những kỳ công Người đã thực hiện nơi tạo vật và chuyên cần cầu nguyện, kèm theo việc ăn chay hãm mình. Chị không chỉ chăm chú lo lắng cho phần rỗi của mình mà còn cho tha nhân, nhất là những người chưa nhận biết Chúa và những người bị bỏ rơi.

Chị qua đời ngày 27-4-1565. Ngày 21-12-1927, đức giáo hoàng Pi-ô XI tôn phong chân phước và tuyên dương chị là người cổ võ sự thống nhất Giáo hội.

Lời nguyện : Lạy Chúa, xin đổ tràn tâm hồn chúng con lòng yêu mến thánh giá Chúa. Nhờ lời cầu bầu và gương sáng của chân phước Hô-xan-na đã hy sinh cho sự hiệp nhất Giáo hội, xin cho chúng con được xứng đáng thông phần vào những đau khổ và vinh quang của Ngài. Ngài là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. A-men

Ngày 29 tháng 4
Thánh CA-TA-RI-NA XI-Ê-NA
Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh - Lễ kính (1347-1380)

Tiểu sử
Chị Ca-ta-ri-na là con áp út trong một gia đình đạo đức có 25 người con. Chị chào đời tại phố Phôn-tê-bơ-ran-đa, miền Xi-ê-na nước Ý năm 1347. Thân phụ là ông Gơ-ra-cô-mô Bê-nin-ca-sa làm nghề thợ nhuộm ; thân mẫu là bà La-pa.

Hồi còn là ấu niên (1354), được ơn Chúa dự liệu, chị đã khấn giữ đức trinh khiết và lướt thắng nhiều khó khăn do những người thân gây ra. Chị đã khởi sự sống cầu nguyện, hãm mình nhiệm nhặt cùng với các Chị Em Hãm Mình Ða Minh (1363), say mê chiêm niệm chân lý đệ nhất là Thiên Chúa mà chị cho là ngọt ngào nhất. Chị cố gắng "nhận biết Thiên Chúa ở trong con người của mình và mình ở trong Thiên Chúa." Sống tại gia đình rất nhiệm nhặt cho đến năm 1370 là năm chị nhận được mệnh lệnh của Chúa Giê-su để bước vào hành trình dấn thân làm việc tông đồ.

Từ đó, chị được Chúa Thánh Thần ban nhiều ân huệ lạ lùng và chị ngoan ngoãn tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Linh. Lạ lùng thay ! chị có khả năng kết hiệp việc chiêm niệm những mầu nhiệm cao siêu trong thâm tâm với những hoạt động tông đồ bên ngoài. Chị đã dùng những lời nói sắc bén và những bức thư hối thúc đức giáo hoàng trở về Rô-ma (1376). Thêm vào đó, chị còn tạo điều kiện cho nhiều người nam nữ thuộc mọi tầng lớp xã hội đi theo con đường thánh đức và bình an. Lòng bừng cháy lửa mến Chúa, chị nỗ lực để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá, nên đã xứng đáng được Chúa dùng những tia sáng in các thương tích của Người nơi thân xác chị vào ngày 1-4-1375.

Trong sắc phong thánh của chị có viết : "Giáo thuyết của người không phải là do học hỏi, người được coi là mẫu sư hơn là môn sinh". Chị đã để lại cho hậu thế nhiều tài liệu thiêng liêng và thần học quý giá, nhất là cuốn "Ðối thoại" (1378), nên ngay từ thời đó, chị đã được đoàn môn sinh gọi là "Mẹ". Danh hiệu ấy vẫn còn được lưu truyền trong đại Gia đình Ða Minh cho đến ngày nay.

Chị qua đời tại Rô-ma ngày 29-4- 1380 và được an táng tại vương cung thánh đường Ðức Ma-ri-a thành Mi-nê-va. Ðức giáo hoàng Pi-� II đã ghi tên chị vào sổ các hiển thánh ngày 29-6-1461 ; và ngày 4-10-1970, đức giáo hoàng Phao-lô VI tôn phong chị lên bậc tiến sĩ Hội Thánh.

Bài đọc : Kh 1,5-8 ; Cl 1,24-29 ; 1 Ga 1,5-2,2 ; Tin Mừng : Ga 7,14b.18,37b-39 ; Ga 14,21-26

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Ca-ta-ri-na được nhiệt tình yêu mến Chúa khi chiêm ngưỡng cuộc khổ nạn của Ðức Ki-tô và hăng say phục vụ Hội Thánh. Nhờ lời thánh nữ chuyển cầu, xin cho dân Chúa khi đã thông phần mầu nhiệm Thương khó và Phục sinh của Ðức Ki-tô, thì cũng được phấn khởi reo mừng khi vinh quang Người tỏ hiện. Chúng con cầu xin

Ngày 29 tháng 4
Thánh GIU-SE TUÂN
Linh mục, tử đạo (1811-1861)

Tiểu sử
Cậu Giu-se Tuân sinh khoảng năm 1811 tại xứ Cao Xá, tỉnh Hưng Yên, nay là tỉnh Hải Hưng trong một gia đình nông dân, nhưng đạo đức. Từ nhỏ, cậu Tuân đã được nhận vào nhà Ðức Chúa Trời, sau đó được chọn vào chủng viện, học thần học để thụ phong linh mục.

Năm 1857 cha Giu-se Tuân xin nhập dòng Anh em Thuyết giáo ; năm sau cha tuyên khấn và trở thành tu sĩ gương mẫu.

Năm 1859, quân Pháp cho tàu vào Ðà Nẵng bắn phá, vua Tự Ðức ra lệnh truy lùng người Công giáo vì sợ người có đạo tiếp tay với bọn thực dân. Cuộc bách hại thật khốc liệt. Cha Tuân cũng như bao vị linh mục thừa sai vào Việt Nam đều phải ẩn tránh để âm thầm phục vụ giáo dân.

Ðầu năm 1861, khi cha Ðang ở Ngọc Ðồng, có một bà già bị bệnh nặng sai con đi tìm cha đến ban các phép sau hết, cha vội đến nhà bà. Không ngờ đứa con ngỗ nghịch, ham lợi, đi tố giác cha để kiếm ít tiền. Quan quân bắt cha giải lên tỉnh Hưng Yên nộp cho quan tổng đốc.

Dù bị tra tấn giã man, cha vẫn hiên ngang giữ vững đức tin. Khi thấy không thuyết phục được cha chối đạo, quan gửi thư về triều đình xin nghị án. Vua Tự Ðức châu phê với bản án trảm quyết. Ngày 30-4-1861, cha bị đem ra pháp trường Hưng Yên xử chém.

Ngày 29-4-1951, đức thánh cha Pi-ô XII suy tôn linh mục Giu-se Tuân lên bậc chân phước. Ngày 19-6-1988, đức thánh cha Gio-an Phao-lô II nâng người lên bậc hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Giu-se Tuân. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 30 tháng 4
Thánh Pi-� V
Giáo hoàng - Lễ nhớ (1504-1572)

Tiểu sử
Cậu An-tô-ni-ô Ghít-li-ê-ri sinh tại Bốt-xô gần A-lê-xan-ri-a nước Ý năm 1504. Năm 16 tuổi, cậu xin gia nhập dòng Anh em Thuyết giáo và đổi tên là Mi-ca-en (1520). Cuộc sống của thầy nổi bật về đức khiêm tốn, tinh thần cầu nguyện liên lỉ, khao khát tìm vinh danh Chúa trong đức vâng phục và nhất là tinh thần yêu mến kỷ luật. Thầy lãnh tác vụ linh mục năm 1528, nhận chức giáo sư thần học và giảng dạy trong suốt 15 năm trời.

Trong dòng, cha nhiều lần giữ chức bề trên tu viện, nổi tiếng về đời sống nhiệm nhặt. Trong Giáo hội, năm 1551, cha giữ chức Cao ủy Tòa tra Rô-ma, năm 1556, đức giáo hoàng Phao-lô IV đặt cha làm giám mục Nê-pi và Xu-tơ-ri, năm sau được phong chức hồng y, và đến năm 1560 được đức giáo hoàng Pi-� IV cử coi sóc giáo phận Môn-đô-vi xứ Pi-� môn-tê.

Khi đức giáo hoàng Pi-ô IV băng hà, hồng y Ghít-li-ê-ri được tiến cử giữ chức vụ chủ chăn tối cao, lấy tên là Pi-� V (7-1-1566). Ðược thánh Ca-rô-lô Bô-rô-mê-ô trợ giúp, đức tân giáo hoàng dốc toàn tâm toàn lực lo phần rỗi các linh hồn và canh tân Giáo hội. Người cương quyết bảo vệ đức tin Công giáo, đẩy lui những bè phái dị giáo, làm cho đức tin ngày càng lan rộng và thi hành những quyết nghị của Công đồng Tren-tô. Người tuần tự và triệt để cải tổ giáo triều Rô-ma, cho công bố "Sách Giáo lý Rô-ma" (1556). Bằng nhiều cách, người liệu cho việc đào tạo hàng giáo sĩ được chắc chắn, nhất là lấy bộ Tổng Yếu Thần Học của thánh Tô-ma làm sách giáo khoa cho các chủng viện. Tước hiệu tiến sĩ Giáo hội được dành cho một số thánh nhân lỗi lạc nay được người mở rộng. Người đã tôn thánh Tô-ma tiến sĩ Thiên Thần là vị tiến sĩ thứ năm của Giáo hội La-tinh vào năm 1567. Người còn cổ võ việc canh tân và thống nhất phụng vụ một cách hữu hiệu và bền vững khi cho ấn hành sách nguyện năm 1568 và sách lễ Rô-ma năm 1570. Người đề cao sự thống nhất tín lý theo truyền thống giữa Giáo hội Ðông phương và Giáo hội La-tinh bằng cách suy tôn với cùng một phẩm tước trong phụng vụ bốn vị đại tiến sĩ của mỗi Giáo hội.

Người sử dụng hết tài lực để ngăn cản địch thù đức tin, điển hình nhất là người đã chuẩn bị một đoàn tàu viễn chinh chống hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ. Nhờ đó, các chiến sĩ Công giáo đã thắng trận tại vịnh Lê-pan-tô ngày 7-10-1571. Cảm kích trước cuộc thắng trận mà người tuyên bố là do lời chuyển cầu của Ðức Mẹ Mân côi, nên người lập lễ kính Ðức Mẹ Mân côi năm 1572.

Người từ trần ngày 1-5-1572. Ngày 1-5-1672, đức giáo hoàng Cơ-lê-men-tê X tôn người lên hàng chân phước và đức Cơ-lê-men-tê XI ghi danh người vào sổ các thánh ngày 22-5-1712.

Bài đọc : Cv 20,17-18a.28-32.36 ; 1 Cr 2,1-10a; Tin Mừng : Ga 21,15-17 ; Lc 22,28-32

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã an bài cho thánh Pi-ô trở thành người bảo vệ đức tin và canh tân phụng vụ. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho chúng con biết cử hành các mầu nhiệm của Chúa với đức tin sống động và lòng yêu mến nhiệt thành. Chúng con cầu xin